[HR] Moskva - Ghauwld

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lưu ý: Bài viết dưới đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân, nếu có gì sai sót xin bỏ qua cho. Bài viết sẽ dùng ngôi "tôi" và tớ sẽ gọi Moskva là tác phẩm và Ghauwld là tác giả nhé.

-----------

[HR] MOSKVA - THÀNH PHỐ KHÓI PHỦ

Có nhiều cách để viết cũng như gọi tên thành phố thủ đô nước Nga. Người Việt gọi nó là Mát - xcơ - va, người Anh gọi nó là Moscow và người Nga gọi nó là Moskva. Ba cái tên - ba âm đọc - ba cách viết mang đậm chất bản địa. Ngay từ tiêu đề, tác phẩm để gợi lên một chất Nga rất riêng, điều mà tôi phải dành lời khen cho sự tinh tế của tác giả.

Đọc xong 3 chương đầu của Moskva, tôi đã quyết định gọi nơi đây là thành phố khói phủ. Tại sao ư? Vì đó là điều tôi cảm nhận được từ tác phẩm này. Moskva đơn giản kể về cuộc đời của một anh chàng tên Fred. Cuộc đời anh ta không có gì ngoài những bi kịch và những kỷ niệm hạnh phúc nhỏ nhoi gần như không có. Anh ta có cảm thấy đau khổ? Hẳn là có, nhưng tôi đoán khi bạn đã quá đau bạn sẽ không còn cảm thấy gì nữa. Mở đầu câu chuyện, Fred đã chết, nhưng dẫu là trước hay sau khi chết, anh ta vẫn luôn nhìn cuộc đời mình, nhìn Moskva như nhìn một làn khói, hờ hững để nó trôi nổi và mặc cho chất màu xám xịt ấy nhuốm lấy toàn thân. Tông của tác phẩm đầy vẻ châm biếm ẩn sau sự hài hước, để rồi dư âm lại là sự cay đắng bất tận.

Trước hãy nói về những điểm tôi thích ở Moskva.

Về giọng văn, đúng như lời Ghauwld đã nói ở mục Lời nói đầu, đây là một giọng văn "kết hợp giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ văn học" - khá phù hợp với tác phẩm này và tác giả đã sử dụng nó khá tốt. Đọc không bị gượng, liền mạch và mượt như một cơn gió. Từ tình tiết này chuyển sang tình tiết khác vô cùng tự nhiên, có cảm giác như nó vốn phải như thế vậy. Tuy nhiên, điểm yếu của giọng văn này là tác giả sẽ gặp khó khăn trong việc chia đoạn, hơi khó nhìn, dẫn đến sẽ có vài người đọc cảm thấy thiếu kiên nhẫn và từ bỏ Moskva.

Về cốt truyện, tôi đánh giá đây là một cốt truyện lạ ở mức vừa phải, tức là đã có người dùng nó, sẽ có người dùng nó nhưng rất khó để mọi người dùng nó giống nhau. Vì khi viết về đời thì đời mỗi người mỗi khác và cách nhìn đời của mỗi tác giả cũng khác nhau. Tôi không chắc Moskva sẽ đi về đâu, nhưng tôi cũng thử phỏng đoán hướng đi của tác phẩm. Tôi đoán mục đích của truyện là khiến người ta bị hút vào Fred, cùng anh ta lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ để định nghĩa lại bản thân hoặc khám ra phá ra ý nghĩa của cuộc đời, mặc dù anh ta đã chết. Có lẽ chỉ khi đó anh ta mới được siêu thoát chăng? Nếu không phải, xin tác giả bỏ qua cho. Mà cho dù thế nào, với những gì được thể hiện qua 3 chương đầu, tôi cũng rất sẵn lòng đọc tiếp. Tôi muốn biết Fred đã đi từ một cậu nhóc nghèo túng bỏ nhà ra đi, rồi trở nên có tiền, rồi lại trở về nghèo khó, cuối cùng ra đi một cách không màng sự đời như thế nào.

Còn một điểm nữa tôi rất thích ở tác phẩm, chính là cảm giác nó mang lại rất thật, rất Nga. Ghauwld nói chưa bao giờ đến Nga khiến tôi ngạc nhiên đấy. Moskva lấy bối cảnh những năm 1990, khi mà Liên Xô tan rã. Bầu không khí ảm đảm, nghèo túng và mù mờ về tương lai rất đúng, rất hợp hoàn cảnh thời bấy giờ. Tôi nghĩ người ta vẫn có thể cảm thấy hiểu rõ và gắn bó với một địa danh nào đó, dẫu chưa từng đặt chân đến, vì đó là định mệnh chăng?

Dẫu vậy, Moskva vẫn không phải là một tác phẩm hoàn hảo, theo ý kiến của tôi.

Điểm trừ lớn nhất chính là phần cách đoạn. Một đoạn quá dài rất dễ khiến người đọc cảm thấy mệt mỏi. Tôi hiểu việc chia đoạn khá khó đối với một giọng văn liền mạch như thế này, nhưng tôi đề xuất tác giả có thể chia đoạn theo tình tiết, chứ không cần phải đọc thầm trong đầu thấy ổn rồi mới xuống dòng. Vì với một giọng văn trôi như gió cuốn thế này, đọc không ngừng nghỉ mới có cảm giác êm tai. Moskva có lẽ sẽ hợp làm một quyển audio book hơn là một quyển sách chữ như thế này.

Điểm trừ thứ hai là cách miêu tả tình tiết. Đừng hiểu lầm, trong Moskva có những tình tiết mà tôi cho là đắt giá, ví dụ như khi Ghauwld miêu tả đám tang mẹ của nhân vật Fred, khi mà ông bố xuất hiện.

"Một đám tang nhưng có hai người chết. Chính thức kể từ ngày hôm ấy, tôi trở thành trẻ mồ côi."

Đây là khi Fred đã không chịu nổi nữa mà đứng lên đánh lại bố mình. Đoạn miêu tả cảnh đánh rất hay, tôi muốn phân tích sâu nhưng như vậy sẽ khiến bài review này dài quá, nên thôi vậy. Tôi muốn nói về cụm từ "có hai người chết". Nếu bạn là độc giả của Moskva, bạn sẽ biết ngay là ông bố đã bị Fred đánh cho gần chết. Gần chết chứ không phải là chết. Vậy nếu người thứ nhất chết là mẹ Fred, vậy người thứ hai là ai? Cá nhân tôi cho rằng đó là Fred. Tôi nghĩ cuộc đời Fred chia làm hai nửa. Trước khi mẹ chết và sau khi mẹ chết. Trước khi mẹ chết anh còn có cơ hội làm người tốt, nhưng sau khi mẹ chết và đỉnh điểm là ông bố của anh xuất hiện và nói những lời vô nhân tính, anh đã không còn cơ hội làm người tốt được nữa. Khi bạn không còn gì tốt đẹp chống đỡ, bạn sẽ gục ngã, tôi cho là thế.

Cách miêu tả tình tiết mà tôi cho là điểm trừ là vì tôi thấy nó hơi thiếu kịch tính và có vài chỗ hơi dư thừa. Tôi cho rằng, với một tác phẩm đời thường như này, tác dụng lớn nhất của tình tiết là khắc họa tính cách nhân vật, cả chính lẫn phụ. Lấy chi tiết về chú cún Lucky làm ví dụ. Đây là một chi tiết khá hay, vì nó giúp làm nổi bật sự mềm lòng ẩn dưới vẻ ngoài sắt đá của Fred, cũng như cho thấy phần thiện trong con người anh. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện về Lucky chỉ nên dừng lại sau khi ông bác sĩ thú ý băng bó xong cho nó. Đoạn về người đàn ông trung niên mất vợ và hai con hơi thừa, vì nó không làm nổi bật hay có tác dụng gì đối với cốt truyện cả, nếu nhắc đến chỉ nên gói gọn trong hai đến ba câu. Và cả đoạn Fred kể lại kỹ càng vì sao con cún ăn hết mớ bông trong ruột gấu cũng hơi thừa, nên viết ngắn lại. Trong truyện có một vài chỗ giống như vậy, tuy ít nhưng thiết nghĩ tác giả nên xem lại, vì tình tiết dư thừa sẽ khiến tác phẩm trở nên lan man. Đó chỉ là ý kiến cá nhân, nếu tác giả thấy không đúng thì có thể bỏ qua.

Tổng kết lại, đây là một tác phẩm khá tốt so với mặt bằng chung trên Wattpad, tuy còn vài lỗi nhỏ. Moskva gợi tôi nhớ đến The Book Thief (Markus Zusak) - một câu chuyện kể về cuộc đời cô bé Liesel dưới góc nhìn của thần Chết - khá hay, nếu chưa đọc tác giả có thể tham khảo để nâng cao tay nghề cho Moskva. Trong Moskva cũng có nhiều câu văn mang tính triết lý và thể hiện độ sâu của tác giả, tôi xin trích câu tôi thích nhất để kết thúc bài review này:

"Bất hạnh với bất hạnh lại tạo nên niềm vui và hạnh phúc. Nỗi buồn tuy không bao giờ hết, nhưng chí ít cả hai sẽ giúp nhau vơi bớt đi phần nào."

#emma

-----------

Nếu bạn thích bài review này hãy bình chọn và follow chúng mình nhé!

Chaos Minds Team

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro