Chuyện của Lửa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Lửa có khác nhau không? Lửa cháy trong bếp, lửa cháy trên đồng, lửa trong lò thiêu, lửa của mặt trời. Tôi chỉ biết rằng, lửa luôn nóng.

Nóng, nóng quá. Tụi em có thấy nóng không? 

Lửa đã cháy rồi, đã rời khỏi đó thì còn trở về làm gì? Tụi em vẫn không nghe lời chị, bởi vì không chịu nghe lời nên lửa mới cháy lan ra như thế. Nhưng, chị chịu nóng quen rồi, sẽ không giận đâu.

Người con gái đeo ba lô, phía sau là một chàng trai một tay kéo vali một tay xách túi đàn. Tiếng bánh xe "lộc cộc lộc cộc".

Tôi đứng trước sân nhà, nhìn hai đứa em của mình trở về từ phương xa, mặt trời sắp lặn, ánh hoàng hôn đỏ cam như màu ánh lửa, dù ở xa nhưng vẫn nóng. Tôi có rất nhiều lời muốn nói, cuối cùng chỉ còn đọng lại một suy nghĩ: Sao lại về làm gì?

Hai đứa chẳng nói chẳng rằng đem đồ bỏ vào phòng. Nhà tôi có sáu người, bốn chị em, ba gái một trai. Nhà không lớn, bếp để nấu rượu, cạnh bếp chất đầy củi và dụng cụ làm đồng, phòng lớn đặt bàn thờ và bàn trà, hai phòng ngủ, một của ba mẹ một của bốn chị em tôi, bốn đứa chen nhau trên cái giường, trời nóng như trong lò lửa, người nằm bên cạnh nóng như than.

Tôi đi theo sau hai đứa, chỉ đứng nhìn hai đứa bận bịu như một người ngoài, bởi vì tôi không biết nên nói gì cả.

Ở nơi này chúng tôi là một vùng đất không đủ bốn mùa, quanh năm chỉ có mùa nóng, ánh mặt trời thiêu đốt từ đêm đến ngày, ngày nóng đến choáng váng, như bị hầm trong nồi, chiên trên chảo, đêm không có mặt trời chỉ có mặt trăng, mặt trăng thay mặt trời rọi sáng, cũng thay mặt trời hun nóng. Không ngủ nổi, lưng vừa chạm ván gỗ đã túa mồ hôi.

Tôi nhìn những giọt nước bắt đầu xuất hiện trên trán hai đứa, mọi cảm xúc hóa thành suy nghĩ than thở, mọi lời than thở muốn thốt ra nhưng không vang tiếng động. Tâm trí ngổn ngang, quả tim như bị đục thành một cái hồ, não hét thật lớn, tim nghe thật nhiều, âm thanh vọng tới cổ họng thì tắt nghẽn.

Tôi muốn nói, mấy em còn nhớ hồi đó mỗi đêm đi ngủ không? Bởi vì trời nóng quá nên bé Út luôn hét khóc, khóc mệt thì rên rỉ không chịu ngủ, mọi người phải thay phiên nhau ẵm đi khắp nhà. Chị là người ẵm nó nhiều nhất, đi đến nỗi dép mòn muốn đứt quai, chân mỏi nhừ mất cả cảm giác. Đi từ lúc trăng vừa lên cho đến khi ở tít trên đỉnh đầu, đi cho đến khi ruộng nương thương tình thổi vào cho một cơn gió nhẹ, khẽ đến nỗi chỉ thổi được vài cọng cỏ nơi chân tường, nhẹ như thế mà ru ngủ được bé Út, em Ba, em Tư, cả ba cả mẹ. Chỉ có chị vẫn tỉnh táo đứng im, ngửa đầu nhìn thẳng trăng trên trời, giống như đang chờ đợi điều gì đó, hay là muốn xuyên thủng thứ gì đó.

Cho dù sau này Út bệnh nặng rồi, không khóc nữa, nó im lặng một thời gian rất lâu, chị cũng không ẵm nó một thời gian rất lâu. Cho đến một ngày nhà lại nóng rồi, lúc đó chỉ còn mình chị ẵm được nó, dù bé Út không còn khóc nữa nhưng chị vẫn ẵm nó đi khắp nhà, lâu dần cũng không cảm nhận được cảm giác mỏi chân nữa.

Tôi nhìn con Ba và thằng Tư dọn dẹp căn phòng, rốt cuộc không suy nghĩ cách nói chuyện với hai đứa nữa mà đi xuống bếp.

Trời nóng, nhưng tôi không xa được bếp lửa. Xây lên từ cát và xi măng, lửa cháy sáng đêm không tắt, luôn phải ngồi canh chừng để nấu rượu.

Lửa cháy hừng hực, không nhỏ, thế mà đốt không được chuyện riêng của từng người, nhỏ nhặt, nhỏ nhặt, nhỏ nhặt, nhỏ đến nổi lửa không thèm đốt, hay là nhỏ mà nén nặng nên lửa đốt không nổi. Dù đốt cháy được mảnh nhỏ thành tro, nhưng tro bụi bám dày trên tường, thổi không hết.

Trong nhà của chúng tôi, ba tôi không thích nói chuyện, nhưng mẹ nói rất nhiều, nói thay phần của ba. Mẹ thích nói rất nhiều chuyện, chuyện nhà nào bán đồ cân thiếu cân gian, chuyện chợ rau chợ thịt chặt chém ra sao, chuyện con trai nhà ai thi đậu trường tốt, con gái nhà ai ăn cơm trước kẻng phải đi cửa sau. Chuyện đàn bà nhà nào tư tình, đàn ông nhà nào ăn phở ăn bánh ở ngoài, chuyện đồng ruộng, chuyện thời tiết, rồi chuyện nhà. Xem thử nhà nào được thì gả con Ba, trường nào rẻ thì cho thằng Tư học, hôm nào mời thầy về cho con Út.

Tôi áp tai vào vách tường, mẹ cứ liên thiêng nói mãi nói mãi, tôi cứ ngồi nghe mãi nghe mãi. Ngoài tôi còn có chuột trong lu gạo, có bóng tối trong góc bếp, có cả gió. Gió mới đáng sợ, tôi nghe nhưng tuyệt đối sẽ không nói ra, chuột chỉ trộm gạo không nói chuyện, bóng tối chỉ nuốt lấy âm thanh chứ không nhả, chỉ có gió. Gió không cần nghe chuyện của ai, nhưng mẹ nói lúc gió thổi qua, gió không cần giữ chuyện của mẹ, nên gió mang đi, thủ thỉ khắp nơi.

Mẹ không nói cho tôi, nhưng tôi biết được tất cả. Tôi đã nhắc nhiều lần, mẹ phải cẩn thận, tôi nghe được thì sẽ có người thứ hai nghe, nhưng tôi không nói, là gió nói, mẹ chẳng ngăn được gió.

Ba tôi không nói chuyện, rất ít nói rất ít cười, chuyện ba hay làm nhất là không làm gì, chỉ im lặng đứng nhìn. Trong nhà tôi giống ba nhất, chỉ biết nghe, không biết cách nói chuyện. Có con Ba với thằng Tư giống mẹ, thích nói chuyện, suốt ngày nói linh tinh đủ thứ chuyện trên đời, con Út thì chỉ biết khóc, không biết nói.

Nhưng đó là rất lâu trước kia, từ sau khi lửa cháy lớn, tôi đã bắt đầu thích nói chuyện, lảm nhảm từ sáng đến tối đủ chuyện trên đời, giống mẹ. Nhưng con Ba với thằng Tư thì ít nói hẳn đi, tụi nó không thích nói chuyện với ba, không thích nói chuyện với mẹ, cho đến con Út cũng thay đổi, không khóc vì nóng nữa, chỉ im lặng, nhiều đêm ôm nó vào lòng chỉ thấy lạnh.

Con Út từ khi sinh ra đã hay khóc, không có lý do, chỉ có âm thanh hét lớn để mở đầu và sụt sịt để kết thúc. Cơ thể nó rất nhỏ, tay chân bé xíu nhưng sức lực và nước mắt rất nhiều, một mình nó khóc cả nhà chẳng ai dỗ lại, cũng chẳng ai chịu nổi. Nó cứ khóc mãi, khóc mãi. Nước mắt của nó nếu trữ trong lu, một lần lấy ra cũng dập tắt được ngôi nhà đang cháy, nhưng nước mắt thì sao mà giữ lại được. Vậy nên không có đủ nước để dập lửa, cũng không có mưa để dập đám cháy của ngôi nhà, dập không được thì chờ xem nó thành tro, thành bụi, tường cháy thành màu đen, mặt đất cũng đen, mái nhà rơi lả tả như nước, đồ vật trong nhà làm bằng gỗ, thành than. Lúc này lại nhóm thêm một ngọn lửa, lần này phải cẩn thận, lửa nhỏ thôi.

Cửa sau nhà đóng kín, không gian góc bếp u tối, ánh lửa chập chờn, bụi tro bám dày trên mặt đá, lửa vàng bám chặt trên than củi âm ỉ cháy, soi một góc tối.

"Cạch"

Tiếng chân ghế đẩu chạm phải sàn đất. Tôi đang cầm cây đẩy củi trong lò, con Ba ngồi xuống bên cạnh, ngơ người ra nhìn vào ngọn lửa, trên trán lấm tấm mồ hôi.

Đi đường mệt lắm hả? Muốn uống trà đường không chị pha cho, ở chỗ đó thế nào rồi, sống có tốt không? Thằng Tư học hành thế nào, đã trở thành nhạc sĩ chưa? Em có thích ai không? Không thương thì đừng cưới ai cả, đừng nghe lời mẹ. Chỗ em ở có gì hay không? Có siêu thị tiện lợi hay khu vui chơi với một đàn ngựa xoay tròn không?

Tôi nghĩ rất nhiều, nghĩ nhiều đến nỗi chẳng biết nên nói gì, bắt đầu từ đâu. Thời gian trước đó tôi vẫn hay nói, nhưng từ ngày hai đứa nó rời khỏi nhà, trong nhà chỉ còn ba với mẹ, tôi bắt đầu ngại nói chuyện lại.

"Lục cục"

Cây củi do con Ba bỏ vào, làm đổ những cây trước đó đang chồng lên nhau. Nó cuối cùng cũng tỉnh táo lại, đứng dậy, rửa mặt, thay đồ.

Ba à, chị nhớ lúc nhỏ em rất thích truyện cổ tích, thỉnh thoảng cứ hỏi chị về đủ mọi thứ. Đêm đó trăng tròn, em hỏi chị "Trung thu chị Hằng có xuống không?"  Chị trả lời em là "Không"em liền bác bỏ, em nói rằng thằng Tư nó gặp rồi, còn được nhận quà, chị nói dối em. Nhưng chị nói thật, chị Hằng sẽ không xuống nơi này, nơi này nóng như vậy, áo váy dài thì làm sao chịu nổi. Chị cũng từng thấy chị Hằng rồi, đi với mẹ lên huyện, trong lớp học của thằng Tư, váy màu trắng dài che chân, tóc đen ngang lưng. Chị còn thấy chị Hằng của em thay đồ cùng với một giáo viên nam, vậy nên biết chị Hằng đó là giả, nhưng chị cũng biết bút màu thằng Tư nhận được là thật, chị còn muốn lén chạm vào, tiếc là chẳng kịp làm gì thì đã gãy nát hết, mỗi nơi một mẩu.

Tôi đi lên trước nhà, thằng Tư đang ngồi trên bậc thềm hút thuốc. Tôi ngồi xuống bên cạnh nó, lại im lặng. Thật ra từ khi còn nhỏ chúng tôi vẫn luôn im lặng với nhau thế này, tôi không biết cách nói chuyện, nó thì không biết nên nói gì với tôi. Lần cuối nói chuyện như hai người chị em có lẽ là khi thằng Tư năm tuổi, lần cuối nó kêu tôi "Chị ơi" cũng đã là khi ánh lửa bùng lên, kể từ lần đó thì mỗi khi đứng trước mặt tôi nó chẳng nói lời nào nữa.

Thật ra dù không nói chuyện, trước khi nó tám tuổi tôi vẫn dẫn nó đi chơi, tôi thích chơi với đất nhất, ngâm chân vào đất, lăn lộn trong đất.

Xung quanh rất nóng, nhưng đất rất mát. Trời càng nóng tôi càng thích vùi mình sâu vào đất, tuy đất mát nhưng cũng rất tối, trong đất không thấy được ánh sáng."Vậy không có ánh sáng rọi từ trong lòng đất hả chị?"Lúc đó thằng Tư hỏi tôi, tôi không biết. Có ánh sáng bùng lên từ mặt đất không? Ánh sáng có rọi tới chúng tôi không? Hay ánh sáng đó là ánh lửa do chúng tôi tạo ra?

Bây giờ tôi trả lời được rồi, nhưng nó không hỏi nữa, tôi nói nó cũng không nghe nữa.

Khói thuốc bay lên, Tư à, em từng nói với chị muốn làm nhạc sĩ chơi guitar, bây giờ còn muốn sao?

Em không nói chị cũng biết, bởi vì chị thấy túi đàn em cầm vào mà. Từ nhỏ em đã giỏi những thứ như thế, chị không hiểu gì về nghệ thuật cả, chỉ được tính khôn lỏi, có một bàn tay mà ai cũng thích, nhưng chị biết trong nhà ngoại trừ bé Ba ai cũng biết là thông minh, em mới là đứa giỏi thứ hai. Em có một đôi mắt biết nhìn mọi thứ, có một đôi tai biết nghe, mỗi thứ em thấy mỗi thứ em nghe đều tốt đẹp, khác hẳn với những gì chị biết, vậy nên chị càng muốn em rời khỏi đây, rời đi trước khi em nghe và thấy được những gì không đáng.

Tôi lại nhớ, có lần thầy tôi đến, là sau khi tôi nghỉ học. Ý muốn mang theo thằng Tư lên huyện học, nhận làm con nuôi. Ban đầu là gặp riêng thằng Tư trước, nói được vài câu thì nó đã bắt đầu thái độ muốn tiễn khách, thầy đành bỏ về.

Tôi cố nói chuyện với nó, nhưng mặc tôi nói gì nó cũng im lặng không đáp, tôi vô hình. Tôi tức tối quay lại góc bếp của mình, ngồi xem lửa nhún nhảy, xem lửa muốn đốt cháy mọi thứ nhưng không đốt được chuyện gì.

Ngày hôm sau thầy lại đến nhà, ba mẹ vui lắm, buổi nói chuyện đó chỉ có thằng Tư không biểu hiện gì, nó vẫn im lặng, từ chối hết mọi lời răn dạy, mắng chửi. Ba mẹ liên tục la mắng, nó luôn luôn im lặng, lúc đó tôi cảm thấy so với người chết còn im lặng hơn.

Nó im nhưng tôi nói, tôi nói nhưng chẳng ai nghe. Chỉ có chuột nghe, bóng tối trong góc nghe, không biết lửa có nghe không, hiện giờ không có gió, gió không quan tâm đến tôi, ít nhất gió đem chuyện của mẹ đi khắp nơi, nhưng gió còn chẳng ghé ngang lúc tôi nói.

"Tắt thuốc đi, vào ăn cơm." 

Con Ba từ trong gọi với ra, câu đầu tiên nó nói từ khi về nhà.

Ba mẹ chưa về, đã lâu rồi ba mẹ chưa về nhà. Từ ngày con Ba với thằng Tư rời đi, ba mẹ cùng nhau đến một ngôi chùa cũ, rốt cuộc căn nhà có sáu người từng ở này, chỉ còn mình tôi.

Tôi không vào mà ngồi trên bậc thềm, mắt nhìn về phía đồng ruộng. Ruộng lúa không có người trồng, cỏ dại mọc lên xen lẫn cây lúa khô chưa gặt, từng thửa ruộng nối liền với nhau thành một mảnh đất. Mảnh đất rộng mênh mông xen lẫn vàng và xanh, kéo dài mãi đến tận nơi chân trời. Rộng lớn, rộng đến mức đi mãi không thoát. Chật hẹp, chật đến mức vừa ngẩng đầu nhìn trời xanh thì đã vội cúi xuống, bởi vì ánh nắng chói chang, nơi nơi là nắng nóng, không chỗ nào có thể tránh lâu.

Nơi cánh đồng rộng, khoảng trời hẹp ấy, chim chưa bao giờ bay hết khoảng trời, nửa đường bị kéo lại, rơi xuống. Vết máu trên bụng trắng, vết máu trên đầu, vết máu trên chân, do đạn đá tạo ra. Theo đường chim bay, ánh mắt tôi cũng không ngừng rơi xuống, cuối cùng chỉ còn nhìn thấy màu đỏ.

Tôi thử ngẩng đầu nhìn lên, mắt thấy không phải bầu trời xanh như kỳ vọng, chỉ có mái tôn, vài chỗ bị hoen gỉ thành màu nâu đỏ. Nhìn xem, nếu bây giờ tôi bay lên, đụng đầu vào mái tôn rồi cũng sẽ rơi xuống.Tôi nhìn một hồi lâu. Hôm nay gió không thổi đến nơi này, hôm nay có thể nói chuyện.

Trời tối nhưng vẫn nóng.

Con Ba vừa tắm vào thì đã bắt đầu đổ mồ hôi, lúc trước trong nhà chỉ có một cây quạt điện cũ, sau khi hư mất thì dùng quạt bằng tay, vẫn chưa mua lại cây mới. Mấy cây quạt tay cũng biến đâu mất, không có quạt đêm nay làm sao mà ngủ đây? Tôi quen rồi, nhưng hai đứa ở xa về sao chịu nổi. Đang lúc không biết làm sao thì thằng Tư từ trong đi ra, cầm trên tay hai cây quạt nhỏ, đưa cho con Ba một cái.

Tôi im lặng ngồi cạnh, đêm rồi, đom đóm hiếm khi thấy bỗng dưng cũng xuất hiện, đang vui mừng vì có người về sao? Vậy đom đóm thay cả tôi nói lời chào mừng với em tôi nhé.

Thằng Tư với con Ba bắt đầu nói chuyện, trời hôm nay không có trăng, chỉ có sao, tôi ngồi đếm sao, cũng lặng lẽ nghe hai đứa nói.

Đến giữa đêm, hai đứa cuối cùng cũng nói đến mệt, rủ nhau leo lên giường đi ngủ. Tôi không đi theo, vẫn ngồi đó nhìn trời. Mặt trăng trốn mất hút sau mây, ngôi sao yếu ớt tỏa sáng.

Một

Hai

Ba

Bốn

Tôi đứng dậy đi xuống góc bếp của mình, đầu dựa vào vách tường cháy xém thành màu đen.

Năm

Sáu

Bảy

Tám

Chín

Mười...

Đợi đến khi tôi không nhớ rõ bản thân đếm đến bao nhiêu, cuối cùng tiếng gà cũng vang lên. Tôi vẫn đang ngồi gần lửa, lửa vẫn đang cháy, trời đã gần sáng.

Tôi hơi nhớ con Út, đã lâu lắm không gặp, chỉ một khoảng thời gian sau khi con Ba và thằng Tư đi khỏi, nó cũng rời đi. Đáng lẽ tôi cũng nên đi rồi, nhưng tôi bỏ không được, tôi chẳng còn gì cả, nhưng không bỏ được cái gì cả.

Tôi đứng dậy đi lên phía trên, cái bàn học cũ có ánh sáng nhỏ, thằng Tư đang ngồi đấy, dưới tay đè một tờ giấy và đang viết gì đó. Tôi bước lại đứng bên cạnh, hình như là viết thư. Ngón tay dài đè chân đèn cầy, sáp nóng chảy xuống dính vào tay nó, dường như nó không thấy nóng.

Thật ra trong nhà tôi là người ghét nóng nhất, nhưng tôi không ghét lửa, bởi vì lửa là ánh sáng. Mỗi khi trời tối, xung quanh rất ít ánh sáng, muốn làm gì cũng phải cố bu bám giành chỗ ngồi cạnh nguồn sáng gần nhất. Nhìn thấy ánh sáng nhưng không cảm nhận được sức nóng của nó, một chút không cẩn thận sẽ chạm nhầm vào ánh lửa, con thiêu thân lao vào lửa, có con nào sống trở ra?

Tôi luôn là người ở gần ngọn lửa nhất, dường như là dựa lưng vào lửa. Lửa cháy, linh hồn tôi cũng đang cháy, lửa đốt củi thành tro thì tắt, nhưng lửa đốt không hết được linh hồn tôi, giống như chuyện cũ, đốt mãi không xong.

Lại thêm một con thiêu thân khác bay ra từ ánh lửa, rơi xuống, trúng mu bàn tay thằng Tư. Nó cầm viết mực nước, lớn rồi nhưng lúc cầm viết ngón tay vẫn lem nhem màu xanh, mặt không thể hiện bất kì cảm xúc nào, như bị kẹt đĩa mà nhìn chằm chằm vào ngọn lửa.

Tôi nhớ, thầy từng nói với tôi thứ nóng nhất trên đời này là mặt trời, thứ hai là lửa, thứ ba là máu. Tôi không thể chạm được mặt trời trên cao, nhưng lửa và máu đỏ thì có thể. Đốt bếp lửa, chặt đầu gà, bụi lửa bay ra, máu gà bắn lên mặt, nhưng không nóng. Thứ lửa và máu mà thầy nói, tôi chạm được rồi nhưng không thấy nóng.

Nhưng có một ngày, lửa lan tràn, thiêu đốt luôn cả ánh sáng mặt trời, ngôi nhà sáng lên cùng ánh lửa, nóng rực.

Lần này lửa không phải do tôi nhóm, nhưng cháy rất nhanh, cháy cũng rất rộng. Gió ngang qua vui đùa thổi, lửa được gió đưa đi càng xa.

Tôi tỉnh lại từ giấc ngủ trưa, không suy nghĩ được gì cả, ngoài tiếng la hét của người bên ngoài thì trước mắt chỉ còn ánh cam ở khắp nơi, đầu cũng choáng váng. Tôi kéo tay con Ba và thằng Tư nằm bên cạnh, chẳng kịp nhìn mặt đứa nào, loạng choạng tìm cái cửa gần nhất, lửa cháy cao lên đến đầu gối, mặc kệ, tôi cứ vậy đẩy mạnh hai đứa ra ngoài. Hai đứa bị tôi đẩy ra ngoài nằm bẹp trên nền đất, không đứng dậy nổi, nước mắt chảy ra, chúng nó cứ ngoảnh đầu về tôi la lớn, giọng khàn gọi: "Chị ơi."

Đừng khóc, chị còn phải tìm bé Út, còn bé Út nữa. Mấy đứa thoát khỏi lửa thì hãy chạy xa đi, đừng ngoảnh đầu lại.

Lửa gắn liền với cả cuộc đời của tôi. Ngày tôi sinh ra nghe nói mảnh đất sau vườn cũng cháy lớn, sau này lớn lên tôi lại giúp nhà trông coi lửa, lửa cháy mãi cháy mãi, đốt hết bao nhiêu thứ. Linh hồn như tàn lửa âm ỉ cháy, không thể tắt ngóm cũng chẳng thể bùng lên. Lửa luôn luôn nóng nảy, tôi nhìn cánh cửa, lửa cháy cao lên hơn một chút, tôi lùi lại, đi về phía bếp. Bé Út vẫn còn ở đây, cùng tro bụi bám vào vòm bếp, nó vẫn luôn ở đó chờ tôi, sao tôi bỏ cho được.

Ánh sáng có bùng lên từ mặt đất không? Tôi đoán là có, bởi vì lửa cháy rồi. Thứ ánh sáng mang theo sức nóng, bám trên bức tường đất như keo dính, tường đất nứt ra, thông qua khe nứt đó tôi còn thấy được ánh lửa màu cam chói giống mặt trời, hơi nóng phả vào mặt. Nóng, nóng hơn cả nước mắt.

Tư à, nước mắt của em, của bé Ba, của Út, của mẹ và của chị, nước mắt chỉ làm chị thấy như bị bỏng, còn lửa lột xuống một lớp da của chị, như miếng da heo bỏ vào chảo dầu, phồng rộp lên, nổi bong bóng, da như muốn tách ra khỏi thịt, âm thanh xì xèo của mỡ. Mũi nghe mùi khét, lửa trong mắt đã sắp thành màu đen, sắc cam, vàng nhỏ nhặt lẫn lộn, đau lắm.

Mấy đứa à, lúc Út chết là vì lạnh đấy. Mẹ tưởng ai cũng không biết nhưng chị thấy mà, Út sinh ra đã rất yếu lại còn bị tật, là một đứa con gái, lại còn nhiều lúc yếu ớt như sắp chết, vậy nên đôi lúc chị không biết ba mẹ có thương Út không. Ngày đó Út bệnh nặng mấy tuần liền, người nóng đỏ hừng hực, không ăn không uống, ngoài nước mắt chảy ra và tiếng thở yếu ớt để nhận biết nó còn ở đó, dường như bất cứ lúc nào Út cũng có thể biến mất. 

Mẹ quấn Út bằng khăn lớn, tận mấy lớp để đi ra ngoài, sau khi về mẹ nói với mấy em, nói với ba, nói với chị là Út chết rồi, nhưng mẹ không biết chị đi theo, chị thấy Út vẫn còn khóc đấy, tiếng khóc yếu ớt khò khè đứt quãng. Rồi mẹ đợi Út ngừng khóc, mẹ chầm chậm vừa ôm vừa thả Út xuống hồ, cái hồ đó nông, toàn bùn, nhưng bởi vì cái hồ nông như vậy mà Út chết thật rồi. Lúc đó mẹ còn khóc, chị không biết sao nữa, mẹ giết Út rồi, mẹ giết Út rồi, nhưng mẹ khóc, sao vậy? Mấy em có nhớ năm mẹ phát hiện cái hũ đựng tro chị giấu trong góc bàn thờ không? Mẹ đổ hết vào bếp lửa đang cháy, lúc đó chị khóc khản giọng, mẹ gào khản tiếng. Hai đứa em không biết gì, ba im lặng không nói gì, chỉ có mẹ không ngừng mắng chửi, chỉ có chị không ngừng khóc. Nước mắt nóng ướt cả áo, sau đó mẹ cũng khóc, mẹ và chị cùng khóc, nước mắt nóng nhanh chóng lạnh đi, chị cũng ngừng khóc. Biết không, thứ mẹ đổ vào bếp lửa không phải là tro đâu, là Út đấy.

 Chị mang Út lên từ cái hồ, đem tới lò hỏa thiêu, bỏ vào cái bình. Bởi vì trong đất tối lắm, vậy nên chị không chôn mà bỏ vào bình, nhưng giờ chị mới nhận ra trong cái bình đó cũng tối lắm, tối như vậy Út có sợ không. Hai đứa nói xem, Út có nóng không? Ở lâu trong lửa như vậy có nóng không? Chị chỉ ở ngoài bếp lửa mà đã nóng không chịu nổi, lửa chỉ mới bám vào da thịt một chốc mà chị đã không chịu nổi. 

Dựa vào vách tường nóng lên vì lửa, màu đỏ thành màu đen, hai đứa em tôi có bước ra khỏi lửa chưa? Tôi có thể bước ra khỏi lửa không? Em của chị à, mấy em có cánh không? Để bay lên như chim sẻ ấy. Chị không có cánh, bị lửa đốt cháy hết rồi. Vậy nên chị không rời khỏi lửa được đâu, chị bước ra khỏi lửa thì ai cũng sẽ thấy được vết sẹo mà chị giấu đi. Ngoài mẹ, không ai biết tôi có một vết sẹo ở chân ngực, từ khi mười hai tuổi đã có. Lúc đó thầy đang dùng miệng xoa cho tôi thì bị mẹ phát hiện, thầy giật mình cắn mạnh quá nên da thịt bị rách ra, để lại sẹo. Vết sẹo đó vẫn luôn được tôi cẩn thận giấu kín cho đến khi chết đi. Tôi bước ra khỏi lửa rồi, nhưng xác thịt đã cháy đen thành than, nằm mãi trong lửa đỏ, vậy nên không có ai biết cả. Mẹ cũng không biết tôi không chỉ có một vết sẹo như thế. Nóng hơn cả lửa là gì? Trong sạch là ai, nhơ bẩn là thế nào?

 Con sông đầy rác trôi nổi, nước sông một màu đen, hôi thối. Bên dưới không chỉ có rác do gió thổi xuống mà còn là đồ vật bị đánh mất, không chỉ có rác mà còn có xác. Xác chết của chim, của chó mèo nhà ai đó, của chuột cống chuột đồng, có cả xác của người. Sông không tự nhiên nhiều rác như thế, là từng chút từng chút chất đầy nên, từng chút nhơ bẩn. Thân thể cũng thế, linh hồn cũng càng như thế. Từng chút nhơ bẩn, từng chút chết đi. 

Từ nhỏ tôi đã được khen là khôn, khôn lắm, vậy nên người khác đang làm gì tôi nhìn qua là hiểu rõ, hiểu rồi, nhưng thế thì sao? Tôi chỉ muốn bay. Tôi cho rằng chỉ cần bay khỏi vùng đất này thì bỏ vài cọng lông trên cánh cũng không sao hết, nhưng cánh chim phải có đủ lông mới cất cánh được, tôi không có đủ, bị bứt xuống, bị lửa đốt trụi, tôi bay không được nữa, bay không nổi nữa.

Mấy em có biết không, ba cũng thích nói chuyện. Chị từng thấy ba nói rất nhiều chuyện với con trai của nhà bán thịt, lớn hơn chị mười lăm tuổi, là em trai hàng xóm của ba lúc nhỏ, học trên thành phố trở về nơi này mở một tiệm sách. Giọng ba rất hay, hai người thường nói chuyện rất lâu với nhau, lần nào cũng nở nụ cười rất vui vẻ, nhưng ba lại không thích nói chuyện với tụi mình, mấy em có thấy lạ không? Có nhớ ba từng đem về cho mình rất nhiều sách tranh không? Mua của cửa hàng nhà đó đấy. Chị còn chưa đọc hết thì mẹ đã lấy nhóm bếp, bỏ hết tất cả vào bếp lửa vẫn đang cháy lớn, từng trang giấy tiêu tán trong ánh lửa, ba nằm trên giường, tay gác che đi mắt, nước dọc theo thái dương chảy xuống gối, ướt đẫm. Kể từ đó cũng không thấy ba đến hiệu sách nữa. Còn có, chủ tiệm sách đó đang đợi một người, nghe nói anh ta là một người biến thái thích con trai, anh ta vẫn đợi người anh ta thương đi lính trở về. Trùng hợp, ba mình cũng từng đi lính. Ba vẫn còn giữ bộ đồng phục, cái nón, vỏ viên đạn và một chiếc khăn trong một cái hộp gỗ tự khắc, không để ai chạm vào. 

Chị thấy rồi, cái khăn cắt từ vải thô đã ố, trên đó thêu hai chữ xiêu vẹo, chỉ sắp tuột ra, một là tên ba, một là tên của chủ tiệm sách.

Các em có thích nghe mẹ nói chuyện không? Mẹ nói nhiều lắm, đủ thứ chuyện, ngoài ba thì chị là người nghe nhiều nhất, bởi vì có lửa nên chị còn biết chuyện mẹ nói đâu là thật, đâu là giả. Mẹ nói ba là người đầu tiên mẹ thương, nhưng thật ra người đầu tiên mẹ thương là thầy giáo của mẹ, nhưng mẹ chỉ dám lén thương thôi, bởi vì hai người khác biệt lớn quá, không với nỗi. Mẹ thương người thầy lớn hơn mẹ mười tuổi, bà ngoại bắt mẹ nghỉ học nhưng mỗi lần lễ mẹ vẫn đem quà đến tặng thầy chỉ vì mong cầu một vài phút gặp mặt, một cái nắm tay. Thư tay mẹ viết cho thầy thời trẻ xếp đầy trong hộp, cho đến lâu sau này mẹ gả cho ba theo lời bà ngoại, sinh ra chị, bé Ba, mỗi đêm mẹ vẫn đọc lại.

Cho đến một ngày lúc mang thai thằng Tư, mẹ đi xuống bếp, vừa khóc vừa bỏ từng lá thư vào bếp lửa. Bởi vì thầy của mẹ trở thành chồng của người khác rồi, mẹ thương không được nữa, lén thương cũng không được. Mà, cuối cùng mẹ vẫn bỏ không được, lén viết lại trong một quyển tập, chữ xiêu vẹo không thẳng hàng, chọi nhau với ô ly, viết gần đầy hai quyển tập.

Chuyện tụi em không biết rất nhiều. Lửa không mang chủ đích đốt thứ gì, nhưng chỉ cần gió thổi qua, lửa sẽ phừng lên thiêu cháy mọi thứ, cho dù thiêu không hết được cũng phải nhấn chìm thứ đó bên trong lửa.

Chuyện lửa đốt hết, chị đã nghe được rồi. Chuyện lửa đốt không hết, chị cũng đã nghe được rồi. Nhưng chị không nói với ai cả, gió không thổi qua từ ngày đó, vậy nên không ai nghe được nữa. Thật ra lời chị muốn nói nhất với hai đứa là, đừng khóc. 

Lửa cháy, tôi gần lửa, cả đời. Đến lúc chết cũng chết cùng lửa, tôi không rời được cái vùng này, cũng không rời được lửa, nhưng tôi không hận lửa. 

Bởi vì lửa đốt tôi, vậy nên tôi mới gặp lại bé Út, lần nữa ôm em vào lòng. 

Bởi vì lửa đốt tôi, vậy nên tôi mới có thể thoải mái đứng cạnh người nhà, nói ra lời cả đời không dám nói. 

Bởi vì lửa đốt tôi rồi, hòa tôi cùng với lửa, vậy nên tôi mới biết được nhiều chuyện mà gió không biết được, chuyện mà mẹ không kể, tôi không thấy.

Bởi vì lửa nên chị mới thấy được, hai đứa em chị cho là mạnh mẽ nhất lại khóc nhiều như vậy. 

Chị vẫn luôn nhìn thấy, vẫn luôn biết có một thời gian dài hai đứa luôn đợi trời tối, bởi vì ánh sáng sẽ phơi bày tất cả, vậy nên hai đứa chỉ đành đợi đến đêm, lén chôn đầu sâu vào gối khóc đến nỗi lồng ngực nhấp nhô không ngừng, đừng khóc, sao lại khổ sở thành như vậy, đừng khóc, sao lại đau thành như vậy chứ.

Từ nhỏ hai đứa đã cứng đầu, trong nhà chị với ba ít nói nhất, cố tình hai đứa chỉ nghe lời chị nói. Nhưng chỉ duy nhất một chuyện, chuyện quan trọng chị luôn nhắc từ khi hai em còn bé, "rời khỏi nơi này" các em nghe nhiều nhất nhưng không quan tâm nhất. Bởi vì ngày đó lửa cháy lớn, các em rốt cuộc mới nhớ lời chị nói.

Bé Ba à, em Tư à, may mà hai đứa đã thoát khỏi cái vùng này rồi. 

Cả cái vùng này là một ngọn lửa lớn, là một cái lò hỏa thiêu khổng lồ đốt xác người không vang âm. Thiêu rụi con người từ khi mới sinh ra, thiêu cho đến khi họ già cỗi, linh hồn đã chết, thân xác chờ được mục rữa, chờ mãi chờ mãi, chờ hoài sao không thấy được chết đi? Lửa trong nhà do chị đốt, lửa đốt chị là do chủ tiệm sách. Tụi em có hận không? Đừng hận, ông ấy cũng bị cái vùng này đốt đen rồi. Ngày đó trong vùng có hai đám cháy, một là của nhà chúng ta, một là tiệm sách của ông ấy. Đều cháy đen cả.

May mà các em cuối cùng vẫn chịu nghe lời chị, nhấc chân bước khỏi ánh lửa, rời được là tốt.

 Đừng khóc, không cần khổ sở nữa đâu, lửa cháy xong rồi, đã cháy xong từ lâu rồi.

"Chị ơi."

Tôi đưa tay đặt lên vai thằng Tư. Ngẩng đầu nhìn bên ngoài, tia sáng đầu tiên xuất hiện trong mắt.

Con Ba đứng trước bàn thờ, tiếng vừa rồi là nó gọi. Nhan được cắm vào lư hương, bụi lãng đãng trong không khí, làn khói mỏng bay lên. Dường như tôi còn có thể nghe thấy mùi quế lẫn vào đấy.

Thằng Tư đứng dậy mở rộng cửa chính, ánh sáng mặt trời dường như chỉ chờ như vậy để xông vào, rọi sáng mọi ngóc ngách, không cho phép che dấu bất kỳ thứ gì. Bức ảnh sau làn khói nhang, gương mặt thiếu nữ vô cảm, tôi mỉm cười.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro