Untitled Part 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chúng ta ai cũng lớn khôn.

Tôi đọc câu này từ quyển tiểu thuyết ngôn tình nào đó, cũng quên mất câu chuyện. Không hiểu sao cứ đọc đi đọc lại thấy buồn kinh khủng, nỗi buồn chuyển động dần đều theo những ký ức.

"Đàn ông là món ăn rất nhàm chán trong tay mình lại hấp dẫn trong tay kẻ khác"

-   Tao xin mày, đừng ví con người với đồ ăn. Rất tội độ ăn...

-   Mày thấy sao, Cầm?

-   Tao thấy cứ đồ ăn thì có vô có ra..đàn nào cũng không nên bị đem so sánh vậy.

-   Thấy chưa. Cầm nói câu nào thì lấy viết ghi ra câu đó.

Hải Thanh cười sặc sụa, nó ngúc ngắc điện thoại dí lên mặt Di.

Một buổi sáng thứ 7 của chúng tôi. Chúng tôi hẹn nhau vào thứ 7, vì thứ 7 không phải là Chủ Nhật, không làm chúng tôi cảm thấy lười biếng đến mức cự tuyệt  những gặp gỡ dù thân gần. Chỉ muốn rửa sạch lớp trang điểm, gác chân lên ghế ăn một tô cơm nguội và gục đầu ngủ quên trên trang sách thu 5 của quyển sách sâu xa nào đó.

Thứ 7 chúng tôi có niềm vui của Chủ Nhật. Còn Chủ Nhật chỉ là nỗi chán chường mông lung não nề- Thứ Hai. Chúng tôi không có những đứa con để phải chăm bẫm. Hải Thanh suýt có. Nhưng, vẫn là không có lúc này. Chúng tôi không có chồng để tặc lưỡi chê khen. Cả 3 chúng tôi đều suýt có chồng. Chỉ là, bây giờ vẫn còn độc thân.

-   Tao làm gì bây giờ.

-   Không làm gì hết, thứ 7 là ngày của chúng ta, bỏ mẹ nó cái đống kia.

-   Dạ, chị Hải Thanh đại gia, cái đống kia là mồi cơm của em. Bỏ nó thì thứ 7 em chỉ nằm nhà chứ không hầu chị được.

Di làm nghề quảng cáo. Thứ gì cần người mua thì có nó. Hình như lần này là một sản phẩm về chén dĩa?! Dù sao, tôi và Hải Thanh cứ mặc kệ Di khổ sở vặn vẹo với cây viết. Tôi chợt nói.

-   Chúng ta ai cũng lớn khôn.

-   Không phải đã lớn không rồi hả? Vẫn phải lớn nữa sao? Hải Thanh rất tuyệt vọng hỏi chân thành.

-   Không, bây giờ có khác gì hồi 18 không?

Phải rồi hồi 18, Di ngồi bên bàn cuối cùng ngoài cùng dãy ghế. Tôi và Hải Thanh hai đứa bàn kế nhau. Chúng tôi cũng quên mất đã làm gì lúc ấy, chỉ nhớ rằng lúc 18 cứ nghĩ về những người phụ nữ 30 thì cả cơ thể rộn ràng, người phụ nữ 30 ấy là một tượng đài của thành công viên mãn, biết mình muốn gì và không cho phép ai cản đường mình. Một người kiêu hãnh tự do tự tại.

Di – 30 tuổi cười hắc lên như vừa nhớ ra điều gì, rối rít nói. 18 hay 30 thì nó cũng không bỏ được tật rối rít nói.

-   Aaaa hồi ấy cứ nghĩ 30 là siêu nhân nhỉ?

-   Uh, ai ngờ 30 chỉ là 1 con 18 với chục nếp nhăn, trăm kg mỡ bụng.

-   Kệ mày, tao với cẦm là siêu nhân 30.

-   TẠi sao cái gì cũng mày và Cầm. Hai đứa mày ngồi gần nhau, trên cao kia, con ngoan trò giỏi nên bây giờ cũng vẫn kiểu coi thường ấu trĩ.

Hồi đó Di học kém. Thật ra bây giờ nghĩ lại học kém lúc đó chẳng qua chỉ là một nhãn mác của đứa trẻ không thích khuôn khổ. Thay vì kêu học bài thì nó đi chơi, kêu đến sớm thì nó ta bà đâu đó. Hoàn toàn không liên quan gì đến tư chất. Di là người thành công nhất trong 3 đứa chúng tôi. Hải Thanh là tiểu thư của ông chủ nhiều chuỗi nhà hàng. Hải Thanh không cần phải thành công, nó chỉ cần một công việc để nếm mùi 8 tiếng 1 ngày,  5 buổi 1 tuần. Còn tôi, tôi có một quyển sách nửa chừng. Tôi gửi bản thảo rồi nhận được lời đề nghị chỉnh sửa nhưng mãi vẫn không bắt tay vào chỉnh sửa. Ngoài ra tôi cũng có một công việc văn phòng, bận rộn chút cho biết mùi trưởng thành, thảnh thơi chút để làm những chuyện vô bổ.

-   Thôi tóm lại là chúng ta có đi không hả?

-   Đi chứ.

-   VẬy để tao thông báo khách hàng tập trung giải quyết sớm không thì lúc về lại bù đầu.

-   Không internet không laptop.

-   Dạ..dạ. Chỉ có em là con ong cần cù làm việc cho nên hai chị chấp nhận điều kiên này dễ hơn em chứ..sống ảo thì chúng ta ai cũng ảo lồng lộng!

Chúng tôi muốn đi chơi. Hải Thanh nói là chuyến đi "chối từ tiện nghi văn minh" còn tôi, tôi muốn gọi nó là "tuổi 30 bận rộn". Chúng tôi sẽ đi từ Nha Trang ra Hà Nội trên chiếc xe máy. Kiên quyết không dùng internet hay điện thoại. Chúng tôi muốn xem thế giới có cần mình hay mình có cần nó. Tuần sau sẽ bắt đầu. Hôm nay ngồi lại để bàn tính những thứ cần mang hay bỏ lại.

Thứ 7 sau chúng tôi ra đi.

Thứ 7 sau chúng tôi sẽ cảm thấy mình là những siêu nhân tuổi 30.


CHƯƠNG 2: NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG THỂ PHÁT ÂM RÕ RÀNG.


Chúng tôi không ngờ để kiếm ra chiếc xe máy đúng ý ở Nha Trang khó đến vậy. Cũng vì việc xuất hiện phút chót hoàn toàn bị động. Hải Thanh đã nhờ công ty vận chuyển hai chiếc xe máy từ Sài Gòn lên đây nhưng xe của Di gửi garage để kiểm tra dầu nhớt thì nhân viên bên đó làm mất giấy tờ xe trong cốp.

Biết được tin Di chửi thể theo kiểu dân quảng cáo loạn xạ ngôn ngữ, rồi ngồi phịch xuống tự trách cái tính đoản để quên giấy tờ trong đó. 1 chiếc xe không thể chở cả 3 cho nên sáng hôm đến Nha Trang ăn một buổi trưa với bún cá lại tất tả đi tìm chỗ thuê xe dài ngày.

-   CÁi quái gì lúc cần thì không tìm ra được. Đời nó chó ở chỗ đó.

-   Mày chửi rủa đủ chưa. Hay đập đầu vô gối chửi rồi nghe lấy đi.

Trời rất nóng, cứ đi tới đi lui những con ngôi nhà theo hướng chỉ dẫn dân địa phương khiến tôi mệt mỏi đến độ chẳng màn những câu chát chúa của hai đứa kia. Cứ nghĩ trong đầu, hay là về quách cho xong. Song Ngư là như vậy. Tôi là một con Song Ngư không thể chối cãi hơn nữa. Song Ngư bơi theo làn nước, lúc nhanh lúc chậm, nếu có vật gì cản đường thì nó sẽ tìm cách vượt qua, còn nếu không,thỉ chỉ thả nổi bất định. Song Ngư không nuôi chí hóa rồng. Hải Thanh là Bạch Dương lừng lẫy, luôn gây chuyện và luôn háo thắng. Còn Di, nó hoàn hảo như một Thiên Bình cân xứng. Tôi vẫn tin những trò này. Tôi nhớ ngày xưa mỗi cuối tuần đều tỉ mẩn tìm kiếm mục horoscope trên các báo học đường. Sáng đầu tuần lại to nhỏ với hai đứa nó về thời vận ngày sắp tới. Có những thói quen không bỏ được vì cảm thấy bỏ đi rồi thì mình như hành lý rỗng rinh, chẳng còn món đồ nào kêu lúc lắc bên trong. Tôi giữ thói quen tin vào horoscope như vậy đó.

Nhưng Song Ngư cũng là một con cá rất may mắn, cho nên dù không nỗ lực vẫn tồn tại được với nước lạnh và rong rêu. Chúng tôi bắt gặp ân nhân cứu mạng khi trời vừa đúng bóng trưa.

Người đàn ông ngồi vắt trên chiếc xe ôm bụi bẳm, da mốc lên vì nắng nỏ lẫn tuổi già, miệng còn đang nhai cây tăm một cách chăm chú, nhờ vậy mà Di nhăn nhó

-   Tới giờ cơm trưa rồi hả? Đói quá.

-   Thấy người ta nhai tăm mà mày đói hả Di?

-   Cầm ơi, tô bún cá chỉ là chút thơ văn trong cái bụng phàm phu này. Thôi đi kiếm gì ăn đi.

-   Đợi đã, hay hỏi chú kia.

-   Chú xe ôm? Hải Thanh nhìn tôi

-   Uh, người chạy xe ôm biết nhiều thứ đó.

Chú quả thật biết rất nhiều, vừa nghe hỏi đã hồ hởi chỉ dẫn nhưng chúng tôi rất khó khăn nghe chú. Giọng nói chú đứt quãng yếu ớt vô cùng. Chắc chú đã quen với sự vật lộn này của người đối diện, chú hít hơi sâu tăng âm lượng và chậm rãi.

-   Tui biết chỗ cho thuê xe tốt. Mấy cô cần thì đi theo tui.

-   Gần đây không chú?

-   Đi bộ 5 phút tới.

Hóa ra đúng là 5 phút đi bộ đã tìm thấy con đường chân lý. Một chiếc xe vừa ý mới, tốt vẹn toàn cho chặn đường tiếp theo. Di thậm chí còn muốn ngồi rịt trên xe không xuống.

-   Mấy cô muốn hả?

-   Dạ, lấy liền đi chú.

-   Để tui nó bà chủ. Xe này người ta gửi cho thuê.

Lát sau chú đi ngược ra hít hơi nói lớn và chậm rãi.

-   Chủ xe chỉ cho thuê đi đến Hội An thôi.

-   Sao vậy chú?

-   Vì chủ xe đang ở Hội An, mấy cô đi lên đó rồi trả xe lại.

-   Sao lại ở Hội An?

-   Bà nội tui mới biết đó. Nói mệt thấy mẹ mà cứ hỏi quài.

Trời ơi HẢi Thanh cười như hồi nó dụ được tôi lên bảng xóa sạch đề bài toán thầy Dũng vừa hì hục viết. Hai con mắt của nó ràn rụa nước mắt. Tôi cũng không thể đóng vai nghiêm chỉnh, tiếng cười chúng tôi át hết sự ngượng ngùng của Di. Nó nhún vai kiểu "ừa tao vậy đó rồi làm sao"

Chúng tôi chấp nhận điều kiện hơi khắt khe. Dù sao lên đến Hội An có thể tìm lại xe không thì quay về. Từ đầu đã bàn với nhau, đi chơi cho lòng nó phấn khởi chứ không phải để bạc đãi bản thân. Nếu cảm thấy không có khả năng thì đón xe về Sài Gòn, nếu trục trặc cũng đón xe. 30 rồi không phả trẻ trâu. Ít nhất đã lên đường, phải không?

Để cám ơn chú xe ôm chúng tôi mời chú ly cà phê bên cái quán nhỏ. Chú có lẽ đã hết nói nổi nên ngồi phì phèo thuốc lá nhìn về phía khói thuốc. Ai cũng vậy, cứ hút thuốc là thành triết gia. Tôi thì cực kỳ khó chịu với khói thuốc không cảm thấy thông minh ra hay sâu sắc hơn chút nào. Tôi lên tiếng

-   Chú dân ở đây hả chú?

-   Nam Định

-   Sao giọng chú y chang xứ này?

-   Thì biết nói ở đây nên giọng đây.

-   MÀ sao chú nói khó nghe vậy.

Hải Thanh hỏi câu đó. Tôi chơi với nó đã lâu quá rồi, đủ để nó biết và hiểu tôi hơn bản thân. Và tôi cũng chơi với nó rất lâu để biết cái kiểu nói thẳng vấn đề ấy không sửa được. Nó cứ nói điều nó nghĩ, nó cứ sống như nó muốn. Trời cho nó một gia đình khá giả để cái tính bất cần như thêm cánh vô cùng khó kiểm soát. Chỉ sau khi nó từ bỏ đứa bé thì cảm giác sự bất cần đã bị chui rèn ít nhiều. Như thanh sắt đã nung đỏ giờ bị vùi vào nước lạnh và đánh đe. Dịu lại rất nhiều nhưng cứng rắn hơn.

Nó biết tôi tò mò về giọng nói chú xe ôm. Nó đỡ dùm tôi cái tiếng không tế nhị. Chú xe ôm cười hề hề.

-   Hồi nhỏ đẻ ra ở ngoải, năm trời lạnh quá nhà nghèo không ủ ấm được, mấy cái dây thần kinh nó bị hư nên nói không được.

Những đốm lửa bùng lên rồi lặng xuống thành tro từ điếu thuốc.

Chúng tôi từ biết chú xe ôm mà không có cái tên để lên gương mặt ấy trong trí nhớ của mình. Trước khi đi còn nghe chú nhắc đi nhắc lại trả xe cho người chủ có số điện thoại này, nếu không là chú sẽ mang tiếng với bà chủ.

Đi được một đoạn khá xa NT, tôi ngồi sau lưng Hải Thanh tự hỏi, tại sao chú dám đưa cái danh dự mình đứng ra thuê xe cho người lạ. Nếu chúng tôi làm hư xe? Nếu chúng tôi bỏ không đưa lại cho chủ nó?

Có lẽ gương mặt đã khiến chú tin tưởng. Hãy tin vậy

-   Cuối cùng vẫn phải vì trai ah?

-   Nói gì hả?

-   Gì nữa, đã kêu bỏ thế gian này, bỏ trai đi mà sống. Cuối cùng mới lên đường đã phải..tìm trai.

-   Trai nào?

-   Chủ cái xe con Di lái chứ ai?!

Hải Thanh gào vào mặt tôi. Những lời nói vấp phải trở lực của gió trở nên méo mó như giọng nói của chú xe ôm.


CHƯƠNG 3 : ĐÀN ÔNG.


Chúng tôi gọi phàm phu là Trai. Trai làm khổ chúng tôi từ thuở bé đến lớn khôn. Di hay càm ràm vậy đó.

Nó dẫn chứng việc nó si tình anh chàng lớp bên. Hồi đó chúng tôi 1 hành lang 2 lớp học, cứ A1 gần A2, A3 gần A4. Chúng tôi là A3. A4 có một anh chàng da trắng, đồng tiền sâu hoắm, lại hay cười. Việc gì cũng cười. Hải Thanh thì ghét nói cười như nghé (không hiểu nghé cười thế nào?!) Nhưng Di đã chết vì cái nụ cười ấy. Lớp kế bên mà rục rịch ra về sớm hơn thì cổ nó đã xoay ngoắt ra cửa sổ rồi lại xoay ngoắt vào có phần ngượng ngập. Giờ ra chơi "đồng-tiền-nụ-cười-như nghé" ấy hay lửng thửng hành lang, Di cũng không bao giờ xuống cantin, hoặc nó xuống cantin rồi lại vòng lên rất nhanh. CÁi mối tình si học trò ấy như một miếng chewinggum. Nhai đi nhai lại đến chán lỗ tai chúng tôi, đến lạt nhách câu chuyện mà người nhai vẫn không có ý định từ bỏ. Hình như thành vào thói quen. Có bữa thấy nó đứng nhấp nhổm ngoài hành lang nhìn anh chàng kia đi học trễ chạy bở hơi tai gửi xe, tôi chán nản bảo hay cứ tỏ tình đại đi. Và nó tỏ tình thật. Trai lúc đó mới 16 tuổi đã biết làm khổ Di. Chẳng trả lời cũng chẳng chối từ. Còn nghe kể về scandal tình ái với cô bé nào đấy xinh lắm, nhưng nhất quyết không từ chối thiện cảm của Di.

Cuối cùng làm sao để Di thoát khỏi đại nạn trai năm ấy. Năm lớp 12, trai nhảy từ lớp hàng xóm chuyển qua lớp chúng tôi. HẢi Thanh nói với tôi kiểu này Di chắc rớt tốt nghiệp mất. Nhưng nó không rớt, đậu vừa đủ, rồi cũng vào được Đại Học. Bởi vì, 2 tháng sau khi trai vào chung sở tại, nó nhận ra, miếng chewinggum kia nhạt lắm, lẳng lặng bỏ đi.

Trai còn làm khổ 3 chúng tôi nhiều việc hơn nữa. Theo thời gian mà sự việc càng nghiêm trọng, đến độ bây giờ, cả 3 phải lao vào những con đường nắng gắt dài dăng dẳng để quên trai. À, tuổi 30 chúng tôi gọi họ là đàn ông.

Sau mối tình "đồng-tiền-nụ-cười-như nghé" Di lại lao vào mối tình khác năm 2 đại học. Lần này cũng đến được với hẹn hò và những màn tình ái nóng bỏng chuyền tai chúng tôi. Cũng đến được thề non hẹn biển, nhưng non hay biển đều không có ở Sài Gòn. Sài Gòn chỉ có đàn ông đã có vợ. Người yêu của Di hóa ra đã 1 vợ hai con.

Đàn ông của HẢi Thanh, một anh chàng tham vọng. Hải Thanh cố né những anh cầu tiến vì sợ họ dùng mình như bàn đạp để tiến thân. Anh chàng tham vọng này đã có sự nghiệp, có vẻ không cần gì đến gia sản Hải Thanh. Nhưng hóa ra anh ta cần cái hộ khẩu và lời giới thiệu của ba cô để đi du học. Hải Thanh phát hiện ra việc đó rất đau đớn, vì khi ấy chúng tôi không còn 18. Chúng tôi 25, vừa mới xong đại học, còn đang đầy một ngực hy vọng trong phổi, nồng nhiệt trong tim. Không ai đón chờ một sự tính toán lạnh lùng. Hải Thanh báo tin có thai, có ý muốn bỏ nhà ra đi cùng anh. Anh ta biến mất, trước cả khi nó kịp nhớ ra những lời dại dột của mình. Đứa trẻ vì vậy không ra đời. HẢi Thanh vì vậy chỉ suýt làm mẹ.

Còn tôi, tôi bị phản bội. Tôi bị bỏ lại. Tuổi 28, biết mùi đời biết luôn cả những tuyệt vọng.

Trưởng thành giống như trọng lực trái đất. Nhiều khi không thể nhấc chân lên được, cuối cùng cần phải có một lực đẩy mình lên. Những người đàn ông ấy là lực đẩy trưởng thành của chúng tôi.

Chúng tôi đi không được xa lắm, thì trời tối. Trước mặt là bãi biển. Bãi biển đêm rất đẹp. Cả ba hí hửng lôi túi ngủ thưởng thức phong vị phiêu bạt.  Được một hồi thì Di bắt đầu bừng tỉnh.

-   Hay mình gọi cho anh ta trước hẹn ngày giờ trả xe

-   Chi vậy? Còn xa mới tới Hội An mà.

-   Di, mày tò mò về anh ta phải không?

-   Cầm ơi..tinh ý quá cũng có tội lắm nha.

-   Tại sao lại tò mò, biết đâu là một chú xe ôm khác.

-   Cũng không sao. Đâu có ai nói tao đang hy vọng gì. Đột nhiên tao nghĩ đời mình giống như 1 series phìm truyền hình dài tập, có nhân vật mới xuất hiện rồi bỏ đi, rồi lại người khác vào.

-   Di à, người ta chỉ là chủ xe cho thuê. Mày quyết định cho đóng vai nam chính luôn hả. Được bao nhiêu thoại đây?

-   Cũng không cần phải nhiều thoại nhiều phân đoạn.

Hải Thanh buông tiếng thở dài. Nó ngước lên bầu trời nhiều sao kỳ lạ. Một tấm màn nhung dày kit nặng nề chi chit sao.

-   Mày lại nghĩ về Sao hả Thanh?

-   Uh, nó chỉ xuất hiện chút xíu mà là nhân vật chính của đời tao.

Chúng tôi im lặng để Hải Thanh ngắm bầu trời. Hải Thanh đặt tên cho bào thai nhỏ xíu vài tháng tuổi của nó là Sao. Sao có thể là con trai hay con gái, có thể đẹp hay xấu, nhưng rất xa, và thật ra đã mãi mãi không nằm trong tầm với nữa rồi.

-   Ê nhìn nè.

-   Gì vậy?

-   Nhật ký? Số ghi đề?

Một cuốn sổ nhỏ, dày cui, ngoài bao bìa vải hình những cây cỏ cách điệu nằm trong cốp xe.

-   Ô, không viết tay à? Toàn là bản viết in rồi kẹp lại...

-   Mày đừng có xâm phạm đồ dùng cá nhân vậy.

-   Tao..tò mò.

-   Đưa đây!

-   Sao lại đưa?

-   Vì tao không tò mò.

Tôi rất coi trọng thế giới riêng tư người khác. Mẹ tôi dạy rằng việc không có người nào ngoài kia hiểu được mình chính là vũ khí tối thượng, là tấm lá chắn cuối cùng để mình có thể sống đàng hoàng. Nếu ai đó quá hiểu con, hãy từ bỏ họ ngay lập tức.

Những lời nói khó hiểu xa xôi ấy đến với tôi chỉ còn thông điệp đơn giản, đừng xâm phạm thế giới riêng tư người khác.


CHƯƠNG 4: NHỮNG VẾT SẸO


Di có lẽ còn đeo đẻo đòi quyển nhật ký tôi dấu kỹ trong hành lý nếu không vì cái nóng đang bủa vây. Nóng đến độ có khi đi ngang một khoảnh nước cũng muốn nhảy ùm vào đó. Nhưng hơn cả là lúc này cần tìm được một chỗ dừng chân. Chúng tôi 3 phụ nữ cho dù tuổi tác nào cũng không thể một bộ đồ đi xuyên...1/2 đất nước. Chủ ý của Hải Thanh là hãy đến ngôi nhà nào đó trong không quá sang trọng cũng không quá khó khăn. Vì sang trọng thì chỉ có cô giúp việc mở cửa mà cô ấy không có quyền hạn gì nhiều. Gia đình khó khăn thì làm sao dám gõ cửa đòi cưu mang. Một căn nhà như vậy cũng chẳng khó kiếm lắm. Hai vợ chồng anh chủ nhà nhìn chúng tôi với vẻ ...kỳ cục. Anh chép miệng

-   Các cô lại định lên nớ?

-   Dạ đâu anh?

-   Nớ!

Anh trỏ lên đỉnh núi. Cả 3 chúng tôi lắc đầu như giũ cát khỏi não

-   Thật ri?

-   Mà lên đó thì sao anh?

-   Thì tui rầu lắm. Nhà trồng được có mấy cái cây chưa kịp lớn khách dụ lịch đã càn lên, cây chết hết.

Mất mát của những người không can dự chi đến cuộc đời của bạn khiến bạn nhiều khi ngạc nhiên. Hóa ra ai cũng có thể làm người xấu, ai cũng có thể bất lương gây họa cho người khác.

Dù sao chúng tôi có chỗ tắm rửa, được đãi bữa ăn gia đình. Di nói sẽ ăn cho hết ổ bánh mì mang theo. Chị chủ nhà trố mắt ra nhìn nó còn có ý hỏi bộ con nhỏ chê đồ ăn chị nấu hả. Tôi khổ sở thanh minh, nó chỉ không muốn chị ơi.

Vì nó có một vết sẹo rất lớn trong đời. Di là đứa rạng rỡ hòa đồng và dễ chịu nhất trong chúng tôi. Tôi có khi rất lơ đãng bất cần, Hải Thanh luôn luôn bất cần. Di không bao giờ để ai cảm thấy bị bỏ rơi hay xa lánh. Nó lại có tật nói rối rít như đứa trẻ sợ bị tranh phần. Nó có rất nhiều tên. Di là tên chúng tôi gọi theo từ sở học bạ ghi vậy. Ở công ty người ta gọi nó bằng Huỳnh. Những khách hàng công việc freelance của nó thì chỉ  biết đến cô Miên. 3 cái tên ấy là 3 con người. Hải Thanh vẫn đùa chúng ta diễm phúc chơi với bạn đa nhân cách, mà cuối cùng, cả 3 nhân cách là một: bánh bèo như nhau. Tôi chỉ biết Di thoải mái khi có ai đó thỉnh thoảng gọi sai tên mình. Di rất sợ sự thân thuộc, thí dụ như, mái ấm gia đình, bữa cơm quen thuộc. Năm 15 tuổi trong lần đi học về sớm Di bắt gặp mẹ đang nằm bên cạnh người khác cha mình. Một người phụ nữ, dì Hồng, người bạn thân thiết của mẹ. Dì Hồng lúc đó dáng nằm nghiêng thẳng thóm, vai rộng như ôm hết mẹ vào lòng, mẹ Di thì co nhỏ lại, líu ríu tổn thương như con chim tránh bão. Khi bị Di bắt gặp dì Hồng chỉ nói mẹ Di không thể sống thiếu dì. Còn mẹ thì đã cho Di và ba 15 năm tuổi mình, giờ hãy để mẹ dành cho dì chút năm tháng còn lại. Khi tôi nghe kể, cảm giác đang đọc quyển tiểu thuyết vụng tay  ở đây một chút ở kia một chút những chi tiết lượm lặt. Nhưng gương mặt hóa đá cứng ngắc lạnh lẽo lẫn u sầu của Di đã khiến tôi chấp nhận, đó là cuộc đời bạn tôi, một đứa con gái nói nhanh và nhiều như chèo bẻo, cười sáng bừng cả thế giới những người còn lại. Từ sau đó, Di không bao giờ ăn cơm nhà, vẫn lễ phép hiếu thảo và thương mẹ nhưng Di cắt đi khoản không gian yên ấm mẹ con, giống như là lần ấy trời đất đã nổi cơn mưa cuốn trôi mái gia đình của Di. Còn lại đây là những người cô mang ơn và phụng dưỡng.

Căn nhà Di đang ở rất đẹp chỉ không có bếp, không có bàn ăn tối.

Trong lúc đang ngồi đọc báo và gặm bánh mì trên cái phản Di nhận ra bên ngoài có người kêu cửa. Chị chủ nhà hình như đã quá quen việc xin tá túc vãn lai, chị nhanh nhẹn mở cửa, hỏi tên rồi lại lôi vào bàn ăn cơm, cái chỗ có chén cơm Di bỏ trống. Người thanh niên ấy chắc trên dưới chúng tôi vài tuổi. Mặt sạm da vì nắng gió nên rắn rỏi, mắt vì vậy cũng có vẻ sáng hơn. Khi bước vào anh ta cồng kềnh vác theo 1 cái balo to kinh khủng. Khi ngồi xuống bàn cơm anh ta ăn hùng hục. Chị chủ nhà rất thích mắt, chắc chỉ đã có thêm lòng tin vào  món ăn mình nấu.

-   Cậu cũng đi du lịch hả? 

-   Cháu đi phượt.

Di khịt mũi. Nó nói "phượt" là một cái brand đã bị làm lố, over used. Cứ hễ đi du lịch khổ sở chút phải gọi là phượt, cho nó phong cách, thậm chí nếu có vì bị lạc đường do không biết đọc bản đồ hay điện thoại hết pin cũng nên nhận mình là phượt. Anh chàng kia hì hục anh chẳng nhận ra cái khịt mũi bất nhã đó. Tôi ngắm anh ta cảm thấy rất thích. Một sự hồ hởi nhưng từng trải. Đàn ông càng lớn tuổi càng có thứ hào khí quyến rũ (đến độ tuổi nào đó thì cũng không còn gì để mà quyến rũ). Nhưng một người trẻ tuổi đã sớm mang vẻ từng trải thì vừa bí ẩn vừa quyến rũ. Tôi hỏi cậu ta.

-   cậu định đi đâu?

-   Hội An.

-   Ô hay, thế giới này dừng lại ở đó à

-   Các cô định ra đó luôn?

-   Chúng tôi có việc ở đó. Tôi là Hải Thanh, bạn tôi= Cầm và Di bánh mì.

-   Tôi tên Park

-   Hả?

Di bánh mì cục cựa từ chỗ cái phản xuống ngay cạnh tôi.

-   À, tôi có tên tiếng Việt nhưng ai cũng gọi là Park

-   Anh không phải chủ nhà hàng Mr Park BBQ

-   Đâu có liên quan.

-   Ayda, tưởng đâu giữa đường gặp tổng tài như tiểu thuyết.

Park cười thành tiếng rồi ra ý xin thêm chén cơm.

Hóa ra Park không chỉ cần mấy chén cơm mà còn cần thêm phương tiện di chuyển ra đến đó. Xe của anh chàng bị công an giữ do chạy quá tốc độ. Giam đâu đó, coi như có chỗ giữ xe không tốn tiền, anh chàng bắt xe ôm đến được đây.

-   Hay là tôi đi nhờ mấy cô?

-   Cái này...đáng lẽ ra để tụi tui ngỏ ý rồi anh chối từ sao anh lại..

-   Tui đợi ngỏ ý không cũng sốt ruột còn đâu khả năng chối từ.

Di nhìn Park. Y như người ta nhìn một con voi ở sở thú. Tức là quen thuộc không có gì xa lạ nếu so sánh với sư tử, cá sấu, cao cổ nhưng cũng không phải là kiểu nhìn con chó con mèo trong nhà.

Park đúng là nhỏ hơn chúng tôi vài tuổi. Còn trong balo Park có cả mì gói và ..tô ăn mì gói. Tôi hỏi Park một câu nữa để kiểm định cuối cùng có nên cho anh ta quá giang xe Di

-   Có đồ ăn sao nãy còn ăn chực vậy?

-   Mấy cô không biết rồi, đến xin ngủ nhờ như vầy mà không ăn bữa cơm chị nhà nấu thì sẽ bị mời ra nhà trọ ngủ đó.

Quyết định cho Park chở Di. Đêm đó chúng tôi còn kể nhau nghe vài chuyện khác bên cái tô nhựa ăn mì gói của Park. Park cho chúng tôi xem một vết sẹo dài phía sau lưng. Thoát đĩa đệm phải mổ. Nằm trên giường gần như là 1 tháng bất động, những gì Park muốn không phải là một chuyến đi ngông như vầy, đơn giản được tự mình cầm phích nước sôi đổ vào gói mì độc hại và bưng lên ăn xuýt xoa.

-   Anh có vẻ rất thích ăn mì gói. Tôi lấy tiền công đi xe bằng cách trưng dụng gói mì này.

-   Để tui nấu cho cô ăn.

-   Hai người nấu mì cho nhau nha. Tui với Cầm đi ngủ.

Đêm này lại không sao. Những đêm xa thành phố người ta thích ngắm bầu trời hơn. Khi hai đứa nằm sắp sửa mơ màng vào giấc ngủ, Hải Thanh bất chợt cựa mình hỏi.

-   Mày sẽ yêu tiếp chứ hả?

-   Không phải lúc này.

-   Uhm

-   Còn mày.

-   Yêu chứ. Bất kỳ khi nào duyên đến.

-   Nói thiệt hả?

-   Uh,hơi đâu bịa chuyện với mày.

-   Tại sao?

-   Tại vì..tao nghĩ, những vết sẹo do tổn thương tình cảm nếu cứ chăm chú vào nó, thần thánh nó lên thì từ sẹo lành cũng thành nhiễm độc.

-   Ý mày là...để quên cái đó mày lao vào để bị thương thêm sẹo mới..

-   Ờ..rồi từ tư sẽ quên hết sạch cái sẹo đầu tiên. Mày thử đi.

Tôi cười không thành tiếng. Tôi không có vết sẹo nào để tôn thờ hay lãng quên. Tôi chỉ có những giấc mơ.



CHƯƠNG 5: BÔNG HOA SEN LÀM TÔI KHÓC.

Vào đến Quy Nhơn chúng tôi đã là 4 người, vừa thưởng ngoạn vừa tận hưởng sự im lặng của nhau. Biển Quy Nhơn rất đẹp. Hay vì chúng ít được bỏ vào poster du lịch nên lại càng đẹp hơn. Park giúp chúng tôi tìm được khách sạn tốt với giá rất khiêm nhường. Hải Thanh gần như rú lên sau khi thấy cái bồn tắm lộng lẫy nghiêng dài trong nhà tắm. Cuối cùng cũng được mặc chiếc áo đẹp nhất ra phố. Cả 3 đều đồng ý mang theo 1 bộ đồ vía. Buổi tối ban đầu là định ăn pizza. Tôi không hiểu. Tự nhiên giữa chuyến hành trình xa xôi không internet điện thoại, đến cái thành phố nhỏ này lại thèm pizza kinh khủng. Giống như đương không đang hạnh phúc ấm êm bên chồng con lại muốn đi ngoại tình. Hãy nghĩ vậy cho nó có phần thâm sâu. Biết rằng vô lý, càng vô lý lại càng mong mỏi, biết rằng sai quấy, càng sai quấy lại càng Cả 3 đứa đều muốn ăn rồi lùng sục k hắp ngõ hẻm. Park ra ăn tối hơi trễ gọi cho chúng tôi hẹn đâu đó nghe được vụ án pizza thì cười đến độ tôi còn tưởng Park sẽ không bao giờ đứng thẳng lưng lên được nửa, coi chừng cái đĩa đệm của cậu!

-   Các cô chắc biết là không có pizza ở đây hen.

-   Uh, biết rồi, đi mỏi cả cẳng.

-   Cũng không có bánh tráng trộn hay bánh bông lan trứng muối đâu.

-   Là sao?

-   Đây đâu phải Sài Gòn, cái gì cũng có. Chỉ có đồ ăn dân người ta ăn. Đi theo tôi.

Hóa ra Park đi du lịch nhiều thật, đủ để đánh vào mặt 3 đứa một chữ "lẩn thẩn". Cũng đã tự đọc rất nhiều forum du lịch để trở nên thành thạo nhưng ngay lúc bất ngờ nhất lại phải cúi đầu công nhận mình rất lơ ngơ. Chỉ Sài Gòn mới có tất cả. Cho nên Sài Gòn mới nhiều phiền muộn chất chứa như vậy.

Chúng tôi ăn một món bún cá nào đó, nước dùng rất đậm,y như vị biển. Cả đám đang tha thẩn đi về thì bị Park kéo tay lại. Ở một khu phố, người ta đang thả diều. Những con diều đủ màu phập phồng theo gió, phập phồng lên xuống. Đôi mắt của Park lúc này cũng phập phồng niềm vui. Chúng tôi cả 3 bất chợt ngước đầu ngắm thật lâu theo anh chàng. Tôi chắc chắn không có sở thích nào liên quan đến diều. Tôi hình như có rất ích sở thích, mỗi thứ một chút tôi quan tâm. Cũng chưa bao giờ nghe Di hay Hải Thanh thổ lộ tình yêu này. Cuối cùng có lẽ chỉ vì anh chàng kia, mà giữa con đường có 4 cái cổ ngẩng lên say sưa. Park quay lại nhìn chúng tôi, buông một câu hết sức chân thành.

-   Hồi nhỏ tôi mê thả diều lắm. Mà diều hồi đó chỉ toàn làm giấy báo với thanh tre nón lá.

-   À ha, nhớ vụ này nè. Thấy mấy thằng nhóc hàng xóm tối ngày ngôi trét keo lên giấy báo.

Sau đó chúng tôi lần lượt hồi tưởng lại những ký ức về giấy báo, nón lá và con diều đuôi rất dài. Park quyết định đi thuê diều chơi cho đã. Tôi nhìn anh chàng, cái nét trưởng thành quyến rũ hôm nọ biến mất rồi. Chạy đâu hết. Có lẽ chỉ khi Park mệt mỏi nhừ tử thì mới phát ra cái vẻ đẹp ấy. Niềm vui làm người ta trẻ lại.

Tôi xin phép về phòng mình không theo đuổi con diều kia. Hai đứa nó ở lại với Park lùng cho ra một con diều thuê. Tôi rất mệt.

Từ khi ra khỏi Sài Gòn chưa đêm nào ngủ ngon. Chưa đêm nào không nằm mơ. Những giấc mơ với tôi là lời đe dọa hơn sự tưởng tượng. Cũng bao lâu rồi, gần 3 năm. Vẫn mơ về câu nói cũ "Đừng gặp anh nữa". Như thế nào là không gặp anh. Đất Sài Gòn bao nhiêu con hẻm, có những cái rẻ vô tình đi lạc khi kẹt xe, nếu gặp anh lúc đó, có phải "gặp". Đất Sài Gòn những mối quan hệ quanh co "trái đất tròn" nếu vô tình cùng ngồi tại bàn cà phê công việc, có phải là "gặp". Điều đáng sợ nhất của một giấc mơ chính là khi tỉnh dậy nhận ra, cuộc đời vẫn đang diễn ra như giấc mơ ban nãy. Tôi vẫn một mình chọc khuấy vết thương cũ. Điều đáng sợ tiếp theo của giấc mơ chính là sự bất lực. Tôi có thể, giả vờ hạnh phúc, giả vờ đã vượt qua, giả vờ quả cảm can trường khi mỗi buổi sáng, trưa chiều, tối. Nhưng trong mơ, tôi không thể. Tôi phải khóc, phải thừa nhận mình vẫn còn mong nhớ thê thảm như kẻ bại trận. Không thể giả tạo trong mơ.

Đã mấy đêm liền mệt mỏi ngủ không yên. Ở nhà tôi thường hay bật tivi một bộ phim dài bất tận nào đó, rồi từ từ chìm vào giấc ngủ. Sáng dậy tắt phim, kịp nhìn thấy diễn viên chính phụ vẫn còn sống cuộc đời của họ.

Ở đây không coi tivi. Phòng khách sạn này là nơi đầu tiên trong suốt hành trình có cái tivi để cho nó lải nhải. Về phòng bật tivi, mở cửa một chút gió biển. Tôi hy vọng mình có thể ngủ được.

Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp lên phía Hội An. Nơi có rất nhiều hạnh ngộ, bất lành hay yên ả.

Trước khi đến đó vô tình gặp được một đầm sen nho nhỏ, không ăn nhập gì với cảnh vật xung quanh. Park  muốn chụp ảnh hoa sen. Di muốn nghỉ chân chút. Tôi và Hải Thanh chỉ muốn chiều hai người đó. Trong đầm sen be bé, những cánh hoa đang lúc nở rộ. Đầm sen vì vậy nhìn có phần chật chội. Tôi đi lửng thửng và bắt gặp nó, cái hoa sen tôi mang lên đề tự. Tôi không thích hoa. Họa hoằn lắm tôi mới chịu khó ghé tiệm hoa mua tặng ai đó mà tôi không quá thân quen. Những người được tôi tặng hoa thường là đối tác làm ăn, bà con xa có tin hỷ. Mối quan hệ vô tâm hờ hững. Lâu lâu Di tặng cho tôi một chậu hoa trên sân thượng nhà nó. Hải Thanh thì chỉ tặng những chiếc bình gốm đắt tiền. Nó nói, nhà có phòng khách đẹp nên để sẵn bình hoa, khi lại cần. Thật ra nó thích đồ gốm, chén dĩ, hoa lọ, ly. Cái gì tôi cũng có từ nó, chất đầy những ngăn tủ. Tất cả đều đổ thừa cho việc phòng khách nhà tôi rộng và thoáng.

Bông hoa sen trước mặt tôi đang nở đến độ toàn vẹn nhất. Ngày mai sẽ bắt đầu tàn. Nhụy vàng rực rỡ, những cánh hoa to hồng đều đặn, tròn đầy. Tôi chưa từng thấy hoa sen tươi trong đầm. Ở chóp cánh hoa màu hồng phơn phớt tụ lại như một điểm chỉ son sắt. Trời nắng hạn điểm chỉ son lại thêm phần rực rỡ, cánh hoa như mảnh giấy mỏng. Hôm nay trước mặt tôi là sự viên mãn xinh đẹp, chuẩn bị biến mất một cách chậm rãi, héo ú từ tốn để những xấu xí lần hồi đan lên vẻ đẹp này.

Tôi khóc. Mắt rất cay, nước mắt nhỏ từ tốn, từng chút một.

CHƯƠNG 5: HỘI AN RẤT ĐẸP.

Tôi đã đến Hội An hai lần, đều với người đàn ông đó. Hội An rất đẹp. Tôi thường không thích những vẻ đẹp xưa cũ thành trì, chúng gợi lên cảm giác gờn gợn của bóng ma quá khứ. Có thể làm mình buồn hay sợ. Nhưng Hội An may thay lại có đèn lồng, có những vị khách phương xa đội nón lá trông rất nhộn. Và buổi tối, Hội An sặc sỡ như ly chè đậu xanh hạt lựu, vừa xanh vừa đỏ.

Trước khi đến Hội An chúng tôi dừng xe đổ xăng. Park đột nhiên khều Di.

-   Xe này của cô hả?

Từ khi đồng ý cho Park đi nhờ đã nhắn anh bạn kia hãy gọi tên 3 đứa. Gọi chị thì không vui lòng chúng tôi, gọi em lại rất ngượng. Nhưng Park cứ một tiếng tôi hai tiếng cô. Thôi vậy.

-   Sao Park hỏi?

-   Thấy quen lắm.

-   Huh?

-   Cái nắp bình xăng nè. Hồi trước có gặp một anh đi xe này, bình xăng của ảnh có khắc chữ CL. Nhớ còn chọc ảnh thích Cẩm Ly hả?

-   Xe này thuê đó.

-   Không lẽ nào người quen ta?

Park tư lự nhìn ngắm cái xe mà cậu ta cưỡi gần bao nhiêu ngày đường, y hệt ông chồng ngắm người vợ sau 5 năm kỷ niệm ngày cưới. Vạch lá tìm sâu!

-   Chắc nó quá!

-   VẬy cái anh chủ xe đó..ảnh sao?

-   Ảnh..bình thường.

-   Là sao hả??

-   Di, cuối cùng vẫn kiểu đó hen Di. Di nói Di không quan tâm người ta đẹp xấu méo tròn mà Di.

Di liếc Hải Thanh.

-   Quan tâm chứ. Làm người có 1 cái mặt để nhận diện mà không được quan tâm ..tội người ta.

-   Ảnh cao lớn, Hơi ốm. Ít nói lắm.

-   Đàn ông ít nói hả?

-   Uh nhưng mà tốt bụng.

-   Sao biết bụng ảnh tốt.

-   Hồi đó đi phượt (Di nhăn mũi) chung với đoàn có mấy đứa khác. Ảnh hay tách ra một chỗ nhưng mà thấy để ý quan tâm từng người.

-   Mà chắc xe anh đó không?

-   Ai biết..

-   Chắc chớt..ông làm tui tưởng bở nãy giờ.

-   Ủa, thích đàn ông vậy hả? Đàn ông vậy cũng đâu có thiếu.

-   Chứ đàn ông nào thiếu?

Hải Thanh ngồi lên xe rồ máy.

-   Đàn ông yêu mình.

Cuối cùng khi đến Hội An sau khi đã biết nhiều hơn về chủ cái xe. CẢ đám định sẽ ngủ một đêm, đi dạo phố phường nghe ngóng phán đoán coi có thể thuê xe  không hay ..quay về, rồi mới gọi cho chủ nhân của nó. Phòng khách sạn chúng tôi đặt trước không còn chỗ. Có hai vị khách Ý chẳng hiểu sao đã thuyết phục được nhân viên đưa phòng chúng tôi cho họ. Di còn định làm một trận lôi đình trong khi Hải Thanh, rất bất ngờ khoát tay nói đi kiếm cái khác đi. Cái khác hóa ra lại là M.

Khách sạn M có một phòng ngủ được đặt rất khéo, gió  mát, yên tĩnh. Lại dư ra một đoạn khiến nhà tắm có vẻ rộng rãi hơn. Lần nào lên đây với anh chúng tôi cũng chọn phòng ngủ này.

TÔi kiên quyết không phản đối sự lựa chọn M. Mặc dù chỉ cần tôi ấp úng nói không thích là được. Nhưng tôi im lặng. Đã nói  mà, khi tỉnh táo người ta sẽ biết cách giả tạo. Tôi giả tạo rằng mình sẽ ổn thôi. Chỉ là cái khách sạn, có đến đây vài lần, đều cùng một người. Nhưng khi cô tiếp tân nhận ra tôi, mỉm cười hỏi thăm thì tất cả những sợi thần kinh đều nóng lên. Cảm giác rất xấu hổ, như vừa làm chuyện gì sai.

-   Tới đây rồi hả Cầm?

-   Uhm

-   Không lẽ..

-   Uh.

-   Thôi đổi khách sạn đi.

-   Khỏi mà, đã chất hành lý vô rồi.

-   Có sao không?

-   Chưa biết.

Cả Di và Hải Thanh đều tra hỏi tôi. Park im lặng. Tôi đoán Park là người rất nhạy cảm, nhạy cảm hơn cái vẻ ngoài nửa già nửa trẻ. Cậu lịch sự im lặng và về phòng mình. Chúng tôi hẹn nhau ra chụp hình gần cầu sông Hàn.

Trong ánh đèn lập lòe xanh đỏ như ly chè ấy, tôi thấy chiếc thuyền nhỏ mé đằng xa, rất xa ánh đèn hắt trên mặt nước. Thằng bé đang câu cá hay làm gì đó. Nó lui cui nhỏ xíu, chiếc thuyền câu nhỏ xíu. Còn cây cầu thì bự xự đứng sóng sánh đủ màu sắc. Nỗi buồn của tôi cũng nhỏ xíu. 2 năm rồi mà, muốn làm to chuyện cũng khó. Anh bỏ đi rất lịch sự. Tôi thì khóc lóc không ít, rồi thấy cũng ổn thôi. Sau đó thì hoàn toàn chìm trong tuyệt vọng. Kỳ lạ vậy đó. Ngay khi nghĩ mình ổn mà, không sao đâu, gì cũng qua hết thì sa vào cái hố sâu thẳm ấy, cũng không biết dưới đáy hố là gì, cũng không biết chừng nào mới trèo lên được.


Ít ra anh không có vợ, hay bắt tôi phải giết chết một sinh linh vô tội nào. Nhưng, anh đã dạy tôi biết yếu đuối. Con cá Song Ngư tôi rất tự tại. Tôi không có anh chị em. Gia đình bình lặng không bi kịch. Tôi lớn lên tự đi học, tự đi làm, tự do với bạn bè. Anh dạy tôi biết một mình là rất buồn khi tôi hoàn toàn thoải mái sống một mình. Anh chỉ cho tôi thấy làm người phải có đôi có cặp. Rồi anh bỏ đi.

Anh bỏ đi sau khi đã làm tôi mềm rũ yếu ớt. Không có một chút căm giận nào để nguyền rủa. Anh chỉ hết yêu tôi, vậy thôi. Anh không phải bỏ đi vì lừa dối và bị vạch mặt. Chỉ hết yêu. Chỉ cảm thấy vậy là đủ.


Di gọi điện thoại cho chủ chiếc xe. Hải Thanh không muốn đi tiếp. Nó nói mệt rồi. Tôi cũng coi thời tiết thấy báo đang có bão phía bắc. Quyết định giao xe lại rồi về.

-   Alo anh có phải chủ nhân xe biển số  XXXX. Xin lỗi...không nghe gì hết. Để tôi đi ra chỗ ít ồn.

Mặt sông im lặng đến lạnh lẽo.  Hay tại tôi nghĩ vậy. Di đi ra xa nói chuyện rồi trở về kêu sáng sớm mai sẽ tự mình đem xe đi trả.

-   Tụi mình đi chung. Tao muốn ăn sáng sớm.

-   Khỏi đi! Tao đi được rồi. Mày kêu mệt mà.

-   Hay tao đi với mày?

-   Thôi cũng khỏi Cầm ơi. Tao muốn..đi  một mình.

-   Sao vậy. Giọng nói hấp dẫn như George Clooney hả?

-   Không cần biết.

Tôi về phòng nghe Hội An dập dềnh tiếng nước sông từ cái thuyền chài nhỏ xíu. Giữa đêm thì bị Hải Thanh lay dậy.

-   Dậy Cầm Dậy!

-   CÁi gì.

-   Thằng Park..thằng Park

-   Nó sao?

-   Nó..tự tử. Người ta đang đưa ra xe cứu thương.

Park uống thuốc ngủ. Nó chọn cách ít hãi hùng nhất. Người ta vào phòng vì cần phải thay khăn tắm, gõ cửa không trả lời bước vào thấy nó nằm bất động trên giường. Khuôn mặt rất đáng sợ.


Bác sỹ đến theo xe cấp cứu nói muộn rồi. Đồng tử mắt đã cho thấy điều đó. Chúng tôi lúc này như 3 đứa trẻ đi lạc bị bỏ rơi giữa ngày hội. Mọi người xúm vào hỏi cách liên lạc thân nhân Park. Chúng tôi có biết gì đâu? Tên Park của nó cũng là biệt danh vì nó người Việt Nam. Nó chưa bao giờ cho coi chứng minh nhân dân. Ai lại đi hỏi chứng minh nhân dân với bạn đường. Lục tung đồ đạc của cá nhân của nó như lục cái phòng lộn xộn của thằng em trai. Đủ thứ đồ, dao kéo, quần lót, quần áo, mấy đĩa nhạc cũ, đồ ăn, mì gói, chăn mền, đèn pin, thuốc men, quyển sách quăn góc. Cuối cùng tìm ra 1 tấm ảnh Park ôm cô gái nào đó. Rất tình tứ. Phía sau tấm ảnh chỉ một chữ "nhớ" viết cẩu thả.

Có một cái chết. Một cái chết không danh tính. Một cái chết không danh tính của người đồng hành mấy ngày qua. Sự bàng hoàng trong chúng tôi tạm lắng xuống thay vào cay đắng.

Cuối cùng Di ấp úng.

-   Hay là để gọi chủ xe?

-   Làm...chi. Mày điên rồi hả Di.

-   Không phải..Chủ xe quen Park đó.

-   Thật hả?

-   Uh đúng là hồi xưa có đi phượt chung với nhau

Di nói xong chữ phượt đó thì cả 3 chúng tôi im lặng. Người chết gãy lìa như cành cây. Chút tôi thì lay lất không hiểu nên khóc thương hay bình lặng.

Tôi lên tiếng trước.

-   Mày gọi đi. Biết đâu cũng tìm được chút địa chỉ để gửi xác về.

-   Nhưng..

-   Cái gì?

-   Anh ấy..

-   Thế nào?

-   Thôi để mai gặp trả xe tao nói luôn.

-   Hả? Chuyện vậy mà mày cũng lười.

Hải Thanh tức tối. Nó giựt điện thoại bấm gọi số cuối cùng. Di hốt hoảng khuôn mặt không còn giọt máu nào.

-   Mày đang để speaker kìa Thanh. Tắt đi.

-   Alo tôi nghe.

-   Alo anh nghe.

-   Anh chưa trả lời em có đi được cuối tuần này không. Em phải đặt phòng và vé máy bay.

-   Cầm...

-   Dạ.

-   Đừng gặp anh nữa.

Ký ức là một miếng phô mai trên bẫy chuột trong những bộ phim hoạt hình Tom and Jerry. Khi ngu ngốc nhảy vào miếng phô mai, chúng ta bị mắc kẹt trong một rừng những hệ lụy khác. Hình như tất cả đều đau đớn.

Tôi không bao giờ quên âm vực đó. Rất trầm. Có lần tôi hỏi anh tại sao một người thanh mảnh, như vậy mà tiếng nói trầm quá. Anh chỉ kêu, trời cho, rồi cười vui vẻ. Anh nói phụ nữ thích giọng đó lắm, em không biết bao nhiêu cô gái đã từng đổ vì anh ngay cả khi chưa gặp mặt. Anh là kiến trúc sư, nhiều khi khách hàng không gặp mặt anh bao giờ vì người đứng ra nói chuyện với khách là nhân viên khác của công ty. Nhưng người ta thường bị anh thuyết phục khi nói chuyện dù chỉ qua điện thoại. Vì giọng anh rất ấm, lại kiên nhẫn, thấu hiểu.

Hóa ra anh ở Hội An. Hóa ra anh còn là chủ nhân cái xe ấy. "Everything has a reason". Lý do gì cho những sắp đặt cẩu thả sống sượng này. Tôi nhìn khuôn mặt Di. Nó đã biết chủ xe là anh. Tôi gật đầu nói Thanh cứ tiếp tục cuộc gọi điện thoại.  


CHƯƠNG 6: NHỮNG LÝ DO ĐỂ TỰ TỬ


Cuối cùng vẫn là tôi đến gặp anh. Di và Hải Thanh tức giận ngăn cản, nhưng tôi nghĩ nếu trời đã nhọc công bày vẽ từng ấy việc, có phải lúc cho tôi đối diện một lần, chạm được vào đáy cái hố sâu ấy để bật lên.

Anh ngồi đối diện tôi. Tôi điểm lại gương mặt quen thuộc, hình như đã nhớ không sai chi tiết nào. Đôi mắt rất thẳng thắng sòng phẳng. Gương mặt xương, đã đen sạm nhiều hơn 2 năm trước.

Tôi đẩy chìa khóa về phía anh.

-   Anh đã nhắn bên công an và bệnh viện thông tin về Park rồi.

-   Cám ơn anh.

-   Ai lái chiếc xe này? Em không tự lái xe đó hả?

Anh nói ra rồi lại im bặt, anh hối hận vì những lời vừa rồi. Người đàn ông ấy có biệt tài kiểm soát ngôn ngữ rất tốt. Lời anh nói không bao giờ thừa thãi. Có lẽ hôm nay là lần đầu tiên.

-   Di lái. Sau đó là Park.

-   Chừng nào tụi em đi về SG?

-   Mua vé rồi.

-   Thôi cũng đã xong việc. Xe cứ để đó.

Cũng đã xong gần 2 năm. Tôi ngồi đây để làm gì, lúng túng kéo dài những tuyệt vọng? Tôi uống rất nhiều. Uống hết ly nước ép lại uống sang nước trà miễn phí. Không biết đã rót đến lần bao nhiêu rồi. Khi tôi bất ổn luôn có những hành động khó kiểm soát như vậy. Tôi sẽ liên tục uống nước hoặc gấp hình những tờ khăn giấy tội nghiệp, hay vò đi vò lại tờ hóa đơn gần đấy.

Anh biết tật của tôi. Anh biết tính tình tôi. Anh biết hết những ngỏ ngách cơ thể tôi. Anh còn biết tôi yêu anh đến chừng nào.

Tôi đang định kêu thêm ấm trà miễn phí, thì anh đưa tay cản lại.

-   Em có muốn nghe chuyện của Park không?

-   Chuyện chắc dài lắm. Em đi về thôi.

-   Anh có bao giờ dài dòng.

-   Uh, anh luôn luôn ngắn gọn khúc chiết.

Tôi gặp anh vì công ty anh có nhã ý tài trợ một chương trình thiện nguyện bên tôi tổ chức. So với đồng nghiệp dịu dàng thương lượng anh thật chẳng khác nào một bức tượng im lặng suốt buổi. Nhưng tôi biết anh quan sát diễn biến sự việc. Năng lượng của anh phát ra điềm tĩnh, vững tại, không vung vít theo động tác tay chân hình thể. Sau khi buổi họp kết thúc tôi vội vàng dọn dẹp đồ để đi đâu đó rất gấp.

-   Em có thể đi ăn tối với tôi không?

Sau này Di nghe kể lại cứ mười phần tin chín là anh ra vể đạo mạo của mấy lão tổng tải trong sách ngôn tình.

-   Anh gặp Park khi nó vừa phẩu thuật xương sống. Chắc là do bị bỏ rơi.

Những cái chết phải đến tự nhiên như số phận, không nên được định đọat bởi sự cô đơn, bỏ rơi, hay bất kể điều gì khác. Bởi vì như vậy có phải đã quá coi thường cái chết. Anh đoán được phần nào suy nghĩ của tôi. Tôi chưa bao giờ thắng anh trong những cuộc chiến im lặng che dấu cảm xúc.

-   Không phải như em nghĩ. Xương sống của Park lại không ổn. Lần phẫn thuật tiếp theo có thể ít hy vọng hơn. Cậu ta sẽ bị liệt. Cô gái ấy lần nhập viện đầu tiên đã theo dõi chăm lo mặc dù bị Park xua đuổi. Đến lần chẩn đoán thứ hai thì biến mất.

Tôi gật đầu ra hiệu mình vẫn nghe.

-   Em có hiểu không. Cảm giác tuyệt vọng lần thứ hai của cậu ta?

Cái đáy sâu ấy tôi đã chạm rồi đây. Cuối cùng cũng bơi được đến đó, khi nghe anh hỏi mình có biết tuyệt vọng. Tôi mỉm cười gọi tính tiền. Anh để tôi tự tung tự tác một lúc rồi quyết định can dự vào đời tôi lần nữa.

-   Em đến đây chỉ vì chuyện của Park?

-   Tò mò thôi.

Rồi tôi đứng dậy đi ra khỏi quán. Anh đi theo tôi đứng trước chiếc xe của mình, ngắm nhìn nó và có ý bỏ đi.

-   Xe này không phải của anh?

-   Xe của anh.

-   Sao chưa lái về.

-   Anh bỏ lái xe rồi Cầm. Cho nên mới để thuê xe.

Tôi ngước nhìn anh, cố đoán xem anh đang vui vẻ gặp lại mình hay cũng hồi hộp đau khổ loay hoay như tôi. Anh cười. Nụ cười của một người rất kín tiếng, kín lòng. Một người sẵn sàng rủ bỏ người yêu mình chỉ bằng 4 chữ qua điện thoại. Giọng trầm ấm của anh bật lên.

-   Anh cũng bỏ cả vẽ nữa. Và em.

Tôi có nên cười lại cho anh hiểu lòng mang ơn của mình với anh, đã giúp tôi đến được cùng cực của sự đau khổ. Đã sẵn sàng để đi lên.

-   Tại sao?

-   Bởi vì anh cũng như Park lần đầu tiên.

-   Em không hiểu.

Anh lẳng lặng nhìn tôi. Nụ cười rớt xuống trên vành môi chua chát. Giơ cánh tay phải trước mặt. Cánh tay anh từng vuốt ve gò má tôi khi trời còn chưa hửng sáng, cánh tay vuốt tóc vò đầu tôi khi muốn đùa giỡn, cánh tay thoăn thoắt trên bảng vẽ. Cũng cánh tay ấy giờ xuôi xuống trong nổ lực của anh. Nó yếu như con diều trước gió hôm nọ, bàn tay run rẩy. Những ngón tay vuông vức run rẩy.

-   Anh chỉ giữ lại cái này.

Tôi đau đớn, tôi cạn kiệt khả năng chịu đựng. Bạn có biết cảm giác như ai đó hơ một cây kim nhỏ rồi dùi thẳng vào tim bạn? Cây kim quá nhỏ để làm vỡ tan tành mọi thứ, nó chỉ nóng rát, nhỏ xíu, len vào từng thớ thịt, rút hết tất cả sự sống.    Tôi nheo mắt lại nhìn anh, nổ lực cuối cùng bật ra khỏi miệng thành câu hỏi đơn giản, sơ nguyên nhất của loài người.

-   Tại sao?

-   Bởi vì anh đã yêu em khi lành lặn, anh không dám yêu em khi tật nguyền.

Anh mất bao lâu để soạn câu trả lời này? Anh dựng lên bao nhiêu tình huống chạm mặt tôi?

Chúng tôi đi về Sài Gòn bằng máy bay. Trong lúc chờ đợi ở sân bay, tôi kịp kích hoạt 3g từ điện thoại. Tín hiệu mạng nhấp nháy rồi bình ổn. Đã lâu lắm không thấy nó. Thông báo mail, thông báo tin nhắn, thông báo tin tức mới đổ vào lòng bàn tay tôi cứ như một cơn lũ vừa phá đê xông thẳng về phía trước. Thế giới hóa ra cũng còn chờ chúng tôi như thế này đây.

Nếu đây là một tiểu thuyết tình yêu, có lẽ tôi đã ngồi lại cạnh anh để viết dùm anh những trang nhật ký bằng chữ viết tay. Tôi cũng có thể chở anh trên chiếc xe ấy. Hoặc, chỉ đơn giản nói với anh rằng trong những giấc mơ được quay về bên anh, không có cánh tay nào ngăn cản. Tình yêu của tôi không tật nguyền chỉ vì anh thiếu lành lặn.

Nhưng, tôi không phải nữ chính hùng hồn chân lý yêu thương như vậy. Chúng tôi không phải đi tìm tình yêu. Chúng tôi chỉ bắt đầu lớn khôn.

Về đến Sài Gòn rồi tính tiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro