Chuyện thời bao cấp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ấn tượng của em về cái thời ấy chỉ còn chút xíu - rất mờ nhạt vì em sinh 1980. Đến 1986 là bắt đầu đổi mới rồi - lúc đấy thì nhà em (thực ra lúc ấy có 2 mẹ con - bố đóng quân xa nhà - một năm về được một hai tuần) mới hết đói. Nhưng em nhớ năm 86 cũng là năm miền Bắc mất mùa - đói - có cả người chết vì đói tuy không nhiều. Học sinh cấp III ở trường mẹ em dạy có mấy anh chị đói lả - ngất trên lớp học. Lúc đó em mới 6 tuổi - nhớ lần dậy sớm mang sổ đi ra lương thực đong gạo thay mẹ ốm nằm nhà - được có mấy ký gạo. Về lại bắc bếp lũn cũn nấu cho mẹ - em vẫn không thể quên cái cảnh vo gạo - cho vào gạo đỏ quạch - nổi lềnh bềnh. Nếu đãi ra hết chắc chẳng còn gì để 2 mẹ con ăn. Cơm nấu lên đỏ lòm + mùi gạo ẩm mốc. Rồi những bữa ăn sắn thay cơm - trường chỗ mẹ em dạy đi xin được ở mấy cái HTX chia cho mỗi nhà được vài chục ký, thế là nhà nhà ngồi bóc, sát để nghiền ra lấy bột, xắt nhỏ để phơi khô - dự trữ ăn dần... mấy thứ ấy giờ chắc đổ cho heo nó cũng hổng thèm ăn.

Tết năm 1986 cũng là cái Tết đầu tiên em thấy dù chỉ có 2 mẹ con ăn Tết nhưng bắt đầu có thịt heo - thịt nạc thì làm ruốc - thịt mỡ thì rán lên dự trữ ăn dần. Bố em không được về phép nhưng có bác đồng đội làm cùng mang tiêu chuẩn tăng gia về cho hôm 29 Tết. Rồi sau Tết bố về phép - bắt đầu nghe thấy từ "đổi mới" trong nghị quyết (cái này em nhớ rõ vì hồi bé thiếu thốn - vớ được cái gì là đọc tuốt), rồi đời sống dần khá lên.

Cái thời trước 86 ấy giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ghê. Cái trường cấp III Kim Bảng - Nam Hà; trường mẹ em dạy nhiều người vì miếng cơm - manh áo mà sẵn sàng làm những thứ phải nói là cực kỳ tệ với 2 mẹ con em. Nghĩ lại mà giờ nhiều khi em vẫn còn thấy uất ức - sôi hết cả máu lên. Con em gái sinh năm 87 - lúc ấy vẫn khổ - nhưng không lo đói cơm nữa. Thỉnh thoảng kể những chuyện xưa với mẹ - mẹ thì đỏ hoe mắt, còn con em gái mặt cứ tỉnh queo cứ như là anh đang kể chuyện cổ tích thời nay. Nó không tưởng tượng được có lúc bố em về phép phải doạ bắn mấy thằng láng giềng có trình độ văn hoá mà mất dạy. Đúng là bần cùng sinh đạo tặc. Nhiều người giờ vẫn còn đang đứng lớp ở cái trường này. (Mod tha lỗi chứ em mà kể ra thêm chắc khối người tăng xông nếu em kể tên họ + những chuyện họ đã từng làm thời xưa ở đây).

Tuy nhiên cũng phải nói là có rất nhiều người tốt - đa phần là những cô bác có hoàn cảnh giống nhà em lúc ấy, các bác có chồng bộ đội xa nhà thường rất là cưng tụi con nít cùng cảnh ngộ bọn em.

Thú thật em mà kể chắc trong ký ức toàn những chuyện xấu về thời ấy. Chuyện vui thì toàn chuyện con nít ham chơi vô tư.

Ấn tượng về đói qua chuyện vui của mấy chú lính Hà Nội của bố em.

Mấy chú này lính thời 79/80. Lính Hà Nội ở phòng tuyến biên giới đói lắm. Thế là mấy chú mới tăng gia chống đói bằng cách tối mò vào mấy rặng tre của dân làng nơi đóng quân cắt trộm măng để luộc ăn. Sáng ra mấy cụ bô lão mới lọ mọ vào ban chỉ huy để tố lính ăn trộm măng. Xui cái là trước khi gặp chỉ huy - các cụ lại gặp đúng mấy chú lính ấy. Mấy chú mới tán dóc một hồi, rồi bày cho các cụ về lấy vôi trắng quét lên mấy mầm măng mới nhú - làm vậy măng sẽ đắng nên lính ta chẳng thèm lấy nữa.

Các cụ tưởng thật - thế là về hè nhau mang vôi ra pha nước để quét mấy cái mụn măng còn sót. Mấy chú lính nhà ta thì tối đó mò ra cắt trộm chẳng có đèn đóm gì cứ nhè chỗ nào trăng trắng mà cắt.

Mấy chuyện này sau này mãi những năm 98/99 lúc các chú tới nhà em họp nhân dịp 22/12 - mới kể. Papa thì bó tay với mấy chú lính của mình, em thì cứ ngồi lăn ra mà cười vì những câu chuyện vui của mấy chú ấy.

Mùa hè cũng là mùa nhiều kỷ niệm nhất - được bố cho lên đơn vị chơi - cũng xếp hàng đi ăn ở bếp như các chú lính, được các chú nhường cho bao nhiêu là thứ ngon. Mà có gì đâu: toàn khoai lang; lạc rang - luộc đủ cả... nhưng mà toàn những phần ngon nhất cho mấy đứa con nít. Cái bộ chỉ huy sư đoàn lúc đấy có cỡ gần chục thằng con nít sàn sàn tuổi nhau được nghỉ hè chung cùng bố - bày đủ trò con nít chơi với nhau thân thiết như anh em. Thế là lúc nào cũng mong tới hè để được đi chơi Hà Nội cùng bố (cái này là Hà Nội thời nay chứ lúc đó cách trung tâm Sóc Sơn - núi Đôi cỡ chục cây số, ở giữa mấy quả đồi trọc toàn đá với sỏi).

Giờ trưởng thành mới nghĩ - hồi đó mình khổ một thì bố mẹ khổ mười, chắt chiu từng đồng nuôi 2 anh em ăn học, vượt bao nhiêu là khó khăn. Vậy mà giờ nhiều khi 2 đứa vẫn vô tâm - để bố mẹ trăn trở vì mình.

Cảm ơn bác lonesome đã giới thiệu 1 topic rất hay. Em sinh gần đầu 8x, nhưng đọc topic cũng gợi lại rất rất nhiều kỷ niệm ấu thơ (có lẽ vì tuổi thơ của em gắn với 1 thị xã miền núi, có thể đi sau thủ đô vài năm nên đến thế hệ tụi em vẫn còn chăng?)

- Đêm giao thừa, trong cái se se lạnh của mùa xuân phía Bắc, ngồi trong lòng mẹ, đón chờ giờ phút đầu tiên của năm mới. Ông anh đi học ở Hà Nội, trước tết là mang về cả hòm pháo mua ở Bình Đà, 1 bánh tết pháo to cho đêm giao thừa, 1 bánh khác để đón khách xông nhà sáng mùng 1... Cái mùi pháo ý, và niềm háo hức được nhận bánh trưng đầu nứoc, có lẽ khó có thể phai nhòa.

- Hồi em tầm 5-6 tuổi, chỗ em thịnh hành loại thuốc gì đó mà có tẩu (như cái nắp bút bi bây giờ), em hay đi nhặt về chơi.

- Chuyện ăn: Em có sở thích là ăn cơm đường. Hồi đó đường đỏ chứ không có đường trắng như bây giờ. Kết quả là mới tý tuổi đầu đã bay hết răng vĩnh viễn. Rồi chuyên ăn cơm trôn với muối, mì chính cũng thường xuyên (vì thích chứ lúc đó cũng không quá khổ thế nữa) Rồi ăn mít xong bao giờ cũng để lại rổ hạt để luộc, ăn kém gì hạt dẻ bây giờ đâu. Ăn trám xong còn chặt đôi lấy nhân, nhai bùi bùi, còn hạt thì đóng xuống nền bếp thành chữ...

Mùa hè, món "sở trường" là nước chanh đá. Hồi đó nhà nào có người nhà đi lao động XK thì mới được gửi về cái tủ lạnh sa-ra-top 3 * (hình như thế em không nhớ chính xác nữa) Cả xóm chắc có 1 cái và hay làm đá bán cho cả xóm. Em chuyên bị đầu sai cầm 200d với 500d đi mua đá (được cục đá bằng 1/3 lon bia hihi) Bây giờ ra Hale club nó cho mình uống cái thức khỉ gió gì đó và lấy 70k VND, đắt hơn cả tây

- Trung thu là cả 1 ngày hội với trẻ con. Hồi đó nhà nào khá lắm mới mua đèn sẵn cho trẻ con. Còn em thì toàn theo các anh lớn làm đèn (giấy bóng kính màu hồi đó hình như là giấy gói oản tiết kiệm) Nến cũng là tự đúc (lấy chỉ tết dây bấc, cho vào ống nứa, rồi đun cục nến-không nhớ ở đâu ra- cho nó chảy ra rồi đổ vào ống như đổ khuân ý. Cả xóm có 1 cái đèn to nhất, 8h tối là trẻ con lông nhông trên đường rồi. Đứa nào mà bị bắn súng cao su (đá, thậm chí là móc sắt - siêu nghịch dại) rách hay cháy đèn thì chỉ có mà khóc tu tu.

- Chuyện chơi: không biết bác nào có chơi phốc không? Đạn là quả sơn hay quả gì đó em không nhớ nữa, nhưng mà nhựa nó dính vào quần áo thì còn lâu mới sạch (hay hồi đó không có OMO) Có thằng sáng tạo còn lấy hộp mực, đẽo gọt buộc dây thế nào đó mà buộc được dốc ngược vào thân cây súng phốc, như hộp tiếp đạn ý. Mình bắn phát một, nó bắn liên thanh, cứ gọi là rát.

Ah, hồi thịnh hành chơi quay, ông cậu em còn buôn quay nhựa đấy. Trên đỉnh quay có rãnh răng cưa, luồn cái dây vào kéo mạnh (như dây cu roa) thì nó văng ra. Nhưng không "bổ" nhau được, cũng không thích bằng quay gỗ nên không bán được.

- Chuyện làm "kinh tế tư nhân". Bao cấp, nhà nào cũng phải làm thêm, không thì đói. Bố em bộ đôi, mẹ bác sĩ, thế mà vẫn nuôi lợn, làm chổi chít...Em bé nhất nhà, còn nhỏ nên không phải làm gì, chứ ông anh, bà chị em thì đi lấy cỏ lạc (về cho lợn), đèo mùn cưa, gánh đất (nhà gần đồi hay bị sụt tả li), hái mon (rau mon cho lợn), thái chuối (cho lợn ăn)... đủ cả. À, bố em làm bác sĩ quân y, thi thoảng đem về 1 đống hộp thuốc kháng sinh rỗng màu trắng, to như hộp sữa bột trẻ con bây giờ nhưng dài hơn, bà chị em đem ra chợ bán, có vậy mà đắt hàng lắm (thời đấy cái hộp cũng giá trị thế)

Hic, bác lonesome khơi đúng mạch làm em dài dòng quá, mọi người thông cảm. Tựu trung, ai cũng than 1 câu là: hồi đó khổ nhưng mà vui (ít ra là ấm ấp), nhưng trở lại thì chắc không ai muốn

Người trẻ bây giờ thật khó hình dung đến thời bao cấp. Ở thế kỷ 20, đó là thời kỳ tệ hại có lẽ chỉ sau nạn đói năm 1945. Đói mọi thứ vậy còn chuyện sex thế nào? Ở ta chuyện sex vẫn khó nói cho nên chẳng có ma nào nghiên cứu trong môn tình dục học cả. Sau đây chỉ là vài ba câu chuyện lẻ tẻ do nghe được cần kiểm tra lại:

1. Hồi bao cấp có CaVe không? Câu trả lời là có nhưng rất ít, cực kì ít thì đúng hơn. Cùng lắm là một số người quá nghèo hoặc từ quê lên đành làm liều sống qua ngày. Do không có tự điểm chứa lẫn công an đi tuần nên đánh quả lẻ hay nấp ở gốc cây thấy người qua là gạ gẫm. Hồi ấy ở công viên Thống Nhất cũng có. Có câu chuyện kì khôi là tay quan bên ngành văn hóa tên là L. thì phải thèm quá ra công viên tìm CV bị công an túm cổ. Nhưng sau không biết bị xử lí thế nào?

Cũng chính vì không có nhiều CaVe nên đàn ông thời đó thủ dâm rất nhiều. Đàn bà chưa chồng, không chồng, chồng chết cũng thèm nhưng ít người chủ động tìm giai như bây giờ nhưng nếu được "gợi ý" lập tức đồng lõa ngay. Có chuyện kì lạ trong cửa hàng thịt những năm 70. Hồi ấy mua thịt hay bất cứ thứ gì đương nhiên phải xếp hàng. Một tay thanh niên đứng sau một bà lớn tuổi hơn. Tay này thèm quá dí chim vào mông bà đứng trước để "tự sướng". Bà này chắc cũng biết nhưng cứ để tay này tự do "làm việc". Đến khi sướng quá bắn lung tung mấy người bị dính cái "sữa ông thọ" hỏi um lên: "Cái gì thế nhỉ?". Bà đứng trước thản nhiên nói: "Mỡ vụn bắn ra ấy mà".

2. Thanh niên thời ấy có "máu" như bây giờ không? Câu trả lời là có nhưng lén lút và buồn cười hơn bây giờ nhiều.

Con gái một nhà thơ rất nổi tiếng cực kì quậy (bây giờ chắc cũng hơn 40 rồi). Ban đêm mò vào KTX nam đòi các SV nam thò của quý ra để em "thổi kèn" (oh, my god).

Lại có chuyện các chú miền Nam tập kết ra Bắc thèm quá nhưng không biết làm sao. Một anh cưới một cô vợ hờ để 7 anh dùng chung. (giời ơi móa thế không biết?).

Sinh viên thời ấy cũng ghê. Một cô học ĐH ngoại ngữ (bây giờ là ĐH Hà Nội) quãng năm 72 gì đó đến nhà bồ ở Tuệ Tĩnh và "làm việc" chung với hai anh bạn nữa. Khó hiểu ở chỗ thời ấy chẳng có "bao bì" gì cả nhưng có "hậu quả" rất hiếm.

Đó là ở thành thị còn nông thôn rất lắm chuyện. Đàn bà thì nhiều trong khi đàn ông ra trận hết chỉ còn ông già mắt toét hơi sức đâu với chuyện giường chiếu hoặc trẻ con chim bằng quả ớt chẳng khác gì tăm nhoáy trong ống bơ. Đàn ông chỉ còn lại các bác HTX, với cán bộ nhưng hồi ấy người ta hết lòng vì tiền tuyến nên chuyện thậm thụt ít vô cùng. Cùng lắm là anh chủ nhiệm HTX gọi chị X lên hỏi thăm. Vặn cái đèn hoa kì để đủ sáng cái nhà HTX ẩm thấp. Anh chủ nhiệm hỏi đại khái: "Các cháu thế nào?" "Anh có gửi thư về không?"... trong khi đó tay anh đã sờ đến đầu ti của chị X rồi. Hí hí

Thời chiến tranh ở vùng chiến cũng có nhiều gái điếm phục vụ cho cả ta lẫn địch.

Vài chuyện thế đã.

Tóm lại là thời bao cấp khổ đủ điều. Chuyện sex có lẽ khổ nhất vì lúc nào cũng lén lút do thời đó chặt cộng thêm cái bệnh đạo đức giả, lôi thôi coi như xong đời luôn. Nhưng thời ấy người ta yêu lãng mạn và khá trong sáng. Cầm tay là run bắn lên rồi. Thanh niên cấp 3 bạo lắm cũng chỉ hôn nhau rồi thôi. Thiệt thòi đủ thứ nghĩ mà tội.

Cảm thông, xúc động khi được biết về một thời khó khăn, khổ cực của ông bà, cha mẹ - đó là nhận xét chung của đa số bạn trẻ thế hệ 8X sau khi tham quan Triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp" được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Chút ký ức đọng lại

"Một yêu anh có may ô

Hai yêu anh có cá khô

ăn dần

Ba yêu rửa mặt bằng khăn

Bốn yêu anh có chiếc

quần đùi hoa...".

Đang theo dõi đoạn video về cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp, tôi phải ngoảnh ra bởi tiếng cười phá lên của một cô gái còn khá trẻ. Sau khi giới thiệu mình là phóng viên ANTG, tôi được biết lý do của tràng cười là do cô đọc được khổ thơ trên. Phùng Chung Thủy (20 tuổi) - sinh viên Trường đại học Dân lập Thăng Long - nhà trên phố Phan Chu Trinh vẫn tủm tỉm: "Bây giờ, dù anh nào có đủ cả bốn thứ trên, chưa chắc em đã yêu!".

Thủy bảo: "Ký ức sâu đậm nhất của em về thời ấy là chiếc xe đạp có biển số của bố em. Bố mẹ em giữ gìn nó cẩn thận lắm. Cứ mỗi lần đi về đến nhà lại kỳ cọ, lau rửa cho đến bóng loáng thì mới thôi". "Vậy so với chiếc xe được trưng bày ở kia thì thế nào?" - Tôi hỏi vui. "Có lẽ còn mới hơn anh ạ".

Còn Phan Anh Vũ - bạn của Thủy - sinh viên Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thì reo lên: "A! Chiếc quạt Tai voi này nhà tớ vẫn còn dùng đây mà". Vũ tâm sự, chiếc quạt này là của một người chú đi Liên Xô gửi về. Có thể nói nó là thứ tài sản... vô giá của cả gia đình cậu thời đó.

Quả thật đối với một bộ phận giới trẻ sinh sau thời bao cấp thì chuyện yêu một người con trai chỉ vì anh ta có "áo may ô, cá khô, khăn mặt hay... quần đùi hoa" quả là buồn cười. Tất nhiên, đây chỉ là thơ tiếu lâm, nhưng nó cũng nói lên phần nào cuộc sống khó khăn ngày ấy. Nhắc đến thời bao cấp cũng có nghĩa là nhắc đến một thời kỳ mà đôi khi có những ký ức rất chung của nhiều người trong xã hội.

Thực ra, với nửa đầu của thế hệ 8X (SN 1980 - 1985), đa số các bạn vẫn còn những ký ức khá sâu đậm đối với thời bao cấp.

Tôi gặp Nguyễn Thu Thúy, 22 tuổi - sinh viên Trường đại học Ngoại thương tại khu trưng bày. Thúy dừng rất lâu trước căn hộ tập thể khu Trung Tự (dựng lại ngôi nhà của hai bác sĩ Phạm Trạng và Đặng Thị Kim Sơn). Căn hộ có diện tích 28m2 với 7 nhân khẩu nhưng vẫn phải dành chỗ để... nuôi lợn, gà, chim cút.

Thúy tâm sự, ngày còn nhỏ cô cũng sống ở tầng 5 của một khu tập thể. Gia đình 6 người chen chúc trong một căn hộ 24m2. Nhưng thế còn là tốt chán. Vì nhiều gia đình hàng xóm của Thúy có tới 3 thế hệ vẫn phải chung sống trong một căn hộ tập thể như thế. Không những vậy, nhiều gia đình còn phải "tăng gia, sản xuất" để cải thiện cuộc sống.

Thúy vẫn ấn tượng mãi về những ngày người hàng xóm kêu lái buôn đến bắt lợn. Con lợn khi bắt ra được trói 4 chân vào một đòn khiêng bằng tre. Hai người đàn ông lực lưỡng mắm môi mắm lợi khênh lên, xuyên qua cái móc của chiếc cân tạ. Mặc cho hai người đàn ông thở phì phò, người chủ nhà và ông lái cứ đẩy tới đẩy lui quả cân. Cuối cùng thì con lợn cũng được ngã giá và khênh xuống tầng một. Trên quãng đường ngoắt ngoéo của cầu thang, nó đã kịp "ghi lại dấu ấn" bằng hàng chục bãi phân. Người chủ nhà lẽo đẽo chạy theo, lấy chổi và hót rác kiên nhẫn hót từng bãi một để bón cho đám sắn dây ở lan can nhà.

Còn Phương, 26 tuổi, hiện là giáo viên một trường THPT thì nhớ lại, ngày ấy Phương còn là một cậu bé đang đi mẫu giáo. Bình thường, nồi cơm của gia đình thường được chia làm hai góc. Một góc là cơm (nấu bằng gạo tấm) dành cho Phương và em gái. Bố, mẹ cậu chỉ ăn toàn hạt bo bo. Lâu lâu, mẹ Phương nghiền hạt bo bo ra thành bột rồi hấp lên. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ có hai bố mẹ là "nhá" được.

Lan - em gái Phương thì tủm tỉm: "Ngày ấy, chẳng mấy khi chúng em được mặc quần áo lành lặn cả. Những mụn vá được các mẹ, các chị vá rất khéo, cứ vuông chằn chặn như cái "tivi" ấy. Gặp nhau, bọn em hay so xem đứa nào có nhiều "tivi" hơn và lấy làm hãnh diện nếu mình có nhiều nhất".

Nguyễn Tấn Đạt, 32 tuổi đang làm nhân viên của Tổng công ty Xây dựng và Xuất nhập khẩu Vinaconex dẫn em gái đi thăm lại "một thời để nhớ". Cô em cứ cười như nắc nẻ khi xem những gian trưng bày: quầy bơm mực bút bi, lọ pênixilin đựng mì chính, con búp bê làm từ vải vụn... Đạt bảo, không thể so sánh cái thời ấu thơ của anh với thời hiện tại này, bởi nó quá "khập khiễng"?!

Đạt vẫn chưa thể quên những hôm trời nắng chang chang, đi xếp hàng thay mẹ để mua mớ rau, con cá. Vì chỗ xếp hàng nắng quá, lại rất mỏi chân, Đạt liền lấy hòn đá thay vào. Chạy ra xem lũ trẻ bắn bi một lúc, quay vào Đạt chẳng thấy hòn đá của mình đâu. Cậu lại phải xếp hàng từ đầu. Khi đến lượt cậu thì chị mậu dịch viên đánh một câu xanh rờn: "Hết hàng". Đạt cứ vừa đi vừa khóc trên quãng đường mấy cây số về nhà.

Tôi còn gặp không ít những bạn trẻ khác cùng có chung những hoài niệm về thời bao cấp. Nhiều bạn tâm sự, ký ức về những năm tháng thiếu thốn trong họ chợt ùa về khi gặp lại con búp bê Liên Xô hay bánh xà phòng 72%. Một thời kỳ chỉ biết dùng đồ second hand (đã qua sử dụng) như quần áo, giày dép, sách giáo khoa... và mỗi lần mất một món đồ thì tiếc ngẩn ngơ. Những nhu yếu phẩm cũng phải dùng một cách dè sẻn, tằn tiện.

Phương cho tôi biết ngày còn nhỏ, mỗi lần đánh răng cậu chỉ dám bóp một tí ti kem cho có. Rồi nhà có một bi đông mỡ mẹ cậu đã cất đi hàng vài tháng, chỉ để dành đãi khách. Đến khi có khách thì bi đông mỡ ấy đã bốc mùi khét lẹt, đành phải đổ đi.

Lan thì nhớ nhất là ký ức về những lần được ăn phở. Thường một quý, thậm chí một năm em mới được ăn một lần. Và phải lúc ốm mới được bố mẹ chiếu cố. Vậy nên nhiều khi phải giả vờ người khó ở để được ăn... phở.

Ôn cố tri tân

Ông Nguyễn Văn Huy, GS TS - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết: "Triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp" giúp người xem không chỉ hiểu được cuộc sống trong thời bao cấp như thế nào, hoàn cảnh lịch sử cũng như cách vận hành của nó ra sao mà còn thấy rõ tính năng động sáng tạo của những con người bình thường trong việc khắc phục khó khăn, tổ chức cuộc sống. Chính sự năng động sáng tạo đó là một trong những tiền đề đưa tới sự thành công của công cuộc đổi mới ngày nay. Bên cạnh đó, cuộc triển lãm cũng muốn hướng tới thế hệ trẻ - thế hệ 8X (những người sinh sau những năm 80) có thể hình dung được để chia sẻ với những gì mà cha anh đã từng trải, vượt qua".

Quả thật, không ít bạn trẻ mà chúng tôi gặp đã tỏ ra cực kỳ ngạc nhiên, thậm chí sửng sốt, kinh ngạc khi biết được một phần trong cuộc sống ông cha họ cách đây chỉ vài thập niên. Tuấn Anh - sinh viên năm thứ hai Trường đại học GTVT nói với chúng tôi rằng nhiều khi ông, bà, bố, mẹ thỉnh thoảng lại mang thời bao cấp ra so sánh thì cậu cho rằng họ cứ nói quá, chứ làm gì có những chuyện xếp hàng cả ngày mà không mua được vài con tép?

Qua các bạn trẻ, qua những lời kể của thế hệ cha anh, chúng tôi cũng cảm nhận được phần nào cuộc sống của người dân Hà Nội thời bao cấp.

Anh Vũ Toàn nhà ở phố Hàng Bông còn kể tôi nghe chuyện chiếc xe đạp của bố anh mua từ năm 1978 mà bây giờ vẫn còn mới cứng, chỉ bị xước tí tẹo. Nguyên do là sau khi mua được con xe đạp Pơgiô, ông cụ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tất cả mọi người trong nhà, trừ ông ra, không ai được chạm vào chiếc xe này. Có lần bác hàng xóm hỏi mượn để chở vợ bác đang đau đẻ đi bệnh viện song cũng không được. Trong một lần đi ra đường, chẳng may bị ngã - xe bị xước một ít sơn, ông cụ tiếc lắm, cả ngày hôm đó không ăn được cơm. Và đến tối thì ông bọc tất cả lại, treo lên nóc nhà.

Tuy vậy, cũng trong thời bao cấp, chúng tôi được nghe không ít những câu chuyện đầy tình người. Sự giúp đỡ, tinh thần tương thân tương ái đã khiến cho không ít người vượt qua được những khó khăn thử thách. Đó là chuyện chị Mai từng sống ở khu tập thể Trung Tự bị ốm. Cả nhà bói không ra nổi hạt gạo để nấu cháo cho chị. Nhưng rất may là nhiều người hàng xóm biết chuyện, kẻ nhường tem phiếu mua rau, gạo, người mang cho quả trứng gà (là một trong những ước mơ thời bấy giờ).

Mai Lan - sinh viên Trường cao đẳng Mẫu giáo TƯ I tâm sự. Cô nhớ nhất là những đêm trung thu. Mấy nhà ở cùng một dãy khu tập thể thường chung nhau cỗ để phá. Phương châm là có gì góp nấy. Mâm cỗ chỉ có nải chuối, dăm cái oản và đĩa cốm. Vậy mà lũ trẻ vẫn cảm thấy vô cùng sung sướng.

Sự yêu thương, đùm bọc chia ngọt sẻ bùi đã giúp cho con người thời ấy vượt qua được những khó khăn để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến.

...Hiểu về một thời quá khứ gian khó của cha anh cũng là để giới trẻ thêm trân trọng những gì thế hệ mình đang có. Đất nước bây giờ tuy vẫn còn không ít những khó khăn, song cơ bản là đã tiến bộ hơn thời bao cấp rất nhiều. Và theo Đạt, giới trẻ ngày nay, nhất là thế hệ 8X - 9X rất cần đến xem triển lãm này. Nó không chỉ là giáo cụ trực quan về một thời đáng nhớ của lịch sử dân tộc mà còn là bài học về quy luật phát triển của xã hội. Đạt cũng bày tỏ nên có một cuốn sách viết thật chân thực về cuộc sống ở Việt Nam thời bao cấp. "Chắc chắn nó sẽ là cuốn sách rất hay và hấp dẫn"

Hiếm có một cuộc trưng bày nào thu hút được đông đảo người tới xem như triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp" tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội. Người già thì bùi ngùi, trầm lắng, người trẻ thì tò mò, sẻ chia.

Đấy là "Cuộc sống ở Hà Nội thời... rưng rưng nước mắt". Câu nói ấy ông Lê Hữu Tầng, 66 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Quốc gia, trong buổi khai mạc cuộc trưng bày "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp", khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi là một người trẻ sinh sau năm 1975, thực tế có nếm trải chút ít dư vị của thời bao cấp. Nhưng đó là những cảm nhận rất mong manh, mơ hồ. Chỉ có thế hệ cha mẹ chúng tôi, những người đã trải qua chiến tranh và sống trọn vẹn qua thời bao cấp, mới có được những xúc cảm đặc biệt nhất khi có cơ hội được nhìn lại, tái hiện lại cuộc sống mà mình từng trải nghiệm.

Một người phụ nữ cứ đứng mãi ở quầy trưng bày các loại tem phiếu, trên gương mặt bà dường như những ký ức ngủ yên bấy lâu đang bộn bề quay trở lại. Bà tên Liên, nhà trên phố Hàng Bài. Bà bảo: "Tôi tưởng như mình đang đứng trước một cửa hàng lương thực và đợi cô mậu dịch viên bán cho một ít gạo. Đợi chờ, kiên nhẫn là một thói quen của thời bao cấp. Tôi rất sợ những ngày mua phải gạo có mùi mốc, hoặc những ngày đến lượt mình mua thì hết hàng. Cái thời ấy, như vừa mới hôm qua thôi. Mà thấm thoắt đã hơn 20 năm rồi".

Bà Liên đã 68 tuổi, là cán bộ về hưu, có 3 người con. Các con của bà đều thành đạt và giữ những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đất nước. Và các cháu của bà thì hầu hết đang du học ở nước ngoài. Cuộc sống đã thay đổi đến mức ngoài sức tưởng tượng của bà. "Ngày hôm nay đúng như là một giấc mơ đối với tôi. Hàng hóa, vật chất nhiều vô kể, thỏa sức mà mua bán, lựa chọn".

Một nhóm bạn trẻ tay cầm điện thoại di động sành điệu, cười rúc rích khi đọc một bài thơ, vốn là "phương châm tình yêu" của các cô gái thời bao cấp: "Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô để dành/ Ba yêu rửa mặt bằng khăn/ Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa". Lạ nhỉ, thời ấy các anh trai rửa mặt bằng gì nhỉ? Nhưng đằng sau cái rúc rích cười ấy, và đằng sau câu hỏi ấy là gì? Có lẽ vẫn là một thái độ rưng rưng nước mắt như nhân vật đầu tiên trong bài viết này đã nói.

Đất nước ta đã trải qua một thời kỳ như vậy, một thời kỳ thiếu thốn, khan hiếm hàng hóa và các nhu yếu phẩm cần thiết cho đời sống của mỗi con người. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, người đã mất nhiều thời gian, công sức, cùng với các đồng sự của mình ở tổ chức UNDP, quỹ SIDA (Thụy Điển) quỹ Ford, Viện Khoa học xã hội Việt Nam thu thập, tìm kiếm các hiện vật để có được một cuộc trưng bày này đã kể lại cho chúng tôi câu chuyện về chính gia đình mình thời bao cấp: "Chị gái tôi con một vị Bộ trưởng mà cũng phải đi làm chuyên gia ở Algerie, vì kinh tế gia đình eo hẹp. Mẹ tôi viết thư cho chị dặn dò: "Con đi xa là vì kinh tế gia đình. Nhưng dù thế nào con cũng phải giữ lấy thanh danh của gia đình, đất nước". Khi tôi đã là phó viện trưởng rồi, vợ tôi vẫn phải đi lao động xuất khẩu ở Nga để có thêm kinh tế cho gia đình. Các bạn Nga rất ngạc nhiên khi biết vợ một vị phó viện trưởng lại phải đi lao động xuất khẩu".

Vòng quanh một lượt để ngắm nhìn tất cả các chủ đề trong trưng bày như: cơ chế phân phối (hệ thống tem phiếu, cửa hàng lương thực, quầy hàng Tết, quản lý xã hội và văn hóa (phim ảnh, văn nghệ, đài, xe đạp), không gian của một gia đình trong một căn hộ chật hẹp... khách tham quan dường như chỉ nói nhiều về nỗi thiếu thốn vật chất thời bao cấp, khi hàng hóa luôn nằm trong sự phân phối của Nhà nước. Nhưng sự thiếu thốn tinh thần mới là một điều quan trọng.

Những đứa trẻ của thời bao cấp (bây giờ đều là các cụ, các ông, các bác cả rồi) sẽ hiểu rõ hơn ai hết cảm giác của việc đi xem tivi nhờ nhà hàng xóm. Có khi cả làng, cả phố mới có một gia đình có được cái tivi để xem. Đó là những gia đình khá giả và thường là có người thân đi Liên Xô gửi về. Báo chí, sách, phim ảnh thời bao cấp cũng thật khó để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đông đảo công chúng không có cơ hội được tiếp xúc với nhiều tác phẩm nghệ thuật và nhân văn. Nhiều cơ quan tìm cách khai thác các bộ phim không được chiếu công khai để chiếu dưới danh nghĩa "chiếu nội bộ", "phim nghiên cứu"...

Quản lý xã hội, quản lý văn hóa thời bao cấp, ai cũng hiểu là còn nhiều bất cập. Trong khó khăn, bức bối của đời sống, người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung nhìn ra sức sáng tạo và khả năng duy trì sức sống của lịch sử trong chính mình. Người dân luôn biết xoay xở để làm sao có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, như trồng rau, chăn nuôi lợn, gà, làm thêm các dịch vụ nhỏ và nghề thủ công. Hàng tiêu dùng được tiết kiệm và tận dụng triệt để, như lộn cổ áo sơ mi, vá, đổi ống quần trước ra sau, lộn xích xe, đắp lốp... Những người phụ nữ thì làm thêm nghề đan len, dệt khăn áo len, làm kim băng mang đi bán.

Ai cũng xúc động khi nhìn thấy chiếc áo mút với hàng trăm mối nối từ những sợi mút thừa, rất ngắn, mà bà Hà Thị Kiệm ở phố Vương Thừa Vũ mua về để đan áo cho chồng. Đó cũng là chiếc áo ấm duy nhất mà chồng bà có để diện trong mười mấy mùa đông Hà Nội lạnh giá. Không thể nói hết bao nhiêu yêu thương bà Kiệm gửi vào trong chiếc áo bà đan cho chồng, khi đôi tay mỏi nhừ bởi công việc nối những mẩu mút thừa.

Ông Lê Gia Thụy, 65 tuổi, Trung tá Công an về hưu, kể lại một câu chuyện "móc ngoặc" hết sức hồn nhiên của mình thời bao cấp: "Có một lần tôi "móc ngoặc" được với một bà bán gạo ở chợ Mơ. Tôi nói: "Thôi bây giờ chị bán gạo cho tôi trước đi, nhà tôi khó khăn, hết gạo. Nếu khi nào nhà chị hỏng tivi, hay đài, cần sửa chữa tôi sẽ cho người đến". Vậy là bà ấy nghe ngay, dặn tôi nhớ giữ lấy lời mình nói".--PageBreak--

Hàng trăm câu chuyện được những người đã sống qua thời bao cấp kể lại, như là những nhân chứng lịch sử của một thời kỳ gian khổ mà đất nước ta phải trải qua. Những hiện vật trực quan được nhìn thấy bằng mắt, những ký ức vui buồn, ngậm ngùi được hiện hữu... Ai cũng nhận thấy rõ một điều rằng, thời kỳ bao cấp là thời kỳ nghị lực và trí tuệ của hàng triệu người bị kìm nén, chỉ chờ được giải phóng. Nó cũng chính là tiền đề để đất nước ta bước vào một giai đoạn đổi mới. Đó là lúc năng lực kìm nén ấy bùng phát, và tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, như chúng ta đã chứng kiến, trong 20 năm vừa qua.

Tôi nghĩ, gần 500 hiện vật được trưng bày, tái hiện cũng chỉ có thể kể cho người xem một phần rất nhỏ của cuộc sống thời bao cấp của người Hà Nội. Những khó khăn, chật vật, phiền toái, mà thế hệ 8X, 9X hôm nay hình dung về thời cha mẹ họ đã trải qua cũng chỉ là rất nhỏ. Nhưng, có một điều đặc biệt là, tôi không hề thấy, từ phía những người sống qua thời bao cấp mà tôi đã tiếp xúc, thái độ cay đắng với thời cuộc mình đã sinh ra và lớn lên. Hầu hết đều là tiếng nói cảm thông, pha chút ngậm ngùi.

Ông Lê Nam, ở phố Hàng Buồm: "Sao tôi lại ruồng rẫy thời mình đã sống, khi có dịp nhìn lại? Đó là một giai đoạn tất yếu của lịch sử, khi đất nước ta vừa trải qua chiến tranh, bom đạn, vẫn đang bị bao vây bởi nhiều thế lực thù địch bên ngoài. Tôi thừa nhận cách quản lý xã hội của chúng ta khi đó còn nhiều ấu trĩ. Và người dân rõ ràng là trăm nỗi thiếu thốn, cơ cực rồi. Nhưng ngày đó tôi vẫn thấy vui, là bởi mình đang là công dân của một nước độc lập. Những thay đổi, tái thiết của đất nước thời hậu chiến phải từ từ chứ".

Còn bà Liên thì đầy nỗi niềm: "Tôi nhận thấy, đất nước ta rõ ràng đang có những đổi thay vượt bậc về kinh tế. Nhưng sự phân hóa giàu nghèo đang ngày một trở nên rõ rệt hơn. Trong khi nhiều người vung tiền vào các cuộc ăn chơi sa đọa thì vẫn có hàng triệu người nghèo cần được ăn no, mặc ấm. Thời bao cấp thiếu thốn, nhưng là thiếu thốn chung của toàn xã hội. Còn con người thì rất hòa thuận, yêu thương, đùm bọc nhau.Tình làng nghĩa xóm thời ấy cũng khác lắm. Chúng ta đang giàu có, đầy đủ hơn. Nhưng tôi lo các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đang bị xói mòn nhanh chóng".

Thời bao cấp, những ước mơ bình dị của con người là "được ăn một bát cơm gạo không bị mốc, được sở hữu một chiếc quạt nhỏ làm dịu bớt sự tù túng và nóng nực, được tắm bằng xà phòng thơm". Khi cánh cửa đổi mới mở ra, những ước mơ đó cũng được trỗi dậy trong một thế giới tràn ngập hàng hoá với ý tưởng mới. Các loại hình dịch vụ đa dạng. Bây giờ, xe máy, máy tính, điện thoại di động lấp lánh trong các cửa hàng. Học sinh thì mơ ước được đi du học. Những ước mơ về vật chất có thể thay đổi theo chiều hướng cao hơn. Nhưng, ước mơ của các bậc cha mẹ về con cái mình, là mong chúng mạnh khỏe, hạnh phúc, thì chưa bao giờ thay đổi.

Vậy, trong một đời sống mỗi ngày một tiện nghi hơn, liệu tuổi trẻ hôm nay có cảm thấy mình hạnh phúc hơn thời cha mẹ họ? Đó là một suy ngẫm vượt ra khỏi khuôn khổ của một cuộc trưng bày thuần túy. Sự phát triển của một xã hội, không đơn thuần là việc mang tới cho con người ngày một nhiều hơn sự văn minh vật chất.

Ai cũng hiểu rằng, nhu cầu vật chất, dù có lớn đến bao nhiêu, vẫn là hữu hạn. Người ta vẫn có thể ở một ngôi nhà đẹp nhất, lái một chiếc xe sang trọng nhất, ăn những món ngon nhất và sử dụng những đồ dùng đắt tiền nhất... mà vẫn không cảm thấy mình hạnh phúc. Vì sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác vui, hạnh phúc, thậm chí là có phần tiếc nuối khi nhắc lại thời kỳ này (dù cho họ thừa hiểu những thiếu thốn của nó)? Một nhà thơ lớn lên trên phố Hàng Đào suốt thời bao cấp nói rằng, mỗi khi nghĩ về những năm tháng ấy lòng anh lại dâng lên một nỗi thương cảm, xót xa. Đó là một thời kỳ con người sống hồn nhiên, yêu thương nhau, và vì vậy họ dễ dàng vượt qua những khốn khó. Sự đủ đầy vật chất luôn luôn là điều mà con người hướng tới, nhưng nó chỉ là sự thêm vào, chứ nó không có giá trị tối cao đảm bảo hạnh phúc, nếu con người ta đánh mất đi sự đồng cảm, tình yêu thương và lòng nhân ái.

Thế hệ trẻ sinh ra những năm 1980 sẽ nhìn nhận thời kỳ cha mẹ mình đã sống theo một cách riêng. Và như lời nói của ông Đỗ Hạnh ở phố Nam Ngư, được trích dẫn trong trưng bày, thì: "Mong sao cuộc sống tiện ích với vô vàn lựa chọn thời nay sẽ không làm bọn trẻ mất phương hướng và sa ngã. Để có được điều đó, gia đình vẫn là một giá trị cao quý, một nhân tố quan trọng nhất"

Những câu chuyện chân thực về cuộc sống thường nhật của người dân trong một giai đoạn lịch sử nhất định khi đất nước sống trong thời kỳ kinh tế, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp... Tất cả được gói gọn trong 2 tập sách của Nhà xuất bản Thông tấn với tựa đề "Chuyện thời bao cấp". Tái hiện nhiều chiều cuộc sống những năm trước đổi mới, "Chuyện thời bao cấp" giúp bạn đọc hiểu thêm một thời kỳ gian khó, qua đó thấy được những thành tựu của công cuộc Đổi mới hơn 20 năm qua.

"Một yêu anh có may ô/Hai yêu anh có cá khô ăn dần/Ba yêu rửa mặt bằng khăn/Bốn yêu anh có chiếc quần đùi hoa". Nhiều bạn trẻ đã bật cười, khi đọc bài thơ "Bốn yêu" trong cuộc triển lãm "Cuộc sống ở Hà Nội thời bao cấp"- Một thời kỳ cách đây chừng ¼ thế kỷ mà cứ ngỡ như là cổ tích.

Thời bao cấp, người dân tìm mọi cách chạy bằng được vào cơ quan Nhà nước để được cấp sổ gạo; Làm việc ở phòng nọ, phòng kia cũng xin bằng được xuống sản xuất để được hưởng tiêu chuẩn lao động nặng từ 17 đến 21kg. Mỗi lần đến kỳ đong gạo thì nhà nhà xếp hàng, người người chen chúc. Ai không may mất sổ gạo trông mới thảm hại làm sao, bởi cả tháng đó phải chạy ngược chạy xuôi để lo tạm cấp, trước khi làm được sổ mới.

Thời bao cấp, một nhà thơ đã viết đại ý: Khi con sinh ra, bố phải chạy xin mười mấy con dấu vuông, tròn. Đầu tiên là xin giấy chứng sinh ở trạm xá, rồi làm giấy khai sinh. Tiếp đó, xin thêm mấy cái giấy giới thiệu của cơ quan người mẹ, rồi mang từng ấy thứ giấy lên công an huyện và các phòng Thương nghiệp, phòng Lương thực... để nhập hộ khẩu và xin cấp tiêu chuẩn lương thực. Việc chạy xin các loại giấy tờ bao giờ cũng được ưu tiên làm trước vì để chậm, mất tiêu chuẩn một tháng gạo và thực phẩm, dù là tiêu chuẩn của trẻ em cũng tiếc đứt ruột.

Những câu chuyện "không thể tin nổi" nhưng lại là sự thật về một thời quá vãng. Có chút gì đó chua xót lẫn hài hước. Có chút gì đó phê phán và là hoài niệm buồn. Có chút gì đó để soi lại mà thấy mình sáng suốt khi xoá bỏ nó đi để bắt kịp một xã hội năng động.

Trong cảnh khốn khó của đêm trước đổi mới, đã có những đột phá táo bạo mà những người mở đường chấp nhận đầy rẫy rủi ro, thậm chí bằng cả sự nghiệp và sinh mệnh của họ.

Những cuộc đột phá đồng loạt xuất phát từ những bức xúc của nông dân, công nhân, doanh nhân. Thế mới mới có chuyện nông nghiệp miền Bắc làm chui, thành thị miền Nam vượt rào. và đều được bật đèn xanh. Vì vậy mới có khoán 100, khoán 10. Và tiếp đó chính sách đổi mới toàn diện được bắt đầu từ Đại hội VI đã thực sự xóa bỏ từ gốc cơ chế quan liêu bao cấp.

Cũng kể từ đại hội mang tính quyết định ấy, công cuộc Đổi mới đất nước đã đạt được những thành tích to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế-xã hội như chúng ta đã chứng kiến trong hơn 20 năm qua. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn.

Những câu chuyện không hư cấu trong 2 tập sách dù chưa thể tái hiện hết được cuộc sống thời bao cấp với những khó khăn, chật vật và phiền toái. Nhưng có một điều đặc biệt là cái đẹp của lòng nhân ái, tính cộng đồng mà không dễ gì tìm được trong xã hội bây giờ.

Ví như câu chuyện về một người phụ nữ ở phố Vương Thừa Vũ (giờ đã thành bà) đan cho chồng chiếc áo mút với hàng trăm mối nối từ những sợi mút thừa, rất ngắn. Đó cũng là chiếc áo ấm duy nhất mà chồng bà có để diện trong mười mấy mùa đông Hà Nội lạnh giá.

Những câu chuyện cảm động như thế đã lý giải một điều: Vì sao một số người sống qua thời bao cấp vẫn có cảm giác hạnh phúc khi nhắc lại thời kỳ này (dù cho họ thừa hiểu những thiếu thốn của nó). Thời kỳ đó, con người sống hồn nhiên, yêu thương nhau và vì vậy họ dễ dàng vượt qua những khốn khó.

Không hiểu tại sao cứ mỗi dịp Tết về tôi lại nôn nao nhớ anh em trong ngành thương nghiệp suốt mấy chục năm thời bao cấp. Thoát khỏi thời "trăm thứ thứ gì cũng phân" vô cùng khó chịu ấy là một giải thoát vĩ đại.

Tôi cũng là người đã viết hàng trăm bài báo cổ vũ cho công cuộc đổi mới. Nhưng công bằng mà nói, thời kỳ gian nan ấy, những cán bộ mậu dịch đã làm hết sức mình để năm nào cũng lo được cho hàng chục triệu gia đình có một cái Tết đàng hoàng, là chuyện không thể quên... Những cái Tết thời bao cấp mới cách đây hơn 20 năm thôi, còn đậm trong trí nhớ của nhiều người, nhưng đối với thế hệ 8X, 9X thì vô cùng lạ lùng khi nghe kể lại. Nhân Xuân về, xin kể cùng các bạn đọc trẻ về những người lo Tết thời "tem phiếu" này. Không phải "ôn nghèo kể khổ", mà đó thực sự là những ký ức đất nước một thời. Các bạn đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có một gian trưng bày về cuộc sống người Hà Nội thời bao cấp. Ở đó các bạn sẽ được chứng kiến cảnh người xem nườm nượp. Ai cũng muốn được "nhìn lại" ký ức về thời gian khó và bi tráng ấy...

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là lễ trọng nhất trong năm. Nhà nào cũng cố sắm cái Tết cho thật tươm tất dù trong phải ăn bo bo, nước ruốc... Trên bàn thờ phải có hoa, nải chuối, bánh chưng, bánh tét. Đây không chỉ là một món ăn mà hồn vía Tết. Tết phải có đĩa bánh, mứt, kẹo để tiếp khách. Phải có cành mai, cành đào cắm trong nhà. Lúc ấy tôi là cán bộ tổ chức tổng hợp của Công ty Thực phẩm, rồi Sở Thương mại Bình Trị Thiên (cũ), nên các cuộc họp bàn chuyện Tết, những đợt "đi chi đạo Tết" tôi đều có mặt. Lo Tết ở đây là lo cho mấy trăm ngàn hộ gia đình cán bộ, công nhân, gia đình trong đối tượng chính sách có tem phiếu, còn 80% nhân dân lao động ở nông thôn tất nhiên là họ tự lo...

Tem phiếu bảo đảm sự công bằng trong hoàn cảnh thiếu thốn, nước nào sau chiến tranh đều phải áp dụng. Chế độ tem phiếu này có những điều đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán. Tết truyền thống người Việt là "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Dây nêu tràng pháo bánh chưng xanh". Nên trước Tết một tháng, ngành Thương nghiệp đã công bố tiêu chuẩn Tết năm nay có những thứ gì. Ở của hàng lương thực, thực phẩm, những ngày giáp Tết thường đông nghịt những người xếp hàng, mà ở Hà Nội gọi là "đặt cục gạch". Ở Hà Nội thời đó, đi cửa hàng Mậu dịch mua hàng Tết như "đi chiến đấu" cũng phải xếp hàng, chen lấn, xô đầy, có khi cả ngày mới mua được suất của mình. Phải đi từ 4 - 5h sáng. Dù cô mậu dịch viên khuôn mặt đầy vẻ ban ơn, người mua vẫn kiên nhẫn chịu đựng. Cô cắt tem phiếu, ghi số, thu tiền rồi trịch thượng ném hàng cho người mua. Thế nhưng vì một cái Tết gia đình, mọi người hàng mấy chục năm ròng đã quen chịu đựng, chẳng ai phản ứng gì. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, người ta đóng tất cả các loại hàng Tết trong một cái túi nilon (trừ thịt, gạo nếp, đậu xanh) in cành hoa đào hoặc hoa mai và dòng chữ "Chúc mừng năm mới". Túi hàng Tết đó có măng, miến, bóng bì, ít mộc nhĩ, nấm hương, gói mì chính nho nhỏ, một túi hạt tiêu, bánh đa nem, hộp mứt, gói chè Hồng Đào hoặc Thanh Hương, bao thuốc Điện Biên, Trường Sơn bao bạc, một chai rượu cam, rượu chanh... Còn thịt, gạo nếp, đậu xanh... thì đến cửa hàng xếp hàng mua trực tiếp. ở các tỉnh thì người có tem phiếu trực tiếp ra cửa hàng mua, cũng đóng thành túi hàng Tết như vậy, nhưng ít thứ hơn.

Để có hàng cung cấp Tết, từ cuối quý 2, một bộ máy lớn hàng hai ba nghìn cán bộ nhân viên ngành thương nghiệp, lương thực tỉnh đã sốt vó vào cuộc. Mấy mặt hàng Tết không thể thiếu là: thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, chè gói, thuốc lá, rượu, nước mắm, hạt dưa, bánh kẹo, mứt gừng... rồi mì chính, hạt tiêu, củi, lá dong gói bánh, chuối nải để thờ... Nghĩa là nhu cầu Tết xưa nay gồm những thứ gì đều tất tật được đưa vào kế hoạch cung cấp. Lãnh đạo tỉnh sốt sắng về làm việc với Sở Thương mại, Công ty thực phẩm, lương thực để tính toán khả năng khai thác nguồn hàng, cung cấp Tết được những thứ gì, khả năng dự thi, tổ chức phân phối sao cho đúng thời hạn, không được để có hộ nào không mua được tiêu chuẩn trước Tết. Ví dụ mỗi khẩu phải có 0,5 kg thịt lợn, 0,3 kg gạo nếp, hai lạng đậu xanh, một cân bánh kẹo, năm lạng mứt... rất chi tiết.

Tất cả thứ đó tính chung cả tỉnh thành những con số khổng lồ. Sau đó Sở Thương Mại lại họp với các Công ty, cửa hàng suốt hai ngày bàn chuyện thu mua lợn, gạo nếp, đi mua đậu xanh, chuối thờ, lá dong, nước mắm... Hồi đó, cán bộ thu mua nào cũng có cuốn sổ tay, ghi chép cẩn thận hộ nào có lợn, mấy con, nuôi từ bao giờ, đã được bao nhiêu ký, khi mô thì xuất chuồng. Rồi họp thôn, họp xã công bố công khai các hộ có lợn, đề họ không bán ra "thị trường tự do". Thu mua lợn cho nhu cầu thịt cung cấp hàng tháng đã khó, thịt cung cấp cho Tết càng khó hơn, vì dịp Tết là dịp người dân bao giờ bán lợn ra ngoài để lo Tết cho gia đình, hơn nứa Mậu dịch thì "mua như cho, bán như cướp".

Thời bao cấp tem phiếu thực phẩm chia ra nhiều loại: A, B, C, D, E, N, T. Ở tỉnh không có phiếu A. Phiếu A chỉ có ở cửa hàng Tôn Đản, Hà Nội. Chỉ có vài người hưởng loại B như Bí thư, Chủ tịch tỉnh. ở Huế có một người dân được hưởng phiếu thực phẩm loại B, đó là bà Từ Cung , mẹ vua Bảo Đại. Phiếu E là phiếu cho cán bộ công nhân viên và hưu trí bình thường mỗi tháng được mua 0,5 kg thịt/tháng, phiếu C: 1 kg, phiếu N, Tr ( N là thiếu niên, Tr là trẻ em) chỉ 0,3 kg. Anh Phan Tấn Thanh, một thời là Giám đốc Công ty thực phẩm Huế, mở sổ cái to tướng theo dõi từng huyện. Cán bộ công nhân viên và hưu trí cả tỉnh lúc đó khoảng 600.000 người, cộng thêm các "đối tượng ăn theo" như trẻ em, người già được hưởng tem phiếu, số người phải lo lên đến 1 triệu. Bình quân các loại phiếu thực phẩm là 0,5 kg thịt một người trong tháng Tết, vị chi phải có 500 tấn thịt, cộng thêm nhu cầu quân đội và cầu giao tế của tỉnh, tổng số thịt lợn phải lo trong mỗi dịp Tết lên đến 1000 tấn.

Tính ra lợn hơi là 1500 tấn. Muốn có 1500 tấn lợn hơi, phải thu mua và nuôi dự trữ cho được gần 3000 con lợn trong một thời gian ngắn. Thật không dễ. Dự trữ thì phải có cám lợn ăn, chuồng trại, người chăm sóc. Rất tốn kém. Nên các tổ thu mua phải đi về các làng xã, nằm cả tháng trời, anh em gọi đùa là "bám chuồng lợn như bộ đội bám địch". Gay go nhất là lúc mó thịt. Vì Tết chỉ trong 3 ngày, nên không thể cung cấp thịt sớm trước cả tuần ngày được. Dạo đó ít gia đình có tủ lạnh, nên họ thường mua thịt vào những ngày 28 Tết trở đi. Cho nên các Công ty, cửa hàng thực phẩm, lương thịt phải mở thêm nhiều điểm "bán hàng Tết" để đưa hàng Tết đến mọi gia đình đúng vào dịp Tết. Những đêm mổ thịt lợn Tết lãnh đạo Công ty Thực phẩm, các trưởng cửa hàng và anh em vận chuyển thức trắng. 3 giờ sáng thịt lợn đã được chuyển về quay bán lẻ... Có lần vào chiều 30 Tết tôi về Cửa hàng C ở đường Phan Đình Phùng, Huế, là nơi cung cấp thực phẩm cho các đối tượng phiếu C,D. Biết tôi ở phòng Tổ chức Công ty, mấy em mậu dịch viên như Liệu, Tiến, Lưu... dân Đông Hà, Đồng Hới bỏng òa khóc nức nở. Tôi hỏi sao khóc. Liệu bảo: "Bọn em không được về ăn Tết với bố mẹ rồi, phải trực đến 10 giờ đêm 30...". Tôi ngậm ngùi an ủi: "nghề phục vụ phải thế, rồi ra Tết về nghỉ dài hơn...". Đó là gái mậu dịch viên chưa chồng, còn có chồng con rồi, thì chồng phải thay vợ làm dưa món, đi mua hàng Tết. Chiều 30 Tết phải nấu cúng tất niên, vì vợ về đến nhà tắm rửa xong là lúc Giao thừa...

Ấy là chuyện những người lo phần thịt Tết. Còn bao nhiêu thứ nữa như gạo nếp, kẹo, mứt, lá dong... Muốn có mỗi gia đình vài cân gạo nếp để gói bánh chưng, nấu xôi chè trong một cái Tết, ngành lương thực phải vô Đồng bằng Sông Cửu Long mua hàng chục tấn gạo nếp. Kẹo, bánh, mứt, hạt dưa phải vô Sài Gòn mua, chuối thờ thì lên huyện miền núi A.Lưới, Hướng Hóa hoặc vô tận Đồng Nai, Bình Phước mới mua được. Thời đó cả nước dùng tiền mặt. Mối cái Tết, Công ty Thực phẩm phải dùng xe chở một lúc ba bì tải tiền (bốn năm trăm triệu) vô miền Nam mua hàng Tết về cung cấp cho cán bộ. Huế là xứ sở có nhiều bàn thờ, trang thờ nhất nước. Lần đầu cung cấp chuối thờ, do vận chuyển kém nên chuối chở từ miền Nam ra bị xây xát, bầm vỏ, ba bốn xe tải chuối thờ đành đổ đi, lỗ cả trăm triệu đồng.

Một thời của ít, người nhiều, lo chuyện Tết cho hàng triệu miệng ăn vất vả như thế, nhưng thấy gia đình cán bộ, bộ đội ăn Tết đàng hoàng, người cán bộ thương nghiệp thấy tự hào lắm. Vâng, đó là những cái Tết không thể quên đối với hàng triệu gia đình và đối với những người lo Tết

Nhớ lại thời thơ ấu cách đây gần ba chục năm, Hiền, 33 tuổi, cho biết cái cô thích nhất hồi đó chính là những chiếc... bao cao su.

Giữa thời xuất hiện rôm rả trên các phương tiện truyền thông, ở hiệu thuốc, siêu thị, nhà nghỉ..., vừa dễ mua vừa rẻ như kẹo, nhiều người vẫn nhớ đến cái thời nó là thứ quà lạ và hiếm.

Mê bao cao su nhất là... trẻ em

Trong những ký ức về thuở 5 - 6 tuổi sống trong khu tập thể Đại học Sư Phạm Vinh (Nghệ An) của Thu Hiền, 33 tuổi, đang sống ở Hà Nội, luôn có hình ảnh những chiếc bóng ca-pốt (bao cao su) thổi căng, to như cái xô, treo phấp phới trong căn hộ tập thể của... hàng xóm. Hồi đó Hiền và những đứa trẻ khác thỉnh thoảng cũng được bố mẹ mua bóng bay cho, nhưng loại bóng bay bán đầy đường dịp Tết không thể quý hoá, cao sang bằng cái bóng ca-pốt kia được, vì nó là hàng độc, cả khu tập thể chỉ một nhà ấy có, do người cô y tá, hình như làm ở bộ phận kế hoạch hoá gia đình, mang về. Chị em Hiền thường sang nhà ấy thập thò ngắm nghía, nuốt nước bọt rồi về năn nỉ bố mẹ mua, nhưng ai bán mà mua!

"Nào chỉ chị em tớ, mà toàn bộ trẻ con trong khu tập thể ngưỡng mộ cái Liên vì mỗi nhà nó có bóng ca - pốt. Cái Liên cũng biết vậy nên kiêu lắm. Đứa nào không tử tế với nó, khi bóng vỡ đừng hòng nó chia cho một mảnh mà mút". Hiền nhớ lại. Bóng ca-pốt vỡ quả là sự kiện đáng thèm khát của lũ trẻ vốn thiếu đồ chơi, vì đó là cơ hội để chúng có được thứ hàng "độc" này. Xin được một mảnh, đứa nào đứa nấy mút lấy mút để, cố tạo thành những quả bóng bé xíu bằng hòn bi, cũng đủ để sướng mê tơi suốt một buổi.

"Thỉnh thoảng, cái Liên chạy sang khoe: 'Bố tao sắp thổi bóng ca-pốt đấy'. Thế là chị em tớ cong đuôi chạy sang, chỉ sợ lỡ dịp xem. Thấy bố nó đưa ra cái gói như gói kẹo, xé lôi ra một cái vòng màu ngà, đẹp long lanh. Chú ấy duỗi cái vòng ra thành quả bóng, rồi rướn cổ, căng mặt ra thổi. Bọn tớ đứng xem vừa thán phục vừa đau cả tim vì sợ bóng vỡ, dù rất mong bóng vỡ. Mỗi khi chú ấy thổi xong, bọn tớ đều reo hò, vỗ tay ầm ầm", Hiền kể.

Lớn lên, Hiền nghe nhiều về những chiếc bao cao su dùng để tránh thai và tránh bệnh lây qua đường tình dục. Lớn hơn chút nữa, Hiền biết chiếc bao đó được dùng như thế nào. Đó cũng là lúc cô nhận ra qua hình vẽ minh hoạ chiếc bóng ca-pốt hằng ao ước thuở xưa, và giật mình đỏ mặt nhận ra mình từng... mút cái gì.

Trang trí cành đào bằng... bao cao su

Nói về kỷ niệm về chiếc bao cao su những năm 80 thế kỷ trước, Hoài Thu, 34 tuổi, nhân viên một công ty quảng cáo ở Hà Nội, cười khanh khách: "Tết năm nào nhà tớ chẳng thổi mấy cái để trang trí cành đào. Hồi đấy chưa có đèn nháy xanh đỏ gì cả, nhà ai cũng chỉ treo mấy tấm thiệp chúc mừng năm mới có hình cành đào màu hồng, màu đỏ, với mấy quả bóng bay tròn, sang thì có bóng hình con thỏ. Nhà nào có mấy cái bao cao su để treo vào là oách lắm nhé, của hiếm mà".

Cứ đến tối 30 Tết là anh em Thu tranh nhau phồng mồm thổi bóng, rồi lấy giấy đỏ bọc nhang cắt hình mắt, tai, mũi, miệng dán vào. Bọn trẻ con, thậm chí cả đám choai choai mới lớn, chả ai biết những quả bóng "sành điệu" kia vốn được dùng cho việc gì để mà ngượng. Còn người lớn thì không thèm ngượng. Vào thời mọi thứ đều khan hiếm, tờ giấy bạc lót bao thuốc lá còn quý như vàng (vì bao thuốc lá xịn mới có), được dùng làm đủ các vật trang trí cho sang nhà. Vậy thì việc dùng bao cao su trang hoàng nhà cửa cũng chỉ là phát huy tinh thần tiết kiệm, sáng tạo đó mà thôi.

Để có bao mà thổi, anh trai Thu thường phải sang một nhà cách hai dãy phố. Nhà này có người đi nước ngoài, hay gửi đồ tinh linh về, trong đó có bao cao su. Trẻ con cứ có tiền là chạy đến đứng ngoài cổng gọi ời ời, mua như mua kẹo.

Khi những chiếc "bóng" này vỡ, ngoài việc tận dụng các mảnh nhỏ để mút, Thu còn lột lấy cái đai để làm vòng thun buộc tóc và để "làm giàu". Thu kể: "Đứa nào có nhiều vòng thun là đứa ấy giàu, có thể vênh mặt được. Có đứa giàu nhờ mẹ cho tiền mua vòng thun mới, đủ màu xanh đỏ vàng, có đứa giàu nhờ 'ăn' được khi chơi bắn vòng thun với những đứa khác. Vòng thun từ bao cao su quá mỏng nên chơi toàn thua, lại còn xấu và không chịu đứt, hỏng nên kém giá trị, ba bốn cái mới đổi được một cái vòng thun thường, nhưng không đứa nào 'công tử Bạc Liêu' đến mức vứt đi cả".

Dùng đúng chức năng thì... ngượng

"Bây giờ thì cả trẻ con cũng nói về bao cao su mà chả ngại gì, chứ thời chúng tôi thì xấu hổ lắm", ông Phạm Nguyên, 64 tuổi, sống ở Hải Phòng, nói. "Lần đầu được cho mấy cái, cũng háo hức ra trò, nhưng tối đến mở ra loay hoay trước mặt vợ tự nhiên đâm ngượng, thành ra lóng nga lóng ngóng mãi mới 'tra' vào được, rồi 'súng ống' cứ tiu nghỉu dần. Từ đó cạch đến già, còn mấy cái đem cho bọn trẻ chơi cả. Yêu đương theo kiểu du kích thêm vài tháng thì vỡ kế hoạch. Đẻ xong, tôi cho bà ấy đi đặt vòng".

Ông Nguyễn Văn Khương, nhà ở thành phố Vinh, Nghệ An, thì nói: "Nghĩ cũng buồn cười, đem cái đấy ra thổi giữa thanh thiên bạch nhật thì chẳng sao cả, còn cười phớ lớ với nhau, mà đến khi dùng đúng chức năng của nó trong phòng kín thì lại xấu hổ, ngại ngùng. Ngược đời thế nên mới đẻ tì tì bốn đứa. Hai lần vỡ kế hoạch bà ấy đều không dám giải quyết vì sợ, nên hai vợ chồng bị cắt sạch thi đua, mấy đợt tăng lương không được xét đến".

Khi nhắc lại chuyện xưa để cười vui, những người như ông Nguyên, ông Khương đều thấy "nể" giới trẻ bây giờ vì đã có thể đề cập đến "chuyện ấy" một cách thẳng thắn hơn, vì vậy lợi ích của chiếc bao được phát huy tốt nhất. "Nhiều ông cùng lứa tuổi với tôi vẫn phàn nàn rằng xã hội bây giờ loạn quá, bao cao su chỗ nào cũng sẵn, mua bán thản nhiên, thảo nào bọn trẻ chả hư. Nhưng tôi lại nghĩ, nhờ thế mà bọn trẻ được tự do hơn mình ngày trước, được tận hưởng cuộc sống một cách an toàn. Còn nếu có hư hòng thì là tại bản thân chúng, chứ lỗi gì ở chiếc bao?".

quán bia ấy (115 Quán Thánh, Hà Nội), mọi người, kể cả trung tướng hay thứ trưởng muốn uống bia đều phải xếp hàng chờ mua phiếu, sau đó chờ bia để tự bê, tự tìm bàn và... uống.

Thực khách của quán bia đặc biệt này chủ yếu là các bác U60, U70 và không ít cụ đã ngoài 80. 4 giờ chiều quán bia mở cửa và dù còn bia hay hết vẫn sẽ đóng cửa vào khoảng 7 giờ tối. Chủ nhật nghỉ.

Trung tướng cũng tự bê bia, tìm chỗ

Ở đây người ta không thấy lạ khi một cụ già, nguyên là cán bộ cao cấp hay một ông thiếu tướng, trung tướng đứng xếp hàng bưng bia, nem, nách còn cắp thêm một gói phồng tôm nữa. Sau một hồi ngơ ngác, tôi bắt chước các cụ xếp hàng mua tem phiếu, rồi lại lơ ngơ xếp hàng chờ bia.

Trước tôi là những người già, sau tôi cũng vậy. Cảm giác ngại ngần làm tôi đứng không yên. Tôi quay xuống, định nhường chỗ cho cụ già đứng sau tôi, cụ bảo: "Anh có 2 phiếu thì ưu tiên đứng trước đi, tôi mua 3 dây cơ ( mỗi dây 5 cốc) ". Nói chưa hết lời cụ đã đẩy tôi lên trên.

Hóa ra ở quán này chẳng bao giờ có chuyện chen ngang nhưng những người mua ít lại hay được ưu tiên. Tôi ngại quá. Mấy cụ đứng phía trên đều hùa vào, bảo cho tôi lấy trước. "Cung kính không bằng tuân lệnh", tôi đưa phiếu cho cô bán hàng...

Nói về chuyện xếp hàng, ở quán này có cụ Phong đeo lon Thiếu tướng đã từng tham gia chống Pháp, Mỹ năm nay đã 92 tuổi vẫn ngày ngày xếp hàng mua phiếu, chờ bia. Vậy mà tôi, một thằng mặt non choẹt, ngơ ngơ ngác ngác lại được các cụ thương, ưu tiên cho mua trước. Thích thật.

Ở quán "bia bao cấp" này có không ít chuyện mua được bia mà không có bàn ngồi. Có bàn có khi lại không có ghế. Có bàn, có ghế có khi lại hết bia hết đồ nhắm. Tôi may mắn có được một chiếc bàn còn trống do một nhóm các cụ vừa đứng dậy về sớm. Tôi ngồi ở đó nhâm nhi một cốc bia, ngắm các cụ uống bia nói chuyện trên trời dưới đất đã gợi những hình ảnh về thời bao cấp đã xa...

Thời gian chờ đợi đủ để tôi quan sát không gian của bia... bao cấp. Trên cái kệ cao nhất là bom bia Hà Nội nghiêng nghiêng. Một giàn ca nhựa và cốc bên tay trái, ở giữa là một cái xoong nhôm trắng chừng hai chục lít. Cô bán bia cứ mò mẫm vục những ca những cốc vào cái chậu trắng xóa, lốp xốp bọt để đong bia. Cốc nào chưa đầy cô lại dúi vòi bia vào cốc hoặc dùng ca nhựa rót thêm cho thật đầy.

Riêng cái khoản rót bia đầy đặn, nhiều cụ khoái lắm. Cùng là cốc bia, ở ngoài người ta xả cho đầy bọt, bia chỉ có hai phần ba, ở đây một cốc bia là đủ một cốc, không có chuyện bia ít bọt nhiều. Ở quầy bán tem, chính xác hơn là "phiếu dịch vụ" còn có một nhân viên chuyên bán đồ ăn, gồm: nem chua, mực, lạc, phồng tôm... và có cả bánh giò cho các cụ ăn lót dạ. Mua đồ ăn tuy không cần tem phiếu nhưng cũng đưa tiền mới có hàng và cũng phải tinh thần "Lê Nin trong hiệu cắt tóc".

Tôi bưng hai cốc bia, mua thêm mấy cặp nem rồi đi tìm bàn. Không biết có phải vì "tự kỷ ám thị" hay không nhưng uống ngụm bia đầu tiên, tôi thấy bia ở đây ngon thật. Lại nhớ chuyện ngày xưa, khi tôi mới học lớp ba lớp bốn gì đó, thi thoảng bố tôi mang về can bia Hà Nội. Ông là cán bộ tiếp phẩm của Cty đường dây và trạm - Khu vực Hà Nội nên có điều kiện mua được thứ hàng xa xỉ này. Tôi uống nửa bát. Hương vị thật khó tả. Nó cứ khai khai thế nào ấy...

Cả nhà gần chục người mà can bia 5 lít chỉ uống hết một nửa, nửa còn lại đem thả xuống giếng cho lạnh, tối lại kéo lên uống tiếp.

Hoài cổ - kẻ thích người không

Một cụ mồ hôi nhễ nhại, một tay xách túi vợt cầu lông, một tay cầm cốc bia ghé vào bàn tôi hỏi: "Xin lỗi, chỗ này có ai ngồi không cháu?" " Dạ chưa đâu ạ, mời cụ ngồi!". Vậy là tôi có cơ hội để tìm hiểu thêm về quán bia tem phiếu theo kiểu bao cấp này.

Cụ già ngồi cùng bàn với tôi đã uống bia ở quán này gần... ba chục năm nay. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên. Ba mươi năm đâu có phải là khoảng thời gian ngắn đối với đời người. "Chúng tôi vẫn nói vui rằng, quán này là thành lũy cuối cùng của thời bao cấp còn sót lại" - Cụ cho biết.

Cụ thích nói chuyện về cầu lông, tôi xin phép một bài thơ vui vui: "Khi chơi cầu lông với đội nhà/Cầu thủ mơn man cầu lông và.../Bỏ ngỏ sân trên thi thoảng dưới/Đường ban quen thuộc đánh lơ là./Khi chơi cầu lông với đội xa/Cầu thủ mơn man cầu lông và/ Bám chặt sân trên kèm chặt dưới/ Đường ban hồi hộp vút tăng đà". Nghe bài thơ vui tôi vừa đọc, cụ bảo: "Hay! Cái tay nào làm bài thơ này chứng tỏ hắn không chỉ biết chơi cầu lông đâu đấy!".

Mải nói chuyện bia và chơi cầu lông, tôi chưa kịp hỏi tên cụ, chỉ biết rằng cụ nguyên là cán bộ ở một cơ quan trung ương. Là thành viên của câu lạc bộ cầu lông thuộc Trung tâm thể thao Ba Đình, mỗi năm cụ chỉ phải đóng năm trăm năm mươi ngàn đồng sinh hoạt phí, được miễn tiền gửi xe, thậm chí có thời điểm còn được tắm nước nóng sau khi tập luyện.

Bia ngon, đồ nhắm cũng bình dân vừa phải, cung cách phục vụ mang hơi hướng, âm hưởng của thời bao cấp nên nhiều cụ thấy thích. "Tập thể thao xong không nên ngồi ngay, đi lại tí chút để xếp hàng mua phiếu vé, lấy bia, tìm chỗ cũng là cách vận động khoa học. Bán có giờ có giấc nên anh cũng chẳng thể uống quá đà được. Với lại còn phải để bụng về ăn cơm nhà chứ..." - Cụ cười khà khà.

Đã hết tiêu chuẩn hai cốc bia, một gói phồng tôm, tôi mời cụ dùng thêm nhưng cụ lắc đầu: "Cảm ơn anh! Cữ nó thế rồi, không uống hơn được". Cụ khoác túi vợt lên vai ra về, tôi vẫn nán lại.

Tôi ghé sang bàn bên cạnh, xin được thỉnh giáo các cụ về quán "bia bao cấp". Thấy tôi tỏ vẻ thích thú với quán bia đặc biệt này, ông Tuệ- cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghỉ hưu bảo: "Được cái bia ở đây ngon. Nhưng mà cứ phải xếp hàng tự bưng bia nhiều lúc cũng khó chịu lắm! Tôi đã góp ý nhiều lần nhưng họ không chịu nghe. Bia thì không rót vào cốc ngay mà lại cho vào xoong, rồi từ xoong mới múc vào ca vào cốc. Mất cả ngon!".

Ông Nựng, cựu cán bộ Tổng cục đường sắt giải thích thêm: "Bia thì vẫn ngon, nhưng mà anh tính, nếu rót từ bom vào cốc ngon hơn, lạnh hơn chứ! Đằng này họ xả bia vào xoong rồi mới múc vào ca, từ ca chắt vào cốc. Nó hả đi chứ.

Như tôi và ông này, mỗi người uống hai cốc thì phải mua luôn từ đầu chứ chẳng lẽ mất công xếp hàng lại mua từng cốc một à? Thế là phải uống bia nguội, đáng ra ngon mười thì để lâu thế chỉ còn bảy, tám thôi. Tôi thì vẫn cứ muốn phục vụ như bên ngoài".

" Không chỉ các cụ tập luyện ở Trung tâm thể thao Ba Đình thích quán bia gợi nhớ thời bao cấp mà còn có các thực khách thấy kiểu phục vụ hay hay, bia ngon, giá cả phải chăng cũng tìm đường đến quán. "

Ông Vinh - Nguyên Giám đốc nhà khách của Bộ Giáo dục& Đào tạo lại không tán thành quan điểm đó. Cụ Vinh cho rằng, uống bia ngoài quán vẫn không thể bằng ở đây. Ngoài kia xô bồ lắm. Có nhân viên người ta phục vụ mình nhưng mà cốc bia có ra cốc bia đâu. Vừa dễ bị trộn, rót thì vơi, đồ nhắm thì đắt đỏ... Tôi hỏi ông nhá, không ngon hơn, không hay hơn thì sao khách bên ngoài họ cũng mò vào đây uống?

"Nhưng mà cái cung cách hách dịch, cửa quyền thời bao cấp nó làm cho người ta khó chịu. Cứ nghĩ lại cái thời bao cấp khốn khổ ngày xưa, tôi lại thấy sợ". Cụ ở phe phản đối vẫn giữ quan điểm: phục vụ phải ra phục vụ.

Và dĩ nhiên, rất nhiều cụ vẫn tiếp tục ủng hộ kiểu xếp hàng mua bia bằng tem phiếu và coi đó như một thức nhắm tinh thần thú vị. Các cụ tha hồ nhấm nháp, ngẫm ngợi về "thời xa vắng" đã qua...

Đã có vài ba phim truyền hình kể về thời bao cấp rồi nhưng chưa có phim nào ghi lại thật đúng thời ấy cả. Mình rất muốn làm một phim về thời bao cấp, làm thật chuẩn để mọi người nhớ lại cái thời đã qua. Nhiều chuyện bây giờ kể lại cho trẻ con chúng nó không tin, chỉ có phim kể lại may ra chúng nó mới tin.

Cái thời bao cấp cái gì cũng ngược đời, giá cả không đi kèm với giá trị. Một bát phở 5 hào trong khi một ngọn thuốc lá có lúc lên đến 1 đồng. Một chỉ vàng là 80 đồng, nếu biết kinh doanh thì chỉ cần một vườn thuốc cũng đã có vài chục cây vàng như chơi. Nhưng hồi đó không ai tính chuyện kinh doanh, kinh doanh là buôn bán, con người mới ai lại đi buôn bán. Ai nghĩ đến kinh doanh thì tự mình cũng thấy xấu hổ, chưa cần đến người khác chê cười.

Cái thời ấu trĩ kinh khủng khiếp. Nhà cửa chật chội bê tha nhưng ai cũng bám lấy cái nhà Nhà nước phân cho, ít ai nghĩ chuyện mua bán đổi chác nhà đất. Hồi ở Huế, mình mới về Sở văn hoá, được phân một cái gọi là "căn hộ" 12 mét vuông, vợ chồng con cái cứ yên tâm ở vậy cho đến khi chia tỉnh. Trong khi đó một căn hộ 28 mét vuông chỉ 1,4 cây, một cái nhà vườn cách trung tâm 3, 4 km cũng chỉ giá ấy. Đồ hàng vợ mình đi Nga về nếu bán cũng được 2 cây nhưng cả vợ lẫn chồng không hề nghĩ bán đi để mua nhà, cứ ở vậy chờ Nhà nước phân nhà mới, thế thôi.

Giải phóng miền Nam, ông bác mình xin được suất di cư sang Pháp ở. Ông bác gọi ba mình vào cho cái nhà bốn lầu ở Q.1 ( tp HCM). Ba mình chẳng những không lấy lại còn trách ông bác, nói cho gì lại cho nhà, ai vô đó mà ở. Ba mình là một cán bộ cách mạng, không đời nào ông nghĩ đến lấy cái nhà đó rồi bán đi. Mua bán nhà là một cái gì rất xa lạ với ông. Đến khi ông bác bàn giao cái nhà cho Chính quyền, cho ba mình lấy đồ đạc trong nhà thì ông lại mừng húm, hí hửng khiêng khiêng dọn dọn mấy ngày mới xong, mừng như cha chết sống lại.

Mình cũng thế thôi, ngày ở lính, cả tiểu đội phát hiện một cái hang chứa đầy đồ quân trang lính Mỹ. Áo quần vải vóc hồi đó khan hiếm vô cùng, nếu khôn ngoan như bây giờ thì cái kho ấy đem bán hết cũng kiếm được cả trăm cây vàng chứ không ít. Nhưng chẳng ai nghĩ thu gom áo quần Mỹ làm gì, chỉ tranh nhau cắt dây dù đem về buộc võng. Xe hon đa 67 lính cộng hoà bỏ chạy vứt đầy sân trung đoàn, ai biết đi thì lấy đi, đi xong rồi vứt đấy, chẳng ai thèm ngó ngàng, trong khi tiền để mua một chiếc xe đạp thì nằm mơ cũng không có.

Thời này kẻ giàu có thường bị khinh rẻ, coi thường. Mình nhớ hồi học lớp 5 mình ngồi gần con B., mẹ nó là mậu dịch viên ( mậu dịch viên là hot girl thời bao cấp, số sau mình sẽ kể) . Con B. ăn trắng mặc trơn, rõ là đồ tiểu tư sản, trong lớp đứa nào cũng ghét. Mới tí tuổi đầu mà đi học lúc nào cũng xức nước hoa thơm lừng. Sau này mình mới biết nó thích mình, ăn cắp nước hoa cuả mẹ nó để xức. Mình đã ngồi dịch ra, nó cứ lấn tới, điên tiết mình vùng đứng dậy, nói thưa cô cho em ngồi chỗ khác. Cô hỏi sao, mình nói thưa cô bạn B. xức nước hoa khai mù em chịu không nổi. Vì chuyện đó mà từ đó cho đến lớp 10 con B. nhìn mình bằng nửa con măt, hi hi.

Chuyện đó không ngờ đến tai thầy hiệu trưởng. Hồi đó mình tương đối nổi tiếng trong trường, không phải phải vì học giỏi mà vì "con thầy Đạng", ba mình là thầy của rất nhiều lãnh đạo to nhỏ trong tỉnh, cũng là thầy của thầy hiệu trưởng. Chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, thầy hiệu trưởng nói có một số học sinh còn nhỏ tuổi đã mang tư tưởng tiểu tư sản, áo quần là lượt, chải chuốt xức nước hoa rất kinh. Nước hoa là gì các em có biết không, đó là thứ của bọn ăn trên ngồi tróc chuyên đem ra để lừa bịp giai cấp công nông. Mình liếc sang con B., mặt nó cúi gằm, vô cùng sợ hãi.

Thầy hiệu trưởng còn đến nhà mình khoe với ba mình, nói thưa thầy em đã chuyển thằng Lập sang bàn khác. Ba mình hỏi sao. Thầy nói nó ngồi gần con bé hôm nào cũng xức nước hoa khai mù. Ba mình trợn mắt há mồm, nói thế à? Chà chà... nguy hiểm quá! Anh chuyển đi là phải. Năm lớp 7 mình đạt giải cả văn lẫn toán học sinh giỏi tỉnh, ba mình mừng lắm, ôm lấy thầy hiệu trưởng, nói công anh lớn quá, gia đình tôi ơn anh lắm lắm. Thầy hiệu trưởng mới khiêm tốn nói thưa thầy, nhờ thầy rèn cặp em Lập đó. Ba mình lắc đầu xua tay, nói không không, nếu anh không chuyển thằng Lập tránh xa con bé tiểu tư sản kia thì làm sao nó có thành tích như thế được. Hi hi chết cười.

Cái thời gíàu có là xấu xa nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ai cũng thích giàu nhưng hết thảy đều ra vẻ coi khinh lũ giàu có. Nhà nào kha khá một chút đều chẳng dám phô ra ngoài, đặc biệt nhà cán bộ có chức có quyền một chút thì phải hết sức giữ gìn, làm con gà ăn cũng phải lén lút, giấu tiếng bịt hơi, sợ nhỡ may hàng xóm biết được thì bỏ mẹ. Người nghèo nếu có mổ heo cũng chả việc gì nhưng nếu là cán bộ có chức có quyền thì chỉ một bữa cá rán cũng đã thành vấn đề. Mình nhớ hồi mình học lớp 2, ba mình có khách trong tỉnh ra chơi, ông mổ gà đãi bạn. Ông sai mình ra ngoài ngõ đứng canh, rồi nhét con gà vào bao tải nhúng nước cho đến chết, không dám cắt tiết, sợ nó kêu. Khi ông luộc hay rán gà, mình phải chạy quanh vườn ngửi xem mùi có bay ra ngoài không. Khi ngửi thấy mùi thơm thì lật đật chạy vào, nói ba ơi thơm rồi thơm rồi. Ba mình lập tức lấy cái chăn trùm kín nồi. Đến khổ.

Cán bộ đi làm chủ yếu dựa vào đồng lương, ai muốn kiếm thêm cũng phải giấu diếm, nếu lộ ra nhất định sẽ bị kiểm điểm lập trường không vững vàng, tư tưởng không ổn định, chân trong chân ngoài. Ít ai sống đủ bằng lương, thường thì đến nửa tháng là sạch bách. Khi đó phải tính chuyện bán cái gì đó để sống tiếp nửa tháng còn lại, đa phần chẳng biết bán gì ngoài việc đem tem phiếu tiêu chuẩn đi bán. Phiếu vải đem bán đầu tiên, sau đến phiếu thực phẩm. Chỉ cần có đủ gạo ngày hai bữa là xong, ăn gì chẳng được, mặc gì chả xong. Thời đó nhiều người chỉ có một bộ áo quần tươm tất, gọi là áo quần đi làm, ngày mặc đi làm, tối về giặt là phơi khô ngày mai lại mặc đi làm tiếp.

Mình ở khu chung cư 24 Lê Lợi- Huế, cạnh nhà thằng Thịnh (Nguyễn Thế Thịnh) và anh T. Anh T. làm cùng sở với mình, anh hiền lành nhu mì, suốt ngay có khi không nói được một tiếng. Anh ở với thằng con trai trong cái phòng nhỏ hẹp như phòng mình. Cứ mỗi kì lĩnh lương, anh chia lương ra 30 phần bằng nhau, lấy dây chun cột thành 30 "bó" nhỏ, cất kín vào tủ. Mỗi ngày anh đem một " bó" tiền ra tiêu, chỉ tiêu đúng " bó" ấy thôi, thiếu thì nhịn, kiên quyết không chi lạm sang " bó" khác. Ngày nào có khách, anh buộc phải chi thêm " bó" khác thì ngày sau hoặc anh xách xe đi " thăm" nhà bà con, bạn bè kiếm bữa cơm, họăc anh nằm co nghiến răng nhịn đói.

Năm 1988, Đảng phát động công cuộc Đổi mới, anh em họp chi bộ phê phán cơ chế bao cấp rất hăng, anh T. vẫn ngồi yên không nói gì. Đến khi anh em tranh nhau phê phán hăng quá, anh dơ tay, nói tui có ý kiến. Anh đứng dậy mếu máo, nói các đồng chí nói chi thì nói, không được nói xấu chế độ. Nói xong anh đứng khóc oà như trẻ nhỏ. He he

Thời bao cấp" ở Việt Nam là một thời kỳ đáng nhớ trong lịch sử hiện đại, có lẽ từ năm 1954 đến 1986 ở miền Bắc Việt Nam, nhưng ở miền Nam Việt Nam thì phải kể từ năm 1975 - 1986. Năm 1986 chưa hẳn là đã chấm dứt thời kỳ này, thực sự dư âm của dấu vết của chính sách "bao cấp" còn kéo dài đến đầu thập niên 1990, nhưng nhiều người và báo chí cho con số 1986 là mốc thời gian quan trọng khi Đảng Cộng sản Việt Nam, trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ VI vào cuối năm 1986, tuyên bố chủ trương đổi mới, từng bước xóa bỏ "bao cấp" trong kinh tế.

Thật ra, đến bây tôi vẫn chưa hiểu ai là người đã tạo ra chữ "bao cấp" - tạm dịch ra tiếng Anh là "subsidy"- và nghĩa của nó có thật sự đúng như vậy không? Để dễ nói chuyện, tôi cũng dùng danh từ này mà không dùng dấu " " nữa. Trước đó, xem lại trong các sách báo xuất bản trong giai đoạn này, chữ bao cấp rất ít xuất hiện. Nhiều cán bộ kinh tế cao cấp, giảng viên kinh tế và cả báo giới ở Việt Nam đều cắt nghĩa, ngắn gọn là, kinh tế bao cấp -tạm dịch the subsidy economic (?)- là một nền kinh tế tập trung, mọi nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu đều nằm trong tay Nhà nước Trung ương. Đảng Cộng sản và Chính phủ điều phối mọi kế hoạch sản xuất, thu gom, lưu thông, phân phối đến từng tay người dân theo một tiêu chuẩn phân phối cứng nhắc, gần như nhất định, theo từng cấp bậc, chức vụ trong xã hội. Giá cả hàng hóa đều do Ủy ban Vật giá Nhà nước quyết định, bất kể quy luật cung - cầu của thị trường, của xã hội.

Thời bao cấp thật sự là một giai đoạn bi thảm cho cuộc sống cho người dân nói chung, ngoại trừ một số rất ít cán bộ lãnh đạo cao cấp. Hầu hết, người dân Việt Nam khi nhắc đến những năm tháng này đều ngám ngẩm, cay đắng. Theo tôi, có ai phát biểu rằng, thời kỳ này "tuy nghèo nhưng mà vui" (?!) thì tôi cho đó là lời nói sai sự thật! Chẳng qua, khi người ta vượt qua một trở ngại, gian khó hoặc hiểm nguy, người ta có khuynh hướng xem thường hoặc bông đùa những khó khăn lúc ấy. Không ai muốn quay lại thời đó bao giờ. Tôi lớn lên và trưởng thành từ tuổi thiếu niên cho đến hết giai đoạn thanh niên hoàn toàn nằm trong giai đoạn này, gia đình tôi lúc đó chỉ là một gia đình nhà giáo nghèo, nên thấm thía rất rõ các khó khăn và bất công của thời bao cấp này. Xin kể lại, theo lối "nhớ gì nói nấy", một số hình ảnh cuộc sống của học sinh và sinh viên (HSSV) trong giai đoạn bao cấp này như một dịp "ôn cố tri tân", dù là kể để cười ra... nước mắt. Mặc dầu, đây chỉ là một ký ức cá nhân của một học sinh - sinh viên ở Cần Thơ nhưng có lẽ hình ảnh cũng chẳng khác mấy so với các nơi khác ở toàn Việt Nam. Cần Thơ, thành phố còn có tên là Tây Đô, có thể coi là nơi có cuộc sống khá nơi nhiều vùng khác, ít nhất cũng là miếng ăn.

*

* *

Những tháng sau ngày 30-4-1975, khi cả miền Nam còn trong chế độ quân quản, HSSV và cả các thầy cô giáo ở các trường gần như không học hành, dạy dỗ chuyên môn gì cả. Thời gian này chủ yếu là tập hợp lại lao động, nghe giảng chính trị, tố cáo tội ác của "Mỹ - Ngụy", tập ca hát nhảy múa ca ngợi chiến thắng vĩ đại, tham gia phong trào cách mạng,... Mấy tháng đó, giáo viên làm việc không lương, hoặc lương bấp bênh tháng có tháng không hoặc lãnh lương theo kiểu cấp phát tùy tiện, lúc thì bằng tiền, lúc bằng lương thực. Sau những đợt "đổi tiền", đánh "tư sản mại bản", chống "bành trướng Bắc Kinh", chiến dịch "cải tạo công thương nghiệp", rồi ép nông dân vào "hợp tác hóa", lập các trạm "thuế vụ", "kiểm soát thị trường" dầy đặc ở tất cả tuyến đường các tỉnh thành. Khi triển khai các chủ trương này, một số HSSV được huy động tham gia, sau khi vượt qua một kỳ sát hạch và sàng lọc thành phần. Một số người trong nhóm HSSV đã may mắn tìm cơ hội, dựa vào một tí lý lịch đỏ, ngoai lên tìm thế đứng chính trị trong giới thanh niên, hành động mang ít nhiều hình ảnh các "hồng vệ binh" của Trung Quốc, kể cả một số thủ đoạn tiểu nhân và đê hèn để sát phạt anh em. Một số vụ án kinh tế chính trị sau này, xem lại tiểu sử những kẻ chức quyền, quan chức phải ra tòa, chúng ta dễ thấy hầu hết chúng là những người từng là cán bộ phong trào thời bao cấp ấy trong giới thanh niên - HSSV.

Trong thời kỳ bao cấp này, việc kiểm soát tư tưởng, hành vi cá nhân được chú trọng đặc biệt. Làm bất kỳ chuyện gì cũng phải viết "sơ yếu lý lịch", "bản tự kiểm". Vào đại học thì thật gian nan cho những ai có vấn đề về lý lịch gia đình. Năm tôi thi Đại học (1978), lý lịch cá nhân của thí sinh được chia làm 13 "đối tượng". Mỗi đối tượng có một điểm "chuẩn" khác nhau mà "đầu vào" của những nhóm trên cách biệt với nhóm dưới khoảng 10-14 điểm!!! Tôi biết có lớp Đại học mà người đậu vào với 25/30 điểm học chung với người chỉ có 6/30 điểm. Nhóm đối tượng thứ 1 thì ưu tiên vào Đại học, khỏi cần thi cử. Nhóm đối tượng thứ 13 thì gần như không có hy vọng lách vào khung của hẹp của cổng trường Đại học. Thật may mắn cho tôi, một người thuộc nhóm "đối tượng thứ 11", đậu vào Đại học. Sự cách biệt kiến thức trong lớp rất rõ, tôi có nhận định là người giỏi nhất trong lớp "dư sức" làm thầy người kém trong lớp. Tôi biết rất rõ một trường hợp đau lòng, một em sau này là sinh viên của tôi, đã nhiều năm dạy "luyện thi Đại học" và chính bản thân em ấy cũng kiên trì đi thi Đại học. Kết quả suốt nhiều năm liên tiếp, đi thi và dạy luyện thi cùng lúc, em ấy luôn luôn bị đánh rớt còn đám học trò của mình thì đậu vào Đại học vì cha em còn đang bị đi "học tập cải tạo" ngoài Bắc!. Làn sóng người vượt biên ồ ạt, đặc biệt trong giới công chức chính quyền cũ, nhà buôn, các trí thức làm số lượng học sinh sinh viên trong lớp giảm dần. Lớp học của tôi, năm đầu vào gần 60 người, đến năm cuối lúc ra trường chỉ còn gần 40. Khoảng 2/3 số bỏ học nửa chừng là do vượt biên, số đi được có, số bị bắt giam rổi bị đuổi học có và số bị chết trên biển đều có.

Các chủ trương kiểm soát sản xuất hàng hóa trái với qui luật phát triển của xã hội đó làm nền kinh tế của cả nước xuống dốc một cách thê thảm. HSSV, những người ở tuổi đang lớn, chịu một hậu quả nặng nề. Lương thực thiếu thốn trầm trọng, HSSV đi học, muốn mang một ít gạo, thịt từ quê nhà lên đều bị cản trở, vây bắt. Ở trường học, lãnh đạo giáo dục qua tổ chức "Công đoàn" và "Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh" đã tổ chức nhiều đợt đi "lao động sản xuất tập thể" hoàn toàn phi kinh tế, thiếu hiệu quả. Cả trường - thầy và trò - bị buộc phải cày cuốc trồng rau, cấy lúa, đào ao thả cá, nuôi heo, làm "kế hoạch nhỏ". Kết quả là một sự lãng phí to lớn, không thể tính được về thời gian, sức lực, tài nguyên,... cho những ý tưởng không tưởng. HSSV chúng tôi lúc đó suy dinh dưỡng trầm trọng, nhìn lại những bức ảnh cũ, mặt mày ai nấy đều có vẻ hốc hác, ốm o. Thế hệ thanh thiếu niên sinh ra rong thời kỳ này đều ít nhiều mang di chứng của việc thiếu dinh dưỡng mà dễ minh chứng nhất là suốt thập niên 1990 - 2000, thanh niên Việt Nam ít có một thành tích thể thao nào đáng kể trên đấu trường khu vực và quốc tế. Các cầu thủ bóng đá chỉ có khả năng thi đấu cật lực dưới 90 phút, nếu có thêm hiệp phụ thì chạy vật vờ, hay vọt bẻ, chấn thương, hễ có chút va chạm thì dễ ngã lăn quay.

Trong tất cả các trường học ở Việt Nam lúc đó đều có một chức vụ không kém quan trọng so với Ban Giám hiệu, Đảng Ủy là ông hoặc bà Trưởng ban Đời sống (từ này, thú thật, tôi cũng không biết dịch ra tiếng Anh như thế nào cho sát nghĩa?). Trong lớp học bậc Đại học và Cao đẳng thì có chức vụ Lớp phó Đời sống. Mọi sinh hoạt thường nhật trong học đường đều ít nhiều bị ảnh hưởng liên quan đến chữ "Đời sống" này. Một đợt phân phối vải, dầu lửa, thịt heo, phụ tùng xe đạp,... sắp đến? Ông bà "Đời sống" lúc đó thật là oai vệ và quyền uy. Lớp chuẩn bị đi thực tập thực tế ở nông thôn, phải quay qua hỏi Lớp phó Đời sống đã có gạo khoai gì chưa? Trong trường, bộ tứ Ban Giám hiệu, Đảng Ủy, Công Đoàn, Đoàn Thanh niên thường phải làm nhiệm vụ phân xử khi có tranh cãi việc phân chia nhu yếu phẩm khi mà 5 người chỉ có một cái mền hoặc một cái chiếu, 4 người chia nhau một cặp vỏ ruột xe đạp, cả trường được thương nghiệp bán cho 1-2 con heo mà ai cũng muốn dành phần mỡ, chê phần thịt nạt, đầu giò. Mỡ mua được đem về nhà thắng nước mỡ còn tóp mở thì kho mặn với muối ăn dần. Người Lớp phó Đời sống tại nhiều trường còn đảm nhận luôn công việc bán nhu yếu phẩm cho cả lớp ra chợ trời rồi đem tiền về chia vì nhiều món thật khó phân chia như bột ngọt, bột mì, kim may, phụ tùng, ... Thời ấy, ai cũng dễ bị nghi ngờ là dân buôn lậu cả. HSSV chúng tôi đi thực tập ở Đại học Bách khoa Saigon, ra xếp hàng mua vé xe đò cũng phải lên nhà trường xin một "giấy giới thiệu" kèm theo một danh sách lớp với cái mộc đỏ chói. Đoạn đường từ Cần Thơ đến Saigon thật gian truông, thức dậy từ mờ sáng, may mắn thì chiều tối đến nơi. Dọc đường, bao nhiêu là trạm gác: Bắc Cần Thơ, Bắc Mỹ Thuận, Trung Lương, Cây Gõ, ..., chưa kể những trạm lưu động. Trạm gác nào cũng có thể bắt mình xuống xe, để lại hành lý để lục soát. Có nơi thô bạo, khám xét luôn người, bắt phải vạch áo xăn quần, ....

Việc phân phối hàng thời đó rất tùy tiện, tiếng là hàng lương thực và nhu yếu phẩm được phân bố theo kế hoạch (!) nhưng hoàn toàn không có kế hoạch gì cả, "có gì bán nấy", kiểu ban phát. Những năm đó đi học, lớp tôi có lúc tháng nào cũng được "phân phối" thuốc lá, lúc thì Hoa Mai, khi thì Đà Lạt. Ai cũng mua hết, cả nam lẫn nữ, biết hút thuốc hay không hút thuốc, đều được một bao nylon với khoảng vài chục điếu thuốc, đôi khi không có bao bì. Lương thực, may mắn là gạo, còn lại khi là bo bo, bột sắn, mì vụn, mỗi tháng được 13 - 16 kg chứ đâu có ít, vậy mà nhiều thanh niên ăn vẫn chẳng đủ no, ngoài trừ đám con gái. Mọi thứ đều qui ra cân lúa thóc như một đơn vị đo lường trong xã hội. A rice-based economic. Có người kể chuyện, ngoài Hà Nội, sinh viên đi tìm gái ngoài công viên cũng được tính giá là một bơ gạo (cỡ lon sữa bò để đong gạo) cho một lần hành lạc (?). Sinh viên làm hư một món đồ thực tập cũng bị bắt bồi thường và quy ra giá trị món đồ tương đương bao nhiêu ký lúa. Tất cả hàng phân phối đều quí lúc đó dù là chất lượng thì quá tệ: gạo mốc, đầy bông cỏ và cát sạn, cá sô ươn sình, giấy tập là loại giấy manh được tái sinh từ giấy vụn đen sì, vỏ xe đạp chỉ có vài cọng thép mong manh niền bên trong, diêm quẹt "an toàn" (loại quẹt hoài không cháy!),... không kể ra hết được. Vậy mà, dù đang học, nghe tin có hàng về, thế là cả lớp bỏ ngang, xúm nhau mang sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm xuống Ban Đời sống xếp hàng chờ được mua. Có lần lớp tôi được phân phối sữa bột, có lẽ từ một nguồn viện trợ hiếm hoi nào đó, một số đem bán ngay ở chợ trời, còn dư một ít bột bị ẩm ướt, vón cục, cả lớp hùn lại pha uống. Hậu quả là ngay ngày hôm sau, hơn 2/3 lớp học bị tiêu chảy vì cơ thể đã lâu không biết sữa là gì (?!). Có một dạo, chúng tôi không hiểu tại sao tháng nào sinh viên cũng được phân phối thật nhiều giấy vệ sinh, loại giấy cuộn đen xì. Nhiều người lúc đó cười: "Sinh viên thì chẳng có gì ăn mà Nhà nước cho giấy chùi ... đít hoài!". Có dạo, một đứa trong nhóm bạn của tôi phát hiện ở Trạm Y tế trường có nhập về xi-rô ho, loại rirop này có trộn mật ong, vị ngọt lịm. Thế là cả nhóm ai nấy cũng giả bộ húng hắng ho để xin về được mỗi đứa một chai, chúng tôi gom lại, tối cử hai thằng gan nhất bò ra ngoài đồng ăn cắp khoai mì, đem về nấu chè chung với loại thuốc ho này. Bữa đó đứa nào cũng hỉ hả một bữa ăn đầy chất ngọt.

Chuyện học tập thời bao cấp cũng lắm chuyện để kế. Học hành dĩ nhiên là kém chất rồi, ăn chưa đủ no, còn phải chạy vạy kiếm sống, sách vở thiếu trầm trọng, dụng cụ thí nghiệm lạc hậu, cũ kỹ, học chay nhiều hơn thực hành, thầy cũng không nhiệt tâm lắm. Vậy mà, số người bị loại rất ít, nếu không do hoàn cảnh gia đình, bệnh "thành tích" từ thuở bao cấp đã trở thành bệnh trầm kha của giáo dục Việt Nam. Ngoại ngữ HSSV lúc đó thì yếu vô cùng, trong những năm đầu vào Đại học, chúng tôi bị ép phải học Nga văn, dù trước đó đã qua 7 năm học Anh văn Trung học. Vào lớp trình độ không đồng đều, cuối cùng tiếng Nga cũng kém mà tiếng Anh thì quên trước quên sau. Sau những năm 1990, hầu hết sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài học, ai cũng vất vả vì vốn Anh ngữ yếu kém của mình. Những đứa khá Anh ngữ hơn thường là do ý thức vượt khó hoặc có dự kiến ra sống hoặc làm việc cho nước ngoài. Thời bao cấp có cái thích là sách rẻ vô cùng dù sách hay khá ít, một cuốn sách dày khoảng 100-120 trang chỉ có giá khoảng 1-2 đồng. Tôi nhớ khoảng năm 1980 - 1981, Nhà sách Nhân dân Tổng hợp (tên nhà sách nghe buồn cười hỉ?) có về bộ "Lênin toàn tập" 55 quyển do Nhà xuất bản Tiến bộ Maxcơva in trên giấy trắng tốt, dày cộp, nặng chừng nửa tạ, đóng bìa cứng hẳn hoi mà giá bán chỉ 25 đồng (giá này tôi nhớ chưa chính xác lắm nhưng khoảng non 2 tháng học bổng sinh viên gì đó, lúc ấy 17 đồng/tháng cho nam và 17 đồng 50 xu/tháng cho nữ, 50 xu để phụ nữ dùng vệ sinh mỗi tháng, chuyện này Nhà nước thật đúng là... bao cấp). Nhiều người xúm lại mua sách Lênin, không phải là để đem về đọc mà để bán... cho lái sách giấy cũ vụn, mua về làm pháo!!! Sau Nhà nước cấm, chỉ bán cho những ai có giấy giới thiệu, mua về để cất trong tủ sách là chính.

Nghiên cứu khoa học thời bao cấp thì gần như không có gì cả. Nhiều đề tài gọi là "nghiên cứu khoa học" đăng trên các báo thật buồn cười. Có người ráng chứng minh rằng ăn đậu nành bổ hơn ăn thịt bò, ba hột mít tương đương một quả trứng gà, xuyên tâm liên trị được tất cả các chứng bệnh viêm loét, cải tiến xe chạy bằng xăng thành xe chạy bằng than (hay ... cải lùi ???), chiếc xe cút kít đẩy tay của công nhân thì gọi là xe cải tiến (?), còn những đề tài về kinh tế, xã hội, chính trị thì thật chán, gần như ráng để chứng minh một cách chủ quan rằng nền kinh tế hợp tác xã, quốc doanh là số 1. Nhiều giảng viên kinh tế còn đưa ra đơn vị tiền tệ "đôla-rúp" vì chẳng biết lần đâu là giá trị thực hoặc giá trị ảo của đồng dollar Mỹ và đồng Rúp của Liên Xô. Tuy nhiên, toàn xã hội mãi lo cho miếng ăn, cái mặc thì những chuyện nghiên cứu trở nên thứ cấp và chỉ còn mang tính hình thức. Chuyện kể, có ông Giáo sư nuôi heo, mùi hôi gây khó chịu cho hàng xóm, họ than phiền lên cấp trên thì ông Giáo sư này lắc đầu: "Tui đâu có nuôi heo, heo nuôi tui mà ...".

*

* *

Đôi lần, tôi có kể cho con tôi và một số sinh viên của tôi những chuyện cực khổ thời bao cấp. Chúng có vẻ không tin, cho rằng tôi cường điệu. Nghe tin hiện Bảo tàng Dân tộc học với sự tài trợ của UNDP, SIDA, Ford Foundation có mở một triển lãm về thời bao cấp 1975 - 1986 tại Hà Nội, tôi rất muốn đưa con tôi đến xem tận mắt các hiện vật để nó cảm nhận được các khó khăn thời ấy nhưng không thực hiện được. Người dân Việt Nam đang sống trong thời kỳ gọi là Đổi mới, đặc biệt sau sự kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Cuộc sống có dễ dàng hơn trước nhưng tham nhũng, tệ nạn xã hội, thiếu dân chủ và khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng vẫn là những bức xúc của người dân.

Xã hội vẫn còn nhiều chuyện để bàn. Biết đâu,... 10, 15 năm nữa, chúng ta lại có một triển lãm khác: triển lãm "Thời Đổi Mới" hoặc thời "Hậu Đổi Mới" gì gì đó. Sao không nhỉ? Ai mà nói trước được đây?

Lê Anh Tuấn (6/2006)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro