co che giai quyet tranh chap

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1.Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên bốn nguyên tắc: công bằng, nhanh chóng, hiệu quả và chấp nhận được đối với các bên tranh chấp, phù hợp với mục tiêu bảo toàn các quyền và nghĩa, phù hợp với các hiệp định thương mại có liên quan trên cơ sở tuân thủ các quy phạm của luật tập quán quốc tế về giải thích điều ước quốc tế.

Ngoài ra, WTO cũng sẽ tiếp tục áp dụng cách giải quyết tranh chấp của GATT 1947 như: tái lập sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ; giải quyết tích cực các tranh chấp; cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trả đũa khi chưa được phép của WTO. Nguyên tắc cấm đơn phương áp dụng các biện pháp trừng phạt có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của hệ thống thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, nguyên tắc này không bao hàm rõ ràng ý có cấm các nước thành viên không được đơn phương xác định các hành vi của nước thành viên khác có vi phạm các hiệp định của WTO hay không. Lợi dụng sự không rõ ràng này nên một số nước thành viên phát triển như Mỹ, EU vẫn tiếp tục đơn phương áp dụng các đạo luật của riêng mình như điều khoản Super 301 trong luật thương mại Mỹ hoặc quy định 384/96 của Hội đồng châu Âu để "kết án" và trừng phạt các nước thành viên WTO khác.

1. Mặt tích cực của hệ thống:

· Thứ nhất, so với GATT, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO sẽ có lợi nhiều cho các nước đang phát triển vì nó thông thoáng hơn, ít tốn thời gian, trên cơ sở tự động và có tính ràng buộc. Thông thường, bước đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp là quá trình tham vấn của các bên có mâu thuẫn thương mại. Nếu quá trình tham vấn này không giải quyết được mâu thuẫn của hai bên thì một ban hội thẩm sẽ được tự động thành lập. Nếu hai bên không nhất trí với quyết định cuối cùng của ban hội thẩm thì họ có thể đưa lên ban chung thẩm. Khoảng thời gian giữa các công đoạn được quy định rõ ràng và chặt chẽ để tránh tình trạng xử kiện kéo dài. Quyết định cuối cùng của ban chung thẩm hoặc hội thẩm chỉ có thể bị bác bỏ bằng sự đồng thuận của tất cả các thành viên, sự phủ quyết đơn lẻ của một thành viên là không có hiệu lực.

· Thứ hai, cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương không cho phép các nước phát triển áp đặt luật của mình trong giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế, ví dụ việc áp dụng đơn phương Ðạo luật 301 của Mỹ trong giải quyết tranh chấp thương mại với các nước.

2. Hạn chế của hệ thống:

· Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO cũng còn những hạn chế nhất định. Theo cơ chế này, mặc dù các nước được áp dụng biện pháp trả đũa với những nước không tuân thủ quyết định phán quyết cuối cùng, nhưng việc thực hiện các biện pháp trả đũa này cũng không hiệu quả nếu nước thực hiện nó là nước nhỏ đang phát triển. Trong nhiều trường hợp, do sức ép chính trị hoặc văn hoá-xã hội mà nước vi phạm có xu hướng không thực hiện phán quyết cuối cùng của Ban giải quyết tranh chấp. Thậm chí, những nước vi phạm còn sẵn sàng chịu các biện pháp trả đũa của nước thắng kiện nếu những nước này là nước nhỏ và không phải là đối tác quan trọng. Do đó, có khi việc thực hiện các biện pháp trả đũa lại có tác dụng tiêu cực nhiều hơn đối với các nước nhỏ nếu họ áp dụng nó chống lại các nước lớn hơn.

· Một nhược điểm khác của cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO liên quan đến vai trò của Ban giải quyết mâu thuẫn thương mại đối với các trường hợp chống phá giá. Ðây là những trường hợp các nước đang phát triển thường gặp trong thương mại với các nước phát triển. Trong những trường hợp như vậy, Ban giải quyết không ra quyết định liệu những biện pháp chống phá giá có phù hợp với các quy định của WTO hay không mà chỉ xem xét liệu quá trình thu thập và đánh giá số liệu có hợp lý hay không. Cuối cùng, trong những năm gần đây, do cơ chế giải quyết tranh chấp ngày càng trở nên thiên về kỹ thuật đòi hỏi các nước đang phát triển phải có chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt khi bên bị kiện là các nước phát triển. Đối với một số nước đang phát triển, quá trình thuần tuý kỹ thuật này rất khó đáp ứng do hạn chế về kinh nghiệm, kiến thức cũng như tài chính vì trong nhiều trường hợp, các nước đang phát triển phải thuê luật sư và chuyên gia của chính các nước phát triển.

3. Tổ chức:

Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB), bao gồm tất cả các thành viên của WTO, có thẩm quyền thành lập các nhóm chuyên gia, thông qua các báo cáo của nhóm chuyên gia và của cơ quan phúc thẩm, giám sát việc thực thi các phán quyết và khuyến nghị, cũng như cho phép tạm ngưng các nhượng bộ và các nghĩa vụ khác theo các hiệp định của WTO (Điều 2 DSU). Nếu một nước thành viên cho rằng một quyền lợi thuộc về mình một cách trực tiếp hay gián tiếp theo các hiệp định của WTO đang bị vô hiệu hóa hoặc bị suy giảm thì đầu tiên nước này sẽ phải yêu cầu mở các cuộc tham vấn song phương (Điều 4 DSU). Nếu các cuộc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, bên khiếu nại có quyền yêu cầu thành lập nhóm chuyên gia, và nhóm này sẽ phải được thành lập trừ phi DSB đồng thuận quyết định không làm việc đó (Điều 6 DSU).

Nhóm chuyên gia thường bao gồm ba thành viên. Các cuộc thảo luận của nhóm được bảo mật, và báo cáo của nhóm không nêu tên các thành viên có ý kiến được trình bày trong báo cáo (Điều 6 và14 DSU). Công dân của các quốc gia liên quan đến vụ tranh chấp sẽ không được tham gia vào nhóm trừ phi các bên tranh chấp đồng ý. Các nhóm chuyên gia phải xem xét vụ kiện trong vòng 6 tháng (Điều 12 DSU). Trong vòng 60 ngày kể từ khi báo cáo của nhóm chuyên gia được gửi cho các thành viên WTO, báo cáo phải được thông qua tại cuộc họp của DSB trừ phi một thành viên trong vụ tranh chấp chính thức thông báo với DSB quyết định sẽ kháng cáo, hoặc DSB đồng thuận không thông qua báo cáo đó (Điều 16 DSU).

Cơ quan phúc thẩm, một toà án thường trực được thành lập tại vòng đàm phán Uruguay, sẽ xem xét mọi kháng cáo. Tòa án này bao gồm 7 thành viên, trong đó 3 người sẽ tham gia phúc thẩm trong mỗi vụ. Các thành viên này được bổ nhiệm trong 4 năm và không được phép có quan hệ với bất kỳ chính phủ nào. Phạm vi phúc thẩm chỉ giới hạn ở các vấn đề pháp lý được đề cập trong báo cáo của nhóm chuyên gia, và ở các diễn giải pháp lý do nhóm chuyên gia đưa ra. Thời hạn xem xét của cơ quan phúc thẩm không được vượt quá 60 ngày, và được bảo mật. Các báo cáo được soạn thảo mà không có sự tham dự của các thành viên liên quan đến vụ tranh chấp, và các ý kiến được thể hiện trong báo cáo là vô danh (Điều 17 DSU). Khi nhóm chuyên gia hoặc cơ quan phúc thẩm kết luận rằng một biện pháp nào đó là không phù hợp với hiệp định có liên quan, nhóm hoặc cơ quan này cần khuyến nghị thành viên vi phạm phải sửa đổi các biện pháp của mình cho phù hợp với hiệp định của WTO (Điều 19 DSU).

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro