Sơ lược chính sách của Đại Minh Đế Quốc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Theo qui chế tổ chức thời Vĩnh Lạc, quân số mỗi vệ là 5.600 người, tương đương với một lữ đoàn ngày nay; một thiên hộ sở là 1.120 người; một bách hộ sở là 120 người. Khởi đầu, Minh Thái Tông dùng đơn vị lớn gồm 4 vệ: Tả, Trung, Hữu, Tiền đặt tại thành Giao Châu [Hà Nội]; cùng với 2 vệ tại Xương Giang [Bắc Giang], Trấn Di [Lạng Sơn], 2 Thiên hộ sở tại Thị Cầu; nhằm bảo vệ con đường huyết mạch từ thành Giao Châu đến biên giới phía bắc:

"Ngày 11 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [15/7/1407]. Thiết lập các Tả Hữu vệ Chỉ huy sứ ty tại Giao Chỉ, Giao Châu. Sắc dụ quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ cùng Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn rằng:

"Trong thành Giao Chỉ lập Giao Châu Tả, Trung, Hữu, 3 vệ; phía bắc sông Phú Lương [Hồng Hà] lập Giao Châu Tiền vệ; Xương Giang, Khâu Ôn mỗi nơi lập một vệ; Thị Cầu, Ải Lưu quan, mỗi nơi lập Thủ ngự Thiên hộ sở; tại Thị Cầu đóng hai sở để phòng thủ. Về vấn đề lương thực dự trữ, đã ra lệnh bọn Đô đốc Hàn Quan đốc suất thổ binh Quảng Tây chuyển vận cung cấp đến lúc được mùa thì dừng; hiện tại phân bố quân sĩ trấn thủ tại địa phương canh tác, lại được cung cấp phụ thêm bằng cách thu thuế của dân."

Tháng sau, Trương Phụ xin đặt thêm vệ Thanh Hóa:

"Ngày 21 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [23/8/1407]. Bọn quan Tổng binh Trương Phụ tâu rằng thành Đô ty Giao Chỉ [thành Đông Đô, Hà Nội] bị nghiêng và sụp, cần xây và tu bổ; nên lập vệ tại Thanh Hóa, lưu giữ quan quân thủ ngự tại hai quan ải Khâu Ôn và Ải Lưu. Tất cả đều được chấp thuận."

Qua lời thỉnh cầu của Trương Phụ, không những chấp thuận cho lập vệ tại Thanh Hóa, mà còn lập thêm 5 vệ tại các tỉnh quan trọng phía nam, và vùng Tam Giang hạ lưu sông Thao:

"Ngày 16 tháng 11 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [15/12/1407]. Lập 5 vệ tại Giao Chỉ gồm: Tam Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Cùng lập 2 Thủ Ngự Thiên Hộ sở tại Diễn Châu, Nam Tĩnh."

 Chưa đầy một tháng sau, thời gian còn quá sớm chưa kịp nhận chỉ thị lập 5 vệ; Trương Phụ xin lập thêm hậu vệ cho thành Giao Châu, cùng đặt thêm 15 thiên hộ sở, để bảo vệ đường huyết mạch biên giới phía bắc:

"Ngày 10 tháng 12 năm Vĩnh Lạc Thứ 5 [7/1/1408]. Bọn quan Tổng binh Giao Chỉ Tân thành hầu Trương Phụ tâu xin:

'Ngoài 7 vệ đã được thiết lập, xin điều bát quan quân gồm 5.600 người để lập Giao Châu hậu vệ. Lại xin từ 2 vệ Trấn Di và Lạng Sơn đặt thêm 15 Thiên hộ sở, tổng cộng dùng quan quân hơn 22.700 người'.

Tất cả đều được chuẩn theo. Thiên tử ban sắc như sau:

'Xứng đáng làm Ðại tướng! Phàm việc quân vụ nơi biên thùy, xem nhân tình xét sự việc, thế phải làm là làm. Ðáng làm mẫu mực theo danh tướng thời xưa."

Giai đoạn chuẩn bị về nước, Tổng binh Trương Phụ xin tăng cường thiên hộ sở cho các vệ, để quân số được đầy đủ:

"Ngày 17 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [14/3/1408]. Đặt thêm hai Thiên Hộ sở trung và hữu cho tả Vệ Giao Châu; cùng 2 Thiên hộ sở Trung, Tả cho 3 Vệ Trung, Hữu, Tiền Giao Châu, vệ Xương Giang; 5 Thiên hộ sở gồm trung hữu, trung trung, trung tiền, trung hậu, thủy quân cho Vệ Thanh Hóa; 3 Thiên Hộ sở gồm trung, tiền, hậu cho vệ Tam Giang."

Tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [7/1408] Trương Phụ về nước, dâng thành tích của y đã chinh phục được nước An Nam, với bản đồ chiều ngang đông tây 1.760 dặm [880km], chiều dọc nam bắc 2.800 dặm [1.400km]. Nếu đem so sánh với hiện tại, chiều ngang biên giới đất liền Việt Trung khoảng 1.500 km, lớn hơn con số 880 km thời Minh, bởi lẽ dưới thời Minh mở nước phía tây bắc, chiếm thêm một số tỉnh. Chiều dọc nước ta đo theo đường chim bay hiện nay là 1.650 km; Phụ thể theo con đường Thiên lý quanh co tâu rằng nam bắc 1.400 km; do lãnh thổ bấy giờ chỉ mới giáp ranh tỉnh Quảng Nam mà thôi:

"Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [3/7/1408]. Quan Tổng binh Tân thành hầu Trương Phụ, Tây bình hầu Mộc Thạnh mang quân trở về kinh đô. Bọn Trương Phụ dâng địa đồ Giao Chỉ từ phía đông đến phía tây rộng 1760 dặm, từ phía nam đến phía bắc dài 2800 dặm, Thiên tử khen ủy lạo; ban yến cho bọn Phụ cùng các tướng tại Trung quân Đô đốc phủ, quân cầm cờ được ban mỗi người 5 đỉnh bạc giấy."

Cũng căn cứ vào tờ trình của sáu bộ nhà Minh, về thành tích đạo quân xâm lăng dưới quyền Trương Phụ lập được gồm: kiểm soát trên 5 triệu dân, tịch thu hơn 1 triệu tấn lương thực, trên 2 triệu rưỡi vũ khí; thấy được tiềm lực đất nước ta vào đầu thế kỷ thứ 15, cũng không phải là yếu kém:

"Ngày 12 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [5/7/1408]. Thượng thư bộ Lại bọn Kiễn Nghĩa, cùng Thượng thư 6 bộ tâu:

'Tân thành hầu Trương Phụ bình định Giao Chỉ lập 472 vệ môn cho quân dân; mỗi Đô ty, Bố chánh ty, Án sát ty lập 1 ty; 10 vệ, 2 Thiên hộ sở, 15 phủ, 41 châu, 208 huyện, 1 Thị bạc đề cử ty, 100 tuần kiểm ty, 92 vệ môn cho ty cục thuế khóa, đặt 12 thành trì, chiêu an hơn 3.120.000 nhân dân, bắt được dân man hơn 2.087.500 người; trữ lương 1360 vạn thạch; voi, ngựa, trâu bò cộng hơn 235.900 con, 8677 chiếc thuyền, hơn 2.539.850 vũ khí.'

Thiên tử phán:

'Trẫm là vị chúa nhân dân trong bốn bể, há lại ưa dùng binh đến cùng, tham giàu có đất đai nhân dân ư! Vì nghịch tặc không thể không tru diệt, dân cùng khổ không thể không giúp. Bọn Phụ tuân theo mệnh của Trẫm, phấn dõng ra mưu, giết bắt bọn hung đồ, bình định một phương, công đó có thể gọi là hùng vĩ phi thường vậy!'

Trương Phụ bước ra cúi đầu tạ ân và tâu:

'Do Hoàng thượng trù hoạch cùng uy linh của quốc gia, còn kẻ ngu thần này có công gì?'

Thiên tử phán:

'Công của ngươi sẽ được vĩnh viễn ghi trong sử sách không bao giờ lu mờ, tuy Hán Phục ba cũng không hơn vậy.'

Rồi ra lệnh cho Nghĩa cùng với bộ Lễ bình nghị công lao thăng thưởng cho các tướng sĩ; chiếu theo lệ bình Vân Nam có tăng thêm."

Sau khi chiếm xong nước Đại Việt, Trương Phụ sai Đô đốc Liễu Thăng dâng thư báo thắng trận và tù binh đến kinh đô Nam Kinh. Tù binh gồm gia đình con cháu Hồ Quí Ly, cùng các quan văn võ trọng thần nhà Hồ, cho trình diện Vua Minh Thành Tổ:

"Ngày 5 tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [5/10/1407]. Quan Tổng binh Giao Chỉ Tân thành hầu Trương Phụ, Tả Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh sai bọn Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng dâng thư báo thắng trận cùng tù binh đến kinh đô. Văn thư như sau:

'Thánh nhân đối xử một đức nhân từ, thể theo lượng trời đất che chở; Đế Vương dùng chín phép chinh phạt, nghiêm trừng lũ man mạch xâm lăng; vì cứu dân không gì gấp hơn trừ hung, trị nước không quên yên cõi ngoại.

Tên nghịch tặc An Nam Lê Quí Ly đổi tên họ là Hồ Nhất Nguyên, cùng con Lê Thương đổi là Hồ Đê; chúng vốn là Bồi thần, bẩm sinh ác đức, đem lòng rắn rết, buông tuồng quỉ quái gian hùng; mấy lần xâm phạm biên cương, bạo ngược giành đất đai lân quốc. Giết vua lấy nước, tranh ngôi với họ Trần; thay đổi kỷ nguyên, dối xưng cháu con Ngu Thuấn! Nhà nhà bị đòi hỏi sách nhiễu, người người sợ bị tru lục, tội ác đầy trời, tiếng oan dấy đất.

Hoàng thượng nhân từ gia ân điển, tỷ thư mấy lượt sắc phong; đức rộng bao la tựa trời, nhưng yêu quái xảo trá vẫn không hết. Ngụy xưng đón cháu chủ cũ [Trần Thiên Bình] rồi đem giết; chốn biên cương lấn át Sứ thần Thiên triều; chất đầy tội phản nghịch, thần linh giận dữ, xa gần tổn thương, Vương pháp tất phải tru lục, nào phải lòng riêng của Thiên tử.

Bọn thần kính tuân Đế mệnh, phụng thừa Thiên uy; năm ngoái ngày 14 tháng 10 cất quân đến Cần Trạm, vượt sông Phú Lương, tướng tá phấn khởi tranh dẫn đầu, sĩ tốt dốc lòng trung liều chết; phá lũy Đa Bang, hạ tiếp hai đô [Đông Đô, Tây Đô], sĩ thứ hoan nghênh, chợ búa không ngừng buôn bán. Truy tầm nơi đầm rạch, mấy lần đánh dẹp nơi biển sông; kẻ qui phụ được sống an tòan, bọn chống cự đều bị tiêu diệt. Kiếm khí sáng ngời nơi ngưu đẩu, quân thanh chấn động chốn man di, đảng ác đều bị tru di, đầu sỏ tìm cách trốn chui nín thở. Bọn thần Phụ, Thạnh, thủy bộ ngày đêm cùng tiến; Du Kích Tướng quân Chu Quảng, Vương Thứ, truy kích đến châu Nhật Nam; Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng, Hoành Hải Tướng quân Lỗ Lân càn tại cửa bể Kỳ La; cờ bay chói lọi, thảo mộc nơi sông bãi đều hồng; trống chiêng huyên náo, kình ngư chốn biển sông sợ nhảy; tanh hôi hết vùng vẫy, muỗi độc không chốn dựa nương, thôn dã lửa cháy nước sôi, sài lang chịu trói; cha con nghịch tặc cùng tướng ngụy đều bị bắt. Bọn thần biểu dương Thánh chỉ, tuyên bố ân sâu, chiêu tập kẻ lưu ly, khoan hồng người bị bức hiếp; nhà nhà vui mừng thoát thân khỏi cảnh nước lửa, chốn thôn dã âu ca thỏa lòng mong ngóng trời mây; yêu khí bay xa, chướng lệ tiêu diệt. Kính cẩn đem bọn bị bắt gồm:

Đầu sỏ giặc ngụy Thượng hoàng nước Đại Ngu Lê Quí Ly.

Ngụy quốc chúa Đại Ngu Lê Thương.

Con trai đầu sỏ giặc ngụy Suy Thành Thủ Chính Dực Tán Hoằng Hóa Công thần, Vân Đồn, Qui Hóa, Gia Hưng trấn Chư Quân sự, lãnh Đông Lộ, Thiên Trường phủ lộ Đại Đô đốc, đặc tiến Khai Phủ Nghi đồng Tam Ty nhập nội Kiểm hiệu Tả Tướng quốc Bình Chương Quân Quốc sự, ban bao Kim Ngư, Thượng Trụ quốc Vệ Quốc Đại vương Lê Trừng.

Ngụy Thái Nguyên kiêm Thiên Quan trấn Phiêu Kỵ Thượng tướng Lương Quốc vương Lê Đôn.

Ngụy Tân Hưng trấn Phiêu Kỵ Đại Tướng quân Tân Điển Quận vương Lê Uông.

Cháu nội đầu sỏ giặc ngụy Thái tử Lê Nhuế.

Ngụy Quận Tự vương Lê Lỗ.

Ngụy Quận Á vương Lê Nê.

Cháu nhỏ Ngũ Lang.

Em đầu sỏ Ngụy Lâm An trấn kiêm Đại An Hải trấn, Phiêu Kỵ Đại Tướng quân, khai phủ nghi đồng Tam ty, Nhập Nội Tướng quốc Bình Chương sự, ban bao Kim Ngư, Thượng Trụ quốc Đường Lâm Quận vương Lê Quí Tỳ.

Cháu [xưng chú bác] đầu sỏ ngụy Vọng Giang trấn, Phụ Quốc Đại Tướng quân, Nhập Nội Phán Trung Đô phủ, Hà Dương quận Á công Lê Nguyên Cửu.

Ngụy Long Hưng lộ Đô Thống phủ, Bình Lục huyện Thượng hầu Lê Tử Tuynh.

Cháu [xưng chú bác] đầu sỏ Ngự Liễn Thự Nhất Cục Chánh chưởng Hương hầu Lê Thúc Hoa.

Ngụy Thanh Đình hầu Lê Bá Tuấn.

Ngụy Thạch Đường Hương hầu Lê Đình Đạn.

Ngụy Vĩnh Lộc Đình hầu Lê Đình Quảng.

Tướng giặc Nhập Nội Thiêm Văn Triều chính, kiêm Nội Thị Tỉnh Đô tri, Tri Tả Ban sự, Lạng Sơn trấn quyền Thiêm Hàng Quân hành, Lạng Sơn lộ Đồng Tri Tổng quản Phủ sự, ban bao Kim Ngư, Trụ Quốc Đông Sơn Hương hầu Hồ Đỗ.

Ngụy Nhập Nội Hành khiển, Đồng Tri Thượng thư, Tả Ty Sự Khu Mật Viện Phó sứ Nguyễn Ngạn Quang.

Ngụy Chính Phụng Đại phu, Nhập Nội Hành khiển, Môn Hạ Tả Gián Nghị Đại phu, Đồng Trung Thư Công sự, kiêm Tam Giang lộ Thái Thú, Tân An trấn Chế Trí sứ, Quốc Tử Học Tế tửu, ban bao Kim Ngư, Hộ quân Lê Cảnh Kỳ.

Ngụy Ninh Vệ Tướng quân Tri Uy Vệ sự, Quản Hữu Thánh Dực quân, ban phù Kim Đoàn, Huyện bá Đòan Bồng.

Ngụy Doanh Thần Kính Doanh Đình bá Trần Thang Mộng.

Ngụy Câu Kiềm Vệ Trung Tức tướng, lãnh Long Tiệp quân, kiêm lãnh Tráng Dõng doanh Phạm Lục Tài.

Kính cẩn sai Đô đốc Thiêm Sự Liễu Thăng, Hoành Hải Tướng quân Lỗ Lân, Thần Cơ Tướng quân Trương Thắng, Đô Chỉ huy Thiêm Sự Du Nhượng, Chỉ huy Đồng Tri Lương Đỉnh, Chỉ huy Thiêm Sự Thân Chí Giám giải đến kinh sư cùng dâng dưới cửa khuyết ấn vàng, đồ thư gồm 16 món. Bọn thần ngu dốt, chỉ biết hết sức xông pha, ngưỡng nhờ thần minh tông miếu, uy phong của Hoàng thượng; như gió cuốn cỏ rạp, trời mở khiến ngày sáng, chinh phục toàn phong cương cũ, trở lại cảnh vĩnh lạc thái bình thịnh thế; niềm vui không ngớt hoan hô, bèn dâng thư chiến thắng này.'

Thiên tử ngự tại cửa Phụng Thiên, các quan văn võ quần thần hầu xung quanh, khi nghe viên Binh bộ Thị lang Phương Tân đọc văn bản đến đoạn 'Giết chúa lấy nước, tranh ngôi với họ Trần; thay đổi kỷ nguyên'; Thiên tử bèn sai người hỏi Lê Quí Ly rằng:

'Đó có phải là đạo của bề tôi không?'

Cha con Hồ Quí Ly đáp không được. Sau khi Tân đọc xong, xuống chiếu giam bọn Quí Ly, con là Thương, ngụy tướng Hồ Đỗ vào ngục và tha bọn con, cháu là Trừng, Nhuế; mệnh ty sở quan cấp đồ ăn mặc."

"Ngày 11 tháng 4 năm Thành Hoá thứ 5 [21/5/1469]. Dùng con của viên Hữu thị lang bộ Công Lê Thúc Lâm, tên Thế Vinh, làm Trung thư xá nhân.

Thúc Lâm gốc người Giao Chỉ; cha là Trừng, con Lê Quí Ly, em Lê Thương, vốn là tù binh bị bắt về, Thái Tông văn hoàng đế tha tội cho, ban cho chức quan, chuyên chế tạo súng đạn, thuốc nổ, tại cục Binh trượng, cuối cùng giữ chức Thượng thư bộ Công. Thúc Lâm kế nghiệp, vẫn tiếp tục chế tạo quân khí. Đến nay xin cho con là Thế Vinh được làm quan tại kinh đô, để tiện bề phụng dưỡng.

Hoàng thượng nghĩ đến người phương xa nên chấp thuận."


"Ngày 23 tháng 10 năm Vĩnh Lạc thứ 5 [22/11/1407]. Truy tặng con cháu cố An Nam Quốc vương họ Trần gồm 7 người: Trần Thúc Thích chức Á Trung Đại phu Giao Chỉ Thừa Tuyên Bố chánh ty Tham chính, Trần Kháng chức Á Trung Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty Hữu Tham chính, Trần Uyên Tế chức Triều Liệt Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty Hữu Tham chính; Trần Viết Chương, Trần Kháng Dận, Trần Quốc Quế chức Triều Liệt Đại phu Giao Chỉ Bố chánh ty hữu Tham chính. Trước đây ban chiếu chỉ về việc con cháu họ Trần bị giặc họ Lê giết hại nên gia phong truy tặng; nay các quan liên hệ gửi danh sách đến, bèn có chiếu mệnh này." 



Sau khi Trương Phụ đặt chân đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình, đánh dẹp xong nhà Hậu Trần; tham vọng xâm lăng của y hướng tới Chiêm Thành tại phía nam. Thời Hồ Quí Ly, lãnh thổ nước An Nam mở mang đến tận 4 châu Thanh [bắc Quảng Nam], Hoa [nam Quảng Nam], Tư [bắc Quảng Ngãi], Nghĩa [nam Quảng Ngãi]; lúc quân Minh đánh nhà Hồ, Chiêm Thành mượn cớ giúp Minh, nhân thời cơ chiếm lại 4 châu. Đến đây Trương Phụ bèn giành lại 4 châu và cho đặt quan cai trị:



"Ngày 27 tháng 3 năm Vĩnh Lạc thứ 12 [16/4/1414]. Ngày hôm nay lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; tất cả đều lệ thuộc phủ Thăng Hoa. Phủ này ở phía nam Hóa Châu, gồm 11 huyện bao gồm cả Lê Giang. Vì giặc họ Lê lấy đất này của Chiêm Thành, để cho bọn Nguyễn Súy, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Dị, Đặng Dung trông coi. Đến lúc bọn Nguyễn Súy làm phản, Chiêm Thành lại sai người cai quản. Nay bọn nổi loạn đã bị bắt, quan Tổng binh Anh quốc công Trương Phụ cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh bàn lập lại 4 châu, theo thể chế giao cho những người xin hàng gồm Nguyễn Nhiêu, Dương Mộng Tùng, Phạm Công Nghị, Nguyễn Kiệm chức Tri châu; Hồ Giao, Trương Nguyên Chú, Vũ Chinh, Phạm Phưởng chức Đồng tri; lại gửi thư cho Chiêm Thành Sứ giả biết về việc xếp đặt này; cùng tâu trình về triều. Hoàng thái tử chấp thuận." 

Bấy giờ nhà Minh chủ trương thu thuế; cứ 1 mẫu đất bắt khai thành 3 mẫu; theo qui định mới 1 mẫu thu 5 thăng thóc; đất trồng dâu, 1 mẫu thu 1 lạng tơ:

Tháng 9 [10/1415], Hoàng Phúc nhà Minh sai quan áp giải đích thân những bọn nho học, thầy thuốc, thầy tướng số, nhà sư, đạo sĩ đưa về Yên Kinh trao cho quan chức rồi đưa về các nha môn làm việc. Lại ra lệnh cho các quan ty sở tại cấp cho tiền đi đường và người bạn tống, nếu không sẽ bị trừng trị; dọc đường phải cấp cơm ăn và tiền đi đường."

Hơn 6 tháng sau, khi nhân lực tập trung đầy đủ; cho lập 93 ty nho học, 46 ty Âm dương, 49 ty Y học, tại các phủ, châu, huyện. Riêng về Phật giáo lập 75 ty Tăng cang, Tăng chính, Tăng hội; về Đạo giáo lập 58 ty Đạo kỷ, Đạo chính, Đạo hội, tại các phủ, châu, huyện. Đây là mặt trận tư tưởng, bủa lưới ra rất rộng; với tham vọng mọi người An Nam đều nằm trong mặt trận này, để dễ bề khống chế:

"Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [11/6/1416]

Thiết lập các ty Nho Học, cùng Âm Dương, Y Học, Tăng Cang, Đạo Kỷ tại các phủ, châu, huyện thuộc Giao Chỉ.

Lập 12 ty Nho Học tại các phủ: Giao Châu, Bắc Giang, Kiến Bình, Lạng Giang, Phụng Hóa, Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thuận Hóa, Tam Giang, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập 19 ty Nho Học tại các châu: Qui Hóa, Ninh Hóa, Tam Đái, Từ Liêm, Phúc An, Vũ Ninh, Bắc Giang, Trường Yên, Lạng Giang, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Ái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Giang.

Lập 62 ty Nho Học tại các huyện: Từ Liêm, Thạch Thất, Bình Lục, An Lạc, Lập Thạch, Phù Ninh, Thanh Đàm, Phù Lưu, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngàn, Thiện Thệ, Tế Giang, Thiện Tài, Đại Loan, Vọng Doanh, Thanh Viễn, Phượng Sơn, Bình Hà, Bảo Lộc, An Ninh, Cổ Lũng, Đường An, Tây Chân, Giao Thủy, Chân Lợi, Bố, Kiến Xương, Phù Dung, Đông Kết, Vĩnh Cô, Thái Bình, Thủy Đường, Cổ Phí, An Lão, Đồng Lợi, Thanh Miện, Chí Linh, An Định, Lương Giang, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Tây Lan, An Định, Ty Nông, Vĩnh Thông, Động Hỷ, Vũ Lễ, Đương Đạo, Văn An, Khoáng, Dương, Để Giang, Ất Bình, Thu Vật, Mông, Ma Lung, An Lập.

Lập 6 ty Âm Dương Học tại các phủ: Lạng Giang, Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Tam Giang, Thái Nguyên.

Lập 14 ty Âm Dương Học tại các châu: Qui Hóa, Phúc An, Từ Liêm, Bắc Giang, Vũ Ninh, Gia Lâm, Lạng Giang, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Đà Giang, Vạn Nhai.

Lập 26 ty Âm Dương Học tại các huyện: Thạch Thất, Ứng Bình, Thiện Tài, An Ninh, Bình Hà, Bảo Lộc, An Ninh, Đường An, Đa Cẩm, Chân Lợi, Bố, Phù Dung, Đông Kết, Hiệp Sơn, Thủy Đường, Cổ Phí, An Lão, Chí Linh, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Cổ Nông, Đương Đạo, Dương, Để Giang, Bình Nguyên.

Lập 5 ty Y học tại các phủ, gồm: Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập 13 ty Y Học tại các châu, gồm: Gia Hưng, Tam Đái, Oai Man, Bắc Giang, Gia Lâm, Lạng Giang, Thượng Hồng, Đông Triều, Hạ Hồng, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Giang.

Lập 31 ty Y Học tại các huyện, gồm: Ma Lung, An Lập, Thủy Vĩ, Tượng, Thanh Oai, Ứng Bình, Tế Giang, Thiện Tài, Vọng Doanh, Đại Loan, Thanh Viễn, Bình Hồ, Thanh An, Đa Cẩm, An Ninh, Cổ Lũng, Thuận Vi, Thái Bình, Chân Lợi, Thị, Mỹ Dung, Đông Kết, Vĩnh Cô, An Lão, Thủy Đường, Thanh Miện, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Bình, Cổ Nông, Thu Vật.

Lập 3 ty Tăng Cang tại các phủ, gồm: Tân An, Thanh Hóa, Thái Nguyên.

Lập16 dẫn Tăng Chính tại các châu: Gia Hưng, Quảng Oai, Qui Hóa, Bắc Giang, Trường Yên, Lạng Giang, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Thanh An, Cửu Chân, Thao Giang, Đà Giang, Tuyên Hóa, Thất Nguyên.

Lập 56 ty Tăng Hội tại các huyện: Từ Châu, Phù Ninh, An Lạc, Lập Thạch, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Đàm, Phù Lưu, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngàn, Thiện Thệ, Tế Giang, Thiện Tài, Đại Loan, Vọng Doanh, An Bản, Bình Hòa, Bảo Lộc, An Ninh, Đường An, Đa Cẩm, Thuận Vi, Tây Chân, Mỹ Lộc, Chân Lợi, Bố, Kiến Xương, Phù Dung, Thúc Kết, Đa Dị, Cổ Lan, Đình Hà, Thái Bình, Hiệp Sơn, Thủy Đường, Cổ Phí, Tây Kỳ, Đồng Lợi, Thanh Miện, Chí Linh, An Định, Đông Sơn, Lương Giang, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, Cổ Nông, Phú Lương, An Định, Đương Đạo, Khoáng Dương, Thu Vật, Mỹ Lương.

Lập 6 Đạo Kỷ tại các phủ: Kiến Xương, Trấn Man, Tân An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Hóa.

Lập15 ty Đạo Chính tại các châu: Qui Hóa, Phúc An, Lợi Nhân, Từ Liêm, Vũ Ninh, Bắc Giang, Gia Lâm, Trường An, Thượng Hồng, Khoái, Đông Triều, Hạ Hồng, Nam Sách, Thao Giang, Đà Giang.

Lập 37 ty Đạo Hội tại các huyện: Từ Liêm, Lập Thạch, Thanh Đàm, Thanh Oai, Gia Lâm, Siêu Loại, Từ Sơn, Đông Ngạn, Thiện Thệ, Thiện Tài, Vọng Doanh, An Bản, Lê Bình, Bình Hà, Bảo Lộc, Đường An, Mỹ Lộc, Tây Chân, Phù Dung, Quả Kết, Đại Bình, Thủy Đường, Hữu Phí, An Lão, Tây Kỳ, Thanh Miện, Chí Linh, Ma Khê, Thanh Ba, Hạ Hoa, An Định, Đương Đạo, Văn An, Khoáng, Ất, Đại Loan, Thu Vật." (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 29

Qua văn bản ngày 2 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 8 [5/5/1410], Thượng thư Hoàng Phúc tâu xin dùng con đường mới từ thành Hà Nội theo đường thủy đến huyện Linh Sơn, Quảng Tây; rồi qua 3 trạm dịch đường bộ đến sông Uất tại huyện Hoành [Quảng Tây]; đường này ngắn, giảm được một nữa. Nay Trương Phụ tâu thêm, Vua Thái Tông chấp nhận cho thực hiện:

"Ngày 19 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 14 [14/6/1416].

Quan Tổng binh Giao Chỉ Anh quốc công Trương Phụ tâu rằng từ trạm dịch Thiên Nhai thuộc châu Khâm, tỉnh Quảng Đông qua cảng Miêu Vĩ đến Thông Luân, Phí Đào theo ngả huyện Vạn Ninh đến Giao Chỉ phần lớn do đường thủy, đường bộ chỉ có 291 dặm [1dặm = 500 mét]. Đường cũ bắc Khâu Ôn gần Thất Dịch; nên lập cả trạm đường thủy và trạm ngựa để tiện việc đi lại. Thiên tử chấp thuận.

Rồi cho lập 2 trạm đường thủy tại Phòng Thành và Phật Đào tại châu Khâm tỉnh Quảng Đông; lập 3 sở chuyển vận tại Ninh Việt, Dõng, Luân; lập ty tuần kiểm tại Phật Đào; lập 2 trạm mã dịch tại Long Môn, An Viễn huyện Linh Sơn, lập 2 sở chuyển vận tại An Hà, Cách Mộc. Tại huyện Đồng Yên [đông bắc tỉnh Quảng Ninh], châu Tĩnh An, Giao Chỉ lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Đồng Yên; lập trạm dịch đường thủy cùng sở chuyển vận tại Vạn Ninh, huyện Vạn Ninh [huyện Đầm Hà, Quảng Ninh]; lập 3 trạm dịch đường thủy tại Tân Yên thuộc huyện Tân Yên [Tiên Yên, Quảng Ninh], Yên Hòa thuộc huyện Yên Hòa [Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh] và Đông Triều thuộc châu Đông Triều; lập trạm dịch đường thủy cùng sở vận chuyển tại Bình Than, huyện Chí Linh [tỉnh Hải Dương]; lập trạm dịch đường thủy tại Từ Sơn, thuộc huyện Từ Sơn [tỉnh Bắc Ninh]. Các trạm ngựa tại Thiên Nhai thuộc châu Khâm, Quảng Đông; Gia Lâm thuộc huyện Gia Lâm; sông Lô phủ Giao Châu. Các trạm ngựa tại Quảng Châu, Khâm Châu, Thiên Nhai đều lập thêm trạm đường thủy. Trạm đường thủy Châu Môn, Hoành Châu lệ thuộc vào phủ Nam Ninh, Quảng Tây. Cho thiết lập Thiên hộ sở thủ ngự tại Tân An, Giao Chỉ."

"Ngày 10 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [26/2/1417]

Mệnh Phong thành hầu Lý Bân đeo ấn Chinh Di Tướng quân sung chức Tổng binh sang trấn Giao Chỉ. Chiếu dụ Bân rằng:

'Giao Chỉ vốn là đất Trung Quốc, dân này là con đỏ của triều đình, Trẫm lo lắng chiêu phủ, cần cù trong sớm tối. Ngươi phục vụ tại các nước chư hầu đã lâu, tính tình trung hậu cẩn thận; bụng ta ưng ý. Nay ta giao cho việc trọng đại, nên bắt chước tướng giỏi đời xưa, gần gũi với hiền nhân quân tử, thẩm lượng thời cơ, trù hoạch có phép tắc, để hoàn thành tốt sự ủy nhiệm của Trẫm.'

Sắc Thượng thư bộ Binh Trần Hiệp rằng:

'Nay mệnh Phong thành hầu Lý Bân đến bình định Giao Chỉ, coi sóc binh dân. Ngươi biết rành nhân tình xứ này, hãy lưu tại đây làm tham mưu cho đến khi được triệu về." (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 41)

Phong thành hầu Lý Bân nhậm chức chưa được nửa năm, xảy ra cuộc nội loạn lớn; các quan người An Nam trong chính quyền nhà Minh tại châu Thuận [tức Quảng Trị], châu Nam Linh [tức Quảng Bình], đồng loạt nổi dậy. Khiến Lý Bân phải điều quân trung ương thuộc vệ Giao Châu, và quân các vệ lân cận như Thuận Hóa [Thừa Thiên] tham gia đánh phá, nhưng cũng chưa dẹp được hết:

"Ngày 13 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 15 [26/7/1717]

Quan Tổng binh Giao Chỉ Phong thành hầu Lý Bân tâu:

'Tại Giao Chỉ, người châu Thuận có bọn Lê Hạch, Phan Cường, cùng bọn thổ quan Đồng tri Trần Khả Luận, Phán quan Nguyễn Chiêu, Chủ bạ Phạm Mã Hoãn, Thiên hộ Trần Não, Bách hộ Trần Ngô Sài; tại châu Nam Linh có Phán quan Nguyễn Nghĩ, Tri huyện Tả Bình Phạm Bá Cao, Huyện thừa Vũ Vạn, Bách hộ Trần Ba Luật làm loạn. Chúng đốt thành quách nhà cửa hai châu, giết quan lại, tiếm xưng danh hiệu, tụ tập đồng đảng hơn 1000 tên. Bèn ra lệnh ngay cho Đô đốc Chu Quảng mang quân đánh dẹp, cùng Chỉ huy Giao Châu Trung vệ Hoàng Chấn, Chỉ huy Đồng tri Giao Châu Hữu vệ Đàm Công Chính, Chỉ huy Thiêm sự vệ Thuận Hóa Ngô Quì, Chỉ huy Thiêm sự vệ Tân Bình Phan Cần cầm quân hội tiễu; giết Lê Hạch cùng đồ đảng hơn 500 người tại trận; bắt sống Phan Cường, Trần Khả Luận, Nguyễn Chiêu, Phạm Mã Hoãn, Phạm Bá Cao, Vũ Vạn; chiếu theo luật tất cả đều bị tru lục. Bọn Nguyễn Nghĩ, Trần Ba Luật cùng đồng bọn còn sót lại bỏ trốn; đốc suất các tướng tiếp tục truy bổ.'

Thiên tử khen và sắc dụ Bân hãy trình bày đầy đủ chi tiết công trạng mỗi người; cùng hạ lệnh từ nay các quan và dân bản xứ ra sức lập công cũng được trình lên ngay để thăng thưởng; như trong vụ nổi loạn của tên Hạch, các thổ quan châu Thuận như Chỉ huy Đồng tri Đoàn Công Đinh, Trần Tư Tề đều chết, Công Đinh, Tư Tề người châu Nam Sách, Giao Chỉ, theo Vương sư tòng chinh bắt cha con Lê Quí Ly, dẹp Giản Định và Trần Quí Khoáng; Công Đinh làm quan thăng đến chức Giao Châu Tả Vệ Chỉ huy Đồng tri, Tư Tề chức Giao Châu Hữu vệ Chỉ huy Đồng tri; cả hai coi thành châu Thuận. Giặc nỗi lên bất ngờ, bọn Công Đinh ra sức đánh, bị chết."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro