Bộ quốc phong: trung quốc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BỘ QUỐC PHÒNG

ĐỐI NGOẠI QUỐC PHÒNG VIỆT NAM – TRUNG QUỐC VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG TRONG KÌ ĐẠI HỘI ĐẢNG X

(2006 – 2011)

          Kính thưa các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng và chuyên viên của các Bộ Ban ngành liên quan. Thay mặt Bộ Quốc phòng, sau đây tôi xin được trình bày Báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề Chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Biển Đông  là một biển rìa lục địa, một phần của Thái Bình Dương, bao phủ một diện tích lớn từ Singapore tới eo biển Đài Loan, có vị trí địa chính trị quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam. Thời gian gần đây, vấn đề tranh chấp biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ngày càng trở thành vấn đề nóng bỏng với những biến chuyển và động thái khôn lường.

Quán triệt tinh thần Đại hội Đảng X, XI và đường lối Chính sách đối ngoại của Bộ Chính trị đã nêu trên, trước xu thế chung của thế giới và diễn biến phức tạp của tình hình biển Đông, Bộ Quốc phòng đãcó những điều chỉnh phù hợp và sẵn sàng ứng phó với các động thái từ phía Trung Quốc.

Chính sách đối ngoại của Bộ Quốc phòng Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề biển Đông đã được công khai minh bạch và rõ ràng trong Sách trắng Bộ Quốc phòng Việt Nam  năm 2004 và năm 2009. Trong đó, trang 19 và 20 Sách trắng Bộ Quốc phòng Việt Nam năm 2009 đã nêu rõ lập trường chính sách của Bộ như sau: “Giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên biển do lịch sử để lại hoặc mới nảy sinh  bằng các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển, mặc dù có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam vẫn sẵn sàng đàm phán hoà bình để giải quyết các tranh chấp dựa trên các quy định của Công ước 1982 về luật biển của Liên hợp quốc. Trong khi tiếp tục tìm kiếm giải pháp lâu dài cho vấn đề này, Việt Nam chủ trương các bên phải tự kiềm chế, nghiêm chỉnh thực hiện Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC), tiến tới đạt được giải pháp công bằng, lâu dài cho vấn đề phức tạp này để Biển Đông luôn luôn là vùng biển hoà bình, hữu nghị và phát triển”.

Đây cũng là cơ sở lý luận để Bộ Quốc phòng hoạch định và triển khai các biện pháp giải quyết tranh chấp. Trong phần nội dung cụ thể dưới đây, Bộ Quốc phòng xin báo cáo với các Bộ Ban ngành về việc triển khai chính sách của Bộ Quốc phòng, qua đó đánh giá những mặt đã làm được cũng như nhìn thẳng vào thực tế để đánh giá những mặt còn yếu kém của Quốc phòng Việt Nam trong vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc.

TRIỂN KHAI

Từ năm 2008 trở lại đây, vấn đề biển Đông thực sự trở thành vấn đề nóng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Năm 2008 là năm có nhiều sự kiện mang tính bước ngoặt. Phía Trung Quốc đã có những điều chỉnh trong chính sách, buộc Việt Nam phải đặc biệt chú trọng việc triển khai chính sách Quốc phòng trong vấn đề biển Đông.

1.                  Từng bước hiện đại hóa quân đội

Xuất phát từ nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, quân đội đang được xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại hóa. Một quân đội hiện đại, nhất thiết phải được trang bị hiện đại. Việc từng bước sản xuất, cải tiến và mua sắm, bổ sung vũ khí, trang bị kĩ thuật hiện đại cho quân đội phù hợp với khả năng của nền kinh tế là chủ trương của Việt Nam.

Tháng 1/2009, Việt Nam và Nga đã kí một thỏa thuận mua 8 SU-30MK2. Đến tháng 4 năm 2009, Việt Nam mua từ Nga 6 tàu ngầm lớp Kilo và tiếp tục đặt mua thêm 2 tàu khu trục nhỏ Gepard 3.9.

Năm 2010, Việt Nam đã nhận hệ thống K-300P Bastion đầu tiên và hệ thống thứ 2 về Việt Nam trong khuôn khổ hợp đồng đã ký với Nga vào năm 2005. Ngoài việc tiếp nhận hệ thống K-300P Bastion thứ 2 này, Việt Nam còn đàm phán mua thêm 2 tổ hợp phòng thủ bờ biển K-300P Bastion. Tháng 2/2010,  Nga đã kí thỏa thuận cung cấp cho Việt Nam 12 máy bay chiến đấu SU-30MK2, sẽ chuyển đến Việt Nam trong 2010 – 2011.

Trung tuần tháng 3/2011, tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đầu tiên đã cập cảng Việt Nam.

Trong khuôn khổ hợp đồng mua 8 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK đã ký với Nga năm 2009, ngày 22/6/2011 phía Nga đã chuyển giao 4 chiếc tiêm kích đa năng Su-30MK đầu tiên của hợp đồng này cho Việt Nam. Hiện trong biên chế, trang bị của quân đội cũng đã có các loại vũ khí hiện đại khác như tổ hợp tên lửa phòng không S-300. S-300 là loại tên lửa phòng không hiện đại bậc nhất trên thế giới hiện nay.

Ngày 20/10/2011, tại nhà máy đóng tàu Almaz của Nga  đã tiến hành ký kết văn bản bàn giao tiếp hai tàu tuần tra cao tốc Svetlyak cho Hải quân Việt Nam.

Năm 2011 nhà máy đóng tàu Vympel tiếp tục chuyển giao các thiết bị và công nghệ cần thiết để hoàn thiện 6 tàu hộ tống tên lửa Molnya tại Việt Nam.

Bên cạnh việc tăng cường đầu tư vào các trang thiết bị và vũ khí quân sự, Bộ Quốc phòng cũng hết sức chú trọng đến việc huấn luyện lực lượng quân đội ngày một chính quy, tinh nhuệ.

2.                  Tăng cường đối ngoại quốc phòng

Đại hội XI của Đảng xác định đường lối hội nhập quốc tế của Việt Nam là sâu rộng, tích cực và chủ động, trong đó có tăng cường đối ngoại quốc phòng. Có thể nói ngoại giao Quốc phòng là một trong những lực lượng ngoại giao có hiệu quả với các hoạt động ngoại giao đa phương và song phương. Trong tình hình hiện nay, quan hệ đối ngoại quốc phòng cần đẩy mạnh nhằm tạo ra sự tin cậy lẫn nhau với các nước có cùng mối quan tâm về lợi ích, trao đổi về các vấn đề chiến lược, trong đó có chiến lược quốc phòng bởi lẽquan hệ quốc phòng tốt, tin cậy lẫn nhau sẽ thúc đẩy quan hệ các lĩnh vực khác phát triển.

Bối cảnh chiến lược đã thay đổi cho phép Việt Nam thực hiện ngoại giao quốc phòng và tham gia vào những chương trình hợp tác quân sự với một số đối tác mới. Do kết quả nỗ lực ngoại giao quốc phòng, Việt Nam đã chú trọng xây dựng quân đội bằng việc tân trang các hệ thống và thu mua những vũ khí mới. Những thay đổi chiến lược này đã cho phép Việt Nam dùng ngoại giao quân sự để điều chỉnh lại vị thế trong quan hệ chiến lược ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và dùng ngoại giao quân sự để tìm kiếm các đối tác nhiều mặt trong bối cảnh cục diện an ninh khu vực đang biến đổi nhanh chóng.

Năm 2011 tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại trong hoạt động đối ngoại và hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam, cũng như là năm có nhiều sự kiện quan trọng tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Cũng trong năm này, công tác về đối ngoại quốc phòng được đánh giá là thành công với nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế giữa Việt Nam và các bên liên quan, cả đa phương và song phương.

Trong đó, Đối thoại Shangri-la 10 tổ chức vào tháng 6/2011 là cơ hội tốt để Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề quốc tế, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Trong bài phát biểu của mình, tôi đã nêu ra 4 vấn đề mấu chốt để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, nêu rõ sự tăng cường hợp tác giữa các bên có liên quan theo luật pháp quốc tế là yếu tố then chốt để các tranh chấp không rơi vào ngõ cụt, tránh làm căng thẳng thêm tình hình trên biển Đông. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hoà bình và tự vệ. Việt Nam luôn chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với quân đội các nước trong và ngoài khu vực, tăng cường hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh chung, trong đó có an ninh biển…”.

Bên cạnh đó, những hoạt động đối ngoại quốc phòng đã diễn ra liên tục và sôi động như Hội nghị Tư lệnh hải quân ASEAN ANCM-5 được tổ chức từ 27 đến 29/7/2011 tại Hà Nội. Hội nghị này là cơ hội tốt để các nước ASEAN tìm ra được tiếng nói chung trong các vấn đề an ninh trên biển Đông. Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác trao đổi giữa hải quân các nước trong khu vực như gửi tín hiệu lời chào đối với các phương tiện đường không và đường biển, giao lưu sĩ quan trẻ…

Cũng liên quan đến vấn đề an ninh biển, Hội nghị lãnh đạo cảnh sát biển châu Á được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27/10/2011 có sự tham gia của đại diện 16 quốc gia và vùng lãnh thổ với chủ đề “Tăng cường hợp tác thiết thực, chia sẻ thông tin, an ninh và an toàn trên biển”. Nhân dịp này, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ hy vọng Hội nghị sẽ đưa ra được những đề xuất cụ thể và sáng kiến hợp tác thiết thực giữa lực lượng cảnh sát biển châu Á.

Việt Nam đã đưa ra quan điểm đường lối về chính sách quốc phòng rõ ràng và thống nhất dựa trên chủ trương độc lập tự chủ nhưng cũng hết sức có trách nhiệm trong khu vực. Bên cạnh đó là tinh thần yêu chuộng hòa bình và những nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác với các bên có liên quan, đặc biệt với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông nhằm duy trì hòa bình và ổn định chung tại khu vực. Trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông nói riêng, phía Việt Nam khẳng định rằng mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc được khẳng định và dựa trên cơ sở láng giềng xã hội chủ nghĩa, nhưng trước hết phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng độc lập tự chủ của nhau. Bởi lẽ, khác với các nước theo hệ thống dân chủ đại nghị có quân đội chuyên nghiệp, phi đảng phái, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia cộng sản châu Á cùng có mô hình Đảng lãnh đạo quân đội.

Tóm lại, cùng với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa hoạt động đối ngoại, thì việc đa phương hóa hoạt động ngoại giao quốc phòng cũng đã và đang được Chính phủ Việt Nam và Bộ quốc phòng đẩy mạnh. Đó là chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như các diễn đàn quốc phòng – an ninh khu vực và tăng cuờng tiếp xúc song phương, đa phương. Một trong những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011 là bảo đảm nguồn lực để tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo. Có thể nhận thấy, công tác ngoại giao quốc phòng gắn liền với vấn đề an ninh trong nước và khu vực. Giao lưu, trao đổi với nhiều quốc gia một lúc về quốc phòng nằm trong chiến lược đối ngoại quân sự của Việt Nam nhằm đa dạng hóa quan hệ vừa để thăm dò, làm quen, nâng cấp công nghệ, vừa để phòng ngừa và giảm thiểu căng thẳng có thể leo thang trước tình hình có nhiều biến động như hiện nay.

3.                  Hợp tác quốc phòng

ASEAN

Vấn đề an ninh biển là mối quan tâm lớn của tất cả các quốc gia ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đều thể hiện mong muốn xây dựng Biển Đông trở thành khu vực biển hòa bình, hợp tác và phát triển, giải quyết mọi tranh chấp trên nguyên tắc đàm phán hòa bình, dựa vào luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và theo tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Nổi bật trong hợp tác Biển Đông cần phải kể đến quan hệ Việt Nam-Philippines. Lãnh đạo hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông; giải quyết hòa bình tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982; bảo đảm thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC).

Vào ngày 7/10/2011, kỳ họp lần 6 Ủy ban Hợp tác Song phương Việt Nam-Philippines vừa diễn ra tại Hà Nội đã thống nhất hợp tác trên biển là trụ cột trong quan hệ hai bên. Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng ký tháng 10/2010.Theo thỏa thuận này, Việt Nam và Philippines sẽ xúc tiến đàm phán để ký kết hai thỏa thuận quan trọng về hợp tác an ninh-quốc phòng trên biển là Thỏa thuận về thiết lập đường dây thông tin và tăng cường liên lạc giữa Hải quân Nhân dân Việt Nam và Hải quân Cộng hòa Philippines; và Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Philippines.

Trung Quốc

Từ cuối năm 1991, sau khi Việt Nam-Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, thực hiện chỉ đạo của hai Đảng, lãnh đạo cấp cao của hai Bộ Quốc phòng đã tiến hành nhiều chuyến thăm song phương, mở ra trang mới cho hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Tháng 10/2005, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Tư lệnh Hải quân hai nước đã ký thỏa thuận triển khai tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc bộ. Từ tháng 4/2006, hai nước bắt đầu tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Tàu Hải quân của Việt Nam cũng đã thăm căn cứ Trạm Giang của Trung Quốc. Đến nay hai bên đã tiến hành 10 chuyến tuần tra chung trên Vịnh Bắc bộ và tiến hành một số cuộc diễn tập cứu nạn trên biển. Nhân các chuyến tuần tra liên hợp, một số tàu của Hải quân Trung Quốc cũng đã thăm các địa phương của Việt Nam và thực hiện các cuộc giao lưu với bộ đội và địa phương.

Ngoài việc duy trì trao đổi thường xuyên các đoàn quân sự cấp cao, hai bên còn trao đổi nhiều đoàn ở các cấp quân binh chủng, quân khu nhằm vừa tăng cường quan hệ hữu nghị, vừa có điều kiện học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Việc định kỳ trao đổi các Đoàn ở cấp quân khu biên giới cũng như giao lưu tiếp xúc thường xuyên giữa Bộ chỉ huy biên phòng và các đồn biên phòng các tỉnh giáp biên đã đem lại hiệu quả ban đầu trong việc chống xâm canh, xâm cư, vượt biên trái phép, xử lý các vụ việc và ngăn chặn tội phạm các loại, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình hữu nghị. Về tồn tại bất đồng trên Biển Đông, hai bên đã ký Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển.

Hoa Kỳ

Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Việt Nam rất muốn lôi kéo nhiều đối tác ngoài vùng nhập cuộc. Trong số đó có Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng của ta. Ngày 19/9/2011, tại Washington đã diễn ra cuộc Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ hai trong bối cảnh đang có những diễn biến căng thẳng mới tại Biển Đông. Trong lần đối thoại này, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Robert Scher đã ký bản ghi nhớ giữa bộ quốc phòng hai nước về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Hai bên thống nhất việc hướng tới phát triển quan hệ quốc phòng trước tiên tập trung vào năm lĩnh vực: thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. An ninh biển là một trong 5 nội dung chính của Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương. Một nội dung chính khác là thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Đây là bước tiến triển vượt bậc trong quan hệ quân sự giữa hai nước.

ĐÁNH GIÁ

Sau quá trình triển khai thực hiện, Bộ Quốc phòng chúng tôi đã có những buổi tự tổng kết và đánh giá một cách thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Trong thời gian vừa qua, công tác quốc phòng của Bộ đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Đầu tiên phải kể đến thành công trong việc từng bước hiện đại hóa quân đội. Có thể nhận thấy sự thay đổi của lực lượng quốc phòng Việt Nam trong thời kỳ trước và sau năm 2008. Đặc biệt là chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, lực lượng quân đội cũng như các trang thiết bị của chúng ta đều được tăng cường. Ta có thể thấy rõ điều này qua những số liệu và thống kê trong phần triển khai. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Chính trị, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương trong quá trình triển khai chính sách Việt Nam với Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Cụ thể là công tác đối ngoại Quốc phòng, việc xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại Cam Ranh..v..v… Ngoài ra, Bộ  Quốc phòng luôn chủ trương thực hiện chính sách công khai, minh bạch và mở rộng. Từ đó sự hiểu biết của thế giới về quốc phòng Việt Nam cũng như sự ủng hộ của dư luận thế giới nhờ đó mà gia tăng. Khi xảy ra một số tranh chấp trên biển Đông, Bộ Quốc phòng luôn bình tĩnh xem xét và xử lý tình huống, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển thông qua biện pháp hòa bình, với điều kiện tuân thủ pháp luật quốc tế, tìm mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công kể trên, công tác Quốc phòng của ta vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Mặc dù đã từng bước hiện đại hóa quân đội nhưng lực lượng quốc phòng của ta vẫn còn lạc hậu so với một số nước trong khu vực và thế giới. Các trang thiết bị, tàu thủy, tàu ngầm, vũ khí,… chưa đủ để đáp ứng nhiều tình huống xấu có thể xảy đến. Sức mạnh tấn công trên biển còn hạn chế.Trong sáu năm qua, ta luôn tích cực thúc đẩy quan hệ quân sự giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước có liên quan đến tranh chấp trên khu vực biển Đông. Tuy nhiên, những mối quan hệ đó mới chỉ dừng ở mức độ thấp, chưa sâu rộng.

PHƯƠNG HƯỚNG

Sau khi tổng kết được những thành công cũng như hạn chế trong công tác Quốc phòng sáu năm vừa qua, Bộ Quốc phòng chúng tôi đã vạch ra một số phương hướng mới phù hợp với tình hình biển Đông hiện nay.

Trước hết Bộ nhận thấy song song với việc xây dựng lực lượng quân đội, tập trung củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao năng lực phòng thủ, cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, tiến tới hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực sâu hơn. Bên cạnh đó Bộ sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng và phối hợp nhịp nhàng với Bộ Công thương, tiếp tục thực hiện đường lối phát triển kinh tế gắn liền với quốc phòng an ninh và ngoại giao của Đảng ta.

Ngoài ra, Bộ  không ngừng tăng cường các hoạt động tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao và các chuyên gia, chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp xảy ra trên biển Đông. Trong quá trình thực hiện, Bộ sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Rất mong có được sự hợp tác và góp ý quý báu từ các Bộ Ban ngành. Bài phát biểu của tôi đến đây xin hết. Xin trân trọng cảm ơn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro