Chiếc va li bị bỏ quên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quyên mò mẫm đi một mình trong đêm.

Đoạn đường này không có đèn đường, tối như mực. Hai bên đường, những ngọn cỏ tranh với lưỡi lá sắc lẹm như dao, cố lấn lướt ra mặt đường bê tông, cọ vào chân Quyên, rát buốt.

Nó vẫn cắm cúi rảo bước, dù không biết đích đến ở đâu. Đoạn đường trước mặt tăm tối như chính cuộc đời nó vậy. Cả quãng đường vắng lặng, không một bóng người qua. Chỉ nghe thấy tiếng những con ếch ộp trong bụi cỏ um tùm, và tiếng lạch cạch của chiếc va li cũ mèm, loang lổ bẩn trên tay Quyên trượt qua những mặt đường mấp mô.

Qua cửa sổ những ngôi nhà xa xa, Quyên thấy bóng dáng người phụ nữ bận rộn bên bếp và những gia đình quây quần bên mâm cơm nóng hổi ngày đông. Nó thèm muốn biết bao cái cảm giác ấy. Nó cũng từng có một ngôi nhà...

____________________________________________

Ngôi nhà Quyên từng có là một ngôi nhà đầy nắng, nằm cạnh một con sông nhỏ chảy qua làng. Trước cổng nhà, giàn hoa giấy đỏ rực như muốn át đi cái nắng chói chang của mùa hạ. Căn nhà ngói đỏ xinh xinh đó là nơi nó đã có một gia đình đẹp như mơ với đầy đủ bố mẹ và hai chị em gái.

Quyên vẫn nhớ rõ từng gốc cam sau nhà, nơi hai chị em nô đùa. Nó nhớ rặng chè hằng ngày bố tỉa tót. Nó nhớ cả luống rau xanh ươm của mẹ. Từng ngõ ngách trong nhà vẫn còn hằn trong ký ức và cả trong trái tim nó. Nhưng căn nhà ấy giờ không còn chào đón nó nữa rồi.

Hạnh phúc thường ngắn ngủi và rất mong manh. Những bữa cơm sum vầy, những nụ cười giòn của căn nhà ấy biến mất dần vào năm Quyên 7 tuổi. Tiếng cười đùa dần thay bằng tiếng chửi rủa, cãi vã, và cả tiếng chén bát vỡ. Gia đình Quyên tan vỡ khi mẹ nó phát hiện ra bố nó có người khác bên ngoài. Quyên run rẩy, nép mình dưới tấm chăn dày, cố dùng đôi tay bé nhỏ bịt tai mình lại. Từ ngày đó nó không hay cười nữa.

Chị cả lấy chồng xa, cuộc chia tay của bố mẹ chỉ còn một vấn đề là nó. Từng là một cô công chúa nhỏ, giờ đây Quyên như gánh nặng của cả bố và mẹ, là một quả bom nổ chậm mà không ai muốn. Sau cùng, bất đắc dĩ, mẹ phải nuôi nó với điều kiện bố nó sẽ ra đi tay trắng.

Sau vài tháng sống với mẹ, Quyên phát hiện thái độ của mẹ với mình ngày một khác đi. Bà đi sớm về khuya, không còn thường xuyên chải tóc hay mua áo quần cho nó nữa. Bà đang bận bên một niềm vui mới. Và chỉ ba tháng sau, mẹ nó dắt về một người đàn ông xấp xỉ tuổi bố, bắt nó gọi là dượng.

Một năm sau đó, Quyên có thêm một đứa em trai. Mẹ và dượng vô cùng cưng chiều em, coi Quyên như cái gai trong mắt. Một đứa bé gần 9 tuổi phải làm hết tất cả các công việc nhà. Từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, rồi phải trông em. Thế nhưng vẫn không thể giảm được sự cay nghiệt của người mẹ với đứa con gái "dư thừa". Mẹ nó bắt đầu tìm cách đẩy nó qua cho bố với lí do "Vì ông không đưa tiền trợ cấp cho nó đi học".

Người bố đón nhận nó với ánh mắt lạnh lùng và câu nói:" Mày phải tự biết bổn phận của mày". Sau khi ly hôn, bố sống ở nhà của người vợ mới mà nó gọi là "dì". Để được đi học, được có cơm ăn, Quyên tự động làm tất cả việc nhà và luôn khép nép với dì, không dám hé nửa lời. Mỗi khi dì vu vơ cáu giận, bố nó cũng không thèm mở miệng nói giúp nó một câu, thậm chí có khi còn đổ thêm dầu vào lửa, hùa vào mắng chửi nó. Quyên chỉ im lặng.

Cuộc "sống gửi" ấy cũng không êm đềm được bao lâu. Dì và bố Quyên cãi nhau, hai bố con phải ra ngoài tìm phòng trọ để ở. Tiền lương của bố chỉ đủ trả tiền trọ và tiền ăn cho hai bố con. Cáu gắt, bố nó mắng chửi nó thậm tệ. Quyên chỉ im lặng. Mười hai tuổi, một cô bé bắt đầu đi tìm việc làm thêm để trang trải học phí.

Dần dà, sau nhiều lần qua nhà dì, bố nó và dì đã làm hòa. Nhưng vì cho rằng nó là nguồn cơn của tất cả, bố không cho nó về nhà dì, sợ dì mích lòng. Ông chuyển về nhà một mình, để nó ở lại phòng trọ và gửi tiền cho nó trả tiền trọ mỗi tháng. Để trang trải học phí và tiền ăn, nó đi làm tất cả mọi việc có thể, mỗi ngày trở về phòng khi trời tối với thân thể rã rời. Nhưng số phận chưa thôi trêu ngươi nó.

Hai tháng đầu tiên, bố nó gửi đủ tiền đóng trọ. Nhưng từ tháng thứ ba, số tiền ấy cứ ít dần đi. Và sáu tháng sau, nó không còn nhận được một đồng nào nữa. Nó cũng không dám đến nhà dì hay nhà mẹ để xin. Vì nó biết, thay vì tiền, thứ mà nó xin được là một tràng chửi rủa thậm tệ đuổi nó đi.

Đó là một mùa hè năm nó lớp 9. Nó quyết định nghỉ học, dành toàn bộ thời gian để đi làm. Từ rửa bát, bưng bê, bán báo, bốc vác hàng, nó nghiệm qua tất cả các công việc để nuôi sống bản thân. Mỗi ngày nó làm ba việc để kiếm được nhiều tiền hơn. Cô chủ trọ thông cảm, bớt tiền trọ cho nó, cuộc sống ổn dần hơn. Những ngày rửa bát trong một quán cháo sáng, Quyên vẫn thường hướng đôi mắt đầy hâm mộ của mình đến những đứa trẻ được bố mẹ đưa đi học. Nó thèm muốn hơi ấm. Nó cũng muốn đến trường.

Hai năm sau, sau khi tích góp được một ít tiền, là số tiền mà Quyên không quản nắng mưa hay lễ tết để làm, mặc kệ bệnh tật ốm đau, nó quyết định đến chỗ chị gái nương nhờ. Nó biết hi vọng từ mẹ và bố đã vụt tắt từ lâu. Nên nó rất tha thiết vào chị gái, ngọn nến leo lét trong cuộc đời tăm tối của nó. Quyên trả trọ, mang theo chiếc va li cũ nát bố để lại cùng số tiền ít ỏi lên thành phố tìm chị.

Mấy năm không gặp, khi nhìn thấy chị gái, Quyên hét lớn, trong mắt lộ rõ niềm vui sướng. Đã rất lâu rồi Quyên không cười như thế, không vui như thế. Nhưng đáp lại sự nhiệt tình của nó là vẻ mặt lạnh tanh của chị gái. Chị chỉ nhàn nhạt bảo nó theo về. Quyên tự an ủi lòng mình, rằng do chị đã lâu không gặp mình nên mới thế thôi.

Ở trong nhà anh rể, Quyên như một người xa lạ, giống một khách trọ hơn là người thân. Nó cũng tìm việc làm mới để đưa cho chị, phụ vào đóng tiền ăn. Mối quan hệ của họ dường như rất mờ nhạt, bởi ban ngày khi Quyên đi làm, họ đã đi rồi. Lúc nó trở về, họ cũng đã ngủ. Quyên ngầm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Bình yên chẳng tày gang, sau khi chị gái biết nó có một chút tiền tích góp, nó đã tin tưởng giao cho chị, vì nó nghĩ từ nay chị sẽ như là mẹ của mình. Nhưng không. Một tháng sau, chị lấy lí do bất tiện, để nó chuyển ra trọ sống. Và từ đó nó lại trở về với cuộc sống chạy ăn từng bữa như trước kia.

Thành phố bước vào những ngày mưa rả rích. Để kịp cho công việc buổi chiều, Quyên mặc kệ những hạt mưa như trút, chạy từ quán cơm đến tiệm trà chanh. Vì mắc mưa và không ăn uống đúng giờ, Quyên ốm, một trận ốm nặng như thể tích lũy hết những cơn ốm vặt nó bỏ qua suốt mấy năm nay vậy. Nó sốt cao không ngừng, và chỉ có thể uống nước chanh nóng cho qua cơn sốt. Chi phí ở thành phố đắt đỏ hơn ở quê rất nhiều, nó không dám chi tiền ra đi bệnh viện hay mua thuốc. Tiền phòng trọ đã là một gánh nặng với nó rồi.

Nhưng trận ốm này sao không như những lần trước. Nó mê man mấy ngày liền. Trong phòng chỉ còn một ít gạo, Quyên gắng gượng nấu cháo húp cho bớt cồn cào. Đầu nó nặng như chì, tay chân rụng rời. Trong cơn mê, nó mơ thấy căn nhà ngói đỏ với giàn hoa giấy trước cổng. Nó thấy cả nhà đang hóng mát trước hiên trong một ngày hè, và thấy hình ảnh hai chị em tranh nhau nhũng củ khoai nướng ngày đông buốt giá. Đó là những ngày đẹp nhất đời Quyên. Và nó cũng mê thấy những ngày còn đi học, rảo bước trên đường làng cùng chúng bạn. Nhưng rồi bão giông kéo đến, nó thấy một đứa bé gái với thân hình còm nhom, gầy gò đang bán báo trên đường tấp nập người qua. Quyên rùng mình tỉnh giấc. Nó đã bớt sốt.

Cơn sốt đã lui dần. Quyên cựa mình, thở dài trong đêm. Quanh căn phòng trọ bé xíu, gió rít lên từng cơn buốt giá. Xung quanh chỉ nghe thấy tiếng gió lẫn tiếng thở dài thườn thượt của Quyên. Nó nghĩ về cuộc đời mình và khóc. Vào đời khi chỉ mới mười hai tuổi, chật vật khổ sở năm năm ròng chỉ để được tồn tại, Quyên đã dần quên cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc với nó là thứ trân quý và xa xỉ đến độ nó không bao giờ có thể chạm tay đến.

Quyên nhớ đến những người từng là "gia đình" của nó. Liệu họ có còn nhớ rằng họ đã từng có một đứa con, một đứa em gái như Quyên? Quyên không biết. Càng không muốn biết. Biết rồi chỉ càng làm bản thân đau đớn hơn thôi.

Mang theo hơi thở nặng nề, Quyên dần chìm vào giấc ngủ. Nó mơ về một ngày đầy nắng, nó sẽ lại được đi học. Nó mơ về một mái nhà, một gia đình, một nơi để nó có thể dựa vào lúc ốm đau mệt nhọc. Mặt trời dần hửng lên.

Quyên vẫn còn hơi sốt. Nhưng nó phải dậy. Nó đã nghỉ làm bốn hôm nay. Nó vẫn phải đi làm, để sống, để tồn tại. Nó lê thân thể nặng nề của mình đến chỗ làm.

Cô chủ có vẻ hơi ngạc nhiên khi thấy nó. Nghỉ làm bất ngờ mấy hôm, cô chủ đã thuê người khác vì tưởng nó nghỉ hẳn. Để cô không khó xử, nó bảo rằng sẽ nghỉ luôn và nhận số lương ít ỏi nửa tháng qua, cúi đầu cảm ơn rồi quay đi.

Số tiền lương của cả ba chỗ làm vừa nhận chỉ đủ cho Quyên cầm cự trong khoảng hai mươi ngày. Sáng nay lúc nó đi ra khỏi phòng, bác chủ trọ đã nói rằng nếu nó không trả hết tiền trọ đã nợ 4 tháng qua, bác buộc phải để nó đi. Nó hiểu. Nó rất biết ơn bác rất nhiều vì đã cho nó nợ tiền 4 tháng trời. Quyên thầm nghĩ: "Người thân của mình thậm chí còn không chứa chấp mình thì vì lí do gì một người lạ lại cho mình ở mãi chứ".

Quyên trở về phòng trọ, thu dọn hành lí của mình. Gọi là hành lí chứ thực ra chỉ có chiếc va li cũ mèm của bố để lại, và một chiếc túi vải nhỏ đã ngả màu. Vừa kéo vừa xách cái va li, trên vai đeo chiếc túi cũ, Quyên bước vào phòng bác chủ. Nó đưa một nửa số tiền lương vừa nhận lúc sáng cho bác, cúi gập người cảm ơn và xin lỗi rồi quay đi. Bác chủ nhà nhìn theo nó rồi nhìn số tiền trên tay, thở dài.

_____________________________________

Ra khỏi khu trọ, Quyên rảo bước đi về một nơi vô định. Nó chợt nhớ rằng từ hôm qua chưa có gì vào bụng, và nó ghé vào một cửa hàng tiện lợi, mua một chiếc bánh mì cùng một hộp sữa, rồi ngồi trước cửa kính nhìn dòng người tấp nập qua lại. Đã rất lâu rất lâu, nó mới có một bữa ăn đàng hoàng như thế, một bữa ăn có thể nói là sang trọng với nó. Dòng người vẫn qua lại như khung cửi, nó trệu trạo nhai bánh mì như bò nhai trấu, nghĩ về tương lai của mình. Bây giờ nó về đâu?

Trời chập choạng tối. Quyên đứng dậy. Ngồi ở cửa hàng nguyên cả buổi chiều, Quyên thấy những ánh mắt kì lạ của nhân viên, nhưng nó không quan tâm lắm. Nó đã quen rồi. Nó còn trải qua những thứ tồi tệ hơn thế, bị người ta khinh bỉ, giẫm đạp dưới chân, nó vẫn bình thản. Nó quen với sự khắc nghiệt của cuộc đời, quen với sự giẫm đạp của người khác.

Quyên rảo bước trên phố. Thành phố xa hoa quá, hoa lệ quá, không phù hợp với một đứa như nó. Nó cố tìm một con đường vắng vẻ, và với chiếc va li cũ, cứ bước đi vô định như thế. Đôi bắp chân bị cứa rát buốt bởi những lá cỏ tràn ra mặt đường. Quyên mặc kệ. Nó cứ bước.

Đột nhiên, một chiếc xe máy từ đâu chạy đến, không đèn, gào rú inh ỏi trong đêm. Quyên không kịp tránh. Chiếc xe lướt nhanh qua người nó. Nó không giữ thăng bằng được, ngã xuống bụi cỏ ven đường. Chiếc xe thản nhiên đi qua, con đường lại tĩnh lặng như cũ.

Quyên nằm giữa bụi cỏ, rét buốt, hơi lạnh của sương đêm thấu qua chiếc áo mỏng thấm vào xương cốt. Đột nhiên trời nổi gió, tiếng gió rít giữa đêm đông cắt ngang màn đêm tịch mịch. Một vài hạt bưa lay bay rơi xuống mặt, xuống tóc Quyên. Chúng lách tách đùa nghịch trên những lá cỏ mơn mởn xanh, trước mắt cô bé. Quyên vẫn nằm như thế, nó không muốn dậy, hoặc cũng không còn đủ sức lực để dậy nữa. Cuộc đời đã nhẫn tâm giẫm bàn chân của mình lên một cô bé chỉ mới mười bảy tuổi đời. Nó vẫn luôn gắng gượng đưa tay đỡ lấy bầu trời đã sập xuống từ lâu trên đầu nó. Nhưng dường như giờ đây tay nó đã mỏi nhừ, và nó muốn ngừng chống cự.

Đôi mắt Quyên mở to nhìn lên bầu trời, dùng ánh nhìn tuyệt vọng nhìn những hạt mưa lay bay trong gió, nhí nhảnh nhảy trên cỏ. Con bé thèm muốn một điều gì đó. Nó chợt bật cười. Nụ cười chua xót đau đớn đến chảy nước mắt.

Quyên mặc kệ tất cả, nằm giữa những lá cỏ um tùm như đang đưa tay ôm lấy cô bé bất hạnh. Chiếc va li cũ nát bị xe máy va vào, văng ra, nằm chơ vơ bên vệ đường. Giữa trời đông như cắt da cắt thịt, một cô bé và một chiếc va li cũ nằm cạnh nhau. Cô độc tột cùng. Dường như ai đó đã bỏ quên chúng.

Một ngày mưa, tháng 10,

Vân.                     

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro