[Câu chuyện 3] Mái tóc trong dòng lịch sử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

[Câu chuyện 3] Mái tóc trong dòng lịch sử

“Suy cho cùng, mái tóc y vẫn dài như cách nó đã từng dài. Lịch sử vẫn diễn ra như cách nó phải diễn ra.”

Ngày đó những mảnh rừng trên miền Tây Bắc vẫn còn hoang sơ. Tán cây dày, trăng chỉ lọt xuống chút ít, vừa đủ để Việt Nam nhìn thấy những gì bên dưới thảm lá mục. Tay chống giáo, em chúi người bước lên triền núi. Chiếc túi vải sau lưng dần trở nên nặng nề sau mỗi đoạn dốc thẳm. Tấm áo nâu dính bết vào người vì đẫm sương và mồ hôi.

Tay không đèn không lửa, thân thể em gần như chìm vào màn đêm. Kể cũng lạ, bước trong rừng mình mà cứ như đi trên đất khách, phải luôn đề phòng tiếng chân người và tiếng súng lách cách. Thỉnh thoảng những viên đạn lại ghim đầy trên thân cây, không khí bay mùi thuốc súng từ các lần quần thảo của giặc Tây. Ngày trốn, đêm đi. Ngày ngủ trời nóng như nung, đêm leo dốc núi sương lạnh buốt. Tiếng nước đổ thác ầm ầm là tín hiệu dò đường của Việt Nam trong tối. Em ngửi mùi sông Hồng chảy xuôi về Nam rồi tiếp tục đi ngược lên phía Bắc.

Rồi núi cũng bớt dốc, đường rừng thoải khiến bước chân trở nên nhẹ nhàng hơn. Ánh lân tinh lấp lánh từ củi mục cột trên cây giúp Việt Nam biết mình đang đi đúng hướng. Hình người dần hiện rõ ở cuối đoạn đường em đi. Có một người đang đứng sẵn đó, tay cầm đuốc, ánh lửa lập lòe hắt lên gương mặt quen thuộc. Người nọ đã thấy em, đôi mắt nheo lại khi nụ cười xuất hiện trên môi Trung Quốc.

“Việt Nam.”

Em mỉm cười, bước tới chỗ y.

________

Việt Nam ngủ không sâu. Trên miền đất đã quen ngựa xéo voi giày, những mảnh ký ức của tiền kiếp nhập nhằng hỗn loạn trong cảnh mơ. Không gian nồng mùi tanh. Giấc mộng phủ máu đặc sệt bốn bề. Để rồi sớm mai khi thức dậy vẫn tưởng sắc rơm mang màu đỏ.

Lau mồ hôi, em nhìn vào đôi giày rơm đã được đặt sẵn bên chiếu. Em nhớ mình đã đi hơn mười ngày không giày kể từ khi chiếc dép lốp không chịu nổi đường rừng thăm thẳm. Việt Nam nhìn xuống chân mình, bàn chân sưng tấy đã được ai đó rửa sơ, quấn vải mềm. Phần chân sưng lại giúp em đi giày mới vừa như in.

Trung Quốc đã dậy từ sớm. Y ngồi trên mỏm đá trước hiên nhà, cầm que củi chọc vào củ khoai nướng trong đống rơm. Sáng rừng không gió, gáy cổ y lấm tấm mồ hôi.

Việt Nam không nhịn được liền chạm vào gáy y. Trung Quốc quay ngoắt lại, vẻ đề phòng trên gương mặt biến mất khi nhìn thấy em.

“Tỉnh rồi à?”

“Đang làm gì đấy?”

“Làm đồ ăn sáng. Ăn không?”

Không đợi trả lời, Trung Quốc cắm củ khoai vào que củi đưa cho em. Mùi khoai nướng làm bụng Việt Nam rộn lên, nhưng em vẫn quay sang hỏi y.

“Đã ăn gì chưa?”

Rồi bẻ nửa đưa cho y.

“Đừng gật đầu. Nhìn mặt đồng chí là biết chưa ăn gì rồi.”

Hơi nóng từ lớp khoai vàng làm ấm làn da nhợt nhạt của Trung Quốc. Y vừa ăn vừa nhìn em. Việt Nam không có nét gì đặc biệt. Chỉ được trời sinh đôi mắt sáng, người khác nhìn vào sẽ không dời ra ngay được. Nét mắt tròn, con ngươi đen láy như mắt nai rừng tạo một ấn tượng ngây thơ đơn thuần. Trên gương mặt mềm mại còn vương nét thiếu niên. Gò má phồng lên khi ăn trông có sức sống hơn con người kiệt quệ xanh xao tối qua.

“Qua đây có khó khăn gì không?”

Làm sao mà miền rừng núi đã từng cản bước bao nhiêu đạo quân phương Bắc lại có thể không khó khăn gì chứ. Nhưng khi nuốt xong miếng khoai, Việt Nam chỉ nói: “Vẫn ổn.”

Y gật đầu, nửa củ khoai nhỏ chẳng thể làm no bụng. Nhưng sớm thôi những ngày tháng này sẽ kết thúc. Màu đỏ sẽ phủ khắp miền biên giới rồi nhanh chóng lan ra toàn Trung Hoa vĩ đại. Ngọn lửa cách mạng ngùn ngụt trong con ngươi khi y nhìn về phía Bắc.

Còn Việt Nam, em cũng nhìn theo hướng của y, nhưng không thấy được đại lục rộng lớn trong tâm trí y. Tầm nhìn của em bị chặn bởi một gốc liễu đại thụ, từng tán lá xanh rợp trông như những dải tóc đung đưa trước gió. Trong khoảnh khắc đó, ngàn kiếp hiện về thành hình người rủ tóc dưới bóng liễu. Nghiệp chướng bám vào nhiều đến nỗi dẫu dãi nắng ngàn năm vẫn thuần một màu đen nhánh. Thời gian làm dài mái tóc, quấn chặt lấy Việt Nam.

Em rũ mắt, gỡ đi dải tóc kết không có thực.
____________

Có một điều mà em chưa từng kể cho y nghe. Trong bốn ngày ở dãy núi Thập Vạn Đại Sơn, em đã thật sự hy vọng tương lai họ sẽ khác với những người tiền kiếp của mình. Rằng lịch sử có thể rẽ sang một hướng khác và định mệnh của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Em không nhắc đến những đêm trong nhà sàn, khi y cặm cụi khâu áo và em đã ngồi sau ngắm nhìn. Những sợi tóc ngắn không che được phần gáy trắng nõn của y. Em đã nhìn nó và so với tất cả mái tóc đã từng hiện trong ký ức của mình. Dường như chẳng khi nào Trung Quốc lại để tóc ngắn như thế cả. Hình dáng y trước mặt em hoàn toàn khác với lịch sử mà em đã biết. Chính sự xa lạ ấy đã khiến Việt Nam dấy lên hy vọng vào một tương lai khác. Tương lai của một Trung Quốc tóc ngắn, chứ không phải Trung Hoa tóc dài trong ký ức em.

Nhưng khi gió biên giới thổi mùi thuốc súng nồng nặc, em lại nhìn dòng lịch sử trở về với quỹ đạo của nó.

Mùa xuân năm đó miền núi như lò nung. Những thân cây treo ánh lân tinh biến thành những ngọn đuốc rừng rực cháy khắp cao điểm. Rừng rậm bị băm nát, đất lởm chởm hố pháo. Tất cả thực vật bị giẫm bẹp, nằm dúm dó dưới bàn chân của những con chiến mã sắt. Miền đất hoang sơ bỗng dưng dày đặc hơi người lạ. Đoàn người cứ tiến lên rồi ngã rạp, lớp sau tiếp lớp trước dường như vô tận. Đất lẫn bùn máu, thịt người nhoe nhoét theo tiếng pháo nổ. Máu nóng hôi hổi chảy vào trong thân súng đang kêu không ngừng. Cao điểm bập bùng lửa chiến trông như lò luyện ngục.

Cuộc chiến bắt đầu nhanh đến choáng váng nhưng lại kéo dài dai dẳng. Ngày đêm liên miên vùi xác xuống rừng còn mặt đất đổ đầy vũ khí rỗng ruột. Nhưng con người vẫn tiếp tục lao vào nhau trong cơn giận dữ. Không có súng thì họ dùng đá, dùng lao, dùng tay xé xác đối phương.

“Mẹ kiếp!” Giọng Trung Quốc khàn đi vì ngợp khói, đá chiếc lưỡi lê ra khỏi tầm với của Việt Nam. Y túm đầu em đập mạnh vào tảng đá. Trán em rách toạc, máu tuôn xối trên gương mặt đã không còn nhìn rõ đường nét vì bùn đất bám đầy. Em dồn sức vùng ra khỏi tay y rồi túm chân Trung Quốc kéo ngã. Em nhào lên người Trung Quốc đấm liên tục vào mặt y. Những ngón tay xương đói khổ dội vào mặt y đau điếng. Nhưng cơ thể rách nát sau cuộc chiến không ngăn được cú lật mình của người hàng xóm phương Bắc. Một bên mắt em sưng húp, tầm nhìn mờ đi vì máu vẫn chảy ướt trên mặt.

“Mẹ kiếp!” Y chửi gằn, dồn hết sự phẫn nộ vào từng cú đấm “Đây là lỗi của cậu. Tại sao cậu dám phản bội tôi?”

Phản bội à?

Hình như em đã nghe câu này rất nhiều lần. Trong suốt thế kỷ 20 liên miên chiến tranh, nền độc lập của các nước nhỏ dường như đã được nước lớn định đoạt. Những người cố tìm hòa bình cho riêng mình lại trở thành kẻ phản bội đồng minh. Việt Nam không nhớ mình đã nghe biết bao lần những lời mua chuộc lẫn đe dọa trong gần trăm năm chiến tranh.

Lời diễn thuyết kiêu căng của y nghe buồn cười như một vở hài độc thoại.

Việt Nam cười khùng khục. Hàm răng lấm máu nhe ra khiến Trung Quốc phải ngừng động tác lại. Y nhíu mày, nhìn kĩ lại Việt Nam. Chính sách rút máu của y và hắn đã thành công khiến em sống những ngày tháng còn tệ hơn trong chiến tranh. Quần áo bục nát để lộ lớp da bọc xương, hai má hóp, hốc mắt trũng sâu làm con ngươi trông to hơn bình thường. Mái tóc xơ xác bám đầy tro trắng trông như tóc bạc.

Trong giây phút này, y thấy em như già đi chục tuổi.

Gương mặt nát bươm của em khiến điệu cười càng thêm khó coi. Việt Nam đưa tay chỉ vào đầu mình, kêu: “Tóc đồng chí dài rồi kìa.”

Trung Quốc sờ tóc trong vô thức. Chỉ chờ có thế, Việt Nam liền đập mạnh đầu vào cằm y. Cơ thể nhỏ gầy như lươn trơn tuột khỏi vòng kẹp của Trung Quốc rồi nhanh chóng đứng dậy. Sống lưng em thẳng tắp, sẵn sàng giằng xé với Trung Quốc đến khi y phải lùi bước.

Suy cho cùng, mái tóc y vẫn dài như cách nó đã từng dài.

Lịch sử vẫn diễn ra như cách nó phải diễn ra.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro