CHÚC NGƯỜI HẠNH PHÚC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Hai ơi Hai! Anh Nam sắp lấy vợ! Anh Nam sắp lấy vợ!

Bé Út hộc tốc chạy vào nhà la toáng khiến Lài, chị nó, giật mình làm chệch mũi kim. Kim đâm vào tay, nhoi nhói.

Đến khi bé Út ngồi chồm hổm trước mặt chị, mắt nó mới tròn xoe hỏi:

- Ủa, Hai bị kim đâm hả?

- Ừa, tại mày đó! - Lài vừa mút ngón tay vừa kí đầu em.

Bé Út rụt cổ né sang bên nhưng nó vẫn không quên chuyện chính. Giọng bô bô, bé Út đang chứng tỏ cho chị nó thấy mình là một con nhóc khôn trước tuổi:

- Em vừa qua nhà anh Nam về, thấy ảnh nói chuyện với chị nào á! Hai người “anh anh em em” ngọt xớt hà!

- Mày con nít! Biết gì.

Bé Út gân cổ cãi:

- Sao không? Em còn nghe bác Tám nói chuyện cưới hỏi với cái chị đó nữa kìa. - Bé Út chuyển giọng, trách chị hai nó - Em nói chị rồi mà chị đâu có thèm nghe! Gái Sài Gòn giờ đẹp lắm, còn giỏi nữa. Anh Nam học bốn năm ở trển, giờ về quên chị em mình luôn!

Lài biết chứ! Lúc Nam về hôm trước, Lài đã vô tình lướt qua hai người họ. Ánh mắt Lài và Nam chạm nhau, nhưng anh cứ thế quay đi như cô là kẻ lạ. Vậy nên cô hiểu hết. Những kỷ niệm thời thơ ấu, những tình cảm vun đắp suốt quãng đời học sinh, cộng thêm năm năm chờ đợi, phút chốc tất cả bỗng tan thành mây khói.

Đêm xuống Lài buồn, Lài khóc.

Hồi đó Lài học hết phổ thông rồi nghỉ, còn Nam lên Sài Gòn học tiếp. Trước lúc lên đường, Nam còn nói sẽ ráng học, ra trường có việc làm rồi về quê hỏi cưới cô làm vợ. Vì lời hứa đó, Lài một mực đợi anh về, dù trai trong vùng không thiếu người để mắt tới cô. Đã vậy, sau ngày anh lên Sài Gòn mấy hôm, mẹ cô nói bà coi bói, thầy bói bảo tướng thằng Nam là tướng đào hoa, thiếu chung thủy, nên đừng dại dột lấy nó làm chồng. Cô cãi mẹ, cô bảo mẹ mình mê tín và dứt khoát không tin Nam là người như thế. Thậm chí bà con ở Sài Gòn thỉnh thoảng về quê cũng hay bóng gió chuyện Nam đổi đời, một bước lên mây vì quen con gái của tổng giám đốc một công ty lớn ở thành phố, Lài cũng bỏ ngoài tai. Giờ nghĩ lại, cô thấy mình còn tệ hơn con ngốc gấp trăm lần.

Nghĩ vậy nhưng Lài vẫn nói cứng:

- Thằng chả quên thì kệ tía thằng chả! Liên quan gì tới tao với mày.

Một lần nữa, mắt bé Út được dịp tròn xoe:

- Bộ chị không ưa anh Nam hả?

- Không!

- Bộ chị không muốn lấy ảnh nữa hả?

- Không!

- Bộ anh Nam hết hiền, hết học giỏi rồi hả?

- Ừa!

- Bộ ảnh hổng có…

- Mày mà hỏi nữa là tao đánh bầm mông nghen Út!

Bất ngờ trước sự nổi khùng của bà chị, bé Út co giò chạy biến. Thấy con nhó vừa khuất bóng, mắt mũi ai đó lại sụt sùi.

*

Trời về chiều, ba biểu Lài ra ngoài đầu ngõ mua ít đồ nhưng Lài đâu có chịu. Đi ra ngoải, thế nào cũng gặp. Thà chết ở nhà còn hơn!

Ba Lài hỏi:

- Mày sợ ma hả con? Vậy tao kêu con Út đi với mày.

Bé Út nói:

- Chỉ hổng sợ ma. Chỉ sợ người đó ba.

- Sợ ai?

- Thì anh…

- Mày nhiều chuyện là tao đánh nát đít nghe chưa? - Lài đâm quạu.

Mắt ba Lài hơi nhíu lại rồi giãn ra ngay. Ông lắc đầu, nhìn cô con gái lớn:

- Mày đi đi, đứa có lỗi là nó chứ đâu phải mày mà sợ. Nếu giờ không gặp thằng Nam, mày sẽ nghĩ đến nó cả đời đó con.

Thấy Lài làm thinh, ông xuống giọng khuyên:

- Đi đi con! Nghe lời tao, cái gì mày cần biết thì phải hỏi.

Lài cúi đầu nhìn vào khoảng không. Một tích tắc sau, cô thở ra và đứng dậy.

*

Lài nhìn đăm đăm về trước, ánh đèn leo lét của tiệm tạp hóa mỗi lúc một sáng hơn. Nhưng cô chưa kịp cảm thấy nhẹ người thì hai chiếc bóng đang sánh bước ở phía trước lại chém vào lồng ngực cô những nhát dao sâu hoắm, bời cô nhận ra một trong hai người đó là ai.

Lài không chịu nổi nữa. Cô lao vào giữa hai người họ như bị mù khiến cô gái loạng choạng suýt ngã. Nam vội vàng đỡ lấy cô và định lên tiếng chửi. Nhưng khi Lài xoay mặt lại, anh ngậm tăm.

Lài đi thẳng về phía Nam, thách thức:

- Tui đụng anh đó! Có chuyện gì hông?

Nam bối rối ngó lơ đi chỗ khác. Nhưng cô gái đi cạnh anh đọc tình hình rất nhanh. Cô hỏi:

- Cổ quen anh hả?

Nam chưa kịp trả lời thì Lài đã đáp thay:

- Không quen cũng chẳng biết nhưng tui thích đụng thì đụng à!

Trước lời nói vô lối của Lài, cô gái kia sững người nhìn cô rồi nhìn sang người bạn đi cạnh một lúc, cất giọng nhỏ nhẹ:

- Nếu hai người có chuyện cần nói thì em đi trước.

Lài chưa nghe người nào có giọng nói êm như cô gái đang đứng trước mặt mình. Người cô mới mảnh mai yếu ớt làm sao! Chắc cô gái này dịu dàng lắm nên Nam mới thích cô ta. Lài nhủ bụng nhưng mắt vẫn dán vào Nam.

Và Nam gật đầu:

- Ờ! Em về trước đi.

Đợi cô gái đi xa, Nam bấy giờ mới quay lại:

- Vào quán nước nói chuyện nha Lài?

*

Câu đầu tiên, Lài hỏi về tình địch của mình:

- Vợ sắp cưới của anh tên gì?

- Mai.

- Chắc cổ hiền lắm?

- Ừ.

- Hai người định chừng nào cưới?

- Nửa tháng nữa.

Cái kiểu trả lời thụ động của Nam làm Lài tức phát khóc. Cô định hét toáng lên   may sao phút cuối kiềm lại được. Có lẽ Nam cũng hiểu điều đó nên anh bắt đầu giải thích. Anh nói ở Sài Gòn tìm việc rất khó, trước đây anh cứ tưởng cầm tấm bằng đại học loại giỏi đi xin việc là ai cũng nhận nhưng thực tế không vậy. Chỗ đòi kinh nghiệm, chỗ đòi tăng ca, còn có chỗ nhận làm nhưng anh phải chấp nhận bắt tay với một chuyên ngành xa lạ. Quá chán nản, Nam bắt đầu thấm thía hai chữ cuộc đời. Những tưởng anh phải trở về quê hương với hai bàn tay trắng thì Nam gặp Mai, người đã khiến hồn anh rẽ bước sang con đường khác.

Kể xong, Nam kết luận:

- Lài cho tôi xin lỗi nghe!

Giọng anh vẫn chất phác như ngày nào nhưng lời anh nói nghe sao chói tai quá!

- Nhà chị Mai chắc nhiều tiền lắm hả? - Lài mỉa.

- Ai đã từng chết đói mới hiểu rõ sức mạnh của đồng tiền, Lài à!

Câu trả lời của Nam còn mạnh hơn sự thú nhận gấp nghìn lần. Anh nói thêm:

- Lài nói tôi sao cũng được, tôi chỉ xin Lài đừng nhắc lại chuyện cũ nữa, nha Lài!

Lài nắm lấy tia hi vọng cuối cùng:

- Anh còn thương tui không? Nếu ở thành phố không sống được thì về quê, tụi mình...

- Quê mình nghèo lắm! Tôi không thể bỏ ngần ấy năm ăn học chỉ để về quê làm ruộng.

- Vậy rốt cuộc anh yêu Mai hay tiền của cổ? - Lài lớn tiếng.

- Có lẽ tôi yêu... cả hai.

Quá đủ để hiểu một con người!

Tối đó Lài khóc nhiều hơn, khóc đến sưng cả mắt. Ba Lài nghe tiếng con khóc mà sót ruột. Ông lắc đầu, đi đến bên ngọn đèn rồi bắt đầu viết một bức thư.

*

Sáng hôm sau Lài ngồi ngoài hiên, mắt thẫn thờ ngó đăm đăm khu vườn trước mặt. Cây sồi già phủ bóng mát quanh đám cây cỏ như người mẹ hiền từ đang dang tay ôm gọn đàn con của mình. Nhưng nằm xa xa hơn một chút, cây xoài gần như bị bỏ rơi so với các loài cây khác. Hay chính xác hơn, “Bị bỏ rơi” là điều Lài đang nghĩ đến lúc này.

Lài đẹp, Lài giỏi giang khéo léo, vậy mà bị bỏ rơi! Thiệt tức cười!

Chợt có tiếng chó sủa inh nhưng Lài vẫn ngồi im. Chỉ đến khi bé Út chạy từ trong nhà ra, chõ mắt nhìn ra cổng, thì thầm:

- Anh Tí Mận tới kìa Hai!

Lài mới giật mình.

Tí Mận lớn hơn Lài hai tuổi, là một chàng trai nghèo chuyên đi làm thuê, cuốc mướn trong vùng. Hồi nhỏ mẹ anh thường gọi anh là Tí, lớn thêm tí nữa anh khoái ăn mận nên mọi người gọi luôn anh là Tí Mận để phân biệt với hàng tá nhóc tì tên Tí giống anh.

Và cũng giống như hàng tá đứa nhóc tì khác ở đây, Tí Mận không được học hành đến nơi đến chốn. Nói tệ hơn, từ nhỏ anh không hề được cắp sách đến trường. Việc anh làm quen với con chữ hoàn toàn là do sự giúp đỡ vô tư và đầy thiện chí của Lài.

Cũng chính vì vậy nên Tí Mận luôn tìm cách qua nhà Lài chơi mỗi khi có dịp. Lúc đầu thì do chuyện học hành thật vì anh rất thích học. Nhưng về lâu dài, Lài mới tinh ý phát hiện cách cư xử của Tí Mận đối với cô ngày một khác, mặc dù rất nhiều lần cô bóng gió chuyện mình đã có “người thương”. Chẳng biết anh không hiểu hay cố tình không hiểu nỗi khó xử của “cô giáo” mình.

- Chúc Hai ăn mận vui vẻ nha!

Nếu bình thường Lài đã đánh con nhóc tét móng giò vì cái tội cà chớn, nhưng bây giờ cô chả còn hơi sức nữa.

Xuất hiện trong bộ quần áo “ngàn năm chỉ có một” sờn màu và được khâu vá lụp chụp bởi chính chủ của nó sau mỗi lần đứt chỉ, Tí Mận còn cầm theo giỏ... mận. Anh cười:

- Út! Anh có mận cho em ăn nè!

Bé Út vui vẻ đón trái mận từ tay người hàng xóm:

- Em cảm ơn anh Tí nha!

Tí Mận đáp lại cô em gái bằng nụ cười tươi hết cỡ. Nhưng khi nhìn sang Lài, anh cẩn trọng và nhẹ nhàng hơn:

- Lài ăn mận cho vui!

Anh chìa tay ra, trên tay anh còn tới hai trái mận. Thoạt đầu Lài đưa tay ra cầm lấy, nhưng nửa chừng cô rụt tay lại. Trước hành động đó, Tí Mận thắc mắc:

- Bộ Lài không thích ăn hả?

Cô hỏi:

- Sao lần nào qua, anh cũng chỉ đem có ba trái vậy?

- Ờ thì...

Tí Mận gãi đầu ấp úng, đánh mắt sang bé Út. Tới lượt hai tròng mắt của bé Út đong đưa. Thế rồi lần đầu tiên trong cuộc đời, Tí Mận hiểu thế nào là “khôn trước tuổi” và sự dễ thương của bé Út khi nó nói:

- Thôi em đi vô nhà à nha!

Đợi cô em quay gót Tí Mận mới bạo dạn:

- Ăn mỗi người một trái mới thấy ngon chứ!

- Ai nói? Sao tui hổng biết! - Lài nheo mắt.

Tới đây Tí Mận lúng túng:

- Ờ thì... tôi nói.

Nghe người trước mặt trả lời mà Lài phì cười trong dạ. Cô hiểu cái ý tứ sâu xa “mỗi người ăn một trái” của anh nhưng muốn chọc anh chơi. Trừ Nam và những chuyện quá khứ, có lẽ Tí Mận là người quan tâm cô nhiều nhất, ý nhị nhất so với các thanh niên khác trong xóm. Điều đó đối với tầm hiểu biết của gã trai quê như Tí Mận thật hiếm có! Nếu được học hành tử tế, có lẽ anh cũng không thua kém Nam bao nhiêu. Và cũng có lẽ, Tí Mận không phải loại người thấy tiền quên nghĩa như Nam. 

Lài lấy cả hai trái mận khiến chàng khách ngẩn ngơ:

- Ơ...

- “Ơ” gì? Hay anh không muốn cho tui? - Lài hất hàm.

- Không phải...

- Không phải thì được rồi! Đưa đây tui ăn!

Tí Mận đành tiu nghỉu đưa luôn trái mận còn lại:

- Đây nè, Lài ăn đi!

Nắng chiếu xuống khiến anh nheo mắt và quyết định nói luôn:

 - Thôi trưa rồi, tôi về!

Tí Mận xoay mình đi về thật. Nhưng anh vừa bước được hai bước thì nghe tiếng Lài gọi:

- Áo anh rách nữa kìa! Đưa đây tui vá cho rồi chiều qua lấy.

*

Nửa tháng sau, Nam làm đám cưới. Một năm sau, tới lượt Lài làm cô dâu.

Nam ngồi trong phòng đọc lá thư cô gửi cho anh trong một chiều mưa tháng tám. Lài nói cô đang rất hạnh phúc bên chồng, và khi Nam đọc được những dòng chữ này có nghĩa là cô đã thực sự coi anh như bạn. Lài cũng mong cho vợ chồng anh có cuộc sống hạnh phúc giống cô. Lài thổ lộ, không dưới một lần Lài tìm đến tình yêu mới nhằm trả thù anh. Nhưng ngày tháng trôi qua, Lài nhận ra rằng dù có thành công, cô chỉ hả hê được một lúc rồi người thiệt thòi vẫn là mình. Huống chi Tí Mận, chồng Lài, yêu thương cô thật tình, dại gì cô phải làm cái chuyện ngu ngốc đó để hủy hoại bản thân. Cuối thư, Lài chỉ muốn Nam cùng vợ về thăm quê nhiều hơn. Có thể đối với Nam nơi chôn nhau cắt rốn là một làng quê nghèo, nhưng đối với cô, quê hương mình vẫn rất đẹp...

Đọc xong thư, Nam cười nửa miệng. Anh gấp đôi tờ giấy, cất vào ngăn tủ kế bên. Lúc này trên bàn vẫn còn một lá thư nữa đang mở sẵn. Nam liếc qua tên người gửi, châm thuốc hút. Hút xong, anh phẩy tàn thuốc lên trên mặt giấy, vứt chúng vào thùng rác. Sau cùng Nam bỏ đi, đóng sầm cửa lại.

Một cơn gió lùa vào phòng, thổi bay tàn thuốc, để lộ phần lớn nội dung thư.

Người gửi là ba Lài. Thư viết:

“Nam con!

Ba viết thư này để cảm ơn con. Nếu con không chịu vì con Lài mà nói dối, ba cũng không biết làm sao với nó.

Chắc con còn giận ba lắm phải không? Ba biết giờ nói gì đều vô dụng. Tất cả cũng tại ba có lỗi với mẹ con Lài nên mới gây ra oan nghiệt! Ba với má con cứ tưởng sống để bụng chết mang theo thì không ai biết, nhưng không phải vậy. Trước ngày con lên thành phố học, mẹ con Lài đã biết mọi chuyện và bà chọn cách im lặng chịu đựng thay vì bới móc quá khứ khiến gia đình lục đục. Về điểm này, Lài giống hệt mẹ nó.

Rồi khi nghe con Lài khăng khăng chờ con về làm đám cưới, bà ấy không thể im lặng được nữa. Bà dựng chuyện con có tướng đào hoa, không chung thủy (ba không rõ bà ấy có mượn con để trách cứ lỗi lầm của ba hay không?) cùng hàng ngàn cách khác để tách hai anh em con ra nhưng không được. Nếu ba và bà ấy biết hai anh em con quen nhau từ sớm, có lẽ mọi chuyện sẽ khác. Hết cách, ba đành phải nhờ con...

Dạo này ba thấy sức khỏe mình ngày càng yếu, xem ra ngày ba rời khỏi cuộc đời không còn xa nữa. Ba chỉ mong trước lúc ra đi, ba có thể gặp lại con lần cuối. Mong con tha lỗi cho ba!”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#cơ#át