chu cua ngoai day

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc dải đất miền Trung, nơi mà bom đạn giặc Mỹ từng giày xéo "...ruộng lúa phải bỏ hoang, mía non bị đốt, đồng bào ta chúng bắn cho xe kéo lê trên đường..." Quảng Ngãi khoảng thập niên 1960, đời sống của người dân đa phần cơ cực nghèo khổ lắm. Xã hội đã thế, thân phận lại là đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ nên thuở ấu thơ tôi không có diễm phúc được đến trường mẫu giáo.

 Lúc lên 5, ngoại bắt đầu dạy tôi học "đặng biết chữ với người ta". Bà là người nội trợ bình thường, tuổi đã ngũ tuần, lại không am tường nguyên tắc sư phạm nên chỉ dạy theo cách...ăn gì học nấy cho dễ nhớ! Ngoại dành nhiều thời gian tập tôi uốn lưỡi phát âm, cầm tay nắn nót cho tôi từng nét chữ, khi thì "đậu hũ, khoai lang", lúc "cá diếc, bánh bèo...". Ngoại còn dùng...giáo cụ trực quan "phỉnh" tôi đếm hết cả rổ ốc bươu rồi bà luộc cho ăn, thật tuyệt! Mỗi ngày tôi học theo "định mức" của bà đề ra, phải vừa đánh vần vừa viết đúng chính tả, bởi chính tả là "chính diện của con người" - ngoại tôi dạy thế. Dần dà với nếp...ăn học giản đơn đủ "vị, chất" ấy đã giúp tôi quen hết các mặt chữ, hiểu đúng ngữ - nghĩa và tự viết thành câu. Về sau "chương trình" được ngoại tôi...nâng cao bằng các bài học thuộc lòng...kinh nghiệm:

 Muốn tìm diện tích cho nhanh

 Chúng ta phải thuộc những hình kê sau

 Hình vuông bốn cạnh bằng nhau

 Lấy cạnh nhân cạnh tính mau ra liền

 Chữ nhật khác với chữ điền

 Vân vân...

 Những khi rảnh rỗi, ngoại còn dạy hát ngâm đồng dao, ca dao...mà có bài cho mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa được nghe thấy phổ biến:

 Chiều chiều lại nhớ chiều chiều

 Nhớ nồi cơm nguội, nhớ niêu nước chè

 Nhớ thời "tượng, mã, pháo, xe"

 Nhớ bánh tráng mè, nhớ chén đường non

 Nhớ hồi cá trích y con

 Thịt heo nguyên khổ...lòng còn ước mơ.

 Những đêm trăng sáng, ngoại thường hay kể chuyện đời xưa. Và hầu hết các câu chuyện "cổ tích" mà ngoại đã kể cho tôi nghe đều rất ngắn gọn, vậy nhưng phải đến khi trưởng thành thì tôi mới thấm thía được cái TÂM truyền đạt tính nhân văn, dạy dỗ ý chí cần cù rất hiệu quả của người bà thâm thúy. Nhớ có lần tôi thắc mắc về cái tên gọi "dị thường" của bánh ít, ngoại liền kể: Ngày xưa, có một bà lão làm ra loại bánh này nhưng nghĩ mãi vẫn chưa biết đặt tên bánh là gì, bà ta bèn mang đến bày bán giũa chợ nhằm để nghe lời gợi ý của khách hàng. Suốt cả buổi, nhiều người hiếu kỳ dừng chân dùng thử và tấm tắc khen ngon nên cùng rủ nhau mua về cho chồng, cho con thưởng thức. Mãi sau mới có một người mua bánh bảo là đem về cho mẹ mình ăn. Nhận thấy lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ trong dân gian sao ít người thể hiện quá nên bà lão buồn rầu đặt tên là bánh ít.

 Còn có câu chuyện "Làm giàu từ hạt ớt" cũng sâu sắc không kém mà ngoại đã kể với tôi như sau: Hồi trước, tại làng này có một phụ nữ tứ cố vô thân đói khổ quanh năm suốt tháng. Một hôm, người đàn bà nghèo nảy sinh ý chí kiên định làm giàu với sự khởi đầu là ươm trồng một hạt ớt. Thời gian nhanh chóng trôi đi, khi ớt sai trái chín thì bà hái bán và dành dụm tiền mua nuôi được một cặp gà con. Gà lớn lên sinh sản đông đúc, bà bán gà mua heo về nuôi. Khi heo nái đẻ thành bầy đàn thì bà lại bán heo rồi mua bò về nuôi. Và sau đó nữa là cứ bán dần bò để gom tiền tậu ruộng. Chẳng bao lâu, "kẻ" nghèo hèn năm xưa đã lột xác trở thành "người" giàu sang phú quý với ruộng đất cò bay thẳng cánh.

 Vâng, cho dù nội dung của các câu chuyện kể có hơi hướng "hoang đường" trong mọi thời đại, nhưng đối với tôi thì đó là những bài học làm người vô cùng quý báu, cứ sẽ mãi như kim chỉ nam hướng tâm hoàn thiện tư duy và nhân cách chính mình.

 Song le, tuy việc ăn - học theo nếp "nhà khó" thì...hổ lốn tự do, không khuôn mẫu quy trình hay nguyên tắc; thế nhưng chính những điều bình dị thoải mái ấy lại được tâm hồn trẻ thơ cảm nhận một cách dịu êm gần gũi, dễ tiếp thu thực tế và luôn in sâu vào tiềm thức suốt cả quãng đường đời dài đẳng đẳng. Không cường điệu khi nói rằng, cách giáo huấn của nhà mô phạm bất đắc dĩ như ngoại tôi là rất ấn tượng, bởi bà không bao giờ dùng đòn roi vọt để nhắc nhở mỗi khi trò "trở chứng" mà chỉ nhẹ nhàng hóm hĩnh "đánh" bằng...thơ:

 On, đơ, toa, cách, xanh...đui

 Đứa nào biếng học trời xui ăn mày!

 Hoặc...khuyến cáo như:

 "Lỏng chỏng" cũng ráng Diplom

 Bằng không lam lũ sớm hôm..."mười giờ"! (đít - giơ)

 ...

 Sau cùng thì kết quả gặt hái được trong chuỗi ngày ngắn ngũi mà hai bà cháu tôi đã mày mò con chữ chông chênh là mớ kiến thức chân quê, góp nhặt làm hành trang đơn sơ ngoại tặng để tôi tự tin bước vào tiểu học.

 Gần 50 năm trôi qua, cũng đã lâu rồi ngoại bỏ ra đi về nơi xa lắm, nhưng những lời ngoại dạy thuở nào cho mãi đến nay trong tôi vẫn rộn ràng vang vọng. Và, cứ hễ ngẫm nghĩ là thấy cuộc đời mình may mắn. Thành kính viết kể lại chuyện "ăn học"...lạ đời như xưa, cũng là dịp may báo đáp tựa đốt muôn nén nhang lòng tri ân, tưởng vọng "người thầy" đã khuất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#duy