chuyện ngụ ngôn và triết lý kinh doanh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một số câu chuyện ngụ ngôn liên quan tới kinh doanh

Ngày cập nhật: 10/21/2011 8:42:00 AM

Đôi khi triết lý kinh doanh có thể rất dễ hiểu và dễ lĩnh hội bởi những câu chuyện nhỏ nhưng có ý nghĩa như thế này.

1. Cuộc đua của các chú ếch

Cuộc đua của những chú ếch, hay là bài học cuộc đời.

Một ngày nọ, xảy ra một cuộc đua của những chú ếch. Mục tiêu cuộc đua là leo lên đến đỉnh của một toà tháp cao.

Có rất nhiều khán giả đến xem và cổ vũ cho cuộc đua.

Cuộc đua bắt đầu.. quyết liệt và đầy sinh lực.

Tuy nhiên, đối với đa số nhiều khán giả, việc một chú ếch leo được lên đỉnh ngọn tháp là điều không tưởng. Chính vì thế, thay vì cổ vũ cho các chú ếch, họ lại gào lên ..”Thôi đi, làm sao mà leo lên đến đỉnh tháp được?”… hay là “Các cậu không thể nào làm nổi đâu..”

Một số chú ếch bắt đầu dừng lại, một số khác tiếp tục với tư tưởng bị lung lạc. Duy chỉ có một chú dường như không để ý đến những sự bàn tán và vẫn miệt mài trèo lên.

Cuộc đua tiếp tục và có phần chậm lại…mệt mỏi và phân tâm.

Những tiếng gào thét bên ngoài vẫn tiếp tục …

Và gần như tất cả các chú ếch dừng lại và chấp nhận thất bại…Duy chỉ có 1 chú vẫn tiếp tục miệt mài trèo lên..

Và cuối cùng chú cũng leo lên đến đỉnh ngọn tháp..

Tất cả mọi người sững sờ và đều muốn biết nguồn động lực nào khiến chú ếch có thể làm được một điều gần như là không tưởng???

Một khán giả chạy đến hỏi và nhận ra rằng: chú ếch … bị điếc.

Các bạn:

- Đừng bao giờ để ý đến những lời của những người có thói quen tư duy tiêu cực. Bởi vì họ sẽ lấy mất những hoài bão của các bạn,

- Luôn nhắc nhở bạn về sức mạnh của những lời nói mà bạn nghe được. Tức là, bạn luôn phải suy nghĩ một cách tích cực.

Hãy “bị điếc” khi nghe những người nói rằng bạn không thể thực hiện và sẽ không đạt được các mục tiêu hoặc ước mơ của bạn.

Và bạn sẽ leo lên đến ngọn tháp của mình…

2. Con lừa của bác nông dân

Một ngày kia, con lừa của bác nông dân sảy chân ngã xuống cái giếng bỏ hoang. Con vật kêu lên thảm thiết nhiều giờ liền trong lúc người chủ của nó nghĩ xem nên làm gì để cứu con lừa lên… Cuối cùng, ông quyết định rằng, vì con lừa cũng già rồi và cái giếng thì đằng nào cũng phải lấp, nên sẽ có cách để không phải bận tâm đến con lừa nữa.

Ông mời hàng xóm đến giúp ông một tay. Mỗi ngưởi cầm một cái xẻng xúc đất đổ vào giếng. Nhận ra sự thật phũ phàng, con lừa rên rỉ thảm thiết. Sau khi hứng những xẻng đất đầu tiên, nó hoàn toàn tuyệt vọng, nhìn lên với đôi mắt đầy ai óan. Chỉ đến khi đất ngập đến gần hết chân, nó mới bừng tỉnh, nó cảm nhận điều gì đó đang và sẽ xảy ra đối với nó. Nó không nhìn lên nữa mà cố gắng xoay sở để trồi lên. Bác nông dân và mọi người chăm chú nhìn xuống giếng, họ kinh ngạc trước những gì đang diễn ra. Cứ mỗi xẻng đất đổ lên lưng, con lừa lại lắc mình cho đất rôi xuống chân và bước lên lớp đất ấy. Cứ thế, từng xẻng đất, rồi từng lớp đất. Và chẳng bao lâu, chú lừa đã có thể bước lên miệng giếng, mệt nhọc chạy ra ngoài trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người.

Cuộc sống có thể sẽ đổ lên đầu bạn nhiều thứ khó chịu, thử thách và cả những sai lầm do chính bạn gây nên. Bí quyết nằm ở chỗ, bạn không nên để mình bị chôn vùi bởi những điều khó chịu ấy, mà phải biết rũ bỏ nó xuống và bước lên trên. Mỗi khó khăn, thất bại mà bạn gặp sẽ là một bước đệm để ta cao hơn. Chúng ta có thể thoát khỏi những cái giếng sâu nhất chỉ bằng cách không bao giờ bỏ cuộc. Đừng gục ngã và hãy bước lên!

3. Đón nhận cơ hội!! Thế còn tạo dựng?

Trong sự nghiệp, nếu như chúng ta hiếm khi bỏ qua mất đi những cơ hội đến với chúng ta, thế thì chúng ta cũng đã thuộc vào loại xuất sắc rồi đấy. Tuy nhiên, vấn đề là nếu chỉ trông chờ vào cơ hội xảy ra thì không đủ. Chúng ta còn phải chủ động tạo ra cơ hội nữa. Xin chia sẻ với các bạn câu chuyện sau.

Câu chuyện về một nhà doanh nhân tên là Jack.

Một hôm, Jack kéo con trai vào phòng đọc và nói:

Jack: Con trai, cha muốn con sẽ lấy vợ theo ý cha.

Con: Không bao giờ! Con sẽ tự chọn cô dâu của mình.

Jack: Nhưng người mà cha muốn con lấy là con gái của Bill Gate.

Con: Oh, nếu thế thì....

Hôm sau, Jack đến gặp Bill Gate

Jack: Tôi muốn giới thiệu một chàng trai cho con gái của ông.

Bill: Nhưng con tôi còn quá trẻ để lấy chồng.

Jack: Chàng trai tài ba này là một trong những phó chủ tịch của Ngân hàng Thế Giới.

Bill: Oh, nếu thế thì....

Ngày tiếp theo, Jack đến gặp Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới.

Jack: Tôi muốn giới thiệu một người để làm phó chủ tịch cho ông.

GDWB: Nhưng tôi đã có quá đủ phó chủ tịch rồi.

Jack: Người tôi giới thiệu chính là chàng rể của Bill Gate.

GDWB: Oh, nếu thế thì...

Đó chính là cách mà những người thông minh tạo ra những cơ hội không tưởng...

Các bạn thấy thế nào?

Chuyện ngụ ngôn kinh doanh "Chó và Chuột"

Một lũ chuột trèo lên bàn định ăn vụng thịt, không ngờ lại khiến con chó nằm cạnh bàn thức giấc. Chúng bèn dịu ngọt thương lượng với chó:

- Nếu anh im lặng thì bọn tôi sẽ chia cho anh một miếng thịt.

Chó nghiêm mặt, từ chối thẳng thừng:

- Bọn mày mau cút đi. bà chủ thấy thịt mất thì chắc chắn sẽ nghi ngờ ta.

Lúc đó, thì ta lại trở thành miếng thịt trên bàn chứ trả chơi!

Bài học kinh doanh: Đừng hợp tác với kẻ muốn lật đổ bạn! Khi họ hứa cho bạn một chút lợi ích, thì sau đó bạn mất rất nhiều thứ.

Quan huyện

Ngày xưa, có viên quan nọ về nhận chức ở Kinh Châu. Tại đó thường có một con hổ dữ, từ trên núi xuống bắt người và súc vật ăn thịt.

Dân chúng cầu xin viên quan tìm cách bắt hổ. Viên quan nọ bèn sai khắc, chữ to mệnh lệnh của mình: “Cấm hổ vào thành” trên vách núi cao. May thay, gặp đúng dịp đó con hổ dữ kia dời khỏi Kinh Châu. Ông ta rất đắc ý, cho rằng mệnh lệnh của mình quả thực hiệu nghiệm.

Không lâu sau, ông ta được phái tới nhận chức ở nơi khác. Dân chúng nơi này rất hung dữ, bất trị. Viên quan nghĩ, lệnh của mình đã cấm được cả hổ dữ, thì lý gì lại không cấm được người! Nghĩ vậy, ông ta bèn ra lệnh cho lính lại, theo kiểu chữ to mà đã khắc lệnh của ông lên vách nuid cao. Kết quả là dân không trị được, còn viên quan thì mất chức vì... không quản được dân.

Bài học kinh doanh: Rất nhiều công ty đều có lịch sử kinh doanh thành công và kiếm được nhiều lợi nhuận từ biện pháp đó. Nhưng khi một môi trường mới xuất hiện, tâm lý tiêu dùng thay đổi, thì bí quyết thành công kia lại trở lên lỗi thời.

Bài học cần rút ra là: Công ty nào cũng có phương thức kinh doanh riêng, nhưng khi thị trường thay đổi, thì công ty cũng phải điều chỉnh cách thức kinh doanh sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Bởi vì thị trường luôn luôn đúng!

Bầy cừu và những con sói

Có một người chăn cừu quyết định đưa đàn cừu của mình lên sống ở phía bắc. Lúc đầu, khí hậu rất thích hợp cho đàn cừu, nên chúng sống rất phởn phơ, thoải mái. Cũng chính vì thế mà lũ cừu trở lên lười biếng. Rồi mùa đông đến, nhiệt độ xuống rất thấp, khiến lũ cừu không thể chịu đựng nổi, nhiều con đã chết rét. Người chăn cừu rất lo lắng.

Anh ta suy nghĩ mãi, rồi đưa ra một giải pháp có vẻ liều lĩnh: thả vài con sói vào bầy cừu. Lúc này, bầy cừu cảm thấy tính mạng của chúng đang bị đe doạ nên không ngừng chạy chốn sự truy đuổi của bầy sói. Chính sự vận động ấy đã giúp chúng chống lại cái rét, và số cừu chết ít hơn trước đây khá nhiều.

Bài học kinh doanh:

Có thể thấy, chính những mối nguy hiểm lại khiến chúng ta sống tốt hơn. Một công ty cũng vậy, chỉ có thể sống mạnh mẽ hơn khi luôn có ý thức về nguy cơ trong công việc để không quá chìm đắm trong thành công.

"Mèo đen mời khách"

Mèo đen mời sơn dương đến nhà dùng bữa. Sơn dương khoái lắm, bèn vác bụng rỗng đến chỗ mèo đen. Mèo đen đã chuẩn bị một bữa ăn thật thịnh soạn: nào là thịt chuột nướng, da chuột chiên xì dầu, đầu chuột chiên dòn, chân chuột nướng... để thiết đãi.

Thấy sơn dương đến, mèo đen mừng lắm, vồn vã mời sơn dương ăn, và mình cũng ngồi ăn ngon lành.

Sơn dương cũng ngồi yên một chỗ, dù bụng đang đói cồn cào, vì nó chẳng hề hứng thú gì với mấy món này. Sơn dương ngập ngừng nói:

- Tôi không ăn thịt chuột bao giờ cả!

Nói rồi, sơn dương bèn ra ngoài vườn ngấu nghiến gặm cỏ. Mèo đen chợt hiểu ra vấn đề, cười phá lên. Còn sơn dương thì vừa chén cỏ vừa sung sướng kêu 'be be' để cảm ơn thịnh tình của mèo đen.

Bài học kinh doanh: Nhu cầu của khách hàng rất phong phú. Một công ty nọ cho ra đời sản phẩm mới, và cứ đinh ninh rằng khách hàng sẽ thích nó. Đó thực là một quan niệm sai lầm. Nếu bạn đứng trên lập trường của khách hàng để suy nghĩ vấn đề thì điều này có xảy ra không?

Làm mũ cho vua nhổ gai cho hổ

Có người thợ rèn nọ thường gánh đồ nghề đi khắp làng để sửa chữa đồ dùng cho mọi người. Vì ông làm việc khéo léo, lại tốt bụng và giá cả cũng phải chăng nên có rất đông khách hàng. Chỉ dựa vào công việc này mà ông có thể nuôi sống cả gia đình.

Một hôm, ông lại gánh đồ nghề đi trên đường làng như mọi khi. Bỗng nghe tin Hoàng thượng sắp đi qua đây. Ông vội tránh vào vệ đường và qùi rạp xuống, hy vọng có cơ hội ngắm nhìn dung nhan thánh thượng.

Không ngờ, ông có cảm giác như là tiếng vó ngựa rất gần mình. Ông tò mò ngẩng đầu lên, thì thấy ngự giá của Hoàng thượng đang ở ngay trước mặt. Quá sợ hãi, ông vội dập đầu lia lịa xin tha tội.

Hoá ra khi đi ngang qua người thợ rèn, Hoàng thượng nhìn thấy gánh đồ nghề bên cạnh ông nên nghĩ ông là một người thợ sửa chữa. Lúc này vương miện của Hoàng thượng đang có mấy chỗ lỏng lẻo vì xe quá xóc, nên nhà vua mới quyết định đỗ lại để sửa chữa.

Người thợ rèn vội quì xuống bắt đầu sửa vương miện. Nhà vua thấy tay nghề của ông giỏi, nên rất ưng ý, thưởng ngay cho ông một trăm lạng bạc.

Người thợ rèn sung sướng chạy như bay về nhà. Nhưng ông chợt nhìn thấy có một con hổ ở bên vệ đường. Ông vô vùng sợ hãi song vội định thần lại, vì thấy con hổ hình như không có ác ý gì. Nó đang giơ cao một chân trước lên, nét mặt lộ rõ vẻ đau đớn.

Ông lấy hết can đảm tiến lại phía con hổ, phát hiện chân nó bị một cái gai rất to đâm vào. Ông vội vàng lấy dụng cụ ra, giúp con hổ bỏ cái gai đó đi. Con hổ tỏ ra rất biết ơn và đền ơn ông một con hươu to.

Người thợ rèn cảm thấy vô cùng tự hào và hãnh diện. Từ hôm đó, ông không gánh dụng cụ đi khắp nơi nữa, mà treo một cái biển to trước cổng nhà với nội dung: "Chuyên sửa mũ cho vua, nhổ gai cho hổ".

Nhưng cũng từ đó, công việc làm ăn của ông ngày càng sa sút, khiến gia đình khốn đốn.

Bài học kinh doanh:

Sai lầm của người thợ rèn là ông lấy vận may ngẫu nhiên để làm cơ sở lập nghiệp cả đời, lại còn không chăm chỉ làm việc! Trên thị trường có rất nhiều công ty "phất" lên nhờ một cơ hội đặc biệt. Nhưng cơ hội không phải ngày nào cũng có. Chỉ có dựa vào năng lực và tài nguyên kinh doanh của công ty để điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của thị trường, không ngừng xác định đúng vị trí của mình, và luôn xác định khách hàng là mục tiêu chính thì công ty mới có thể tồn tại được.

Thỏ già thỏ trẻ

Một ngày nọ, thỏ già nhìn thấy thỏ trẻ đang chạy hớt ha hớt hải bèn gọi lại hỏi chuyện:

- Tại sao cháu lại chạy loạn lên thế?

- Bác không biết là mùa săn bắn đã đến rồi sao?

- Chàng trai ạ, ta có một cách để giải quyết việc đó. Cháu hãy biến mình thành một cây to, dù người thợ săn có đi qua cũng không thể bắn cháu được, vì họ cứ tưởng cháu là một cái cây.

- Cách này thật tuyệt! Sao trước đây cháu không nghĩ ra nhỉ? Cám ơn bác nhiều lắm.

Thỏ già lại nhẹ nhàng rảo bước trong rừng. Được một lúc nó nghe tiếng thỏ trẻ đuổi theo:

- Bác ơi, nhưng làm thế nào để biến được thành một cái cây?

Thỏ già đứng lại, nhún vai nói:

- Chàng trai, ta đã đưa cho cháu một cách tốt, cháu phải cảm ơn ta chứ không nên làm phiền ta bằng những câu hỏi đó. Cháu nên tự mình suy nghĩ mới phải chứ.

Bài học kinh doanh: Trong kinh doanh, thực tế cho thấy, một chiến lược được vạch ra rất tốt nhưng lại không được triển khai thực hiện cho tốt, thì chiến lược đó cũng không có giá trị gì cả.

Quạ và thỏ:

Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà không làm gì, Thỏ con hỏi:

- Tôi có thể ngồi cả ngày mà không làm gì như anh không?

- Tất nhiên, tại sao lại không. - Quạ nói.

Vậy là Thỏ con ngồi dưới đất nghỉ ngơi. Bỗng nhiên, Cáo già xuất hiện,

vồ lấy Thỏ và ăn thịt.

Bài học rút ra: Ðể được ngồi không, bạn phải ngồi ở vị trí rất, rất cao

Gà tây và bò tót

Gà tây nói với Bò tót:

- Tôi muốn nhảy lên ngọn cây kia nhưng tôi không đủ sức.

- Vậy thì rỉa phân tôi đi. - Bò tót khuyên.

Gà tây mổ phân của Bò tót và thấy thực sự đủ sức để nhảy lên cành cây thứ nhất. Ngày tiếp theo, sau khi ăn một ít phân bò, Gà tây nhảy được đến cành cây thứ hai. Cứ thế đến nửa tháng sau, Gà tây đã lên tới ngọn cây. Không lâu sau đó, Gà tây bị một bác nông dân bắn rơi.

Bài học rút ra: Sự ngu ngốc có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng không thể giữ bạn ở đó mãi.

Chú chim non

Chim non đang bay về phía nam để tránh rét thì bị đông cứng và rơi

xuống một cánh đồng. Trong khi nó đang nằm đó thì Bò cái tới và phóng uế lên người nó. Trong lúc bị đông cứng vì rét, bãi phân bò lại làm cho Chim non thấy ấm lên và tỉnh lại. Nó cất tiếng hót vì sung sướng thì một chú mèo đi qua nghe thấy. Mèo tìm đến bãi phân bò, lôi Chim non ra rồi ăn thịt.

Bài học rút ra:

1) Không phải bất cứ ai vây bẩn lên bạn cũng đều là kẻ thù.

2) Không phải bất cứ ai kéo bạn ra khỏi chốn bẩn thỉu cũng đều là bạn.

3) Khi bạn đang ở sâu trong chốn bẩn thỉu, hay im lặng.

Chuyện ngụ ngôn Kinh Doanh: Cá kiếm và mèo

Cá kiếm có bộ răng rất chắc và sắc. Vào một ngày nọ, nó bỗng giở chứng, đòi hỏi “tuyệt kỹ” của mèo là bắt chuột.

Mèo ngạc nhiên hỏi:

- Cái gì? Ôi, bạn thân mến của tôi, anh có thể làm được việc đó sao?

- Bắt chuột thì có gì ghê gớm. Ngoài biển tôi chả bắt cá lô suốt ngày sao?

- Thôi được, anh đừng quên là tôi đã cảnh cáo anh rồi đấy.

Nói rồi mèo và cá kiếm mò vào kho và mai phục.

Chỉ một lúc sau mèo đã bắt được chuột. Sau khi chơi đùa thoả thích rồi ăn một bữa no nê, mèo ta mới nhớ đến cậu bạn cá kiếm của mình. Khốn khổ thay, lúc đó cá kiếm đã bị chuột gặm hết cả đuôi, chỉ còn thở thoi thóp. Thấy vậy, mèo bèn đỡ cá kiếm dậy, thả nó trở lại biển khơi.

Bài học kinh doanh: Mọi người thường nói, người ngoài thì đừng có nói đến chuyện trong nghề. Trên thương trường cũng có rất nhiều công ty cho rằng đã làm rất tốt trong lĩnh vực của mình rồi, và muốn lấn sân sang lĩnh vực khác mà không tự trang bị cho mình kỹ năng cạnh tranh cơ bản. Bởi vậy, thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Câu chuyện KD: Tiết kiệm ánh sáng mặt trời

Một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng tuyển nhân viên nghiệp vụ với mức lương vô cùng hấp dẫn. Có rất nhiều người đến xin thi tuyển. Trong số đó có một ứng viên trẻ tuổi có điều kiện rất tốt, tốt nghiệp ở một trường đại học danh tiếng, lại có kinh nghiệm làm việc ba năm ở một công ty nước ngoài.

Vì vậy khi đứng trước ban tuyển dụng, anh tỏ ra rất tự tin. Vị chủ khảo bắt đầu hỏi anh:

- Công việc cụ thể của anh khi ở công ty nước ngoài là gì?

- Tôi nghiên cứu trồng rau xanh.

- Vậy theo anh, đối với một nhân viên nghiệp vụ thì khách hàng quan trọng hay sản phẩm quan trọng?

Anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Tôi nghĩ khách hàng là quan trọng.

Chủ khảo nhìn anh ta một lần nữa rồi hỏi:

- Anh nghiên cứu rau xanh thì cũng biết là trong các loại rau, cây đuôi chồn chủ yếu được xuất khẩu sang Nhật. Trước đây tiêu thụ rất tốt, sản xuất bao nhiêu thì tiêu thụ bấy nhiêu. Nhưng mấy năm trở lại đây, các công ty nước ngoài lại không đặt hàng nữa. Theo anh là vì sao?

- Vì rau không tốt!

- Anh thử nói xem vì sao lại không tốt.

- Ừm...Người thanh niên dừng lại trong giây lát rồi tiếp tục - Vì chất lượng không tốt.

Chủ khảo nhìn lại anh ta rồi nói:

- Tôi dám khẳng định là anh chưa từng ra ruộng rau!

Người thanh niên nhìn vị chủ khảo, im lặng trong ba mươi giây, không tỏ vẻ đồng ý hay phản đối phán đoán vừa rồi, mà hỏi lại:

- Ngài có thể nói là tại sao ngài lại biết tôi chưa từng ra ruộng rau được không?

- Nếu anh đã từng đến ruộng rau thì anh phải biết tại sao rau lại không tốt. Thời gian thu hoạch cây đuôi chồn tốt nhất là trong vòng trên dưới mười ngày. Lúc đó cây đang xanh tươi nhất và cũng ngon nhất, thu hoạch sớm cũng không được, mà muộn cũng không được. Sau đó, phải để dưới đất phơi nắng một ngày, ngày hôm sau lại lật lên và phơi tiếp một ngày nữa để nước trong rau bốc hơi hết. Xong xuôi, sẽ bó rau thành từng bó và đóng gói. Khi sử dụng chỉ cần nhúng rau vào nước một chút là được. Nhưng bây giờ, để tiết kiệm thời gian và bán được nhiều hàng, người nông dân sau khi lấy rau về không phơi nắng nữa, mà chất rau vào lò sấy. Như vậy chỉ cần có hai tiếng là rau đã khô. Cách gia công này khiến rau nhìn bề ngoài không thay đổi, nhưng khi ăn, dù có ngâm thế nào cũng vẫn cứ dai và cứng như là rau đã già, không thể ăn được. Các công ty nước ngoài sau khi phát hiện đã cảnh cáo chúng ta một lần, rồi hai lần mà tình hình vẫn không có gì tiến triển, nên họ mới quyết định không đăt hàng nữa.

Anh thanh niên nghe xong, cúi đầu xấu hổ:

- Đúng là tôi chưa từng đi đến đơn vị sản xuất nên không biết được chuyện ngài vừa nói.

Anh thanh niên lòng đầy tiếc nuối bước ra khỏi trụ sở công ty. Anh ta là ứng viên có nhiều triển vọng nhất, nhưng cuối cùng lại không được lựa chọn. Kết quả này chúng ta đã biết ngay sau khi ra khỏi phòng thi. Anh biết rất rõ rằng, một công ty kinh doanh quốc tế nổi tiếng như vậy sẽ không bao giờ tuyển dụng một nhân viên, tuy có kinh nghiệm làm viêc ba năm nhưng toàn đi ăn nhậu, bù khú với khách hàng, mà không hề bước chân xuống thực địa như anh. Anh cũng giống như những người nông dân muốn có nhiều cây đuôi chồn kia, muốn tiết kiệm hai ngày phơi nắng, nhưng cuối cùng chính họ hoá ra lại bị...' phơi áo'.

Bài học kinh doanh: Kinh nghiệm không hẳn là đồng nghĩa với năng lực. Năng lực chỉ thuộc về những người chăm chỉ làm việc và biết suy nghĩ trước sau thật thấu đáo.

Câu chuyện kinh doanh - Ngố như gà gỗ

Có một người họ Kỷ chuyên luyện gà cho vua Tề. Những con gà này không phải là gà bình thường mà là những con gà chọi để thi đấu.

Mới nuôi được có mười ngày , Tề vương đã sốt sắng hỏi:

- Ngươi luyện được chưa?

- Thưa, vẫn chưa được. Hiện chúng vẫn còn rất kiêu ngạo.

Mười ngày trôi qua, vua Tề lại sai người đến giục. Kỷ tiên sinh bảo:

- Vẫn chưa được! Khi nhìn thấy bóng người, nghe thấy tiếng người, chúng vẫn rất sợ hãi.

Lại là mười ngày nữa, vua Tề đã sốt ruột lắm nhưng Kỷ tiên sinh vẫn một mực:

- Chưa được. Cần luyện cho chúng mắt sáng quắc, có khí thế nuốt tươi địch thủ mới được.

Mười ngày sau, Tề Vương thất vọng đến xem con gà chọi của mình. Không ngờ, Kỷ tiên sinh tâu:

- Cũng tạm được rồi! Tuy có lúc vẫn còn kêu, nhưng đã không sợ hãi nữa, nhìn nó cứ tưởng gà làm bằng gỗ vậy. Các mặt căn bản cũng đã chuẩn bị chu đáo. Những con gà khác đều không dám đến khiêu khích nó, mà bỏ chạy xa cả...

Bài học kinh doanh:

"Ngố như gà gỗ" kì thực không phải là ngố thật, mà là có thể thi đấu, có thể chiến thắng mọi con gà khác. Những con nhảy nhót tung trời, kiêu ngạo không phải là những con gà hay. Những con có ánh mắt kiên nghị nhìn thẳng vào đối thủ, cơ gân không động đậy, sắc mặt như gỗ, mới chính là cao thủ; căn bản không cần xuất chiêu mà đã làm đối thủ, sợ hãi, chạy dài.

Một nhà kinh tế học nổi tiếng người Italia đã đưa một quy tắc được ứng dụng rất rộng rãi trong cuộc sống: ”Thiểu số quang trọng và đa số rắc rối – quy tắc 80:20”.

Có nghĩa là: trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, các yếu tố quan trong thường chỉ chiếm số ít, còn những yếu tố không quan trọng lại chiếm số nhiều. Vì thế chỉ cần khống chế được “thiểu số quan trọng”, thì cũng đồng nghĩa với khống chế được toàn cục. Biểu diển trên những con số sẽ là: Quy tắc 80/20, tức là 80 % giá trị sẽ đến từ 20 % các yếu tố, 20% giá trị còn lại đến từ 80% các yếu tố.

Ví dụ:

* 80% mức tiêu thụ sản phẩm là do từ 20% khách hàng.

* 80% nguồn điện thoại là từ 20% số người gọi.

* 80% thời gian xem tivi tập trung vào 20 số các tiết mục.

* 80% thời gian đọc báo dành cho 20% mục báo.

* 80% tiền của nằm trong tay của 20% dân số giàu có.

* 80% tài nguyên của trái đất do 20% tổng số cư dân sử dụng.

* ...

Những ví dụ như trên, chúng ta có thể thu thập rất dễ dàng. Đương nhiên 80% hay 20% chỉ là những giá trị tương đối, nhưng quy luật mà nó đưa ra thì không thể xem nhẹ. Có nhiều người rất hăng hái, làm việc, đầu óc cũng nhanh nhẹn, nhưng lại không thích thành tích tốt. Nguyên nhân ở chỗ họ đã dàn đều hoặc tập trung sức lực, trí tuệ của mình lên 80% những cồn việc không phải quan trọng nhất. Vậy thì họ có thể trách ai được nữa?

Bài học kinh doanh:

Tuy thị trường kinh doanh rất coi trọng khách hàng, nhưng khách hàng lại được phân ra làm nhiều loại. Công việc của thị trường kinh doanh là phân biệt khách hàng tiềm năng, khách hàng thực tế, khách hàng trung thành, khách hàng thỉnh thoảng, khách hàng chính. khách hàng phụ… Nắm chắc khách hàng trung thành, khách hàng chính và khách hàng thực tế chính là trọng tâm của kinh doanh.

Những Câu Chuyện Ngụ Ngôn Hay Trong Kinh Doanh Quản Lý P3

by Kinh Doanh on Monday, November 22, 2010 at 4:53am

Trong những câu chuyện dưới đây, có thể không chỉ có những bài học được liệt kê sau đó, tùy vào cảm nhận của riêng bản thân, các bạn có thể tự tìm ra cho mình những chân lý riêng biệt.

Ngụ ngôn Thỏ và Rùa trong kinh doanh

Đây là câu chuyện ngụ ngôn thú vị và quen thuộc với chúng ta, song đã được Roberto Goizueta, Giám đốc điều hành của Coca Cola trong những năm 1980 mở rộng thành một triết lý kinh doanh đáng suy ngẫm. Ngày xửa ngày xưa, có một con rùa và một con thỏ cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như như bắn và chạy thục mạng một hồi, và sau khi thấy rằng đã bỏ khá xa bạn rùa, thỏ nghĩ nó nên nghỉ mệt dưới một tán cây bên đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua. Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa từ từ vượt qua thỏ và sớm kết thúc đường đua, dành chiến thắng. Thỏ giựt mình tỉnh giấc và nhận ra rằng nó đã bị thua.

Bài học của câu chuyện trên là: chậm và ổn định đã chiến thắng cuộc đua.

Nhưng cuộc sống không quá đơn giản như thế, câu chuyện được tiếp tục phát triển thêm:

Thỏ vô cùng thất vọng vì để thua và nó cố suy nghĩ. Nó nhận ra rằng nó đã thua chỉ vì quá tự tin, bất cẩn và thiếu kỷ luật. Nếu nó không xem mọi thứ quá dễ dàng và chắc thắng, thì rùa không thể nào có thể hạ được nó. Vì thế, nó quyết định thách thức một cuộc đua mới. Rùa đồng ý. Lần này, thỏ chạy với tất cả sức lực của nó và chạy suốt một mạch về đích. Nó bỏ xa rùa đến mấy dặm đường.

Thế, bài học của câu chuyện này? Nhanh và vững chắc sẽ chiến thắng cái chậm và ổn định.

Nếu có 2 người trong công ty của bạn: một người chậm, nguyên tắc và đáng tin cậy; một người khác nhanh và vẫn đáng tin cậy ở những việc anh ta làm. Người nhanh và đáng tin cậy chắc chắn sẽ được thăng chức nhanh hơn. Chậm và chắc là điều tốt, nhưng nhanh và tin cậy là điều tốt hơn.

Nhưng câu chuyện cũng không dừng lại ớ đây.

Rùa đã suy ngẫm kết quả và nhận ra rằng: nó không có cách nào thắng được thỏ trên đường đua vừa rồi. Nó suy nghĩ thêm một tí nữa và rồi thách thỏ một cuộc đua khác, nhưng có một chút thay đổi về đường đua.

Thỏ đồng ý. Họ bắt đầu cuộc đua. Như đã tự hứa với lòng mình là phải luôn nhanh, thỏ bắt đầu chạy và chạy với tốc độ cao nhất cho đến bên bờ sông. Vạch đích đến lại còn đến 2 km nữa ở bên kia sông! Thỏ đành ngồi xuống và tự hỏi không biết làm sao đây. Trong lúc đó, rùa đã đến nơi, lội xuống sông và bơi qua bờ bên kia, tiếp tục chạy và kết thúc đường đua.

Ý nghĩa từ câu chuyện này? Trước tiên, cần phải xác định ưu thế của mình, và sau đó là biết chọn sân chơi phù hợp.

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại.

Đến đây, thỏ và rùa đã trở thành đôi bạn thân thiết và họ cùng nhau suy ngẫm. Cả hai nhận ra rằng cuộc đua sau cùng có lẽ sẽ có kết quả tốt hơn. Vì thế, chúng quyết định tổ chức một cuộc đua cuối cùng, nhưng chúng sẽ cùng chạy chung một đội. Cuộc đua bắt đầu, thỏ cõng rùa chạy đến bên bờ sông, rùa lội xuống sông và cõng thỏ bơi qua bên kia bờ sông. Lên đến bờ, thỏ lại cõng rùa đưa cả hai cùng về đích. Và chúng cùng nhận ra rằng đã về đích sớm hơn rất nhiều so với các lần đua trước.

Bài học của câu chuyện này là gì? Hãy làm việc theo nhóm! Bởi vì thật tuyệt vời nếu mỗi người đều thông minh và đều có ưu điểm riêng, nhưng trừ phi các bạn cùng làm việc với nhau trong một đội và cùng chia xẻ, cống hiến ưu thế của từng người, còn nếu không, bạn sẽ không bao giờ thực hiện công việc được hoàn hảo bởi vì luôn luôn có những trường hợp bạn không thể làm tốt hơn người khác.

Điều quan trọng của làm việc theo nhóm là phải chọn được người trưởng nhóm trong từng trường hợp cụ thể. Phải chọn được người có ưu thế về lĩnh vực mà họ làm trưởng nhóm. Còn nhiều bài học nữa từ câu chuyện này. Lưu ý rằng cả thỏ và rùa đều không hề đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Thỏ quyết tâm làm việc hăng hơn và cố gắng nhiều hơn sau khi phải thất bại cay đắng. Rùa phải thay đổi chiến lược vì nó đã cố gắng làm việc hết sức.

Trong cuộc sống, khi phải chịu đựng, đối mặt với thất bại, có thể đó cũng là thời điểm thích hợp để cố gắng hơn và nỗ lực nhiều hơn nữa, nhưng đôi khi cũng cần phải thay đổi chiến lược và thử tìm kiếm giải pháp khác. Và đôi khi phải làm cả hai.

Thỏ và rùa cũng đã học thêm một bài học để đời khác: thay vì chúng chống đối (hay cạnh tranh) với nhau, chúng bắt đầu tìm cách giải quyết tình huống, và chúng đã cùng nhau làm tốt hơn rất nhiều.

Kết luận: câu chuyện ngụ ngôn thỏ và rùa đã dạy cho chúng ta khá nhiều bài học lý thú. Ý tưởng quan trọng nhất là “nhanh và vững chắc” sẽ luôn đánh bại “chậm và ổn định”; làm việc với những ưu điểm của bạn, đầu tư nhiều tài nguyên và làm việc theo nhóm sẽ luôn chiến thắng bất cứ một cá nhân nào; không bao giờ đầu hàng hay nản chí sau thất bại. Và cuối cùng, phải tìm giải pháp cho mọi tình huống, không trốn tránh cuộc chiến.

Chàng trai ngoan đạo

Một chàng trai trẻ ngoan đạo gặp một cô gái xinh đẹp xin

đi nhờ xe. Khi đi trên đường, anh ta phát hiện ra cô gái có đôi chân dài rất đẹp. Vì mải ngắm đôi chân đó mà anh

suýt nữa đâm vào một cột điện ven đường. Sau khi phanh xe, anh ta vờ làm như vô tình đặt tay lên chân cô gái. Cô gái nói: Anh hãy nhớ lại điều 129 của Kinh thánh. Vì là một chàng trai ngoan đạo, anh ta liền xin lỗi cô gái và rất lấy làm xấu hổ.

Khi về nhà anh ta tự nhủ mình phải đọc lại điều 129 để không bao giờ mắc phải những lỗi lầm như vậy nữa. Nhưng điều 129 hoá ra là: Hãy tiến lên, bạn sẽ giành thắng lợi.

Bài học: Trước khi ra bất cứ quyết định nào, cần chuẩn bị đầy đủ thông tin. Ðôi khi bạn có thể để tuột khỏi tầm tay những cơ hội lớn chỉ vì quên kiểm tra lại 1% bé xíu những thông tin mà bạn cho là vụn vặt không đáng quan tâm thôi đấy. Ngoài ra, đặt câu hỏi cũng là một kỹ năng cần rèn luyện.

Nụ hôn

Chuông cửa reo. Người vợ sau một hồi nhăn nhó đành phải xuống tầng dưới mở cửa đón khách vì người chồng nhất quyết không chịu rời mắt khỏi trận bóng đang đi vào phút đá bù giờ căng thẳng.

Ðứng trước cửa là Bob, người hàng xóm của họ. Bob nói: Tôi rất ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô. Nếu cô có thể để cho tôi hôn một lần, tôi sẽ đưa cho cô 2000 đôla. Mặc dù rất tức giận vì lời đề nghị khiếm nhã của người hàng xóm nhưng vì số tiền quá lớn nên người vợ vẫn để cho Bob hôn mình và, như đã thoả thuận, nhận được 2000 đôla.

Khi người vợ quay trở lên gác và thông báo rằng Bob vừa đến, người chồng hỏi lại: Bob đến à? Hắn có trả 2000 đôla hắn vay anh từ năm ngoái chứ?

Bài học: Trong một công ty, các bộ phận luôn luôn phải chia sẻ thông tin với nhau. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng làm việc chồng chéo lên nhau hoặc bỏ sót việc, hoặc mỗi người nói một phách khi người ngoài hỏi về thông tin trong công ty. Người quản lý phải tổ chức sao cho từng bộ phận biết rõ những thông tin cần thiết cho chức năng của họ.

Điều ước

Một nhân viên bán hàng, một nhân viên hành chính và một giám đốc đang cùng đi ăn trưa thì nhặt được một chiếc lọ. Khi họ mở nắp chiếc lọ, một vị thần bay ra và cho họ ba điều ước, mỗi người một điều.

Hai nhân viên tranh nhau ước trước. Cuối cùng, vì nhân viên bán hàng nhặt được cái chai, anh ta giành được quyền ước đầu tiên. Anh ta nói: Tôi muốn ngay bây giờ được đến đảo Bahamas du lịch trên một chiếc thuyền và không phải nghĩ gì đến công việc. Ngay lập tức điều ước hiệu nghiệm, anh nhân viên biến mất.

Ðiều ước thứ hai là của nhân viên hành chính. Anh này ước được thần chai đưa đến Hawaii nghỉ ngơi, đỡ phải giải quyết đống giấy tờ chồng chất ở cơ quan. Lời ước cũng thành sự thật ngay tức thì.

Ðến lượt ông giám đốc. Ông nói: Tôi ước hai nhân viên của tôi sẽ quay lại chỗ làm việc ngay sau giờ ăn trưa.

Bài học: Luôn để sếp là người được nói trước và bạn là người biết lắng nghe. Kể cả khi bạn không tán thành với quan điểm của sếp hay có những sáng tạo muốn nhanh chóng được công nhận. Kiên nhẫn và chọn đúng thời điểm để góp ý, bạn sẽ thấy sếp không phải là nguời quá khó thuyết phục.

Con Quay và Bánh Xe

Một hôm con quay màu vàng lăn đến bên cạnh chiếc bánh xe màu đen. Nó kiễng chiếc chân nhỏ bé nhôn hoắt của mình lên và hỏi bánh xe: " Này! Bánh xe, cậu có tài cán gì không?"

"Tôi có thể quay!", bánh xe nói một cách dứt khoát và hỏi "Anh bạn nhỏ xinh xắn! Nghe nói cậu cũng rất giỏi quay có phải không?"

"Đúng thế!", con quay tự tin đáp, "Tôi quay nhanh như gió, có thể coi là quay nhanh nhất trên thế giới này, mỗi phút tôi có thể quay mấy ngàn vòng trong một giờ khi đó còn nhiều hơn cả số sao trên trời!

Còn anh thì như thế nào?" Con quay hỏi bánh xe bằng một giọng khinh thường. Bánh xe trả lời: " Tôi mỗi phút chỉ có thể quay được vài trăm vòng và mỗi giờ quay ước chừng chỉ được khoảng hai vạn vòng thôi."

Con quay tỏ ra rất tự hào và lớn tiếng "Xem ra tôi giỏi hơn anh rồi!"

Bánh xe nhìn con quay bảo "Muốn biết ai hơn ai, cần phải xem thực chất đã."

"Anh nói vậy là có ý gì?" Con quay chất vấn một cách hoài nghi.

Khi ấy bánh xe mới trả lời rằng: " Nếu nói về tốc độ quay, cậu quay như bay vậy, chắc chắn là tôi không bằng cậu. Nhưng khi tôi quay một vòng thì tôi tiến lên phía trước một bước; Nếu như tôi quay liên tục thì tôi sẽ tiến lên liên tục. Còn cậu, dù cho có quay nhanh đến thế nào đi chăng nữa, tần suất dù có cao đến thế nào đi chăng nữa, nhưng cuối cùng cũng chắng rời thoát đươc khỏi chỗ cũ.

Lời Bình: Để đánh giá một người chúng ta cần nhìn vào công việc thục chất mà họ đảm nhiệm và không nên chỉ dựa vào những hiện tượng bên ngoài. Có những người bên ngoài tỏ ra rất khá, nhưng những khả năng, kỹ thuật mà họ có đựoc lại không phù hợp với yêu cầu của thực tế công việc. Đều đó có nghĩa rằng họ sẽ thực hiện công việc không có hiệu quả. Những người này dù cho bên ngoài có thể hiện tốt đến thế nào đi chăng nữa, nhưng đối với công việc của công ty họ vẫn là kẻ vô dụng. Nhưng ngược lại có những người trông hết sức bình thường, chẳng có vẻ gì là giỏi giang hơn người khác, nhưng họ lại biết cách phát huy hết khả năng, kỹ thuật của mình trong công việc thực tế và đem lại hiệu quả. Họ mới chính là những người đưa công ty tiến lên, và là những nhân tài thực sự mà công ty đang cần.

BA LỜI CẢNH TỈNH

Một lần đi săn, người thợ săn bắt được một con chim có thể nói 70 thứ tiếng. Con chim van nài: - Hãy thả tôi ra, tôi sẽ nói cho ông biết ba lời cảnh tỉnh.

- Cứ nói cho ta trước đã, ta thề sẽ thả ngươi ra.

- Thứ nhất là, sau khi đã làm việc gì rồi, thì không nên hối hận.

- Thứ hai là, nếu có ai kể cho bạn một câu chuyện mà bạn tự thấy là không thể xảy ra thì đừng tin họ.

- Thứ ba là, khi bạn không leo cao được, thì đừng hao tổn công sức làm gì.

Nói rồi con chim nhắc lại lời người thợ săn:

- Bây giờ, ông hãy thả tôi ra !

Người thợ săn cũng làm đúng như lời đã hứa là thả con chim. Sau khi được thả, con chim đậu trên một cành cây cao rồi réo lên khiêu khích:

- Ông là đồ ngốc! Ông thả tôi mà không biết rằng trong miệng tôi đang ngậm một hòn ngọc châu rất to, vì có nó mà tôi mới thông minh như vậy.

Người thợ săn rất muốn bắt lại con chim. Ông ta bèn chạy đến bên cái cây nó đang đậu rồi bắt đầu leo lên. Nhưng đến giữa chừng thì ông bị sảy tay ngã và gẫy cả hai chân.

Con chim thấy thế, bèn cười chế nhạo người thợ săn:

- Đồ ngốc. Vừa nãy tôi nói những gì ông quên cả rồi sao? Tôi bảo, nếu làm xong việc rồi, thì đừng hối hận, nhưng ông lại hối hận vì đã thả tôi. Tôi nói, nếu có ai đó kể cho ông nghe một câu chuyện mà ông thấy không thể có, thì đừng có tin, nhưng ông lại tin rằng trong cái mỏ nhỏ bé của tôi có một hòn ngọc châu to. Tôi cũng đã khuyên là nếu không leo cao được thì đừng miễn cưỡng, nhưng ông lại cứ leo lên, kết quả là ngã gãy cả hai chân rồi. Câu châm ngôn này rất đúng với ông: "Với một người thông minh, thì một bài học còn sâu sắc hơn cả trăm lần bị đánh của những kẻ ngu dốt".

Nói rồi con chim vỗ cánh bay đi.

Bài học kinh doanh: Có nhiều khi, chúng ta cứ lặp lại mãi những sai lầm đơn giản. Tại sao lại như vậy?

TẠM THỜI KẾT THÚC

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro