Bắt cá trong vườn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Những ngày nhỏ trong kí ức của chúng ta ai cũng đều có kỉ niệm đáng nhớ. Mà nếu nói về vấn đề đáng nhớ của Nấm thì quả thực rất nhiều. Nhưng hôm nay câu chuyện Nấm xin phép được kể là một câu chuyện vào  những ngày mưa gió bão bùng, sấm vang chớp giật. Khụ, hình như cường điệu hóa hơi quá đà thì phải...

Tóm cái quần lại, quê Nấm là vùng quê tuy không thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như các tỉnh miền Trung, nhưng năm nào cũng phải đi qua ít nhất một đến hai trận bão quét. Mỗi khi mùa bão về, loa đài phát thanh đầu xóm đều liên tục cảnh báo đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng tránh cơ bản. Ba Nấm đi làm ở xa, nhà chỉ có hai mẹ con loay hoay trong mớ dây rợ chằng chịt để buộc lại các cửa nẻo cho chắc chắc, gió bão mạnh khỏi thổi bay đi mất. 

Ngày mưa tầm tã, nước sông dâng cao tràn lên cả đường phố và thế là khoảnh vườn trước sân  nhà Nấm biến thành ao cá. Cá chép, cá trê, cá chuối... tung tăng bơi lượn trước sân nhà. Con bé Nấm có đời thuở nào thấy cá ngay trước mắt mà còn sống nhăn răng bơi lội bao giờ? Ra chiều thích thú tợn, Nấm suốt ngày ngồi trước mái ngói hiên nhà xối nước ào ào như thác đổ, thi thoảng vớt vài cọng rau bị bật rễ nghịch rồi lại ném ra xa xa cho lũ cá ăn. Bà Nguyệt nhìn thấy, hồi đó bà vẫn còn ở nhà, bảo: " Nấm, muốn đi bắt cá không?". Ối dời, phải nói là lúc ấy mắt con bé cứ sáng lên như cái đèn pha,  vừa gật đầu lia lịa vừa ỏm tỏi chạy vào trong bếp... lấy rổ. Bà Nguyệt bật cười thấy con bé Nấm đội cái xoong nhôm trên đầu, hai quai còn buộc bằng sợi dây diều cho chắc chắn, quần xắn cao lộ rõ bắp chân gầy nhẳng như cành củi khô, tay xương xẩu cầm cái rổ như sắp ụp vào mặt nước đến nơi phấn khích đứng trước mặt mình. 

Thế rồi, hai bà cháu bì bõm lội vào trong nước, chuẩn bị chiến dịch "đánh bắt cá xa bờ". Cá bơi chủ yếu ở bên trong vườn, chỗ nhiều rau muống để luồn lách, Nấm tay lăm lăm rổ úp cá căng mắt ra quan sát. A, một con kìa. Nấm quay sang nhìn bà ra hiệu, định triển khai thế rào trước đón sau, không chừa lối thoát. Ào, mặt nước rung lên dữ dội, tay nó úp rổ xuống nhanh như cắt.

Chiều đó, Nấm bắt được con cá to bằng bắp tay mẹ, đem nấu riêu chia cho bà Nguyệt một nửa. Cái rổ sau khi hoàn thành chiến tích rách tơi tả do bị úp quá mạnh tay, sau này thành rổ mẹ đựng củ hành treo trên gác bếp.

Đêm hôm sau, Nấm lên cơn sốt cao không dứt. Bão vẫn còn, cây đu đủ góc vườn bà Nguyệt bị giật gãy, nổi lềnh bềnh nhưng không trôi đi được. Mẹ mặc áo mưa, lao ra khỏi căn nhà cấp bốn mái ngói đang nhỏ tí tách nước vì dột. Tiếng nước mưa chạm tí tách rơi vào xoong nồi nghe thật vui tai. Mẹ đi đến trạm y tế xin thuốc cho Nấm, trong lúc ấy, nó đang khóc rấm rứt gọi mẹ trong cơn mê sảng. Lần đầu tiên trong bão, nó sốt đến tận bốn mươi độ, tiêm mấy nhát cũng chưa khỏi.

*****

Cơn bão năm đó là cơn bão đáng nhớ nhất trong đời Nấm, cũng là cơn bão to nhất trong hơn mười mấy năm cuộc đời nó khi nước lên cao đến độ cá từ sông bơi vào vườn. Nhưng kỉ niệm về cơn bão ấy, không phải bát canh cá mà là hình ảnh mẹ đội chiếc nón ướt nhẹp, chân đi ủng lội từng bước đi vào trong làn mưa khiến con bé bướng bỉnh này lần đầu thấy mẹ vĩ đại biết bao.
Về sau mẹ vẫn hỏi:

- Nấm, hôm nay về quê bắt cá với mẹ không?

Nấm:
- ...

Mẹ, mẹ không cố tình đấy chứ.

Đùa thôi. Mùa nước nổi, ở quê Nấm cá nhiều, lại toàn con bụng trứng. Đem hấp lên với gừng... ngon quá!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro