Chuyện đạo đời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện đạo đời

Tác giả: Thích Nhuận Thạnh

Lời nói đầu

Có những buổi chiều ngồi một mình trong thư viện của chùa Hoằng Pháp, lần đọc lại các truyện ngụ ngôn, kinh Pháp Cú, kinh Bách Dụ... tôi cảm nhận ra được rằng trong những mẩu chuyện đơn giản ngắn gọn này, nhiều khi còn mang cả tính hài hước và lại chứa đựng cả một khối triết lý đồ sộ, buộc người ta phải dùng tuệ giác để quán sát và suy ngẫm thì mới nhận chân ra được một phần nào thâm nghĩa mà cổ nhân muốn gởi gắm. Dù trải qua bao thế hệ con người vào giai đoạn nào đi nữa, những câu chuyện này vẫn có một sức sống mới, vẫn còn một sức giáo dục sâu xa. Trên suy nghĩ đó, chúng tôi có ý muốn sưu tập lại những câu chuyện hay mang tính triết lý cao về đạo đức và quan điểm sống, để tập viết thêm vào những lời bình. Chúng tôi đã đem suy nghĩ này trình lên với đại đức Thích Chân Tính, và được Người hoan hỷ khuyến khích. Thầy động viên chúng tôi: "Nếu làm được điều gì có lợi ích cho Phật pháp, cho mọi người thì nên tích cực mà làm". Từ thiện nguyện tốt đẹp ấy của Người, chúng tôi đã sưu tầm rất nhiều sách báo với những mẩu chuyện hay mang ý nghĩa như trên và tập lại thành một quyển sách nhỏ đặt tựa là CHUYỆN ĐẠO ĐỜI. Trong đó, có những mẩu chuyện chúng tôi giữ nguyên, có những mẩu chuyện chúng tôi phải dàn dựng lại cho phù hợp, cũng có những mẩu chuyện chúng tôi tự sáng tác, và trong tất cả các câu chuyện đó, chúng tôi điều có thêm phần góp ý. Với ít kiến thức nhỏ nhoi trong lời bình và trong cả cách diễn đạt, biết rằng chúng tôi không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, vì thế, mong quý vị độc giả khi xem, nếu có gì sai sót xin niệm tình tha thứ.

Công đức này nếu có, chúng tôi xin thành tâm hướng nguyện về đại đức Thích Chân Tính, trụ trì Chùa Hoằng Pháp, về những huynh đệ đạo hữu đã nâng đỡ và dìu dắt chúng tôi, về những thiện cảm chân tình tốt đẹp nào đã luôn mang đến cho tôi, và cho tất cả những ai đã luôn sẵn sàng yểm trợ mọi mặt đến tôi trên bước đường tu tập.

Những ngày hè Hoằng Pháp

Thích Nhuận Thạnh kính ghi

Hại người thành hại mình

Xưa, có một người thù địch với một người khác, anh nghĩ không ra phương pháp báo thù. Cứ uất ức trong lòng mãi không lúc nào vui. Có người hỏi:

- Anh vì sao mà uất ức buồn rầu?

Anh ta trả lời:

- Có một người thường hay nói xấu tôi thậm tệ. Tôi tức giận vô cùng. Tôi hằng nghĩ cách phục mối thâm thù ấy, nhưng nghĩ mãi không ra, nên tôi tức giận và buồn khổ vô cùng.

Người kia nói:

- Có thể đọc một câu chú bí mật thì người kia chết tức khắc. Nhưng trì chú này sẽ có một triệu chứng nguy hiểm, nghĩa là sau khi trì xong chú thân anh phải chết trước. Tôi nhận thấy tốt hơn anh đừng trì, thì khỏi bị thảm cảnh người thù chưa bị hại mà chính anh đã bị hại rồi.

Người kia nghe thế không cần tính toán, suy nghĩ mà hết sức vui mừng.

- Xin ông làm ơn dạy cho tôi câu thần chú ấy, tâm muốn báo thù của tôi mãnh liệt vô cùng; miễn sao kẻ thù của tôi có thể chết, dù thân tôi có chết trước tôi vẫn vui lòng!

Lời bàn

Một kiếp người ngẫm cho cùng cũng thật là ngắn ngủi phù du. Có nhiều người ta mới gặp hàn huyên tâm sự chưa được bao lâu, thì nay họ đã ra người thiên cổ! Vậy thì gây thù kết oán với nhau làm chi, khiến đời sống của mình sinh thêm phiền não? Tại sao mỗi người không sẵn sàng mở rộng vòng tay để yêu thương và giúp đỡ nhau, để đối xử tốt với nhau cho cuộc đời được tăng thêm phần ý nghĩa?

Ta đừng bắt chước những kẻ có bản tính hung hăng lúc nào cũng thích gây sự với người khác. Những người hung ác như vậy thì đâu được ai ưa, trái lại người ta còn tìm cách xa lánh.

Ta nên biết nhường nhịn nhau để sống, một sự nhịn chín sự lành. Vẫn biết con người dù hiền đến đâu cũng có lúc nổi giận, vì trong thất tình của con người có sẵn tình "nộ" là giận! Giận cũng là bản tính bình thường nhưng nếu khi giận mà biết dằn cơn giận của mình xuống được, kiềm chế nó được là điều tốt. Dân gian có câu: "No mất ngon, giận mất khôn". Vì khi cơn giận nổi lên thì ta chẳng khác người khùng, mặt mày đỏ như gấc chín, mắt long lên dữ tợn, dáng vẻ hung hăng, chỉ muốn đập phá cho hả giận. Vì vậy trong kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: "Ngọn lửa tham sân si đốt cháy muôn ngàn rừng công đức". Vì vậy, nếu không khéo nhường nhịn thì hậu quả xấu tất nhiên sẽ xảy ra, gieo nhân thì gặt quả, đó là điều tất yếu.

Muốn sống được yên vui hạnh phúc, ta cũng đừng nên gây thù chuốc oán với ai! Thà mình chịu nhường nhịn, để người có lỗi sẽ có lúc nhận chân ra được lỗi lầm của họ thì họ sẽ cảm phục ta hơn, bởi vì ta đã tu tập hạnh nhẫn nhục để hóa giải những khổ cho chính mình và cho người khác.

Nhưng cũng không ít nguời vì lòng sân giận sai khiến, hủy hoại thân mình một cách đáng thương. Họ bị lòng sân hận dẵn dắt, đưa mình vào con đường hại mình hại người một cách vô cùng đáng thương và bi thảm để rồi mãi trầm luân vĩnh kiếp không thôi! Xin chấp tay nguyện cầu tha lực của chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh hiền giúp họ mau mau phản tỉnh, dùng pháp từ bi thanh tịnh hòa bình để tu sửa đối trị thân tâm, khiến cho mọi người trên cuộc đời đều được an vui tự tại.

Anh đúng tôi sai

Có hai nhà ở cạnh nhau, nhà bác Ba Thọ sống hòa thuận vui vẻ, nhà chú Năm Thao thì ba ngày một trận cãi nhau to, năm ngày một phen ầm ĩ, đến gà chó chẳng yên, không cái gì sống yên tĩnh. Một hôm, chú Năm Thao vì hiếu kỳ chạy sang nhà bác Ba Thọ hỏi thăm:

- Vì sao nhà anh không nghe một tiếng cãi nhau, sống lại hòa mục vui vẻ vậy?

- Vì người nhà tôi ai cũng nhận mình là người xấu, do đó mới nhẫn nại với nhau, an ổn vô sự. Còn nhà anh ai cũng cho mình là người tốt, do đó tranh luận không thôi, thường thường đánh nhau.

- Đây là đạo lý gì?

- Ví như trên bàn để một chén trà, có người vốn làm vỡ, chẳng những không chịu nhận lỗi, còn phùng mang trợn mắt mắng lớn:

- Ai để chén trà ở đây?

Người để chén trà cũng chẳng chịu thua cãi lại:

- Tôi để đó thì sao? Tại anh vô ý làm vỡ nó chứ!

Hai người chẳng nhường nhau, tự cho mình là người tốt, khư khư không bỏ, đương nhiên đánh mắng nhau. Ngược lại, người làm vỡ tách trà nếu như có thể nhỏ nhẹ nói:

- Xin lỗi, tôi vụng về làm vỡ tách trà rồi!

Đối phương nghe xong cũng lập tức đáp:

- Điều này chẳng thể trách anh, đáng lý tôi không nên để tách trà ở đó!

Hai bên đều nhận lỗi của mình, nhường nhịn lẫn nhau làm sao cãi vã được?

Lời bàn

Nếu trong cuộc sống ai cũng có tuệ giác để có thể soi sáng và dẹp bỏ bản ngã, biết hạ mình trước người khác để nói lời "xin lỗi, tôi lầm!", có thể tự cho mình là xấu, thực hành hạnh nhẫn nhục, bỏ ra ngoài tai những lời chê khen của người khác, trừ khi những lời chê đó là đúng, thì nên theo đó mà sửa mình.

Và có những phút giây chúng ta phải ngồi lại thiền quán để nhận biết những biến chuyển trong dòng tư tưởng và xả bỏ mọi thứ một cách hiểu biết có chánh niệm như một dòng nước chảy xuống liên tục và tiếp nối, để rồi ta có thể sẵn sàng nhường lại những hạnh phúc cho người khác nếu họ có nhu cầu, còn chỗ xấu có ảnh hưởng đến lợi ích của người khác làm cho họ không vui, không được hạnh phúc thì ta xin nhận lãnh. Thường khen người, tôn trọng người để học tập hạnh từ ái. Từ chỗ nhượng bộ, chịu thua mà có thể rèn luyện tâm tánh, dùi mài được ý chí lớn lao. Trải lòng thương với mọi người chung quanh làm rộng lớn tâm lượng của mình. Nếu mọi người đều thực hiện được như vậy thì nhất định là gia đình sẽ hạnh phúc và xã hội sẽ an vui.

Bồ-tát và chúng sinh

Trời vừa dứt mưa, một bà cụ khoác áo tơi đi ra phố, gặp một chú bé đang nghịch nước bẩn bên vệ đường, bà cụ cau mặt quát:

- Thằng bé! Mày có lên ngay không? Khiếp!

Thằng nhỏ phản đối:- Cháu xí cái vũng này từ hồi đầu mới mưa! Bà kiếm cái khác đi, thiếu gì!

Lời bàn

Bồ tát là những vị phát Bồ đề tâm rộng lớn, trên cầu làm Phật, dưới nguyện độ tất cả mọi chúng sinh đang chìm luân khổ não trong biển sinh tử luân hồi. Riêng chúng ta thì có thể hiểu một cách đơn giản, rằng tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ thì ta đã có mầm Bồ tát trong lòng rồi! Nhưng cuộc đời thì luôn đối lập với nhau. Tâm Bồ tát thì tạo dựng rất khó, nhưng lại rất dễ bị thối thất, nếu như chúng ta không có một niềm tin chánh kiến. Bạn có biết tại sao không?

Là khi chúng ta phát tâm tu Bồ tát hạnh là đi đến đâu mọi người cũng hoan hỷ đón chào, mà chúng ta cũng sẽ bị những chướng duyên và nghịch cảnh thử thách, cản trở con đường tiến tới, bởi vì ta đang trên hành trình lội ngược dòng sinh tử luân hồi thâu gọn thời gian của vô lượng kiếp thành một sẽ không có quá khứ hiện tại và vị lai. Nên nhiều khi ta sẽ bị sốc trên chặng đường dốc ngược, bắt buộc ta phải vượt qua để hoàn thành tâm nguyện! Như trường hợp của bà cụ già kể trên chẳng hạn. Vì những gì ở đời mà người ta đang ưa thích mà mình cản trở thì coi chừng là mình sẽ bị nghi là mình muốn đạt cái sở thích ấy.

Chúng ta phải trang bị cho chính mình một hành trang nhẫn nhục lớn lao để chuẩn bị bước vào cuộc sống với tâm hạnh Bồ tát, sẵn sàng làm đẹp cho đời.

Công đức ăn chay

Chuyện xưa kể rằng, Cố Thuận Chi là một nhân vật hiền đức, chuyên ăn chay, từ trước đến nay chưa bao giờ ăn mặn. Một hôm ông nằm ngủ, rồi ngủ luôn một giấc suốt bảy ngày đêm, khiến cho người nhà phải một phen âu lo cuống quít. Sau khi tỉnh giấc, ông thuật lại với mọi người trong nhà: "Quả là một cuộc hành trình vô cùng ý nghĩa! Đêm ấy, ta đang nằm ngủ thì mơ màng thấy có người đến gọi: Ôi chao ! Đã ngủ rồi sao?".

"Hóa ra là pháp sư Đạo Quang, vị Đại sư mà hằng ngày ông kính trọng. Ngài nói: "Cố cư sĩ, chúng ta hãy đi nghe kinh nhé!" Tự nhiên ta cảm thấy vô cùng thích thú, liền đáp: Đi thì đi!".

"Thế là chúng ta cùng đến một đạo tràng rất quy mô rộng rãi. Đạo tràng này trang nghiêm nhã khiết. Tại đó có khá đông thính chúng. Pháp đường trước thì giảng kinh Kim Cương, pháp đường sau thì giảng kinh Báo Ân".

"Vị cao Tăng giảng kinh Báo Ân đến lúc kết thúc dạy rằng: "Các cư sĩ tại gia ăn thịt thì điều cần nhất phải giữ giới không sát sinh. Một là để siêu độ cho cha mẹ, hai là để tiêu trừ tội nghiệp của chính mình. Còn những Phật tử có đạo tâm từng ăn chay thì cố giữ gìn kiên định". Kế đến pháp sư Đạo Quang dẫn ta đi đến một nơi mà vừa mới chạm mắt đã phải kinh hồn, đó là một cái hồ máu!".

"Ở chính giữa cái hồ máu có một người đàn bà khóc la thảm thiết, trên thân bà thì vô số những con ốc, con giun đang bò qua, bò lại. Pháp sư giảng một cách rõ ràng: "Thân mẫu hiện tại của ngươi nhờ công đức ăn chay, làm phước của ngươi nên đã được cứu độ, còn người trong hồ ấy chính là mẫu thân trong đời quá khứ của ngươi, vì bà ta thích ăn thịt vịt nên ngày nay mới ra nông nỗi ấy! Nếu ngươi muốn cứu độ bà thoát khỏi khổ báo thì cố gắng tụng chú Đại Bi và chú vãng sinh!".

"Đó chính là giấc mộng vừa rồi của ta!".

Từ đó, Cố Thuận Chi còn tin công đức của việc trì trai là rất lớn, và lòng tin ấy càng ngày càng kiên cố.

Lời bàn

Hiện nay số người ăn chay trên thế giới càng ngày còn đông. Đối với người Việt Nam chúng ta, nói đến ăn chay thì thường nghĩ ngay đến đạo Phật hay những người phát tâm tu hành theo Phật giáo. Đối với Phật giáo, ăn chay là thể hiện lòng từ bi vô biên của người con Phật, lòng yêu thương và tôn trọng mạng sống của muôn loài, vì biết rằng mọi sinh vật dù lớn, dù nhỏ đều sợ đau đớn, đều muốn sống còn. Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: "Không nên giết hại vì ai cũng muốn sống, đồng thời cũng không nên gây tổn hại cho mọi chúng sinh, dù chính mình không trực tiếp cầm dao để sát sinh vật, nhưng ăn thịt tức là gián tiếp cổ động cho người khác sát sinh". Cũng theo như kinh Pháp Bảo Đàn, khi ngài Huệ Năng đến huyện Tào Khê thì bị bọn ác tâm tìm kiếm để não hại, Ngài phải lánh sang vùng Tứ Hội để tỵ nạn và ở chung với nhóm thợ săn trong vòng 15 năm. Trong thời gian này, Ngài cũng lợi dụng lúc thuận tiện để thuyết pháp hóa độ họ. Và các danh nhân trên thế giới từ Đông sang Tây đều quan niệm, rằng lòng từ bi và yêu thương các sinh vật là động cơ chủ yếu cho việc chay tịnh, vì chay tịnh nên lòng từ bi lớn mạnh, khi có lòng bi lớn mạnh thì công đức phát sinh. Nói như văn hào Leon Tolstoi: "Sự sát sinh đã làm cho những con người vốn có một tâm hồn cao thượng, có lòng vị tha đối với mọi người như đối với bản thân mình, đã trở thành những kẻ hung bạo".

Nghiệp còn nặng

Đang quét sân chùa, thấy một cô Phật tử đem một lồng chim đi vào, tiểu Tâm Minh mừng rỡ chạy ra chào:

- A Di Đà Phật chào cô!

- Để cho con phóng sinh giúp cô!

Cô Phật tử liền giải thích là cô không có ý định phóng sinh tại chùa, mà chỉ có ý định là nhờ chùa giữ giùm để ngày mai đem về chùa dưới phố phóng sinh trong dịp ở đó.

Tiểu Tâm Minh chấp hai tay tiu nghỉu than thầm: "Mua chim từ chợ xách về chùa, ngày mai lại mang về phố mất một ngày đường nữa. Chắc nghiệp của bầy chim này còn nặng".

Lời bàn

Những người đến chùa mà không hiểu đạo, dù có thiện tâm nhưng vì không biết việc làm của mình đúng hay sai, nên nhiều khi cũng làm khổ cho thiên hạ nhiều lắm!

Nếu phóng sinh mà mang ý niệm lợi danh vào đó, và mong cầu quả báo ở vị lai thì việc phóng sinh này không còn mang ý nghĩa vị tha mà đã chuyển thành vị kỷ. Với một cái tâm vị kỷ như vậy, nhiều khi làm phước nhiều không những không có phước mà còn có thể rước thêm tội.

Phóng sinh có nghĩa là tôn trọng mạng sống của mọi loài, mở lòng từ bi thương tưởng đến hữu tình phải chịu thống khổ trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Chúng ta phát thiện tâm phóng sinh chứ không phải là ta đem sinh mạng của loài hữu tình làm vật buôn bán danh lợi.

Người không có vô minh tham dục thì tự nhiên có trí tuệ, có trí tuệ thì tự nhiên có từ bi, có tâm từ bi rộng lớn thì đương thấy chúng sinh bị nạn ta liền muốn cứu, chứ không nên khởi tâm ích kỷ và để lợi danh xen vào những thiện niệm đã phát khởi trong tâm

Buôn bán

Một Phật tử rất tinh tấn niệm Phật, mỗi ngày niệm hai tiếng đồng hồ, dù là mưa gió hay nóng bức cỡ nào cũng không bỏ.

Cũng trong cùng một đạo tràng lại có một Phật tử giải đãi lười biếng, ưa phóng khoáng, dù có đến chùa nhưng lại không siêng tụng kinh niệm Phật.

Một hôm Phật tử giải đãi hỏi vị Phật tử niệm Phật tinh tấn:

- Được lợi ích gì mà đạo hữu niệm Phật hoài vậy?

Vị Phật tử kia đáp:

- Lại thêm một đạo hữu buôn bán.

Lời bàn

Trong cuộc sống, con người thật khó thoát được vòng nhân quả nghiệp báo. Bởi vì trong mỗi hành vi phải hàm chứa nhân và quả, cộng với bản ngã, thời gian, luân hồi sinh tử nghiệp báo. Chúng ta thường tính toán cái gì có lợi thì ta mới làm, mà không biết rằng chút bèo danh bọt lợi đó, chỉ trôi dạt trong đợt sóng sinh diệt luân phiên của vô thường xảy ra trong từng giây từng phút.

Nếu thật sự muốn cầu được đạo giải thoát lớn thì chẳng cần phải tính toán chút ít lợi danh, vì trong các pháp, tự nó đã là cái dụng vô cùng, ẩn chứa thể - tướng của đạo viên mãn, sao chúng ta lại còn phải tính toán thiệt hơn? Người tránh cái hại lại đi tìm cái lợi nhỏ nhen sao bằng tâm địa viên dung vô ngại bất khả tư nghì, dù lợi hay hại vẫn tự tại an nhiên trong mỗi bước chân, nụ cười và hơi thở chánh niệm?

Quả báo một việc làm ác

Vào đời nhà Đường, bên Trung Hoa, có một nông phu rất tàn ác. Trưa hôm nọ, ông ta ra xem xét công việc ngoài đồng ruộng, thấy con bò của hàng xóm chạy lạc vào đám ruộng của ông. Nó đang gặm lúa và giẫm đạp hoa màu.

Người nông dân vô cùng tức giận, bảo rằng: "Tao làm lụng cực khổ mới có được thóc lúa này, bây giờ mày gặm ăn và phá hoại mùa màng của tao! Mày phải trả một giá đắt cho sự ăn vụng này!". Ông liền rút dao ra và nói: "Tao không muốn giết chết mày, nhưng vì đã ăn thóc lúa của tao nên tao phải cắt lưỡi của mày bỏ lại đây, để tao coi mày còn dám ăn vụng phá hoại mùa màng của tao nữa không!".

Con bò nhận biết có lỗi nên nó đã cúi xuống tỏ vẻ ăn năn. Người nông dân nghèo khó vẫn không buông tha, ông đã nắm sừng ghì chặt đầu bò xuống và dùng dao cắt cái luỡi của nó. Con bò vô cùng đau đớn nhưng không thể kêu van gì được.

Về sau, người nông dân tàn ác này đã lập gia đình và có ba đứa con. Nhưng đứa nào cũng bị câm. Ông không hiểu tại sao mấy đứa con ông đều bị câm. Ông đưa đi chữa trị ở nhiều thầy thuốc danh tiếng nhưng không một loại thuốc nào của các vị này có thể chữa lành giúp chúng nói được. Người nông dân liền nhớ lại khoảng mười hai năm trước ông đã cắt lưỡi một con bò đực. Ông ta hiểu rõ nguyên nhân làm sao mà ba đứa con của ông bị câm. Chính do nhân tàn ác ông gây ra đã mang lại quả báo khổ đau cho mấy đứa con trong gia đình ông.

Lời bàn

Trong cuộc sống, dường như mỗi thứ đều có một quy luật riêng của nó. Người ta thường nói, hễ gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đó. Đó là quan niệm theo luật nhân quả của nhà Phật. Mà ngẫm lại điều đó đúng thật, bởi vì từ xưa tới nay không có việc gì vượt ra khỏi luật nhân quả. Vì thế, hễ ta gieo hạt giống thiện thì sẽ gặt được quả thiện, còn hễ ta gieo hạt giống bất thiện thì sẽ bị quả bất thiện chi phối.

Sống hiền được lành

"Bệnh của phu nhân có thuyên giảm chút nào không?".

Phạm Mỗ biết rất rõ bệnh của vợ ông là chứng lao phổi không dễ gì dùng thuốc trị lành được, nhưng vì tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, cho nên ông dùng lời lẽ dịu dàng để an ủi bà. Bệnh của vợ ông đã kéo dài lâu ngày, tiều tụy cực độ, trông già đi rất nhiều, nên bà đáp nho nhỏ: "Xin cảm ơn tướng công rất nhiều!".

Một danh y ở đất Kinh Khẩu tên là Trần Ngọc Thạch, vốn có tình thông gia với Phạm Mỗ, sau khi chuẩn đoán liền kê vào tai nói nhỏ với Phạm Mỗ: "Nếu dùng một trăm con chim sẻ, chế thuốc dùng trong hai mươi mốt ngày rồi tiếp tục ăn não của chúng thì chứng bệnh này mới có hy vọng thuyên giảm được. Đây là phương pháp bí truyền của tổ sư, không thể nào sai lầm được! Nhưng nhất định phải đủ một trăm con, thiếu một con cũng không được!".

Trần Thạch dặn đi dặn lại đến ba lần như vậy, Phạm Mỗ y theo lời thầy thuốc bảo, đi mua một lồng chim sẻ đúng một trăm con. Chim sẻ bị nhốt trong lồng kêu rối rít rất bi thương.

Bà vợ Phạm mỗ biết tất cả mọi việc, bèn mời ông vào bên gường, ôn tồn nói: "Chỉ vì một mạng sống của tôi mà tàn sát hàng trăm mạng sống sinh vật thì thà tôi chết chứ không bao giờ cho làm việc đó! Nếu Tướng Công thật lòng yêu thương tôi thì hãy nghe lời tôi, mở lồng thả hết chúng ra thì tôi mới yên lòng được!".

Phạm Mỗ xưa nay vốn thuận chiều ý vợ, không còn cách nào khác bèn thả chúng bay đi.

Thế rồi sau đó ít hôm, bà ấy không uống thuốc gì cả mà bệnh tự nhiên thuyên giảm. Bấy giờ, có nhiều khách khứa đến đầy nhà, ai nấy đều bảo là trời ban phước lành.

Về sau, không những bà phục hồi sức khỏe bình thường mà còn mang thai, rồi sinh một bé trai, trông kỹ toàn thân bé này da dẻ hồng hào, sáng sỏi trông rất khả ái, nhưng trên cánh tay của nó có nhiều nốt ruồi đen giống như hình những con chim sẻ.

Lời bàn

Trong cuộc sống, ai cũng mong muốn phấn đấu tự hoàn thiện mình, để được mọi người kính trọng, mến mộ, ca ngợi và học tập theo. Điều quan trọng hơn hết, là chúng ta phải biết nuôi dưỡng tình thương yêu, chính tình thương yêu ấy sẽ mang đến cho chúng ta nét đẹp sâu kín đời đời.

Nét đẹp ấy thể hiện qua những hành động, cử chỉ và lời nói của chúng ta. Nếu chúng ta muốn sống trên thế gian này một cách hạnh phúc, chúng ta phải tự điều chỉnh cuộc sống cho công bằng. Chúng ta không vì ỷ mạnh mà ức hiếp kẻ yếu, không vì chúng ta thông minh mạnh khỏe mà giết hại những sinh vật nhỏ hơn, ăn thịt uống huyết chúng để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ của chúng ta.

Với tuệ nhãn, đức Phật đã nhìn thấy rõ ràng nhân quả nghiệp báo, nên Ngài đã chế ra giới cấm sát sinh, khuyên mọi người phóng sinh để gieo duyên lành hiện đời đối với mọi chúng sinh. Nếu hiện đời chúng ta tạo thiện nghiệp thì sẽ có một đời sống hạnh phúc, và tương lai nhất định sẽ gặt được những kết quả tốt lành.

Đi trắng về đen

Có anh chàng thanh niên nọ đến nhà bạn chơi, lúc về gặp lúc trời mưa ướt hết quần áo, chàng phải mượn y phục của bạn mặc rồi ra về.

Thấy chủ về, con chó đã không mừng mà chạy ra sủa ầm ỉ. Chàng trai tức giận, cầm gậy định đánh chó, thời cha anh ta can:

- Ấy chớ! Không phải lỗi của nó đâu! Nếu con chó nhà ta đi đâu về màu lông trắng hóa đen thì con có đánh đuổi nó không đã!

Lời bàn

Trong cuộc sống, nhiều khi ta không chịu hồi quang phản chiếu lại chính mình, mà chỉ thích soi mói người khác, vạch ra những cái hay cái dở của người khác, rồi thị phi đàm tiếu, mà không chịu thực tập sống trong chánh niệm để luôn tỉnh giác trong mọi hành động. Nếu chúng ta biết duy trì chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi sẽ giúp cho tâm hồn chúng ta luôn được thảnh thơi và sáng suốt.

Nếu chúng ta dùng tâm này để nhìn thấy mọi vật trong một ánh sáng mới, ánh sáng của trí tuệ. Khi trí tuệ này chiếu rọi thì ta không bị những thay đổi tốt xấu hay dở chi phối làm phiền não khổ đau. Trong cuộc sống, thử hỏi mấy người suy nghĩ và hành động được như vậy? Vì lẽ đó mà cổ nhân đã để lại một câu châm ngôn bất hủ để răn dạy người đời:

"Trách người một trách mình mười

Bởi ta tệ trước nên người tệ sau".

Cách ăn để giảm cân

Trưởng lớp khóa học về kiểm soát thân thể, giải thích cho lớp học nghe:

"Ăn kiêng thật sự theo kiểu thiền không phải kiêng thức ăn, chủ yếu là tâm. Một anh bạn thiền bày tôi kỹ thuật kỳ đặc này. Nó kết hợp hai nguyên lý nhà Phật: Sống với hiện tại, và tôn trọng quà tặng của thiên nhiên - thí dụ như thức ăn. Kỹ thuật đó như vầy:

Thứ nhất, sống với hiện tại. Là phải tắt truyền hình đi, hạn chế mọi sự phân tâm, chú tâm vào việc ăn. Tâm vừa nghĩ lan man liền phải quay về bàn ăn với giây phút hiện tại. Ăn trong chánh niệm, nhai chậm rãi, phải nhận ra từng mùi vị riêng biệt của thức ăn.

Thứ hai, phải quý trọng thức ăn mình sắp ăn, dù số lượng ít ỏi tới đâu, dù mùi vị dở kém tới đâu. Hãy nấu nướng nó một cách cẩn trọng, dọn lên dĩa sao cho hấp dẫn. Khung cảnh xung quanh phải nên dễ chịu. Trụ tâm vào những ưu điểm của bữa ăn và khoảng thời gian đang ăn.

Lời bàn

Trong nhà Phật, có quan niệm coi thức ăn là một vị thuốc hay để trị căn bệnh khô gầy của thân thể. Nếu chúng ta ăn đúng phương pháp thì thức ăn đó là những vị thuốc hữu ích cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, còn ta ăn uống một cách bừa bãi thì không những không có lợi mà còn có hại rất nhiều cho cơ thể, tức là dung nạp vào trong cơ thể quá nhiều chất hữu cơ làm cho cơ thể phát triển một cách không đúng mức. Thêm vào đó là tích trữ dư thừa những độc tố không có lợi gây nên bệnh hoạn ốm đau. Với những người đã ứng dụng nghiêm túc cách ăn kiêng theo nhà thiền như trong truyện, người ta kể rằng, đầu tiên thì thấy giảm cân nhiều, và khi theo một thời gian lâu, lại cho biết họ thật sự thấy ăn ngon hơn.

Bài học của ông

Truyện kể về một cô bé tính tình hay giận dỗi, thường tỏ ra không hài lòng với mọi người, dù sự việc không đáng. Tính của cô bé lại ưa nghe người khác nói lại và lập tức cho lời nói ấy là sự thật mà không hề suy xét. Cứ thế, giận dữ chồng lên giận dữ, hiểu lầm nối tiếp với hiểu lầm. Vì vậy, cô bé thường bị bạn bè gạt ra ngoài trong các cuộc chơi. Cô bé trở nên đơn độc. Một lần, cô bé tìm gặp người ông để than phiền về cách đối xử của bạn bè mà nó cho là bất công.

Ông già im lặng nghe đứa cháu bày tỏ nỗi lòng, và sau cùng ông già nói:

- Cháu hãy nghe ông nói. Đời ông đã nhiều lần phải chịu đựng những cảnh tương tự. Không ít lần, ông cũng đã tự thề với lòng mình, rằng ông sẽ trả thù, rửa hận. Nhưng dần dần ông đã nhận ra, hận thù chỉ làm cho mình mỏi mòn chứ không đụng được tới kẻ mà mình oán giận. Ôm mãi lòng hận thù cũng tương tự như mình uống thuốc độc mà lại mong cho kẻ thù của mình chết.

- Vậy là sao hở ông? - Cô bé hỏi.

Ông già đáp:

- Dường như trong người ông có hai con người. Một con người tốt bụng không muốn làm thương tổn người khác, và một người xấu ác, hắn luôn giận dữ với mọi người, dù chỉ là việc nhỏ nhặt nhất. Sự giận dữ và lòng hận thù quá lớn đã che mờ đôi mắt khiến hắn không còn nhìn thấy gì, khiến đầu óc hắn không biết suy nghĩ minh mẫn. Ông đã sống với hai con người như thế và quả thật rất khó khăn, vì bất cứ lúc nào, một trong hai con

người đó cũng muốn thống trị tâm hồn ông.

- Thế rồi ai thắng hở ông? - Cô bé nhìn ông nó háo hức hỏi - Ở đời, cây nào bón phân nấy. Người cũng vậy, nếu cháu thích nghe những lời đồn đãi vô căn cứ, thì kẻ xấu mạnh hơn người tốt. Ông nói thế, cháu đã hiểu!

Ông lão mỉm cười nhìn đứa cháu.

Lời bàn

Người đời ít khi được bình an tâm trí, gần như lúc nào cũng có chuyện để lo toan, cũng phản phất nét ưu tư phiền muộn. Đa số những phiền muộn mà người đời vướng phải đều liên quan đến sinh kế hằng ngày; phần còn lại là chuyện riêng tư tình cảm.

Người ta cứ lầm tưởng rằng có nhiều tiền là sẽ được hạnh phúc, nên họ không sợ làm bất cứ việc gì, chấp chặt vào đó và cho rằng có tiền là sẽ có mọi thứ. Vì vậy mà họ luôn luôn dằn vặt với chính hai con người luôn tồn tại trong họ: một con người của cái thiện và một con người của bất thiện. Nếu cái thiện thắng cái bất thiện thì người ta sẽ có nhiều hạnh phúc trong đời sống thực tại. Nếu người ta có thời gian ngồi lại để thiền quán về chính mình, thì cái đau khổ của cuộc sống sẽ không còn chi phối người ta được nữa. Và hạnh phúc, tình thương yêu sẽ luôn có mặt trong từng phút, từng giây.

Chuyện đạo đời

Có một người bị mù từ thuở mới chào đời. Mãi sống trong tối tăm nên anh ta không tin gì ngoài bóng đêm đen thẳm. Có nhiều người thuật cho anh ta những câu chuyện nhưng anh ta vẫn quả quyết:

- Tôi không tin gì cả vì tôi không thấy.

Một vị lương y thấy vậy động lòng thương hại, bèn đi tìm một linh dược tận Hi Mã Lạp Sơn về để chữa mù mắt cho anh ta. Thoát khỏi bệnh mù mắt, anh ta rất sung sướng và trở nên tự phụ, luôn lớn tiếng nói cùng với mọi người rằng:

- Giờ đây, tôi đã thấy tất cả mọi vật xung quanh tôi.

Có người biết chuyện, khuyên anh ta và cho biết rằng những gì anh ta thấy cũng chưa phải là tất cả. Anh ta chỉ mới thấy được những gì trong phòng của anh ta thôi. Thế giới này còn có rất nhiều điều khác mà anh ta chưa biết được như mặt trời, mặt trăng... Anh ta bèn lớn tiếng:

- Làm gì có những điều ấy, tôi không tin. Những gì đã thấy được thì tôi đã thấy tất cả rồi!

Mọi người đều thương hại cho anh ta, đôi mắt của anh ta đã thấy nhưng anh ta vẫn còn bệnh mù.

Lời bàn

Câu chuyện này làm ta liên tưởng đến những người khi chưa có duyên đến với đạo Phật, chưa biết gì về đạo pháp, cũng như người mù không biết gì, tự do phóng túng, buông lung trong dục lạc và cho rằng chết là hết, là tận cùng, không có kiếp sau, cố chấp điên đảo. Đến khi học được chút ít Phật pháp, mở mang chút ít trí tuệ, biết được một phần nhân quả nghiệp báo thì vội cho rằng mình biết tất cả, cho mình là người học rộng hiểu nhiều, dương dương tự đắc, coi thường người khác. Chúng ta thương thay cho những ai bị mắc phải bệnh mù này!

Phật của ngoại

Bé đi chùa về chào ngoại. Ngoại hỏi:

- Con đi chùa về có gì hay, kể cho ngoại nghe với!

- Ngoại à! Thầy dạy con niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, ngoại nhớ niệm nghe!

Bà ngoại ngần ngừ hồi lâu, rồi đáp:

- Xưa rày, ngoại niệm đức Quán Thế Âm, bữa nay đổi lại niệm đức Di Đà... Sao ngoại sợ ông Phật kia giận ngoại quá...?

Lời bàn

Nguyên nghĩa của niệm Phật là tháo trừ mọi ngã chấp. Niệm Phật là ghi nhớ đức tính của bậc giác ngộ, như từ bi, hỷ xả... Và niệm Phật là để phát huy tính giác nơi chính bản thân mình để được khai thông ra với mọi người. Chính những đức tính của Phật mới cứu ta thoát khỏi những thất niệm bất giác của vô minh, ái dục, phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Đó chính là niệm Phật tại tâm vậy. Nếu ta có tín tâm tin sâu trì danh hiệu Phật thì ta sẽ phát huy được chánh niệm, từ bi, thanh tịnh ngay trong tự tánh của mình. Như do niệm Phật thành tâm mà lòng từ phát khởi, khổ báo được yên vui thì ta nên quy hướng vào tha lực đức Quán Thế Âm, bởi hạnh an vui là hạnh của Ngài.

Do niệm Phật thanh tịnh mà tâm hồn sáng suốt, vuợt thoát khỏi khổ đau trong cõi đời ngũ trược, để quy hướng vào tha lực đức Phật A Di Đà, cầu vãng sinh về thế giới Tây phương Cực lạc.

Thả mồi bắt bóng

Một con chó mõm ngoạm thịt... đi trên tấm ván bắt ngang suối, thoạt trông thấy một con chó đang ngậm thịt dưới nước, nó liền nhả miếng thịt đang ngậm ra và lao ùm xuống suối để cướp miếng thịt kia. Sục sạo hồi lâu, chó ta vừa đói vừa lạnh và chẳng được gì cả!

Lời bàn

Chúng ta hãy nên bằng lòng với những gì mà mình đang có, còn những gì không thuộc của mình chỉ là ảo tưởng mà thôi. Nó không hiện hữu nhưng ta chấp vào nó để ta phải mất công tìm kiếm và rồi phải thất vọng, vì nó chính là cái bóng phản diện lại cái đang có của chính mình.

Và hãy nhìn nhận lại rằng, chẳng có cái gì quấy nhiễu chúng ta, mà là chính chúng ta đi ra ngoài quấy nhiễu chúng; và hãy nhìn cuộc đời như một tấm gương phản chiếu tâm của chúng ta, giúp chúng ta vượt ra được những dính mắc, những khổ đau và lầm lẫn để tâm ta trở về với thực tại, vì thực là cái vốn có và đang diễn ra một cách mầu nhiệm nhất.

Mục đích

Một võ sư lừng danh hỏi một đệ tử mới nhập môn:

- Con muốn học võ à?

- Vâng! Con muốn học võ để chiến thắng kẻ địch!

- Càng nghĩ đến chiến thắng và kẻ địch thì chưa học võ được đâu, vì còn hiếu thắng!

- Vậy con học võ để tự vệ thôi!

- Còn đề kháng tự vệ cũng chưa học võ được vì con còn vị kỷ!

- Nếu vậy con học võ để làm gì?

- Lại để làm gì! Chung quy vẫn còn vướng vào một mục đích!

Võ sinh ngạc nhiên:

- Nhưng làm thế nào có thể học võ mà không có mục đích?

Võ sư ung dung bước ra giữa võ đường, múa một bài quyền và nói:

- Ngươi cứ thế mà làm không được sao?

Lời bàn

Trong cuộc sống này, hình như con người không thể tồn tại mà không có mục đích, nhưng mục đích thì luôn ở tương lai, ở phía trước. Tôi sẽ được cái này, sẽ được cái kia và sẽ là... Vì vậy mà người ta phải thổn thức, phải đợi chờ và phải hy vọng.

Ngày mai, sự hi vọng và cái khái niệm của thời gian cũng chính là nội dung của tư tưởng bản ngã, chúng khởi lên cùng một lúc với phiền muộn, khổ đau và thất vọng, khi mà bản ngã của ta chưa thỏa mãn và không đạt được mục đích mà mình mong muốn.

Nói cách khác, khi bản ngã đề ra một mục đích thì ngay lập tức, nó mời gọi tư tưởng, thời gian đợi chờ và đau khổ cùng hiện hữu. Khi ta tự đặt ta vào trong một mục đích, có nghĩa là ta đã quá chú trọng đến tương lai mà bỏ quên thực tại. Như vậy, chính ta đang đánh mất đi hạnh phúc sẵn có của mình để mong cầu một thứ hạnh phúc chưa có, mà lại không biết ở khoảng giữa thời gian vắng mặt của hai thứ hạnh phúc này, ắt hẳn chỉ là đau khổ.

Nghệ thuật sống hạnh phúc có nghĩa là phải nhìn sâu vào giây phút hiện tại mầu nhiệm sẵn có thì tất cả mọi tư tưởng, chấp trước và suy tính sẽ được giải trừ, và khi ấy, bạn sẽ là một người có cuộc sống an lạc nhất.

Nhận lỗi

Có một vị thầy thâu đồ đệ rất nhiều, nhưng đám đệ tử phần đông đều trẻ tuổi, bồng bột, không hiểu được dụng tâm của thầy, thường làm việc theo ý kiến chủ quan.

Đối với cách nhìn sự vật của một số người không đồng ý, chẳng những không hài lòng với hoàn cảnh hiện thực, thậm chí nhìn không quen tác phong của sư phụ, không chịu tiếp nhận sự điều động của thường trụ, mà phẫn chí rồi bỏ chùa. Có một đồ đệ sau khi bỏ đi, đi thăm viếng khắp, mọi đạo tràng ở mười phương. Thường ở núi này thấy núi kia cao. Đến núi kia không củi đốt, không một con đường đến, bèn thầm thể ngộ. Dần dần nghĩ lại về chùa thầy mình, mới biết chùa chiền nào cũng chẳng có cái hay của đạo tràng mình.

Rồi hồi tâm chuyển ý, về lại thường trụ của mình. Sư phụ thấy đệ tử trở về, bèn trách: "Lúc đầu, ông không từ giã mà đi, mặc ý rời chùa, sao lại trở về?". Đệ tử lập tức quỳ xuống, đảnh lễ sám hối sư phụ, thưa: "Xin sư phụ tha thứ cho sự ngu si trước đây của đệ tử, cho đệ tử có cơ hội hối cải!". Sư phụ từ bi, thấy thái độ thành khẩn hối lỗi của đồ đệ, cũng không kể hiềm cũ, để cho con cừu non lạc đường, trở về lại thường trụ.

Lời bàn

Xã hội bây giờ hiện đại và huyên náo, nhịp sống ngày quay cuồng trong tác phong công nghiệp, thì tính tình con người càng lúc càng stress, nóng nảy, hoang mang.

Bản ngã của con người càng lúc càng nâng cao, vì vậy mà trong bất cứ truờng hợp nào, chỉ cần không hợp ý là người ta sẽ nổi tức bỏ đi, chẳng đếm xỉa đến tất cả hậu quả sẽ sảy ra sau đó. Kỳ thực, đây chỉ là hành vi rất ngu muội của những người thiếu tuệ giác, nhất là những người trẻ tuổi hiện đại, thường sau khi phạm lỗi, chẳng những không cải hối mà còn tệ hại hơn, gây nên lỗi lầm không thể tha thứ.

Nhưng cái đáng quý khó làm, chính là người đồ đệ này có thể sửa điều cũ, trở lại nhận lỗi, sám hối, vì "người không phải Thánh hiền", ai không có lỗi. Biết lỗi mà sửa được là điều rất tốt. Chế trừ bớt bản ngã thì dù bất cứ nơi nào, ta cũng sống được và sẽ được người yêu quý mến thương.

Cú mèo

Chim cú từ biệt chim gáy để dọn đi nơi khác. Gáy hỏi lý do.

- Vì dân cư vùng này không ưa tôi.

Gáy khuyên:

- Chỗ thâm tình tôi xin phép nói thật. Chỉ vì người ta không ưa cái tiếng của bác thôi. Nếu bác đổi lại tiếng kêu thì dù ở miền Đông hay miền Tây, bác đều được bình an cả!

Lời bàn

Mỗi khi gặp trở ngại, bạc đãi, phản ứng của chúng ta là muốn bỏ đi. Phật dạy chúng ta nên áp dụng pháp chuyển tâm (cho và nhận) trong giáo lý Đại thừa. Hãy rước tất cả những khổ đau của người khác vào tâm, và cho họ những gì mà mình có thể.

Có nhiều người khác cùng gặp khó khăn như ta, vậy ta nên phát tâm chịu thay cho họ những nỗi khổ ấy. Ta tu hạnh nhẫn nhục và từ bi thì những trở ngại, bạc đãi của người khác đối với chúng ta, đều trở thành vô dụng khi mà ta biết chuyển hóa nó thành niềm hạnh phúc lớn lao cho bản thân mình và bản thân người. Được vậy, thì dù ta có ở đâu đi nữa, cũng sẽ được mọi người thương quý, mến yêu.

Kẻ hung tàn bị ác báo

Trong quyển sách Quảng Ái Lục của Mãnh Bình Am tiên sinh, có kể một câu chuyện như sau:

Chủ nhân của quán "Thiên Ngư Miến" ở vùng Tô Châu chính là Đới Đại Phan. Y vốn là con người tự tư tự lợi, tàn nhẫn, ưa giết hại. Sự kinh doanh hàng quán của y sở dĩ đắt khách hơn so với người khác là vì y có một nghệ thuật nấu nướng rất độc đáo. Y đem lươn bỏ vào một cái nắp bằng sắt rồi đặt cái nắp ấy lên trên nồi, bắt lên bếp chưng, thế rồi y dùng máu đó trộn với mì, hương vị thật thơm ngon.

Đới Đại Phan vừa tính toán vừa cười khanh khách, nói: "Thu nhập càng ngày càng khấm khá nhỉ!".

- Ba ơi, chúng ta đổi nghề khác đi ba! Cái nghề này sao mà tàn nhẫn quá! - Đó là lời của Đới Hỷ Tín, con trai y.

- Cái thằng nhỏ u mê kia! Chẳng phải tiền vô nườm nượp là gì? Còn mong thứ gì nữa? Đi đi! Đổi nghề gì nào? Đổi nghề khác thì có được nhiều lợi như thế này không? Toàn là ăn nói hồ đồ! - Đới Đại Phan vung tay ra nói với con như vậy.

Thế rồi, năm tháng trôi qua. Một ngày kia, người cha đi đâu không thấy về, Đới Hỷ Tín men theo bờ sông đi tìm kiếm.

- Ôi, cha ơi! - Hỷ Tín đau đớn kêu thất thanh.

Thế là người ta chỉ thấy cái thây của Đới Đại Phan trôi tấp vào bờ, trên thân hàng vạn con lươn đeo bám xung quanh.

Trên bờ sông, vô số người kéo nhau đến xem, không ai là không kinh hãi, cùng nhau bàn tán xôn xao.

Lời bàn

Làm việc ác thì thì phải gặt lấy quả xấu, đó là điều tất nhiên như câu chuyện trên. Nhân quả báo ứng ví như vỗ hai bàn tay vào nhau sẽ phát ra tiếng, tiếng đó là tự nhiên mà có. Định luật nhân quả cũng vậy.

Nếu gieo nhân lành, chúng ta sẽ gặt quả báo lành. Nếu làm ác phải thọ quả báo ác. Không làm thì không có.

"Thiện có thiện báo, ác có ác báo". Nếu chưa có quả báo là do duyên chưa đủ. Người làm thiện chưa hưởng thiện báo, bởi vì thời gian chưa đến, song nhất định sẽ có quả báo, vì vậy mà ta không nên khổ tâm mong chờ. Chư Phật và Bồ tát luôn luôn đại từ đại bi, chỉ cần chúng ta làm thiện thì công đức sẽ vĩnh viễn tồn tại.

Nếu chúng ta làm việc ác thì dù có bay lên trời, trốn trong núi cao, lặn xuống biển sâu, đều không thể trốn được, đến một lúc nào đó tự nhiên ta phải nhận lãnh lấy quả báo. Một khi đã thọ quả báo thì chúng ta không thể trách trời hay oán người được, mà do chính ta tự làm thì phải tự chịu mà thôi!

Ba con lừa

Hai cha con ngồi trên lưng lừa mới mua trở về nhà. Chợt có tiếng bình phẩm: "Trời ơi! Sao mà ác thế, hai người ngồi trên lưng con lừa, chắc nó phải gãy xương!".

Ông bố nghe có lý, bước xuống, để con ngồi một mình. Đi được một quãng xa, một cụ già quở trách: "Thời đại còn đảo điên, con ngồi lưng lừa để bố dắt bộ!".

Thằng con vội nhảy xuống mời bố lên. Nhưng mới được vài bước, một giọng nói chỏng lỏn từ trong một nhà vang ra: "Chưa từng thấy cha nào nhẫn tâm như thế! Bố ngồi vắt vẻo còn bắt con đi bộ!".

Thế là cả hai cha con cùng đi bộ. Tưởng yên thân, nhưng lại bô bô có tiếng nói: "Rõ khổ! Mua lừa để làm gì mà cả hai bố con cùng đi bộ. Ngu ơi là ngu, thật là bộ ba lừa!".

Lời bàn

Trong đời sống thường ngày, chúng ta luôn bị ngoại cảnh tác động chi phối, làm cho ta dao động và không làm chủ được chính mình, trước những lời khen chê, thị phi tốt xấu. Phật dạy, tất cả những ngoại duyên đó đều không thật, là những bóng giả mà thôi.

Nếu dùng tuệ giác quán chiếu sâu vào thực tướng của nó, chúng ta sẽ phá tan được bóng mờ của âm thanh, hoặc những hình ảnh trước mắt, cứ dấy niệm lăng xăng xuôi ngược trong tâm thức. Nó vô hình nhưng lại có sức đeo đuổi, len lỏi, dây dưa khắn khít theo mình.

Người tu mà bị những thứ này chi phối thì không thể tiến bộ được. Phật dạy, người tu phải là người có kiếm trí tuệ, chặt đứt được những ràng buộc những vướng mắc, những ngoại duyên thì mới có thể vững tiến, vững tu, vững bền niềm tin trên con đường đạo.

Người hướng đạo

Một hôm, trên đường đi, một vị sư bỗng khám phá ra một khoảng đường trơn trợt trong khuôn viên chùa, ai sơ ý là té dễ như chơi.

Động lòng bi mẫn, vị Sư này đã bỏ cả một buổi trưa để hì hục đóng, sơn và vẽ một tấm bảng báo động. Xong, đem cắm ở quãng đường đó.

Nhìn lại công trình của mình, Sư khoan khoái đi tới đi lui, nhìn ngắm nghĩ bụng:

- Thật là an toàn, có tấm biển báo động nơi đây thì đảm bảo chẳng ai trơn trợt cả...

Ngờ đâu xong một lúc đi lui, Sư trở thành người trơn trợt đầu tiên.

Lời bàn

Trong đường đời cũng như đường đạo mà chúng ta vừa đi qua, có lẽ ít nhất chúng ta cũng hơn một lần té ngã kiểu này... Cái đau của thể xác không thấm vào đâu so với sự xấu hổ, tự ti và mặc cảm, khi phải đối diện với lăng kính cuộc đời đầy dẫy những xao động, thị phi.

Nhưng không sao! Điều mà chúng ta cần phải suy tư ở đây, là sau khi té xong, ta sẽ nhanh chóng đứng dậy để nhanh chân rời khỏi nơi bùn lầy đó, hay là cứ tiếp tục nằm để cho bùn đất lấm vào thân. Tất nhiên là mọi người sẽ nhanh chóng rời khỏi nó, vì nó chỉ là đám bùn mang tính vật chất.

Nhưng trên bước đường tu, nhiều lúc gặp phải đám bùn của trạng thái tâm lý, chúng ta lại không dám đương đầu, dễ nản lòng và nhục chí. Chúng ta hãy noi gương vị Sư nọ, dù có té ngã nhưng đã dựng lên một biểu tượng để mọi người thấy đó mà tránh, để mọi người được hạnh phúc không phiền muộn, đó cũng là một việc rất đáng làm trong đời sống nhân sinh.

Bản chất

Một chiều chủ nhật nắng vàng ấm áp tại thảo cầm viên TP. HCM, hai vợ chồng nọ dẫn hai đứa con trai nhỏ, Bi 7 tuổi và Bô 3 tuổi, mua vé vào cửa một trò chơi. Họ đến quầy vé và hỏi: "Giá vé bao nhiêu vậy anh?".

Anh nhân viên trả lời: "Mười ngàn cho người lớn và năm ngàn cho trẻ em trên sáu tuổi, còn dưới sáu tuổi thì vào cửa tự do. Các con của anh bao nhiêu tuổi rồi?".

Người chồng trả lời: "Bé này 3 tuổi và bé này 7 tuổi, vậy anh bán cho tôi hai vé người lớn và một vé trẻ em".

Mua xong đi ra xa, ngưòi vợ kêu lên: "Anh trúng sổ số hay sao? Nếu anh nói thằng Bi là 6 tuổi thì anh có thể tiết kiệm được năm ngàn, người ta đâu có nhận ra được!".

Người chồng trả lời: "Đúng, người xét vé không nhận ra được, nhưng các con chúng ta nhận ra được tuổi của chúng!".

Lời bàn

Muốn dạy con cái giữ đạo đức thì cha mẹ phải làm gương cho chúng. Những lúc nói dối để đỡ tốn tiền là dạy cho chúng cách gian lận ở đời. Cha mẹ cần phải làm những điều lương thiện để noi gương tốt con con cái nhìn vào và noi theo. Cha mẹ phải nghĩ đến câu: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Phải dạy cho chúng những điều hay lẽ phải để tâm hồn chúng được tiếp nối và do đó, nó sẽ là nền tảng tốt đẹp cho chúng khi bước vào đời ở mai sau. Cha mẹ là người luôn phải sống thành thực, để trở thành tấm gương sáng cho con trẻ.

Người ngu ăn muối

Thuở xưa, có một người ngu đến nhà bạn thăm, chủ nhà mời ở lại dùng bữa cơm đạm bạc. Chàng chê canh lạt không ngon. Chủ nhà bèn nêm vào một chút muối, chàng ăn cảm thấy ngon lành.

Chàng tự nghĩ.

- Canh ngon là nhờ muối nêm vào, dùng ít còn vậy, dùng nhiều chắc sẽ ngon rất nhiều. Thế là chàng xin chủ nhà một chén muối bỏ vô miệng nuốt hết. Vì chất muối mặn kinh hồn, chàng cảm thấy như sắp chết, vội vàng móc họng cho mửa muối ra.

Lời bàn

Chúng ta là người học Phật, một trong những điều quan trọng là phải biết tiết chế sự ăn uống, sao cho vừa phải, biết đủ. Sống giản dị, nên bằng lòng với những gì mà mình đang có. Không ăn uống vô độ đối với thân thể thì sự tu hành rất có lợi ích. Song, nếu ta chấp trước vào thức ăn, đề xướng lên điều này, điều nọ làm ảnh hưởng đến thân thể, và đối với công hạnh trong tu tập không có một điểm lợi ích gì, đó chỉ là những hành động sai lầm, cũng giống như anh chàng lầm tuởng ăn muối kia vậy.

Xuôi theo dòng

Chuyện xưa kể lại rằng: Có một người đàn ông bất ngờ ngã xuống một dòng sông. Chỗ ông bị ngã xuống là nơi mà dòng nước sông đang chảy xiết ra một bờ thác cao và rất nguy hiểm. Mọi người trên bờ đều lo lắng cho mạng sống của ông ấy. Mầu nhiệm thay, ông ấy đã sống sót và bơi xuôi theo dòng nước dưới chân ngọn thác. Mọi người vây quanh ông ấy, để hỏi xem bằng cách nào mà ông đã vượt qua được nguy hiểm. Ông ta bình tĩnh trả lời: "Lúc đầu tôi cố cùng vẫy, sau đó tôi hòa mình vào dòng nước, không lo sợ, tôi đã để cho dòng nước tự nhào nặn hình thể của tôi. Hòa vào dòng nước xoáy, nên tôi đã quay trở ra được khi dòng nước xoáy ấy chảy ra, nhờ vậy mà tôi đã thoát chết".

Lời bàn

Trong bất kỳ một tình huống nào, ta cũng đừng nên nhượng bộ sự sợ hãi trong khi mình rơi vào tình trạng hiểm nguy, chính sự sợ hãi đã làm cho ta thất bại. Lúc ấy chúng ta phải giữ cho trạng thái tâm hồn mình thật bình tĩnh, hít thở thật sâu vào và dùng tuệ giác để nhìn vào tình huống vừa xảy ra một cách sáng suốt, thì sẽ ổn định được mọi chuyện. Và một điều nữa mà ta tiếp nhận được từ nơi bài học này, là ta phải ý thức được sự có mặt của mình trên cuộc đời cùng sự có mặt của thiên nhiên cũng như xã hội chung quanh chúng ta, để cho ta hòa nhập, thích ứng với những sự biến đổi của chúng.

Vì nhỏ mất lớn

Thuở xưa, có một người cho người khác mượn năm đồng, rất lâu mà không trả lại, chàng bèn đi đến nhà đòi.

Đường đi phải trải qua một con sông, chàng phải đi đò tốn ba đồng, đến nhà người kia thời người kia đi vắng, khi trở về chàng lại phải tốn ba đồng nữa. Đi đò qua lại hết sáu đồng. Làm như thế chỉ luống nhọc công mà không đi đến đâu cả, số tổn thất lại nhiều hơn số tiền cho mượn.

Lời bàn

Vì tranh cầu chút lợi, không tiếc làm bại hoại hạnh thanh cao của mình. Kết quả đôi khi, thường không bù lại sự tổn thất. Hiện tại mang tiếng xấu, đời sau mắc quả báo chẳng lành. Hành động như thế thật là ngu si. Vì vậy, đức Phật dạy chúng ta phải tu tập hạnh tùy hỷ, để diệt trừ những tập khí ích kỷ, tham lam đã nằm sâu trong tâm trí chúng ta.

Nếu chỉ thấy có lợi ích cho chính bản thân mình thì chúng ta chỉ đạt được một chút hạnh phúc nhỏ nhoi, vì hạnh phúc đó được xây dựng từ lòng vị kỷ mà có. Lòng tùy hỷ thì luôn trái ngược với điều đó, nên tùy hỷ là phương pháp tâm lý tuyệt diệu để trừ mọi chướng ngại, là một yếu tố sống hạnh phúc trong đời thường.

Còn nếu chúng ta không tu tập hạnh tùy hỷ, không khoan dung với mọi người, mà luôn tính lợi lạc cho mình thì dù có thông minh, tài giỏi về thế pháp hay Phật pháp, chúng ta cũng không đạt được hạnh phúc hoặc bình an trong đời sống.

Đi không về rồi

Thuở xa xưa, vào một đêm tối, người cha bảo với con:

- Ngày mai dậy thật sớm, cha con mình đi chợ mua đồ dùng.

Người con nghe thế, ghi khắc vào lòng. Đến ngày mai, anh dậy thật sớm, không hỏi ý cha, tự một mình anh ra chợ. Tới nơi, anh không biết đến đấy để làm gì, lang thang qua lại, mệt mỏi vô cùng, trong mình lại không có một đồng xu cắc bạc, bụng đói như cào, mà không có tiền để mua thức ăn, nước uống; đành phải trở về nhà. Ông cha vừa thấy, liền mắng rằng:

- Mày thật là đồ vô trí, sao không chịu đợi tao cùng đi? Tự ý một mình đi không về rồi, không được việc chi cả, tự chuốc lấy sự khổ cực nhọc nhằn, tao có đời nào bảo mày làm thế!

Lời bàn

Trong cuộc sống, ông bà ta thường nói: "Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Và câu chuyện này, chúng ta thử liên tưởng đến người tu trì Phật pháp là phải biết nương gần thầy hiền hay bạn lành để được sớm tối học hỏi kinh nghiệm tu tập từ các vị ấy, và sống cùng bạn cùng thân ta sẽ được năng lực của tăng thân che chở và bảo hộ, thì con đường tâm linh của chúng ta mới mau tiến bộ.

Không nên tự ỷ là mình thông minh tài giỏi, rồi tự mình sống tách biệt đại chúng mà tu hành thì sẽ gặp rất nhiều chướng ngại, chướng duyên, sẽ làm cho ta thối thất tâm Bồ đề, mà sa vào sự cám dỗ của đời sống thế tục và tự đánh mất đi chính bản thân mình, lúc đó, khó mà cứu vãn được.

Bà và cháu

Một bà lão đang tắm cho đứa cháu nội mới sinh trong bồn rửa nhà bếp. Bà thèm thuồng nhìn làn da sáng ngời, ganh tị những ngày tháng tuyệt vời sắp được của cháu, giọt máu kỳ diệu mang một phần thân thể bà.

Bà rửa bàn tay tí tẹo, để ý cơ cấu huyền diệu này: một cấu trúc thu nhỏ thật đẹp, mấy ngón tay xinh quá là xinh, cả những làn da nhỏ nhắn tí nị trên các ngón tay cũng xinh xắn lạ lùng.

Bà để bàn tay mình cạnh bàn tay cháu ngắm nghía, và trong tích tắc nhận ra hai bàn tay gống nhau. Điểm khác nhau duy nhất là thời gian. Mỗi bàn tay đều toàn hảo trong thời điểm của nó. Mỗi bàn tay đều hoàn thành chức năng mình trong thời điểm của nó.

Bây giờ, bà nội đã hiểu bàn tay bà cũng đẹp như tay cháu, nhưng chỉ khác về thời gian thôi.

Lời bàn

Nhà Phật dạy đời sống luôn luôn thay đổi, điều đó là chắc chắn, chẳng đáng ngạc nhiên gì. Nhưng Phật giáo còn đi xa hơn chân lý ấy, thúc giục ta dự trù trước sự thay đổi, và quan trọng hơn hết, nên đón nhận nó trong tất cả vẻ phong phú mỗi khi gặp. Bởi vì cuộc sống ai cũng trải qua những giai đoạn như sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Ai cũng có một thời vàng son và tươi đẹp, rồi đến tóc bạc da nhăn. Nếu chúng ta hiểu được rằng thân này cũng là giả, có sinh tất có hoại, thì ta vui vẻ chấp nhận thuận theo thời gian mà sống để tu hành thì rất có lợi ích. Đức Phật đã dạy: "Được thân là khó, mà gặp Phật pháp lại còn khó hơn". Vì thế, ta nên coi thân thể là một phương tiện tốt giúp ta tu hành để vượt thoát sinh tử luân hồi! Chớ chú trọng chi vào sự đẹp xấu của nó để rồi phải khổ đau phiền não.

Đánh cuộc

Thuở xưa, có đôi vợ chồng nọ làm ba cái bánh, mỗi người ăn một cái rồi, còn thừa một cái, hai người đánh cuộc với nhau rằng: ai muốn ăn cái bánh thì phải không nói một câu, nếu ai nói trước là thua cuộc, không được ăn cái bánh. Thế rồi, cả ngày hai vợ chồng nín thinh không nói một tiếng. Chợt có thằng ăn trộm vào nhà vơ vét hết của tiền đồ đạc, sửa soạn chạy đi. Hai vợ chồng vì sợ thua cuộc mất cái bánh, nên cứ lấy con mắt ngó trân trân tên ăn trộm đang vơ vét đồ đạc trong nhà mà không ai nói một tiếng. Tên ăn trộm thấy vậy còn dạn dĩ thêm lên, thậm chí còn muốn xâm chiếm tiết hạnh của người vợ mà người chồng vẫn đứng xem, không nói một lời, người vợ hoảng hốt kêu ầm ĩ:

- Anh thật ngu si quá đỗi, vì một miếng bánh mà để thằng ăn trộm làm nhục tôi quá đổi, không mở miệng nói một lời?

Người chồng bèn vỗ tay cười lớn:

- Ha ha! Em đã khai khẩu nói trước! Thế là thua anh mất rồi, cái bánh về anh ăn, thích quá!

Lời bàn

Câu chuyện này, chúng ta đã nhận chân ra một điều là trong xã hội, con người luôn chạy theo sự ham muốn và không lúc nào được thỏa lòng. Theo đuổi ham muốn cốt là để thỏa mãn, nhưng nó lại luôn luôn đưa đến bất mãn vì những điều mong muốn của chúng ta không đạt được.

Đôi khi, vì những ích kỷ nhỏ nhen mà chúng ta lại đánh mất đi những lợi ích lớn lao của pháp lành. Và lúc nào cũng bị sự ham muốn ruợt đuổi. Cũng chính vì vậy mà đức Phật đã dạy, dù trốn ở tận góc bể chân trời, ta vẫn cứ khổ đau; dù có tìm quên trong thú vui nào, lạc thú ấy cũng là lạc thú của đau thương.

Nếu chúng ta có thời gian ngồi quán sát lại bản chất của tâm mình, cái gì tạo ra rắc rối và chướng ngại trong đời sống, thì ta sẽ tìm ra được bản chất của đối tượng ham muốn, quán sâu vào nó để loại trừ nó ra khỏi tâm ta.

Kẻ ngốc khen cha

Thuở xưa, có một người hay khen ngợi đức hạnh của cha mình trước mặt nhiều người khác: nào là cha anh có lòng nhân từ, không bao giờ làm tổn hại ai cả; nào là cha anh không bao giờ cướp giật, lừa gạt tiền vật của ai; nào là đối xử với mọi người rất công bình, không bao giờ nói dối mà lại hay giúp đỡ người trong cơn nguy khốn...

Có một người ngu nghe thế, tự nghĩ: "Mình cũng nên khen cha mình một phen".

Nghĩ xong, anh bèn nói:

- Đức hạnh của cha tôi còn hơn đức hạnh của phụ thân ông!

Người chung quanh bèn hỏi:

- Đức hạnh của ông thân anh như thế nào?

Người ngu liền đáp:

- Cha tôi từ nhỏ tuyệt đường dâm dục, chẳng hề biết gì về việc ấy!

Ai nấy nghe cũng đều bật cười mà nói:

- Nếu quả thật cha anh từ nhỏ đoạn dục thì làm sao sinh được anh?

Nghe hỏi, anh ngu nọ đừ người ra, chẳng biết phải trả lời làm sao.

Lời tựa

Sống ở đời, ai cũng muốn mình được tiếng thơm, tức là những lời khen ngợi mà người khác dành cho mình. Nhiều người còn muốn tên tuổi cùng danh tiếng của mình lưu lại đến đời sau. Muốn thực hiện được điều đó, ta phải biết sống cho mọi người, vì mọi người, bằng cách dám coi nhẹ đồng tiền và ngay cả mạng sống của mình để giúp đỡ người khác. Hoặc có thể truyền đạt tất cả những kinh nghiệm quý báu gì mà mình đã đạt được trong cuộc đời, những thành quả về mọi mặt... để mưu cầu lợi ích chung, thì những lời khen ngợi của người khác dành cho mình mới phù hợp với thực tế.

Nếu cố bịa ra những việc tốt mà ta chẳng làm để được người khác khen ngợi tức là nhận sự giả dối. Chẳng những không được lợi ích gì mà lại làm cho mọi người khinh bỉ. Do đó, trong năm giới của Phật giáo, giới cấm vọng ngữ là một hình thức để giúp nguời ta chế ngự và ngừa những lời nói không thật, vô nghĩa không mang lại lợi lạc cho mình và người.

Không còn gì để mất

Một thương gia giàu có bỗng gặp đủ thứ tai họa liên tiếp: ông mất bà vợ đẹp, mất tòa biệt thự (vì hỏa hoạn), mất tài sản (vào tay bọn cướp), và mất cả tự do (vì nhục mạ vị lãnh chúa trong vùng nên bị bắt giam cầm).

Viên cai ngục có mẹ lúc trước giúp việc cho thương gia. Hắn để ý thấy thương gia thay đổi kỳ lạ. Trước đây, ông nổi tiếng keo kiệt, luôn sợ người ta lừa. Nhưng, từ ngày vô ngục rồi, ông tỏ ra rất hạnh phúc. Hắn bèn hỏi:

- Tâm ông vẫn thường chứ? Tại sao ngày nào ông cũng vui cười như thế?

Thương gia cười thích thú:

- Chẳng còn thứ gì để mất nữa cả.

Lời bàn

Nói tới phương cách sống thì mỗi người đều có một lối sống khác nhau. Lối sống đó ảnh hưởng đến tâm tính của chính họ. Sự khác nhau đó, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt khi để ý đến sự sinh hoạt trong từng giai đoạn sống của chính họ.

Có người cả đời sống xa hoa trong nhà cao cửa rộng, xe cộ đời mới mắc tiền và bằng lòng với chính cái sự sung túc đó, và nghĩ rằng đời này không có gì đáng phải suy nghĩ, chẳng có gì đáng phải buồn, và sống ích kỷ, chỉ biết huởng thụ riêng mình.

Cũng có người cả đời chỉ thích sống giản dị, mặc dù có sẵn tiền bạc. Không thích chưng diện và hay giúp đỡ người khác.

Có hạng người khác thì lúc nào cũng chỉ thích sống "an phận thủ thường", không hề có ước vọng cao xa. Tiền bạc có được bao nhiêu thì tiêu pha trong giới hạn đó, không than van với ai...

Vậy thì ta hãy dùng tuệ giác đúng đắn để tìm ra phương cách sống tốt nhất! Và hãy tư duy thử phương cách ra sao mới là phương cách vui sống phù hợp cho riêng mình

Duy đạo vui đời

Một thời, Phật ở tinh xá Kỳ Hoàn, thuộc thành Xá Vệ. Bấy giờ, có bốn người cãi nhau về sự khoái lạc. Một người bảo:

- Thân thuộc quyền quý, ca cẩm là khoái lạc.

Một người bảo:

- Tiền của giàu nhiều, vinh quang là khoái lạc.

Một người bảo:

- Thê thiếp đẹp đẽ, đắm mê là khoái lạc.

Cãi cọ phân vân nhau mãi, Phật nghe thế bảo:

- Các ngươi chỉ tìm khoái lạc theo sở thích, chưa thấy cái vui chung của mọi người. Mùa xuân sẽ điêu tàn, thân thuộc sẽ biệt ly, tiền của sinh lo sợ, thê thiếp họa sầu bi. Và tất cả xoay quanh mình mà xâm phạm.

Người chí nhân chỉ có một khoái lạc: duy đạo là vui, nhìn nhận sự tương quan sinh tồn. Chí nhân khổ cái khổ của người, vui cái vui của muôn loài, nên lợi người trước mình cái vui ấy, là cái vui vô thượng. Các người hãy đánh đổi sự khoái lạc nhỏ hẹp cho cái vui vô thượng ấy!

Lời bàn

Triết lý Phật giáo giúp chúng ta nhận thức được cuộc đời vốn là khổ, và nguyên nhân đưa đến cái khổ ấy chính là do tham dục của mỗi chúng ta. Cũng vì do ta thiếu tuệ giác nên bị tham dục chi phối, không làm chủ được thân và tâm nên phải khổ. Và nếu muốn có đuợc sự hạnh phúc an lạc ngay trong cuộc sống, thì mọi người phải tự mình có thể khắc phục những khổ não ấy, bằng cách là biết cách tiết chế dục vọng của mình. Khi tham dục bị chế ngự thì trí tuệ sẽ sáng suốt, có trí tuệ sáng suốt thì chúng ta sẽ nhận chân được cái vô thường giả tạm của cuộc đời. Lúc ấy, chúng ta sẽ tinh tấn tu hành cầu thoát sinh tử.

Ba học trò

Trong bất cứ một trường học nào trên thế giới, chúng ta đều có thể tìm thấy ba loại học trò khi phải làm bài toán cho thầy giáo.

Loại một: tự mình loay hoay, kiên nhẫn giải bài toán một mình.

Loại hai: "cọp dê" sao y bản chính của bạn, không cần phải tìm tòi thắc mắc chi cả.

Loại ba: nhờ người khác hướng dẫn, biết đáp số, tập giải cho đến lúc tìm ra đáp số ấy.

Thông thường, ba loại học trò trên đều có thể đạt đến số điểm giống nhau, nhưng đến lúc trường thi, sẽ có ba kết quả khác nhau:

Loại một: nhờ đã tự giải một mình nên khi gặp lại đề cũ hoặc tương tự, trúng tủ liền.

Loại hai: do "cọp dê" bạn hoặc chép sách nên đến lúc phải xoay sở một mình, liền bí tịt, xơi luôn một cặp trứng ngỗng.

Loại ba: vừa "cọp dê", vừa giải theo nên năm thuở mười thì, cũng có thể giải lấy một mình.

Lời bàn

Cuộc đời này há chẳng phải là một bài toán của mỗi chúng ta đó sao? Đức Phật và các bậc Độc giác là những người có thể tự giải bài toán một mình. Còn lại, các bậc Thánh đệ tử của đức Phật và chư vị Tổ sư, có thể ví như hạng giải bài toán loại thứ ba, vì các Ngài có trí lực và huệ lực nên vừa có thể học hỏi từ trong kinh điển, và áp dụng và đời sống tu tập của mình một cách nghiêm mật, nên trước sau gì đáp số của bài toán cũng sẽ tự hiển lộ.

Còn chúng ta, chuyên môn "cọp bi" lời của Phật và Tổ mà không chịu nghiên cứu và áp dụng phương thức ấy để tìm ra cách giải!

Vì vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao rồi chứ! Trong số đó, chúng ta nhiều khi diễn giải kinh rất lưu loát và thao thao bất tuyệt, có thể hay hơn cả những bậc đàn anh đi trước của mình, nhưng khi những khó khăn tìm đến thì ta lại trốn tránh một cách hèn nhát, và những lúc có khổ đau trổi dậy, chúng ta lại không thể vượt qua!

Cúng dường được phước

Xưa, có một nhà giàu, người ở giúp việc rất đông, trân bảo vô lượng. Lúc bấy giờ, Phật cùng A Nan khất thực đi ngang qua nhà ấy. Chủ nhà cùng vợ con, cháu chắt đều hoan hỷ thỉnh Phật vào nhà, đem vải quý lót đất, dùng đồ vật bằng vàng bạc dâng cúng. Đức Phật dạy rằng:

- Người này, đời trước sinh ra trong một gia đình nghèo thiếu, phải hái rau mà ăn. Một hôm, canh rau vừa chín thời có một vị tu hành vào khuất thực. Chủ nhà cùng tất cả vợ con đều nhịn phần ăn của mình mà cúng duờng vị sa môn đó, trong lòng còn ân hận không có vật quý để cúng dường. Do nhờ thiện niệm và cử chỉ cúng dường tốt đẹp kia, mà cả gia đình đều được giàu có vô lượng, lại phát tâm trì giới thanh tịnh, gặp Phật, nghe pháp chứng quả A La Hán.

Lời bàn

Chúng ta đem vật thực cúng dường Tam bảo cầu vãng sinh Tây phương Cực lạc, cầu công đức vô lậu, không sinh không diệt, đó là cầu pháp vô vi. Nếu như chúng ta bố thí tiền, lạy Phật, niệm Phật, lấy những công đức đó cầu cho gia đình được bình an, con cái thông minh đỗ đạt, làm ăn phát tài, đó là cầu phước hữu lậu, phước hiện tại. Thật ra, chỉ cần chúng ta phát tâm cúng dường bố thí, mà không mong cầu thì phước báo cũng tự nhiên đến, nếu như nó không đến trong đời này thì nó cũng đến trong đời sau. Như gia đình nọ trong truyện, chí thành phát tâm cúng dường cho một vị sa môn mà không mong cầu điều gì, nhưng nhờ phước báo đó mà đời sau họ được giàu sang sung sướng. Cúng dường, bố thí mà không khởi tâm mong cầu điều gì mới chính là cúng dường một cách cao thượng vậy.

Con mèo nghi lễ

Thời xa xưa, tại một một ngôi chùa nọ, khi thầy trụ trì và các đệ tử bắt đầu ngồi tịnh tọa niệm Phật vào buổi tối, thì con mèo sống trong chùa gây ra tiếng ồn ào khiến họ phải phân tâm. Thầy trụ trì ra lệnh cột con mèo lại trong giờ tịnh tọa.

Nhiều năm sau, khi thầy trụ trì qua đời, con mèo vẫn tiếp tục bị cột trong giờ đại chúng tịnh tọa. Đến khi con mèo đó già chết, một con mèo khác lại được mang vào thiền viện, và nó cũng bị cột lại trong giờ tịnh tọa vào buổi tối.

Rồi đến nhiều thế kỷ sau, những người kế thừa ngôi chùa đó đã viết luận văn tốt nghiệp về nghi lễ tôn giáo của việc cột con mèo lại trong lúc tịnh tọa.

Lời bàn

Câu chuyện kể trên, giống như cách phát triển những điều mê tín. Mới đầu, có thể có những lý do đặc biệt trong một hoàn cảnh riêng nào đó. Lâu dần, việc đó được lập đi lập lại như một tập tục, rồi thành một nghi thức. Họ làm việc đó vì họ không thấy có điều trở ngại, không mất gì và không nên làm.

Nhiều người trong chúng ta, đã sống giống như câu chuyện trên. Chúng ta làm cái này cái kia, lập đi lập lại mà thực sự không hiểu gì về ý nghĩa hay tầm quan trọng của nó.

Câu chuyện còn nhắc nhở chúng ta phải luôn nhớ tới lời Phật dạy trong kinh Kalama (thuộc Tăng Chi Bộ) như sau: "Như vậy, này các Tỳ kheo, điều ta vừa nói với các người: Các Tỳ kheo, các người đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì sa môn là thầy mình. Nhưng này các Tỳ kheo, khi nào các người tự biết rõ: các pháp này là thiện, các pháp này không đáng chê, các pháp này được người trí ca ngợi, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời các thầy Tỳ kheo, các người hãy đạt đến và an trú".

Chia phần

Ngày xưa, có một bác nông dân sống chỉ dựa vào trồng trọt trên một thửa ruộng thuê của chủ đất. Thửa ruộng nhỏ, chỉ vẻn vẹn bằng căn lều của bác nhưng được cái là đất rất tốt. Chủ đất là một con quỷ độc ác. Một hôm, quỷ đến thăm ruộng, bảo với bác:

- Này tên kia! Tiền thuê đất mày chưa trả tao đủ. Từ nay trở đi, khi chia hoa lợi, mày phải nộp cho tao mọi thứ gì mọc ở trên mặt đất. Mày chỉ được hưởng phần còn lại! Rồi nó cười giễu cợt bỏ đi, thú vị vì sáng kiến mới. Nó thầm nghĩ: "Thằng nông dân dốt nát kia phải nộp cho ta toàn bộ số hạt lúa mọc trên cánh đồng. Nó chỉ còn hưởng bộ rễõ thôi!".

- Bác nông dân nghe xong, chán nản về nhà. Nhưng đột nhiên, bác nghĩ ra một cách. Đến mùa gặt, Quỷ đến nhận phần, người nông dân đã trồng cải củ, cà rốt, toàn những loại cây có củ nằm ở dưới mặt đất. Quỷ chỉ mang về một đống lá. Tức giận, nó bảo:

- Mày không làm như thế với tao được nữa đâu! Sang năm, mày sẽ chỉ hưởng những gì ở trên mặt đất!

- Đến mùa thu hoạch sau, con quỷ lại đến nhận phần. Nhưng nó ngạc nhiên xiết bao khi thấy một đống rễ đầy đất.

Người nông dân bảo:

- Phần của ông đấy!

- Thế này là thế nào, phần của ta đây ư? Ta bảo sẽ lấy những gì mọc ở dưới mặt đất kia mà!

- Đúng thế! Ông có thể mang số rễ này đi! Đấy là phần của ông!

- Quỷ tức điên lên, nhận ra bác nông dân đã gieo lúa mì, lúa mạch và ngô, các giống cây này đều cho hạt ở trên mặt đất. Nó bỏ đi, xấu hổ và giận dữ...

Lời bàn

Nhiều lúc chúng ta tính toán quá làm cho mình thêm khờ dại, bởi vì còn tính toán thì còn có sự hơn thua, mà cứ như vậy tức là chúng ta nuôi dưỡng tánh tham mỗi ngày mỗi lớn. Ngẫm lại, chúng ta còn tính toán một vấn về nào đó thì còn làm cho sự việc rắc rối thêm lên, có lẽ vì thế mà chư Tổ thường dạy chúng ta nên tiếp ứng với sự việc bằng bản tâm bình thường, không bị những tính toán lo toan làm xao động. Mảnh tâm ấy đã có đủ khả năng làm lành lánh dữ (giới), sáng suốt (huệ) và không bị dao động vì những tư dục cá nhân (định). Đó cũng như lúc mà con quỷ thấy rõ sự ngu xuẩn của mình mà xấu hổ bỏ đi.

Nhận người làm anh

Thuở xưa, có một người nhà rất giàu có, cử chỉ luôn đúng đắn và lại thông minh, vì thế, kẻ xa người gần đều cảm phục, ái mộ. Bấy giờ, có một người đến nhận người ấy làm anh mình, thường thường qua lại một cách rất mật thiết. Người này nhận người nhà giàu làm anh để làm chi vậy?

Mục đích chỉ muốn lợi dụng tiền bạc.

Sau đó, người nhà giàu kia sa sút khốn cùng, đổ vỡ nợ nần, người kia liền trở mặt, và nói thẳng với anh nhà giàu kia: ngươi không phải là anh ta.

Lời bàn

Chuyện này tỷ dụ rằng, có bọn người xấu ăn trộm kiến thức ngôn ngữ, phương pháp và nghi thức của Phật pháp, đem ra làm giáo pháp của riêng họ, nhưng hoàn toàn không thật tâm tin tưởng, mà chỉ muốn lợi dụng những điều ấy làm phương tiện để mưu sinh. Và nhiều lúc, họ lại tỏ ra rất là đạo mạo để hòng che giấu những điều xấu của họ. Tuy nhiên, từ xưa tới giờ, tất cả những điều thuộc về chân lý thì luôn luôn đúng, nhưng do con người luôn làm sai lệch đi mà thôi.

Vết sẹo

Ngày xưa, khi còn bé, anh và tôi hay chơi trò cút bắt. Lần nọ, tôi té ngã, máu ở đầu gối chảy ra rất nhiều. Anh xuýt xoa theo từng giọt nước mắt của tôi, luôn hứa sẽ che chở tôi suốt đời, không bao giờ để tôi đau nữa. Lớn lên, anh đi du học, và bỏ luôn ý định về nước. Ngày mẹ anh mất, anh dẫn một cô gái da trắng, tóc vàng về chịu tang. Tôi đứng nép sau bậu cửa, nhìn sang. Bất chợt vết sẹo nơi chân nhứt buốt.

Lời bàn

Cuộc sống thật sự không phải là một giấc mơ đẹp, để người ta ao ước và chìm lãng vào nó, để rồi phải thất vọng khổ đau. Những phút giây trôi qua của một kiếp người luôn luôn có sự biến đổi của sinh diệt. Tình yêu của ngày hôm qua không phải là của hôm nay, và cũng chưa chắc là của ngày mai nữa.

Mọi diễn biến tâm lý luôn vận hành một cách liên tục, trong cái bản chất tương đối của nó. Nhiều khi ta cố chấp vào một kỷ niệm cũ để rồi trở thành nỗi đau của ngày hôm nay và còn có thể của ngày mai. Hãy nhìn sâu vào những ký ức ấy, chúng ta sẽ nhận chân ra được nó là dòng chảy của dòng sông luôn ồn ào, luôn gợn sóng và luôn biến đổi. Khi quán sát một cách sâu sắc như vậy thì niềm đau sẽ tan biến, và nhường bước lại cho một nụ cười.

Tôn giáo của đời thường

Một vị quan chức có quyền thế cao trong địa phương, đến tìm thầy trụ trì một ngôi chùa trong địa phận quản lý của mình, để xin được học về Phật pháp.

Nhân lúc có một người nông dân nghèo ở gần đó đem biếu nhà sư một rổ khoai luộc, sư sai thị giả bưng khoai ra mời người khách nọ.

Vốn không quen ăn những thứ bình thường như vậy, vị khách ngần ngại, không muốn chạm tay vào rổ.

Nhà sư thấy vậy, bèn nói: "Ngài cố mà ăn đi! Qua đó Ngài mới nếm được mùi vị khổ cực của những người nông dân. Phật pháp mà tôi muốn truyền dạy cho Ngài cũng chỉ có như thế!".

Lời bàn

Nhiều lúc, người ta cứ nghĩ, rằng Phật pháp dạy những gì cao siêu lắm, vượt qua những cái thường tình của thế gian, nên người ta khởi tâm mong cầu những điều thật xa xôi, mà quên đi hiện thực rằng, tất cả mọi cử chỉ, phong cách đều là đạo cả nếu thực sự trong tất mọi công việc thường nhật ta làm có chánh niệm và tỉnh giác, không tham đắm và không mong cầu vào bất cứ điều gì. Biết chia sẻ tình thương và giúp đỡ người khác thì đó cũng chính là đạo, bởi vì Phật pháp không phải rời thế gian mà có.

Sen nở từ trong bùn

Thầy trụ trì một ngôi chùa nọ dạy cho hàng Phật tử tại gia: "Các vị chớ có nên so sánh và cho rằng, các người được quy y là các người cao trội hơn người thường, những người còn vướng mắc trong vòng danh lợi, chưa thức tỉnh để bước vào đạo. Họ chỉ đáng được thương xót, không đáng bị khinh khi hay trách cứ, đừng khởi tâm phán xét họ, không nên khởi ý so sánh thấp cao".

Lời bàn

Đó chính là tâm hạnh của chư Phật, Bồ tát và các bậc Thánh hiền. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người bình thường, đồng hóa với sự đời, trong khi tâm ý của chúng ta vẫn hướng về đạo giải thoát và không ngừng chiêm nghiệm lẽ huyền diệu của giáo pháp.

Sự thật chứng minh

Có một nhóm người ngồi trong nhà bình luận phẩm hạnh của một người khác. Trong nhóm ấy, có người nói rằng:

- Người đó cái gì cũng hay cả, chỉ có hai điều không tốt: điều thứ nhất là hay nổi sân, điều thứ hai là chạm việc hơi lỗ mãng.

Đang lúc nói thế, bất ngờ người kia đi ngang qua cửa nghe lọt vào tai, lập tức nổi giận đùng đùng, nhảy bổ vào nha,ø vừa đánh y vừa nói:

- Ta nổi sân hồi nào, ta lỗ mãng với ai đâu?

Bấy giờ mọi người đều nói:

- Cử động của ngươi hiện tại chẳng đủ chứng minh cho sự sân hận và lỗ mãng của ngươi sao?

Lời bàn

Chuyện này ý muốn nói rằng: có một hạng người có lỗi mà không chịu nhận, người khác đưa ra ý kiến để giải bày, chẳng những không hết lòng tiếp nhận, trở lại xấu hổ sân hận, tìm cách báo thù. Làm thế thì không chỉ trở ngại cho sự tiến bộ của mình, mà lại làm bộc lộ và phát triển tội ác xưa nay, chịu hậu quả bất lương nữa.

Phân tâm nhị dụng

Có một vị thầy đến thăm nhà một Phật tử nọ, thấy bà chủ nhà vừa thờ Phật vừa thờ Thần Tài, vị thầy hỏi:

- Bà thờ Thần Tài để làm gì?

- Dạ, con thờ để cầu được tiền tài!

- Thế còn thờ Phật?

- Dạ, để tu hành và cầu mong giải thoát!

Vị thầy nói:

- Bà quả là người có tài phân tâm nhị dụng.

Lời bàn

Thật vậy, trong cuộc sống đời thường, người ta luôn luôn khởi tâm mong cầu, tham lam bắt cá hai tay, vừa ôm muốn lợi danh vừa tìm cầu giải thoát, nên lúc nào cũng phân tâm đuổi bắt hai chiều, mà quên mất đi hạnh phúc sẵn có nơi tự tâm mình, vì mỗi giây, mỗi phút hiện tại tỉnh thức luôn là quý báu và mầu nhiệm, mà mỗi nụ cười, mỗi hơi thở và mỗi câu niệm Phật đều chứa đựng cái bản thể bất nhị. Khi ta không khởi tâm mong cầu, ham muốn thì trong mỗi pháp, tự nó lại có đủ mọi thứ mà không hề mâu thuẫn. Như đức Phật có dạy trong kinh Pháp Cú: "Kẻ ngu đi tìm sở đắc thì phân tâm làm hai. Vì vậy, ta cần phải trở về với giây phút hiện tại, vì quá khứ thì đã trôi qua, còn tương lai thì chưa đến. Chúng ta cần phải sống hết sức chánh niệm trong tuệ giác của những phút giây hiện tại mà chúng ta đang có mặt.

Những vết đinh

Một cậu bé nọ hay nóng tính. Một hôm, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và nói với cậu: "Mỗi khi con nổi nóng với ai đó, thì hãy chạy ra sau nhà và đóng một chiếc đinh lên chiếc hàng rào gỗ".

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng tất cả 37 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu bé tập kiềm chế cơn giận của mình, và số lượng đinh mà cậu đóng lên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy, rằng kiềm chế cơn giận của mình còn dễ hơn là đi đóng một cây đinh lên hàng rào".

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé vui mừng hãnh diện tìm cha và báo rằng không còn cái đinh nào trên hàng rào nữa. Cha cậu liền đến bên hàng rào. Ở đó, ông nhỏ nhẹ nói với cậu: "Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh còn lại trên hàng rào. Hàng rào đã không giống như trước nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng như những lỗ đinh này, chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó, con có nói bao nhiêu lần xin lỗi đi nữa, vết thương đó vẫn còn lại mãi mãi. Con hãy luôn nhớ: vết thương tinh thần còn đau đớn hơn cả vết thương thể xác. Những người xung quanh con, bạn bè con là những viên đá quý. Họ giúp con cười và giúp con mọi chuyện. Họ nghe con thở khi con gặp khó khăn, cổ vũ cho con và luôn sẵn sàng mở trái tim của họ ra cho con, hãy nhớ lấy điều ấy!".

Lời bàn

Trong cuộc sống, sự tiếp nối, truyền thông giữa cha mẹ và con cái vô cùng quan trọng, đặc biệt là ngay từ thời thơ ấu, cha mẹ phải tập cho con cái biết suy nghĩ về những hành động mà chúng làm. Những suy nghĩ và việc làm đó là tốt hay là không tốt, và giúp cho chúng ý thức được sự có mặt của chúng trên cuộc đời này, và đang tiếp nhận sự thương yêu của mọi người dành cho chúng. Giáo dục cho chúng nhân cách ứng xử với tất cả mọi người, phải kính mến, hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, hòa thuận với tất cả anh chị em trong nhà, rồi bà con họ hàng, đến hàng xóm láng giềng xung quanh. Xây dựng cho chúng có được sự tiếp nối đối với các thế hệ. Được vậy thì đời sống cũng như tâm lý của chúng rất vững vàng, vì hơn ai hết, chúng ý thức được rằng mình đang rất hạnh phúc vì được bảo bọc trong vòng tay thương yêu và chăm sóc của người thân và cha mẹ.

Giết kẻ dẫn đường

Thuở xưa, có một đoàn thương gia dự định đến phương xa để tìm kế sinh sống.

Đường đi phải trải qua một cánh rừng rộng, cả đoàn đều không biết đường, mới bàn tính với nhau là mời một người đi theo chỉ lối, rồi họ cùng nhau khởi cuộc hành trình. Đi được nửa đường, họ đến một cánh đồng bao la bát ngát và gặp một ngôi miếu thần.

Theo tập quán nơi đó, đoàn phải có một người để tế mới đi qua khỏi được.

Đoàn thương gia cùng nhau bàn luận, và đều cho rằng: trong những người bạn của chúng ta, ai ai cũng đều là bà con thân thích, chỉ có người dẫn đường là người ngoài, nên giết người này để cúng tế.

Bàn tính xong xuôi, họ bèn đem người dẫn đường ra giết. Cúng tế xong, họ lên đường. Nhưng vì không có người dẫn đường nên cả bọn lạc lõng bơ vơ nơi cánh rừng bát ngát.

Sau cùng, cả bọn đều bị chết ở giữa khoảng đường dài.

Lời bàn

Đời sống của con người thật quý giá, nhưng cũng quá đổi mong manh. Hôm qua còn khoẻ mạnh vui sống, nhưng ngày mai sẽ ra sao thì vẫn là điều bí ẩn của nhân sinh muôn thuở. Người ta chỉ chợt chạnh lòng tê tái với một cảm nhận mong manh, khi vô thường xảy ra với mọi người chung quanh, mà chẳng mấy ai lưu tâm đến điều ấy có thể xảy đến với mình.

Theo Thế Tôn thì mạng người chỉ tồn tại trong hơi thở, một khi thở ra mà không thở vào là kết thúc một đời người. Quán niệm đối diện với sự thật của chính tự thân về cái chết sẽ đến với mình bất cứ lúc nào là điều cần thiết mà mỗi người phải thực hành. Chính cảm nhận được sự mong manh tạm bợ nay còn mai mất của kiếp người, sẽ giúp cho ta thêm trân quý hơn cuộc sống. Những thành bại, hơn thua, được mất, tranh đoạt, hận thù... sẽ chẳng có giá trị gì nếu như gần kề với cái chết, nhận thức án tử đang lơ lửng quanh ta.

Cuộc sống xung quanh chúng ta luôn luôn biến động, đầy đẫy những tai nạn rủi ro. Ýù thức rõ ràng về cái chết có thể đến với con người bất cứ lúc nào... sẽ giúp cho con người sống trọn vẹn với giây phút hiện tại, bớt đi tham ái, hỷ xả, tha thứ và luôn nghĩ đến mọi người đồng thời tinh cần thực hành các pháp thiện. Nghĩ đến vô thường, thần chết đang rình rập, là một cách thể nghiệm sự thật của đời sống. Cuộc sống sẽ bớt khổ đau và con người sẽ thương nhau hơn nếu như mọi người biết suy niệm về cái chết.

Người trí

Bà Visakha mặt đầy nước mắt vì đứa cháu nội mới chết. Đức Phật dạy: ai có 50 người thân sẽ có 50 nỗi lo buồn, ai có 100 người thân sẽ có 100 lo buồn. Chỉ ai không chấp thủ đây là ta, đây là của ta mới không có khổ. Không tham đắm sẽ không ưu não. Xa lìa ngũ dục, chỉ cầu vui chánh pháp, sẽ tiến tới an lạc, Niết bàn.

Cho đến lúc sức mòn lực kiệt... thì cuộc đời vô thường đòi lại tất cả những cái "có" của chúng ta... Phần ta chỉ còn trơ trọi hai bàn tay trắng.

Lời bàn

Những phiền não của con người nơi cõi Ta bà này thì sâu vô tận, nên chúng ta cần phải hạ quyết tâm diệt trừ nó. Vẫn biết là mọi người chúng ta đang ở trong biển khổ vô biên, bao nhiêu con người đang rêân xiết trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, biết bao người đã bị đói rét hành hạ đau khóc thảm thương. Vì thế mà chúng ta phải học tập theo tinh thần lợi tha của đức Quán Thế Âm Bồ tát, chèo thuyền từ cứu giúp mọi người để làm vơi bớt một phần nào những đau khổ của kiếp phù sinh. Chúng ta là Phật tử thì cần phải dũng mãnh tinh tấn, hướng về chân trời lý tưởng của Phật giáo để làm lợi lạc cho người, và phần nào góp phần dựng xây xã hội ngày càng thêm tốt đẹp.

Một ngọn lửa

Một ngọn lửa khổng lồ bừng lên trong rừng rậm. Các con vật tập họp thành đàn phía bên kia hồ nuớc và nhìn chăm chăm vào đám cháy. Một con chim nhỏ duờng như biết trước những gì sẽ tiếp diễn, ngậm một hớp nước trong chiếc mỏ nhỏ xíu của nó và tưới vào đám lửa. Nó quay lại mang một hớp nước khác trong mỏ và tưới xuống. Cứ thế, nó cần cù bay trở lại và hướng tới đám lửa một cách cần mẫn.

Những con còn lại nhìn con chim nhỏ và nói với nhau đầy vẻ thất vọng: không biết con chim này nó nghĩ có thể làm được gì với một hớp nước trong cái mỏ nhỏ? Được một lúc, chúng hỏi con chim: "Hãy nói với chúng tôi, cậu thật sự nghĩ là có thể dập tắt ngọn lửa với một hớp nước chăng?". Con chim nhỏ trả lời: "Tôi nghĩ là tôi đang làm điều tôi cảm thấy cần thiết làm!". Đúng lúc đó, một thiên thần bay qua nhìn thấy và biết sự việc ấy. Thiên thần cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của con chim nên phù phép cho một trận mưa lớn.

Lời bàn

Trong cuộc sống, nếu như chúng ta không ngợi khen, khuyến khích được ai thì cũng đừng nên khinh khi hoặc ngăn cản bất kỳ việc thiện nào của người khác. Phật dạy sự tích lũy phước đức giống như những giọt nước nhỏ lâu ngày cũng đầy bể. Chúng ta cũng đừng cho rằng, một việc nhỏ, một trách nhiệm cỏn con, một phước lành thiển mọn là không quan trọng. Nếu ai cũng nghĩ riêng cho cá nhân mình, thì sự đoàn kết và trách nhiệm ở đâu trong cuộc sống? Một điều lành, bao giờ cũng đem lại sự bình yên, dù rất nhỏ nhưng cũng gây cảm kích lòng người và cùng với siêu nhiên linh ứng. Chúng ta nên biết, thế giới hữu hình và vô hình, chỉ cách nhau trong một nhịp cảm ứng mà thôi.

Đứa con bạc bẽo

Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông rất ích kỷ, sống với vợ trong một tòa nhà rất to. Anh ta không muốn có con và luôn nói:

- Trẻ con rất bẩn thỉu, ồn ào.

Thế là cuộc sống của anh ta chỉ toàn ăn với chơi.

Đôi khi, người nghèo khó cũng đến gõ cửa để xin tiền hoặc một mẩu bánh, nhưng anh ta thường đuổi họ đi mà chẳng cho gì bao giờ. Anh ta bảo họ:

- Các người cứ phải làm việc đi! Tôi không có bổn phận nuôi các người đâu!

Thế là hai người cứ sống như vậy, không bao giờ làm cái gì cho người khác. Một hôm, họ ngồi vào bàn, chuẩn bị ăn món gà quay mới ra lò. Con gà rất béo, da giòn tan, chung quanh là khoai tây rán vàng ươm! Họ ăn được một lúc thì nghe có tiếng gõ cửa. Người chồng ra mở. Thì ra là ông bố già của họ đến:

- Chào con trai! Nhà có món gì thơm thế?

Người chồng vội xông vào bếp dặn vợ:

- Cất nhanh con gà đi! Nếu không lại chia cho bố đấy!

Người vợ nghe theo và mang cho ông bố một miếng bánh mì khô khốc, rồi giải thích:

- Vợ chồng con chỉ có thế thôi!

Ông bố vừa đi ra, anh chồng khóa luôn cửa lại rồi kêu lên:

- Ta ăn tiếp con gà đi!

Nhưng thật ngạc nhiên, khi anh ta cúi xuống xem đĩa thì con gà đã biến mất. Trên đĩa bấy giờ là một con cóc gớm ghiếc. Con cóc liền nhảy lên bám chặt vào mặt anh ta. Hắn đã bị một sự trừng phạt đích đáng.

Lời bàn

Trong xã hội, thời nào cũng vậy, cũng luôn có những hạng con cái bất hiếu với cha mẹ. Và khi con cái có những hành vi ngỗ nghịch, các bậc cha mẹ thường tự an ủi với quan niệm cha mẹ sinh con trời sinh tính. Thực ra, trời không sinh tính mà chính là biệt nghiệp của con cái và cộng nghiệp của gia đình. Duyên nghiệp quá khứ ràng buộc đưa đẩy để hiện đời làm quyến thuộc của nhau. Đó là theo quan niệm nghiệp quả. Còn trong đời sống, tính nết của con cái có nhiều tính xấu là nhiều khi do ảnh hưởng của xã hội xung quanh và thiếu đi một phần nơi sự giáo dục về đạo đức một cách kỹ lưỡng, nên con cái rất dễ tiêm nhiễm cái xấu mà hư thân, bất hiếu với cha mẹ, ông bà.

Người bạn chân chính

Người cha, một hôm hỏi con trai có bao nhiêu bạn. Chàng trai tự hào trả lời:

- Con có hàng trăm bạn!

- Con ạ! Những người hiểu biết thường cho rằng, không bao giờ một người được gọi là bạn khi chưa thử thách người đó. Con hãy thử giết một con cừu rồi cho vào bao tải, bảo với các bạn là con đã giết người và con cần họ giúp đỡ. Khi đó, con sẽ rõ ai là bạn chân chính của con!

Người con làm theo, thấy không một người bạn nào nhận giúp anh ta. Ông bố an ủi con và kể cho anh nghe một chuyện như sau:

Có hai người lái buôn ở hai tỉnh rất xa nhau. Một hôm, một người đến thăm người kia và được tiếp đón nồng nhiệt. Nhân dịp đón bạn, người kia tổ chức một dạ hội lớn. Vài ngày sau, người khách ốm tương tư, người bạn hỏi xem mình có thể làm gì được để giúp anh.

Người kia nói:

- Nếu anh chỉ cho tôi tất cả phụ nữ có mặt trong buổi dạ hội đó, tôi có thể nhận ra người tôi mê!

Thế là người lái buôn kia thực hiện ngay điều bạn yêu cầu. Ai ngờ, cô gái mà anh bạn mê lại chính là người yêu của chủ nhân.

- Vì bạn yêu cô ta, nên mình chấp nhận để cô ấy trở thành vợ bạn!

Vài năm sau, người bạn kia vẫn còn sống độc thân và đã mất hết tài sản. Anh ta đi tìm bạn cũ đã từ lâu chưa gặp, để mong được sự giúp đỡ. Ngay lúc mới tới, người kia đã tặng nhiều của cải để anh này tiếp tục

kinh doanh.

Kể xong câu chuyện, người cha nói:

- Đấy chính là một trong những câu chuyện về người bạn đích thực.

Lời bàn

Thể rằng, trong cuộc sống, chúng ta thường quan niệm bạn bè là những người mà chúng ta quen biết và có cùng sở thích, nhưng đều vẫn chưa đủ để khẳng định đó là một tình bạn. Trong kinh Hiền Nhân, đức Phật dạy có bốn loại bạn trên đời. Đó là: bạn như hoa, bạn như cân, bạn như núi, bạn như đất. Thật vậy, trong các loại bạn trên thì bạn như đất là loại tình bạn đẹp nhất, nghĩa là một tình bạn thật tốt lành, sẵn sàng san sẻ, sớt chia những niềm vui nỗi buồn, có thể hi sinh những hạnh phúc riêng của mình để dành riêng cho bạn, và luôn giúp đỡ cho bạn những lúc khó khăn. Muốn được vậy, phải trải qua rất nhiều thử nghiệm thì mới biết người đó có thật sự là bạn tốt với mình hay không?

Những chiếc bánh nhỏ

Ngày xưa, có một chàng nông dân tham gia đội quân của những người nghèo khổ, nổi dậy chống lại những lãnh chúa độc ác. Vì chàng gan góc và thông minh nên chẳng mấy lúc được tôn lên làm thủ lĩnh.

Một hôm, chàng nông dân tấn công một cái thành. Ở đó, nhiều lãnh chúa tập trung quân để chống lại quân nổi dậy. Thủ lĩnh quân nổi dậy bố trí người chặn tất cả các nẻo đường đi vào thành. Cuộc bao vây kéo dài và chẳng mấy chốc trong thành phố đã cạn kiệt lương thực. Dân chúng và binh lính gầy rộc đi nhưng các lãnh chúa vẫn được ăn ngon, vì chúng giữ cho bản thân những gì chúng dữ trữ được.

Thủ lĩnh nghĩa quân bèn quyết định tấn công thành. Nhưng trước đó, chàng khao quân để họ có sức khỏe. Ngày ấy, trong những thức ăn ngon do bà con nông dân tặng, có những chiếc bánh nhỏ bỏ lò kẹp thịt rất thơm.

Thủ lĩnh nhân hậu thầm nghĩ: dân chúng và binh lính trong thành sắp chết đói, trong khi đội quân của mình lại được ăn no. Chàng ra lệnh móc vào mỗi mũi tên hai cái bánh nhân thịt, và yêu cầu mỗi người lính phải bắn ba mũi tên vào trong thành. Người trong thành thấy những mũi tên bánh đó bay đến, họ không còn tin vào mắt mình nữa. Họ lao ra lấy bánh và hiểu rằng, đội quân bao vây thành chịu sự chỉ huy của một thủ lĩnh nhân hậu, độ lượng, trong khi các lãnh chúa để mặc họ chết đói, chẳng giúp gì họ. Thế là họ mở cửa thành cho thủ lĩnh và nghĩa quân vào. Những người này bắt giam các lãnh chúa, và đây có lẽ là lần duy nhất người ta thắng trận nhờ những chiếc bánh nhỏ.

Lời bàn

Người ta thường nói: trong tận cùng đau khổ, mới biết thương những người trong tận cùng khổ đau. Điều ấy cũng đúng. Như anh chàng thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nọ đã cứu đói cho những người nông dân. Và đó là yếu tố rất quan trọng, quyết định sự thành công của anh ta. Trong những lúc gian nguy nhất cũng là lúc người ta dễ mở tấm lòng ra với nhau hơn. Đó cũng là một quan niệm sống rất gần với đạo Phật. Chàng thủ lĩnh này không phải là người học Phật. Nếu như anh ta là người học Phật thì tâm từ sẽ được nuôi dưỡng lớn hơn, và sẽ là người làm được rất nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân quần chúng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro