chuc nang nha nuoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng ta đều biết, chức năng của nhà nước vừa bị quy định, vừa là sự thể hiện bản chất của nhà nước. Tuỳ theo các tiêu chí khác nhau mà chức năng của nhà nước được đề cập, xem xét dưới nhiều góc độ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn ở phạm vi xem xét nhà nước từ góc độ tính chất của quyền lực chính trị mà theo đó, bất kỳ nhà nước nào cũng đều có chức năng thống trị chính trị của giai cấp (chức năng giai cấp) và chức năng xã hội.

Theo quan niệm chung, chức năng giai cấp là cái chỉ ra rằng, mọi nhà nước bao giờ cũng là công cụ chuyên chính của một giai cấp nhất định. Mọi nhà nước đều sẵn sàng sử dụng bất cứ công cụ, biện pháp nào có thể có để bảo vệ sự thống trị của giai cấp mình. Còn chức năng xã hội của nhà nước là cái chỉ ra rằng, mọi nhà nước đều phải thực hiện việc quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội, đồng thời phải chăm lo một số công việc chung của toàn xã hội. Trong một giới hạn xác định, nhà nước phải hoạt động để thoả mãn những nhu cầu chung của cộng đồng dân cư nằm dưới sự quản lý của nó. Trong các xã hội có giai cấp đối kháng trước đây, để giữ nhà nước trong tay mình, giai cấp thống trị nào cũng buộc phải nhân danh xã hội mà quản lý những công việc chung. Việc giải quyết có hiệu quả những vấn đề chung của xã hội sẽ tạo điều kiện để duy trì xã hội trong vòng trật tự theo quan điểm và lợi ích của giai cấp cầm quyền. Như vậy, việc thực hiện chức năng xã hội theo quan điểm và giới hạn của giai cấp cầm quyền là phương thức, là điều kiện để nhà nước đó thực hiện vai trò thống trị giai cấp của nó. Nói về mối quan hệ biện chứng giữa hai chức năng này, Ph.Ăngghen viết: “Ở khắp nơi, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị; và sự thống trị chính trị cũng chỉ kéo dài chừng nào nó còn thực hiện chức năng xã hội của nó”(1).

Đề cập đến chức năng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong khi chú trọng đến chức năng giai cấp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn coi chức năng xã hội là thuộc tính cơ bản nhất và quan trọng nhất của nó. Nói về vấn đề này, V.I.Lênin cho rằng, chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực, mà mặt cơ bản của nó là không ngừng mở rộng dân chủ cho nhân dân cùng với việc tổ chức, xây dựng toàn diện xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Ông viết: “Lần đầu tiên chuyên chính vô sản, tức là thời kỳ quá độ tiến tới chủ nghĩa cộng sản, sẽ đem lại một chế độ dân chủ cho nhân dân, cho số đông, đi đôi với sự trấn áp tất yếu đối với số ít, đối với bọn bóc lột”(2). Như vậy, có thể nói, bản thân chuyên chính vô sản, theo quan điểm mácxít, tự nó đã thể hiện sự thống nhất giữa chức năng giai cấp và chức năng xã hội.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa, về thực chất, là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và vì thế, trong nhà nước này, nền dân chủ phải là nền dân chủ đầy đủ nhất, rộng rãi nhất và thực chất nhất – đó là nền dân chủ bao quát toàn diện mọi lĩnh vực đời sống xã hội và lấy dân chủ trong lĩnh vực kinh tế làm nền tảng. Chủ nghĩa xã hội sẽ không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu dân chủ, thiếu sự thực hiện một cách đầy đủ và không ngừng mở rộng dân chủ. “Phát triển dân chủ đến cùng, tìm ra những hình thức của sự phát triển ấy, đem thí nghiệm những hình thức ấy trong thực tiễn…”(3) đã được V.I.Lênin coi là một trong những nhiệm vụ cấu thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, là một vấn đề có tính quy luật của sự phát triển và hoàn thiện nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa – xã hội không còn các giai cấp đối kháng, nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn thực hiện hai chức năng cơ bản, nhưng cơ chế và mục đích thực hiện hai chức năng đó đã có sự thay đổi căn bản. Cũng như mọi nhà nước khác đã từng tồn tại trong lịch sử, nhà nước xã hội chủ nghĩa muốn thực hiện được chức năng giai cấp của mình, trước hết phải làm tốt chức năng xã hội, đặc biệt là việc không ngừng mở rộng dân chủ cho nhân dân, sử dụng sức mạnh, lực lượng của mình để bảo vệ và bảo đảm tuyệt đối các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Thực hiện tốt chức năng xã hội là cơ sở, là điều kiện tiên quyết để nhà nước xã hội chủ nghĩa đảm bảo và giữ vững địa vị thống trị xã hội về mặt chính trị, nghĩa là có đầy đủ khả năng để trấn áp sự phản kháng của các giai cấp bóc lột và các thế lực thù địch. Điều này có nghĩa là, chức năng giai cấp và chức năng xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, cái nọ làm tiền đề và là cơ sở cho cái kia. Tuy nhiên, trong điều kiện giai cấp vô sản đã giành được chính quyền và thiết lập được nhà nước của mình, thì chức năng giai cấp là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; còn chức năng xã hội (mà trong đó, việc tổ chức xây dựng xã hội mới là chủ yếu) là nhiệm vụ cơ bản, quyết định trực tiếp sự thắng lợi hay thất bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự khác nhau căn bản giữa việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhà nước tư bản chủ nghĩa là ở chỗ, nhà nước tư bản chủ nghĩa thực hiện chức năng xã hội không phải với tư cách là mục đích, mà là phương tiện để củng cố, đảm bảo sự thống trị chính trị và kinh tế của thiểu số trong xã hội là giai cấp tư sản đối với đa số là giai cấp công nhân và những người lao động khác. Theo đó, việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước tư bản chủ nghĩa luôn bị giới hạn trong một phạm vi chật hẹp và bị chi phối bởi quan điểm của giai cấp tư sản, xuất phát từ những lợi ích kinh tế và chính trị ích kỷ của một thiểu số dân cư trong xã hội. Ngược lại, việc thực hiện chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa được xác định là mục đích chứ không phải là phương tiện để nhà nước ấy đảm bảo sự thống trị chính trị của nó. Chức năng xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhằm đảm bảo quyền dân chủ cho đại đa số những người lao động, xây dựng những thiết chế, cơ sở để quyền làm chủ đó được thực hiện một cách thực sự trong thực tế.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#anh#tuan