II. Mua sắm - 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


      Tôi ra bằng cửa sau, vào vườn, rộng và sạch: bãi cỏ chính giữa, cây liễu, đám đuôi sóc rủ buồn; quanh mép vườn những luống hoa, thủy tiên vàng đang úa, uất kim hương he hé búp, màu lênh láng ra ngoài. Những đóa hoa màu đỏ, sậm hơn về gốc cánh, như vết cắt đang bắt đầu liền miệng.

      Vườn đây là lãnh địa của Phu nhân Chủ soái. Từ cửa kính không vỡ của mình nhìn ra tôi thường thấy bà ta trong đó, quỳ trên gối tựa, mạng màu lam sáng vắt qua mũ làm vườn rộng vành, bên người một giỏ lớn đựng kéo xén cây và dây để buộc hoa vào đúng thế. Một Vệ binh phân riêng cho Chủ soái này gánh việc đào bới, Phu nhân Chủ soái chỉ đạo, cầm cây can dài chỉ trỏ. Rất nhiều Phu nhân có những mảnh vườn thế này, có cái mà xếp đặt, chăm nom, coi sóc.

      Tôi từng có một mảnh vườn. Tôi còn nhớ mùi đất xới lên, những củ hoa bụ bẫm trong hai bàn tay khum, cảm giác nằng nặng, hạt giống loạt xoạt đổ qua kẽ tay. Thời gian trôi như thế nhanh hơn. Đôi lúc Phu nhân Chủ soái cho mang ghế ra, và cứ ngồi thế, trong vườn của mình. Nhìn từ xa trông như là bình an.

      Giờ bà không ở đây, và tôi bắt đầu nghĩ xem bà ta ở đâu: tôi không khoái thình lình đụng phải bà. Có thể đang khâu, trong phòng nghỉ, chân trái gác trên ghế đẩu, do chứng thấp khớp mãn tính. Hoặc đang đan khăn, cho các Thiên sứ trên tiền tuyến. Tôi khó mà tin các Thiên sứ lại cần mấy cái khăn đó; mà dù sao, khăn của Phu nhân Chủ soái làm cũng quá cầu kỳ. Bà không màng mẫu chữ thập và sao như hầu hết các Phu nhân khác, làm thế không xứng tài. Dọc hai đuôi khăn bà đan sắp hai hàng cây vả, hay chim đại bàng, hay những hình nhân cứng đờ tí xíu, con trai con gái, con gái con trai. Không phải khăn của người lớn mà của lũ nhóc con.

      Đôi lúc tôi nghĩ khăn ấy chẳng phải gửi cho Thiên sứ, mà sẽ tháo tung ra rồi trả lại về những cuộn len, chờ đến lượt đan lại từ đầu. Có thể chỉ để các Phu nhân có cái mà bận rộn, có một mục đích cho ngày tháng. Nhưng tôi ganh tị với trò đan lát của Phu nhân Chủ soái. Có những mục tiêu nho nhỏ dễ dàng đạt được, tốt biết mấy.

      Bà ta ganh tị tôi gì đây?

      Bà ta không nói chuyện với tôi, trừ khi bắt buộc. Tôi là lời trách móc sống, và là nhu cầu thiết yếu của bà ta.

      Bà và tôi đối diện nhau lần đầu năm tuần trước, khi tôi đến nhận nhiệm sở. Người Vệ binh ở nhiệm sở cũ đưa tôi tới cửa trước. Những ngày đầu chúng tôi được phép đi cửa trước, nhưng sau phải dùng cửa phụ. Mọi việc vẫn chưa ổn định, vẫn còn quá sớm, người ta vẫn còn do dự về chuyện xác định địa vị chúng tôi. Ít lâu nữa sẽ là cửa sau cả, hoặc cửa trước cả.

      Dì Lydia có nói đang vận động hậu trường cho cửa trước. Các cô ở một vị thế danh dự, dì bảo thế. Người Vệ binh bấm chuông cửa cho tôi, nhưng ước chừng chưa kịp cho ai đó nghe thấy mà ra cửa, cánh cửa đã mở vào trong. Bà ấy chắc đã đợi sẵn, tôi nghĩ một chị Martha sẽ ra, nhưng lại là bà ta, trong tấm váy dài màu lam, không nhầm được.

      Vậy cô là người mới, bà nói. Bà không bước sang bên cho tôi vào, mà cứ đứng đó chặn cửa. Bà muốn tôi hiểu rõ không được vào nhà trừ khi bà cho phép. Có những trò kèn cựa kiểu ấy, thời buổi này, về những chuyện cỏn con như thế.

      Vâng, tôi đáp.

      Cứ để lại hiên. Bà nói với Vệ binh, đang xách túi của tôi. Túi bằng vinyl đỏ, không to. Còn một túi nữa, đựng áo rét và những đồ dày, nhưng sau mới đến.

      Người Vệ binh đặt túi xuống và cúi chào bà ta. Rồi tôi nghe tiếng chân dội sau lưng, ngược trở lại lối vào, tiếng cổng trước đánh cạch, và cảm thấy như cánh quân yểm hộ vừa được lệnh rút lui. Ngưỡng cửa nhà mới luôn là một nơi cô độc.

      Bà ta đợi đến khi xe rồ máy rời đi. Tôi không nhìn lên mặt bà, mà vào phần thân thể còn thấy được khi đầu đang cúi: cái eo lưng lam, bó dày; bàn tay trái đặt trên đầu can bằng ngà; những hạt kim cương lớn trên ngón nhẫn, hẳn một thời đẹp lắm và giờ vẫn được giữ gìn rất đẹp; trên ngón tay có các khớp lồi, móng dũa thành một hình cung uốn nhẹ. Trông như một nụ cười giễu cợt, nằm trên ngón; như cái gì đó đang nhạo báng bà ta.

      Cô có thể vào được, bà ta nói. Bà quay lưng khập khiễng đi vào trong sảnh. Nhớ đóng cửa khi vào.

      Tôi nhắc túi đỏ vào trong, rõ là ý định của bà, rồi đóng cửa. Tôi không nói gì với bà. Dì Lydia bảo tốt nhất là không mở miệng trừ phi được hỏi đích danh. Hãy thử đặt mình vào vị trí họ xem, dì nói, hai tay bắt vào nhau vặn vẹo, nụ cười van lơn căng thẳng. Với họ chuyện này không dễ dàng gì.

      Trong này, Phu nhân Chủ soái nói. Khi tôi vào tới phòng nghỉ bà đã ngồi vào ghế rồi, chân trái gác ghế đẩu, trên cái gối tựa thêu mũi nhỏ, hoa hồng trong giỏ. Đồ đan trên sàn cạnh ghế, cắm kim đan chĩa lên.

      Tôi đứng trước bà, hai tay khoanh. Vậy đấy, bà nói. Bà đang cầm điếu thuốc lá, và đặt lên môi mà bậm chặt trong khi châm lửa. Môi bà mím vậy rất mỏng, viền môi vẽ ra những đường dọc mảnh thường thấy trong quảng cáo son. Bật lửa màu ngà. Thuốc lá chắc mua chợ đen, tôi nghĩ, và bắt đầu hy vọng. Kể cả không còn tiền mặt nữa, ít nhất vẫn còn chợ đen. Luôn luôn có chợ đen, luôn luôn có gì đó đem trao đổi được. Vậy bà là một người có khả năng phớt luật. Nhưng tôi có gì để đổi chác đây?

      Tôi nhìn điếu thuốc nôn nao. Với tôi, cũng như rượu và cà phê, thứ này bị cấm.

      Già đến mức cái ấy không làm việc nữa, bà ta nói.

      Dạ, thưa phu nhân, tôi nói.

      Bà buông một tiếng vẻ như cười, rồi ho. Bất hạnh cho ngài, bà ta nói. Với cô là lượt thứ hai, phải không?

      Thứ ba, thưa phu nhân, tôi nói.

      Không may cho cả cô nữa, bà nói. Lại thêm một tràng cười kèm ho nữa. Cô ngồi xuống đi. Tôi không hay làm thế, nhưng lần này ngoại lệ.

      Tôi ngồi xuống thật, ghé vào mép chiếc ghế tựa lưng thẳng đơ. Tôi không muốn giương mắt khắp phòng, không muốn tỏ ra lơ đễnh trước bà; bệ lò sưởi hoa cương ngay bên phải cùng tấm gương bên trên và mấy bó hoa thành ra chỉ chập chờn trong khóe mắt. Rồi đây tôi sẽ có thừa thời gian mà ngắm nghía.

      Giờ mặt bà đã ngang tầm mắt tôi. Tôi cảm giác nhận ra bà, hoặc ít nhất cũng thấy có gì rất quen. Có thể nhìn thấy một phần mái tóc, ló ra dưới tấm mạng trùm đầu. Vẫn còn màu vàng. Lúc đó tôi đã nghĩ có thể bà nhuộm vàng, nghĩ thuốc nhuộm tóc là một món khác kiếm được từ chợ đen, nhưng tới giờ thì biết là vàng thật. Lông mày tỉa thành hai vòm cung mảnh, khiến mặt thường trực mang vẻ ngạc nhiên, hay công phẫn, hay dò hỏi, như một đứa trẻ thảng thốt, nhưng hai hàng mi bên dưới lại trông mệt mỏi. Đôi mắt thì không thế, màu xanh trơ trơ thù nghịch như bầu trời giữa hạ trong nắng gắt, thứ màu ngăn chặn mọi sự xâm nhập sâu hơn. Mũi bà chắc xưa thuộc loại mi nhon nhưng bây giờ quá nhỏ so với mặt. Mặt bà không béo, nhưng to ngang. Hai nếp từ khóe miệng nhệch xuống, giữa là cái cằm, siết lại như nắm đấm.

      Tôi muốn phải thấy cô càng ít càng tốt, bà ta nói. Tôi hy vọng cô cũng nghĩ tương tự về tôi.

      Tôi không trả lời, vì vâng sẽ là xúc phạm, còn không là trái ý.

      Tôi biết cô không ngu, bà ta tiếp. Bà hít vào, thở phì khói ra. Tôi đã đọc hồ sơ. Với tôi, đây hoàn toàn là một vụ giao dịch. Nhưng nếu gặp rắc rối, tôi sẽ trả lại đủ. Cô hiểu chứ?

      Vâng, thưa phu nhân, tôi nói.

      Đừng gọi tôi là phu nhân, bà ta gắt. Cô không phải Martha.

      Tôi không hỏi cần gọi bà ta là gì, bởi dễ thấy bà hy vọng tôi sẽ không có cơ hội thưa gửi gì với bà nữa. Tôi phiền muộn. Khi ấy tôi đã muốn bà thành chị gái, thành một hình ảnh mẹ, một người sẽ thấu hiểu và bảo vệ tôi. Phu nhân ở nhiệm sở trước hầu như chỉ ở rịt trong phòng, các chị Martha bảo bà ta nghiện rượu. Tôi muốn lần này sẽ khác. Tôi muốn hình dung mình sẽ yêu được bà, giả thử là trong một không thời gian khác, một cuộc đời khác. Nhưng tôi đã thấy trước tôi sẽ không yêu bà, cũng như bà với tôi.

      Bà ta dụi điếu thuốc, mới hút một nửa, trong một gạt tàn chạm trổ trên bàn để đèn bên cạnh. Cử chỉ rất quả quyết, dúi xuống rồi ấn mạnh, không phải gõ gõ kiểu cách như phần nhiều các Phu nhân.

      Còn về chồng tôi, bà ta nói, ngài chỉ là thế. Chồng tôi. Tôi muốn điều này tuyệt đối rõ ràng. Chỉ cái chết chia lìa. Chấm hết.

      Vâng, thưa phu nhân, tôi lặp lại, quên bẵng chuyện lúc nãy. Ngày xưa từng có cái gọi là búp bê, cho các cô gái nhỏ, mở miệng nói khi giật sợi dây đằng lưng; tôi nghĩ giọng mình cũng giống vậy, một giọng máy móc, một giọng búp bê. Hẳn bà rất thèm vả vào mặt tôi. Họ có thể đánh chúng tôi, đã có tiền lệ chép trong sách thánh. Nhưng không được dùng gì cả. Chỉ dùng tay thôi.

      Đó là một trong những thành quả đấu tranh của chúng ta, Phu nhân Chủ soái nói, và đột ngột không nhìn tôi nữa, mà nhìn xuống bàn tay nổi cục, khảm kim cương, và tôi biết đã thấy bà ở đâu.

      Lần đầu là trên ti vi, hồi tôi lên tám hay chín gì đó. Đó là thời mẹ tôi thường ngủ nướng, mỗi sáng Chủ nhật, còn tôi dậy sớm chạy đến bên ti vi trong phòng làm việc của mẹ, chuyển hết kênh này đến kênh khác tìm xem hoạt hình. Đôi khi không có, tôi xem chương trình Phúc âm "Linh hồn đang lớn", có chuyện Kinh thánh kể cho trẻ con và thánh ca. Trong các bà trên đó có một người tên Serena Joy. Bà dẫn bè nữ cao. Tóc vàng tro, nhỏ nhắn, mũi hếch, mắt to xanh mỗi lúc hát lại ngước lên trời. Bà có thể khóc cười cùng lúc, một hai giọt lệ lăn xuống má yểu điệu, như thể chực sẵn, trong khi giọng hát vút lên tới nốt cao chót vót, rung rẩy, như không. Phải sau này bà mới chuyển sang theo đuổi thứ khác.

      Người ngồi trước mặt tôi đây là Serena Joy. Ít ra là ngày xưa. Vậy là chuyện tệ hơn tôi tưởng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bíẩn