chut yeu thuong nguech ngoac

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chút yêu thương nguệch ngoạc

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ ngày 19/01/2008

Một ngày, khi đọc tập hồ sơ của các ứng viên mới, cô gái làm ở phòng nhân sự thấy trong đó lá đơn xin việc viết tay của... anh người yêu cũ, tự dưng cứ ngồi thần ra nhìn mãi tờ giấy rồi bật khóc. Đồng nghiệp hỏi han, cô nghẹn giọng "hai năm yêu nhau, anh ta chưa viết ngoáy được bức thư nào cho em chứ đừng nói là ngay ngắn và thống thiết thế này". Đấy chỉ là một cảnh nhỏ trong một kịch bản phim tình cảm lãng mạn không được đưa vào sản xuất. Ở ngoài đời chắc không có cô nào dễ xúc động đến vậy. Nhưng dù sao, điện ảnh cũng phản ánh phần nào hiện thực. Và chuyện một cô gái rưng rưng khi nhận một bức thư viết tay của người yêu chẳng phải quá hiếm.

Cho tới cách đây mươi mười lăm năm, thư viết tay có lẽ là lựa chọn duy nhất của các đôi uyên ương khi xa xôi cách trở. Điện thoại cố định (chứ chưa nói tới điện thoại di động) là một cái gì đó khá xa xỉ. Máy tính và modem (chứ chưa nói tới ADSL hay Wifi) thì lạ lẫm chỉ kém đĩa bay tí tẹo. Chỉ có giấy, bút, phong bì, tem và các hòm thư bưu điện là sẵn tiện. Thậm chí đi tìm một người viết thư thuê cũng không mấy khó khăn. Vậy nên, chỉ cần kéo khẽ cái ngăn bàn ở một nhà cô con gái nào đấy rồi nhắm mắt mà vơ cũng ra được một vài bức thư. Giấy pơ-luya hay kẻ ô li, thơm mùi nước hoa hay lem vết mực xanh, lan man văn vẻ hay ngắn ngủi vài gạch đầu dòng, tất cả đều có một điểm chung: được viết ra từ bàn tay cầm bút của ai đó.

Rồi cơn bão công nghệ quét qua, điện thoại di động, sms, email và chat phổ cập xuống từng ngõ xóm bình dân, những bức thư viết tay bỗng nhiên... thất sủng. Thì trong thời buổi chỉ vài phút mổ cò và hai giây ấn chuột, người ta đã gửi được cho nhau bao điều, đến nhật ký cá nhân cũng online, tội gì mà ngó ngoáy giấy giấy bút bút rồi lại dài cổ chờ ông bưu tá. Việc viết nói chung và viết thư nói riêng bỗng thành một cái gì vừa cổ kính vừa sang trọng, người ta - nhất là các quý ông - chỉ viết khi chẳng đặng đừng, ví dụ như vì nhà tuyển dụng yêu cầu. Chả thế trong kịch bản phim mới có cái scène như trên, chia tay nhau rồi cô gái mới biết nét chữ của chàng trai qua lá đơn xin việc.

Phụ nữ vốn kém nhanh nhạy trong việc tiếp cận công nghệ hơn các đấng mày râu, lại hay nặng lòng hoài nhớ và thích cất giữ kỷ niệm, nên thư viết tay đối với họ vẫn quen thuộc, gắn bó lắm. Ngay cả với các cô gái biết làm web và có tới vài hòm thư điện tử, việc viết và nhận những bức thư viết tay thuở mới quen cũng là một nghi lễ thú vị. Khi viết thư, người con gái có thể chuyển tới người kia nhiều thứ, bên cạnh tình cảm trong câu từ, những thông tin kín đáo sở thích và quan niệm của nàng cũng được khoe một cách rất tinh tế qua các họa tiết trên giấy viết thư, qua cánh hoa ép thành hình cánh bướm, qua mùi tinh dầu ướp trong mỗi nếp gấp... Khi nhận thư, bên cạnh những giá trị tình cảm không thể phủ nhận mà bức thư đem tới, người con gái tò mò và ưa bói chữ còn có thể khám phá thêm nhiều điều về tính cách chàng trai bởi nét chữ chính là nết người...

Không có chỗ cho những font chữ Unicode vô tính, cũng chẳng gói gọn trong những ký hiệu dung lượng KB, MB vô hồn, mỗi bức thư viết tay là một cái gì vừa độc đáo vừa rung động. Nếu như với các hình thức thư điện tử, người ta chỉ có thể sử dụng nhiều nhất là hai giác quan nghe - nhìn đơn điệu để tiếp nhận thì thư viết tay bắt tới ba hoặc bốn giác quan hoạt động. Xúc giác cảm nhận một nét bút dằn mạnh, khứu giác gọi tên một chút hương vương, thị giác định hình nét chữ hoặc nghiêng nghiêng hoặc cứng cỏi, còn vị giác đôi khi sẽ được gọi ra để phán xét xem bức thư chua ngọt ra sao. Ôi chao, chừng ấy trải nghiệm thân thương, làm gì có máy chủ và trình duyệt nào mô phỏng nổi.

Nhưng ấy là lý sự của phụ nữ. Còn đại diện phái mạnh, có lẽ họ sẽ lập luận đanh thép thế này. Bây giờ mọi thứ đang thay đổi chóng mặt, hiệu quả nếu không được quy ra tiền thì cũng phải cân đong bằng phút bằng giây, mấy ai còn rỗi hơi mà chạy theo những cái (tuy vô cùng đặc biệt với phụ nữ nhưng theo họ thì) mơ hồ không định lượng ấy. Sms, mail hay chat diễn đạt tâm tình cũng đủ dào dạt chán. Cảm xúc đã có emoticons bao thầu, muốn đa phương tiện hơn thì nhạc hay phim đính kèm chẳng khó. Mà các cô buồn cười nhỉ. Chúng tôi viết cho đã là tốt lắm rồi, lại còn đòi này đòi nọ!

Ấy không, phụ nữ chúng tôi cũng ao ước vu vơ vậy thôi chứ có đòi hỏi gì đâu. Chẳng qua cũng chỉ là muốn giống các bà các chị ngày xưa, được cất giữ một đôi bức thư để sau này giở lại hồi tưởng chút yêu thương nguệch ngoạc ố vàng. Vì internet tuy tiện lợi nhưng cũng nhiều bất trắc, chỉ một con sâu worm hay con ngựa trojan cũng đủ thổi bay kỷ niệm đi rồi. Vì không phải ai cũng làm ở phòng nhân sự mà được đọc dòng chữ viết tay nắn nót trên đơn xin việc của người yêu, dù là người yêu cũ...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro