Chương 1: Oan Gia Đến Rồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vật đổi sao dời, hòa bình rồi chúng ta lại sinh ra thêm một lần nữa.

Một sinh mệnh sinh ra ở trên đời đều có nghiệp quả. Khi còn là một đứa trẻ chúng ta sống bằng phước báu của chính mình trong vô lượng kiếp trước cho nên vô tình sinh ra trong kiếp này. Rồi khi chúng ta trở thành những người trẻ, chẳng còn là một đứa trẻ con nữa thì lại sống bằng nửa phước báu và nửa trí tuệ của chính mình.

Cho đến khi chúng ta hoàn toàn trưởng thành rồi, đã bước qua ngưỡng ba mươi rồi thì chẳng còn liên quan đến phước báu của kiếp trước nữa. Tất cả bắt đầu lại với nghiệp chướng và trí tuệ của chính mình ở kiếp này. Và nếu như chúng ta cứ sống theo dòng nghiệp chướng mà chẳng gây tạo phước lành thì đừng nói đến ba kiếp, cho dù là năm mười kiếp cũng sẽ khổ đau.

Cứ tin là vậy đi vì nhân quả đều rất rõ ràng, trải qua nhiều kiếp chắc gì đã an yên.

Sài Gòn, năm 1984.

"Là con trai, Thế Thành có em trai rồi."

"Là con trai, cuối cùng nhà chúng ta cũng có hy vọng rồi."

Tiếng khóc chào đời của một đứa trẻ khỏe mạnh khiến cả gia đình nhà họ Lê vui sướng khôn cùng. Việc đầu tiên khi lọt lòng đó là nhận một cái hôn đầy ắp thương yêu từ người cha. Sau đó đứa bé lại nằm trong khăn bông đặt trong lòng người mẹ đã sinh ra mình.

"Con nó có bình thường không mình?"

"Bình thường, không có khuyết tật gì cả."

"Tốt quá, thật may mắn vì cục cưng của mẹ khỏe mạnh, không khiếm khuyết gì."

Đứa trẻ con này sinh ra đã có đôi mắt sáng khiến người ta càng nhìn càng yêu. Chả trách mà người làm trong nhà ai nấy đều xuýt xoa, khó trách được nảy sinh so sánh.

"Ngày xưa nếu không phải bà chủ sợ người ta biết mình có mang trước khi cưới thì cậu Thế Thành đâu có như bây giờ."

"Bởi vậy mới nói, hồi đó ông bà không đồng ý hôn sự nên cấm cản, hại bà chủ phải bó bụng suốt sáu tháng trời. Cậu Thế Thành sinh ra không được bình thường, lại đau ốm triền miên, đúng là cái nghiệp."

Mấy người làm trong nhà mặc dù vui vẻ giùm cho nhà chủ nhưng sự việc trước mắt khiến họ không nói ra miệng thì không chịu được. Chẳng thể trách vì con người vốn dĩ luôn có những thước đo cho mọi thứ trong tầm mắt mà chẳng ai có thể ngăn cấm được.

"Đợi cậu cả lớn thêm một chút thì ông bà chủ sẽ tìm thầy chữa bệnh cho. Bây giờ còn nhỏ quá sợ không hợp thuốc lại chết non."

"Cũng chỉ mới bốn tuổi, cái gì cũng không làm được, nghĩ mà thương."

"Thì bao nhiêu may mắn chắc là dồn hết vào cậu út rồi. Tôi nói kiếp trước chắc cũng thế nào thì kiếp này mới khốn khổ như vậy."

"Đừng nói thế, trẻ con nó nghe hiểu cả đấy chỉ là nó không biết đáp lại thôi. Cậu cả cũng không đến nỗi nào, sau này lớn lên thì vẫn có thể dựa vào gia thế này mà cưới hai ba vợ là chuyện thường. Tôi nói người bình thường lành lặn có khi còn chẳng cưới nổi một cô vợ cho tử tế.

Một đứa trẻ bốn tuổi tuy là không làm được gì nhưng nó vẫn sẽ nghe thấy được hết tất cả những lời bên tai mình, và có lúc nó cũng sẽ vì những điều đó mà khóc.

Lê Thế Thành vừa sinh ra đã chẳng được bình thường vì bị mẹ bó bụng chặt trong lúc mang thai. Đã bốn tuổi những vẫn không thể đi được mà chỉ có thể nằm một chỗ, tất cả mọi sinh hoạt đều phải nhờ tới người khác. Sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng lại không được may mắn như người bình thường để mà hưởng thụ. Thi thoảng sẽ có người trách móc sau này nó lớn lên cũng là một đứa vô dụng, cả ngày nằm một chỗ thì chả làm được tích sự gì.

Cũng vì cậu cả nhà họ Lê phát triển không được bình thường cho nên người ngoài lại không tiếc lời bàn tán. Họ nói gia đình này giàu có, của ăn ba đời không hết nên nghiệp chướng lại để đến đứa con gánh cho bằng hết. Họ nói nhà họ Lê vô phúc lắm mới như vậy, nếu không sinh thêm được con trai thì xem như tuyệt tử tuyệt tôn.

Chính vì lẽ đó mà có nhiều lúc người ta nhìn cậu cả nhà họ Lê sẽ đem bảy phần trách móc, ba phần thương hại. Trách vì nữ chủ nhân năm đó vì muốn giữ thể diện cho mình mà không quan tâm đến đứa con đang phát triển trong bụng, hại nó sinh ra đời chân tay đã muốn liệt gần hết. Cũng may là trí óc vẫn phát triển bình thường, gương mặt vẫn sáng sủa và thông mình hơn người. Ấy vậy mà bấy nhiêu ưu điểm vẫn chẳng thể đủ, Lê Thế Thành vẫn phải sống một cuộc đời đầy rẫy sự thương hại từ những người xung quanh mình.

"Thế Thành, con có em trai rồi này."

Chủ nhân của nơi này là Lê Tùng, một thương nhân có tiếng ở Sài Thành. Người trong giới mỗi lần nhắc đến cái tên này thì ba phần hảo cảm, bảy phần nể phục. Trên thương trường có thù có bạn nhưng chuyện ông ta có đứa con trai bị liệt bẩm sinh cũng chẳng có mấy người biết. Ông ta cũng là muốn giữ bí mật để không bị kẻ tiểu nhân nào lợi dụng nó để tính kế cho cơ ngơi của nhà mình.

Lê Tùng đối với đứa con trai đầu tuy là thương nhưng thấy nó nằm một chỗ như vậy đôi khi cũng có chút cảm giác phân biệt. Nói sao thì người nhà bọn họ vẫn muốn ưu tiên cho những đứa trẻ có tương lai và sau này có thể gánh vác cơ ngơi này.

"Con ôm em được không?"

"Nào, để mẹ đặt em xuống bên cạnh cho con ôm."

Bà Hương Trà vừa mới đặt Danh Quốc xuống cạnh Thế Thành, đôi bàn tay bé xíu của con trai nhỏ chỉ vừa kịp nắm lấy bàn tay của con trai lớn liền nghe thấy tiếng quát từ Lê Tùng.

"Ôm ấp cái gì? Con nó đang lành lặn thì không thích đâu, có phải muốn nó cũng giống như thằng này mình mới chịu hả?"

"Kìa mình, nói vậy con nó nghe nó buồn thì làm sao?"

"Con nít thì biết cái gì, tôi còn không biết là đầu óc của nó có được bình thường hay là không nữa đây. Đợi vài năm nữa nó vẫn cứ nằm một chỗ đần độn thế này thì coi như bỏ, chẳng làm được trò trống gì."

Bà Hương Trà không nói thêm câu nào nữa mà nhanh chóng đem Danh Quốc bế lên trên tay mình. Nghĩ lại thì Thế Thành thành ra thế này cũng là vì bà năm xưa ích kỷ mà ra. Bây giờ hại con trai không thể làm được gì lại còn bị người ta ruồng bỏ vì cảm thấy phiền phức. Nghĩ sao cũng không đành lòng mặc dù hiện tại tâm trí của bà thực sự đã dồn hết lên người đứa con trai nhỏ kháu khỉnh mới chào đời.

"Đợi một thời gian nữa Danh Quốc cứng cáp rồi em định sẽ đem Thế Thành lên chùa. Nghe mấy chị cùng câu lạc bộ nói là ở chùa Giác Lâm có nhà sư Nhất Tâm giảng pháp rất hay nên em muốn đem con đến đó để nó ở một thời gian biết đâu..."

"Mê tín, con nó bị như vậy là do mình chứ không có thầy bà nào can thiệp cả đâu."

"Em biết là lỗi của em nhưng mà em để ý mỗi lần con nó nghe kinh phật thì sẽ ngủ được giấc dài, cũng không khóc quấy."

Lê Tùng nhìn vợ mà không khỏi thở dài, ông không hề muốn vợ mình quá mê tín rồi lại một lần nữa khiến con cái khổ sở. Thế Thành vốn dĩ đã thiếu may mắn, ông định đợi một vài năm nữa sẽ đem con qua nước ngoài tìm bác sĩ tay nghề tốt để chữa trị. Ông muốn nhìn vào thực tế chứ không muốn tin vào những thứ hoang đường. Hiện tại cũng chẳng còn cách nào là để cho bà Hương Trà thực hiện nguyện vọng kia vì cũng không ít lần ông thấy Thế Thành đã ngủ rất ngon khi nghe được tiếng tụng kinh như vợ mình nói. Lúc này ông khẽ liếc mắt nhìn về đứa con trai lớn đang nằm ở trên giường đem ánh mắt non nớt nhìn chằm chằm vào đứa em vừa sinh của mình.

"Bảo người làm thường xuyên bế con ra phơi nắng sớm thật nhiều. Để con nó ra ngoài thường xuyên anh nghĩ sẽ ổn hơn, đừng để nó nằm một mình trong phòng quá lâu, tội nghiệp."

"Em biết rồi, mình đến xí nghiệp đi."

Hai vợ chồng Lê Tùng và Hương Trà đang nói chuyện bỗng dưng lại khựng lại chỉ vì cảnh tượng trước mắt quá đỗi cảm động. Danh Quốc chỉ mới hơn hai tháng tuổi cứ nhìn vào anh trai mình mà nhoẻn miệng cười. Lần đầu tiên hai vợ chồng họ nhìn thấy Thế Thành có thể cử động tay mình muốn giơ lên để chạm vào em nhỏ.

"Mẹ ơi!"

"Mẹ đây..."

"Cho em xích lại đây với con, đau tay lắm."

Bà Hương Trà khẽ liếc mắt nhìn chồng mình một cái rồi sau đó cũng từ từ đưa Danh Quốc đến gần Thế Thành. Lúc được đặt cạnh anh trai mình thì cậu bé cười tươi đến lộ cả khoang miệng hồng hào còn chưa nhú răng.

"Danh Quốc có vẻ thích anh Thành quá phải không nè. Thơm anh một cái đi, nào thơm đi."

Vẫn là câu chuyện của những đứa trẻ may mắn và bất hạnh. Bởi vì sinh ra một đứa trẻ không lành lặn khiến họ chẳng cam tâm. Mặc dù thương nhưng cứ nghĩ rằng bản thân họ có gia cảnh tốt như thế lẽ nào lại chỉ trông cậy vào một đứa con không có tương lai gì. Cũng có thể là do phận số đứa trẻ đó không được may mắn cho nên cũng chẳng ít lần nghe thấy người sinh ra mình muốn sinh thêm thật nhiều nữa để sau này có thể cùng nhau hưởng thụ cơ ngơi.

"Nếu con thích thì ba mẹ sẽ sinh cho con thêm mấy đứa em nữa. Nhà chúng ta giàu có như vậy chắc chắn sau này sẽ chữa lành bệnh cho con thôi."

Mỗi ngày một lời nói an ủi nhưng qua lâu như thế rồi họ vẫn chưa đưa Thế Thành đến tìm nhà sư Nhất Tâm ở chùa Giác Lâm. Một lời hứa khiến một đứa trẻ bốn tuổi khi đó hy vọng thật nhiều rằng mình sẽ sớm đứng dậy được.

Thế rồi khi Thế Thành năm tuổi, sáu tuổi rồi lại bảy tuổi mọi thứ vẫn vậy. Đến khi nó tám tuổi thì đứa em nhỏ nhất cũng vừa đầy tháng, nó vẫn là đứa anh lớn vô dụng và chẳng ai mặn mà.

"Anh ơi! Anh ăn táo không? Cái này mẹ cho..."

"Không ăn đâu."

"Anh ăn cùng em đi, em muốn ăn cùng với anh."

Danh Quốc trên tay cầm một trái táo còn nguyên đem đến trước mặt Thế Thành rất thành tâm muốn cùng anh trai ăn hết. Căn phòng này nằm sâu ở phía trong của ngôi biệt thự lớn và chẳng bao giờ mở cửa ngoại trừ một ô cửa sổ bằng kính thật lớn được đặt đối diện chiếc giường để  đón ánh sáng từ bên ngoài vào.

Mỗi ngày đều trôi qua như đúc khuôn, Thế Thành còn chẳng biết đến cảm giác được bước chân ra khỏi ngôi nhà này là cảm giác gì. Mỗi lần nghe Danh Quốc kể về những lần được ba mẹ đem đến xí nghiệp khoe nó cũng biết ganh tị nhưng rồi đâu lại vào đó, nó vẫn lắng nghe và thi thoảng vẫn cười.

"Sau này em lớn em sẽ đưa anh đi khắp mọi nơi luôn. Ở bên ngoài đường có ông bán kẹo bông gòn đẹp lắm, ngày mai em sẽ bảo ba mua cho anh. Cái kẹo nó to như thế này nè, nó to lắm."

"To thế nào?"

"To bằng... bằng...bằng cái mặt của anh luôn."

Nếu không phải người trong nhà biết thân phận của Thế Thành là cậu cả của nhà họ Lê thì thiết nghĩ người ngoài nhìn vào sẽ cảm thấy đứa trẻ này thực sự là đang sống để trả nợ. Một ngày ngoại trừ người làm đến giúp sinh hoạt thì cũng chẳng có ai thèm đoái hoài. Duy nhất chỉ có Danh Quốc thích đến đây nói chuyện cùng.

Ban đầu bọn họ còn nghĩ là do chủ nhân của nơi này bận bịu nên không có thời gian nhưng lâu dần họ cũng thấy nơi này dường như đang bị lãng quên. Sau Danh Quốc còn có đến hai đứa em một trai và một gái, họ sẵn sàng dành hết toàn bộ thời gian rảnh rỗi mà họ có để chơi đùa với ba đứa con không khiếm khuyết chứ chẳng muốn bỏ một ít phút đến nói chuyện với đứa trẻ bất hạnh này. Nó đã tám tuổi, và nó có thể suy nghĩ những điều mà một đứa trẻ bị bỏ rơi có thể cảm nhận.

"Dì ơi!"

"Sao vậy con? Con muốn đại tiện hả? Đợi một chút để dì đi lấy bô."

"Không đại tiện, con chỉ muốn hỏi là...ba mẹ đã nhặt con ở ngoài đường sao?"

Người chăm sóc cho Thế Thành có thể xem như là vú nuôi của nó, từ nhỏ đến lớn đều do một tay bà chăm sóc cho nên nhiều lúc nó còn cảm thấy người này còn tốt hơn mẹ của mình gấp nhiều lần.

"Đừng có nghĩ như vậy, con vẫn là cậu cả của nhà họ Lê mà."

"Rất lâu rồi con chưa thấy ba mẹ đến, họ đã đi đâu rồi?"

"Ba của con bận bịu ở xí nghiệp còn mẹ của con mới sinh em bé, đợi một thời gian nữa em bé cứng cáp thì mẹ con sẽ đến."

Thế Thành cười một nụ cười thật tươi nhưng ánh mắt thì lại buồn rười rượi. Mãi một lúc sau khi mà người ta tưởng câu chuyện đã kết thúc rồi thì nó mới mở miệng nói.

"Mẹ đã hứa như vậy rất nhiều lần."

Nói xong nó cũng lẩn vào trong chăn mà trốn, ngay cả một sợi tóc cũng không thể trông thấy. Những lúc thế này nó lại trông đợi màn đêm đến thật nhanh vì chỉ có khi đêm buông xuống nó mới nhìn thấy được người thật tâm đối xử tốt với nó.

Như thường lệ, sau bữa tối Danh Quốc lại dò dẫm tìm đến phòng của Thế Thành sau đó tự động bò lên giường nằm ở một bên nhìn chằm chằm. Vú nuôi nói chắc kiếp trước hai anh em nó là người tình cho nên kiếp này làm anh em mới quyến luyến và gần gũi đến như vậy.

Danh Quốc rất thích ôm Thế Thành sau đó sẽ dùng bàn tay bé xíu của mình vỗ vỗ lên gương mặt của anh trai mà cười khúc khích. Có thể người ta sẽ không biết, niềm vui duy nhất mà Thế Thành có ở đây chính là được đứa em trai này quan tâm và muốn đến gần.

"Buổi tối lúc anh đi ngủ thì chú áo đen sẽ kể chuyện cho anh nghe. Chú ấy còn ôm anh ngủ nữa cho nên bữa nào mà chú ấy không đến thì anh sẽ ngủ không ngon."

"Em cũng muốn nữa, anh cho em ngủ ở đây."

"Không được đâu, chú ấy nói là nếu mà có người ở đây thì chú sẽ không đến. Chỉ khi nào anh ở một mình thì chú ấy mới đến thôi."

Danh Quốc càng nghe Thế Thành kể về chú áo đen của mình thì cũng háo hức muốn gặp nhưng mà rất nhiều lần ngủ lại cũng chẳng thấy chú áo đen mà anh trai kể đâu cả. Lâu dần sinh ra buồn bực mà cũng muốn có một chú tốt bụng như anh trai của mình.

"Em sẽ bảo ba mua cho em một chú áo đen giống với anh để mỗi tối có thể kể chuyện cho em ngủ. Em ngủ một mình trong cái phòng lớn ơi là lớn không thích đâu."

"Vậy em bảo ba mua đi, anh có sẵn rồi nên không cần nữa."

Thế Thành vừa nói xong thì cửa phòng bật mở, vú nuôi tìm đến để đưa Danh Quốc về phòng. Hai anh em quyến luyến nhau một lúc rồi ai ở phòng nấy, chỉ có một lời hứa ngày mai gặp lại để làm động lực vui vẻ để ngủ một giấc thật ngon.

Cánh cửa phòng vừa khép lại thì chiếc rèm nơi cửa sổ lớn bằng kính khẽ lay. Thế Thành nhắm mắt lại một lúc mới mở ra thì con ngươi sáng rỡ, miệng cũng nở một nụ cười đầy vui vẻ.

"A...chú đến rồi, lại đây kể chuyện đi."

Một âm thanh như tiếng gió cứ quẩn quanh trong căn phòng này nhưng chỉ duy nhất đứa trẻ khiếm khuyết kia mới biết.

"Chú kể chuyện ngày xưa đi, kể xong thì Thế thành sẽ tập đi cho chú xem."

Mọi thứ cứ như vậy trôi qua cho đến khi Danh Quốc lên sáu tuổi. Việc Thế Thành không thể hoạt bát như người bình thường vô tình đã khiến Danh Quốc trở thành người kế vị được định sẵn. Sáu tuổi đã phải học đủ thứ, từ tác phong cho tới ngữ khí nói chuyện với người khác. Sinh ra là con nhà trâm anh thế phiệt thì mọi thứ phải vượt trội hơn người bình thường.

"Sắp tới Danh Quốc bắt đầu đến trường học chính quy thì chúng ta phải tìm cho con một đứa theo bên cạnh đốc thúc nó học."

Bà Hương Trà đăm chiêu một lúc rồi vừa ẵm đứa con trai út trên tay ru ngủ vừa lên tiếng đề nghị với chồng mình.

"Hay là mình để cho con trai chị Sen theo Danh Quốc đến trường. Chồng chị ấy mất rồi, chỉ có hai mẹ con mà chị ấy chăm sóc mấy đứa nhỏ nhà mình đã hết ngày bỏ thằng bé không ai chăm. Em nghĩ là để cho thằng bé vào nhà chúng ta ở với mẹ nó tiện theo Danh Quốc luôn cũng tốt. Con trai chị ấy cũng tầm tuổi với Danh Quốc, em thấy nó mấy lần mà trông mặt mũi rất thông minh, lanh lợi nữa. Nó mới có bảy tám tuổi thôi mà trông bản lĩnh lắm, Danh Quốc có người đi theo như vậy vừa thoải mái lại vừa có người chơi cùng cho đỡ buồn."

"Vậy cứ theo ý của mình đi, thu xếp nói với chị Sen sớm để đưa thằng bé vào. Danh Quốc cũng sắp vào học rồi mà ở trường thì người ta cũng không có cho mấy người lớn vào chung. À mà thằng bé đó đã đi học chưa?"

Lê Tùng nói chuyện một hồi mới nhớ ra là con trai của vú nuôi nhà mình hơn Danh Quốc tận hai tuổi. Nếu mà đi theo con trai mình thì bắt buộc phải chung lớp vì thế mới hỏi han trước, phòng như có đi học rồi thì cũng phải thương lượng để đứa bé kia học lại từ đầu mới chịu.

"Nó đã đi học chưa?"

"Đi học rồi, nó đã tám tuổi còn gì, năm nay là lên lớp ba rồi."

"Em nói với chị Sen cho nó học lại từ đầu đi, xem như là củng cố kiến thức thêm chứ có gì đâu phải không?"

Bà Hương Trà biết dụng ý của chồng mình nhưng làm như thế thì thật ích kỷ với một đứa bé. Dù sao thì tám tuổi cũng đã biết không ít kiến thức rồi, bảo học lại từ đầu chắc gì người ta đã đồng ý.

"Nhưng mà..."

"Không nhưng gì cả, chẳng phải người ta nỗ lực học hành để sau này có thể kiếm được tiền sao? Nếu nó đến đây ở, bầu bạn, cùng nhau học và chăm sóc cho Danh Quốc thì chúng ta cũng trả tiền cho nó cơ mà. Con người ta hơn nhau không phải chỉ ở kiến thức đâu. Lớn lên rồi thì họ tự khắc sẽ hiểu, kẻ làm ra được nhiều tiền thì mới là kẻ tài giỏi. Cứ thế đi, hai mẹ con họ không chịu thì mình cứ mạnh dạn cho họ một lời hứa là được."

Bà Hương Trà nghiêng đầu nhìn chồng, trông vẻ mặt đầy thắc mắc và chờ đợi đáp án đến từ người trước mặt.

"Lời hứa gì?"

"Hứa là nếu họ chịu thì sau này thằng bé đó lớn lên sẽ vào làm trong xí nghiệp của nhà mình, tất nhiên là đãi ngộ cũng không phải như người bình thường. Thứ mà anh cần bây giờ đó là tập trung bồi dưỡng cho Danh Quốc vì sớm muộn gì nó cũng là người kế thừa."

"Em hiểu rồi, nhưng mà anh cũng...cũng nên đến thăm Thế Thành nhiều hơn đi. Em nghĩ là con nó cũng buồn cho nên thi thoảng em nghe chị Sen nói là con nó nhớ anh cho nên cứ hay kể chuyện về một chú thật tốt bụng tới thăm nó mỗi đêm đó. Trẻ con nó thiếu thốn cái gì thì nó sẽ tưởng tượng ra thứ đó để tự an ủi mình mà."

Lê Tùng thực ra ngày nào cũng đến nhưng lựa lúc Thế Thành ngủ rồi mới tới. Ông không muốn nhìn vào ánh mắt buồn bã lại bất lực của con mình mà rời đi vì mỗi lần nghĩ tới lại không đành lòng. Người ngoài nhìn vào lại nghĩ là ông lạnh nhạt với đứa con khiếm khuyết này nhưng người làm cha cũng không có nhiều cách để diễn đạt. Sau cùng là nhận hết những lời trách móc không rõ ràng từ người khác nhưng vẫn không hề phản bác.

"Mình ngủ trước đi, anh đến xem con một chút."

"Khuya thế này chắc con nó đã ngủ rồi."

"Ừ...ngủ rồi nhưng mà vẫn cứ đến xem sao. Dù thế nào thì nó vẫn là con trai của anh mà, anh không thể nhìn lúc nó khổ sở vì bất hạnh của mình được, chỉ có thể lựa những lúc này thôi."

Lê Tùng hôn con trai nhỏ vừa mới sinh của mình rồi mặc lại áo ngủ thật chỉn chu mới tìm đến phòng của Thế Thành. Mọi người đều đã đi ngủ hết nên ông tìm đến đây giờ này cũng chẳng ai trông thấy. Căn phòng này chẳng bao giờ khóa vì chủ nhân của nó không thể tự mình làm điều đó vì thế Lê Tùng có thể thoải mái vào phòng con trai lớn của mình.

Cửa vừa mở ra liền cảm nhận được một sự ấm áp nào đó rất khó diễn tả đang vây lấy cả không gian này. Thế Thành hai mắt nhắm lại trông có vẻ như nó đang ngủ một giấc thật ngon. Mặc dù không được may mắn như mấy đứa em của mình nhưng dường như như nó đã tìm được một niềm vui nào đó để lấp đầy.

Gương mặt của Thế Thành rất sáng sủa, nếu không phải vì sai lầm của cha mẹ trong quá khứ khiến nó sinh ra đã phải nằm một chỗ thì Lê Tùng tin rằng người thích hợp nhất để kế thừa cơ ngơi nhà họ Lê chỉ có thể là đứa con trai lớn này. Danh Quốc tuy rất đáng yêu và thông minh nhưng những thứ đó vẫn chưa đủ vì nhìn vào đôi mắt của Thế Thành ông thấy sự quyết đoán và bản lĩnh ở trong đó.

"Ba hy vọng ngày nào đó con sẽ khỏe mạnh trở lại để sống một cuộc đời mà con đáng được sống. Thế Thành, ba mẹ xin lỗi con."

Sài Gòn, tháng 8 năm 1990.

Nhà họ Lê đón chào người mới, một người được chỉ định sẽ cùng Danh Quốc đi đến lúc trưởng thành. Lời đề nghị lúc trước của nhà họ Lê đối với đứa bé này sau vài lần cũng đã được chấp thuận. Một đứa trẻ rất biết trên dưới và thương mẹ vô cùng, cũng chính vì thương mẹ cho nên mới tiếc nuối từ bỏ hai năm học kia để bắt đầu lại với cậu chủ nhỏ.

"Dạ con chào ông bà chủ, con là con trai của mẹ Sen tên là Thái Hưởng."

"Chào con, sau này con sẽ ở đây để cùng đi học với Danh Quốc nha. Công việc của con cũng không có gì nặng nề lắm đâu, chỉ cần Danh Quốc đi đâu thì con đi theo đó là được, chúng ta sẽ thương lượng với nhà trường để các con ngồi chung lớp, chung bàn. Và nhớ là phải bảo vệ Danh Quốc giùm chúng ta đó."

"Dạ, con sẽ nghe theo lời ông bà dặn."

Vú nuôi Sen tay cầm giỏ xách quần áo của con trai mà lúng túng nhìn vào vợ chồng Lê Tùng muốn hỏi nhưng lại không dám mở lời. Bà Hương Trà nhìn thấy vậy liền hiểu ra ý tứ cho nên cũng hướng hai mẹ con nói rõ.

"Hiện tại thì Thái Hưởng ngủ cùng mẹ hay là muốn ngủ riêng?"

"Dạ con ngủ cùng mẹ con."

"Thế thì cứ ở chung với mẹ, sau này lớn thêm một chút thì chúng ta sẽ chuẩn bị phòng khác cho con thoải mái. Giờ thì con cất đồ đi rồi đến chỗ Danh Quốc làm quen trước để sau này đi học chung sẽ ăn ý hơn."

Và thế là mọi thứ đã tốt đẹp hơn kể từ ngày Thái Hưởng đến. Danh Quốc có người chơi cùng, mà Thế Thành cũng đã biết cãi nhau rồi. Thái Hưởng đến đây một là để chơi cùng Danh Quốc, hai là để cãi nhau và hơn thua với cậu cả nhà họ Lê. Khó chịu thì khó chịu nhưng vẫn một lòng muốn cậu cả của mình có thể đứng dậy cùng mình đánh nhau mới vừa lòng.

"Anh mà còn nằm hoài là lần sau em đánh thật đó, không đùa."

"Thái Hưởng, tao cảm thấy hình như mày là kẻ thù của tao tận ba kiếp lận đấy. Mày đừng có lượn lờ trước mặt tao trêu ngươi, không thì đừng trách tao."

"Đợi qua tháng chín em và Danh Quốc đi học rồi thì không có ở đây với anh đâu. Anh mới là người không thèm trả lời em, anh mới là người mất lịch sự. Mặc dù em là người làm công nhưng mà cái tính kiêu căng của anh em không thích, không thèm chơi.

"Tao không cần mày chơi cùng, mày đi mà chơi với Danh Quốc, chỉ có nó mới chơi với mày chứ ai mà thèm."

Biết là ngày nào cũng cãi vã qua lại nhưng cũng không ai ngăn cản. Họ nghĩ rằng Thế Thành vốn dĩ cần một người có thể khiến nó bộc phát hết những ấm ức trong lòng ra ngoài. Người đó không phải ai khác, chính là Phạm Thái Hưởng.

Oan gia lại đến rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro