Ngoại giao đa phương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thứ trưởng Lê Lương Minh: Ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2011 tiếp nối thành công, góp phần tích cực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI

(Bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh đăng trên Tạp chí Thông tin đối ngoại tháng 01/2012) 

--------------------

Nhìn lại các hoạt động đối ngoại của đất nước năm 2011, có thể thấy ngoại giao đa phương tiếp tục được triển khai sôi động trên hầu hết các lĩnh vực từ an ninh - chính trị, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội đến các vấn đề có tính chuyên ngành. Việt Nam đã hòa nhịp cùng xu hướng chung là các quốc gia trên thế giới ngày càng coi trọng ngoại giao đa phương trong việc triển khai chính sách đối ngoại của mình, do quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa tiếp tục diễn ra sâu sắc làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau, đồng thời việc đối phó với các thách thức chung toàn cầu ngày càng trở nên cấp bách, đòi hòi sự hợp tác của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. 

Nhiệm vụ của ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2011: tích cực, chủ động triển khai Hội nhập quốc tế theo phương châm Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần triển khai thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI ngay từ năm đầu tiên. 

Ngay từ đầu năm, công tác đối ngoại nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng đã xác định cho mình mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2011 là bắt tay triển khai ngay đường lối đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, qua đó góp phần bước đầu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011-2015), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020) với 3 khâu đột phá chiến lược, cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và Chính phủ. Các cán bộ làm công tác đa phương đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt của năm đầu tiên triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XI. Thứ nhất là do Đại hội XI đã có những phát triển mới về đường lối đối ngoại phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới, và nhiệm vụ của ngoại giao đa phương là phải xác định phương hướng cụ thể để triển khai những phát triển mới đó. Thứ hai là do kết quả triển khai nhiệm vụ trong năm 2011 sẽ tạo tiền đề thuận lợi quan trọng cho các năm tiếp theo. 

Đường lối đối ngoại của Đại hội XI có nhiều nét mới liên quan trực tiếp đến công tác ngoại giao đa phương. Bên cạnh sự tiếp nối về nguyên tắc, phương châm, thể hiện tính nhất quán trong đường lối đối ngoại của đất nước kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay, Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định đưa đất nước ta từ hội nhập kinh tế quốc tế trong những năm trước đây chuyển sang "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" trong giai đoạn mới. Đây là một định hướng đối ngoại lớn đặc biệt quan trọng đối với ngoại giao đa phương, phù hợp với xu thế tất yếu khách quan và phát triển của tình hình thế giới, phù hợp với thế và lực của đất nước sau 25 năm đổi mới và thực chất của quá trình hội nhập của đất nước. Với chủ trương này, hội nhập quốc tế sẽ được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa - xã hội..., ở mọi cấp độ song phương, khu vực, đa phương và toàn cầu. Ta cũng có thêm thuận lợi là sau thời gian tích cực tham gia “hội nhập kinh tế quốc tế” (WTO, AFTA, các cơ chế hợp tác kinh tế song phương), các Bộ, ngành đã đạt được nhiều thành công phục vụ sự phát triển kinh tế trong nước, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, có đội ngũ cán bộ đã trưởng thành, nhất là sau khi Việt Nam đảm nhận thành công vị trí Ủy viên Không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN năm 2010. Đây là tiền đề tốt để ta tích cực chủ động “hội nhập quốc tế” toàn diện. 

Về phương châm, Việt Nam không chỉ "là bạn, đối tác tin cậy" mà còn là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế". Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành mới của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế/tổ chức/diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, góp phần củng cố, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, bổ sung, hỗ trợ hiệu quả cho ngoại giao song phương. Trở thành “thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” là một thực tế và đòi hỏi tất yếu do toàn cầu hóa làm cho sự tuỳ thuộc lẫn nhau càng cao, các nước phải có trách nhiệm đối với các vấn đề chung (biến đổi khí hậu, dịch bệnh…).

Với thuận lợi cơ bản là những thành tựu to lớn của đất nước ta sau 25 năm Đổi mới, những thành công của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương trong những năm qua, đặc biệt là việc gia nhập WTO, việc đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009, Chủ tịch ASEAN 2010, ngoại giao đa phương đã tiếp tục phát huy vai trò trong năm 2011 trên cả 4 cấp độ (toàn cầu, liên khu vực, khu vực và tiểu khu vực) và trên nhiều lĩnh vực (an ninh, chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa- xã hội v.v...). Ngoại giao đa phương cùng với các "mũi chủ công" đối ngoại khác của nền ngoại giao toàn diện đã tích cực, chủ động thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển, hợp tác trên thế giới, qua đó đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, đồng thời khẳng định và nâng vị thế quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2011 đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới và nỗ lực quốc tế ứng phó với những thách thức toàn cầu  

Tình hình thế giới và khu vực năm 2011 có nhiều diễn biến rất phức tạp, cả về an ninh - chính trị (như bất ổn ở Trung Đông Bắc Phi, nội chiến, can thiệp lật đổ, tranh chấp biên giới, tranh chấp lãnh thổ, khủng bố), kinh tế (khủng hoảng nợ công và nguy cơ rơi vào suy thoái mới) lẫn ổn định xã hội (phong trào Chiếm phố Wall, biểu tình phản đối do bất ổn kinh tế tại nhiều nước phát triển). Bên cạnh đó, nhiều thách thức trở nên gay gắt hơn  như các vấn đề về biến đổi khí hậu, nguy cơ khủng hoảng lương thực, an ninh nguồn nước, thảm họa thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới (thảm họa tại Nhật Bản, lũ lụt ở Đông Nam Á, động đất, hạn hán ...). Trước tình hình đó, cộng đồng thế giới càng thấy rõ hơn nhu cầu hợp tác để ứng phó với những vấn đề toàn cầu cấp bách trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Triển khai chủ trương Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao đa phương của chúng ta đã hoạt động trên nhiều hướng nhằm đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới và nỗ lực quốc tế ứng phó với những thách thức toàn cầu.  

Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia tích cực các Hội nghị, diễn đàn của tổ chức toàn cầu này với nhiều chủ đề quan trọng đang là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế như chống phổ biến vũ khí hủy diệt, biến đổi khí hậu, phòng chống HIV/AIDS, phát triển bền vững, an ninh lương thực, tăng cường vai trò của phụ nữ, tăng cường bảo vệ quyền con người v.v.... Ta đã tích cực thực hiện chủ trương "hội nhập quốc tế" và "Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" trên tất cả các cuộc họp thường niên của Liên hợp quốc, cụ thể là tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Kinh tế Xã hội, Ủy ban Kinh tế - Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương, UNESCO, Hội đồng Nhân quyền v.v..., thông qua chủ động tham gia thảo luận, đề xuất hướng giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, phát triển của Việt Nam. Để đóng góp nhiều hơn nữa vào công việc của cộng đồng quốc tế, ta đã tích cực triển khai vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền khóa 2014 - 2016, Hội đồng Kinh tế - Xã hội khóa 2016 - 2018, Hội đồng Bảo an khóa 2020-2021, đồng thời có kế hoạch đăng cai một số hội nghị quốc tế trong thời gian tới theo chủ trương hội nhập quốc tế, triển khai đồng bộ và toàn diện các hoạt động đối ngoại. Liên hợp quốc và các nước coi trọng hợp tác với Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu, kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội và vị thế của ta ở khu vực cũng như những đóng góp tích cực của ta tại Liên hợp quốc. Quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc tiếp tục được củng cố, với nhiều dự án, chương trình cụ thể trên nhiều lĩnh vực phù hợp với yêu cầu của ta hiện nay như tư vấn chính sách kinh tế (UNDP), an ninh lương thực (FAO, IFAD), bảo vệ sức khỏe (WHO, UNAIDS), môi trường và biến đổi khí hậu (UNDP, UNEP), xóa đói giảm nghèo (toàn bộ hệ thống Liên hợp quốc), sở hữu trí tuệ (WIPO), lao động và an sinh xã hội (ILO, UNICEF, UNDP) ... Để tổ chức toàn cầu lớn nhất này có thể hỗ trợ tốt hơn nỗ lực chung của các quốc gia thành viên vì hòa bình, an ninh, phát triển, ta tiếp tục tích cực tham gia các sáng kiến, hoạt động thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc, trong đó có sáng kiến "Thống nhất hành động của Liên hợp quốc" và các đề nghị mở rộng thành phần và dân chủ hóa hoạt động của Hội đồng Bảo an, bảo đảm tính minh bạch và dân chủ trong hoạt động của Hội đồng nhân quyền, các nỗ lực chung của nhóm các nước Không liên kết và đang phát triển phấn đấu đạt các giải pháp công bằng và có tính khả thi cao cho các vấn đề toàn cầu.

Bên cạnh đó, ngoại giao đa phương cũng tích cực hoạt động vì mục tiêu an ninh, hợp tác và phát triển trong khuôn khổ các tổ chức, diễn đàn đa phương khác như Phong trào không liên kết, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC), Hội nghị phối hợp hành động và xây dựng lòng tin ở Châu Á (CICA). Thông qua hoạt động tại các diễn đàn này, ta tiếp tục đóng góp trực tiếp vào việc tăng cường quan hệ của ta với các khu vực, các nước trên thế giới, vì lợi ích chung.

Ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2011 đẩy mạnh hiệu quả tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực và đa phương, tranh thủ hợp tác và hỗ trợ quốc tế, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Ta đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể nhằm tăng cường hợp tác và liên kết APEC, được ghi nhận và đưa vào văn kiện Hội nghị cấp cao APEC 19 (Hawaii, Mỹ, 10-13/11/2011) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 23 (Hawaii, Mỹ, 11/11/2011). Ta cũng đã triển khai tốt sáng kiến của Việt  Nam "Tình trạng lũ lụt bất thường trong khu vực - Tầm nhìn mới cho các thành viên APEC" (Đà Nẵng 07/2011) và đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam vào năm 2014.

Trong khuôn khổ ASEM, ta đã tích cực tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 10 (Hungary, 06/2011), triển khai thành công 02 sáng kiến của Việt Nam gồm: Diễn đàn ASEM về Lưới An toàn Xã hội (Hà Nội 04/2011) và Diễn đàn ASEM về Tăng trưởng xanh (Hà Nội, 10/2011), vận động thành công ASEM ủng hộ ta đăng cai Hội nghị Bộ trưởng ASEM về Lao động và Việc làm lần thứ 4 (2012) và Hội thảo không chính thức của ASEM về nhân quyền lần thứ 12 (2014). 

Tại WTO, ta đã tham gia Nhóm Cairns của các nước xuất khẩu nông sản, tham dự tích cực các Hội nghị của WTO, các phiên rà soát chính sách thương mại của Canada và EU. Các Bộ ngành tích cực phối hợp trong việc đề xuất chủ trương, biện pháp và triển khai thực hiện các công tác liên quan đến Vòng đàm phán Đô-ha trên cơ sở đánh giá kết quả sau 5 năm nước ta gia nhập WTO.

Việt Nam cũng đã tham gia một cách thiết thực tại nhiều Hội nghị, diễn đàn khác về kinh tế như Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đa-vốt (Thụy Sĩ), Hội nghị Diễn đàn kinh tế Thế giới Đông Á (WEF Đông Á) tại In-đô-nê-sia, Hội nghị tương lai Châu Á 2011 tại Nhật Bản, đồng thời tổ chức thành công Hội nghị thường niên ADB 2011 tại Việt Nam.

Tại các diễn đàn, hội nghị đa phương, ta một mặt thúc đẩy các mối quan hệ chính trị song phương, mặt khác kết hợp vận động, triển khai ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với một số đối tác quan trọng, mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác, góp phần tạo dựng và mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam. Nổi bật trong năm 2011 là ta đã thúc đẩy và tham dự 5 Vòng đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó tổ chức thành công Vòng 7 tại Việt Nam; ký chính thức FTA với Chi-lê bên lề Hội nghị cấp cao APEC 19; tiến hành nghiên cứu, thúc đẩy các đề nghị về FTA giữa Việt Nam với một số đối tác khác. Công tác vận động công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam được đẩy mạnh, lồng ghép vào các chuyến thăm song phương cấp cao hoặc bên lề các Hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực. Đã có thêm nhiều nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của ta trong năm qua. Các Bộ, ngành cũng đã phối hợp tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc kinh tế, thương mại và xử lý tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp và người lao động trong khuôn khổ quan hệ song phương và tại WTO.

Ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2011 chủ động, tích cực cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, góp phần tăng cường hợp tác và liên kết ASEAN, củng cố quan hệ đối ngoại của ASEAN và nâng cao vai trò của Hiệp hội ở khu vực, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực, vì lợi ích thiết thực và quan tâm chung của Hiệp hội.

Phát huy các thành quả đạt được trong năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN 2010, trong năm 2011, ta tiếp tục tham gia tích cực tất cả các hoạt động của ASEAN gồm 02 Hội nghị cấp cao ASEAN, 08 Hội nghị cấp cao ASEAN với Đối tác, 06 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và khoảng 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng chuyên ngành cùng nhiều Hội nghị cấp Thứ trưởng Ngoại giao/Quan chức cao cấp (SOM) ở tất cả các lĩnh vực. Thông qua việc kiên trì bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội, nhất là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và nguyên tắc đồng thuận, ta đã góp phần cùng với các nước ASEAN duy trì đoàn kết, hợp tác nội khối, đồng thời thúc đẩy triển khai các thỏa thuận của ASEAN đạt được trong năm Chủ tịch 2010.

Ta và các nước ASEAN đẩy nhanh triển khai lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột, cụ thể: (i) Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh trên tất cả các mặt, phát huy hiệu quả các công cụ và cơ chế an ninh hiện có như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM Plus), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); (ii) Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tích cực thực hiện các thỏa thuận và cam kết kinh tế, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) đã được thông qua tại Hà Nội tháng 10/2010, thu hẹp khoảng cách phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và đảm bảo an  sinh xã hội, nhất là về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, tập trung vào 6 lĩnh vực ưu tiên là ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục, kiểm soát bệnh truyền nhiễm, tăng cường sự tham gia của người khuyết tật, phát huy bản sắc ASEAN, hướng tới kiện toàn Cộng đồng ASEAN.

Việt Nam đã có những đóng góp vào việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN, nâng cao vị thế của Hiệp hội và duy trì vai trò trung tâm trong một cấu trúc khu vực đang định hình, thông qua các khuôn khổ đối thoại ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF. Ta cũng cùng các nước ASEAN thúc đẩy các ý tưởng, phối hợp lập trường và hành động trong ASEAN và tại các diễn đàn quốc tế nhằm đối phó với các thách thức toàn cầu. Quan hệ của ASEAN với các tổ chức quốc tế, khu vực như Liên hợp quốc, G20, Mercosur, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC)... được tăng cường. Nhiều nước tiếp tục cử Đại sứ tại ASEAN, nâng tổng số Đại sứ tại ASEAN của các nước lên 48.

Liên quan đến Biển Đông. ASEAN và các nước đối tác khẳng định hòa bình, ổn định ở Biển Đông, trong đó có vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, đảm bảo tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Qui tắc hướng dẫn triển khai DOC, nhất trí họp Hội nghị các quan chức cao cấp bàn việc triển khai. Trung Quốc cũng nhất trí cùng với ASEAN hướng tới COC. Bên cạnh đó, ta cùng với ASEAN đã thúc đẩy thực hiện Tuyên bố Hà Nội về cứu hộ, cứu nạn trên biển nhằm tăng cường phối hợp trong lĩnh vực này nói riêng và an ninh hàng hải nói chung.

Ngoại giao đa phương năm 2011 tiếp tục chú trọng thúc đẩy hợp tác vì phát triển ở tiểu vùng sông Mê công

Năm 2011, ngoại giao đa phương của Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất vào việc tăng cường hợp tác cùng phát triển trong các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng, liên vùng đã có như Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Ủy hội Sông Mê công (MRC), Hợp tác liên vùng nghèo dọc hành lang Đông - Tây (WEC), Hợp tác tam giác phát triển khu vực biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) v.v... Các lĩnh vực hợp tác đa dạng, gồm nhiều lĩnh vực như du lịch, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thương mại- đầu tư, nông nghiệp, y tế, năng lượng, phát triển nguồn nhân lực, môi trường, qua đó góp phần vào phát triển của mỗi nước, đồng thời thúc đẩy liên kết và hội nhập kinh tế trong khu vực. Hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê công với các đối tác phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu lửa (OPEC) ... tiếp tục được tăng cường. Trong năm 2011 đã có thêm các cơ chế Hợp tác Mê Công - Hàn Quốc, Hợp tác Các Nước Hạ nguồn Mê Công và Những Người bạn. Đây là những khuôn khổ hợp tác quan trọng bổ sung, hỗ trợ các nước trong tiểu vùng huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật và công nghệ trong và ngoài khu vực phục vụ cho phát triển.

*

*     *

Nhìn lại năm 2011, với tinh thần chủ động, tích cực, ngoại giao đa phương Việt Nam được tiếp tục tích cực triển khai cả chiều rộng và chiều sâu, thực chất hơn, hiệu quả hơn, phục vụ thiết thực các mục tiêu về phát triển và an ninh của đất nước. Việc kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương đã góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI trong lĩnh vực đối ngoại ngay từ năm đầu tiên, tạo tiền đề cho các bước triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong những năm sắp tới. 

Buy cheap web hosting service where fatcow web hosting review will give you advices and please read bluehost review for more hosting information.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro