86. Ông trưởng Bưởi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa hạ, những rặng cây nhãn xanh thẫm bên bờ sông. Từ làng Hồ xuống Nghĩa Đô, chỗ thì lác đác, chỗ cây liền thành bãi, hoa nhãn vàng như đơm xôi trên mặt lá. Từng đàn những cánh quýt, cánh cam, bọ xít không biết vỡ tổ đâu về, suốt ngày vè vè trong lùm cây.
Mùa hoa nhãn, chúng tôi đợi những trận mưa rào xuống, nước hồ Tây dềnh lên, đổ ra sông Tô Lịch. Thế rồi, một trận mưa rào thâu đêm. Sấm chớp chìm ngập trong tiếng mưa lẫn lộn cả vào giấc ngủ. Sáng ra, thấy những cành lá lưng cây nhãn cũng lốm đốm đỏ bùn, nước bắn tới. Ngoài kia, dòng sông lờ đờ mọi khi, bây giờ nước đã dâng lên nhìn ngang mắt. Những đám bèo sen Nhật ở cống Đõ cửa hồ vỡ ra lênh đênh từng mảnh xanh ngơ ngác bên những chùm rễ bị lật ngửa trắng nhởn, mặt nước ngầu đỏ. Đường đầu chợ, nước ngập quá đầu gối, người đi về lội ào ào. Đêm mai mà còn mưa thì nước sẽ lên nữa, người ra ngoài làng có thể phải đi mảng bè chuối, thuyền thúng - mỗi năm đều thế, bè kéo vó xúm xít ngay quanh cửa cống đường Thành.
Chúng tôi chỉ đợi cái thích có thế. Mùa hè những trận mưa rào, nước lên, sông tràn bờ, trẻ con tha hồ những trò chơi mới trong làn nước chỉ mai kia lại cạn xuống, không nhởn nhơ trên sóng bây giờ thì lại phải hóng đến mùa mưa sang năm, lâu quá.
Ở chỗ ô cầu Dừa, những gọng vó và bọc lưới của ông trưởng Bưởi đã đem ra sửa soạn đồ lề kéo vó. Chân vó buộc gốc cây bưởi, chỗ ấy hôm qua còn là bãi cứt sắt của bố con ông phó rèn đổ thành đống. Bây giờ nước ngập sóng óc ách, cả nhà lò rèn phải chạy nước đã quẳng một đống sắt ngổn ngang bên lũy tre.
Nhưng trận mưa đầu mùa chỉ có một đêm. Hôm sau, nước đã xuống dưới dệ cỏ như mọi khi. Không đặt vó được, mọi thứ gọng và cần vó để gốc cây, ông trưởng Bưởi lại vác cất đi lúc nào không biết. Bố con lão phó rèn lại đem cọc lều xuống cắm bên cầu Dừa, tiếng kéo bễ phì phò, tiếng búa đập đe chí chát, chí chát tóe lửa như mọi ngày.
Cũng chẳng để ý. Chỉ tiếc nước chưa lên nữa để bơi được ở ngay trước cửa đình. Nhưng trên sông Tô Lịch mùa hè còn khối chỗ thích, dẫu sao cũng đã có trận mưa to, nước có lắng xuống rồi vẫn trong leo lẻo, lội trông thấy hai bàn chân trắng bạch.
Trên các xóm vạc làng Hồ làng Đông, làng Yên Thái có những quãng bờ sông hõm vào, vôi bám vàng chóe như bờ gạch xây, thường ngày người ta ra đãi bìa và ngâm vỏ dó ở đấy. Công việc nghề làm giấy đã vào câu hát từ xưa. Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa. Kìa giếng Yên Thái như kia... Ở trong làng mọi sinh hoạt thường được đặt vào trong câu vè đời sau kể chuyện đời trước. Chú Tước đầu to. Ba Bò quảy nước... Chú Tước hay hát tuồng, cái đầu to. Ba Bò sớm chuyên quảy nước thuê đổ vào tàu seo giấy... giếng Yên Thái như kia. Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh... Chỗ chúng tôi chơi nghịch không phải giếng thơi, giếng đất mà là bên vạc bờ sông, nhũng cái hũm đãi bìa, ngâm dó, bằng cái ao sâu ngập đầu, không biết bơi dễ chết chìm lắm. Thế mà chặp tối và những đêm sáng trăng vẫn nghe tiếng trẻ í ới đùa rỡn dưới nước.
Rồi cầu được ước thấy, dần dà vào sâu mùa hạ, những trận mưa đêm liên miên sầm sập trong giấc ngủ. Nhiều hôm, ngày nắng chang chang, đêm lại mưa.
Bây giờ không phải lên ao vạc mà chúng tôi vùng vẫy ngay khúc sông qua trước cửa đình.
Ông trưởng Bưởi lại ra kéo vó. Ông trưởng Bưởi là ai, người họ nào, người làng hay người thiên hạ đến ngụ cư. Không biết. Thỉnh thoảng, gặp ông ngủ ngoài cầu Ngói. Lúc nào cũng thấy lừ đừ chậm chậm, ông hiện ra như một bóng mây đen. Mỗi khi nước to, lại thấy ông kéo vó, ông chỉ ngồi cạnh gốc bưởi. Mặt ông, râu tóc và lông mày bạc phếch, cùng màu với cái áo nâu da bò mồ hôi muối trắng. Người ông cao cao cẳng chân đều đều như hai ống sậy, vấu đầu gối tròn như hai quả bưởi lồi ra. Người ta nói ông bị bệnh sa đì nặng. Cứ trông thấy ông, bọn trẻ lại thì thào với nhau về cái bệnh ghê rợn ấy. Một đứa tỏ ra hiểu biết, kể: "Ngày trước ông trưởng Bưởi cũng có vợ như các người lớn. Đến khi ông bị bệnh sưng bìu to lên thì vợ bỏ ông, bà ấy cõng con đi ăn mày, rồi mất tông tích. Ông trưởng Bưởi châm lửa đốt cái nhà ở chỗ kia cho hết dấu vết con người ăn ở tệ bạc. Từ đấy ông ở một mình".
Chúng tôi bơi dưới sông rồi lên ngồi xem ông trưởng Bưởi cất vó. Trong lòng vó lấp lánh vảy nước, chẳng được một con niềng niễng!
Một đứa nói với ông trưởng Bưởi, vẻ thành thạo:
- Nước to thế này, cá ra sông hết rồi. Phải nhử thính, nhử thính. Bỏ thính vào vó, cá ngửi mùi thơm mới được. Ông trưởng cho chúng cháu luyện thính bỏ vó, nhé?
Ông trưởng Bưởi nhìn bọn trẻ rồi "ầu" một cái.
Chúng tôi chạy vào trong xóm. Đứa đi xúc cơm nguội, đứa rang cám. Một chốc đã đem ra một gói thính thơm phức. Chúng tôi làm tự nhiên như cái vó của chúng tôi. Ông trưởng Bưởi ngồi thẫn thờ, để mặc. Nắm thính bỏ vào lòng vó rồi đặt xuống nước. Một lát kéo lên lao xao những con cá săn sắt đuôi cờ lại ngoằn nghèo cả con rắn mòng. Chúng tôi chộp cả cá,cả rắn xâu vào cọng hoa cỏ xước, xách lên. Chẳng có giỏ, có thúng đựng, phải ném lên cỏ.
Ông trưởng Bưởi vẫn ngồi tựa vào gốc nhãn lừ đừ nhìn chúng tôi kéo vó cho ông. Rô ron! Rô ron! Mài mại! Con mài mại! Cả con cua, con gọng vó, con cua! Ông trưởng Bưởi ngước nhìn, hàm răng móm mếu máo cười.
Chúng tôi lại nhảy xuống bơi ra giữa sông, đánh sóng dồn cá vào. Nhưng chẳng được nhách nào to hơn những con cá đuôi cờ lúc nãy.
Hôm ấy, chúng tôi kéo cho ông trưởng Bưởi được mấy vó cá cua lẫn lộn.
Không nhớ rồi từ năm nào nước sông không lên đến cầu Dừa nữa. Cả mép đá thềm sân đình vào mùa mưa cũng chẳng ngập nước. Con sông trong xanh mùa hè đi đâu mất, để lại một vệt bùn đen sẫm. Nhưng trong trí nhớ tôi, sông Tô Lịch vẫn trong xanh, khi có mưa rào đầu hạ thì nước lên, có người ra kéo vó bè ở cửa cống Đõ, cống đường Thành, có cụm bèo sen trôi và trẻ con bơi đùa inh ỏi. Ông trưởng Bưởi lại đem vó ra thả chỗ cầu Dừa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro