83. Ông đồ Huỵch

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Việc của đàn ông trong nghề tơ lụa thì dệt cửi, nghề giấy thì đạp lề, giã dó, kéo tàu. Trẻ con, đánh suốt, chọn lề, nhặt dó, đôi khi bóc uốn. Nhà có thì cố cho con đi học. Trước tiên, học quanh quẩn ở làng, có ông đồ bảo chữ nho. Phải khi thời thế nhố nhăng, bút lông bút sắt lẫn lộn, nhiều thầy đồ dạy cả chữ nho và chữ quốc ngữ. Cũng là hóng cái nọ khỏi lo mất cái kia. Chữ nho còn hôi hổi đấy mà quốc ngữ thì chưa hẳn tin. Ông nội tôi ngồi bảo học chữ nho ở làng. Đến bác tôi - con trưởng ông bà nội - cũng làm thầy đồ thì khăn gói lên tận Kê vùng Mường ở Lương Sơn trên Hòa Bình, bảo học chữ nho, chữ quốc ngữ.
Mẹ tôi với tôi ở bên ngoại. Nhà ngoại nghèo, chỉ có một khung cửi. Nhưng các dì tôi và mẹ tôi cũng chưa ai đi làm mướn kiếm cơm thiên hạ. Lại vốn người ta hay ra vẻ cho đẹp mặt, huống chi, ở đất Kẻ Chợ bề ngoài thường mầu mỡ riêu cua, tôi cũng được ngấp nghé đi học. Ông ngoại tôi thậm ghét cái chữ quốc ngữ loằng ngoằng cua bò. Ông tôi dạy tôi mấy chữ Tam tự kinh, bấy giờ ông bảo: Ông nội trong nhà ngồi bảo học cả lớp, có đàn có lũ, thế mới chóng sáng dạ. Cháu học ông cả năm cũng chưa hết chữ, vì ở ngoài này không có bạn, một mình cháu chữ tác đánh chữ tộ, vừa học đã quên.
Thế là một dạo tôi được về quê nội học chữ nho. Ông tôi mua một quyển Tam tự kinh mới của bác quẩy bồ "bán sách đổi sách" vẫn vào rao trong xóm. Lại đóng quyển giấy bản để viết phóng, có hai tờ bìa phiết cậy đỏ nhoáng, thêm một trăm giấy bản đem về biếu ông nội.
Ông ngoại đưa tôi về quê.
Lớp học ở gian đầu hè, con gà mái dẫn cả đàn con lên bới xó luồn chạy qua cứt gà cuốn rác bụi bê bết, thế mà đến lúc có học trò sao mà sạch sẽ, trật tự. Tinh mơ, trưởng tràng đến cùng mấy đứa nữa, cơ chừng các anh đã cắt lượt nhau. Mỗi đứa một việc, người lấy chổi sể moi móc từ gầm phản ra sân gạch; người cầm chổi tre quét sân đất. Cái phản chõng thầy ngồi thì một đứa cầm cái phất trần đuôi gà phảy bụi. Rồi đem chiếc chiếu trơn trải ra chõng - cái chiếu lâu ngày bị hổng một lỗ to tướng ở giữa. Tuy vậy, lúc trải vẫn phải ý tứ, mặc dầu mép chiếu đã rách lươm nhươm cũng xem mặt trái mặt phải, không được trải chiếu ngược. Xong đâu đấy, bày lên chiếu cái tráp đựng sách, mặt tráp sơn đen đã loang lổ trơ gỗ, tráp đặt cạnh cái điếu bát, cái gối mây. Thầy không nằm lúc bảo học nhưng cứ phải để cái gối ra đấy, đôi khi thầy kê đầu gối, việc đã sắp đặt, lệ bộ đủ thế. Sau cùng, chiếc roi mây và cái xe điếu đặt sóng nhau để tiện tay, thầy cầm cái xe điếu hay cái roi vụt đứa có lỗi.
Trưởng tràng cắt đặt mọi công việc. Những nghiên mực, nghiên son đã được bưng ra cạnh bể nước. Tiếng mài son đều đều như tiếng cối xay lúa rì rầm dưới nhà ngang. Thầy ở trong nhà ra, cái nồi đất đun nước ngoài hỏa lò sôi đã đổ ra ủ chè. Nắm lá chè tươi ngoài vườn được hái vào từ lúc mới nhóm lò. Thầy ăn vận tề chỉnh: giày mõm nhái da trâu sống vàng ệch xởn lên; vuông khăn nhiễu tam giang chít đỡ cái búi tóc củ hành; tấm áo the thâm dài đã bợt cả hai khuỷu mới được thay hai ống tay vải nâu.
Thầy ngồi xếp bằng tròn trên mặt chõng. Thầy nhắp miếng nước chè tươi đặc. Vừa lúc từ ngoài cổng từng đám học trò lóc nhóc tới. Chẳng mấy lâu cả bọn đã đứng ngồi lổn nhổn khắp trong hiên. Anh trưởng tràng ra đếm, thấy cái thằng nhà ở xa nhất dưới xóm bãi cũng đã tới, thế là trưởng tràng vào khoanh tay: "Thưa thầy, chúng con về đủ rồi ạ".
Lớp học bắt đầu. Hôm nào mưa thì vào trong nhà, trời râm có khi nhấp nhô ngồi học bài, nằm bò ra viết phóng tập tận ngoài sân. Từ bờ ao lên thềm hiên, dần dần vang động như ong vỡ tổ. Lần lượt, mỗi đứa đến trước chõng thầy ngồi, tay cắp quyển sách bên nách, mắt ngước lên xà nhà, đứng học thuộc lòng bài hôm qua. Có thuộc bài thầy mới bảo bài mới. Không dễ đâu, lúc này hay bị ăn đòn nhất. Đứa nào thuộc bài rồi thì cung cúc về ngồi ngoài, ra rả đọc to những câu trong bài mới thầy vừa bảo. Thầy trông ra, đứa nào y a ngửa cổ như nghẹn chữ, thầy đập roi mây một cái xuống chõng rồi chỉ vào mặt. Biết hiệu, anh học trò ngồi lại ngay ngắn, đọc khe khẽ. Có hôm thầy quất vun vút vào lưng, vào vai. Ở quanh chõng, những đứa không thuộc bài phải nằm sấp xuống mặt đất, thầy sai trưởng tràng đét mỗi thằng năm roi quắn đít. Rồi từng đứa lồm cồm bò dậy lại ra ngồi học lại bài, nước mắt lã chã như nước giọt gianh, mà miệng vẫn ra rả y a...y a... y a... Một chốc, vào đọc trước mặt thầy. Đến kỳ không ê a nhai chữ nữa mới được tha đòn.
Đã học sang bài mới cả lớp rồi thầy cho viết tập. Người đã đọc đến sách Minh tâm thì được chép nắn nót từng tờ. Thầy chấm, khuyên tròn một nét son vào góc trang, thế là ngay ngắn viết khá. Tôi mới học Tam tự kinh, chỉ mới cầm bút tô chữ viết phóng đặt dưới tờ giấy bản hằn bóng mờ mờ. Chốc chốc, anh trưởng tràng lại đến liếc qua xem có viết thẳng dòng, đủ nét hay bị mất nét, trái cựa... Vô phúc nhất đứa nào viết trái cựa, trưởng tràng nắm ngay chỏm tóc hoa roi lôi đứng lên. Thầy nói nhẹ nhàng nhưng cũng đủ cho thằng ấy xanh mắt: trái cựa à, cho ba roi... năm roi... bận sau nhớ...
Đến khi lớp tan, ai viết tập xong được về trước, hai tay chắp lạy thầy rồi mới được quay ra. Trưởng tràng cắt đứa ở lại quét dọn, rửa nghiên xong mới về. Khổ nỗi, có những đứa về muộn nữa, ấy những đứa phạm lỗi chửi nhau đấm nhau và những đứa vẫn chưa thuộc bài. Phải ngồi nhai bài cũ rồi lại cố nhập tâm bài mới. Xong rồi, nào đã được ra cổng, thế là mày phải phạt, mày còn bị xuống nhà ngang giã hầu nhà thầy cối gạo. Có hôm ra vườn dỡ khoai lang, đánh gộc tre, đào củ rong giềng làm thức ăn cho lợn. Đến lúc được về, đói thót hai bên mạng sườn cứ há hốc mồm vừa đi vừa chạy.
Mỗi hôm đều đều như thế ở gian lớp học. Từng lúc, không nghe tiếng trò chuyện, tiếng cười, thì chốc chốc lại nổi lên tiếng roi mây, xe điếu vi vút vào lưng, vào đít, thế mà chẳng ai có vẻ kinh hãi. Đi học mà phải đòn là cái sự tự nhiên đứa nào cũng nếm mùi.
Có hôm thuộc bài, có hôm không. Tính tương cận y a... tập tương viễn y a... Có thế mà nhai mấy hôm chưa thuộc. Nhưng ông tôi không đánh tôi. Anh trưởng tràng cũng chẳng đụng đến tôi. Ông tôi thương tôi. Bố tôi biền biệt đi tận Sài Gòn đã nhiều năm chưa về. Kể cũng lạ, có lẽ không ăn đòn thì chẳng có cái gì để nhớ, tôi chỉ mang máng về lớp học của ông tôi như thế.
Chẳng bao lâu, tôi mới vọc vạch được vài chữ trong sách Tam tự kinh và viết mấy tờ phóng thì ông tôi ốm, rồi ông mất.
Đám ma ông tôi đông người đi đưa lắm. Các thứ đồ nhà tang làng đã sẵn, cái nhà táng khung gỗ căng vải trắng, cái kiệu võng vong gỗ mộc, những lá cờ ngũ hành đuôi nheo kẻ trắng. Học trò đi đưa thầy, cả những lớp trước, nhiều ông trưởng tràng năm xưa tóc bạc phơ chít khăn trắng. Anh trưởng tràng lớp tôi cũng được chít khăn trắng để tang thầy như con cháu trong nhà.
Tết nhất, ngày giỗ chạp, các ông trưởng tràng thăm hỏi, biếu xén, mang lễ đến nhà thầy như khi thầy còn sống. Mùa gặt mùa cấy, học trò và các trưởng tràng đến làm việc đồng áng, việc nhà thầy. Tôi về ăn giỗ đầu ông nội.
Chị Cóc bảo:
- Ông trưởng kia kìa sắp gả con gái cho anh mày. Đã đi trầu cau chạm ngõ rồi. Tôi với thằng anh con bác cả năm ấy mới lên bảy lên tám. Nhưng tôi cũng hiểu thế là nó sắp được lấy vợ là con gái ông trưởng tràng đầu bạc nọ. Ông trưởng tràng có con gái lấy cháu đích tôn của thầy, thật môn đăng hộ đối. Chồng lên mười, vợ mười lăm. Nhưng đàn bà chóng già, sau này thì vừa, thế cũng là đẹp đôi. Tôi nghe những xì xào như vậy ở các mâm cỗ. Tôi chắc nó cũng chưa biết mặt vợ. Nhà ông trưởng ấy ở xa dưới xóm bãi.
Tôi lại trở về nhà ngoại tôi. Ông ngoại bảo: "Ăn Tết xong, sang năm cho cháu lên học ông đồ Huỵch. Ở nhà lêu lổng chỉ tổ sinh hư".
Ông đồ Huỵch ngồi bảo học ở làng trên. Xóm tôi cũng có mấy đứa đương học ông đồ Huỵch. Cái tên ông đồ nghe lạ, song thường nghe thì rồi cũng quen tai. Tôi biết vậy. Đi học ngay cũng được, tôi chẳng sợ. Tôi đã học ông ngoại, lại cả ông nội ở trong quê, tôi đã thuộc mấy tờ Tam tự kinh. Tôi không sợ vì tôi chưa phải đòn lần nào. Chắc là tôi học giỏi, thế nào rồi tôi cũng thuộc trước chúng nó. Ở nhà, có hôm ông ngoại tôi buổi chiều ngồi uống rượu còn dọa cho tôi ăn lươn. Tôi đã về quê học hẳn hoi mà không phải ăn đòn lươn lần nào, tôi không hãi đi học.
Hôm áp Tết, ông tôi lại bảo:
- Thôi, không học ông đồ Huỵch được.
- Sao thế ạ?
- Tây ngoài Kẻ Chợ bắt ông đồ rồi.
- Sao Tây bắt ông đồ?
- Ông đồ làm hội kín.
Tôi chưa biết mặt ông đồ Huỵch. Cũng không biết hội kín thế nào. Chỉ biết thế là thôi không được đi học. Cả vùng chẳng còn làng nào có ông đồ ngồi bảo học.
Ở trong quê nội mấy năm nay cũng thưa vắng học trò đồng môn đến ăn giỗ và làm giúp nhà thầy. Bác cả tôi cho sêu tết nhà gái, ông trưởng tràng tóc bạc kia không nhận nữa. Lại đem tiền lên xin đền mấy cái sêu. Làng nước đồn là nhà ấy đã cho con gái ra tỉnh đi làm con sen, lấy chồng ngoài phố rồi. Từ khi ông nội tôi mất, nhà như hết lộc, sa sút nhiều. Chỉ có bác cả tôi dạy học trên Kệ, cứ vào cuối năm có mấy người học trò đưa chân thầy, đã quảy gà, gạo nương và măng, mật, khoai môn về Tết thầy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro