CHƯƠNG 3: HÀNG HÓA VÀ TIỀN TỆ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 3: HÀNG HÓA VÀ TIỀN TỆ

1. Sản xuất hàng hóa:

1. 1. Khái niệm sản xuất hàng hoá:

            Lịch sử phát triển của nền sản xuất hàng hóa trải qua 2 kiểu tổ chức kinh tế: Sản xuất tự cung tự cấp và sản xuất hàng hóa.

                 Sản xuất tự cung, tự cấp là một kiểu tổ chức kinh tế mà sản phẩm do lao động tạo ra nhằm thỏa mãn trực tiếp nhu cầu của người sản xuất.

                 Sản xuất hàng hoá là một kiểu tổ chức kinh tế mà sản phẩm được sản xuất ra để trao đổi hoặc bán trên thị trường.

1.2. Điều kiện ra đời ra đời của sản xuất hàng hoá:

1.2.1. Phân công lao động xã hội:

            Là sự phân chia lao động xã hội ra các ngành nghề khác nhau của nền sản xuất xã hội. Là sự chuyên môn hóa lao động, do đó dẫn đến chuyên môn hóa sản xuất thành những ngành nghề khác nhau. Do phân công lao động xã hội nên mỗi người sản xuất chỉ tạo ra một hoặc một vài loại sản phẩm nhất định. Song, cuộc sống của mỗi người lại cần đến rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Để thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi họ phải có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, trao đổi sản phẩm cho nhau.

1.2.2. Sự tách biệt về kinh tế:

            Quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất đã xác định những người sở hữu tư liệu sản xuất cũng là người sở hữu sản phẩm lao động. Chính quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất này đã làm cho những người sản xuất độc lập, tách biệt với nhau nhưng họ lại ở trong cùng một hệ thống phân công lao động xã hội nên họ phụ thuộc lẫn nhau về sản xuất và tiêu dùng. Trong điều kiện đó, người này muốn tiêu dùng sản phẩm của người kia phải thông qua sự mua - bán hàng hóa, tức là phải trao đổi dưới những hình thái hàng hóa.

à SXHH chỉ ra đời khi có đồng thời 2 điều kiện trên, nếu thiếu một trong 2 điều kiện thì không có sản xuất hàng hóa và sản phẩm lao động không mang hình thái hàng hóa.

1.3. Đặc trưng và những ưu thế của sản xuất hàng hoá:

            SXHH ra đời là bước ngoặt căn bản trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, xóa bỏ nền kinh tế tự nhiên, phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội. Sự phát triển của phân công lao động xã hội làm cho sản xuất được chuyên môn hóa ngày càng cao, thị trường ngày càng mở rộng, mối liên hệ giữa các ngành, các vùng ngày càng chặt chẽ. Sự phát triển của SXHH đã xóa bỏ tính bảo thủ, trì trệ của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa sản xuất.

            SXHH có những đặc trưng và ưu thế sau:

                 Do mục đích của SXHH không phải để thỏa mãn nhu cầu của bản thân người sản xuất mà để thỏa mãn nhu cầu của người khác, của thị trường. Sự gia tăng không hạn chế của nhu cầu thị trường là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất phát triển.

                 Cạnh tranh gay gắt buộc mỗi người sản xuất hàng hóa phải năng động trong sản xuất - kinh doanh, phải thường xuyên cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tiêu thụ được hàng hóa và thu được lợi nhuận ngày càng nhiều hơn từ đó thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ.

                 Sự phát triển của sản xuất xã hội với tính chất "mở" của các quan hệ hàng hóa tiền tệ làm cho giao lưu kinh tế văn hóa giữa các địa phương trong nước và quốc tế ngày càng phát triển. Từ đó tạo điều kiện ngày càng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.

2. Hàng hóa:

2.1. Hàng hóa và 2 thuộc tính của hàng hóa:

            Hàng hóa là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi với nhau. Hàng hóa có 2 thuộc tính:

Giá trị sử dụng

Giá trị

                 Là công dụng của sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người.

                 Là lao động xã hội cần thiết của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa.

                 Là phạm trù vĩnh viễn: Vật phẩm nào cũng có một số công dụng nhất định, do thuộc tính tự nhiên của nó quyết định.

                 Là phạm trù lịch sử, gắn liền với nền sản xuất hàng hóa. Giá trị là thuộc tính xã hội của hàng hóa, biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa với nhau.

                 GTSD ở đây không phải là GTSD cho bản thân người sản xuất hàng hóa mà là GTSD cho người khác, cho xã hội thông qua trao đổi - mua bán. Giá trị sử dụng chỉ thể hiện ở việc sử dụng hay tiêu dùng. Nó là nội dung vật chất của của cải. Trong kinh tế hàng hóa, GTSD chính là vật mang giá trị trao đổi.

                 Giá trị là mục đích của người sản xuất hàng hóa.

            Giá trị trao đổi là quan hệ tỷ lệ về lượng mà GTSD này trao đổi với GTSD khác. Vd: 1m vải = 10kg thóc. Khi 2 sản phẩm trao đổi được với nhau, giữa chúng phải có 1 cơ sở chung nào đó. Cơ sở chung đó không phải là GTSD (chỉ là điều kiện cần thiết của sự trao đổi). Nếu như gạt GTSD của sản phẩm sang một bên thì giữa chúng chỉ có một điểm chung: chúng đều là sản phẩm của lao động. Chính hao phí lao động ẩn giấu trong hàng hóa làm cho chúng có thể so sánh được với nhau khi trao đổi, chính là cơ sở để trao đổi, nó tạo ra giá trị của hàng hóa.

            Mối quan hệ giữa 2 thuộc tính:

                 Tính thống nhất: Giữa 2 thuộc tính của hàng hóa luôn có mối quan hệ ràng buộc với nhau. GTSD là thuộc tính tự nhiên, là điều kiện cần thiết để tiến hành trao đổi trong khi đó giá trị là thuộc tính xã hội, là nội dung, là cơ sở để trao đổi. 2 thuộc tính này tồn tại đồng thời trong hàng hóa. Nếu thiếu 1 trong 2 thuộc tính, vật phẩm không phải là hàng hóa.

                 Tính mâu thuẫn: Hàng hóa là sự thống nhất của 2 thuộc tính, tuy nhiên là sự thống nhất giữa 2 mặt đối lập.

Ø  Đối với người mua, GTSD là mục đích, GT là phương tiện. Ngược lại, đối với người bán, GTSD là phương tiện, GT là mục đích.

Ø  Muốn có GTSD, người mua phải trả GT cho người bán. Do đó, GT được thực hiện trước trong lưu thông, GTSD được thực hiện sau trong tiêu dùng.

2.2. Tính 2 mặt của lao động sản xuất hàng hóa:

Lao động cụ thể

Lao động trừu tượng

                 Là lao động có ích dưới một hình thức cụ thể của những nghề nghiệp chuyên môn nhất định. Mỗi lao động cụ thể có mục đích riêng, đối tượng riêng, phương pháp riêng, phương tiện riêng và kết quả riêng.

                 Lao động của người sản xuất hàng hóa, nếu coi là sự hao phí sức lực nói chung của con người, không kể đến hình thức cụ thể của nó như thế nào thì gọi là lao động trừu tượng.

                 Tạo ra GTSD của hàng hóa.

                 Tạo ra GT của hàng hóa.

                 Là 1 phạm trù vĩnh viễn, là 1 điều kiện không thể thiếu trong bất kỳ hình thái kinh tế xã hội nào.

                 Là một phạm trù lịch sử, chỉ có trong nền sản xuất hàng hóa. Nếu không có nền sản xuất hàng hóa thì không cần phải quy các LĐCT về LĐTT.

                 Phản ánh tính chất tư nhân của người sản xuất hàng hóa.

                 Phản ánh tính chất xã hội của người sản xuất hàng hóa.

            Mối quan hệ:

                 Tính 2 mặt của nền sản xuất hàng hóa phản ánh tính chất tư nhân và tính chất xã hội của người sản xuất hàng hóa. Trong nền kinh tế hàng hóa, sản xuất cái gì, như thế nào là việc riêng của mỗi người, vì vậy nó có tính chất tư nhân. Đồng thời, lao động của mỗi người, nếu xét về mặt trừu tượng, về mặt hao phí sức lực nói chung là 1 bộ phận của lao động xã hội, nằm trong hệ thống phân công lao động xã hội thống nhất, do đó nó có tính chất xã hội.

                 Mâu thuẫn của lao động cụ thể (tư nhân) và lao động trừu tượng (xã hội) là mâu thuẫn cơ bản của sản xuất hàng hóa "giản đơn". Mâu thuẫn này biểu hiện:

Ø  Sản phẩm do người sản xuất nhỏ tạo ra có thể không phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Ø  Hao phí lao động cá biệt của người sản xuất có thể cao hơn hay thấp hơn hao phí lao động mà xã hội chấp nhận.

Ø  Mâu thuẫn giữa chúng chứa đựng khả năng "sản xuất thừa", là mầm mống của mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản.

2.3. Lượng giá trị hàng hóa:

2.3.1. Thời gian lao động xã hội cần thiết:

            Chất của giá trị là lao động trừu tượng của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Lượng giá trị là do lượng lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa đó quyết định. Đo lượng lao động bằng thước đo thời gian như: giờ lao động, ngày lao động... Do đó, lượng giá trị của hàng hóa cũng do thời gian lao động quyết định.

            Cùng là 1 loại hàng hóa nhưng mỗi người sản xuất sẽ làm ra chúng với thời gian lao động cá biệt khác nhau. Nhưng lượng giá trị xã hội của hàng hóa không phải được tính bằng thời gian lao động cá biệt mà bằng thời gian lao động xã hội cần thiết.

            Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hóa trong điều kiện bình thường của xã hội, tức là trình độ kỹ thuật - trình độ khéo léo - cường độ lao động trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định.

            Thông thường, thời gian lao động xã hội cần thiết trùng với thời gian lao động cá biệt của những người cung cấp đại bộ phận loại hàng hóa nào đó trên thị trường.

2.3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa:

2.3.2.1. Năng suất lao động:

            Năng suất lao động là năng lực sản xuất của người lao động được tính bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong 1 đơn vị thời gian hoặc số lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra 1 đơn vị sản phẩm.

            Lượng giá trị của 1 đơn vị hàng hóa tỷ lệ thuận với số lượng lao động kết tinh và tỷ lệ nghịch với năng suất lao động. Như vậy, muốn giảm giá trị của 1 đơn vị hàng hóa ta phải tăng năng suất lao động lên. Năng suất lao động lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố: trình độ khéo léo của người lao động, sự phát triển và ứng dụng của khoa học kỹ thuật, sự kết hợp xã hội của sản xuất, hiệu quả của tư liệu sản xuất, các điều kiện tự nhiên...

            Tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động tác động khác nhau đối với lượng giá trị hàng hóa. Cường độ lao động là mức độ khẩn trương, căng thẳng của lao động. Tăng cường độ lao động cũng giống như kéo dài thời gian lao động. Do đó, khi tăng cường độ lao động, lượng giá trị của 1 đơn vị hàng hóa không đổi.

2.3.2.2. Tính chất của lao động:

            Lao động giản đơn là lao động mà bất kỳ một người bình thường nào có khả năng lao động cũng có thể thực hiện được. Lao động phức tạp là lao động đòi hỏi phải được đào tạo, huấn luyện, nó chính là lao động giản đơn được nhân lên gấp bội.

            Trong cùng 1 đơn vị thời gian lao động như nhau, lao động phức tạp tạo ra được nhiều giá trị hơn so với lao động giản đơn. Để cho các hàng hóa có thể quan hệ bình đẳng với nhau trong trao đổi mua bán, người ta quy mọi lao động phức tạp thành lao động giản đơn trung bình. Do đó, lượng giá trị hàng hóa được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn trung bình.

3. Quy luật giá trị:

3.1. Nội dung:

Sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết.

                                         Trong kinh tế hàng hóa, mỗi người sản xuất tự quyết định hao phí lao động cá biệt của mình nhưng giá trị của hàng hóa lại được quyết định bởi hao phí lao động xã hội cần thiết. Vì vậy, muốn bán được hàng hóa, người sản xuất phải điều chỉnh lao động cá biệt của mình phù hợp với mức chi phí mà xã hội chấp nhận được.

                                         Trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở hao phí lao động xã hội cần thiết, có nghĩa là trao đổi theo nguyên tắc ngang giá.

                                         Sự vận động của quy luật giá trị thông qua sự vận động của giá cả hàng hóa. Trên thị trường, giá cả của hàng hóa phụ thuộc vào giá trị của nó. Bên cạnh đó, nó còn phụ thuộc vào cạnh tranh, cung cầu, sức mua của đồng tiền. Sự tác động của các nhân tố này khiến cho giá cả tách rời giá trị và vận động lên xuống xoay quanh trục giá trị của nó. Thông qua sự vận động của giá cả thị trường mà quy luật giá trị phát huy tác dụng.

3.2. Tác dụng:

3.2.1. Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa:

            Điều tiết sản xuất tức là điều hòa, phân bổ các yếu tố sản xuất giữa các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự điều tiết này diễn ra thông qua sự biến động của giá cả hàng hóa trên thị trường dưới tác động của quy luật cung cầu. Nếu ở ngành nào cung < cầu à giá cả hàng hóa lên cao à hàng hóa bán chạy, lãi cao à người sản xuất sẽ đầu tư vốn, tư liệu sản xuất, sức lao động vào ngành ấy. Ngược lại, ở những ngành mà cung > cầu, người sản xuất sẽ thu hẹp quy mô hoặc chuyển sang ngành khác có giá cả hàng hóa đang lên. Tác dụng này làm thay đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng cũng gây ra mất cân đối trong sản xuất do tính tự phát của nó.

            Sự biến động của giá cả thị trường cũng có tác dụng thu hút luồng hàng từ nơi giá cả thấp đến nơi giá cả cao, do đó làm làm cho lưu thông hàng hóa được thông suốt.

3.2.2. Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, lực lượng sản xuất xã hội phát triển nhanh:

            Để giành lợi thế cạnh tranh, các nhà sản xuất phải hạ thấp hao phí lao động của mình (giá trị cá biệt) thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết (giá trị xã hội). Muốn vậy, người sản xuất phải cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức quản lý, thực hiện tiết kiệm chặt chẽ, tăng năng suất lao động. Sự cạnh tranh càng quyết liệt càng thúc đẩy quá trình này diễn ra mạnh mẽ hơn, nhờ đó, lực lượng sản xuất phát triển nhanh hơn.

3.2.3. Thực hiện sự lựa chọn tự nhiên và phân hóa người sản xuất hàng hóa thành kẻ giàu người nghèo:

            Những người có điều kiện sản xuất thuận lợi, có trình độ, kiến thức, trang bị kỹ thuật tốt sẽ có hao phí lao động cá biệt thấp hơn hao phí lao động xã hội cần thiết vì thế họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, giàu lên nhanh chóng. Ngược lại, những người có điều kiện sản xuất khó khăn, kinh doanh kém cỏi sẽ bị thua lỗ trở thành những người nghèo khó. Như vậy, quy luật giá trị không chỉ thực hiện sự lựa chọn tự nhiên là đào thải các yếu kém, kích thích các nhân tố tích cực phát triển mà còn phân hóa xã hội thành người giàu kẻ nghèo, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro