[Kha Vũ x Gia Nguyên] Mưa Rơi Nghiên Mực - Phần 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mưa Rơi Nghiên Mực – Phần 5

Xe ngựa lọc cọc đi trên đường, lâu lâu có vài viên sỏi bị đá văng vô bụi cỏ, làm mấy con rắn mối giật mình lủi mất. Thằng Mặc thằng Chương ngồi trước cửa xe, lâu lâu lại đánh cái ngáp.

Dân chúng thỉnh thoảng đi ngang tò mò ngó một cái, coi có phải xe của nhà quan nào không. Chao ôi sao mà to mà sang thế!

Đi đường vốn là chuyện chẳng mấy thú. Cho dù có ngồi xe ngựa tốt lót gấm Vạn Phúc(*), cũng chẳng xua được cái mỏi cái oải khi phải ngồi rục suốt một chỗ.

Cậu Vũ ghét phải đi xa là vì thế. Từ thuở lọt lòng cho đến khi nhược quán, hắn chẳng bao giờ đi quá khỏi ngoại ô kinh thành cả. Chuyến về làng Thư Hương có thể coi là lần đi xa nhất từ trước tới nay.

Nhưng cậu Vũ giờ đâu còn là cậu Vũ ngày xưa nữa, cậu Vũ có ‘ấy’ rồi.

Cậu Nguyên tay cầm quyển sách gập đôi, tựa vào thành xe chăm chú đọc. Mành trúc được kéo lên một nửa, vừa đủ sáng.

Có người chẳng chịu ngồi đàng hoàng đâu, nhất quyết nằm lên đùi cậu, còn trắng trợn ôm tay cậu vào lòng không chịu bỏ ra, làm cậu Nguyên mỗi lần lật trang thì phiền vô cùng.

Nhưng cậu chăm chú không được bao lâu, lại bị quấy nhiễu bởi tiếng thở dài khe khẽ, vừa ai oán mà còn giả bộ như đang phải kiềm nén dữ lắm.

Cậu Nguyên không quan tâm.

Lại thở dài.

Không nghe.

Thở thêm cái nữa.

Tâm cậu Nguyên vẫn bất biến như cũ.

“Nguyên ~~~~”

Bị người ta kêu đích danh, cậu Nguyên chẳng cách nào làm lơ nữa được. Với cả cậu Nguyên mà không chịu để ý, có khi cậu Vũ thở đến khô cuống họng cũng chẳng chịu thôi.

“Cậu Vũ sao vậy?”

“Nguyên hết thương tôi rồi! Tôi than thở cả buổi mà Nguyên chẳng thèm hỏi han gì!” Cậu Vũ vẫn giữ rịt tay cậu Nguyên, ngước mắt hờn dỗi.

“Nói tầm bậy gì đó!” Cậu Nguyên buông sách xuống, buồn cười nhéo mũi người thương. “Cậu nói vậy coi chừng mai mốt tôi hết thương cậu thiệt thì bảo sao oan.”

“Không đâu! Nói vậy chớ tôi biết Nguyên thương tôi lắm mà.” Cậu Vũ cười hì hì, chống tay ngồi dậy. Tay vòng qua eo người ta, cằm gác lên vai.

“Ban ngày ban mặt, cậu ngồi thẳng thớm lên xem nào!” Cậu Nguyên đẩy nhẹ mấy cái. “Mành còn đang kéo lên kia kìa. Người ta nhìn vô thấy hết bây giờ!”

“Mắc cười quá! Vợ mình thì mình ôm, có phải ôm ai bậy bạ đâu mà sợ.” Cậu Vũ nói năng hùng hồn, bày ra vẻ cây ngay không sợ chết đứng. Tay không buông ra mà còn siết chặt hơn, kéo cậu Nguyên ngã đổ vào lòng mình.

“Ai vợ cậu?” Cậu Nguyên xấu hổ đỏ bừng mặt, tai và cổ từng mảng hồng hồng như cánh đào tháng Giêng.

Cậu Vũ ghẹo cũng biết chừng mực, sợ chọc cậu Nguyên giận thật thì chẳng biết làm sao mà dỗ. Hắn vươn người rút dây, xả mành trúc xuống. Trong xe giờ chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ bướng bỉnh lọt vào.

Môi cậu Vũ mơn man gò má người thương, làn hơi thủ thỉ nơi vành tai, mang theo âm điệu đáng thương nói. “Lưng tôi đau quá à! Vai cũng mỏi nữa!”

Cậu Nguyên vừa tức rồi lại mềm lòng, cuối cùng chỉ liếc cậu Vũ một cái, rồi để mặc cho người ta ôm.

“Đáng đời cậu lắm!” Cậu Nguyên nhỏ giọng. “Bảo ngồi riêng thì cậu không chịu đâu. Cứ thích chen chúc với tôi cơ. Giờ khổ cái thân ra!”

Vốn người ở đã chuẩn bị sẵn hai cỗ xe. Nhưng cậu Vũ không biết giở cái chứng gì, cứ nằng nặc phải ngồi chung xe, còn bày đặt văn vở là muốn được đàm luận chữ nghĩa với ‘thầy Nguyên’.

Đàm luận chữ nghĩa gì chứ!

Chẳng qua là mượn cớ để giở mấy trò không đứng đắn.

Thật là!

“Tôi đã ở ngay đây mà còn bị cậu ngó lơ. Hai đứa mà tách riêng ra chắc cậu không thèm nhớ đến tôi luôn quá!”

Nghe cậu Vũ nói mà cậu Nguyên vừa buồn cười, lại thấy thương thương. Người trong tim thẳng thắn bày tỏ cảm xúc với mình, lòng dạ nào phải sắt đá, sao không rung động cho được?

Cậu Nguyên vòng tay qua cổ cậu Vũ, khẽ hôn lên môi người thương. Cái chạm nhẹ mềm mại mang theo hương giấy mực ngan ngát làm dịu lòng người.

“Suốt ngày chỉ biết nói mấy lời trăng gió. Thiệt thua cậu luôn!” Cậu Nguyên lại hôn phớt qua gò má cậu Vũ, thành công dỗ cho ai kia vui ra mặt.

Cậu Vũ được người thương thân mật thì sướng rơn trong bụng. Lâu lâu cậu Nguyên mới chủ động một lần, hắn dễ gì bỏ qua.

Cánh tay ôm lấy dáng người gầy, cách hai lớp lụa thiên thanh và một lớp vân sa(*) vẫn cảm nhận được đường xương bướm tinh tế đẹp đẽ. Người kề sát tới, ngậm lấy cánh môi dưới của đối phương. Đầu lưỡi lướt qua như trêu ghẹo, rồi lại tỉ mỉ mơn trớn từng đường nét, cẩn thận như đối xử với bảo vật trân quý nhất trần đời.

Chút dịu dàng nhanh chóng hóa thành cuồng nhiệt. Bờ môi cọ xát dần nóng lên. Tình cảm tràn đầy trong ngực cho dù có nói bao lời tình tứ cũng không thấy đủ, chỉ đành nhỏ giọt vào từng nụ hôn. Hơi thở nóng rực đượm hương tình ái, vấn vít nơi chóp mũi đỏ hồng.

Cậu Nguyên bị hôn đến xây xẩm mặt mày, nhưng vẫn lưu luyến không nỡ đẩy ra. Bất chợt cả người cậu run rẩy. Vạt áo không biết từ khi nào đã bị vén qua. Áo tấc rộng vô tình tạo cơ hội cho bàn tay ai kia bí mật luồn vào, chạm đến từng tấc da thịt, cọ qua vòng eo mảnh khảnh. Xương sống nhạy cảm bị ấn một cái, cậu Nguyên rùng mình, rơm rớm nước mắt.

"Vũ... Khoan đã…” Cậu Nguyên hạ giọng đứt quãng. Bàn tay mát lạnh dán lên phần lưng nóng hổi khiến cậu tê dại, lông tơ dựng hết cả lên. “Đang ở bên ngoài… Đừng xằng bậy!”

Cậu Vũ đương lắp tên vào nỏ lấy đà, tự nhiên bị cậu Nguyên chặn lại. Hắn hít sâu mấy cái, kéo về chút lý trí vốn đã cao chạy xa bay nãy giờ.

“Nguyên ơi ~” Cậu Vũ cọ cọ vành tai trắng mềm như viên bánh trôi, rõ là đang gây sự, nhưng lại có mầy phần dọ ý người thương.

“Còn chưa… còn chưa có danh phận. Không được làm chuyện vượt lễ nghi!” Cậu Nguyên nói nhỏ xíu, xem như là cũng tỏ lòng cho ai kia hiểu.

Nhận được đáp án, mắt cậu Vũ sáng rỡ, hôn cậu Nguyên một cái thật kêu. Sau đó cẩn thận chỉnh trang lại cho người ta.

Vạt áo lại được vuốt phẳng, cậu Nguyên toan đọc sách tiếp, lại nghe cậu Vũ thì thầm bên tai.

Không biết cậu Vũ nói cái gì, mà gò má cậu Nguyên mới vừa dịu được chút sắc, lại chậm rãi hồng lên trông thấy.

Cậu Vũ chăm chú chờ đợi, vẻ mặt bình tĩnh giấu đi những xốn xang thấp thỏm. Qua hồi lâu, cậu Nguyên mới gật đầu.

Cái gật đầu nhẹ nhưng đầy kiên định, đánh vào lòng cậu Vũ như dùi đánh lên mặt trống, rung động liên hồi không dứt. Hắn dịu dàng ôm cậu, hôn lên khóe mắt còn vương hơi ẩm, tóc mai chạm nhau, thân mật không rời.

Mành trúc lần nữa lại được kéo lên, nắng chiều vàng ruộm dường như lẫn chút hương lúa chín ngọt thơm. Cậu Nguyên bất chợt nhớ đến ngày nhỏ, được bạn của ông đi xa về tặng cho mấy gói mè xửng(*). Cắn vào một miếng, vị ngọt thanh tràn ngập khoang miệng, không tan ngay mà lại dẻo dính nơi đầu lưỡi. Một miếng bé xíu thôi mà có thể ngậm được cả ngày.

Lâu rồi cậu Nguyên không ăn, nhưng sao hôm nay lại tự nhiên thấy mình như hóa thành bé con ngày ấy, nâng niu những ngọt ngào vụn vặt, ấp iu đến tận trong lòng.

Chốn kinh kỳ phồn hoa tấp nập, người qua lại như mắc cửi. Tiếng hò rao ít đi mấy phần du dương thư thả, nhiều thêm mấy phần xởi lởi nhiệt tình. Tạp âm lốp bốp leng keng như đổ thêm náo nhiệt vào nơi vốn đã rất hối hả này.

Đoàn xe ngựa nhanh chóng tiến đến trước cửa dinh Thừa tướng.

Mấy tháng không gặp, ông Chánh nhất phẩm nhìn thằng nhãi ranh không còn vẻ cà lơ phất phơ như trước, ngược lại còn cọ quẹt ra chút khí chất của người đọc sách. Ông vuốt mép hài lòng, cảm thấy năm xưa ra sức mời cậu Nguyên về cho con mình đúng là quyết định không sai mà.

Bà Thừa tướng thấy con về thì mừng lắm, nhìn qua cậu Nguyên nho nhã thanh tú bên cạnh thì càng thấy đẹp dạ hơn. Hiểu con không ai bằng mẹ, ánh mắt cậu Vũ cứ dính chặt lấy con người ta, lộ liễu chẳng chút kiêng dè. Cũng chỉ có ông Thừa tướng chỉ chăm chăm hỏi xem thằng con mình học hành ra sao mới chẳng nhận ra.

Bà Thừa tướng thương hai người đường xa vất vả, nhanh chóng giục đôi trẻ đi tắm rửa cho sạch bụi đường, rồi hối người làm mau mắn dọn cơm nước lên.

Trên bàn cơm, không khí vui vẻ hòa thuận, ông Thừa tướng hiếm khi khen thằng quý tử được mấy câu, lại quay sang cậu Nguyên hồ hởi chuyện trò. Cậu Nguyên lễ phép đáp lời, thi thoảng lại ẩn ý nói tốt cho cậu Vũ.

Đến xế chiều, ông Thừa tướng lại vời cậu Nguyên ra sân đánh cờ, cậu Vũ cũng lót tót theo sau, Vừa được gần gũi người thương, nhân tiện hóng xem cha mình có dịp thua tơi bời hoa lá. Tưởng tượng đến cảnh ông già bị chiếu tướng đến tím tái mặt mày là hắn thấy khoái chí trong bụng.

Quả nhiên, mặc dù cậu Nguyên đã ra sức khiêm tốn, nhưng ông Thừa tướng vẫn chẳng gỡ được ván nào.

Trong lòng cậu Nguyên còn khổ hơn, nếu nhường lộ liễu quá thì có phần thất lễ. Cậu đành phải đánh cầm chừng, nhưng quan lớn cứ đâm đầu vô đường cụt thì cậu phải cứu làm sao?

Qua được ba bốn ván, cậu Nguyên thấy ngài Thừa tướng vẫn còn cầm chặt con cờ, tập trung cao độ. Cậu đành phải nháy mắt ra hiệu cho cậu Vũ.

Cậu Vũ tức thì hiểu ý, giả bộ ho mấy tiếng.

“Cha đánh cờ nãy giờ chắc cũng đã thấm mệt, hay là uống miếng trà nghỉ một chút rồi hẵng chơi?”

“Cha mày không mệt! Mày đừng có mà chộn rộn!” Ông Thừa tướng thổi râu trừng mắt.

“Nhưng cũng phải để cậu Nguyên thả lỏng chứ, đánh cờ với người giỏi như cha cậu ấy căng thẳng lắm chứ bộ!”

Cậu Nguyên khẽ gật đầu phụ họa.

Đúng là căng thẳng thật.

Ông Thừa tướng ngẫm thấy cũng có lý, cười ha hả buông cờ, lại ngợi khen tài đánh cờ của cậu Nguyên, sau đó phất tay cho người ở thay ấm trà nóng.

Chẳng hiểu đứa ở tay chân lóng ngóng thế nào, khay trà bất chợt nghiêng một cái.

“CẨN THẬN!” Cậu Vũ nhanh tay lẹ mắt kéo cậu Nguyên vào lòng, tay đưa ra chắn phần lớn nước nóng, số ít còn lại bắn hết lên quần áo.

Đứa ở sợ đến mặt mũi tái xanh, vội quỳ xuống dập đầu tạ tội, miệng liên tục xin tha.

Cậu Nguyên sốt ruột nâng tay cậu Vũ, run run không dám chạm vào mảng da đỏ rực ấy, gấp đến hốc mắt cay xè.

Cậu Vũ đau đến mức suýt chửi thề. Nhưng hắn cắn răng nhịn xuống, vỗ về trấn an người thương.

“Tôi không sao! Nguyên đừng lo!”

Ông Thừa tướng sai người gọi thầy lang đến, lại để thằng Chương đỡ cậu Vũ về phòng, cậu Nguyên vái chào với ông rồi cũng vội vã đi theo.

Nhìn lá trà vương vãi dưới đất, nhớ lại tình cảnh khi nãy, ông Thừa tướng nhíu mày, như có điều ngẫm nghĩ.

“May mà vết thương không tổn thương sâu, chỉ cần bôi thuốc cao và thay băng ngày ba lần. Chú ý không được để tay dính nước, ăn uống cũng phải kiêng kỵ một số món, tôi có ghi sẵn đây. Tầm ba năm hôm sẽ khỏi hẳn.”

Cậu Vũ ngồi bên giường, bàn tay bị quấn thành đòn bánh tét, hơi bị thê thảm.

“Cảm ơn thầy lang.” Bà Thừa tướng xót con, nghe nói không phải bỏng nặng liền thở phào nhẹ nhõm. Nhìn qua cậu Nguyên trông mắt không giấu được lo âu nhưng vẫn phải kiềm chế không làm ra hành động vượt mức, bà dịu dàng nói. “Tôi vẫn còn dở chút việc, chẳng hay cậu Nguyên có thể ở lại với con tôi một lát? Mong là cậu không phiền.”

“Dạ không, thưa bà!” Cậu Nguyên vội nói. “Nào có phiền lụy gì! Cậu Vũ bị thương cũng lỗi do con. Nếu không ở bên cạnh thăm chừng thì lòng con khó yên!”

“Vậy vất vả cho cậu rồi.” Bà Thừa tướng cười hiền, lén lút nháy mắt với con mình một cái, làm cậu Vũ dở khóc dở cười.

Nói rồi bà đi ra ngoài, cũng để người ở lui xuống hết.

Phòng ngủ không còn ai, hai người cũng không cố làm bộ nữa. Cậu Vũ cười cười, vươn cái tay lành lặn vẫy cậu Nguyên.

“Lại đây!”

Cậu Nguyên bước qua, đau lòng sờ lên lớp băng vải, động tác nhẹ nhàng cẩn thận, như sợ mình sơ ý làm đau người ta. Hơi nóng lần nữa xộc lên mũi, cậu cúi đầu che giấu, lại bị đối phương nâng cằm, đối diện với cặp mắt dịu dàng sáng như sao.

“Nguyên xót tôi hở?”

“Ừ, xót lắm!” Cậu Nguyên vùi mặt vào lòng cậu Vũ, thanh âm buồn buồn.

Dù thầy lang nói vết bỏng không nặng, nhưng cậu Vũ là ai, là cậu ấm con quan Nhất phẩm. Từ nhỏ đến lớn quá lắm là bị chút đòn roi, bị cả bình trà nóng tạt vào khác gì lột mất lớp da. Người mình thương còn không hết, giờ lại bị như vầy, sao mà không nhức nhối tim gan cho được.

Cậu Nguyên nhớ lại chuyện hồi xưa mình giả bộ bệnh nặng hù cậu Vũ, nhìn người ta như đứng trên đống than mà ung dung đắc ý, giờ đúng gặp quả báo. Cậu Vũ còn chưa than đau, mà lòng cậu Nguyên đã đau trước rồi.

“Ui cha ui cha! Vậy không biết thầy Nguyên có cho trò nghỉ luyện chữ mấy ngày không, chứ giờ tay trò xụi lơ luôn rồi này!” Cậu Vũ kêu rên thảm thiết.

Cậu Nguyên bị cậu Vũ chọc cho bật cười. Cậu ngẩng đầu lên, khóe mắt hồng hồng mềm mại. Ngón tay thon dài khẽ nhéo mũi cái tên vừa ra yêu sách kia, đáp lời:

“Tính kế trốn học hở? Tôi lại vụt cho cậu mấy roi bây giờ!”

“Cuối cùng cũng chịu cười rồi.” Cậu Vũ cụng trán người thương, chóp mũi chạm nhau mang theo tình cảm lưu luyến.

Từng chút vỗ về, từng chút dỗ dành.

Cậu Vũ được cậu Nguyên chăm mấy ngày, có thể nói là muốn gì được đó. Ông Thừa tướng nhìn chướng mắt, vừa tính mở miệng răn dạy là cậu Nguyên lại ra mặt cầu tình, còn hết lời nhận lỗi về mình. Qua mấy lần như vậy, ông cũng đành mặc cho thằng ranh con kia vểnh đuôi lên trời.

Tay cậu Vũ đã có thể tháo băng, may mà không để lại sẹo. Thầy lang nói chỉ cần kiên trì bôi thuốc là sẽ lành hẳn. Cậu Nguyên lúc bấy giờ mới thở phào nhẹ nhõm.

“Thưa cậu, ngày mốt là mồng năm rồi ạ.” Thằng Chương nhắc khéo.

Cậu Vũ đang mắc võng nằm hóng mát sau vườn, nghe thế thì bật người chưng hửng. Chết thật! Vốn là về kinh để dự hôn lễ bạn mình, mà mấy nay quên khuấy mất. Đúng là có người thương rồi thì tình nghĩa bạn bè đôi khi cũng dễ rơi vào một góc xó xỉnh nào đó lắm.

Hắn chạy vội vào gian trong, vừa lúc thấy cậu Nguyên đang cầm sách đi ra.

“Sao vậy? Có chuyện gì mà vội vàng thế kia?”

Cậu Vũ mếu máo thuật lại. Cậu Nguyên nghe thế thì cũng… ngớ người.

Hóa ra là quên cả đôi.

Nhưng cũng chả trách cậu Nguyên được, cái tay bị thương của ai kia đã chiếm hết thời giờ của cậu rồi.

“Đừng gấp, vẫn còn thời gian mà.” Cậu Nguyên xoa trán cậu Vũ. “Chúng ta cùng nhau chọn quà mừng.”

Nói mới nhớ, bạn của cậu Vũ là ai mình cũng không biết. Thật là thất trách quá!

Cậu Vũ nắm tay cậu Nguyên, tà tà đi dạo trong vườn, vừa đi vừa nói:

“Cái tên Hân Nghiêu ấy, một dạo đi bàn công chuyện ở phường hát. Người làm ăn mà, đi đến những nơi ấy quen như cơm bữa. Chả hiểu sao phải lòng một anh kép, tên là Tỉnh Lung. Nghe đâu là từ phương Bắc di dân vào đây. Mà để ôm được người về cũng gian truân lắm, đeo đuổi hơn nửa năm trời.”

Đều nói ‘Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ’, dân buôn bán có giàu có đến đâu thì ít nhiều gì cũng bị khinh thị, đặc biệt là giới sĩ phu quý tộc mắt cao hơn đỉnh đầu. Nhưng cậu Vũ lại chẳng quan tâm đến mấy thứ linh tinh ấy, hợp tính với nhau thì là bạn, nếu bàn đến thân phận thì chẳng gọi là tình cảm nữa rồi.

Cậu Nguyên cũng có nghe qua danh tiếng của cậu Nghiêu. Tay trắng lập nghiệp, lăn lộn xuôi ngược khắp Bắc Nam, buôn trà buôn vải buôn gỗ đủ cả. Giờ có cả một cơ ngơi huy hoàng khiến người khác nhìn vào phát thèm, càng thêm công nhận cái tài buôn bán của người này vậy.

Hai người bàn một hồi, quyết định đi đến hàng ngọc chọn một cặp ngọc như ý. Ông chủ thấy khách là cậu Vũ đã lâu không xuất hiện, vội vã ra tiếp đón, ân cần giới thiệu mấy món ngọc tốt theo yêu cầu của cậu Vũ.

Cẩn thận chọn lựa hết nửa buổi, cuối cùng cậu Vũ cậu Nguyên chọn được một cặp ngọc thượng hạng, chất ngọc láng mướt không tì vết, đường nét tinh xảo mượt mà, sờ lên có cảm giác mát lạnh trơn nhẵn rất thích tay.

Xế chiều mồng năm, cậu Vũ cậu Nguyên sửa soạn tươm tất, dẫn thằng Chương thằng Mặc cầm theo quà mừng, rình rang đi đến nhà cậu Nghiêu.

Pháo nổ linh đình giòn giã, inh ỏi cả tai, xen lẫn với tiếng cười vui thích của đám trẻ con. Một cụ già cầm đỉnh trầm đi trước, khói hương nghi ngút, theo sau là chàng phụ rể bưng khay trầu rượu. Đám rước dâu kéo dài phải tận gần trăm người, người vây xem đứng chật cả một con phố.

Hôn lễ của tay buôn giàu có nhất nhì xứ Nam phải nói là hoành tráng và xa hoa cực kỳ, nào tráp nào mâm, bánh trái đầy ụ, lễ vật vàng bạc sang quý không sao tả xiết. Ấy là đã gửi hơn phân nửa ở nhà đàng dâu rồi đấy.

Đôi tân nhân mặc áo thụng gấm màu lam sẫm dệt hoa văn chữ ‘thọ’ bằng tơ vàng. Tay áo dài phết đất được vén lên thành những nếp gấp rũ xuống mềm mại, lộ ra cặp vòng bạc chạm trổ hoa văn. Thi thoảng hai người lén nhìn nhau rồi lại vội vàng dời mắt, không giấu được hạnh phúc xen lẫn cái ngượng ngùng khi sắp thành vợ chồng.

Đoàn người nhanh chóng về đến nhà đàng trai, trước cửa đã đặt sẵn một chậu than hồng. Cậu Nghiêu cẩn thận đỡ cậu Lung bước qua. Sau đó tiến vào trong làm lễ gia tiên.

Lễ xong cũng là lúc nhập tiệc. Mọi người hồ hởi nói cười, luôn miệng chúc mừng đôi tân nhân. Cậu Nghiêu cậu Lung không trách khỏi bị mời rượu liên tục. Nói vậy chớ cậu Lung đâu uống được bao nhiêu. Cậu Nghiêu xót vợ, toàn thay cậu Lung chặn rượu thôi.

“Anh Nghiêu cuối cùng cũng có người chăm sóc rồi! Chúc anh và anh Lung trăm năm hảo hợp! Nào, uống với thằng em này mấy ly, không được từ chối đâu đấy!” Cậu Vũ cười ha hả, rót đầy rượu cho cậu Nghiêu.

“Chú em đi ăn học mấy tháng giờ nói chuyện xuôi tai ra phết nhỉ? Uống! Không say không về!” Cậu Nghiêu cạn ly. “Chú cũng mau thu xếp cho bản thân đi! Hai mươi tuổi đầu còn long nhong.” Cậu Nghiêu ôm eo cậu Lung, thể hiện sự cao thâm của người đã có vợ.

Cậu Vũ nào chịu để thua, cũng nắm tay ai kia, vênh mặt lên.

“Giờ em có người trông kỹ lắm, sao còn dám long nhong nữa!”

“Ái chà! Cậu đây là?”

“Tôi là Gia Nguyên, người làng Thư Hương.” Cậu Nguyên lễ phép mỉm cười, rót một ly rượu. “Chúc cậu Nghiêu cậu Lung vĩnh kết đồng tâm, bạch đầu giai lão.”

“Cảm ơn lời chúc của em dâu! Thằng Vũ đúng là có phúc!” Cậu Nghiêu nhiệt tình đáp. “Hai em cứ tự nhiên! Anh đây đi qua bên kia chốc lát.”

Đôi tân nhân còn chưa đi xa, loáng thoáng nghe cậu Nghiêu dặn dò cậu Lung.

“Em uống nhấp môi thôi! Cổ họng còn đang đau mà!”

Cậu Lung buồn cười nghe chồng mình lải nhải mãi một câu chiều đến giờ, ngoan ngoãn gật đầu thuận theo.

Tiệc tùng đến nửa khuya, khách khứa dần ra về. Cậu Vũ cậu Nguyên cũng chào chủ nhà rồi lên xe ngựa về dinh.

Cậu Vũ tuy uống nhiều những vẫn còn tỉnh táo, ngược lại cậu Nguyên chỉ nhấp mấy ly mà đã ngà ngà say. Gò má đỏ hồng phủ hương rượu nhàn nhạt, ánh mắt mơ màng dựa vào người thương. Cậu Vũ nhìn mà lòng xao động, kiềm lòng không đặng cúi xuống hôn.

-----

(*)Gấm Vạn Phúc: Làng Vạn Phúc là một trong những làng Việt Nam nổi tiếng với nghề dệt từ xưa, trong đó sản phẩm nổi bật là gấm, lụa tơ tằm.

(*)Vân sa: là loại vải dệt thưa, có tính thấu quang. Loại sa dệt hoa văn gọi là vân sa hoặc quế sa.

(*)Mè xửng: Một loại kẹo đặc sản của Huế. Hơn mười mấy năm rồi không có dịp ăn lại, thèm quá uhuhu~

(*)Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ cổ: Phân hạng bốn giai cấp chính thời phong kiến. Hạng trí thức đứng nhất, người làm nghề nông đứng nhì, thợ nghề đứng thứ ba, người buôn bán xếp cuối cùng. Nhà buôn hay thương nhân, trong tiếng Hán gọi là ‘thương cổ’ hoặc ngắn gọn hơn gọi là cổ.

(*)Về chi tiết đám cưới: Hầu hết được tham khảo từ tài liệu nghiên cứu và có chỉnh sửa cho phù hợp bối cảnh nhân vật. Ngày xưa áo cưới Việt màu xanh là chủ đạo đấy, không phải màu đỏ đâu mấy bồ =))

Tác giả có lời muốn nói: Eo ôi tôi thích cái từ ‘người thương’ ghê í nhờ ~ Giờ tôi không kiếm người yêu nữa, tôi kiếm ‘người thương’ hí hí ~

Đáng lẽ tôi sẽ kết Mưa Rơi trong chương này, nhưng nó dài quá uhuhu, nên là dôi ra thêm phần sau nữa nhớ.

Warning: Chương sau có thịt =))

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro