chu hieu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

* Đức An

Nói tới "Đạo hiếu" trong xã hội ngày nay, chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng. Nền đạo đức bị suy đồi, con người bị cuốn hút vào chủ nghĩa "thực dụng". Vật chất và tiền bạc đang ngự trị cuộc sống. Vì thế, vấn đề chăm sóc cha mẹ già trở nên gánh nặng, nói gì đến chữ hiếu. Không lẽ chúng ta buông xuôi đứng nhìn, xin đừng:

Cũng đành nhắm mắt đưa chân,

Để xem con tạo xoay vần ra sao.

Đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, nếu không chúng ta có tội với Tổ tiên, với lịch sử. Từ ngàn xưa, dân-tộc Việt-Nam ảnh hưởng tinh-thần Khổng giáo, lấy lễ giáo làm gốc, đạo-đức, luân-lý là nguyên tắc của cuộc sống. Gia- đình, xã-hội có tôn-ti trật tự; coi : Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là phương châm của con người. Do đó, vấn đề "Hiếu thảo" đã được Đức Khổng-Tử đặt thành kinh để dạy và đã viết thành sách "Hiếu kinh" được gồm tóm những lời sau đây:

Nuôi vui, ở kính, bệnh lo,

Tang thương, tế cẩn, sao cho trọn nghì.

Đạo hiếu là đầu của đạo làm người, là nền tảng đạo đức của xã hội. Thầy Mạnh-Tử nòi:" Không trọn đạo với cha mẹ không đáng làm người". Trong Phật-giáo có răn dạy: "Vạn ác dâm vi thủ, Bách thiện hiếu vi tiên". Trong kinh Bổn Sư Đức Phật dạy: "Cha mẹ đối với con, ân đức cao nặng, sâu dầy, ân đức sinh thành từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt, nuôi nấng trưởng thành, ân đức các món cần dùng...Cha mẹ luôn muốn con rời khổ, được vui...Nhớ con, thương con như bóng với hình". Tôn kính cha mẹ tức là tôn kính Phật.

Nói đến đạo Ông bà : Người Việt coi việc thờ kính cha mẹ, tổ tiên là việc làm linh thiêng nhất. Dân-tôc Viêt-Nam tin rằng: ông bà, cha mẹ qua đời, vong hồn các ngài vẫn gần gũi và luôn phù hộ cho con cháu. Niềm tin tưởng đó hình thành một tín ngưỡng "Thờ cúng Tổ tiên", vì thế người xưa có câu:

Thà đui mà giữ đạo nhà,

Còn hơn có mắt ông cha chẳng thờ.

Đạo hiếu trong Kitô Giáo: trong 10 giới răn của Thiên- Chúa, giới răn thứ 4 "Thảo kính cha mẹ". Trong sách "Huấn ca" những lời khuyên nhủ con cái có bổn phận với cha mẹ thật giá trị: " Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, đừng cậy mình sung sức mà khinh dể người". Thánh Phaolô cũng dạy: "Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ, đó là điều răn thứ nhất, để ngươi đựơc hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này". Thật vậy, Thiên-Chúa muốn rằng: sau Người, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị sinh thành, dạy dỗ chúng ta thay quyền Chúa. Nên con cái bắt buộc phải giữ trọn đạo hiếu với cha mẹ, đây cũng là lệnh truyền của Thiên-Chúa.

Ngược dòng lịch sử, trong kho tàng văn chương Việt- Nam có biết bao những tác phẩm đề cao tinh thần "Đạo- hiếu". Cụ Nguyễn-Du, ông nói về chữ hiếu:

Duyên hội ngộ, đức cù lao,

Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn.

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành. (ĐTTT)

Trong tác phẩm "Gia huấn ca", Nguyễn Trãi đã nói lên sự quan hệ giữa con cái với cha mẹ:

Cù lao đôi đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.

Trong ca-dao Việt-Nam, với những lời lẽ mộc mạc, chân thành cũng đã nói lên công lao dưỡng dục của cha mẹ:

Công cha, nghĩa mẹ, cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

Hay :

Công cha như núi Thái sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Tương quan giữa cha mẹ và con cái là tương quan phổ quát, nó mở rộng đến những mối tương quan khác. Do vậy, thực hiện lòng hiếu thảo đối với cha mẹ tạo lập sự hòa thuận, êm ấm và hạnh phúc trong gia-đình. Gia-đình có yên ấm thì xã-hội an vui, vì gia-đình là tế bào của xã-hội. Nhìn vào đời sống xã-hội hôm nay, chúng ta không khỏi băn khoăn lo lắng. Nói tới chữ "Hiếu", có người cho rằng lỗi thời. Khoa học tiến bộ, chủ nghĩa thực dụng chi phối, việc chăm sóc cha mẹ già đã có viện dưỡng lão. Vấn đề ngày càng trở nên "máy móc hóa" nhờ những phương tiện hiện đại của xã - hội công nghiệp. Hơn nữa, sự khác biệt giữa hai thế hệ: già trẻ, giữa hai quan niệm sống: xưa và nay, của cha mẹ và con cái. Việc giữ lòng hiếu thảo đôi khi cản trở công việc làm ăn. Xã-hội hiện nay đề cao thái quá tính độc lập của cá nhân, nên có cha mẹ già coi như một "gánh nặng". Cũng chính tuổi già của cha mẹ làm thay đổi tính nết: dễ cảm, hay tủi hờn, chấp nhất, sinh ra khó tính, làm cho con cháu khó chịu, rồi khinh thường ông bà. Trường hợp con cái khá giả thường phải giao tiếp khách làm ăn lớn, có mặt của cha mẹ là một trở ngại. Vì thế, gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão, hay đưa về quê; mỗi tháng gửi cho ông bà ít tiền, thế là xong. Trường hợp ngược lại, càng nảy sinh những phức tạp, những đau khổ hơn cho cha mẹ. Vì gia-đình túng bấn, con cái cáu giận, trút những bực tức bằng cách: đánh con, mắng vợ, chửi chó, mắng mèo... Còn biết bao cảnh đau lòng cho cha mẹ, nảy sinh tự ti mặc cảm, buồn. Có lúc các ngài than thầm, khóc vụng, tủi cho số phận .

Những vấn đề nêu trên, chỉ trong ý nghĩ thô thiển, thiển cận của tôi. Mong quý vị đóng góp thêm, hầu vãn hồi sớm nền luân lý và đạo đức của dân tộc vào gia-đình, xã-hội; để mỗi người dân Việt đươc hưởng hòa bình thực trong tâm-hồn, được sống trong một xã-hội giàu tinh-thần Nhân-Bản. Nguyện xin Vương quyền của Chúa sớm ngự trị trên quê hương Việt-Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro