78. Hội hè đình đám

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cụm bốn chữ "hội hè đình đám" biểu tượng tưng bừng vui vẻ, náo nhiệt hội hè đình đám nhiều hơn mang ý nghĩa riêng từng chữ. Mà cắt ra từng chữ thì là hai việc: làng vào hội và làng vào đám. Hội và đám lại tách bạch thêm: vào hội, có tế, có rước, có trò chơi vui, vào đám có chè chén việc làng, việc làng giáp đóng góp, mổ trâu bò. Cộng hai việc hội và việc đám lại thì bao trùm quang cảnh ý nghĩa vật chất và tinh thần sinh hoạt trong ngày trọng đại linh đình của làng.
Nhiều nơi đương phục hồi các hội hè đám thứ. Nhớ lại hội hè trước kia và so với bây giờ, tôi có lời bàn:
Hội làng chẳng làng nào giống làng nào bao giờ. Vì đấy là ngày tưởng nhớ, ngày kỵ thần hoàng mỗi làng hoặc vị thần thờ ở đình, đền, miếu quán làng ấy. Do sự tích thánh thần mà có hội, có tế lễ, với những hèm, những tục lệ riêng. Có vào đám và hội có hội còn do tình hình kinh tế, nhà giàu nhà nghèo và có hoa lợi gì đóng góp vào không. Bởi vậy, mỗi làng khác nhau về nghi lễ, về tục lệ, về cách kiêng kỵ, nhiều khi đến cả một chữ. Làng tôi có đền thờ hai bà chúa tên Hồng, tên Quế, người ta kiêng, nói chệch hồng thành hường, quế thành quý.
Và cũng do sức dân làng lo (có đóng góp của mỗi đinh, có ruộng đình, ruộng đền, ruộng chùa, có người hảo tâm cúng tiến). Có làng hội tế lễ, rước xách rộn rã, lại cỗ bàn mấy hôm; có làng thì không. Làng tôi nghèo, đến thời tôi biết và nghe kể thì làng không có kiệu, long đình, chỉ có cái võng vong mộc dùng khi làng có đám ma, việc tế lễ cũng năm có năm không. Những năm đói, quãng 1940 trở đi thì bỏ hẳn. Vào đám tháng hai, mỗi nhà đóng tiền theo xuất đinh, nhà đăng cai đi chợ Đơ tậu con bò đem mổ thịt chia cả làng rồi đón phường Bắc về hát chèo hai ba đêm. Làng vui còm thế thôi, còn thì trai trẻ chúng tôi nô nức đi hội các làng thiên hạ. Đu tiên, thi cây cảnh, chèo hát trên hội làng Hồ. Kiệu bò đền Thủ Lệ. Hội làng Mọc đánh cờ người, quân bên nam, bên nữ quần áo lộng lẫy. Nhiều làng, rất nhiều làng không có hội hè đình đám, hoặc có thì cũng qua loa, như làng tôi. Chẳng hề ganh ghét và có ý ngượng ngùng phải đi xem hội làng người ta.
Bây giờ nhiều làng đua nhau mở hội mà ý nghĩa sâu xa chưa chắc đã là phục hồi di sản truyền thống, có khi chỉ vì con gà tức nhau tiếng gáy. Rõ nhẽ ra thì bây giờ chẳng còn mấy ai biết tổ chức hội hè đình đám. Lớp tuổi thanh niên năm mươi năm trước, bây giờ còn sống cũng đã trong ngoài bảy mươi tuổi mà thời ấy còn trẻ quá, thì đâu đã được làm chủ tế, bồi tế, được chân đăng cai hàng giáp, may mắn thì làng cắt cho chân cầm cờ tứ linh. Mấy chục năm kháng chiến, sự lễ bái các nơi bỏ hết, vì điều kiện chiến tranh, vì "chống phong kiến", lại thêm người biết chữ Hán chẳng còn ai, không mấy người đọc được thần phả, sắc phong, hương ước, văn bia, cho nên bây giờ phải đi thuê dịch. Chẳng biết đâu mà rờ, thế mà cứ thao thao giảng giải, cứ phục hồi bừa phứa, làng không ai biết tế thì thuê người về tế, - người hành nghề tế thuê biết họp tổ sắm áo thụng xanh, mũ phốc trang kim, đôi hia nhung viền kim tuyến, làng không có đủ chân đi rước vì may mặc tốn kém thì mướn cả người các nơi về đi rước - ngày trước, làng chỉ gọi phường bát âm và hai cô nhà trò hát cửa đình.
Trong làng, không phân chia mà đã thành lệ, đình và quán, miếu, văn chỉ là nơi thờ cúng mà nam giới có trách nhiệm, đền và chùa là chỗ lui tới của thiện nam tín nữ, nhưng các vãi bà là chính. Cũng có trường hợp ngoại lệ cánh nữ giới đảm đương như hội đền Hai Bà Trưng ở Đồng Nhân, đền Phủ Giầy thờ bà Liễu Hạnh. Trong đám rước, thông thường nam giới khiêng kiệu, long đình, thổi tù và, múa trống đánh trống, cầm gươm vàng bát bửu, làm trò vui "phường chèo đóng đường" hay "con đĩ đánh bồng". Nhưng cũng do sự tích, hoặc hèm, hoặc kiêng có đám rước kiệu, long đình đều do nữ đảm nhiệm - phải là những cô nữ chưa chồng, và những sự tích với mọi kiêng kỵ như trên đều có lý do vì thần phả như thế. Người ta chỉ biết thành kính tuân theo. Các vai quân cờ bên nam bên nữ là trai chưa vợ gái chưa chồng. Làng cắt quân cờ, các cô gái vừa vinh dự, vừa sợ. Làm quân tốt mã, sĩ, tượng, không sao, làm tướng, tất nhiên phải vào loại đẹp nhất làng, thì người ta sợ rồi bị sái, bị hạn có khi rồi đau ốm, rồi khó lấy chồng. Khác bây giờ đua nhau nhào vào thi hoa hậu mong được tôn lên ngôi đẹp nhất. Cũng bây giờ nhiều nơi soát lại tục cũ không kỹ, đám rước nào cũng hệt đám rước nào. Có đội các bà nạ dòng ở phường phố đến rước thuê, khăn áo, phấn son môi mỏ, các mụ khiêng kiệu, cầm gươm, cầm quạt, đội mâm ngũ quả. Có đội vừa tan đám rước này, vội vã sang "phục vụ" ngay đám làng bên cạnh, như ca sĩ hát sô ở các nhà hàng mỗi đêm. Bởi vì có thù lao trả công hậu hĩ, đã mặc cả trước lại chén cỗ no lòi rốn rồi còn lấy phần lộc về. Mà làng phải nhờ người lên phố mới chuốc được cái đội các bà đồng bóng này.
Đám rước thường có phường đóng đường, nghĩa là giữa ban ngày đeo mũ mãng phường tuồng, đi với đám cầm cờ đằng trước đám. Thời ấy kiệu rước thánh, trên kiệu đặt bài vị phủ lụa vàng, lụa điều, không khi nào đám dám có người thật đóng thánh ngồi trên kiệu. Vừa là tục lệ, vừa là chuyện thiêng liêng. Các cụ chủ tế, các cụ thủ chỏm trong đám tế, đám hội cũng kén các lão ông, lão bà song toàn, các cô các cậu trong nhà thuận hòa, nhà không có xúi (có tang). Phải ăn chay và chay tịnh cả tháng mới được ra dự rước thánh. Không đâu dám đóng vai đức thánh tên tuổi rõ ràng đi trong đám rước rong ngoài đường, không kể các bác phường chèo đi diễu cho vui đám.
Phong tục ấy, mà tinh thần thành kính lan cả đến những cuộc vui. Xem hát tuồng, khi vai Quan Công ra, nhất là diễn đến đoạn (Quan Công hiển thánh), người xem đứng dậy vái lên sân khấu và đốt vàng lá khói um cả rạp Quảng Lạc. Không khí tôn nghiêm này còn phảng phất dường như cả tới ngày nay. Đêm ấy, ở nhà hát lớn thành phố, trong một vở kịch nghệ sĩ nhân dân Mạnh Linh đóng vai Lê Nin. Tôi vào hậu trường chơi thấy ông Lê Nin - Mạnh Linh ngồi nghỉ, đợi ra đoạn tiếp, ông ngồi nghiêm như đương diễn ngoài sân khấu, không trò chuyện, không uống bia, không hút thuốc lào.
Các trò vè đều ở ngoài sân đình, đền, miếu, quán, nam nữ tha hồ chen vai thích cánh, không phải giữ tôn nghiêm như khi vào trong đình, trong đền. Bơi chải, đánh đu, pháo hoa, thả diều, bồ câu thi, chèo hát... Còn nhớ ngày ấy đi hội Lim, đêm hôm ở ngoài đồi dưới ruộng chỉ rập rình người xem người như ếch ra mưa, chẳng biết đền, chùa, hội hè ở đâu.
Ngày hội cũng là ngày đám, cho nên có việc giáp, việc làng, mổ bò, giết lợn. Lấy phần về hoặc ngả ra chén ngay tại đình, tại nhà đăng cai hàng giáp. Nhưng không phải chỉ có miếng thịt việc làng, việc giáp. Mà trong ngày ấy nhà nhà đều thịt gà, thổi xôi cúng gia tiên. Rồi miếng thịt phần làng, phần giáp đem về được thái ra đặt đĩa vào tráp đem biếu bà con trong họ, nhưng ở làng bên cạnh, không có hội vào dịp ấy. Đôi khi không đủ chia, còn lên chợ mua bù vào cho được đầy đặn miếng phần. Các bà cô, bà dì, ông chú ở làng bên cũng được chia vui "một miếng giữa làng" - như câu tục ngữ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro