Chưa đặt tiêu đề 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Và những dòng chữ chứng tử đến rồi.

Chết...

Chết không có nghĩa là tái sinh lần nữa, vòng luân hồi, những cơn hành hạ đến từ địa ngục. Liệu nó có mang ông về khỏi những đám khói đen đặc đang sụp xuống từng mảng? Liệu tôi có được thấy ông không, trong kiếp này. Hai lần gặp nhau trong một đời, đó là may mắn, hay là một lời nguyền.

Tôi đã bước qua bao nhiêu ngày tháng cùng với ông, bầu trời mùa hạ với những lá thu xa, cơn gió hắt lướt phứt qua cành lá khô queo. Đôi mắt nâu và cơn mất ngủ ùa về bất chợt, lật đật tỉnh dậy khỏi chiếc giường vung vãi đôi gối và mền, tôi nhìn mắt mình thật lâu, để nhớ đến cái màu nâu của quả thông và lá rụng. Trên thành phố tù mù màn sương sang sớm mỗi độ canh ba, sao mà đôi mắt ông cứ như gắn chặt lên khuôn mặt này, tấm gương kia, phản chiếu không gì ngoài nỗi buồn cày bừa trên mí mắt.

Màn đêm buông xuống mà người ta vẫn cứ la hét, cứ vui chơi rồi chửi bới. Trong cơn say tí bị, họ để tôi lại một mình và bốn bức tường với cái cửa sổ vắt ngang bức tường khác, ánh trăng không lọt được vào đây song tôi vẫn cứ thao thức. Họ say mà không để tôi nếm được thứ thực tại trong đầu họ, đầy rẫy niềm vui và hạnh phúc. Tôi chưa uống bao giờ ngoài lúc ông lật đật chạy ra cửa hàng tiện lợi nào đó, mang chai bia mát rười rượi về xong lại chỉ nốc mỗi độ nửa chai, lúc nào cũng thế. Nửa chai, không hơn không bớt, chỉ có ông là đợi tôi bước đi, với một nụ cười sáng ngời chẳng giấu ai được ngoài sự lạc lõng đến đáng sợ, giờ ai sẽ đợi tôi trong khi người ta chỉ muốn tôi chạy mãi mãi...

Cái tủ lạnh nhà mình hư rồi, lâu lắm rồi. Từ lúc hai đứa còn bập bẹ bước chân lên cái khu phố này, mọi thứ hối hả như dòng thác chảy xiết, "Nếu không lao đi thì sẽ chết cả!" Ông bảo vậy. Nó hư mà không bao giờ được sửa, có khi vì nó chạy không kịp... Ông cứ tấm tắc khen bia Sài Thành sao mà lạc quá, chẳng bằng quê mình, là nó lạt hay là lạc... Lạt như cuộc đời của tôi chăng, sinh ra đã định sẵn chân lấm tay bùn, được trời định sẵn là sẽ khổ, sẽ nghèo như cha tôi, như mẹ tôi, như dòng họ đã lưu truyền bao đời nay, với đồng lúa bát ngát, với cái nắng rát mặt, với cơn mưa mùa lũ cũng như giọt mưa ăn sâu vào trong lòng. Hay là lạc trong thành phố có vô số khuôn mặt treo lơ lửng chẳng biết thật giả, tựa như tôi, mất đi ông, trong những đêm nhộn nhịp, ánh đèn dựng thẳng, chói rọi, cùng trái tim đập thình thịch đang để rỉ ra những giọt máu không đỏ chỉ đau kinh khủng.

Tôi để lại cái tủ lạnh đấy, không bao giờ lạnh mà ông cứ phải chăm chăm đặt vào nó từng loại bia "thượng hạng" mà ông nhặt nhạnh ở đâu đó lạ lùng mà tôi chưa bao giờ biết tên. Và ông thích nhất là về những giai thoại pha lẫn chút huyền thoại, cách làm bia từ gái còn trinh, cả những cậu trai thiếu niên vừa mới dậy thì, vị thần từ phương bắc lúc say mèm đã biến cô gái mình yêu thành bia,... Còn nhiều, còn nhiều các huyền thoại, mộng mị từ ngàn năm trước hay chỉ mới độ vài chục năm nay. Khi uống ngụm bia còn sót ấy, tôi thấy vị của những ý nghĩ trong ông tan ra, vỡ thành bong bóng trôi vào họng, lợ lợ trong lưỡi, đăng đắng mà chêm vị mằn mặn vì tôi lỡ để vài giọt nước mắt rơi lõm bõm vào trong.

Giờ đây, làn khói làm tôi hoảng sợ, từ chiếc gạt tàn chỉ phụt ra một khói hơi thở, cái bật lửa khiến tôi nghẹt thở. Không, màu đỏ chói của chiếc bình đặt dưới chân cầu thang, cái cầu chì xám bạc. Bầu trời mỗi chiều tà, tiếng còi hú inh ỏi, à ra đây là địa ngục. Ông từng nói, địa ngục là bài kiểm tra cho sự tột đỉnh sáng tạo của loài người, từ Thiên Chúa Giáo đến Phật Giáo ai cũng có địa ngục cho riêng mình. Là nơi người ta phải lao động vĩnh viễn, phải từ bỏ mọi sự thoải mái hiếm có trong cuộc đời để phục vụ cho một đích nào đó, luân hồi chăng, thiên đường chăng. Tôi không biết, mà biết để làm gì, khi ông chẳng còn ở đây, với tôi, lúc này.

Ông ở phía bên kia, rìa ngôi làng, thành phố hơn, hiện đại hơn tất thảy vùng nông thôn này có. Tôi đâu có biết những năm tháng ngày thơ bé ấy, thay những con đói hành hạ bằng những món đồ chơi của ông, bằng món cơm kho cá ở nhà ông, chạy qua rặng chuối xanh mướt, con đường lầy lội, tôi đâu có biết mẹ mình đã phải đong những hạt gạo rồi nhịn đói cho đến ngày bà chết đi vì cơn lở loét dạ dày hành hạ bà ngày này qua ngày khác.

Tôi cũng không biết mình sống để làm cái chi nữa! Càng không biết liệu cái ngày mật ngọt ấy có phải trả bằng cái chết cay đắng? Mái tóc ông vuốt lên cao, nhọn, đôi mắt hí cùng nụ cười thay thế mặt trời ở đằng lưng mỗi khi quay đầu nhìn lại. Tôi không giặt được đồ của ông, mùi hương, ôi, cái mùi hương xoáy sâu tâm trí, khiến người ta bơ phờ, không nghĩ được nữa. Đê mê và khoái lạc, trời ơi, tôi đã hít hà biết bao nhiêu lần thứ mùi hương con người ấy. Những đêm trăng phảng phất dưới cây thổ thụ khuất bóng, cơn nóng điên dại hừng hực truyền qua người nhau. Giờ đây đã mất hết, mất hết cả rồi. Bóng hình ông rũ rượi sau những bữa nhậu say mèm, hơi rượu mà tôi từng ghét cay ghét đắng giờ quay lại ám thân thể tôi. Ngọn lửa hôm ấy. Đã chấm dứt tất cả...

Tôi nhớ ngày mà mình cùng ông chung sống một nhà. Sau toàn bộ lần chửi xối xả của mẹ ông đòi từ mặt, sau cuộc cãi vã long trời lở đất với bố tôi mà suýt nữa đã mất đi một đôi chân, rất nhiều lần như thế. Chạy xuôi và ngược, có những lúc chỉ muốn kết thúc tất cả... Tôi nhìn lên bàn thờ mẹ mình, rồi nhìn lên ông, một bên xám, một bên trắng, cùng một mẫu áo, cùng một biểu cảm nhưng hai con người khác nhau. Hương thơm của nhang không khiến lòng tôi dịu hơn, mà cái gì có thể làm tôi dịu hơn được đây ngoài hũ tro được chôn sâu dưới đất mẹ.

Tôi tìm kiếm những đứa trẻ có đôi mắt, nụ cười giống ông. Tôi chẳng đoái hoài đến những đồng lúa mạch mà ông thường khen tấm tắc khi có ai đó gửi thư tay từ tận bên Đức. Đôi khi những đứa trẻ khóc thật to mà tôi không có cách nào dỗ được, tôi chẳng biết làm gì ngoài hớt hải đưa kẹo và dụ ngọt song chúng vẫn cứ khóc ré lên. Ông không bao giờ khóc cả, những gì ông làm là trao nụ cười cho thế giới xung quanh, niềm vui trong nỗi buồn bám rễ từ tâm can. Có phải là rất lạ không khi đôi khi tôi nghe tiếng nức nở trước cửa nhà mỗi khi đợi ông về, tiếng khóc rấm rứt, nhạt nhòa hòa theo tiếng xe rùng rùng trên đường...

Rồi những đứa trẻ sẽ lớn lên, lại tiếp nối câu chuyện dang dở của đời sống. Đẹp đẽ chứ mà cũng đau buồn không thôi, tôi lớn lên làm gì hở ông, nếu cuộc sống là một đích đến thì tôi đã bị bỏ lại từ đầu. Tôi cố để chạy cùng với đích đến lúc nào cũng song song, bơi với đại dương mênh mông, sống trong cuộc sống vô cùng vô tận này. Rốt cuộc cuộc sống chỉ khác địa ngục ở chỗ nó còn chừa cho người ta chút hạnh phúc, chút thoải mái trước khi tra tấn, hành hạ bằng nỗi đau còn tệ hơn gấp vạn lần. Lắm lúc tôi bưng mặt mình cố để trút hết những giọt nước mắt ra khỏi cơ thể.

Khi mà bị ngọn lửa nuốt chửng, ông đã nghĩ gì... Có phải như câu đùa vào sáng sớm, mùi của cống sặc lên xộc vào mũi rồi ông ho sù sụ vì bệnh. Tôi nhìn thấy đám cháy từ phía đằng xa, cố để chạy thật nhanh, không thể chậm chạp được nữa, thế mà lúc về được nhà, đám khói quánh đặc từng mảng từng mảng bọc lấy từng ô cửa sổ rồi phun ra, tiếng xe cứu hỏa liên hồi báo động, tôi đã định lao ngay vào đấy. Gào thét, "Huy ơi... Huy ơi...", người ta không cho tôi vào ngọn lửa đang bừng bừng cháy ấy, những căn nhà bị thiêu rụi chậm rãi, tôi gằn ra thật mạnh, mà tận bốn rồi năm người nắm chạy lấy tay rồi chân mình, tôi cứ như là không bao giờ có được ông vậy...

Chết...

Là chỉ còn mỗi tàn tro, là chỉ còn ký ức vụn vặt tan đi theo thời gian mải miết, là hết.

Tôi nhìn người đã phóng hỏa căn nhà, mái tóc tuôn dài, đôi mắt vô cảm, đang ngồi yên trong sự bảo bọc của cảnh sát. Cảnh sát bảo con bé đấy có vấn đề tâm lý, dễ bị tổn thương. Ra vậy, thì ra chỉ cần bị tổn thương là có thể hành động bất chấp mà vẫn được tha thứ phải không Huy ơi! Sao người chẳng muốn thì lại ra đi, còn người bất chấp làm thì vẫn còn sống bình thản như không. Tôi muốn lao vào con bé đấy mà đấm mà đá cho chảy máu ra, đỏ ròng ròng, để lột da, để đập vỡ xương, giật tung mái tóc chỉ bị cháy xém của nó. Lần nữa, tôi bị trói lại, không thể làm gì ngoài đổ ánh mặt đầy căm hận và máu tươi lên con bé.Vậy ra chỉ cần đau khổ là được quyền làm tổn thương người khác...

Hôm nay tôi làm giấy chứng tử cho ông, Huy à...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro