Nhỡ chúng ta không ra trường được thì sao?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giảng đường có bốn bức tường, còn đại học thường kéo dài bốn năm. Mỗi năm của tôi gắn liền với một bức tường.

Năm nhất, tôi nhìn vào bức tường trước mặt. Nơi có giảng viên, máy chiếu và bảng xanh. Tôi nghe giảng vì tò mò. Bức tường đầu tiên, trước mắt tôi là bức tường của kiến thức.

Năm hai, tôi thường nhìn ra bức tường bên trái, nơi có nhiều cửa sổ. Đại học không còn chứa quá nhiều điều gây ngạc nhiên, còn những giờ giảng thì không còn làm tôi hứng thú. Thời điểm này tôi bắt đầu đi làm thêm và bầu trời có nhiều gợn mây. Bức tường thứ hai là bức tường của trải nghiệm, của tự do.

Năm ba, tôi nhìn vào bức tường sau lưng, vì thời điểm này thuyết trình rất nhiều. Đứng đối diện với mọi người, tôi thấy hai năm đầu trôi vụt qua trước mắt. Bức tường thứ ba là bức tường ở đằng sau, của những ánh mắt đang theo dõi, là bức tường của sự đối mặt, hay đối diện.

Tôi vẫn đang dừng lại ở đây.

Thỉnh thoảng trong giờ học, tôi vẫn hay hỏi bạn mình. Thế giờ ông định làm gì? Sau này ông muốn gì? Dù câu hỏi nghe như những câu hướng nghiệp nửa vời, nhưng câu trả lời của những người bạn luôn làm tôi suy nghĩ, vì phần lớn câu trả lời đều là "tôi chưa biết". Nhưng dù nhìn thấy tương lai có vẻ vô định và không đâu vào đâu, trong sắc thái câu trả lời của bạn tôi vẫn luôn chứa sự bình tĩnh, can đảm và cả một chút hy vọng.

Điều này làm tôi có phần lạc quan, bởi lẽ, đến thời điểm hiện tại, bất cứ sinh viên nào khi vừa mới đỗ đại học cũng đều phải tiếp cận với những nguồn thông tin không mấy tích cực. Những thông điệp lặp đi lặp lại về 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Những quan niệm so sánh kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Những ý kiến rằng những gì học ở trường chỉ chiếm 20% yếu tố tác động đến thành công trong tương lai, còn lại là học ở ngoài.

Nó tạo ra một dấu hỏi lớn về việc học hay không học đại học, tạo thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Rồi, bằng một cách tình cờ, sẽ có một ai, hoặc một nơi nào đó đến chìa tay ra và bảo: "Không sao cả, hãy đăng ký khóa học của chúng tôi, và bạn sẽ có một đời sinh viên tuyệt vời".

Nếu bạn, hay em bạn, hay con bạn, đang ở trong giai đoạn bấp bênh của đại học, xung quanh thì có quá nhiều bài viết, thông tin không rõ đúng sai, hãy thử ngừng lại một chút và tự hỏi: Một, liệu những gì họ (người viết, diễn giả, những người bán khóa học...) nói có đúng? Và hai, liệu họ có là những người hiểu bản thân chúng ta hơn chính chúng ta?

Thử nghĩ về điều một, tính chân thực của mục đích sử dụng thông tin. Vi dụ như số liệu "225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp" thường được các nơi cung cấp khóa học cho sinh viên sử dụng, như một bằng chứng vì sao bạn nên tham gia khóa học ở bên ngoài. Nhưng nếu nghĩ về nó một chút, bạn sẽ thấy bản thân con số này không thể hiện nhiều thông tin hơn ý nghĩa tự thân của chính nó. Nói một cách đơn giản, để hiểu hơn về số liệu, cần phân tích thêm về tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp so với tổng số cử nhân, thạc sĩ ra trường. Những cử nhân này ở những ngành hay trường nào, có nằm trong ngành hay trường bạn đang học không? Và còn nhiều thứ phải xem xét nữa, như là họ thất nghiệp trong bao lâu, các nhân tố khách quan tác động (ví dụ như trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, nhiều người thất nghiệp là đương nhiên)...

Khi đưa ra một thông tin có tính bao quát, mà lại kết luận rằng việc cử nhân thạc sĩ thất nghiệp vì thiếu kĩ năng mềm, thiếu định hướng tương lai là một kết luận không hoàn toàn chính xác. Như vậy những số liệu thống kê, những thông tin có thực đã được đưa ra một cách khách quan hay đã có sự suy diễn nhằm đạt được mục đích của người sử dụng?

Điều thứ hai, liệu họ (những người hay nói nhiều về ước mơ, lối sống) có hiểu bản thân chúng ta hơn chính chúng ta? Việc chúng ta ăn, ngủ, nghỉ, kết bạn, chơi, sở thích, đam mê, số lần hắt xì mỗi ngày, chúng ta hay họ là người hiểu rõ? Và như vậy, việc mỗi ngày người khác nói về chuyện chúng ta đang thiếu nghị lực hay ước mơ liệu có cơ sở? Việc chúng ta quá để tâm hoặc phớt lờ hoàn toàn những lời người khác nói liệu có là biểu hiện của sự thiếu quan tâm đến bản thân mình?

Không ai hiểu bản thân mình bằng chính mình cả. Điều đó có nghĩa là trước khi nhờ ai đó giúp đỡ hay can thiệp vào cuộc sống của mình, mình phải tự xem xét trước đã. Dẫu không thể phủ nhận các khóa học là một trong những thứ có thể cung cấp cho bạn thông tin, nhưng những gì thực sự cần làm để có một đời sinh viên (hay đời tuổi trẻ) có ý nghĩa thì rộng và tốn sức hơn nhiều. Nó bao gồm những gì bạn làm, đọc, nghe, xem, hiểu một cách có ý thức. Sự trưởng thành là một tiến trình không xét đến tuổi tác, mà chỉ xét đến những trải nghiệm. Dẫu những trang tin có dọa bạn thế nào, thì cũng chẳng có gì phải phớt lờ hay hoảng sợ, chỉ cần bạn ý thức được việc mình vẫn đang quan tâm đến bản thân và muốn có những trải nghiệm tích cực, thì bạn vẫn đang đi đúng hướng.

Việc trưởng thành và có một đời sinh viên tốt chưa bao giờ chỉ là những sự hào nhoáng, đứng trên bục cao thuyết trình hay có CV xịn. Chúng là một phần, nhưng không phải tất cả.

Những lúc trong giảng đường, bạn hãy nhìn về phía bức tường - nơi có cửa ra vào. Đây sẽ là bức tường cuối cùng trong bốn năm đại học. Bức tường của những cánh cửa, của cơ hội. Rồi những cơ hội khác nhau sẽ đến với tất cả mọi người, nhưng quan trọng lúc đấy bạn có đủ lực để nắm lấy cơ hội đó hay không. Nếu kiến thức chưa đủ, thì tâm thế là thứ phải cần, để sẵn sàng đón nhận và học tất cả những thứ được yêu cầu, mà tốt hơn hết, vẫn cần có sự chuẩn bị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro