Tìm về chốn bình yên (Hoàn)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có những khoảnh khắc mà con người ta cảm thấy bản thân mình thật bất lực.

Có những phút giây mà chúng ta nửa muốn níu kéo, nửa muốn buông lơi.

Thật, có lắm lúc như vậy mình chỉ muốn nằm dài trên dòng sông yên ả, để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, lắng nghe tiếng sông hát nhẹ nhàng. Thời gian cứ thế chầm chậm trôi qua trong sự hối hả của cuộc sống. Chỉ bấy nhiêu thôi, tâm hồn mình sẽ trở nên bình lặng hơn thật nhiều. 

Nằm trên dòng sông đôi khi là ngồi một chỗ tự mình nhìn lại mình, tự mình quyết định mọi việc. Nằm trên dòng sông đôi khi là tìm được nơi nào đó có người ta thương, có người thương ta, sẵn sàng chia sẻ mọi việc của cuộc đời. Và nằm trên dòng sông suy cho cùng cũng chỉ là có một chốn bình yên ta trở về. Nhưng có chốn để về mà mình lại không thể trở về, còn điều gì mà khốn đốn bằng chứ.

Lang thang trên vỉa hè của con phố sầm uất, tôi như lạc lõng giữa biển người mênh mông. Người nào người nấy đều đang hối hả ngược xuôi lo toan mọi thứ. Từ nhành mai, từ đóa huệ, đóa cúc cho đến những bộ quần áo mới toanh, những món quà ý nghĩa. 

Tôi nhìn vài ba lượt khắp xung quanh, nhìn chợ phiên đông đúc người ra vào rồi ngồi xuống một chiếc ghế ở quán nước ven đường. Lên tiếng, tôi gọi cho mình cốc trà chanh mát lành.

Chiếc ghế trống cạnh tôi bỗng có người ngồi xuống, đó là một người đàn ông với gương mặt phờ phạc, râu ria lởm chởm. Anh nhìn tôi mỉm cười, tôi theo lệ cười lại với anh. Anh lại nhìn tôi, phút chốc thở dài rồi hỏi:

- Chú cũng người xa quê à?

- Vâng, anh cũng thế ạ?

- Ừ! Anh đến đây làm thuê cho người ta.

- Anh làm cái gì hở anh?

- Anh đi bán mai, bán đào cho mọi người trưng dịp Tết. Chú nhìn đó, cái khoảng từ cái cột điện đằng kia đến cạnh quán nước này là chỗ mà chủ anh bày hoa để bán đấy.

Tôi nhìn theo hướng anh tả, đúng thật là có rất nhiều loài hoa, còn có cả vài chậu quất nữa. Tôi quay sang anh, bỗng hỏi:

- Thế người ta mua đông không anh?

- Vài hôm gần đây thì có người mua nhưng mà không nhiều, chắc cận Tết người ta không còn nhiều tiền nên chưa mua kịp.

- Vậy lúc về nhà, anh có đem mai hay đào hay quất gì về trưng Tết không anh?

- Thôi, mai, đào gì. Nhà anh cách đây xa lắm, mang về lại khó khăn. Sợ đi đường nó tơi tả đi thì khốn. Anh chỉ mong sao kiếm đủ tiền mua vài món về nhà cho có không khí Tết, có đủ tiền mua cho cha mẹ cái khăn đan để giữ ấm ngày lạnh là anh mừng lắm rồi.

Sóng mũi tôi bất giác cay cay, tôi nhìn anh, thương anh, thương gia đình anh rồi tôi nhớ gia đình mình. Cũng đã hai năm trôi qua, tôi chưa hưởng được một cái Tết trọn vẹn nữa. 

- Anh ơi! Anh em mình nói chuyện phiếm nha anh. Với cả cho em "phỏng vấn" anh vài câu. 

Rồi tôi hướng về phía cô bán nước, kêu lớn: "Cô ơi cho con thêm..." nhưng sau đó lại nhìn anh, hỏi:

- Anh uống cái gì hở anh?

- Chú cho anh ly trà chanh.

Trước mặt tôi, người với người cứ lướt qua nhau mà đi. Có những đứa trẻ tay này nắm tay mẹ, tay kia lại chỉ chỏ vào mấy cửa hàng đồ chơi với đôi mắt sáng như sao. Cũng có những đứa trẻ, tay cầm xấp vé số chìa ra nhưng có mấy ai quan tâm. Cũng có vài đứa trẻ, tay cầm hộp đánh giày đi khắp nơi, nhưng mà ít ai dòm ngó đến.

Chuyện trò với anh hồi lâu, tôi biết anh tên Phúc - Cái tên đều khiến ai nấy cảm thấy trong lòng hân hoan, cảm thấy hoa nở rộ trong lòng.

Đến cuối cùng, chúng tôi vẫn tạm biệt nhau. Anh đứng dậy, bắt tay tôi cười chào rồi đi bán hoa vì có người muốn mua vài cành tươi, đẹp đẽ về nhà. Gương mặt anh lộ rõ niềm vui hạnh phúc.

Lấy từ trong chiếc balo mang theo bên mình ra một cuốn sổ, tôi trầm ngâm hồi lâu, viết:

"Quán trà chanh tươi mát ngon lành, có anh bán hoa cạnh bên vui tính, có thằng bé nhỏ vé số trên tay, có thằng nhóc con đánh giày khắp chốn.

Cái Tết đang đến gần, từng đóa mai nở vàng rực rỡ, từng đóa đào sắc hồng trẻ tươi. Tết, khí trời lành lạnh. Dư âm của mùa đông như vẫn còn đây, trên con đường lấm tấm mưa phùn rơi, trên ngõ rẽ sắc hoa đưa lối."

- Cô ơi! Con gửi tiền nước. 

Tôi khoác balo đứng dậy, hít một hơi thật dài. Trong gió có mùi hương hoa thơm ngát.

Về nhà trọ, tôi mở máy đánh vài dòng lên bản thảo còn dở dang của mình. 

Một kẻ theo đuổi nghiệp viết nhưng nghề nuôi sống bản thân không phải là viết mà là phục vụ quán ăn. Tôi nhiều lúc muốn buông bỏ nó, vậy mà đến giờ vẫn lẽo đẽo theo nó hoài.

Khá nhiều lần, tôi gửi bản thảo mình viết đến một số nhà xuất bản. Nhưng lần nào cũng là cái im bặt của họ, tôi biết mình rớt rồi. Dẫu thế, tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định, tôi cứ gửi mỗi khi viết và chỉnh sửa xong trong sự hài lòng của mình.

Tính đến nay đã được bảy năm tôi theo nghiệp viết, những vấn đề mà người viết gặp phải tôi cũng đã trải qua phần nào rồi. Giờ đây va chạm với những chuyện trong nghề, tôi bình tĩnh mà giải quyết chứ chẳng như cái lúc bồng bột trước đây, nóng giận mà hồ đồ.

- Ê! Tết này có về quê không Khải?

Ngoài cửa sổ vang lên giọng nói trầm trầm, tôi ngó ra. Là Lượm, thằng bạn cùng quê của tôi, đồng thời cũng là bạn cùng phòng.

- Tết này chật vật quá, chắc không về được.

- Hồi hai tháng trước tao về quê, má mày hỏi Tết này mày có về không chứ hai năm qua mày đã không về rồi. Má mày bảo tao gắng rước mày về quê. Má mày mong mày lắm. Hôm đó, mắt bà còn rưng rưng.

- Tao biết chứ, nhưng mày nhìn coi. Tao thì nghèo kiết xác, tiền trọ thiếu lên thiếu xuống. Cũng may cô Sáu thương tình chứ giờ này là đang ở ngoài đường đó. Tao mà về trong bộ dạng này, mẹ tao bà xót lắm cho xem.

- Thì mày cứ về ăn Tết, đã là gia đình thì tính toán chi đâu. Trên này, công việc nào gác được thì gác đi. Mỗi năm có một dịp Tết chứ bao nhiêu.

- Để tao coi lại.

- Coi lại cái gì, mệt mày quá.

Lượm mở cửa vào phòng, nó giơ cây bánh tét trước mặt tôi, cười toe xong bảo:

- Thằng Cường có má lên thăm, má nó đem cả bánh tét lên. Tao đến tìm nó, lại gặp má nó. Má nó liền cho tao cây bánh tét này này. Lát nữa tao rót chén xì dầu cắt thêm ớt vô, tụi mình chén sạch cây bánh tét.

Tôi cười thích chí nhìn nó. Trong lòng lại ngậm ngùi khôn xiết, tôi nhớ mùi vị món bánh tét mà má tôi nấu quá. Cái vị ấy đến bây giờ tôi chẳng thể nào quên.

Tối, tôi ngồi trước máy gõ chành chạch, Lượm từ bếp bê lên một đĩa bánh tét thơm phức. Màu xanh thẫm bên ngoài hòa quyện cùng với màu hồng của nhân thịt, màu vàng vàng hướng vị lộc của đậu xanh. Tất thảy những điều ấy, tạo nên một sự gắn bó lạ kì, không gì tách rời được.

- Thằng kia, lại ăn bánh này.

- Ờ! Tao lại đây.

Đẩy ghế ra một bên, tôi đứng dậy đến chỗ có đĩa bánh ngon lành. Ngồi bệch xuống nền nhà, tôi đưa tay lấy một miếng bánh ăn thử. Cái vị thanh thanh, có mùi lá chuối. Cái vị beo béo của nhân thịt đậm đà, và cả cái vị nhàn nhạt rất đặc biệt của đậu xanh. Có mặn có nhạt, mùi vị tuyệt vời.

- Ê! Thẫn thờ gì đấy? - Lượm nó hỏi.

- Không có gì! Mà tự dưng tao thấy hơi thiếu thiếu.

- Cũng phải, hai sáu rồi chứ ít gì, chưa có bạn gái dẫn về quê ăn Tết đúng không?

- Nào phải! Tao chỉ thấy thiếu mùi kiệu thôi. Lúc nào ăn bánh tét má tao cũng cho thêm một đĩa kiệu.

- Vậy Tết này mày về quê thôi.

- Mày tưởng tiền vé xe về quê rẻ lắm hả? Với cả khi về tao muốn đem món gì về quê biếu, nhưng mà tao...

- Tao hiểu mà. Mấy hồi về quê tao toàn bòn chắt thật lâu đó. Ở cái thành phố này, thứ gì cũng đắt đỏ cả. Nhưng mình vẫn ở vì để sống.

Thời gian chầm chậm trôi qua, mới đó mà đã hai tám Tết. Ngoài nẻo đường vốn đông lại càng đông hơn. Mấy nhánh hoa nở rực cả vùng trời, điểm tô thêm cho cuộc sống. Vài cửa hàng giờ đã sớm đóng cửa do anh chị chủ về quê cả rồi.

Loay hoay một hồi tôi dẹp xong mớ chén đĩa. Quay ra thấy chị chủ quán đứng sau lưng mình. Chị nhìn tôi cười hiền, bảo:

- Đây! Tiền lương tháng này của cậu. Tháng này có tiền thưởng Tết nữa đấy nhé. Cậu về quê chung vui Tết cùng gia đình.

Nhìn chị, tôi ngỡ mình đang mơ. Tôi rối rít quá, nhảy cẩn lên cảm ơn chị. Lúc ấy chỉ có trời mới biết tôi mừng muốn phát khóc cỡ nào. 

Hôm đó là hôm cuối cùng của năm tôi làm việc ở quán, tôi trở về nhà trọ trong niềm hân hoan khôn tả. Dọc đường, tôi có ghé lại mua ít quà về quê. Cũng không có gì đáng giá, chỉ là những món nhỏ nhặt thôi ấy mà.

Cơn gió xuân nhẹ nhàng thổi qua, vài chiếc lá trên cành chầm chậm thả mình xuống đất. Mưa xuân lại bắt đầu, lành lạnh nhưng ấm áp.

Mở cửa phòng, tôi bước vào. Lượm vẫn chưa đi làm về nhỉ?

Xuống bếp, tôi đặt vài thứ mới mua lên. Định bụng hôm nay nấu một món thật ngon đãi Lượm, tôi bắt tay thực hiện ngay. 

Bắt nồi cơm xong, tôi nhặt rau, rửa cá, thịt. Đập vài trái trứng rồi khuấy đều. Sau, băm nhỏ thịt tôi trộn vào với trứng. Cuối cùng là đổ dầu ra chảo chiên lên thôi. Còn cá tôi để nấu canh, rau thì luộc ăn chấm với mắm.

Xong xuôi hết mọi thứ, đồng hồ điểm sáu rưỡi. Ngoài cửa vang lên tiếng lạch cạch, tôi biết Lượm đã về. Gương mặt nó cũng phơi phới như hoa. Tôi gặng hỏi thì nó nói nó cũng vừa được thưởng Tết. Vậy là cuối cùng kế hoạch về quê cũng sắp được hoàn thành.

- Ơ! Mùi gì thơm thế mày?

- Tao có chuẩn bị vài món ăn. Hôm nay tao cũng được thưởng Tết.

Lượm nhìn tôi cười khổ. Rồi nó đưa bọc thịt, cá tươi trước mặt tôi. Chúng tôi nhìn nhau, phá lên cười.

Đang lúc ăn cơm, nó bỗng nói:

- Mày phí quá đấy, để tiền về quê ăn Tết đi. Tụi mình ăn rau chấm nước mắm là được rồi.

- Mày cũng ít gì.

- Tao với mày giống nhau mà.

Lần nữa, chúng tôi phá lên cười. Cơm đang ở cổ, suýt bị sặc ra ngoài.

Màn đêm kéo theo những vì sao tới, thấp thoáng trên cao là ánh trăng vàng vằng vặc. Một ngôi sao, hai ngôi sao, ba ngôi sao, bốn ngôi sao... tôi nhẩm đếm, mong mau mau đến ngày mai. Gió khẽ tới, len qua chút khoảng trống hiếm hoi ùa vào phòng. Tôi liền run một cái, kéo chăn cao đến tận cằm.

Ngày mai rồi sẽ đến thôi. Một ngày tươi đẹp...

Sớm, từng tia nắng ấm áp soi rọi mọi ngõ ngách trong phòng. Tôi vươn vai thức dậy, vội vội vàng vàng chẳng thèm nhìn đồng hồ mà đi vào đánh răng rửa mặt. Kế tiếp tôi đến lay thằng Lượm đang ngủ say. Miệng làu bàu: 

- Lượm ơi! Dậy! Dậy! Đi đặt vé xe nè mày.

Nó nghe đến đó liền ngồi thẳng dậy, vụt chạy vào nhà vệ sinh.

Tám giờ sáng, nó chở tôi đến bến xe, mua hai cái vé về quê. Nào ngờ nghe tin sét đánh: hết vé rồi. Chúng tôi sững sờ nhìn nhau như thể nhìn sinh vật lạ. Tôi lay lay cánh tay người bán vé, hỏi:

- Anh xem kĩ lại được không? Xem kĩ một lần thôi.

- Các chú đến trễ quá đấy. Người ta mua vé xe là mua trước đây nhiều ngày, thậm chí trước cả tuần, cả tháng. Giờ đâu ai mua vé nữa?

- Thế sao anh còn đứng đây bán vé?

- Nhiệm vụ của tôi rồi.

Lúc này, tôi bỗng cảm thấy trái tim mình như vỡ vụn ra, nước mắt rơi từng giọt vào lòng. Ai đời sống ở thành phố bảy năm còn không biết "luật" mua vé xe ngày Tết. Thằng Lượm nhìn tôi vỗ vỗ vai an ủi nhưng thực chất nó cũng đang nuốt nước mắt giống tôi. Chắc nó nghĩ nó là đàn ông nếu rơi nước mắt vì chuyện này đúng là nhục nhã. Tôi cũng thế, nên suy ra nó thế.

- Mày ngồi đây nha Lượm, tao về nhà thu dọn quần áo mình chuẩn bị về quê.

- Nhưng vé...

- Mày ngồi yên đây đi.

Nói xong tôi lấy chiếc xe máy đã tàn của mình chạy về nhà trọ với tốc độ nhanh nhất, không quên vừa chạy vừa nhìn xem ở đâu có cảnh sát. Tết nhất đến nơi, các chú cảnh sát làm việc cao độ lắm. 

Tầm ba mươi phút sau, tôi từ trọ chạy đến bến xe. Lúc tới nơi, thằng Lượm nhìn tôi cười lớn. Mắt nó rơm rớm. Thấy vậy nên tôi đánh tiếng hỏi:

- Chuyện gì vậy Lượm?

- Tao tìm được ông chú kia. Ông ấy là người cùng quê với mình. Hôm nay ông ấy chạy xong chuyến xe cuối cùng, giờ định về quê.

Tôi ngờ ngợ nhìn nó, ngó nghiêng khắp nơi, nói:

- Đâu? Đâu? Chú đó đâu?

- Kia kìa!

Lượm chỉ tay về phía người đàn ông ngồi ở quán nước. Ông ấy đang nhâm nhi một ly cà phê đá trong tiếng cười giòn giã của người xung quanh. Tôi tiến lại gần đó, chộp tay ông ấy mà bắt. Ông nhìn tôi, lát sau bảo:

- Ơ! Thằng Khải. Mày sao thế?

- Chú biết con hả chú?

- Đương nhiên là biết. Hổm, tao có về quê. Má mày hỏi tao lên Sài Gòn phải không? Rồi bà bảo là nếu mà có gặp mày ở ngoài bến xe là dắt mày về liền, bà sợ mày muốn về quê mà không dám về. Đây, bà còn đưa ảnh mày cho tao xem.

Rồi chú lấy trong túi ra tấm ảnh nhỏ, tấm ảnh này chụp từ lâu rồi, từ cái thời mà điện chưa phủ rộng rãi như bây giờ. Tôi run run cầm lấy tấm hình, đó là hình của một cậu trai trẻ, gương mặt trẻ trung phơi phới chứ chẳng sầu não như bây giờ.

Cố kiềm nén nỗi xúc động, tôi lắp bắp:

- Thế... bao... bao... giờ... xe... chạy hả chú?

- Sắp rồi. Hai đứa bây ăn uống no nê rồi mình đi.

- Dạ.

Chuyến xe dài gần mười hai tiếng đồng hồ bập bềnh theo con đường lắm ổ gà. Một đoạn đường dài, xe xốc lên mãi nhưng tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi rơi vào tâm trạng hồi hộp như thằng nhóc lần đầu lên xì phố rồi dịp Tết về lại nhà.

Ngơ ngẩn một hồi, tôi bắt chuyện với chú:

- Chú ơi! Thế năm nay chú bao nhiêu tuổi ạ?

- Năm nay là bốn chín rồi.

- Nhưng nhìn chú trẻ lắm, giống mới bốn mươi thôi.

- Thiệt hả? Lần đầu có người khen tao trẻ đó. Tao mừng lắm nha mạy.

- Dạ. Thế chú ở khúc nào vậy chú? Từ trước đến giờ cháu chưa thấy chú lần nào.

- Tao ở khúc trên, cách mày cả mấy chục cây số. Mày biết được mới tài.

- Dạ. - Dứt lời, tôi cười.

Trong xe lúc ấy tràn ngập một niềm vui, một niềm háo hức được về nhà.

Xe đến bến lúc bốn giờ sáng. Mặt trời bấy giờ vẫn ngủ say, chỉ có trăng sao sáng tỏ nhất. Gió rít lên từng cơn, lạnh cóng. Khác với cái khí trời ở Sài Gòn, ở đây lạnh hơn rất nhiều. Tôi run lên bần bật.

- Chúc chú ăn Tết vui vẻ nha chú. Cảm ơn chú rất nhiều.

- Có gì đâu bây. Ăn Tết vui vẻ nha tụi mày. - Chú cười, nụ cười mới rạng rỡ làm sao.

Chúng tôi chia tay nhau tại bến xe. Từ đó, tôi cuốc bộ về nhà. Khoảng đâu mười lăm phút là đến.

Vẫn là con đường có gió thoảng mây bay, có hoa rơi vàng đất, có lá nhuộm màu tươi. Những cảnh này rất đỗi thân quen nhưng vẫn có vài phần xa lạ. Một đứa con xa quê ngạc nhiên với sự đổi mới từ từ của nơi mình từng gắn bó trong khoảng thời gian dài là như vầy phải không? Cảnh cũ, nhưng là người đổi thay?

Men theo con đường hai bên là trảng cỏ xanh rì trong ký ức, tôi bước nhanh. Khi gần về đến nhà, tôi mới dần chậm chân lại. 

Nắm chặt quai chiếc balo trong tay, tôi mở cánh cổng đã hoen màu rỉ sắc. Tiếng cửa kêu "cót két", trong nhà có người chạy ra. Là má. Tôi nhìn má, rơm rớm nước mắt, trong lòng vui như mở cờ.

Má chạy ra, ôm chặt tôi. Nghe tiếng má sụt sùi, tôi xót. Má đánh tôi vài cái, nhanh chóng sau đó là xoa. 

- Còn tưởng năm nay con không về.

- Đâu, con về với nhà mình. Phải về, phải về chứ má.

- Thôi vào đây đi con. Đưa balo má xách cho.

- Con tự xách được mà má, nhẹ hều hà. Mình vào nhà thôi má.

Như năm nào, tôi lẽo đẽo theo sau má. Ngôi nhà của tôi, tôi về rồi.

Con Trẩy nghe mùi, nó từ nhà chạy ra sủa inh ỏi. Cái con này, mới đi xa có hai năm mà giờ về lại sủa như thể gặp người lạ vậy. Hồi đó, nó quấn tôi nhất cơ mà. 

- Trẩy, yên nào. Anh Khải về rồi, mày không nhận ra à?

- Chắc nó khinh con. Đi lâu vậy mà về chẳng cho nó tí xương nào.

Tôi dòm dòm nó, giơ nắm đấm ra, dọa:

- Xương, mày muốn đòi xương. Đợi đi con.

Trẩy nó nghe xong, nó liền chui xuống gầm bàn. Đôi mắt to tròn của nó cứ hau háu nhìn tôi mãi.

Cởi đôi giày ra, tôi đặt trên thềm nhà. Khi đẩy cửa ra, một thứ ánh sáng hắt vào mắt khiến tôi choáng váng vài giây. Tôi chớp chớp mắt, nhìn rõ hơn mọi thứ. Mọi người trong nhà nhìn tôi, hoàn toàn bất động. 

- Con về rồi.

Tôi lên tiếng, người nào người nấy vui ra mặt. Người đến bắt tay tôi, người đến vuốt đầu, ôm má. Sau một tràn chào hỏi như vậy, tôi đặt balo sang một bên, tiến đến nơi bàn thờ thiêng liêng ấy.

Má vuốt đầu tôi, lấy ba cây nhang đã châm lửa đưa tôi, bảo:

- Con thắp cho ba nén hương. Ba con ổng mong con lắm đấy.

- Dạ...

Kế sau đó, tôi thắp vài nén hương cho ông bà nữa rồi tới phụ mọi người gói bánh tét. Nói chung, tôi gói không có khéo, động vô cái gì là cái đó tan tành nên bị mọi người đuổi về phòng mãi. Tôi biết là mọi người thương tôi mà, phải không?

Lục đục một hồi, tôi theo má xuống bếp. Tôi có hỏi má rằng:

- Sao lúc đó má biết con về mà ra mở cửa?

- Má có biết con về đâu, lúc nào nghe tiếng cót két ở cửa má cũng chạy ra xem thử, biết đâu con về.

Nghe đến đó, tôi không cầm được nước mắt, òa thật to trong lòng má như đứa trẻ của mười mấy năm trước đây.

Bình minh hừng sáng trên những ngọn đồi thoai thoải, ngọn đồi hồi ấy tôi hay cùng đám trẻ trong xóm chơi trò đánh trận giả. Nhớ đến là vui.

Chim ca sau một đêm ẩn mình, giờ cũng đang cất lên bài ca nắng mới. Con gà trống ở nhà cũng gáy ò... ó... o mãi thôi. 

Trên những chiếc lá xanh mơn mởn, vài giọt sương nặng nhọc chực chờ rơi xuống. Sương sớm trong lành, mát mẻ.

Cuối năm, muốn dẹp công việc sang một bên cũng khó vì tôi có thói quen kiểm tra hộp email mỗi sáng rồi. Sáng này cũng vậy, tôi lấy máy ra, mở mail lên xem thử. Có tin mới này. Thế là tôi bấm vào xem.

"Bản thảo 'Chờ con một ngày về' của cậu sẽ được in trong khoảng thời gian ngắn đến đây. Thông tin chi tiết về nhuận bút cũng như ngày in sẽ được thảo luận sau khi hết Tết. Chúc mừng cậu, Thế Khải. Hi vọng chúng ta có thể hợp tác thật dài lâu.

Chúc cậu có một cái Tết thật vui bên gia đình mình nhé!"

Như không tin vào sự thật này, tôi phải dụi mắt đến hơn mười lần. 

"Cảm ơn chị đã báo tin cho em ạ. Em cũng hi vọng chúng ta được hợp tác dài lâu.

Chúc chị ăn Tết vui vẻ, nụ cười luôn giữ trên môi nha chị.

Cảm ơn chị rất nhiều."

Tôi gõ đôi dòng, đáp lại thư của chị ấy.

Bên ngoài, tiếng má tôi đang réo. Tôi gập máy, vươn vai đứng dậy.

- Con ra ngay đây má.

Gia đình đấy, chốn bình yên đấy, tôi về rồi. Mọi sự ngoài nẻo đường đông đúc mình quẳng sang một bên. Về với gia đình, mình bình yên mà sống. Tạm biệt nhé, những xô bồ kia ơi!

                                                                                                      Ý Văn
                                                                                    25/01/2017 - 6:24 PM                 

- Cảm ơn Rynz về cái bìa truyện cực kì đáng yêu. ♥ 

...

Chúc mọi người có một cái Tết thật vui bên gia đình thân yêu của mình. Một dịp hiếm có, mỗi năm một lần vì thế chúng ta hãy hưởng trọn vẹn cái Tết này nhé.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro