Văn mẫu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề 1: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ và tác phẩm "Chuyện Người Con Gái Nam

Bài làm

Nguyễn Dữ là một tác giả tiêu biểu của nền văn học Trung Đại Việt Nam. "Truyền kì mạn lục" là tác phẩm tiêu biểu của ông. Tác phẩm gồm hai mươi thiên truyện, trong đó "Chuyện người con gái Nam Xương" là một chuyện ngắn viết về số phận người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ.

Nguyễn Dữ có sách phiên âm là Nguyễn Tự (chưa rõ năm sinh năm mất), ông là người huyện Trường Tân nay là huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương. Ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống ở thế kỷ 16, đây là thời kỳ nhà Lê bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trinh tranh giành quyền bính gây ra các cuộc nội chiến kéo dài. Ông học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan có một năm rồi xin nghỉ về nhà nuôi mẹ già và viết sách, sống ẩn dật như nhiều tri thức đương thời khác.

Về sự nghiệp văn chương Nguyễn Dữ nổi tiếng với tập "Truyền kì mạn lục" - tập truyện ngắn đầu tiên của văn học Việt Nam viết bằng chữ Hán. Truyện ghi lại những truyền thuyết, giai thoại kỳ lạ được lưu truyền trong dân gian và được gọi là "áng thiên cổ kì bút". "Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong số những truyện ngắn đã góp phần khẳng định tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Dữ.

"Chuyện người con gái Nam Xương" được tóm tắt như sau: Truyện kể về người con gái xinh đẹp nết na tên là Vũ Thị Thiết. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, con nhà giàu nhưng ít học lại hay ghen. Trương Sinh vừa cưới vợ xong đã phải đầu quân đi lính. Vũ Nương ở nhà lo toan việc gia đình, chăm sóc mẹ chồng chu toàn. Nàng sinh được một bé trai đặt tên là Đản. Đêm đêm nàng lấy bóng mình dối con đó là cha nó. Giặc tan, Trương Sinh đi lính về nghe lời con nhỏ, nghi là vợ mình không chung thủy, mắng nhiếc, đánh đập và đuổi nàng đi. Vũ Nương bị oan bèn gieo mình xuống bến Hoàng Giang tự vẫn. Một đêm, Trương Sinh cùng con trai ngồi bên đèn, đứa con chỉ chiếc bóng trên tường và nói đó là người hay tới đêm đêm. Lúc đó chàng mới hiểu ra vợ mình đã bị oan. Phan Lang tình cờ gặp lại Vũ Nương dưới thủy cung. Khi Phan Lang được trở về trần gian, Vũ Nương gửi chiếc trâm vàng cùng lời nhắn gửi tới Trương Sinh. Trương Sinh lập đàn giải oan bên bến Hoàng Giang. Vũ Nương trở về ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng lúc ẩn lúc hiện rồi biến mất.

Qua câu chuyện kể về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, "Chuyện người con gái Nam Xương" thể hiện niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.

Tác phẩm là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật xây dựng truyện, miêu tả tâm lý nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình. Chuyện có bố cục chặt chẽ, nhân vật có tính cách riêng. Cách kể chuyện hết sức khéo léo, nhiều yếu tố sáng tạo đậm nét.

Tác phẩm mang vẻ đẹp của một áng văn xuôi cổ, xứng đáng là một "thiên cổ kì bút", góp phần làm phong phú hơn hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến và tiếng nói đòi quyền sống cho những con người bị áp bức, chà đạp.

Có thể nói "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ là một tác phẩm xuất sắc viết về người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến. Tuy ông đã đi xa nhưng tên tuổi, sự nghiệp và tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" vẫn còn sống mãi trong lòng người đọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro