Cô Gái Có Hình Xăm Rồng chương 6-10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 6

Thứ Năm, 26 tháng Mười hai

Đã quá thời gian Blomkvist dự định về. Giờ đã là 4 giờ 30 phút, không có hy vọng bắt đầu được chuyến tàu chiều nhưng anh vẫn có cơ hội làm chuyến tàu đêm 9 giờ 30 phút. Anh đứng bên cửa sổ xoa xoa cổ, nhìn ra mặt tiền thắp sáng của nhà thờ ở bên kia cây cầu. Vanger đã cho anh xem một quyển được được cắt dán  từ những báo của địa phương và của giới truyền thông cả nước. Trong một thời gian, giới truyền thông đã chú ý đến cô gái của gia đình một nhà công nghiệp tên tuổi biến mất. Nhưng khi không tìm ra xác và không có đột phá nào trong điều tra thì sự chú ý dần dần nhạt đi. Mặc dù sự việc là dính líu đến một gia đình nổi tiếng nhưng ba mươi sáu năm sau, vụ Harriet Vanger vẫn cứ bị quên lãng. Trong các bài báo của cuối những năm 60, lý lẽ trội lên hơn cả có vẻ cho là cô gái đã chết đuối và bị quét mất ra biển - một thảm kịch nhưng là điều có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào.

Câu chuyện ông già kể đã hấp dẫn Blomkvist nhưng khi ông già xin lỗi đi vào buồng tắm, anh lại mới nghi ngờ trở lại. Ông già chưa nói đến đoạn kết mà Blomkvist thì cuối cùng đã hứa là nghe hết toàn bộ câu chuyện.

- Ông nghĩ đã xảy ra chuyện gì cho Harriet? – anh hỏi khi Vanger trở lại.

- Thông thường có chừng hai mươi lăm người quanh năm sống ở đây nhưng vì gia đình tụ họp trên đảo Hedeby này nên hôm đó có hơn sáu chục người. Trong số này, từ hai mươi đến hai mươi lăm người, đại khái bằng thế, là có thể loại đi. Tôi tin là trong những người còn lại, một ai đó trong gia đình đã giết Harriet và giấu cái xác đi.

- Tôi có mười hai cách bác bỏ ý đó.

- Hãy nói nghe xem

- Bác bỏ thứ nhất là nếu một ai đó giấu xác chị ấy đi thì cái xác cũng sẽ phải được tìm thấy, nếu tìm kiếm đã kỹ càng triệt để như ông từng mô tả.

- Nói thật với anh, quy mô tìm kiếm còn lớn rộng hơn cả mô tả của tôi. Mãi đến khi bắt đầu nghĩ Harriet là nạn nhân của một vụ giết hại, tôi mới nhận thấy có nhiều cách có thể làm biến mất xác của nó. Tôi không thể chứng minh cho điều này nhưng ít nhất nó cũng ở trong phạm vi của khả năng.

- Hãy bảo tôi

- Harriet đi mất tăm quãng 3 giờ chiều hôm ấy. 2 giờ 55 phút mục sư Falk còn trông thấy nó đang vội đến cầu. Vào gần như cũng đúng lúc ấy một nhà nhiếp ảnh của tờ báo địa phương đến đó và trong một giờ sau, ông ta đã chụp một số lượng lớn ảnh về tấn thảm kịch. Chúng tôi - cảnh sát, ý tôi nói – đã xem xét các ảnh đó và xác nhận rằng không thấy Harriet ở trong một bức ảnh nào nhưng những người khác ở thị trấn thì ít nhất cũng được trông thấy một lần trong các tấm ảnh.

Vanger lấy một album khác để lên bàn.

- Đây là những bức ảnh ngày hôm ấy. Bức đầu tiên chụp ở Hedestad trong cuộc diễu hành Ngày Trẻ em. Cũng ông nhiếp ảnh kia chụp nó vào khoảng 1 giờ 15 phút chiều và Harriet có mặt ở trong đó.

Nhà nhiếp ảnh đứng chụp ở tầng hai của tòa nhà và cho thấy một đường phố cùng với cuộc diễu hành – các anh hề trên xe tải và các cô gái mặc quần áo tắm - vừa đi qua. Người xem tụ tập đầy các mặt đường lát đá. Vanger chỉ vào một bộ mặt trong đám đông.

- Harriet đây. Nó sẽ biến mất khoảng hai giờ sau đó; Harriet và một số bạn học ở thị trấn. Đây là bức ảnh cuối cùng chụp nó. Nhưng có một bức còn đáng chú ý hơn.

Vanger lật các trang. Quyển album có khoảng 180 bức ảnh - năm cuộn phim - về vụ đâm xe trên cầu. Dù đã nghe câu chuyện rồi người ta vẫn thấy quá đột ngột khi nhìn câu chuyện ở dạng các bức ảnh trắng đen này. Người chụp là một nhà nghề đã cố bắt được cảnh hỗn loạn xung quanh vụ tai nạn. Một số lớn ảnh tập trung vào các hoạt động ở quanh chiếc xe tẹc đổ nghiêng. Blomkvist dễ dàng nhận ra ngay một Henrik Vanger trẻ hơn nhiều, đầm đìa dầu nóng, giơ tay giơ chân.

- Đây là Harald anh tôi. – Ông già trỏ vào một người đàn ông mặc sơ mi xắn tay đang cuối về phía trước và trỏ vào một cái gì ở bên trong chiếc xe bẹp dúm. – Anh tôi có thể là một người khó ưa nhưng tôi nghĩ có thể gạt anh ấy ra khỏi danh sách tình nghi. Trừ một lúc ông ấy ở đâu chạy về khu trại thay giầy rất nhanh còn thì cả buổi chiều ông ấy ở trên cây cầu.

Vanger lật vài trang nữa, lần lượt từng tấm ảnh. Cận cảnh xe tẹc đổ. Cận cảnh người xem ở bờ biển phía trước. Cận cảnh xe của Aronsson. Cảnh bao quát. Các cận cảnh bằng các ống kính telephoto.

- Đây là bức ảnh đáng chú ý, - Vanger nói. – Như chúng tôi có thể xác định thì nó được chụp vào khoảng giữa 3 giờ 40 và 3 giờ 45, sau khi Harriet tình cờ gặp Falk. Hãy nhìn ngôi nhà này, cửa sổ ở giữa tầng hai. Đó là buồng của Harriet. Trong bức ảnh trước, cửa sổ này đóng. Ở đây nó mở.

- Chắc có người đã ở trong buồng của Harriet?

- Tôi đã hỏi tất cả, không ai nhận đã mở cửa sổ.

- Có nghĩa là hoặc chính Harriet mở hoặc có một ai đó đã nói dối ông. Nhưng tại sao tên giết người lại phải vào mở cửa sổ buồng chị ấy ra? Và tại sao có người lại nói dối về chuyện đó?

Vanger lắc đầu. Không giải thích được.

- Harriet biến mất vào khoảng 3 giờ hay muộn hơn sau đó một ít. Các bức ảnh này cho thấy được một số người đang ở đâu vào lúc ấy. Bởi thế tôi có thể loại một số người ra khỏi danh sách khả nghi. Cũng bởi thế tôi có thể kết luận rằng cần đưa một số người không ở trong các bức ảnh này vào danh sách nghi vấn.

- Ông không trả lời câu hỏi tôi hỏi ông nghĩ sao về việc cái xác đã được đưa đi. Dĩ nhiên tôi nhận thấy chắc đã phải có một giải thích nào đó nghe lọt tai. Kiểu trò bịp của các nhà ảo thuật xưa.

- Thật ra đã có thể áp dụng một số cách làm thực tế. Tên giết người hạ thủ quanh quẩn vào lúc 3 giờ. Chắc hắn ta hay ả ta không dùng bất cứ một thứ vũ khí gì - nếu không thì chúng tôi đã tìm thấy những vết máu. Tôi đoán Harriet đã bị bóp cổ và tôi đoán chắc là xảy ra ở đây - đằng sau bức tường ở trong vườn, đâu đó vượt ra ngoài tầm nhìn của người chụp ảnh và ở một góc chết so với ngôi nhà. Ở đấy có một lối mòn, nếu anh muốn đi tắt, sang nhà mục sư – cái chỗ cuối cùng trông thấy Harriet – và quay lại về nhà. Bây giờ ở đấy có một luống hoa và một bãi cỏ, nhưng vào những năm 60, đó là khu vực rải sỏi dùng để đỗ xe. Tên giết người chỉ cần mở cốp một chiếc xe rồi cho Harriet vào trong. Hôm sau khi chúng tôi bắt đầu tìm kiếm, chả có ai nghĩ là đã xảy ra một vụ giết người. Chúng tôi tập trung chú ý vào bờ biển, các tòa nhà và các khu rừng gần làng nhất.

- Cho nên không ai tìm trong các cốp xe.

- Và tối hôm sau tên giết người được thoải mái lên xe lái qua cầu để giấu cái xác vào một chỗ nào đó.

- Ngay dưới mũi của mọi người tham gia tìm kiếm. Nếu việc diễn ra theo cách này thật thì chúng ta đang nói đến một thằng khốn nạn to gan.

Vanger bật ra một tiếng cười chua chát.

- Miêu tả thế là khá trúng với một ít người ở trong dòng họ Vanger đấy.

Họ bàn tiếp qua cả bữa tối vào lúc 6 giờ. Anna dọn lên thịt thỏ rừng quay với mứt dâu và khoai tây. Vanger rót ra một loại vang đỏ nặng. Blomkvist có nhiều thì giờ để làm chuyến tàu vét. Anh nghĩ đã đến lúc tóm tắt lại câu chuyện.

- Ông đã kể cho tôi một câu chuyện hấp dẫn, tôi phải nhận là thế. Nhưng tôi vẫn không biết tại sao ông lại muốn tôi nghe.

- Tôi đã bảo anh. Tôi muốn tóm cổ cái thằng khốn khiếp đã giết Harriet. Và tôi muốn mướn anh tìm ra nó là ai.

- Tại sao?

Vanger đặt dao nĩa xuống.

- Ba mươi mấy năm qua tôi hóa rồ hóa dại nghĩ xem chuyện gì đã xảy ra với Harriet. Tôi ngày càng dành nhiều thì giờ hơn cho chuyện đó. – Ông im lặng và bỏ kính ra, quan sát một vết bụi vô hình nào đó trên mặt kính. Rồi ông ngước nhìn Blomkvist. - Để cho hoàn toàn trung thực với anh, việc Harriet biến mất đã là lý do khiến tôi rút lui dần ra khỏi công việc điều hành công ty. Tôi mất hết động cơ. Tôi biết đâu đó ở bên tôi có một tên sát nhân, và rồi buồn phiền cũng như việc tìm kiếm sự thật đã bắt đầu ảnh hưởng đến công việc của tôi. Điều tệ nhất là theo năm tháng cái gánh nặng này nó lại không nhẹ đi mà trái lại. Khoảng 1970, có một thời kỳ tôi chỉ muốn ở một mình. Rồi Martin tham gia ban giám đốc, rồi nhận lấy phần lớn công việc của tôi. Năm 1976 tôi về hưu, Martin tiếp quản chức CEO. Tôi vẫn còn một chỗ trong ban lãnh đạo nhưng từ năm năm mươi tuổi tôi chả còn chèo lái mấy nữa. Trong ba mươi sáu năm qua, chả ngày nào trôi đi mà tôi lại không nghiền ngẫm đến việc Harriet mất tích. Anh có thể nghĩ tôi đã bị chuyện ấy ám ảnh – ít ra thì phần lớn họ hàng tôi đều nghĩ như vậy.

- Câu chuyện này khủng khiếp quá.

- Hơn thế. Nó đã hủy hoại đời tôi. Đó là một cái gì mà thời gian càng trôi đi tôi lại càng nhận hiểu về nó nhiều hơn. Anh có cảm nhận rõ về bản thân mình không?

- Tôi nghĩ là có.

- Tôi cũng thế. Tôi không thể quen với cái đã xảy ra. Nhưng theo năm tháng các động cơ của tôi đã thay đổi. Ban đầu động cơ chắc là đau buồn. Tôi đã muốn tìm Harriet và ít nhất thì có cơ hội chôn cất nó. Điều ấy như thể là giành lấy công lý cho Harriet vậy.

- Nó đã thay đổi theo kiểu gì?

- Bây giờ thì tìm ra thằng khốn đã làm chuyện đó là chính. Nhưng điều lạ là: tôi càng già nó lại càng trở thành một thú nghiền cuốn hút mất hết tất cả.

- Thú nghiền?

- Vâng, tôi có thể dùng chữ ấy. Khi điều tra của cảnh sát kết thúc, thì tôi vẫn cứ tiếp tục. Tôi đã cố làm có hệ thống và khoa học. Tôi thu thập mọi thông tin có thể góp nhặt được - ảnh, báo cáo của cảnh sát, tôi đã viết lại những gì người ta nói với tôi về những điều mà họ làm hôm ấy. Cho nên đúng là tôi đã bỏ ra gần như hết nửa đời mình vào việc thu thập thông tin về duy nhất một ngày trời.

- Tôi giả dụ thế này, là sau ba mươi sáu năm ông có nhận thấy tên giết người cũng có thể đã chết và bị chôn cất mất rồi không?

- Tôi không tin như thế.

Blomkvist nhíu lông mày lại trước cái giọng chắc nịch của ông già.

- Ta hãy ăn xong bữa rồi trở lên gác. Câu chuyện sắp hết thì có một chi tiết này nữa. Chi tiết gây cho hoang mang hơn hết.

Salander đỗ chiếc Corolla vào cạnh ga xe lửa vành đai ở Sundbyberg. Cô mượn chiếc Toyata của đội xe An ninh Milton. Cô không xin phép hẳn hoi nhưng Armansky không bao giờ công khai tỏ ý cấm cô dùng xe của Milton. Cô nghĩ sớm muộn rồi cũng phải có một chiếc xe. Cô đã có một chiếc Kawasaki 125 sang tay cô thường dùng trong thời gian hè. Mùa đông cô nhốt chiếc xe máy trong hầm rượu.

Cô đi bộ đến Hogklintavagen, bấm cái chuông cửa nhỏ xíu, lúc ấy là 6 giờ. Mấy giây sau, khóa cửa ra phố mở đánh cách và cô lên hai tầng gác, bấm vào chuông cửa ở cạnh tên Stevensson. Cô không biết Stevensson thật sự là ai và liệu có một người như thế sống ở đây không.

- Chào, Dịch bệnh – cô nói.

- Ong vò vẽ đấy à! Cần cái gì thì cứ việc ghé qua nha.

Căn hộ tối như thường lệ; ánh sáng của ngọn đèn duy nhất trong phòng ngủ mà anh ta dùng làm văn phòng rỉ ra ngoài gian sảnh. Người đàn ông, hơn Salander ba tuổi, cao mét chín và nặng tạ sáu. Bản thân cao mét rưỡi, nặng 45 cân nên ở cạnh Dịch bệnh cô cứ cảm thấy mình bé tí tẹo. Chỗ này nồng mùi lâu ngày và ngột ngạt.

- Vì anh không chịu tắm bao giờ, Dịch bệnh. Ở đây có cái mùi cứ như là mùi chuồng khỉ ấy. Nếu anh có dịp ra ngoài, tôi sẽ mách anh vài mánh về xà phòng. Ở Khôngnsum họ có bán xà phòng đấy.

Anh tặng cô một nụ cười nhợt nhạt và không nói gì. Anh ra hiệu bảo cô đi theo vào bếp. Anh buông phịch xuống một chiếc ghế ở bên bàn bếp, chả buồn bật đèn. Ánh sáng duy nhất đến từ đường ở bên kia cửa sổ.

- Về khoản dọn dẹp nhà cửa tôi không giữ kỷ lục đâu, nhưng nếu có thùng sữa cũ ngửi giống mùi giòi bọ là tôi đều bó lại, quẳng hết đi.

- Tôi đang được trợ cấp ốm yếu đấy, - anh nói. – Tôi bất lực về mặt xã hội.

- Cho nên Chính phủ cho anh một chỗ để sống rồi quên anh đi. Có bao giờ anh sợ hàng xóm kêu với thanh tra cảnh sát không? Lúc ấy anh có thể bị hót đến trại vui nhộn đấy.

- Cậu có gì cho tôi không?

Salander kéo khóa túi jacket và đưa cho anh năm nghìn curon.

- Tôi để dành được có thế này. Đây là tiền của tôi và tôi thật không thể loại anh đi như một người ăn theo lệ thuộc.

- Cậu muốn gì?

- Vòng tay điện tử anh nói hai tháng trước. Anh đã có chưa?

Anh mỉm cười và đặt một cái hộp lên bàn.

- Chỉ cho xem nó làm việc thế nào với nào.

Trong vài phút sau cô chăm chú nghe. Rồi cô thử cái vòng. Dịch bệnh có thể bất tài về xã hội nhưng anh ta là một thiên tài, điều này chẳng cần phải bàn cãi.

Vanger chờ cho đến lúc ông lại được Blomkvist chú ý. Blomkvist nhìn đồng hồ và nói:

- Một chi tiết gây hoang mang.

- Tôi sinh ngày 1 tháng Mười một. Khi Harriet lên tám, nó tặng tôi một món quà sinh nhật, một bông hoa ép, có khung.

Vanger đi vòng quanh bàn làm việc và chỉ vào bông hoa đầu tiên. Hoa chuông lam. Khung nó làm theo kiểu nghiệp dư.

- Đây là bông đầu tiên. Tôi nhận nó năm 1958. – Ông chỉ vào bông bên cạnh. – 1959. Hoa mao lương. 1960. Cúc. Đã thành lệ. Chắc Harriet làm vào một lúc nào đó nhân dịp hè rồi giữ lại cho tới sinh nhật tôi. Tôi luôn treo nó ở trên tường trong buồng này. Năm 1966 Harriet biến mất và cái lệ ấy không còn nữa.

Vanger chỉ vào một chỗ trống trong dẫy khung. Blomkvist thấy tóc gáy dựng hết cả lên. Bức tường đầy hoa ép.

- 1967, sau năm Harriet biến mất, tôi nhận bông hoa này nhân sinh nhật tôi. Một bông viôlét.

- Hoa đến ông như thế nào?

- Bọc trong cái mà họ gọi là giấy gói quà và phong bì hai lớp gửi đi từ Stokholm. Không có địa chỉ người gửi. Không thư.

- Ông định nói… - Blomkvist hoa hoa tay như xua đi.

- Chính xác. Hàng năm vào cái ngày sinh nhật chết tiệt của tôi. Anh có biết tôi cảm thấy thé nào không? Nó đánh thẳng vào tôi, cứ hệt như tên giết người muốn hành hạ tôi vậy. Tôi buồn phiền đến nỗi ốm bởi ý nghĩ có phải Harriet đã bị hại vì một ai đó muốn đụng đến tôi. Không còn là bí mật chuyện tôi và Harriet có một quan hệ đặc biệt cũng như chuyện tôi coi nó như con gái tôi.

- Vậy ông muốn tôi làm cái việc ấy? – Blomkvist nói.

Khi Salander đưa chiếc Corolla về ga ra ở dưới tòa nhà An ninh Milton, cô tự nhắc hãy lên toa lét ở trên gác trong văn phòng. Cô dùng thẻ khóa mở cửa, đi thang máy tuốt lên tầng ba để tránh vào qua cửa chính ở tầng hai, nơi có nhân viên trực ở đó. Cô dùng toa lét rồi lấy một cốc cà phê ở máy pha espresso mà Armansky đã mua khi về sau này ông nhận ra thấy Salander không bao giờ pha cà phê đúng cách. Rồi cô vào buồng làm việc của mình, khoác chiếc jacket lên lưng ghế.

Căn phòng bằng kính, một chiều 2 mét rưỡi, một chiều 3 mét. Có một bàn làm việc và một máy tính bàn Dell kiểu cổ, một điện thoại, một ghế văn phòng, một sọt rác bằng kim loại và một giá sách. Giá sách có một bộ các thư mục và ba sổ tay khống. Hai ngăn kéo bàn để mấy cái bút bi, kẹp giấy và một sổ tay. Trên thành cửa sổ là một chậu cây, lá đã nâu và khô quắt. Salander tư lự nhìn cái cây tựa như lần đầu tiên cô trông thấy nó rồi cô dứt khoát cho nó vào sọt rác.

Cô ít có việc dính đến buồng làm việc, cả năm cô thăm thú nó chừng năm sáu bận, chủ yếu khi cô ngồi một mình chuẩn bị báo cáo ngay trước khi nộp nó. Armsnky nài cô phải có một không gian riêng. Ông lập luận rằng như thế cô sẽ cảm thấy là một phần của công ty tuy cô làm việc như một người tự do. Cô nghi Armansky hy vọng bằng cách đó sẽ giám sát cô và xen được vào công việc của cô. Lúc đầu cô được giao cho một chỗ xa hơn ở dưới hành lang, trong một gian buồng lớn hơn mà người ta toan cho một đồng sự nữa cùng chia sẻ. Nhưng vì cô không bao giờ ở đó nên cuối cùng Armansky chuyển cô đến cái lỗ vuông vức này ở cuối hành lang.

Salander lấy cái vòng đeo tay ra. Cô  nhìn nó, đăm chiêu cắn môi dưới.

Đã quá 11 giờ và cô đang ở một mình trên tầng gác. Cô chợt thấy bực dọc hết sức.

Lúc sau, cô đứng dậy đi đến cuối gian sảnh rồi mở cửa buồng giấy của Armansky. Khóa. Cô nhìn quanh. Mối nguy có ai quay trở lại hành lang vào quãng nửa đêm ngày 26 tháng Mười hai hầu như là không tồn tai. Cô mở cánh cửa bằng chiếc thẻ chìa khóa làm nhái theo thẻ của công ty, cách đây mấy năm trước cô đã chịu bỏ công ra làm việc này.

Buồng giấy của Armansky rộng rãi: ở trước bàn làm việc của ông là cái ghế cho khách và một bàn họp đủ chỗ cho tám người ở một góc. Ngăn nắp không thể chê được. Một thời gian cô đã không lẻn vào buồng giấy của ông nhưng nay cô đang ở đây… Cô dành thời gian bên bàn làm việc để cập nhật thông tin bằng cách xem công việc điều tra một gián điệp nghi là mai phục trong công ty, một trong các đồng sự của cô đã được cấy công khai vào một xí nghiệp mà ở đó chuông báo động đang được cho hoạt động và các biện pháp nào đã được áp dụng hoàn toàn bí mật để bảo vệ một thân chủ đang sợ đứa con của bà có nguy cơ bị ông bố bắt cóc. Cuối cùng cô để các giấy tờ y nguyên vào lại chỗ cũ, khóa cửa buồng giấy Armansky lại và đi bộ về nhà. Cô cảm thấy thỏa mãn với ngày hôm nay.

- Tôi không biết chúng ta có tìm ra sự thật hay không nhưng khi mà chưa thử việc ấy một lần cuối cùng thì tôi từ chối đi đến ngôi mộ của tôi, - ông già nói. – Tôi chỉ đơn giản muốn giao cho anh việc rà kỹ lại hết các bằng chứng một lần cuối.

- Thế là điên, - Blomkvist nói.

- Sao lại điên?

- Tôi đã nghe đủ, Henrik, tôi hiểu nỗi đau buồn của ông nhưng tôi cần phải trung thực với ông. Việc ông nhờ tôi chỉ là lãng phí thời gian của tôi và tiền bạc của ông mà thôi. Ông đang bảo tôi dựng ra lời giải đáp cho một bí mật mà cảnh sát và các nhà điều tra có kinh nghiệm cùng với các nguồn lực lớn hơn vô kể cũng đã phải chịu không giải quyết được trong suốt những năm vừa qua. Ông đang bảo tôi giải quyết một vụ án mạng sau khi nó xảy ra đã bốn chục năm. Tôi làm thế nào được việc đó cơ chứ?

- Chúng ta còn chưa bàn đến tiền công của anh, - Vanger nói.

- Việc đó sẽ không cần thiết mà.

- Tôi không ép được anh nhưng anh hãy nghe điều tôi đang đưa ra. Frode đã thảo một hợp đồng. Chúng ta có thể thảo luận các chi tiết nhưng bản hợp đồng này đơn giản, và tất cả những gì nó cần bây giờ là chữ ký của anh thế thôi.

- Henrik, như thế là phi lý. Tôi thật tình không tin rằng tôi lại sẽ tìm ra bí mật của việc Harriet biến mất.

- Theo hợp đồng, anh không cần phải làm chuyện đó. Tất cả những gì bản hợp đồng yêu cầu anh là anh làm hết sức anh. Nếu anh thất bại thì đó là ý Chúa, hay - nếu anh không tin ở Người – thì đó là số phận.

Blomkvist thở dài. Anh ngày càng thấy không thoải mái và muốn chấm hết cuộc thăm viếng này ở Hedeby, nhưng anh mủi lòng.

- Được, chúng ta hãy nghe nó xem nào.

- Tôi muốn anh sống và làm việc ở Hedeby đây một năm. Tôi muốn anh đọc kỹ lưỡng từng trang của báo cáo điều tra về vụ Harriet mất tích. Tôi muốn anh xem xét mọi sự việc với con mắt mới. Tôi muốn với mọi kết luận cũ anh đều đặt câu hỏi đúng như cách mà một phóng viên điều tra cần phải làm. Tôi muốn anh tìm ra một cái gì đó mà tôi và cảnh sát cũng như các nhà điều tra khác đã để tuột mất.

- Ông đang bảo tôi dẹp đời tôi, sự nghiệp của tôi sang bên để cống hiến suốt cả một năm dòng bản thân tôi cho một cái gì đó hoàn toàn chỉ là lãng phí thời gian.

Vanger mỉm cười.

- Về sự nghiệp của anh, chúng tôi có thể tán thành rằng trong lúc này nó có phần nào đó bị nắm giữ.

Blomkvist không biết trả lời thế nào câu này.

- Tôi muốn mua một năm của đời anh. Cho một công việc. Lương cao hơn bất kỳ mức lương nào anh đã nhận được suốt từ trước tới nay. Tôi sẽ trả cho anh 2 triệu curon một tháng – nếu anh bằng lòng và ở lại cả năm thì nó sẽ là 2 triệu tư curon.

Blomkvist ngẩn ra.

- Tôi không ảo tưởng. Khả năng thành công là nhỏ nhưng nếu ngược lại với những sự quái gở, anh phá vỡ bí mật thì tôi lại còn thưởng anh một khoản tiền gấp đôi lương nữa có nghĩa là 4,8 triệu curon. Chúng ta hãy rộng rãi, thôi thì cứ cho nó tròn là 5 triệu nhỉ!

Vanger ngả người lại đằng sau, gật gù.

- Anh muốn tài khoản ở ngân hàng nào, chúng tôi sẽ rót tiền vào đó, bất kỳ ở đâu trên thế giới. Anh cũng có thể lấy ngay tiền mặt để ở trong một vali, như vậy anh muốn khai báo thu nhập với thuế vụ hay không thì đó là do anh quyết định.

- Như thế… không lành mạnh, - Blomkvist lắp bắp.

- Tại sao thế? – Vanger bình thản nói. – Tôi đã tám mươi hai và vẫn còn nguyên vẹn mọi khả năng. Tôi có một gia sản cá nhân lớn; tôi có thể chi tiêu nó như thế nào tùy tôi. Tôi không có con và tuyệt đối không có ham muốn để lại bất cứ một đồng nào cho họ hàng mà tôi ghét bỏ. Tôi đã làm di chúc cùng ý nguyện cuối cùng của tôi; Tôi sẽ chuyển phần lớn tài sản của tôi cho Quỹ Động vật hoang dã Thế giới. Một ít người gần gũi với tôi sẽ nhận một khoản tiền có ý nghĩa - kể cả Anna.

Blomkvist lắc đầu.

- Hãy cố hiểu tôi, - Vanger nói. – Tôi là một người chẳng chóng thì chầy sẽ chết. Có một điều ở trên thế giới này mà tôi muốn có – đó là câu trả lời cho cái câu hỏi nó từng dày vò hết nửa cuộc đời tôi. Tôi không mong tìm câu trả lời nhưng tôi có nguồn lực để làm một toan tính cuối cùng. Cái đó có không hợp lý không? Tôi nợ Harriet cái đó. Và tôi nợ cả cái đó với chính bản thân tôi.

- Ông trả cho tôi nhiều triệu curon để chả được gì cả. Tất cả những gì tôi cần là ký vào bản hợp đồng rồi đan chéo hai ngón tay cái lại trong một năm trời.

- Anh sẽ không làm thế. Trái lại – anh sẽ làm hăng hơn như chưa hề hăng như thế trong đời anh.

- Sao ông có thể cả quyết thế?

- Vì tôi có thể cho anh một cái mà anh không thể mua được bằng bất cứ giá nào mà anh lại muốn nó hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này.

- Nó là cái gì vậy?

Mắt Vanger nheo nhỏ lại.

- Tôi có thể cho anh Hans-Erik Wennerstrom. Tôi có thể chứng minh hắn là một tên lừa bịp. Ba mươi năm trước, hắn tình cờ bắt đầu sự nghiệp cùng với tôi, và tôi có thể cho anh cái đầu hắn để ở trên đĩa. Giải được bí mật là anh có thể xoay thất bại của anh ở tòa án ra thành câu chuyện của năm đấy.

Chương 7

Thứ sáu, ngày 3 tháng Giêng

Đặt tách cà phê xuống bàn, Erika đến bên cửa sổ nhìn ra cảnh quan Gamla Stan. 9 giờ sáng. Trận mưa ngày Năm mới đã rửa sạch hết tuyết trên đường phố.

- Em luôn yêu cảnh này, - cô nói, - Một căn hộ như thế này sẽ làm cho em thôi muốn sống ở Saltsjobaden mất.

- Em đã có chìa khóa đấy. Bất cứ khi nào em muốn, em đều có thể rời cái khu thượng lưu của em đến đây, - Blomkvist nói. Anh đóng vali lại và đặt nó ở bên cửa ra vào.

Berger quay lại nhìn anh, vẻ không tin.

- Anh không nghiêm chỉnh được, Blomkvist, - cô nói. – Chúng ta đang ở trong cơn khủng hoảng tồi tệ nhất thì anh khăn gói đi để lên sống tận Tjottahejti.

- Ở Hedestad thôi. Hai giờ đồng hồ đi tàu. Và đâu phải là mãi mãi.

- Đấy thì có lẽ cũng giống như Ulan Bator. Anh không thấy đi như thế nom sẽ như là anh kẹp đuôi vào hai cẳng mà lỉnh mất hay sao?

- Đúng là anh đang như thế thật. Ngoài ra anh còn phải làm vài tháng tù nữa.

Christer Malm ngồi trên sofa. Anh không thoải mái. Đây là lần đầu tiên từ ngày họ lập ra Millennium anh thấy Berger và Blomkvist bất đồng như thế này. Những năm tháng qua, họ từng không rời nổi nhau. Đôi khi cũng có xung đột dữ dội nhưng cãi cọ luôn luôn là về chuyện làm ăn và họ sẽ y xì lại giải quyết mọi chuyện trước khi ôm lấy nhau rồi đâu lại về góc đấy. Hay là về trên giường. Mùa thu vừa rồi vui nhộn là thế mà bây giờ giữa hai người cứ như vừa mới mở ra một cái vịnh vậy. Malm nghĩ liệu anh có đang nhìn thấy Millennium bắt đầu kết thúc đấy không.

- Anh chỉ còn có cách ấy, - Blomkvist nói. – Chúng ta chỉ còn cách ấy.

Anh rót cho mình một tách cà phê rồi ngồi ở bàn bếp. Berger lắc đầu và đến ngồi xuống trước mặt anh.

- Christer, anh nghĩ sao? – cô nói.

Christer đang chờ câu hỏi này và anh sợ cái lúc anh phải có một lập trường. Anh là đối tác thứ ba nhưng họ đều hiểu Millennium là Berger và Blomkvist. Lần duy nhất họ hỏi ý anh là khi họ không nhất trí.

- Thật thà mà nói, - Malm nói, - hai người đều biết tôi nghĩ thế nào là không quan trọng.

Anh im ngay. Anh yêu vẽ tranh. Anh thích làm đồ hoạ. Anh không bao giờ coi mình là một nghệ sĩ nhưng anh biết anh là một tay thiết kế ra trò. Nhưng anh lại kém cỏi trong mưu lược và quyết định chính sách.

Berger và Blomkvist nhìn nhau qua bàn. Cô lạnh lùng và hung dữ. Anh thì đang nghĩ lung.

Đây không phải là cãi nhau mà là một cuộc li hôn, Malm nghĩ.

- Thôi được, để tôi trình bày trường hợp của tôi lần cuối cùng- Blomkvist nói. Thế này không có nghĩa là tôi bỏ Millennium. Chúng ta đã dành quá nhiều thời gian và làm hết tâm huyết để cho nó ra đời rồi.

- Nhưng nay anh sẽ không ở cái tạp chí này nữa, Christer và tôi sẽ phải thồ cái gánh nặng này. Anh không thấy được điều ấy sao? Anh là người tự dấn mình vào chỗ bắt mình lưu đày.

- Đây là việc thứ hai. Tôi cần một quãng nghỉ, Erika. Tôi chả còn một vị trí nào ở đây. Tôi đã cạn sạch năng lượng rồi. Có lẽ một đợt nghỉ và ăn lương ở Hedestad là cái tôi thật sự đang cần.

- Toàn bộ câu chuyện này là ngu xuẩn, Mikael. Chả khác gì anh nhận việc ở một rạp xiếc.

- Tôi biết. Nhưng nhờ ngồi ở ghế hậu trong một năm và sẽ không phí phạm thời gian ấy mà tôi sắp được hai triệu tư đấy. Đó là việc thứ ba. Hiệp một với Wennerstrom kết thúc và hắn đo ván tôi. Hiệp hai đã bắt đầu - hắn đang cố cho Millennium đắm tàu vĩnh viễn vì hắn biết chừng nào mà tờ báo còn tồn tại thì ban biên tập đây còn biết hắn đã làm những trò gì.

- Tôi biết hắn đang làm gì chứ. Tôi thấy cái đó ở trong doanh số quảng cáo hàng tháng trong sáu tháng vừa qua.

- Đúng là vì thế mà tôi cần đi khỏi đây. Tôi như mảnh vải đỏ phất ở trước mặt hắn. Chừng nào dính đến tôi thì hắn sẽ còn cứ đến. Bây giờ chúng ta cần chuẩn bị cho hiệp ba. Để có một cơ may nhỏ nhất chống lại Wennerstrom, chúng ta cần lui quân và đưa ra một chiến lược mới hoàn toàn. Chúng ta phải tìm ra một cái gì đó bắt hắn lao đao khốn đốn. Đó là việc tôi làm trong năm nay.

- Tôi biết tất cả những cái đó, - Berger nói. - Vậy hãy cứ đi tới và nghỉ một chuyến. Ra nước ngoài, nằm cả tháng ở bãi biển. Tìm hiểu đời sống yêu đương ở Costa Brava ấy. Thư giãn. Ra Sandhamn mà nhìn sóng.

- Và khi tôi quay về thì sẽ chả có gì khác cả. Wennerstrom sẽ nghiền nát Millennium trừ khi hắn đã nguôi cơn do tôi đã bị hạ đài. Hai người biết như thế mà. Mặt khác việc duy nhất có thể chặn hắn lại là chúng ta vớ được một cái gì đó về hắn.

- Và anh nghĩ anh sẽ tìm thấy cái đó ở Hedstad?

- Tôi đang soát lại những bài báo cắt dán, Wennerstrom làm việc ở công ty Vanger từ 1969 đến 1972. Hắn làm quản lý và chịu trách nhiệm về các đầu tư chiến lược. Hắn bỏ đi gấp. Tại sao chúng ta loại bỏ khả năng Vanger đã làm điều gì đó với hắn?

- Nhưng nếu điều hắn làm xảy ra đã từ ba chục năm trước thì nay chứng minh cái đó là gay đấy.

- Vanger hứa là sẽ trình bày đến chi tiết cái điều mà ông ta biết. Ông ta bị ám ảnh chuyện đứa cháu gái mất tích – có vẻ đó là chuyện ông ta quan tâm nhất và nếu như thế có nghĩa là ông ta phải cho Wennerstrom tong thì tôi nghĩ có cơ may là ông ta sẽ làm việc đó. Chắc chắn chúng ta không thể lờ đi cơ hội này – ông ta là người đầu tiên nói muốn tiếp tục ghi bằng chứng chống lại Wennerstrom.

- Chúng ta không thể dùng cái đó ngay cả khi anh quay về với bằng chứng rõ mười mươi là Wennerstrom đã bóp cổ cô bé. Sau quá nhiều năm tháng, chuyện đó là không được. Hắn sẽ tàn diệt chúng ta ở tòa án mất.

- Tôi mới thoáng nghĩ ra thế này nhưng không hay; khi cô bé mất tích hắn đang “gạo” ở trường kinh tế Stockholm, không có quan hệ với công ty Vanger, - Blomlvist ngừng lại, - Erika, anh không bỏ Millennium, nhưng quan trọng cho nó nếu như em coi việc anh bỏ nó là cần. Em và Christer cần tiếp tục cai quản tờ tạp chí. Nếu em có thể... nếu em có cơ hội... dàn xếp một cuộc ngừng chiến với Wennerstrom thì em hãy cứ làm đi. Nếu anh vẫn còn ở trong ban biên tập tạp chí thì em không thể làm được việc đó.

- OK, nhưng tình huống này thật nhố nhăng và em nghĩ anh đi đến Hedestad là anh bám vào cọng rơm đấy.

- Em có ý nào hay hơn không?

Berger nhún vai.

- Chúng ta cần săn các nguồn tin ngay từ bây giờ. Dựng câu chuyện lên từ đầu. Và lần này làm tắp lự.

- Erika – câu chuyện ấy đã chết hẳn rồi mà.

Ngán ngẩm, Erika gục đầu xuống hai bàn tay. Khi lên tiếng, thoạt đầu cô còn tránh nhìn vào mắt Blomkvist.

- Em giận anh. Không phải vì bài báo anh viết không có cơ sở - em cũng có phần ở trong đó nhiều như anh thôi. Và cũng không phải anh bỏ công việc chủ bút của anh – trong tình thế này đó là một quyết định đúng. Em có thể theo cùng, làm cho nó nom có vẻ như là giữa anh và em có sự chia rẽ hay tranh giành quyền lực vậy – em càng phải hiểu một cách lô gíc rằng chuyện này cốt làm cho Wennerstrom tin rằng em là một ả khoe mẽ vô tích sự, còn anh thì là mối đe doạ thực thụ, - Cô ngừng lại và cả quyết nhìn vào mắt anh. – Nhưng em nghĩ anh đang phạm sai lầm. Wennerstrom sẽ không đổ vì chuyện đó đâu. Hắn vẫn tiếp tục phá Millennium. Chỗ khác duy nhất là từ hôm nay trở đi em sẽ đơn độc tay bo với hắn và anh biết là hiện ban biên tập đang cần đến anh hơn bao giờ hết. OK, em sẽ khai chiến chống lại Wennerstrom nhưng điều làm em nổi điên lên chính là việc anh đột nhiên rời bỏ đồng đội. Anh bỏ em đi giữa cơn nghiêng ngửa khi mọi sự đang tồi tệ nhất.

Blomkvist vươn tay sang vỗ vỗ tóc cô.

- Em không đơn độc. Em có Christer và anh em trong ban biên tập.

- Nhưng Janne Dahlman thì không. Nhân đây em nghĩ anh đã sai khi mướn anh ta. Anh ta có tài nhưng anh ta gây khó khăn hơn là làm lợi. Suốt mùa thu anh ta lượn quanh khoái trá nhìn vào các rắc rối của anh. Em không biết có phải anh ta hy vọng nhận lấy vai trò của anh hay chỉ là trò cá nhân kị nhau giữa anh ta và anh cũng như anh chị em còn lại của ban biên tập.

- Anh e là em đúng, - Blomkvist nói.

- Vậy em nên thế nào? Tống anh ta đi?

- Erika, em là Tổng biên tập và là cổ đông chính của Millennium mà. Cần thì em cứ tống anh ta đi.

- Chúng ta chưa sa thải ai, Mikael. Bây giờ anh cũng lại chụp cái quyết định ấy lên em. Sáng đến tòa soạn không còn có gì vui.

Lúc ấy Malm đứng lên làm cho hai người ngạc nhiên.

- Nếu anh bắt chuyến tàu ấy thì chúng ta phải đi thôi, - Berger bắt đầu phản đối nhưng anh giơ tay lên. – Khoan, Erika, cô hỏi tôi nghĩ thế nào. Được, tôi nghĩ đến nước này là tồi tệ lắm rồi. Nhưng sự tình mà như cách Blomkvist nói - rằng cậu ấy suýt vập tường – thì đúng anh ấy cần phải bỏ đi vì an toàn của cậu ấy thật. Chúng ta nợ cậu ấy nhiều.

Họ sửng sốt nhìn Malm còn anh thì ngượng nghịu nhìn Blomkvist.

- Cả hai người đều biết Millennium là của hai người. Tớ là một đối tác và các cậu luôn tử tế với tớ, mà tớ thì yêu tạp chí này, các cậu có thể dễ dàng thay tớ bằng một giám đốc mỹ thuật nào đó khác. Các cậu đã hỏi ý kiến tớ thì đây Erika, ý kiến của tớ đây. Liên quan đến Dahlman như hiện nay thì tớ tán thành với các cậu. Còn nếu cậu, Erika, muốn sa thải anh ta thì tớ làm hộ cho cậu. Chừng nào chúng ta có một lý do có thể tin được. Rõ ràng là Mikael bỏ đi ngay vào lúc này là cực kỳ không may nhưng tớ nghĩ chúng ta chả còn lựa chọn nào khác. Mikael, tớ lái xe cho cậu ra ga. Erika và tớ sẽ cố thủ pháo đài cho đến khi cậu trở lại.

- Điều mà tôi sợ là Mikael sẽ chẳng trở về. – Berger bình thản nói.

Armansky đánh thức Salander khi ông gọi cô vào khoảng 1 giờ 30 phút chiều.

- Chuyện gì vậy ông? – Cô nói, còn ngái ngủ. Miệng cô như có vị hắc ín.

- Mikael Blomkvist. Tôi vừa nói chuyện với thân chủ của chúng ta, luật sư Frode.

- Vậy ư?

- Ông ta gọi để nói là chúng ta có thể cho buông việc điều tra Wennerstrom.

- Buông? Nhưng chúng ta vừa mới bắt tay làm.

- Frode không còn thích thú nữa.

- Thật à?

- Ông ta là người quyết định mà.

- Chúng ta đã thỏa thuận về tiền công.

- Cô đã bỏ vào đó bao nhiêu thời gian?

Salander nghĩ.

- Tròn ba ngày.

- Chúng ta đã thỏa thuận giá trần là bốn chục nghìn curon. Tôi sẽ viết một hóa đơn mười nghìn; cô sẽ được một nửa, công ba ngày bỏ ra mà như thế là có thể nhận được. Ông ta sẽ phải trả vì ông ta là người khởi xướng lên tất cả câu chuyện.

- Những cái tôi thu nhặt được thì nên thế nào đây?

- Có cái gì quan trọng không?

- Không.

- Frode không đòi có báo cáo. Cứ cất vào giá sách, phòng trường hợp ông ta quay lại. Không thì có thể xé vụn nó đi. Tuần sau tôi có một việc mới cho cô.

Armansky đặt máy, Salander còn ngồi một lúc, điện thoại trong tay. Cô đi đến góc làm việc ở phòng khách, nhìn lên những ghi chú cô ghim lên tường và các tờ báo cô vất đống lên bàn làm việc. Phần lớn những cái cô thu lượm được là các cắt dán báo chí và bài báo tải từ Internet xuống. Cô cầm các tờ báo lên ném chúng vào trong một ngăn kéo bàn. Cô cau mày. Ứng xử lạ lùng của Blomkvist ở tòa đã cho ra một thách đố thú vị còn Salender thì không thích bỏ một công việc mà cô đã bắt đầu. Người ta ai cũng có bí mật. Chỉ là vấn đề để tìm xem chúng là gì mà thôi.

PHẦN 2

HẬU QUẢ
3 THÁNG GIÊNG - 17 THÁNG BA Bốn mươi sáu phần trăm phụ nữ ở Thuỵ Điển đã từng bị đàn ông bạo hành

Chương 8

Thứ sáu, 3 tháng Giêng
Chủ nhật, 5 tháng Giêng

Khi Blomkvist từ trên tàu đặt chân xuống Hedestad lần thứ hai, trời có màu xanh lơ của phấn màu và không khí băng giá. Nhiệt kế trên tường nhà ga chỉ 0 độ F. Đôi giầy anh đi không hợp với thời tiết này. Không giống như lần trước, ông Frode không đón với một chiếc xe ấm áp. Blomkvist chỉ bảo họ ngày anh đến mà không báo chuyến tàu nào. Anh ngỡ có xe buýt đi Hedeby nhưng anh không thích vật lộn với hai chiếc va li nặng trịch và cái ba lô nên anh băng qua quảng trường đến chỗ taxi đỗ.

Giữa Noel và dịp Năm Mới, tuyết rơi đầy suốt dọc bờ biển Norrland, nhìn những luống tuyết, đống tuyết bị xe xúc ủi có thể thấy các đội cầu đường ở Hedestad đã được huy động hết công suất. Người lái taxi, theo thẻ căn cước cài trên cửa xe, tên là Hussein, gật đầu khi Blomkvist hỏi có phải họ đã gặp phải thời tiết khắc nghiệt không. Giọng sặc Norrland, anh ta bảo rằng đây là trận bão tuyết tệ hại nhất trong nhiều chục năm qua, rồi anh ta tiếc là đã không đi Hy Lạp trong kỳ nghỉ Noel.

Blomkvist chỉ lối cho anh tài đến cái sân vườn mới xới của nhà Henrik Vangger, anh nhấc va li đặt lên lớp sỏi, nhìn theo chiếc taxi cho tới khi nó quay đầu về phía Hedestad. Chợt anh thấy cô đơn và thấp thỏm.

Anh nghe thấy tiếng cửa mở ở đằng sau anh. Vanger quấn kín trong một chiếc khăn quàng lông dầy cộp, ủng to đùng và mũ mỏ vịt che tai. Blomkvist thì quần jean và áo jacket da mỏng.

-Nếu vào thời kỳ này trong năm mà định sống ở đây thì anh phải biết ăn mặc cho ấm hơn. -Họ bắt tay nhau - Chắc chắn là anh không thích ở toà nhà này chứ? Phải không? Trước hết hãy để cho anh sắp xếp chỗ sinh hoạt tạm thời của cho anh.

Một trong những điều kiện trong thương lượng của anh với Vanger và Dirch Frode là anh có khu sinh hoạt riêng và đi đi về về tuỳ ý. Vanger dắt Blomkvist quay lại dọc con đường đi đến cây cầu rồi rẽ để mở cái cổng vào một sân vườn khác mới được cuốc xới ở đằng trước một căn nhà gỗ nhỏ gần với đầu cuối của cây cầu. Căn nhà không khoá. Họ bước vào một hành lang đơn sơ và Blomkvist thở dài nhẹ nhõm đặt hai va li xuống.

-Chúng tôi gọi đây là nhà khách. Chúng tôi thường vẫn để dành cho những người sẽ lưu lại trong một thời gian dài ở đây. Đây là nơi bố mẹ anh đã sống hồi 1963. Nó là một trong những ngôi nhà lâu đờì nhất trong làng này nhưng đã được hiện đại hoá. Tôi đã nhờ Nilsson, người quản gia đốt lò sáng nay.

Căn nhà gồm có một bếp lớn và hai phòng nhỏ hơn, tổng cộng chừng trăm bảy chục mét vuông. Gian bếp chiếm nửa không gian và khá hiện đại, với một lò điện và một tủ lạnh nhỏ. Dựa vào tường, đối lại với cửa ra vào là một lò gang cổ đã được đốt lửa từ sáng sớm hôm nay.

-Anh không cần đốt củi trong lò trừ khi nào quá rét. Kho củi ở trong hành lang còn lán để củi có thể tìm thấy ở sau nhà. Căn nhà đã được sửa mùa thu này. Các lò điện thông thường đều đủ chạy. Hãy cẩn thận đừng treo bất cứ quần áo nào trên lò ấy, kẻo có thể bốc cháy.

Blomkvist nhìn quanh. Các cửa sổ quay ra ba hướng khác nhau, từ bàn bếp anh có thể nhìn thấy cây cầu, cách xa chừng bảy tám chục mét. Đồ đạc trong bếp, gồm ba tủ li, vài chiếc ghế, một ghế dài cũ và một giá để báo. Trên cùng là tờ See từ 1967. Ở một góc là chiếc bàn nhỏ có thể dùng làm bàn giấy.

Hai cửa hẹp dẫn đến hai buồng nhỏ hơn. Một ở bên phải, gần với bức tường ở bên ngoài nhất, không hơn một chốn náu núp mấy tí với một bàn giấy, một ghế tựa và vài cái giá dọc tường. Buồng kia, ở giữa hành lang và một phòng làm việc nhỏ là một phòng ngủ bé với một chiếc giường đôi hẹp, có một cái bàn kê ở đầu giường và một tủ quần áo. Các bức tranh phong cảnh treo ở trên tường. Đồ đạc và giấy dán tường đều đã cũ và phai màu, nhưng gian phòng nói chung thơm, sạch. Ai đó đã cọ rửa sàn nhà bằng xà phòng. Buồng ngủ lại có một cửa khác ra hành lang, ở đấy một nhà kho đã được chuyển thành một buồng tắm có vòi hoa sen.

-Anh có thể bị rắc rối về nước nôi, - Vanger nói, - Chúng tôi đã kiểm tra nước sáng nay nhưng các ống dẫn đều chôn quá sâu nên nếu trời còn rét thì nước có thể bị đóng băng. Trong hành lang có một cái xô để nếu cần anh có thể lấy nước ở chỗ chúng tôi.

-Tôi cần một cái điện thoại. - Blomkvist nói.

-Tôi đã đặt mua một cái. Ngày kia họ sẽ đến lắp. Nào, anh nghĩ sao? Nếu anh đổi ý anh sẽ được hoan nghênh ở toà nhà chính bất cứ lúc nào.

-Thế thì sẽ rất là hay, - Blomkvist nói.

-Tuyệt vời. Trời còn sáng khoảng một tiếng nữa. Chúng ta có đi bộ một lát để anh có thể làm quen với ngôi làng không? Tôi có thể gợi ý anh đi bít tất dầy và bốt không? Anh có thể thấy chúng ở cửa ra vào. - Blomkvist theo lời gợi ý và quyết định ngày mai anh sẽ đi mua quần áo lót dài và một đôi giầy mùa đông tử tế.

Ông già mở đầu cuộc đi bằng giới thiệu rằng hàng xóm bên kia đường của Blomkvist là Gunnar Nilsson, người giúp việc mà Vanger gọi là "quản gia". Nhưng Blomkvist sớm nhận ra không chỉ thế, ông ta còn là người quản lý đối với tất cả các toà nhà ở đảo Hedeby và ông ta cũng chịu trách nhiệm đối với nhiều toà nhà ở Hedestad.

-Bố ông ta là Magnus Nilsson, những năm 60 ông ấy là quản gia cho tôi, một trong những người từng giúp giải quyết tai nạn trên cầu. Magnus về hưu và đến sống ở đây. Gunnar sống với vợ tên là Helena. Các con của họ đã đi khỏi đây cả.

Vanger ngừng lại một lát để sắp xếp các điều ông sắp nói:

-Mikael, tôi giải thích chính thức việc anh có mặt ở đây là để giúp tôi viết tự truyện. Như thế sẽ cho anh có cớ dò quanh vào trong những góc tối tăm và đặt các câu hỏi. Còn cái việc đích thực mà tôi nhờ anh thì giữ ngặt ở giữa anh, tôi và Dirch Frode.

-Tôi hiểu. Và tôi nhắc lại điều tôi đã nói trước đây: tôi không nghĩ là sẽ tìm ra được bí mật này.

-Chỉ cần anh cố hết sức. Nhưng chúng ta cần cẩn thận khi nói trước bất kỳ ai. Gunnar sáu mươi sáu, nghĩa là khi Harriet mất tích thì ông ta mười chín. Có một câu hỏi mà tôi không trả lời được bao giờ - Harriet và Gunnar là bạn tốt và tôi nghĩ đã có đôi chút lãng mạn gì đó giữa hai người. Gì thì gì anh ta cũng để mắt đến con bé. Nhưng cái ngày con bé mất tích, anh ta ở Hedestad; anh ta là một trong những người mắc kẹt bên đất liền. Vì quan hệ của hai người, anh ta đã bị theo dõi ngặt. Khá là không thú vị chút nào cho anh ta. Cả ngày anh ta ở với mấy người bạn và chỉ tối đến anh ta mới quay về đây. Cảnh sát kiểm tra và xác định anh ta có bằng chứng ngoại phạm.

-Tôi cho là ông có một danh sách của mọi người trên đảo và những việc họ làm hôm ấy.

-Đúng. Chúng ta tiếp tục chứ?

Họ dừng ở ngã tư trên đồi và Vanger chỉ xuống bến cá cũ nay là bến tàu.

-Tất cả đất đai trên đảo Hedeby là gia đình Vanger sở hữu - hay để cho chính xác hơn thì tôi quản lý. Trừ đất trang trại ở Ostergarden và một ít nhà ở trong làng đây. Các ngôi lều ở dưới bến cá kia là sở hữu tư nhân nhưng là những nhà nghỉ mùa hè, vào mùa đông phần lớn chúng trống không. Trừ cái nhà xa nhất ở đằng kia - anh có thể thấy khói bay từ ống khói ra.

Blomkvist trông thấy khói bốc lên. Anh lạnh buốt thấu xương.

-Đó là một nơi tồi tàn, gió lùa thảm hại quanh năm. Eugen Norman sống ở đó. Ông ta đã gần tám chục và là hoạ sĩ vẽ đủ thứ. Tôi nghĩ tác phẩm của ông ta là những trò hào nhoáng nhưng ông ta cũng được tiếng là hoạ sĩ phong cảnh. Anh có thể gọi ông ta là dị nhân bất đắc dĩ ở trong làng.

Vanger dắt Blomkvist đến tận nơi, nhận dạng lần lượt từng ngôi nhà. Ngôi làng có sáu toà nhà to ở về phía tây của con đường và bốn nhà ở phía đông. Nhà đầu tiên, gần hơn cả với nhà khách của Blomkvist và cơ ngơi của Vanger, thuộc về Harald, anh của Henrik Vanger. Nó hình chữ nhật, hai tầng bằng đá, thoạt nhìn thấy ngay là không có người ở. Rèm rủ, con đường đến cửa chính không được quét dọn; tuyết phủ dầy đến mười lăm, hai mươi centimét. Nhìn kỹ thêm họ có thể thấy các vết chân của một ai đó sục vào tuyết từ ngoài đường lên đến cửa.

-Harald là một người ở ẩn. Hai anh em tôi không bao giờ nhìn vào mắt nhau. Ngoài các bất đồng về làm ăn không kể - Harald là một cổ đông - trong gần 60 năm qua chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau. Năm nay ông anh tôi chín hai, người duy nhất còn sống trong bốn ông anh của tôi. Tôi sẽ nói với anh các chi tiết sau nhưng anh ấy đã được học để làm bác sĩ, phần lớn thời gian anh tôi làm việc ở Uppsala. Từ bảy mươi tuổi anh ấy quay về Hedeby.

-Là hàng xóm của nhau mà các ông không quan tâm đến nhau.

-Tôi thấy anh ấy đáng ghét, thà anh ấy ở Uppsala lại hay nhưng anh ấy sở hữu ngôi nhà này. Tôi nói nghe có giống một người mang tâm địa độc ác không?

- Ông nói nghe như không yêu anh của mình lắm.

- Tôi đã bỏ hai mươi lăm năm đầu của đời tôi để xin lỗi cho những người như Harald vì chúng tôi cùng chung một gia đình. Rồi tôi phát hiện thấy dính dấp họ hàng không phải là bảo đảm của tình yêu và tôi thì có ít lý do để bảo vệ Harald.

Ngôi nhà kế theo của Isabella, mẹ của Harriet Vanger.

- Năm nay Isabella bảy lăm nhưng vẫn điệu đàng và vô dụng như muôn thuở là vậy. Isabella cũng là người duy nhất trong làng này trò chuyện với Harald và thỉnh thoảng thăm ông anh tôi nhưng họ chả giống nhau gì mấy.

- Quan hệ của bà ấy với Harriet ra sao?

-Câu hỏi hay đấy. Phụ nữ là cần đưa vào đám nghi can. Tôi đã bảo anh là Isabella vất con cái cho chúng tự xoay xở lấy rồi mà. Tôi không dám chắc nhưng tôi nghĩ lòng dạ bà ấy cũng tử tế, có điều là Isabella không thể gánh trách nhiệm. Hai mẹ con không bao giờ thân nhau nhưng cũng không phải là kẻ thù của nhau. Isabella có thể rắn nhưng đôi khi bà ấy không ở đấy hẳn. Anh sẽ hiểu ý tôi khi anh gặp Isabella.

Hàng xóm của Isabella là Cecilia Vanger, con gái của Harald.

-Cecilia này từng kết hôn và sống ở Hedestad nhưng hai chục năm trước hai vợ chồng đã li thân. Có ngôi nhà, tôi để cho cháu dọn đến. Nó là cô giáo, thẳng thừng đối chọi lại bố nó ở nhiều mặt. Hai bố con nhà này chỉ nói với nhau khi cần thiết.

-Chị ấy bao nhiêu tuổi?

-Sinh năm 1946. Vậy là hai mươi khi Harriet mất tích. Ừ đúng, con bé là một trong những khách khứa trên đảo ngày hôm ấy. Nom có vẻ lơ ma lơ mơ nhưng Cecilia là tinh khôn hơn phần lớn. Chớ đánh giá thấp nó. Nếu có ai lùng ra được anh đến đây để làm gì thì nó là một trong số họ đấy. Tôi cần nói thêm là trong họ hàng, tôi trọng nó nhất.

-Như thế có nghĩa là ông không nghi chị ấy?

-Tôi không nói thế. Tôi muốn anh suy nghĩ vấn đề mà không bị một cưỡng ép nào, bất chấp tôi nghĩ hay tôi tin ra sao.

Ngôi nhà gần với Cecilia nhất cũng là Henrik Vanger sở hữu nhưng một đôi vợ chồng già trước đây có chân trong kíp điều hành các công ty Vanger hiện đang thuê ở. Họ chuyển đến đảo Hedeby vào những năm 80 nên không liên quan đến việc Harriet mất tích. Nhà tiếp theo nữa là thuộc sở hữu của Birger Vanger, anh trai Cecilia. Ngôi nhà để không nhiều năm từ ngày Birger dọn đến một ngôi nhà hiện đại ở Hedestad.

Phần lớn các ngôi nhà dọc đường là những cấu trúc bằng đá vững chắc làm từ đầu thế kỷ hai mươi. Ngôi nhà cuối cùng là một kiểu khác, một ngôi nhà hiện đại do kiến trúc sư thiết kế, gạch trắng với các khung cửa sổ màu đen. Nó ở một địa thế hẹp, từ trên tầng thượng, Blomkvist có thể thấy nó nhìn ra với biển ở phía đông và Hedestad ở phía tây, một cảnh quan tuyệt vời.

-Martin - anh của Harriet và CEO của tập đoàn Vanger - sống ở đây. Đây từng là nhà của một mục sư, nhưng những năm 70 có một trận hoả hoạn, nên nó đã bị phá huỷ, năm 1978, khi làm CEO của công ty, Martin đã xây ngôi nhà này.

Gerda Vanger, vợ goá của Greger, anh của Henrik, và con trai Alexander sống ở ngôi nhà cuối cùng về phía đông của con đường.

-Gerda hay đau ốm. Chị ấy bị thấp khớp. Alexander sở hữu một phần nhỏ của Tập đoàn Vanger nhưng nó trông nom một số doanh nghiệp của riêng nó gồm có các nhà ăn. Alexander thường mỗi năm lại đến Barbados ở vài ba tháng, nó đã đầu tư một khoản tiền lớn vào du lịch.

Ở giữa nhà của Gerda và Henrik là một tràn đất với hai toà nhà nhỏ hơn, để không. Chúng thường được dùng làm nhà khách cho mọi người trong gia đình. Ở phía bên kia của nhà Henrik là một cơ ngơi tư nhân, một nhân viên làm thuê về hưu khác sống với vợ ở đó, nhưng vào mùa đông khi hai vợ chồng này tới Tây Ban Nha, nó để không.

Hai người quay về ngã tư và đến đây chấm hết chuyến đi dạo. Hoàng hôn bắt đầu buông. Blomkvist chủ động nói.

- Henrik, tôi sẽ làm cái việc mà tôi được mướn để làm. Tôi sẽ viết tự truyện của ông và tôi sẽ làm cho ông vui bằng việc đọc cẩn thận, đọc có phê phán tất cả các tài liệu về Harriet. Tôi chỉ mong ông hiểu cho rằng tôi không phải là một thám tử tư.

- Tôi chả mong đợi gì.

- Tốt.

- Tôi là một con cú đêm. - Vanger nói. - Sau bữa trưa tôi sẵn sàng "phục vụ" anh. Tôi sẽ thu xếp cho anh một văn phòng ở bên kia để cho anh có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào mà anh thích.

- Không, cảm ơn. Tôi đã có chỗ làm việc ở nhà khách rồi, tôi sẽ làm công việc của tôi ở đấy.

- Tuỳ anh vậy.

- Nếu tôi cần chuyện trò với ông thì chúng ta sẽ làm việc đó ở văn phòng của ông nhưng đêm nay tôi chưa quăng các câu hỏi vào ông vội đâu.

- Tôi hiểu. - Ông già nom hình như có vẻ e dè.

- Đọc cho hết giấy tờ cũng phải mất một hai tuần. Chúng ta sẽ làm việc trên hai mặt trận. Hàng ngày chúng ta sẽ gặp nhau một ít giờ để tôi có thể hỏi ông và thu thập tư liệu để viết tự truyện của ông. Khi tôi bắt đầu có các câu hỏi về Harriet mà tôi cần thảo luận với ông, tôi sẽ xin báo ông biết.

- Nghe lọt đấy.

- Tôi sẽ cần rảnh tay để làm việc và tôi sẽ không đặt ra lịch liếc gì cả.

- Việc nên thế nào là tự anh quyết định.

- Tôi cho là ông đã biết tôi sẽ phải ngồi tù hai ba tháng. Tôi không biết chính xác là khi nào nhưng chắc chắn tôi sẽ không kháng án. Chắc sẽ là một lúc nào đó trong năm nay thôi.

Vanger nhăn mặt.

-Thật không may. Khi nào chuyện này đến, chúng ta sẽ phải giải quyết. Anh có thể xin hoãn hạn cơ mà.

-Nếu được phép và tôi có đủ tư liệu, tôi sẽ viết quyển sách của ông ở trong tù. Một điều nữa: tôi vẫn là chủ đồng sở hữu của tờ Millennium và hiện nó là một tạp chí đang gặp hạn. Nếu có chuyện gì đó xảy ra mà cần tôi ở Stockholm, tôi sẽ phải vất đi cái việc tôi đang làm để đến đó.

- Tôi không muốn anh làm cu ly. Tôi muốn anh làm chu đáo cái nhiệm vụ tôi giao cho anh nhưng dĩ nhiên anh có thể lập ra kế hoạch của anh và làm việc như anh thấy là thích hợp. Nếu cần nghỉ một thời gian, anh cứ tự do nghỉ nhưng nếu tôi phát hiện anh không làm việc thì tôi sẽ coi đó là phá vỡ hợp đồng.

Vanger nhìn sang bên kia cây cầu. Trông ông gầy còm và Blomkvist nghĩ lúc này ông giống như con bù nhìn u hoài.

- Còn liên quan đến Millennium thì chúng ta nên bàn xem cái khó khăn mà nó đang trải qua kia là thuộc loại gì và liệu tôi có thể giúp được như thế nào đó không.

- Cái ông giúp tôi tốt nhất là cho tôi cái đầu của Wennerstrom để sẵn ở trên đĩa ngay vào lúc này và ngay ở đây.

- Ồ không, tôi không nghĩ làm chuyện đó bây giờ. - Ông già nghiêm nghị nhìn Blomkvist - Lý do duy nhất để anh nhận việc này là vì tôi hứa "xì" Wennerstrom ra. Nếu tôi cho anh thông tin bây giờ thì anh sẽ có thể ngừng việc bất cứ lúc nào anh thích. Tôi sẽ cho anh thông tin này sau một năm.

- Henrik, tôi xin lỗi đã nói như thế nhưng tôi không chắc một năm nữa ông vẫn còn sống.

Vanger thở dài, tư lự nhìn sang đằng cảng cá.

- Thôi được. Tôi sẽ nói với Frode để xem chúng tôi có thể xoay ra được một cái gì không. Nhưng hễ còn liên quan đến Millennium, tôi đều có thể giúp bằng một cách nào đấy. Như tôi hiểu thì các khách hàng đăng quảng cáo đang rút dần.

- Đây là vấn đề tức thời nhưng cuộc khủng hoảng đang diễn ra còn sâu sắc hơn thế nữa. Nó là vấn đề uy tín. Chúng tôi có bao nhiêu đối tác đăng quảng cáo, với chúng tôi cái ấy không quan trọng bằng không có ai mua tạp chí.

-Tôi hiểu điều đó. Tôi đang còn ở trong ban giám đốc của một tập đoàn khá lớn, tuy vai trò có bị động. Chúng tôi cần đăng quảng cáo ở đâu đó. Để chúng tôi bàn vấn đề này ở một cấp nào đó xem. Anh có muốn ăn tối...

- Không, tôi muốn sắp xếp ổn định, mua một ít đồ lặt vặt và ngó quanh. Ngày mai tôi sẽ đi Hedestad mua quần áo rét.

- Ý hay đấy.

- Tôi muốn các hồ sơ về Harriet được chuyển đến chỗ tôi.

- Chúng cần phải được giữ...

- Hết sức cẩn thận, tôi hiểu.

Blomkvist quay về nhà khách. Lúc vào nhà, răng anh va lập cập. Nhiệt kế bên ngoài cửa sổ chỉ 5 độ F, sau cuộc đi bộ kéo dài chỉ có ba mươi phút vừa rồi, anh không thể nhớ ra là đã từng có phen nào bị lạnh như thế này.

Anh bỏ một giờ thu xếp cho mình ở trong cái mà năm tới đây sẽ là ngôi nhà của anh. Anh xếp quần áo vào tủ quần áo ở trong buồng ngủ rồi đến buồng tắm. Chiếc va li thứ hai của anh thật sự là một cái hòm có bánh xe. Anh lấy ở đó ra nào là sách, đĩa CD, máy nghe nhạc, sổ tay, máy ghi âm Sanyo, một máy quét hình Microtek, một máy in phun mực, một máy ảnh số Minolta và một số thứ khác anh coi là đồ lề cần thiết cho một năm "lưu vong".

Anh đặt sách và đĩa CD lên trên giá ở trong phòng làm việc cùng với hai cặp bìa đựng tài liệu nghiên cứu về Hans-Erik Wennerstrom. Tài liệu này vô dụng nhưng anh không thể buông nó. Muốn thế nào thì vì sự nghiệp còn đang tiếp tục của anh, anh cũng phải cho hai tập hồ sơ ấy quay vào các toà cao ốc.

Cuối cùng anh mở cái ba lô ra, lấy iBook để lên bàn làm việc. Rồi anh dừng lại bối rối nhìn quanh. Những cái lợi của việc sống ở đồng quê đây. Không có chỗ cắm cáp băng thông rộng. Không có cả giắc điện thoại để nối mạng qua một modem dial-up đã cũ.

Blomkvist gọi công ty điện thoại Telia bằng điện thoại di động. Sau ít tiếng lọc sọc ọ ẹ anh đã gọi được một ai đó để tìm lệnh mua sắm đồ đạc mà Vanger đã đặt cho nhà khách. Anh muốn biết là đã kết nối được băng thông rộng ADSL chưa, người ta bảo anh có thể kết nối bằng một rơ le ở Hedeby và như vậy thì sẽ mất vài ba ngày.

Lúc Blomkvist xong mọi thứ thì đã 4 giờ. Anh xỏ chân vào đôi tất dầy, một đôi bốt mượn và chui đầu vào cái áo ấm ngoại cỡ. Anh đứng sững lại ở cửa ra vào: anh không có chìa khoá của nhà này, và cái thói quen của người thành thị ở anh, bèn nổi loạn với cái ý cứ để cửa không khoá. Anh lại vào trong bếp mở các ngăn kéo. Cuối cùng anh tìm được một chiếc chìa treo ở một cái đinh trong tủ bát đĩa.

Nhiệt độ đã tụt xuống âm 1 độ F. Anh rảo chân qua cầu và đi lên đồi qua trước nhà thờ. Cửa hàng Khôngnsum ở chỗ tiện đường đi cách đó khoảng hơn hai mươi mét. Anh nhét đầy căng hai túi giấy các thứ cần dùng rồi mang về nhà trước khi quay lại qua cầu lần nữa. Lần này anh dừng lại ở quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne. Người phụ nữ đứng sau quầy chừng năm chục tuổi. Anh hỏi có phải chị ta là Susanne không rồi tự giới thiệu, nói chắc chắn mình sẽ là khách hàng đều đặn. Lúc này anh là khách hàng duy nhất, Susanne đem cho anh cà phê khi anh gọi bánh kẹp thịt và mua ổ bánh mì. Anh lấy một tờ Hedestad Courier ở trên giá báo, ngồi xuống bàn, trước mặt là cảnh cây cầu và nhà thờ mà giờ mặt tiền đã được thắp sáng. Trông nó như một bưu ảnh Noel. Anh đọc tờ báo mất bốn phút. Tin lý thú duy nhất là cái mẩu ngắn ngủn giải thích việc một nhà chính trị sở tại với tên Birger Vanger (đảng Tự do) sắp đầu tư vào "IT TechCent" - một trung tâm phát triển công nghệ ở Hedestad. Blomkvist ngồi đó cho tới khi quán cà phê đóng cửa lúc 6 giờ.

7 giờ 30 phút, anh gọi Berger nhưng được bảo rằng người ở số này không gọi được. Anh ngồi lên chiếc ghế dài trong bếp, cố đọc một cuốn tiểu thuyết mà, theo như lời lẽ ở bìa sau thì là về sự khởi đầu đầy li kì của một thiếu nữ hoạt động bảo vệ nữ quyền. Cuốn tiểu thuyết đại khái nói về việc tác giả mưu tính làm chủ đời sống tình dục của bản thân trong chuyến đi đến Paris, Blomkvist thầm nghĩ nếu anh viết một cuốn tiểu thuyết về đời sống tình dục của anh bằng cái giọng của một sinh viên cao đẳng thì liệu anh có được gọi là nhà bảo vệ nữ quyền không. Chắc không. Anh mua cuốn này vì nhà xuất bản đã tâng bốc tiểu thuyết gia đầu tay này là "một Carina Rydberg 1 mới". Anh mau chóng xác nhận trường hợp đây không phải là thế, cả về văn phong lẫn nội dung. Anh bỏ quyển sách một lúc, thay vào đó đọc một truyện của Hopalong Cassidy ở trong một số Rekhôngrdmagazinet từ giữa những năm 50.

Cứ nửa giờ đồng hồ một, anh lại nghe thấy tiếng rền ngắn ngủn, nghèn nghẹn của chuông nhà thờ. Trông thấy ánh sáng bên trong cửa sổ nhà người quản gia bên kia đường nhưng Blomkvist không nhìn thấy ai ở trong nhà. Nhà Harald tối. Khoảng 9 giờ một chiếc xe chạy qua cầu và biến mất ở đầu làng. Vào nửa đêm, ánh sáng ở mặt tiền nhà thờ tắt. Đây rõ ràng là sự trọn vẹn của việc tiêu khiển vào một tối thứ Sáu đầu tháng Giêng tại Hedeby. Nó yên ắng lạ lùng.

Anh lại thử gọi Berger, nhận được lời nhắn hãy để lại tên và thông tin. Anh làm theo rồi tắt đèn và lên giường. Điều cuối cùng anh nghĩ trước khi ngủ thiếp đi là anh sắp đứng trước một nguy cơ cao phát điên hoá rồ vì bị cầm cố ở Hedeby.

Lạ lùng khi tỉnh giấc trong im lặng tuyệt đối. Trong một phần giây, đang ngủ say, Blomkvist chuyển sang tỉnh táo ngay lập tức và anh vẫn nằm yên nghe ngóng. Gian buồng lạnh. Anh quay đầu nhìn vào chiếc đồng hồ tay anh để ở trên một cái ghế bên đầu giường. 7 giờ 8 phút - anh không bao giờ là người dậy sớm lắm, với anh đã thành thói quen khi tỉnh dậy nếu không có ít nhất hai chiếc đồng hồ báo thức. Hôm nay anh hoàn toàn tự thức dậy và anh cảm thấy được nghỉ ngơi.

Anh lấy một ít nước để pha cà phê rồi đứng dưới vòi hoa sen. Anh thình lình thấy vui vui với tình cảnh của mình. Kalle Blomkvist - trên một chuyến đi tìm kiếm vào tận đằng sau chốn đèo heo hút gió.

Chỉ khẽ đụng vào, vòi hoa sen đã chuyển từ nóng bỏng sang lạnh buốt. Không có báo buổi sáng trên bàn bếp. Bơ đông cứng. Không có dao cắt pho mát trong ngăn kéo đồ dùng bếp núc. Bên ngoài vẫn tối như mực. Hàn thử biểu thị âm 6 độ. Hôm nay thứ Bảy.

Bến xe buýt đi Hedestad ở trên đường từ cửa hàng Khôngnsum và Blomkvist bắt đầu cuộc lưu đày bằng việc mang theo kế hoạch mua sắm trong thị trấn. Anh xuống xe ở cạnh ga tàu, làm một vòng đi quanh thị trấn. Trên đường, anh mua đôi bốt mùa đông dầy nặng, hai bộ quần áo lót dài, vài chiếc sơ mi flanen, một cái jacket mùa đông dài đến ngang đùi, một mũ mỏ vịt ấm và găng tay có lót. Ở cửa hàng điện tử, anh tìm được một tivi xách tay với đôi tai thỏ. Nhân viên bán hàng đảm bảo với anh rằng ở ngoài Hedeby anh có thể bắt được ít nhất là SVT, kênh truyền hình Nhà nước, và Blomkvist giao hẹn sẽ đòi lại tiền nếu sự thật không như anh ta nói.

Anh vào thư viện để xin một cái thẻ và mượn hai cuốn truyện hình sự của Elizabeth George. Anh mua sổ tay, bút. Anh cũng mua một cái ba lô để đựng những thứ đồ vừa mua.

Cuối cùng anh mua một hộp thuốc lá. Anh đã thôi hút mười năm trước, nhưng thỉnh thoảng anh cũng hút lại. Anh nhét hộp thuốc lá vào đáy túi, không bóc ra. Chỗ dừng sau đó là cửa hàng kính, anh mua hai mắt kính áp tròng và đặt những mắt kính mới.

2 giờ anh quay về Hedeby, anh vừa tháo mác giá tiền ra khỏi mấy cái quần áo thì anh nghe thấy tiếng cửa chính mở. Một phụ nữ tóc vàng - có lẽ chừng năm chục tuổi - gõ vào cửa bếp đang mở khi bước qua ngưỡng cửa. Bà ta mang tới đĩa bánh gatô.

- Chào anh, tôi chỉ muốn đến để tự giới thiệu. Tôi là Helena Nilsson, tôi ở bên kia đường. Tôi nghe nói chúng ta là hàng xóm của nhau.

Họ bắt tay và Blomkvist tự giới thiệu.

-Ồ vâng, tôi đã thấy ông trên tivi. Tối đến thấy có ánh đèn ở đây thật là hay.

Blomkvist mời cà phê. Mới đầu bà ta từ chối nhưng rồi cũng ngồi xuống bên chiếc bàn bếp, liếc vội một cái ra ngoài cửa sổ.

-Henrik và chồng tôi đang đến kìa. Trông như có vài cái hộp cho ông.

Henrik và Gunnar Nilsson đỗ ở bên ngoài với một xe kéo chở hàng, Blomkvisst nhào vội ra chào đón họ và giúp mang bốn cái sọt đựng đồ vào trong. Họ để những cái hộp xuống sàn ở gần bếp lò, Blomkvist lấy tách cà phê ra và cắt bánh của bà Nilsson.

Vợ chồng Nilsson là những người vui tính. Họ hình như không tò mò tại sao Blomkvist lại ở Hedestad đây - việc anh làm cho Henrik Vanger rõ ràng đã đủ giải thích. Blomkvist quan sát quan hệ qua lại giữa nhà Nilsson và Vanger, đó là một mối quan hệ thoải mái và không có cái hố ngăn cách giữa chủ nhân với đầy tớ. Họ nói về cái làng, về người đã xây cất ngôi nhà khách mà Blomkvist hiện đang ở. Vợ chồng Nilsson sẽ nhắc Vanger mỗi khi ông quên. Về phía mình, Vanger kể câu chuyện vui về một đêm Nilsson đến nhà đã phát hiện một thằng rồ trong làng ở bên kia cầu đang cố đập vỡ một cái cửa sổ của nhà khách. Nilsson hỏi tay dở người tại sao không vào bằng cửa chính không khoá. Nilsson ngờ vực kiểm tra chiếc tivi nhỏ của Blomkvist, mời anh qua nhà mình nếu có một chương trình tivi anh muốn xem.

Vanger ngồi lại một lát sau khi vợ chồng Nilsson đi. Ông nghĩ tốt nhất là Blomkvist tự tay sắp xếp các hồ sơ và anh có thể đến nhà nếu anh có vấn đề gì.

Khi còn lại chỉ có một mình, Blomkvist mang những cái hộp vào trong phòng làm việc và làm một cuộc kiểm kê nội dung của chúng.

Vanger tiếp tục điều tra việc đứa cháu gái mất tích đã ba mươi sáu năm. Blomkvist nghĩ đây là một ám ảnh không lành mạnh hay theo với thời gian nó đã hoá ra một trò chơi trí tuệ. Điều rõ ràng là vị trưởng lão này đã xử lý công việc đó với cách tiếp cận có hệ thống của một nhà khảo cổ học nghiệp dư - tài liệu xếp đầy cả sáu bảy mét giá sách.

Phần lớn nhất của nó gồm hai mươi sáu cặp hồ sơ là các bản sao về điều tra của cảnh sát. Khó tin được rằng trường hợp một người mất tích bình thường mà lại có những tài liệu toàn diện đến thế. Rõ ràng là Vanger đã có đủ phép để khiến cho cảnh sát Hedestad lần theo các đầu mối đáng tin lẫn không đáng tin.

Rồi có những cuốn cắt dán tư liệu, các album ảnh, bản đồ, bài viết về Hedestad và doanh nghiệp Vanger, nhật ký của Harriet( tuy không nhiều trang), các sách học của cô, các giấy chứng nhận y tế. Có mười sáu tập giấy khổ A4, mỗi tập một trăm trang hay hơn, vốn là sổ sách về lộ trình điều tra của Vanger. Trong các sổ sách này, ông đã tự viết tay rất đẹp các suy diễn, lý thuyết, các lạc đề của ông. Blomkvist lần giở chúng. Ông già viết rất mạch lạc và anh cảm thấy các bản viết này đã sao chép lại trung thành các sổ tay mà nội dung có lẽ còn nhiều hơn thế. Có mười cặp hồ sơ đựng tài liệu về các thành viên của gia đình Vanger; những trang này được đánh máy và tích lại theo năm tháng từng diễn ra các cuộc điều tra của Vanger về chính gia đình của ông.

Khoảng 7 giờ anh nghe tiếng meo meo ở cửa chính. Một con mèo nâu hung hung đỏ len nhanh qua anh vào trong buồng tắm.

-Con mèo này khôn, - anh nói.

Con mèo đánh hơi một lúc quanh ngôi nhà khách. Mikael đổ sữa vào một cái đĩa. Vị khách của anh liếm sạch sẽ ngay. Rồi con mèo nhảy lên chiếc ghế dài trong bếp, cuộn tròn người lại. Và ở lại đấy.

Blomkvist chưa kịp có được ở trong đầu một cái nhìn bao quát và rõ ràng về đống tài liệu và sắp xếp chúng lên trên các ngăn giá thì đã quá 10 giờ. Anh pha một bình cà phê và làm hai chiếc bánh kẹp thịt. Cả ngày anh chưa ăn bữa nào ra hồn nhưng lạ là anh lại không để tâm đến chuyện ăn uống. Anh cho con mèo một miếng lạp xường và vài miếng xúc xích gan. Uống cà phê xong, anh lấy thuốc lá trong túi jacket ra và mở hộp.

Anh xem điện thoại di động. Berger không gọi. Anh thử một lần nữa, lại chỉ có lời dặn nhắn lại tin.

Một trong những bước Blomkvist phải làm trước tiên là ra xem tấm bản đồ đảo Hedeby mượn của Vanger. Trong khi những cái tên còn tươi mới ở trong đầu, anh ghi vào sổ nhà của từng người. Gia tộc Vanger là một bảng phân vai rộng lớn như thế, anh phải mất rất nhiều thời gian mới biết được từng người.

Ngay trước nửa đêm anh mặc quần áo ấm, giầy mới, đi bộ qua cầu. Anh quẹo khỏi đường và men dọc theo eo biển bên dưới nhà thờ. Băng đã đóng ở eo biển và trong cảng cũ nhưng ngoài xa giữa trời anh vẫn có thể trông thấy một dải nước tối màu hơn. Lúc anh dừng lại, ánh sáng ở mặt tiền nhà thờ biến mất, xung quanh anh hoàn toàn tối đen. Buốt giá và sao đầy trời.

Chợt Blomkvist cảm thấy nản. Anh không thể hiểu tại sao vì cuộc sống của mình mà anh lại chịu cho Vanger xui khiến để nhận lấy công việc này. Berger đúng, anh nên ở Stockholm - chẳng hạn cùng ở trên giường với cô - và đặt kế hoạch chống lại Wennerstrom. Nhưng anh cũng thấy vô cảm với chuyện đó và thậm chí cũng chả có lấy được một chút ý mờ nhạt nào về chuyện mở đầu một chiến lược phản đòn.

Nếu là ban ngày ban mặt, anh sẽ đi thẳng tới nhà Vanger, huỷ bản hợp đồng, rồi về nhà. Nhưng từ chỗ đất nhô ở cạnh nhà thờ, anh có thể phân biệt tất cả các ngôi nhà ở phía đảo. Nhà Harald tối, nhưng có ánh đèn trong nhà Cecilia cũng như ở biệt thự của Martin bên ngoài mũi đất đầu làng và trong ngôi nhà cho thuê. Trong cảng cho tàu nhỏ đậu, có ánh sáng trong gian cabin trống gió của người họa sĩ, còn ở trong ống khói tàu ông ta thì có những đám tia lửa nho nhỏ bốc lên. Có cả ánh sáng ở tầng thượng của quán cà phê và Blomkvist nghĩ liệu Susanne có sống ở đó không, nếu có thì liệu có một thân một mình không.

Sáng Chủ nhật, anh hoảng hốt thức dậy vì nhà khách đầy những tiếng ầm ĩ không thể tin nổi. Anh mặc vội quần áo và nhận ra đó là các chuông của nhà thờ đang thỉnh gọi con chiên làm lễ buổi sáng. Anh nằm ở trên giường cho đến khi thấy tiếng meo khẩn cấp ở lối ra cửa thì đứng dậy để cho con mèo ra ngoài.

Buổi trưa anh tắm vòi sen và ăn điểm tâm. Anh cả quyết đi vào buồng làm việc, lấy cặp hồ sơ thứ nhất của cuộc điều tra của cảnh sát. Rồi anh ngập ngừng. Ở cửa sổ đầu hồi, anh có thể trông thấy quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne. Anh nhét cặp hồ sơ vào balô rồi mặc quần áo để ngoài nhà. Ở quán cà phê, anh thấy đầy khách và chính ở đấy anh đã có câu trả lời cho một câu hỏi từng nằm ở trong đầu anh: ở một nơi heo hút xa xôi như Hedeby thì một quán cà phê làm sao mà lại có thể sống được? Susanne chuyên phục vụ những người đi lễ nhà thờ và có thể làm cà phê, bánh ngọt cho các tang lễ và các công việc khác.

Anh không vào mà đi bộ tiếp. Chủ nhật cửa hàng Khôngnsum đóng cửa, anh đi vài trăm mét đến Hedestad, mua mấy tờ báo ở một trạm xăng. Anh đi bộ một giờ quanh Hedeby, làm quen với cái thị trấn ở đằng trước cây cầu. Khu vực gần nhà thờ nhất và ở quá Khôngnsum là trung tâm, với các toà nhà cổ hơn - hai kiến trúc bằng đá có gác mà Blomkvist đồ chừng xây từ những năm 1910 hay 1920 làm nên một phố chính ngăn ngắn. Mạn bắc con đường vào thị trấn là những toà nhà chung cư được bảo quản tốt cho các gia đình có trẻ nhỏ. Dọc biển và đến phía nam nhà thờ phần lớn là những ngôi nhà của các gia đình chưa có con. Hedeby xem vẻ là một khu vực tương đối thú vị cho những người ra quyết định và viên chức dân sự sống.

Khi anh trở lại cây cầu, cuộc tiến công vào quán cà phê đã dịu đi nhưng Susanne vẫn đang dọn dẹp tách đĩa ở các bàn.

- Giờ cao điểm Chủ nhật? - Anh nói thay chào.

Chị gật đầu, gài một lọn tóc vào sau tai.

- Chào, Mikael.

- Thế ra chị nhớ tên tôi.

- Khó quên đấy. - chị nói. - Tôi theo dõi vụ xử anh ở trên tivi.

- Họ đã phải nhồi một cái gì đó vào các tin tức. - anh lầm bầm rồi dạt đến một bàn cà phê ở trong góc để có thể nhìn thấy cầu. Khi anh bắt gặp mắt Susanne, chị mỉm cười.

3 giờ, Susanne nói chị đóng cửa quán. Sau giờ cao điểm đi nhà thờ, chỉ có một ít khách đến rồi đi. Blomkvist đã đọc được hơn một phần năm cặp hồ sơ thứ nhất về điều tra của cảnh sát. Anh nhét sổ tay vào balô, đi bộ gấp qua cầu về nhà.

Con mèo chờ ở cửa. Anh nhìn quanh nghĩ xem con mèo của ai. Dẫu sao cứ cho nó vào nhà, ít ra con mèo cũng là một thứ bầu bạn nào đó.

Anh lại uổng công gọi Berger. Rõ ràng cô vẫn còn điên tiết với anh. Anh có thể gọi cô bằng trực tuyến ở văn phòng toà soạn hay số của nhà cô nhưng anh đã lưu lại kha khá tin nhắn mất rồi. Thay vào gọi, anh pha cà phê, xua con mèo ra xa chiếc ghế dài trong bếp và mở cặp hồ sơ ra để lên trên bàn.

Anh đọc thong thả và cẩn thận, không muốn để mất bất cứ chi tiết nào. Khuya, khi anh đóng cặp hồ sơ lại, nhiều trang trong sổ tay của anh đã được ghi đầy - với những điều gợi nhớ và những câu hỏi mà anh hy vọng sẽ tìm ra câu trả lời ở trong các cặp hồ sơ tiếp theo. Tất cả tài liệu được xếp đặt theo trật tự thời gian. Anh không thể nói đó là cách Vanger tổ chức lại chúng hay đó là hệ thống được cảnh sát thời đó sử dụng.

Trang đầu là bản sao một báo cáo viết tay mang tiêu đề Trung tâm Khẩn cấp của cảnh sát Hedestad. Viên cảnh sát nhận điện thoại đã ký tên là T.B.Ryttinger và Blomkvist cho rằng T.B. là viết tắt chữ "Trực Ban". Người gọi là Henrik Vanger. Địa chỉ và số điện thoại của ông đã ghi ở đây. Bản báo cáo đề ngày Chủ nhật, 25 tháng Chín, 1966, 11 giờ 14 phút sáng. Báo cáo ngắn gọn.

Hrk, Vanger gọi, báo rằng con gái (?) của anh trai ông, Harriet Ulrika VANGER, sinh 15 thg.1.1950 (16 tuổi) bị mất tích ở nhà cô ta ở trên đảo Hedeby từ chiều thứ Bảy. Người gọi tỏ ra rất hoang mang.

Một tin gửi đến lúc 11 giờ 20 báo rằng P-014 (xe cảnh sát? Xe tuần tra? Hoa tiêu một con tàu?) đã được phái đến hiện trường.

Một tin khác lúc 11giờ 35 viết dễ đọc hơn báo cáo của Ryttinger gài thêm rằng Sq. Magnusson báo cáo cầu đến đảo Hedeby vẫn bị tắc. Đi lại bằng tàu. Bên lề, một chữ ký không đọc ra nổi.

Lúc 12 giờ 14, Ryttinger trở lại: Chuyện điện thoại Sq. Magnusson ở H-by xác nhận rằng Harriet Vanger 16 tuổi mất tích từ đầu buổi chiều thứ Bảy. Gia đình rất hoang mang. Tin rằng đã không ngủ ở giường cô ta đêm hôm trước. Không thể đã rời đảo vì cầu tắc. Không ai trong gia đình biết chút gì về HV.

Lúc 12 giờ 19 chiều: G.M. thông báo tình hình bằng điện thoại.

Tin cuối cùng ghi lúc 1 giờ 42 chiều: G.M. tại hiện trường ở H-by, sẽ tiếp quản vấn đề.

Trang sau cho biết hai chữ tắt G.M. là nói cảnh sát điều tra Gustaf Morell, người đã đến đảo Hedeby bằng tàu và nhận quyền chỉ huy ở đấy, đang chuẩn bị một báo cáo chính thức về việc Harriet Vanger mất tích. Không giống nhưng ghi nhận đầu tiên với những chữ viết tắt không cần thiết, các báo cáo của Morell được đánh máy và câu cú thành văn có thể đọc được rất trôi chảy. Các trang sau thuật lại các biện pháp nào đã được áp dụng. Tính khách quan và sức mạnh của chi tiết đã làm cho Blomkvist ngạc nhiên.

Morell đã phỏng vấn trước tiên Henrik Vanger cùng Isabella Vanger, mẹ của Harriet. Rồi lần lượt ông nói chuyện với Ulrika Vanger, Harald Vanger, Greger Vanger, Martin Vanger, anh của Harriet và Anita Vanger. Blomkvist đi đến kết luận rằng các phỏng vấn này đã được làm theo thứ bậc quan trọng giảm dần.

Ulrika là mẹ của Henrik Vanger và rõ ràng là bà giữ địa vị như một nữ hoàng nhiếp chính. Ulrika sống trong cơ ngơi của gia đình Vanger nhưng không cho ra được một thông tin nào. Đêm hôm trước bà đi nằm sớm và đã mấy ngày không trông thấy Harriet. Bà nài gặp cảnh sát điều tra Morell hình như là chỉ cốt cho ra vẻ là theo ý bà thì cảnh sát đã hành động ngay lập tức.

Harald Vanger xếp thứ hai trong danh sách. Ông chỉ thấy chốc nhát Harriet lúc cô vừa ở lễ hội tại Hedestad trở về nhưng không trông thấy cô từ khi xảy ra tai nạn xe cộ trên cầu và ông không biết hiện nay cô có thể ở đâu.

 Greger Vanger, anh của Henrik và em của Harald, khai ông đã thấy cô gái mười sáu tuổi ở trong phòng làm việc của Henrik, muốn nói chuyện với Henrik sau khi cô đến Hedestad sáng hôm đó. Greger Vanger, khai ông không nói được gì với cô cháu, chỉ là chào một tiếng thế thôi. Ông không biết tìm được cô cháu ở đâu nhưng cho hay là theo ông thì chắc cô đã bất chợt đi thăm vài người bạn mà không bảo ai và sẽ trở về sớm thôi. Khi hỏi cầu bị tắc, cô gái rời đảo làm sao được thì ông không thể trả lời.

Martin Vanger được hỏi lướt qua. Cậu đang ở lớp cuối cùng của trường dự bị ở Uppsala, cậu sống trong nhà của Harald nên cậu đã đi tàu về nhà ở Hedeby, đến nơi muộn quá đến nỗi cậu bị kẹt ở phía đầu cầu khi có vụ tại nạn, mãi tối muộn mới có thể qua được eo biển bằng tàu. Cậu được phỏng vấn với hy vọng em gái cậu đã tâm sự với cậu và cho cậu đôi ba manh mối nếu cô đang nghĩ đến chuyện bỏ đi. Câu hỏi đã bị mẹ của Harriet Vanger phản đối nhưng lúc ấy thanh tra Morell có lẽ lại nghĩ Harriet bỏ chạy có thể lại là điều mà họ mong mỏi nhất. Nhưng Martin đã không chuyện trò với em từ dạo nghỉ hè và không có thông tin giá trị nào cả.

Anita Vanger đã bị liệt nhằm vào danh sách "anh chị em họ bậc một" của Harriet. Đang học năm thứ nhất ở đại học Stockholm, cô về nghỉ hè ở Hedeby. Cô với Harriet gần như cùng tuổi và hai người đã thành bạn thân. Cô khai đến đảo ngày thứ Bảy cùng với bố và đã tìm gặp Harriet nhưng không kiếm ra. Anita nói là cô cảm thấy khó chịu và việc bỏ đi không báo với gia đình như thế này không phải là kiểu của Harriet. Henrik và Isabella xác nhận điều này là đúng.

Trong khi phỏng vấn các thành viên gia đình, thanh tra Morell đã bảo Magnusson và Bergman - tuần tra 014 - hãy tổ chức cuộc lùng kiếm thứ nhất trong khi trời còn sáng. Cầu vẫn cấm qua lại cho nên khó gọi thêm tăng viện. Nhóm tìm kiếm có khoảng ba chục người, cả đàn ông đàn bà ở các tuổi khác nhau. Các khu vực họ tìm kiếm chiều hôm ấy gồm các nhà không người ở tại cảng cá, mũi bờ biển, đầu làng và dọc eo biển, khu rừng gần làng nhất, quả đồi tên là Soderberget ở đằng sau cảng cá. Sở dĩ tìm chỗ này vì có người lập luận là Harriet có thể đã lên đó để nhìn được cây cầu rõ hơn. Các đội tuần tra cũng được phái đến Ostergarden và căn lều của Gottfried ở phía bên kia đảo, nơi thỉnh thoảng Harriet vẫn đến thăm. Nhưng cuộc tìm kiếm không có kết quả, mãi sau 10 giờ đêm, đến lúc đã tối om, mới dừng lại. Nhiệt độ suốt đêm tụt xuống đông cứng.

Buổi chiều cảnh sát điều tra Morell đặt ban chỉ huy của ông ở một phòng khách mà Henrik Vanger bố trí cho ông dùng ở tầng trệt của văn phòng bất động sản Vanger. Ông đã tiến hành một số đo đạc.

Ở công ty của Isabella Vanger, ông đã xem xét gian buồng của Harriet và thử xác định xem liệu có thứ gì bị mất: quần áo, va li đại loại, thứ có thể chỉ ra cho thấy là Harriet đã bỏ nhà đi. Isabella, một ghi nhận kèm theo, đã không giúp đỡ và hình như không quen thuộc với tủ quần áo của con gái. Nó thường mặc quần jean mà trông tất cả thì đều giống nhau thì phải? Túi xắc của Harriet ở trên bàn làm việc, trong có giấy căn cước, một ví tiền có chín curon và năm mươi ore, một cái lược, một chiếc gương và một khăn tay. Sau khi khám xét, buồng của Harriet đã được khoá lại.

Morell đã triệu tập để phỏng vấn nhiều người nữa, thành viên gia đình và nhân viên. Tất cả các phỏng vấn đều được báo cáo tỉ mỉ.

Khi những người dự cuộc tìm kiếm bắt đầu quay về với các báo cáo làm nản lòng, viên cảnh sát quyết định phải mở một cuộc tìm kiếm có hệ thống hơn nữa. Ngoài những người khác, Morell còn gặp chủ tịch của Câu lạc bộ Chạy định hướng của Hedestad, và kêu gọi giúp đỡ bằng việc mời những người tình nguyện làm một cuộc tìm kiếm. Vào nửa đêm người ta bảo ông rằng năm mươi ba thành viên, phần lớn là từ các đoàn thanh thiếu niên sẽ đến cơ ngơi đất đai Vanger vào hồi 7 giờ sáng mai. Henrik Vanger đã gọi một phần ca sáng, ước khoảng năm chục người, của nhà máy giấy. Ông cũng sửa soạn đồ ăn thức uống cho tất cả họ.

Blomkvist có thể tưởng tượng thấy cảnh diễn ra trên cơ ngơi đất đai Vanger những ngày ấy. Vụ tai nạn trên cầu chắc chắn làm cho những giờ đầu tiên bị lúng túng - khiến khó đưa tăng viện đến và vì người ta phần nào cứ nghĩ rằng hai sự kiện bi thảm xảy ra ở cùng một chỗ và gần vào cùng một lúc kia là có liên quan đến nhau. Khi đã cẩu chiếc xe tẹc đi, Morell xuống tận cầu để cầm chắc Harriet đã không vì một vài xoay vần khó có thể có của sự đời mà bị chết đuối ở dưới đống xe đổ nát. Đây là việc làm phi lý duy nhất mà Blomkvist có thể tìm thấy ở trong hành xử của viên cảnh sát, bởi lẽ không nghi ngờ gì cả, sau khi xảy ra tai nạn xe, cô gái mất tích vẫn còn được trông thấy ở trên đảo.

Trong hai mươi tư giờ lúng túng ban đầu ấy, các hy vọng của họ rằng tình hình sẽ được giải quyết nhanh chóng và vui vẻ cứ dần dà chìm đi. Thay vào đó, hai lí luận dần thay thế chúng. Mặc dù rõ ràng là cô gái rất khó rời hòn đảo mà không bị để ý, Morell vẫn chấp nhận khả năng cô gái đã bỏ đi. Ông quyết định nên gửi đi một lệnh báo động về Harriet Vanger và ông chỉ thị cho các viên cảnh sát tuần tra ở Hedestad mở to mắt ra tìm cô gái mất tích. Ông cũng phái một đồng nghiệp trong đội hình sự đi phỏng vấn các tài xế xe buýt và nhân viên các ga tàu để tìm xem liệu có ai đó đã nhìn thấy cô gái không.

Khi các báo cáo không có kết quả gửi về thì người ta càng có vẻ thiên nhiều hơn về cái ý Harriet Vanger đã là nạn nhân của một bất hạnh nào đó. Lý luận này rút cục đã khống chế công việc điều tra của những ngày tiếp theo.

Theo Blomkvist thì rõ ràng là sau khi cô gái bị mất tích hai ngày, người ta đã tiến hành thật sự một cuộc tìm kiếm quy mô. Cảnh sát và lính cứu hoả từng dầy dạn kinh nghiệm với các tác chiến tương tự đã tổ chức việc tìm kiếm. Đảo Hedeby có những chỗ gần như không thể vào nổi nhưng dù sao nó vẫn chỉ là một khu vực nhỏ bé và nó đã được rà đi rà lại suốt một ngày trời. Một tàu cảnh sát và hai tàu tình nguyện Pettersson đã làm hết sức để tìm kiếm những vùng nước ở xung quanh đảo.

Ngày hôm sau, cuộc tìm kiếm tiếp tục với nhân lực ít hơn. Các đội tuần tra đã được cử đi để làm một cuộc càn quét thứ hai ở chỗ đất đặc biệt gồ ghề, cũng như ở một khu vực có tên là "Pháo đài" - một hệ thống hầm boong ke xây từ Đại chiến thứ hai nay bỏ không. Họ cũng tìm các hầm hố, giếng nước, kho rau quả, nhà vệ sinh, gác thượng, sân thượng ở trong làng.

Có thể đọc thấy thất vọng ở trong các ghi nhận chính thức khi cuộc tìm kiếm đã lắng xuống vào ngày thứ ba sau hôm cô gái mất tích. Dĩ nhiên Morell chưa nhận ra điều đó nhưng lúc ấy trong cuộc điều tra ông cũng đã thật sự với xa đến hết khả năng của ông. Ông bối rối và phải vật lộn để nhận ra khâu công việc tiếp theo tất yếu hay nơi phải tiến hành tìm kiếm. Harriet Vanger hình như đã tan biến vào không khí mong manh và từ đó những năm tháng tra tấn dằn vặt Henrik Vanger bắt đầu.

--------------------------------

1

(Carina Rydberg: Nữ nhà văn Thuỵ Điển, sinh năm 1962, sáng tác từ năm 1987 đến nay)

Chương 9

Thứ Hai, 6 Tháng Giêng
Thứ Tư, 8 Tháng Giêng

Blomkvist đọc mãi tới tận sớm ngày Chúa Hiển Linh 1 mới dậy. Một chiếc Volvo màu lam, kiểu mới đã đậu ở bên ngoài nhà Vanger. Vừa lúc anh đưa tay mở cửa, thì nó mở và một người đi ra. Họ suýt đâm vào nhau. Người này có vẻ đang gấp.

- Ố? Tôi giúp được anh gì không??

- Tôi đến gặp Henrik Vanger. – Blomkvist nói

Mắt người đàn ông sáng lên. Anh ta mỉm cười, chìa tay ra.

- Chắc anh là Mikael Blomkvist, người sẽ giúp Henrik biên soạn lịch sử dòng họ, đúng không?

Họ bắt tay nhau. Vanger có vẻ tung hỏa mù che giấu mục đích Blomkvist đến đây. Ông ta thừa cân – kết quả của quá nhiều năm tháng đàm phán kinh doanh bên bàn giấy và trong phòng họp – nhưng Blomkvist nhận thấy ngay nét giống nhau giữa mặt người đàn ông và mặt Henrik Vanger

- Tôi là Martin Vanger – anh ta nói -  Hoan nghênh đến Hedestad.

- Cảm ơn.

- Tôi đã thấy anh trên tivi.

- Hình như ai cũng đã thấy tôi trên tivi.

- Wennerstrom… không được lòng người lắm ở cái nhà này.

- Henrik có nói điều đó. Tôi đang chờ nghe hết câu chuyện.

- Mấy hôm trước ông ấy bảo tôi là mướn anh. – Martin Vanger cười – Ông ấy nói anh nhận việc ở tận đây có lẽ vì Wennerstrom.

Blomkvist do dự trước khi quyết định là nói thật.

- Đấy là một lý do quan trọng. nhưng nói cho ngay thẳng thì là tôi cần rời Stockholm và trôi nổi đến Hedestad đúng lúc. Ít nhất là tôi nghĩ như thế. Tôi không thể nói việc tòa án xét xử là không xảy ra bao giờ. Mà muốn gì thì tôi cũng sắp vào tù rồi.

Martin Vanger gật đầu, bỗng nghiêm túc.

- Anh có thể kháng án không?

- Chuyện ấy sẽ không có lợi gì cả.

Martin liếc đồng hồ.

- Tôi phải ở Stockholm đêm nay, cho nên tôi phải đi gấp.Vài ngày nữa tôi sẽ về. Hãy đến và ăn tối. Tôi thật tình muốn nghe những gì đã thật sự diễn ra ở phiên tòa ấy. Henrik ở trên gác. Anh vào ngay đi.

Ngồi bên bàn cà phê trong phòng làm việc, Henrik đọc các báo địa phương Hesdestad Courried, Dagens Industri, Svenska Dagbladet  và hai tờ báo chiều của cả nước.

- Tôi bất ngờ gặp Martin ở ngoài kia.

- Vội đi để cứu đế chế đấy. –Vanger nói – Cà phê?

- Vâng cho xin – Blomkvist ngồi xuống, nghĩ tại sao Henrik nom vui thế.

- Anh được nhắc đến ở trên báo.

Vanger đẩy qua một tờ báo chiều, mở đến trang có đầu đề Một vòng truyền thông ngắn gọn. Bài báo do một người giữ chuyên mục viết, trước đây anh ta làm cho tạp chí Monopoly Financial, tự làm cho mình nổi tiếng là một người hăng hái chế giễu bất cứ ai say sưa đến một vấn đề gì hoặc những kẻ thích liều mạng. Những người bảo vệ phụ nữ, chống chủ nghĩa chủng tộc, hoạt động môi trường đều có thể tính đến chuyện sẽ nhận được phần bị chế giễu của mình. Người ta biết người viết chưa từng ủng hộ một niềm tin duy nhất nào của chính bản thân. Bây giờ, mấy tuần sau phiên tòa xử vụ  Wennerstrom, anh ta đang chĩa súng bắn vào Blomkvist, người được anh ta tả là một kẻ ngu ngốc hoàn toàn. Chân dung Erika thì bị vẽ thành một ả truyền thông đĩ đợm bất tài.

Một tin đồn loan đi rằng Millenium đang bên bờ sụp đổ bất chấp sự thật Tổng biên tập của nó là một người bảo vệ quyền lợi phụ nữ mặc váy mini cũn cỡn và thích chõ mồm vào tivi. Tờ tạp chí đã sống sót mấy năm nhờ cái hình ảnh đã được các biên tập viên đem đi tiếp thị thành công – các biên tập viên này là những phóng viên trẻ gánh vác việc điều tra báo chí và vạch vòi những tên lưu manh vô lại trong giới kinh doanh. Mánh quảng cáo này có thể ăn thua với đám vô chính phủ trẻ chỉ muốn nghe một luồng thông tin nhưng nó không nên cơm cháo gì ở tòa án quận. Như Kalle Blomkvist vừa được tìm ra mới đây.

Blomkvist bấm di động tìm xem Berger có gọi anh không. Không có tin gì. Vanger lặng lẽ chờ không nói năng gì. Blomkvist biết ông già cho phép anh phá vỡ im lặng.

- Cậu này dê cỏn. – Blomkvist nói.

Vanger cười thành tiếng nhưng nói:

- Có thể như thế. Nhưng anh ta không phải là người bị tòa án nghị án.

- Đúng. Và anh ta sẽ không bao giờ bị cả. Anh ta không nói cái gì độc đáo bao giờ hết; anh ta chỉ là nhảy lên đoàn xe chiên trống cổ động rồi đến cuối cùng mới ném đá bằng những lời lẽ phá phách nhất mà anh ta có thể phủi tay.

- Tôi đã sống lâu nên có nhiều kẻ thù. Nếu như có điều gì mà tôi học được thì đó là chớ có dấn vào một trận đánh mà anh cầm chắc sẽ thua. Mặt khác, không cho kẻ đã lăng mạ mình phủi tay lủi thoát. Chờ thời rồi khi vào vị trí mạnh rồi đánh trả - ngay cả khi anh không có nhu cầu đánh trả nữa.

- Cảm ơn ông cho lời khuyên khôn ngoan, Henrik. Bây giờ xin ông nói về gia đình ông.

Anh để máy ghi âm lên bàn, giữa hai người rồi bấm nút ghi.

- Anh muốn biết điều gì?

- Tôi đã đọc hết cặp hồ sơ thứ nhất, về việc mất tích và các cuộc tìm kiếm, nhưng có nhiều Vanger được nhắc tới quá nên tôi cần ông giúp tôi nhận dạng ra tất cả họ.

Salander đứng gần mười phút trong gian sảnh vắng tanh, mắt chằm chằm vào tấm biển đồng đề “Luật sư N.E. Bjurman” rồi mới bấm chuông. Khóa cửa kêu đánh cách.

Hôm nay là thứ Ba. Đây là lần thứ hai họ gặp nhau và cô có một cảm giác không hay về chuyện này.

Co không sợ Bjurman – Salander ít khi sợ ai hay thứ gì. Mặt khác, cô thấy không thoải mái với người bảo hộ mới này. Người trước, luật sư Holger Palmgren là một loại khác hẳn: lịch sự, tử tế. Nhưng ba tháng trước ông bị một cơn đột quị và theo một số tôn ti trật tự quan liêu, Nils Erik Bjurman đã nhận giám hộ cô.

Với Salander, trong mười hai năm chịu chế độ giám hộ về xã hội và tâm thần thì hai năm cô ở một bệnh viện cho thiếu nhi, ở đấy, chưa lần nào cô trả lời giống nhau cho câu hỏi đơn giản này : “Hôm nay cháu thế nào?”

Khi cô mười ba, theo luật của chính phủ về quyền giám hộ trẻ vị thành niên, tòa án đã quyết định nên đưa cô vào phòng bệnh có khóa ở Bệnh Viện Tâm Thần Thánh Stefan cho thiếu nhi tai Uppsala. Quyết định này ban đầu dựa trên việc người ta cho rằng cô hay bị quấy nhiễu về mặt cảm xúc và cô hung bạo nguy hiểm cho các bạn cùng lớp hay có thể cho cả chính bản thân cô.

Các thầy giáo hay bất cứ quyền uy nào toan khai mào trò chuyện với cô gái về những cảm giác, đời sống tình cảm hay tình hình sức khỏe của cô đều vô cùng thất vọng, họ đã gặp phải một sự im lặng sưng sỉa và một cái nhìn trừng trừng rất lâu lên sàn nhà, trần nhà, tường vách. Cô khoanh tay lại và từ chối tham gia bất cứ khám nghiệm tâm thần nào. Không chỉ chống lại mọi ý định cân đo, lập biểu đồ phân tích hay giáo dục, cô còn chống lại cả việc học ở trường – các vị phụ trách có thể đưa cô lên lớp học, có thể xích cô vào ghế, nhưng họ không thể bắt cô thôi bịt tai, giơ bút lên viết nhăng nhít một cái gì đó trong không khí. Cô hoàn thành chín năm học bó buộc ở trường mà không có một mảnh bằng chứng nhận.

Kết quả là người ta đem gắn điều này vào với việc quá khó chẩn đoán các khiếm khuyết tâm thần của cô. Tóm lại Salander là đứa cứng đầu cứng cổ

Lúc cô mười ba, cũng đã có quyết định nên cử một người đỡ đầu để trông nom lợi ích và tài sản của cô cho tới khi cô trưởng thành. Người đỡ đầu là luật sư Palmgren; tuy vào cuộc khá khó khăn, ông cũng đã thành công ở chỗ mà các nhà tâm thần học và các bác sĩ thất bại. Dần dần, ông cũng đã giành được ở cô gái không những một sự tin cậy nhất định mà còn cả một chút nho nhỏ về tình cảm nữa.

Khi cô mười lăm, các bác sĩ ít nhiều đều tán thành rằng gì thì gì, cô cũng không hung bạo đến mức nguy hiểm, cô cũng không cho thấy có một nguy hiểm nào trước mặt với bản thân. Gia đình cô đã được xếp loại là không bình thường về mặt ý thức hành vi và cô thì không có họ hàng để trông nom được phúc lợi của cô cho nên đã quyết định nên đưa Lisbeth Salander ra khỏi bệnh viện tâm thần thiếu nhi ở Uppsala, cho cô được thả về xã hội với sự chăm sóc của một gia đình.

Đây không phải là một hành trình suôn sẻ. Chỉ sau hai tuần là cô trốn khỏi gia đình chăm sóc đầu tiên. Nhanh chóng theo nhau, gia đình thứ hai và thứ ba rớt ra ngoài vệ đường. Đến bước này, Palmgren đã phải bàn bạc nghiêm túc với cô, thẳng thừng nói với cô rằng nếu cô cứ kiên trì lối mòn này thì cô sẽ lại bị đưa vào viện tâm thần mất thôi. Đe dọa này đã có kết quả là cô chấp nhận gia đình chăm sóc thứ tư – một cặp vợ chồng già sống ở Midsommarkransen.

Nhưng như thế không có nghĩa là cô tự trông coi được mình. Năm mười bảy tuổi Salander bị cảnh sát bắt bốn lần: hai lần say ma túy quá phải đến phòng cấp cứu, một lần chỉ mới chớm bị ma túy tác hại. Một lần cô được tìm thấy say rượu như chết, quần áo xộc xệch ở trên ghế hậu của một chiếc xe đỗ ở Soder Malarstrand cùng một người đàn ông cũng bí tỉ như thế nhưng già hơn nhiều.

Lần bị bắt cuối cùng xảy ra trước sinh nhật lần thứ mười tám của cô ba tuần, lần này, hoàn toàn tỉnh táo, cô đá vào đầu một người đàn ông qua đường bên trong cổng ga đường hầm Gamla Stan. Cô bị tố cáo hành hung và đánh đập. Salander nói người đàn ông đã sờ soạng cô và lời khai của cô có nhân chứng ủng hộ. Công tố viên miễn truy tố. Nhưng lý lịch cô đã khiến tòa án quận đòi cô phải có thẩm định của bác sĩ tâm thần. Do cô, như thói quen vẫn thế, từ chối trả lời và tham gia khám bệnh, các bác sĩ được Cơ quan quốc gia về Y tế và Phúc lợi  tham vấn và đưa ra một ý kiến dựa trên “các quan sát bệnh nhân”. Khi gặp phải một phụ nữ cứ im lặng ngồi trên ghế, hai tay khoanh lại, môi dưới bĩu ra thì chính xác mà nói làm sao còn có thể quan sát được cái gì rõ ràng đây. Quyết định duy nhất đưa ra là chắc cô đã bị một kiểu rối loạn cảm xúc nào đó, tính chất của nó thuộc vào loại phải được chữa trị. Bản báo cáo pháp y yêu cầu có sự trông nom ở một sơ quan tâm thần khép kín. Một trợ lý của người đứng đầu tổ chức xã hội phúc lợi đã viết một ý kiến ủng hộ kết luận này của các chuyên gia tâm thần.

Về phần lý lịch cá nhân, người ta kết luận rằng cô có nguy cơ nghiêm trọng về lạm dụng rượu và ma túy, rằng cô thiếu tự nhận hiểu bản thân. Lúc đó hồ sơ của cô mang đầy những thuật ngữ như hướng nội, rụt rè trong xã hội, thiếu đồng cảm, gắn bó với cái tôi, bệnh lý tâm thần và hành xử phi xã hội, khó khăn trong hợp tác, và không thể tiếp thu trong học tập. Bất cứ ai đọc hồ sơ của cô cũng đều nảy ý muốn kết luận Salander là một người kém phát triển nghiêm trọng. Một điểm nữa chống lại cô là tuần tra đường phố của các cơ quan xã hội đã mấy lần quan sát thấy cô “với nhiều đàn ông khác nhau” ở trong khu vực quanh Mariatorget. Cô đã một lần bị chặn lại và bị khám xét ở Tantolunden, lại cũng với một người đàn ông già hơn nhiều. Người ta sợ rằng Salander có thể đang hành động như, hay có nguy cơ trở thành, một gái điếm.

Khi tòa án quận – nơi sẽ quyết định tương lai cô gái – gặp để quyết định về vấn đề này, kết quả hình như là đã được định đoạt trước cả rồi. Cô rõ ràng là một đứa trẻ có vấn đề và xem ra tòa án sẽ không đi đến một quyết định nào khác hơn là chấp nhận khuyến cáo của các nhà tâm thần học lẫn yêu cầu của xã hội.

Sáng phiên tòa họp, Salander được mang từ bệnh viện tâm thần thiếu nhi đến, nơi cô bị giữ từ vụ xảy ra ở Gamla Stan. Cảm thấy giống như một người tù ra khỏi trại tập trung: Cô không có hy vọng sống sót hôm đó. Người đầu tiên cô nhìn thấy ở tòa án là Palmgren, phải mất một lúc cô mới hiểu ra ông ở đây không phải với vai trò người đỡ đầu mà đúng hơn là người đại diện pháp lý của cô.

Cô ngạc nhiên thấy ông trước sau đứng về phía cô và ông đã kháng án mạnh mẽ lại chế độ giữ người ở bệnh viện. Cô đã không phản bội lại ông như nhướng một lông mày lên mà trái lại, cô lại nghe chăm chú từng lời ông nói. Trong hai giờ đồng hồ Palmgren đã đối chất xuất sắc với ông thầy thuốc, bác sĩ Jesper H. Loderman, người đã ký tên vào bảng khuyến cáo đưa nhốt Salander ở bệnh viện. Mỗi chi tiết của ý kiến đều được soi rọi tỉ mỉ còn mỗi lời khẳng định thì vị bác sĩ lại được yêu cầu giải thích rõ cơ sở khoa học. Cuối cùng rõ ràng do người bệnh từ chối làm một xét nghiệm duy nhất cho nên thực tế mà nói các cơ sở để cho bác sĩ kết luận chỉ là chuyện đoán mò.

Vào cuối phiên tòa, Palmgren cho biết rằng ép buộc người bệnh vào bệnh viện tâm thần thì chắc chắn là không chỉ trái với các quyết nghị của Quốc hội trong các trường hợp tương tự mà trong các trường hợp cá biệt, có thể còn là vấn đề lợi dụng cho những sự trả thù về chính trị và truyền thông. Cho nên vì lợi ích của riêng mỗi người hãy cố tìm lấy một giải pháp thích hợp khác. Trong tình hình như thế này, lời lẽ của ông là lạ lẫm với các sự thương thảo, các thành viên của tòa án đã phải thấp thỏm mà uốn éo quanh co.

Giải pháp đề ra cũng là thỏa hiệp. Tòa kết luận Lisbeth Salander có bị rối loạn về cảm xúc thực sự nhưng tình trạng của cô không cần phải đưa vào nội trú, tòa án cũng xét lại khuyến cáo về chế độ giám hộ của ông giám đốc xã hội phúc lợi. Mỉm cười thâm hiểm, ông chủ tịch phiên tòa quay sang Holger Palmgren, người cho đến nay vẫn là người đỡ đầu của cô gái, hỏi liệu ông có muốn cáng đáng việc giám hộ cô gái không. Rõ ràng ông chủ tịch nghĩ rằng Palmgren sẽ tháo lui và cố đẩy trách nhiệm sang một ai khác. Trái lại, Palmgren tuyên bố ông sẽ vui sướng đảm nhận làm người giám hộ cho Salander – nhưng với điều kiện : “rằng quý cô đây phải tin cậy tôi và chấp nhận tôi là người giám hộ của cô”.

Ông quay lại đối mặt với cô gái. Những đối đáp qua lại suốt ngày phần nào làm cho cô hoang mang. Cho đến lúc này, chưa hề một ai đã hỏi ý cô. Cô nhìn Holger Palmgren một lúc lâu rồi gật một cái.

Palmgren là một pha trộn hiếm hoi giữa người làm luật và người làm công việc xã hội thuộc trường phái xưa. Ban đầu ông là một thành viên được đề cử theo chính sách của văn phòng xã hội phúc lợi và ông đã bỏ gần hết cả đời để giải quyết vấn đề thanh niên. Một cảm thức dè dặt về lòng tôn trọng, gần như gần gũi với tình bạn đã mau chóng hình thành nên giữa Palmgren và phòng bệnh thiếu nhi của ông, không nghi ngờ gì đó là khó khăn lớn nhất ông từng phải xử lý. Quan hệ của họ kéo dài mười một năm, từ lần sinh nhật thứ mười ba của cô gái cho tới năm ngoái, khi cô đến gặp Palmgren ở nhà trước Noel vài tuần, sau lần ông để lỡ mất một trong các cuộc họp hàng tháng đã lên lịch của hai người. Cửa nhà vẫn đóng nhưng cô gái đã nghe thấy những tiếng động trong căn hộ ông vọng ra; cô bèn leo một ống dẫn nước nhảy vào ban công trên tầng bốn. Cô thấy ông nằm trên sàn gian sảnh, còn tỉnh nhưng không thể cử động, nói năng. Cô gọi xe cứu thương và đi cùng ông đến bệnh viện Soder, cảm thấy mỗi lúc một hoảng sợ hơn. Trong ba ngày, cô ít rời dãy hành lang bên ngoài phòng cấp cứu. Như con chó giữ nhà tin cậy, cô cứ ngóng vào từng bác sĩ y tá ra vào cửa phòng. Cô đi đi lại lại dọc hành lang như một cô hồn, đăm đăm nhìn vào mỗi bác sĩ bước đến. Cuối cùng một bác sĩ mà cô không thể tìm ra tên đã đưa cô vào một gian phòng để giải thích về tình hình nguy kịch. Ông Palmgren đang suy kiệt về sức khỏe sau cơn xuất huyết não nặng. Không hy vọng ông khôi phục được ý thức. Ông mới sáu mươi tư tuổi. Cô không khóc mà cũng chẳng biến đổi vẻ mặt. Cô đứng lên, rời bệnh viện và không quay lại.

Năm tuần sau, sở Giám hộ mời Salander đến gặp người giám hộ mới. Phản ứng đầu tiên của cô là lờ đi lời triệu tập nhưng Palmgren đã cho in đậm vào ý thức của cô rằng mọi hành động đều có hậu quả. Đã học phân tích được hậu quả do đó cô đi đến kết luận rằng cách tốt nhất để ra khỏi tình thế tiến thoái đều khó hiện nay là hãy bằng hạnh kiểm của mình – vờ như quan tâm đến những điều họ nói – mà làm cho sở Giám hộ hài lòng.

Thế là, Tháng mười hai – tạm ngừng điều tra về Mikael Blomkvist – cô đến văn phòng của Bjurman ở St. Eriksplan, ở đấy một bà có tuổi thay mặt sở đã đưa cho luật sư Bjurman hồ sơ toàn diện của Salander. Bà ân cần hỏi Salander tình hình ra sao và bà hình như hài lòng với sự im lặng câng câng mà Salander đáp trả lại bà. Sau chừng nửa giờ bà để Salander vào tay săn sóc của luật sư Bjurman.

Salander đã rắp bụng trước là không ưa luật sư Bjurman. Cô nghiên cứu trộm ông trong khi ông đọc hồ sơ lý lịch cô. Tuổi: hơn năm chục. Chú ý đến thân thể. Chơi tennis vào ngày thứ Ba và thứ Sáu. Tóc vàng và thưa. Cằm hơi xẻ. Dùng nước hoa Hugo Boss sau khi cạo râu. Com lê màu lơ. Cà vạt đỏ với kẹp vàng và các khuy măng sét cổ tay phô phang có ba chữ tắt đầu tên NEB. Kính gọng thép. Mắt xám. Xét qua các tạp chí trên bàn thì thích săn và bắn.

Trong những năm cô biết Palmgren, ông luôn mời cô cà phê rồi chuyện gẫu. Ngay các chuyện bỏ trốn tồi tệ nhất của cô ra khỏi các gia đình bảo trợ hay việc cô đều đặn trốn học cũng không làm cho đối xử của ông bị sóng sánh. Lần duy nhất ông thật sự ngạc nhiên là khi cô xông vào đánh cái thằng ba que giở trò với cô ở Gamla Stan. Cô có hiểu cô đã làm gì không? Cô đã hành hạ một con người khác đấy Lisbeth. Ông nói nghe như một ông giáo già và cô đã kiên nhẫn lờ đi từng lời trách móc của ông.

Bjurman không có thì giờ cho những chuyện vặt ấy. Ông lập tức kết luận là theo nội quy của chế độ giám hộ thì Palmgren đã có mâu thuẫn trong các nghĩa vụ của mình, ở chỗ ông rõ ràng đã cho phép Salander tự cai quản lấy việc nội trợ và tài chính. Bjurman bắt đầu bằng một kiểu thẩm vấn: Cô kiếm được bao nhiêu tiền? Tôi muốn một bản sao chụp các chi thu tài chính của cô. Cô qua thời gian cùng với ai? Cô có trả tiền thuê nhà đúng hạn không? Cô có uống rượu không? Palmgren có tán thành những cái khoen cô đeo trên mặt kia không? Cô có quan tâm đến vệ sinh không?

Palmgren đã trở thành người đỡ đầu của cô ngay sau khi mọi trò xấu xa kia xảy ra. Ông đã nài ít nhất mỗi tháng một lần cô và ông gặp nhau, đôi khi nhiều hơn. Sau khi cô dọn về Hornsgatan thì họ đã gần như là hàng xóm. Ông sống ở Hornsgatan, cách một hai khối nhà và họ chạy qua chạy lại cùng đi uống cà phê ở Giffy hay một vài quán gần đó. Palmgren chưa bao giờ thử cưỡng ép, nhưng vài ba lần ông đã thăm cô, mang mấy món quà mọn cho sinh nhật cô. Cô đã được mời hẳn hoi là hễ thích thì cứ việc đến ông, một đặc quyền mà cô ít lạm dụng. Nhưng khi cô dọn đến Soder, cô bắt đầu qua đêm Noel với ông sau khi đã đi thăm mẹ cô. Hai người ăn jambon và đánh cờ. Cô không thực sự thích chơi cờ, nhưng sau khi học các quy tắc, cô không chịu thua ván nào hết. Ông góa vợ và Salander coi đó như là nghĩa vụ của cô thương cảm ông trong mấy ngày nghỉ lễ cô đơn này.

Cô tự coi mình là mắc nợ ông và cô luôn trả nợ.

Palmgren đã cho cô thuê lại căn hộ của mẹ cô ở Lundagatan cho đến khi cô cần nơi ở của riêng mình. Căn hộ vào khoảng trên 150 mét vuông, xoàng xĩnh, không tân trang nhưng ít ra nó cũng là một mái nhà trên đầu cô gái.

Nay Palmgren đã chết, môt mối dây khác để thiết lập xã hội đã bị cắt. Nils Bjurman là một người hoàn toàn khác. Cô không thể qua tối Noel ở nhà ông. Việc ông làm đầu tiên là đặt ra các quy tắc mới về quản lý tài khoản của cô ở ngân hàng Handelsbanken. Với Palmgren, áp dụng linh hoạt các điều kiện canh giữ để cho phép cô gái được cai quản lấy tiền nong của mình là không thành vấn đề. Cô trả các hóa đơn và có thể dùng khoản tiền tiết kiệm khi cô thấy là phải.

Tuần trước Noel, sắp gặp Bjurman, cô đã chuẩn bị tinh thần; khi ở nhà ông, cô sẽ cố nói rõ rằng Palmgren đã tin cô và không bao giờ tìm dịp để làm khác đi. Palmgren đã để cô tự quản lấy công việc của mình và không can thiệp vào đời sống của cô.

- Đó chính là một trong các vấn đề đấy – Bjurman nói, đập đập tay vào hồ sơ lý lịch cô. Rồi ông nói một thôi một hồi về các quy tắc và điều hành của chính phủ về chế độ giám hộ - Ông ta để cho cô tung tẩy tự do, phải thế không? Tôi nghĩ ông ta chối được thế nào chuyện đó chứ.

Vì ông ta là một tay dân chủ xã hội điên rồ, suốt đời làm việc với đám trẻ.

- Tôi không còn là một đứa trẻ nữa, - Salander nói, tựa hồ thế cũng đã đủ giải thích rõ rồi.

- Không- cô không là một đứa trẻ. Nhưng tôi được chỉ định làm người giám hộ của cô và chừng nào tôi còn vai trò này thì về pháp luật và tài chính tôi còn phải chịu trách nhiệm về cô.

Ông mở một tài khoản mới mang tên cô và dặn cô phải báo cáo việc đó cho văn phòng nhân sự của An ninh Milton và từ nay cứ làm như thế. Những ngày tốt đẹp xưa đã hết rồi. Trong tương lai, các hóa đơn của cô sẽ do Bjurman trả và mỗi tháng ông sẽ cho cô một khoản trợ cấp. Ông bảo ông chờ đợi cô nộp các hóa đơn chi tiêu mọi khoản của cô. Cô sẽ nhận mỗi tuần 1.400 curon “cho ăn uống, quần áo, vé xem phim và các thứ đại loại”.

Salander kiếm hơn 160.000 curon một năm. Cô có thể kiếm gấp đôi nếu làm trọn giờ và nhận mọi việc Armansky trao. Nhưng cô chi tiêu ít và không cần tiền nhiều. Tiền nhà của cô một tháng cỡ 2000 curon và tuy thu thập cô khiêm tốn vẫn có 90.000 curon trong tài khoản tiết kiệm. Nhưng cô không cần mở nó ra nữa.

- Điều này liên quan đến việc tôi chịu trách nhiệm về tiền bạc của cô. – Ông ta nói – Cô cần dành dụm tiền cho tương lai. Nhưng khỏi lo, tôi sẽ quan tâm đến tất cả các việc đó.

Ta đã tự trông nom ta từ lúc ta mười tuổi rồi cơ, cái đồ bò lổm ngổm nhà ngươi!

- Cô cư xử đã đủ tốt theo như yêu cầu của xã hội cho nên cô không cần vào viện nhưng xã hội này vẫn phải chịu trách nhiệm với cô.

Ông ta đã hỏi riết cô về những việc An ninh Milton đã giao cho cô. Theo bản năng, cô nói dối phận sự của mình. Trả lời ông, cô tả lại các tuần đầu tiên đến làm ở đó. Bjurman nghe có cảm tưởng cô là một chân pha cà phê và văn thư – những việc khá thích hợp với bất cứ ai hơi lù đù – và ông ta có vẻ hài lòng.

Cô không biết vì sao lại nói dối, nhưng cô tin chắc đó là một quyết định khôn ngoan.

Blomkvist đã qua năm giờ với Vanger và mất cả phần lớn ban đêm cùng cả ngày thứ Ba để đánh máy các ghi chép của anh cũng như xâu các mảng phả hệ Vanger lại thành một tổng thể dễ nhận thấy. Hiện ra ở đây, lịch sử gia đình này là một dị bản khác hẳn với cái đã được trình bày và làm hình ảnh chính thức của gia đình. Mỗi gia đình đều có cất giữ vài ba mẫu xương cốt trong tủ, nhưng gia đình Vanger thì có hẳn cả một đống.

Blomkvist đã phải nhắc nhở mình rằng, công việc đích thực của anh không phải là viết tiểu sử gia đình Vanger mà là tìm ra chuyện gì đã xảy đến với Harriet Vanger. Tiểu sử nhà Vanger sẽ chả có gì khác với trò bày tranh ở gallery. Sau một năm anh sẽ nhận đồng lương vô lí của mình – Bản hợp đồng Frode thảo đã được ký. Anh hy vọng phần thưởng đích thực sẽ là thông tin về Wennerstrom mà Vanger nói là có nắm được. Nhưng sau khi nghe Vanger, anh bắt đầu nghĩ rằng năm sắp tới sẽ không uổng phí. Một quyển sách về họ Vanger sẽ có giá trị đáng kể. Khá dễ hiểu thôi, nó là một câu chuyện tuyệt vời.

Trong đầu anh không bao giờ thoáng có ý nghĩ là anh có thể phát hiện ra kẻ giết Harriet Vanger – đó là trường hợp cô bị giết chứ không phải chết vì một tai nạn vớ vẩn nào đó. Blomkvist tán thành với Vanger rằng không thể tồn tại các cơ may cho một cô gái mười sáu tuổi tự ý bỏ nhà đi rồi sống ẩn nấp trong ba mươi sáu năm, bất chấp sự dò xét của tất cả bộ máy quan liêu của chính phủ. Mặt khác anh không loại trừ khả năng Herriet đã bỏ trốn, có thể đến Stockholm rồi sau đó một cái gì đó đã xảy đến với cô – ma túy, đĩ điếm, một vụ tấn công hay thuần túy một tai nạn.

Về phần ông, Vanger cũng tin rằng Harriet đã bị giết chết và một thành viên gia đình chịu trách nhiệm về chuyện này – có thể cộng tác với một người nào khác. Lý lẽ của ông dựa trên việc Harriet đã mất tích trong cơn hoang mang vào giữa lúc hòn đảo bị cắt ra với đất liền và mọi con mắt đều bận hướng vào vụ tai nạn.

Berger đã đúng khi nói: Nếu như anh có mục đích tìm ra bí mật của một vụ án mạng, thì khi nhận lấy nhiệm vụ đó, đầu óc anh đã mất bình thường rồi. Nhưng Blomkvist bắt đầu thấy số phận của Harriet đóng vai trò trung tâm trong gia đình, và đặc biệt với Henrik Vanger. Bất kể đúng hay sai, các lời kết tội của Vanger đối với họ hàng đều có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử gia đình. Sự kết tội đã được đưa ra công khai trong hơn ba chục năm, nó đã gia thêm màu sắc cho các cuộc tụ họp gia đình cũng như khơi dậy những thù oán độc địa, những cái góp phần làm cho tập đoàn Vanger mất ổn định. Một nghiên cứu về việc Harriet mất tích sẽ giống như một chương hoàn toàn riêng biệt, cũng như cung cấp một sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử gia đình và một lượng dồi dào về tư liệu gốc. Harriet có là việc đầu tiên của anh hay không, liệu anh có viết mau lẹ để làm xong một biên niên gia đình hay không thì điểm xuất phát vẫn cứ cần là phải dựng nên một loạt các nhân vật. Đây là lý do chính vì sao anh đã chuyện trò rất lâu với Vanger ngày hôm đó.

Gia đình gồm khoảng một trăm người, tính cả con cái của các anh chị em họ bậc một lẫn anh chị em họ bậc hai. Gia đình lớn rộng đến nỗi anh phải tạo ra một cơ sở dữ liệu trong iBook của mình. Anh dùng chương trình NotePad ( www.ibrium.se), một trong những sản phẩm đầy giá trị mà hai người ở đại học Kỹ thuật Hoàng gia đã tạo ra và phát hành như chương trình tự nguyện miễn phí trên Internet. Một phần chương trình của nó cũng có ích cho một nhà báo điều tra. Mỗi thành viên trong gia đình lại có phần tư liệu của bản thân lấy ra từ trong cơ sở dữ liệu.

Dòng họ có thể được vạch ngược lên tới đầu thế kỷ mười sáu, khi tên gọi còn là Vangeersad. Theo Vanger, tên này có thể bắt nguồn từ họ Geerstat của Hà Lan; nếu đúng là thế thì có thể vạch lui dòng họ lại tới thế kỷ mười hai.

Thời hiện đại, gia đình đến ở miền Bắc nước Pháp, đầu thế kỷ mười chín, tới Thụy Điển cùng với Quốc vương Jean Baptiste Bernadotle. Alexandre Vangeersad là một người lính và tuy không quen biết nhà vua nhưng ông đã nổi lên như một người đứng đầu giỏi giang của một doanh trại. Năm 1818 ông được cấp phong vùng đất Hedeby như một phần thưởng cho sự phục vụ nhà vua. Alexandre cũng có tài sản của mình, ông lấy nó để mua những khoảnh đất rừng rộng lớn ở Norrland. Con trai ông, Adrian, sinh ở Pháp nhưng theo yêu cầu của bố đã chuyển đến Hedeby, tại khu vực hẻo lánh của Norrland kia, xa cách các phòng khách sang trọng ở Paris để tiếp nhận lấy việc cai quản đất đai cơ nghiệp. Ông làm nghề rừng và nghề nông, áp dụng các phương pháp mới nhập từ châu Âu. Và ông lập nhà máy bột giấy và giấy, Hedestad chính là đã được xây dựng lên ở xung quanh nó.

Cháu trai của Alexandre tên là Henrik đã rút ngắn tên mình lại thành Vanger. Ông mở giao thương với Nga, tạo ra một hạm tàu buôn nhỏ gồm những thuyền buồm để phục vụ vùng Baltic và Đức, cũng như nước Anh với công nghiệp thép của nó hồi giữa những năm 1800.

Vị Henrik cao niên ấy đã đa dạng hóa các xí nghiệp của gia đình và lập ra một doanh nghiệp mỏ khiêm tốn cũng như vài công nghiệp thép đầu tiên của Norrland. Ông rời hai người con trai, Birger và Gottfried, họ đã là những người đặt nền móng cho sự nghiệp tài chính của gia tộc Vanger.

- Anh có biết luật thừa kế cổ tí nào không? – Vanger hỏi.

- Không.

- Tôi cũng lơ mơ nốt. Theo truyền thống gia đình, Birger và Gottfried đã chiến đấu như cọp – họ lừng tiếng là dân cạnh tranh cho quyền lực và ảnh hưởng vì chuyện làm ăn của gia đình. Đấu tranh cho quyền lực đã đe dọa chính ngay cả sự sống còn của công ty ở nhiều mặt. Vì lý do ấy, ngay trước khi bố chết, họ đã quyết định đặt ra một hệ thống theo đó tất cả thành viên trong gia đình sẽ nhận được một phần thừa kế - một cổ phần – trong doanh nghiệp. Dụng ý này tốt, điều này không phải nghi ngờ, nhưng nó dẫn tới một tình hình là lẽ ra có thể đưa người có tài và những đối tác tiềm năng từ bên ngoài vào thì chúng tôi có một ban lãnh đạo chỉ gồm toàn thành viên gia đình.

- Và nay còn áp dụng?

- Đúng. Nếu một thành viên gia đình muốn bán cổ phần của mình thì cổ phần ấy phải ở trong gia đình. Hiện nay hội nghị hàng năm của các chủ đồng sở hữu gồm có 50% thành viên gia đình. Martin nắm hơn 10% các cổ phần này, tôi có 5% sau khi bán một số của tôi cho Martin cùng mấy người khác.Ông anh Harald của tôi sở hữu 7% nhưng những người đến hội nghị cổ đông thì phần lớn chỉ sở hữu 1% hoặc 0,5% thôi.

- Nghe cái kiểu cứ như thời trung cổ ấy.

- Nó lố. Có nghĩa là bây giờ nếu Martin muốn đưa ra một chính sách nào đó, nó sẽ phải mất thì giờ “Vận động hành lang” để bảo đảm có ít nhất 20 đến 25% cổ đông ủng hộ. Đây là mảnh chăn chắp vá, gá ghép của các liên minh, bè phái và mưu mẹo.

Vanger tóm tắt lịch sử lại:

- Gottfried chết năm 1901 không có con cái. Hay đúng hơn, xin tha lỗi cho tôi, ông là bố của bốn đứa con gái, nhưng ngày ấy con gái thật sự không được đếm xỉa. Họ sở hữu cổ phần nhưng đàn ông trong gia đình mới là bận tâm về quyền sở hữu. Mãi đến lúc, vào thế kỷ hai mươi, phụ nữ giành quyền được đi bầu, họ mới được cho phép dự các đại hội cổ đông.

- Rất tự do.

- Không cần châm biếm. Lúc ấy khác. Muốn gì – Birger, em của Gottfried cũng có ba con trai: Johan, Fredrik và Gideon Vanger. Tất cả đều ra đời vào cuối thế kỉ mười chín. Chúng ta có thể lơ Gideon đi; ông ta bán cổ phần rồi di cư sang Mỹ. Vẫn có một nhánh của gia đình ở bên đó. Còn Johan và Fredrik Vanger thì đã làm cho công ty biến thành Tập đoàn Vanger hiện tại.

Vanger lấy ra một album ảnh, cho Blomkvist xem những bức ảnh trong gallery các nhân vật mà ông vừa nói tới. Các bức ảnh từ đầu những năm 1900 cho thấy hai người đàn ông với cái cằm nghị lực và tóc chải ém mượt xuống về đằng sau đang nhìn vào ống kính không hề hé ra cho lấy một nụ cười nào.

- Johan là thiên tài của gia đình. Là kỹ sư ông đã phát triển công nghiệp chế tạo với nhiều sáng chế mà ông đăng ký lấy bằng. Sắt và thép trở thành cơ sở của hãng nhưng kinh doanh cũng mở rộng sang nhiều địa hạt khác gồm cả dệt may. Johan Vanger chết năm 1956 và có ba con gái: Sofia, Marit và Ingrid, những người phụ nữ đầu tiên giành quyền tham dự hội nghị cổ đông. Người anh em khác, Fredrik, là bố tôi. Ông là một doanh nhân và là người lãnh đạo công nghiệp đã biến các sáng chế của Johan thành ra thu nhập. Bố tôi sống mãi đến năm 1964. Ông hoạt động tích cực trong quản lý công ty cho tới khi chết, tuy ông đã chuyển giao việc điều hành hàng ngày cho tôi vào giữa những năm 50 rồi. Đúng là giống thế hệ trước – nhưng ngược lại, Johan chỉ có con gái – Vanger cho Blomkvist xem các bức mấy phụ nữ thân thể vạm vỡ, đội mũ rộng vành và mang dù. – Còn Fredrik bố tôi lại toàn con trai. Chúng tôi có 5 anh em: Richard, Harald, Greger, Gustav và tôi.

Blomkvist đã vẽ cây dòng họ lên mấy tờ giấy A4 dán liền. Anh gạch dưới tên của tất cả những ai trên đảo Hedeby dự cuộc họp gia đình năm 1966, vậy là những ai, về lý thuyết có thể có ít nhất một cái gì đó dính dáng đến việc Harriet Vanger mất tích. Anh bỏ đi những trẻ dưới 12 tuổi – anh sẽ vẽ đám này ra một chỗ nào đó. Sau nhiều lần cân nhắc anh cũng bỏ Henrik Vanger ra. Nếu vị trưởng lão này có liên quan gì đó đến việc con gái của ông anh mất tích, thì hành động của ông trong 36 năm qua sẽ được cho là biểu hiện thần kinh không bình thường. Mẹ của ông, năm 1966 đã 81 tuổi, cũng có thể hợp lý đem loại trừ. Còn lại là 23 thành viên gia đình, những người mà theo Vanger, cần được gộp vào trong nhóm “nghi can”. Bảy trong số đó nay đã chết, nhiều người hiện cũng đã lên hàng lão đáng kính nể rồi.

Blomkvist không muốn chia sẻ niềm tin chắc nịch của Vanger rằng một thành viên gia đình đã đứng đằng sau vụ Harriet mất tích. Một số người khác cũng cần được cho thêm vào danh sách nghi can.

Dirch Frode bắt đầu làm việc với tư cách luật sư cho Vanger vào mùa xuân năm 1962. Và ngoài gia đình ra, ai là gia nhân khi Harriet “bốc hơi”? Gunnar Nilsson – có bằng chứng ngoại phạm hay không chưa nói rõ – thì mười chín tuổi, còn bố anh ta, Magnus thì gần như chắc chắn là có mặt trên Đảo Hedeby cũng như họa sĩ Norman; và mục sư Falk. Falk nữa, có vợ không? Chủ nông trại Aronsson ở OsterGarden, cùng con trai ông, Jerker Aronsson, sống ở trên đảo, khá gần với Harriet Vanger trong thời gian cô ta lớn lên – họ đã có quan hệ với nhau như thế nào? Aronsson vẫn có vợ? Vào lúc ấy còn những ai khác sống ở trại này?

FREDRIK VANGER

(1886-1964)

lấy Ulrika (1885 - 1969)

Richard (1907 - 1940)

Lấy Margareta (1906 - 1959)

Gottfried (1927 - 1965)

Lấy Isabella (1928 - )

Martin (1948 - )

Harriet (1950 - ?)

Harald (1911 - )

lấy Ingrid (1925 - 1992)

Birger (1939 - )

Cecilia (1946 - )

Anita (1948 - )

Greger (1912 - 1974)

lấy Gerda (1922 - )

Alexander (1946 - )

Gustav (1918 - 1955)

Không vợ, không con

Henrik (1920 - )

lấy Edith (1921 - 1958)

Không con

JOHAN VANGER

(1884 – 1956)

lấy Gerda (1888 - 1960)

Sofia (1909 - 1977)

Lấy Ake Sjogren (1906 - 1967)

Magnus Sjogren (1929 - 1994)

Lấy Sara Sjogren (1931 - )

Erik Sjogren (1951 - )

Hakan Sjogren (1955 -  )

Marit (1911 - 1988)

lấy Algot Gunther (1904 - 1987)

Ossian Gunther (1930 -)

lấy Agnes (1933 - )

Jacob Gunther (1952 - )

Ingrid (1916 - 1990)

lấy Harry Karlman (1912 - 1984)

Maria Karlman (1944 - )

Gunnar Karlman (1948 - )

Khi Blomkvist viết tất cả các tên, bản danh sách lên đến những 40 người. Đã 3 giờ 30 sáng và hàn thử biểu chỉ âm 6 độ F. Anh thèm cái giường của mình ở Bellmansgatan.

Anh bị người làm công ở Telia đến đánh thức. Đến 11 giờ, anh đã tỉnh hẳn và cảm thấy không còn ngỡ ngàng về nghiệp vụ nữa. Mặt khác, điện thoại của anh vẫn cứ ngoan cố im lìm. Anh thấy có lẽ cũng cần ương bướng và sẽ không gọi cho tòa soạn nữa.

Anh mở email, xem lướt 350 bức thư gởi anh trong tuần qua. Anh lưu hơn 10 cái, chỗ còn lại là thư rác và các chương trình thư điện anh thuê bao. Bức đầu tiên là từ : ĐỒ DÒI BỌ KHỐN NẠN, ĐỒ CON LỢN THỐI THA. Anh cho nó vào hồ sơ có tên “NHỮNG PHÊ BÌNH THÔNG MINH”.

Anh gởi cho Erika, chỉ để nói “Anh đã mở được Net, sẵn sàng liên lạc với em khi em tha thứ cho anh. Hedeby là một nơi thô mộc, đáng đến thăm. M.”. Khi thấy đã đến giờ ăn trưa, anh để iBook vào ba lô, và đi bộ đến quán Cà phê và bánh đầu cầu Susanne. Anh ngồi vào cái bàn ở góc quen thuộc. Đem cà phê và bánh kẹp thịt đến, Susanne tò mò nhìn vào máy tính của anh. Chị hỏi anh đang làm gì. Lần đầu tiên Blomkvist dùng đến câu chuyện hỏa mù che mắt. Họ đùa với nhau. Susanne giục anh, khi nào sẵn sàng nói thật được thì nhớ nói với chị một tiếng.

- Phục vụ Vanger đã ba mươi lăm năm, tôi biết phần lớn những đồn đại về gia đình này. – Chị nói rồi lệnh khệnh đi vào bếp.

Với đám con, cháu, chắt mà anh không ngại cho gộp vào, hiện nay gia đình anh em Fredrik và Johan có xấp xỉ 50 người còn sống. Gia tộc này co xu hướng sống thọ. Fredrik sống đến bảy mươi tám, còn em của ông, Johan, thì bảy mươi hai. Trong các con của Fredrik đang còn sống, Harald chín mươi hai và Henrik tám mươi hai.

Ngoại lệ duy nhất là Gustav, chết vì bệnh phổi ở tuổi ba mươi bảy. Vanger giải thích rằng Gustav luôn ốm đau và đã đi con đường của ông ấy, không bao giờ thật sự hòa hợp với đám còn lại của gia đình. Ông ấy không lấy vợ và không có con.

Những người chết non khác thì đổ quỵ vì những yếu tố khác chứ không phải vì bệnh tật. Richard Vanger bị giết trong chiến tranh mùa đông khi mới ba mươi ba. Gottfried Vanger, bố của Harriet, chết đuối năm trước năm cô mất tích. Harriet thì mới mười sáu. Mikael ghi lại nét đối xứng kỳ lạ trong cái nhánh đặc biệt này của gia đình – ông, bố, con gái, tất cả đều gặp phải bất hạnh. Người con còn lại duy nhất của Richard là Martin, người đến năm mươi tư tuổi vẫn chưa lấy vợ. Nhưng Vanger giải thích rằng cháu ông thật sự là ở ẩn với một người phụ nữ đang sống ở Hedestad.

Blomkvist ghi lại hai yếu tố ở trong gia đình này. Thứ nhất là không có Vanger nào trong gia đình này đã li hôn hay tái hôn, ngay cả khi vợ của họ chết trẻ. Anh nghĩ điều này thông thường thôi, theo như các thống kê. Cecilia Vanger đã li thân với chồng trong nhiều năm, nhưng bề ngoài họ vẫn là vợ chồng.

Nét đặc biệt khác là trong khi con cái của Fredrik Vanger, kể cả Henrik đều đóng vai trò lãnh đạo trong doanh nghiệp và ban đầu sống tại hoặc gần Hedestad, thì nhánh gia đình của Johan Vanger, chỉ đẻ ra toàn con gái, lại đều kết hôn và phân tán đến Stockholm, Malmo, và Goteborg hoặc nước ngoài. Và họ chỉ đến Hedestad vào mùa hè hay các cuộc họp gia đình quan trọng hơn. Ngoại lệ duy nhất là Ingrid Vanger có con trai là Gunnar Karlman, lại sống ở Hedestad. Gunnar Karlman là tổng biên tập của tờ Hedestad Courier.

Suy nghĩ như một thám tử tư, Blomkvist cho rằng động cơ ẩn bên dưới việc giết Harriet có thể tìm ra ở trong cấu trúc của công ty – việc ngay từ đầu Henrik Vanger đã cho biết Harriet là đặc biệt với ông; động cơ có thể là để hành ngay chính bản thân Vanger, hay có thể Harriet đã phát hiện ra vài ba thông tin nhạy cảm liên quan đến công ty, do đó trở thành mối đe dọa của một ai đó. Đây chỉ thuần túy là suy diễn; nhưng bằng cách này anh đã nhận dạng ra được một nhóm gồm 13 cá nhân mà anh coi là có tầm quan trọng tiềm năng.

Câu chuyện của Blomkvist với Vanger hôm trước đã làm sáng tỏ ra một điểm khác. Từ đầu, ông già đã nói với Blomkvist về rất nhiều thành viên của gia đình ông bằng cái giọng khinh rẻ và bêu xấu. Anh sửng sốt về điều này. Blomkvist nghĩ sự nghi ngờ của vị trưởng lão về gia đình ông liệu đã có làm méo mó đi mất phán xét của ông đối với việc Harriet mất tích hay không, nhưng nay anh bắt đầu nhận thấy Vanger đã có một đánh giá đúng mức khiến cho anh phải ngạc nhiên.

Qua hình ảnh đang nổi lên, anh thấy một gia đình thành đạt về xã hội và tài chính nhưng lại bị vẹo vọ khá rõ ở mọi phương diện thông thường khác.

Bố của Henrik Vanger là một người lạnh lùng, dửng dưng cho lũ con ra đời rồi để mặc cho vợ trông nom chúng cùng với hạnh phúc gia đình. Cho đến tuổi mười sáu, đám trẻ vẫn ít khi thấy bố trong những dịp gia đình hội họp, đặc biệt chúng được yêu cầu có mặt, nhưng nào có gặp ông bố. Henrik không nhớ nổi một vẻ yêu thương nào, dù là nhỏ nhất ở bố ông. Trái lại, người con thường được dạy rằng mình bất tài, thường thấy mình là mục tiêu của những lời phê phán. Ít dùng đến trừng phạt thân xác; chuyện đó không cần. Muộn mằn mãi sau này, qua các thành công với Tập đoàn Vanger, anh con trai mới được bố nể trọng.

Người anh cả đã nổi loạn. Sau một phen cãi cọ - mà lý do vì sao thì gia đình không được bàn đến – anh con trai chuyển đến học ở Uppsala. Ở đây các hạt giống của sự nghiệp quốc xã đã được gieo xuống, chuyện này Vanger đã nhắc đến, rồi cuối cùng là dẫn tới các chiến hào ở Phần Lan. Điều mà ông già trước đây không nói, là hai người anh khác cũng có sự nghiệp giống y như vậy.

Năm 1930, theo bước chân Richard, Harald và Greger đến Uppsala. Hai người thân nhau nhưng Henrik không dám chắc họ đã sống như thế nào với Richard. Khá rõ là mấy anh em đều gia nhập phong trào phát xít Per Engdahl, Nước Thụy Điển Mới. Harald trung thành theo Per Engdahl trong nhiều năm, đầu tiên với Liên hiệp Quốc gia Thụy Điển, cuối cùng sau chiến tranh thì với Phong trào Thụy Điển Mới. Harald tiếp tục là Đảng viên cho tới những năm 90 khi Engdahl chết, trong một số thời kỳ nhất định ông đã là một trong những người đóng góp chủ chốt vào phong trào phát xít trùm chăn nằm im của Thụy Điển.

Học y ở Uppsala, Harald Vanger gần như ngay lập tức nhập bọn với đám người bị ám ảnh với các thứ vệ sinh chủng tộc, sinh học chủng tộc. Harald làm việc ở viện Sinh học chủng tộc Thụy Điển một thời gian; là bác sĩ, ông trở thành một nhà vận động hàng đầu cho việc loại bỏ những người không hoàn hảo trong đám dân chúng.

Trích Henrik Vanger, băng 2, 02950:

Harald còn đi xa hơn. Năm 1937, với một cái tên giả, cảm ơn Chúa, ông viết chung một quyển sách tên là Châu Âu mới của Nhân dân. Mãi tới những năm 70, tôi mới tìm ra nó. Tôi có một bản mà anh có thể đọc. Chắc nó là một trong những quyển sách đáng ghét nhất từng được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển. Harald không chỉ bênh vực cho việc loại bỏ mà còn cho cả việc cho phép tự ý chết- tích cực kết án chết những người vi phạm vào các thị hiếu mỹ học của ông cũng như không phù hợp với hình ảnh của ông về chủng tộc Thụy Điển hoàn hảo. Nói cách khác, trong một bản văn được viết bằng thứ văn xuôi kinh viện không thể chê vào đâu được và mang đầy đủ các luận cứ y học cần thiết, ông đã kêu gọi giết người hàng loạt. Trừ bỏ những ai bị khuyết tật. Không cho dân Saami sinh sôi; họ chịu ảnh hưởng Mông Cổ. Những người bị bệnh tâm thần sẽ coi cái chết như là một hình thức giải phóng, họ có coi như thế không? Những phụ nữ buông tuồng, những kẻ lang thang, những người Gi1pxi và người Do Thái – cậu có thể tưởng tượng ra họ. Trong các hoang tưởng của anh tôi, trại giết người Auschwiz có thể được đặt ở Dalarna.

Sau chiến tranh, Greger là giáo viên trường trung học cơ sở và cuối cùng là hiệu trưởng của trường dự bị đại học Hedestad. Henrik nghĩ sau chiến tranh ông ta không còn thuộc đảng phái nào và đã từ bỏ Quốc xã. Ông chết năm 1974 và mãi tới khi đọc hết thư tín của ông anh, Henrik mới được biết trong những năm 50, Greger đã gia nhập cái nhóm vô tích sự về chính trị nhưng hoàn toàn lập dị có tên là Đảng Quốc gia Bắc Âu. Ông là hội viên của nó cho tới khi chết.

Trích, Henrik Vanger băng 2, 04167:

Kết quả là ba ông anh tôi đều bệnh hoạn về chính trị. Ở các mặt khác họ bệnh hoạn như thế nào?

Người anh duy nhất đáng được phần nào thông cảm trong con mắt Henrik là Gustav quặt quẹo chết năm 1955 vì bệnh phổi. Gustav chẳng bao giờ quan tâm đến chính trị, ông ta hình như có một kiểu tâm hồn nghệ sĩ, không thích con người, không hề quan tâm chút nào đến kinh doanh hay làm việc trong Tập Đoàn Vanger.

Blomkvist hỏi Vanger:

- Nay còn lại có ông và Harald , vậy tại sao ông ấy lại chuyển về Hedeby?

- Anh ấy chuyển về nhà năm 1979. Anh ấy sở hữu cái nhà đó.

- Lạ nhỉ, sao ông lại sống gần người anh mà mình không ưa đến vậy?

- Tôi không ghét anh tôi. Tôi thương anh ấy. Anh ấy ngu ngốc hoàn toàn, anh ấy ghét tôi.

- Ông ấy ghét ông?

- Đúng, tôi nghĩ đó là lý do tại sao anh tôi trở lại đây. Để cho những năm cuối cùng còn sống anh ấy được ghét tôi một cách trực diện.

- Tại sao ông ấy ghét ông?

- Vì tôi lấy vợ.

- Tôi nghĩ chỗ này là ông sẽ cần phải giải thích đây nha.

Henrik thôi tiếp xúc với các ông anh đã lâu. Ông là người duy nhất cho thấy thích nghi với việc kinh doanh làm ăn – ông là hy vọng cuối cùng của ông bố. Ông không thích chính trị và tránh xa Uppsala. Thay vào đó, ông học ở Stockholm. Sau khi đã mười tám tuổi, mỗi kỳ nghỉ hay mùa hè, ông đều làm việc ở một trong các văn phòng của tập đoàn Vanger hay làm công việc quản lý ở một trong các công ty của nó. Ông trở nên quen thuộc với mọi ngóc ngách mê cung của doanh nghiệp gia đình.

Ngày 10 tháng 6 năm 1941, vào giữa chừng một cuộc chiến tranh tổng lực, Henrik được cử đi Đức sáu tuần xem xét các văn phòng kinh doanh của Tập đoàn Vanger tại Hamburg. Ông mới hai mươi mốt, và người đại diện của Tập đoàn Vanger tại Đức, một thành viên kỳ cựu trong công ty, Hermann Lobach là người đi kèm và cố vấn của ông.

- Tôi sẽ không làm anh mệt vì mọi chi tiết, nhưng khi tôi đến đó, Hitler và Stalin vẫn là bạn tốt của nhau và chưa có Mặt trận phía Đông. Ai cũng tin Hitler là không thể bại. Có một cảm giác vừa lạc quan lại vừa thất vọng. Tôi nghĩ những chữ ấy rất chính xác. Hơn nửa thế kỷ sau, vẫn khó nói đúng với tâm trạng đó. Đừng hiểu lầm tôi – tôi không là một tay Quốc xã, trong mắt tôi Hitler nom vẻ như một nhân vật bé nhỏ trong một màn kịch con con. Nhưng gần như không thể không bị nhiễm phải cái nhìn lạc quan về tương lai đang tràn ngập ở trong đám thường dân tại Hamburg. Mặc dù sự thật là chiến tranh đang gay gắt hơn, nhiều trận bom đã ném xuống Hamburg trong thời gian tôi ở đó, dân chúng hình như đều nghĩ, quá lắm thì chuyện này chỉ là một phiền toái tạm thời – sớm sẽ hòa bình, Hitler sẽ thành lập Châu Âu mới của ông ta. Dân thích tin rằng Hitler là Thượng đế. Cái này nghe y hệt như tuyên truyền.

Vanger mở ra một trong nhiều quyển album ảnh.

- Đây là Lobach. Ông ta biến mất năm 1944, bị cho là mất tích trong một trận ném bom. Trong mấy tuần ở Hamburg, tôi trở thành ra thân với ông ta, sống với ông và gia đình ở một ngôi nhà lịch sự trong vùng lân cận giàu có của Hamburg. Ngày ngày, chúng tôi ở cùng nhau. Ông ta chả có gì là Quốc xã hơn tôi nhưng để cho làm ăn dễ dàng, ông đã vào đảng. Cái thẻ đảng này mở các cánh cửa và tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho tập đoàn Vanger – mà kinh doanh thì đúng là việc chúng tôi đang làm. Chúng tôi đóng toa chở hàng cho các xe lửa của họ - tôi đã luôn nghĩ liệu có toa nào của chúng tôi được nhằm đưa đến Ba Lan không. Chúng tôi bán vải vóc để may quân phục và đèn điện tử cho radio – tuy chúng tôi không biết họ dùng những thứ đó vào chuyện gì. Lobach thì biết cách tìm ra hợp đồng; ông ta dễ được lòng và bản tính tốt. Một người theo chủ nghĩa Quốc xã hoàn hảo. Dần dần, tôi bắt đầu thấy ông cũng là một người đang tuyệt vọng cố giấu đi một bí mật. Trong những giờ phút đầu tiên của ngày 22 tháng 6 năm 1941, Lobach gõ cửa buồng ngủ của tôi. Buồng tôi ở cạnh buồng vợ ông, ông ra hiệu tôi im lặng, mặc quần áo vào và đi với ông. Chúng tôi xuống gác, vào ngồi ở phòng khách hút thuốc. Lobach đã thức cả đêm. Ông mở radio, tôi nhận thấy một điều nghiêm trọng nào đó sắp xảy ra. Chiến dịch Barbarossa đã bắt đầu. Đức đã xâm chiếm Liên xô vào đêm trước Hạ chí, - Vanger phác một cử chỉ nhẫn chịu. – Lobach lấy ra ba cái cốc, rót đầy rượu aquavit cho mỗi chúng tôi. Ông ta rõ ràng xúc động. Tôi hỏi thế này có nghĩa là gì, thì với cái đầu nhìn trước được mọi thứ, ông đáp lại rằng đây có nghĩa là kết thúc của Đức và Quốc xã. Tôi chỉ tin ông có một nửa – Dầu sao Hitler vẫn có vẻ là không thể chiến bại – nhưng chúng tôi đã uống rượu mừng cho sự sụp đổ của nước Đức. Rồi ông chuyển chú ý sang những vấn đề thực tiễn hơn.

Blomkvist gật đầu tỏ ý vẫn nghe.

- Thoạt tiên, không có khả năng liên lạc với bố tôi để xin chỉ thị, nhưng theo sáng kiến của Lobach, ông quyết định dừng ngay chuyến thăm Đức của tôi và cử tôi về nhà. Thứ hai, ông yêu cầu tôi làm một việc gì đó cho ông.

Vanger chỉ vào bức chân dung ba phần tư mặt đã ố của một phụ nữ tóc vàng.

- Lobach lấy vợ đã bốn mươi năm nhưng năm 1919, ông gặp một phụ nữ đẹp theo kiểu man dại bằng nửa tuổi ông và ông đã vô vọng mà phải lòng cô ta. Cô ấy là một thợ may nghèo, đơn giản. Lobach tán tỉnh và như quá nhiều đàn ông giàu có khác, ông cho cô ấy sống trong một căn hộ cách văn phòng ông một khoảng vừa phải. Cô thành người tình của ông. Năm 1921, cô ấy sinh một con gái, mang tên thánh Edith.

- Người đàn ông giàu, người phụ nữ nghèo và một đứa con của tình yêu – những cái không thể gây ra nhiều tai tiếng trong những năm 40, - Blomkvist nói.

- Hoàn toàn chính xác. Nếu như không vướng một điều. Người đàn bà ấy là người Do Thái, do đó Lobach là bố của một người Do Thái lại ở đúng cái nước Đức Quốc xã. Ông bị họ gọi là một “kẻ phản bội lại giống nòi”.

- A… cái này khiến tình hình thay đổi đi đây. Đã xảy ra chuyện gì?

- Mẹ của Edith bị dẫn đi năm 1939 và mất tích, chúng tôi chỉ có thể đoán được số phận bà ra sao thôi. Dĩ nhiên được biết cô con gái bà chưa bị liệt vào danh sách đem đi tập trung, người mà bây giờ sở cảnh sát Gestapo lùng tìm, việc của họ là mò ra những người Do Thái chạy trốn. Mùa hè năm 1941, tuần mà tôi đến Hamburg, mẹ của Edith không hiểu sao lại liên hệ được với Lobach, và ông đã bị gọi đi thẩm vấn. Ông nhận có mối quan hệ kia và có con, nhưng ông nói ông không biết con gái ông hiện đang ở đâu và ông không hề có liên lạc với nó từ mười năm nay.

- Vậy cô con gái ở đâu?

- Ở nhà Lobach, ngày nào tôi cũng thấy cô ta. Một cô gái 20 tuổi dịu dàng êm ả. Dọn dẹp buồng tôi và giúp nấu bữa ăn tối. Vào năm 1937, việc khủng bố người Do Thái đã được tiến hành nhiều năm và mẹ Edith đã cầu xin Lobach giúp đỡ. Ông đã giúp – Lobach yêu đứa con bất hợp pháp cũng ngang những đứa con hợp pháp của ông. Ông giấu cô ở một nơi không ngờ nhất mà ông có thể nghĩ ra – ngay ở trước mũi của mọi người. Ông đã cố có được các tư liệu giả mạo và ông lấy cô vào làm người trông nom nhà cửa.

- Vợ ông có biết cô ấy là ai không?

- Không, hình như bà ấy không biết. Chuyện đã trót lọt được bốn năm nhưng nay Lobach cảm thấy cái dây thòng lọng đang thít lại. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi Gestapo đến gõ cửa. Lúc ấy ông đem con gái đến giới thiệu với tôi. Cô ấy rất ngượng, không dám nhìn cả vào mắt tôi. Cô chắc đã phải thức mất nửa đêm để chờ gọi đến. Lobach cầu van tôi cứu mạng cô.

- Thế rồi sao?

- Ông ấy xếp đặt mọi việc. Tôi được bảo ở lại ba tuần nữa rồi bắt chuyến tàu đêm đi Copenhagen, đi tiếp bằng phà qua eo biển – một chuyến đi tương đối an toàn trong thời chiến. Nhưng sau hôm chúng tôi nói chuyện hai ngày, một tàu chở hàng của tập đoàn Vanger phải rời Hanburg đi Thụy Điển. Lobach muốn cử tôi không chậm trễ đi cùng con tàu chở hàng này để rời Đức. Việc thay đổi kế hoạch đi của tôi đã được sở An ninh bằng lòng; nó là một thủ tục, không phải là một vấn đề. Nhưng Lobach muốn tôi lên con tàu này.

- Cùng với Edith, tôi chắc thế.

- Edith đã được đưa lậu lên tàu, giấu trong một trong ba trăm cần cẩu chứa máy móc. Việc của tôi là bảo vệ cô và không để cho thuyền trưởng làm điều gì ngu xuẩn nếu cô bị lộ khi còn ở vùng biển của Đức.Nói khác đi là tôi được bảo chờ cho tới khi đã ở khá xa nước Đức mới đưa cô ra khỏi chỗ nấp.

- Nghe thật đáng sợ.

- Thoạt nghe thấy đơn giản, nhưng hóa ra lại là một chuyến đi ác mộng. Thuyền trưởng tên là Oskar Granath, còn lâu ông ta mới bằng lòng chịu trách nhiệm về thằng oắt tì con thừa kế của ông chủ hãng tàu. Chúng tôi rời Hamburg vào khoảng 9 giờ tối, cuối tháng Sáu. Chúng tôi đang trên đường ra khỏi cảng trong thì còi báo động không kích rú lên. Một trận bom của Anh – trận nặng nhất tôi từng trải qua và bến cảng dĩ nhiên là mục tiêu chính. Nhưng chả hiểu sao chúng tôi đã qua thoát và sau một vụ máy bị hỏng và một đêm giông bão trong vùng nước đầy mìn, chiều hôm sau chúng tôi đến Karlskrona. Chắc anh sẽ hỏi tôi cô gái rồi ra sao.

- Tôi nghĩ là tôi biết.

- Dễ hiểu là bố tôi đã điên tiết lên. Tôi đã liều mọi thứ vì câu chuyện mạo hiểm ngu ngốc của tôi. Mà cô gái thì có thể bị trục xuất ra khỏi Thụy Điển bất cứ lúc nào. Nhưng như Lobach với mẹ cô ấy ngày xưa, tôi cũng vô vọng yêu mất cô ấy. Tôi ngỏ lời với cô ấy và đưa ra một tối hậu thư cho bố tôi – hoặc bố chấp nhận hôn nhân này hoặc bố tìm một con bò béo ú khác ra mà trông nom công việc làm ăn của gia đình. Bố tôi đã chấp nhận.

- Nhưng bà ấy chết?

- Đúng, quá trẻ, vào năm 1958. Cô ấy bị khuyết tật tim bẩm sinh. Thế nên tôi không có con được. Và đó là lý do tại sao anh tôi ghét tôi.

- Vì ông đã lấy bà ấy.

- Vì, dùng đúng chữ của anh tôi thì tôi đã lấy một con đĩ Do Thái.

- Thế thì ông ấy điên.

- Tôi không tài nào nói hay được hơn anh nữa đâu.

--------------------------------
1

Vào ngày 6 tháng Giêng, Giáo hội Kitô giáo thường làm lễ tưởng niệm ngày sinh của Chúa và cuộc viến thăm của các Vua pháp sư

Chương 10

Thứ Năm, 9 tháng Giêng
Thứ Sáu, 31 tháng Giêng

Theo tờ Hedestad Courier, cái tháng đầu tiên Blomkvist tới vùng đồng quê cũng là tháng rét nhất theo mọi người còn nhớ hay (như Vanger báo với anh) ít nhất từ mùa đông thời chiến tranh năm 1942. Sau một tuần ở Hedeby anh đã học được phải mặc quần áo nịt dài, bít tất len và áo sơ mi kép ở trong như thế nào.

Anh đã có mấy ngày thê thảm vào giữa tháng khi nhiệt độ tụt xuống âm 35 độ F. Anh chưa từng trải qua như thế bao giờ, ngay cả những năm anh sống ở Kiruna tại Lapland làm nghĩa vụ quân sự.

Một sáng, ống nước bị đóng băng. Nilsson cho anh hai thùng nước to bằng chất dẻo để đun nấu và rửa ráy nhưng cái rét đã làm cho tê cóng tất cả lại. Những bông hoa băng hiện lên trên ô cửa kính và bất kể bao nhiêu gỗ vào lò, anh vẫn cứ rét. Anh bỏ ra nhiều thì giờ bổ củi ở cái lán cạnh nhà.

Đôi lúc anh đã toan khóc và đùa với ý nghĩ bắt đầu chuyến tàu đầu tiên về nam. Thay vì anh lại mặc thêm áo len và quấn một cái chăn khi ngồi vào bàn bếp, uống cà phê và đọc các báo cáo của cảnh sát.

Rồi thời tiết cũng thay đổi, nhiệt độ vọt lên 14 độ F.

Mikael đang bắt đầu làm quen với mọi người ở Hedeby. Martin Vanger giữ lời hứa, mời anh một bữa bít tết nai sừng tấm. Bà bạn gái của Martin cũng đến ăn tối với họ. Eva là một phụ nữ đầm ấm, chan hòa và vui vẻ. Blomkvist thấy bà hấp dẫn lạ thường. Bà là một phụ nữ có nhan sắc, sống ở Hedestad nhưng qua những ngày cuối tuần ở nhà Martin. Dần dần Blomkvist biết hai người đã gặp gỡ nhau đã nhiều năm nhưng chỉ đến khi ở tuổi trung niên thì họ mới đi ra ngoài cùng nhau. Rõ ràng họ không thấy lý do gì khiến cho phải kết hôn.

- Bà ấy là bác sĩ thực sự của tôi. – Martin cười to và nói.

- Mà vào cái nhà điên điên khùng khùng này để lấy chồng thì thật sự không phải điều tôi mong. – Eva nói, vỗ vỗ Martin đang âu yếm quỳ bên.

Biệt thự của Martin Vanger bày đồ nội thất đen, trắng và mạ kền. Có những miếng mẫu thiết kế đắt tiền có thể làm cho Christer Malm sành sỏi khoái trá. Trong phòng sinh hoạt, có một dàn máy nghe stereo siêu cấp với một bộ sưu tập ghê gớm những đĩa jazz từ Tommy Dorsey đến John Coltrane. Martin Vanger có tiền, nhà của anh vừa sang lại vừa hữu dụng. Nó cũng không mang hơi hướng cá nhân. Các tranh nghệ thuật trên tường là các bản sao hay tranh quảng cáo, kiểu thường tìm thấy ở IKEA. Các giá sách, ít ra ở chỗ mà Blomkvist trông thấy ở đây, để một bộ bách khoa toàn thư Thụy Điển và một số sách ở bàn cà phê có thể là quà tặng Noel, vì chắc người ta chẳng biết tặng món gì hay hơn. Tóm lại, anh có thể nhận ra hai phương diện cá nhân trong đời sống Martin: âm nhạc và nấu nướng. Máy quay đĩa 3000 vòng một phút hay hơn thế của anh ta nói hộ cho cái nhận xét thứ hai là có thể suy ra từ cái bụng xệ của Martin.

Bản thân con người này là một pha trộn của giản dị, hiểu biết và hòa nhã. Không cần có tài phân tích đủ kết luận rằng vị CEO của tập đoàn là một người có vấn đề. Nghe Đêm Tunisia nhưng chuyện của họ lại dành cho Tập đoàn Vanger và Martin chả giấu diếm gì rằng công ty đang phải chiến đấu để sống sót. Anh chắc biết khách của anh là một phóng viên tài chính, anh ít biết tiếng, nhưng anh công khai bàn các vấn đề nội bộ đến mức như có vẻ bất cần. Chắc anh cho rằng Blomkvist là người trong gia đình do chỗ của anh ta làm việc cho ông chú vĩ đại của anh ta, và giống như vị CEO trước, Martin chấp nhận quan điểm cho rằng tình hình công ty như hiện nay thì chỉ các thành viên gia đình đáng phải chịu quở trách. Mặt khác, anh gần như có vẻ thú vị với căn bệnh rồ dại không thể chữa trị của gia đình. Eva gật đầu nhưng không đưa ra phán xét nào. Rõ ràng trước đó họ đã có cùng một lập trường giống nhau.

Martin chấp nhận chuyện mướn Blomkvist để viết biên niên của gia đình; anh hỏi công việc tiến hành ra sao, Blomkvist mỉm cười nói với anh khó khăn nhất là nhớ tên các thành viên họ hàng. Anh hỏi liệu có thể trở lại để phỏng vấn đúng như đã quy định không. Hai lần anh quay câu chuyện sang nỗi ám ảnh của ông già về việc Harriet mất tích. Henrik chắc đã quấy nhiễu ông anh của Harriet bằng những lý luận của mình và Martin chắc phải nhận ra rằng nếu Blomkvist viết về nhà Vanger thì không thể nào lại không biết chuyện một thành viên gia đình đã biến mất trong hoàn cảnh thật bi thảm. Nhưng không thấy dấu hiệu Martin muốn bàn đến vấn đề này.

Sau vài chầu vodka, buổi tối kết thúc vào lúc 2 giờ sáng. Blomkvist khá chuếnh choáng khi ngật ngưỡng qua ba trăm mét đến nhà khách. Đây là một buổi tối vui.

Một buổi chiều trong tuần thứ hai Blomkvist ở Hedeby, có tiếng gõ cửa. Anh gạt tập hồ sơ báo cáo của cảnh sát anh vừa mở sang bên - cặp thứ sáu trong cả loạt – đóng cửa phòng làm việc lại rồi ra mở cửa bên ngoài cho một phụ nữ tóc vàng quấn kín mít để chống rét.

- Chào, tôi chỉ nghĩ là đến chào. Tôi là Cecilia Vanger.

Họ bắt tay nhau và anh mang tách cà phê ra. Con gái của Harald Vanger, Cecilia có vẻ là một phụ nữ cởi mở, cuốn hút. Blomkvist nhớ lại Henrik đã nói về chị với giọng tán thưởng; ông cũng nói hai bố con nhà này tuy là hàng xóm mà không hợp nhau. Họ cà kê một lúc rồi Cecilia nói lý do vì sao đến.

- Tôi biết anh đang viết một quyển sách về gia đình. - Chị nói. - Chắc chắn là tôi không quan tâm đến việc đó. Tôi chỉ muốn xem anh là như thế nào.

- À vâng, Henrik Vanger mướn tôi. Đây là chuyện của ông ấy, hãy cứ coi là như thế.

- Và đối với gia đình thì đúng là thái độ của chú Henrik hiền lành của chúng tôi không được trung lập.

Blomkvist xem xét Cecilia, không biết chị đang muốn nhằm tới điều gì.

- Chị phản đối viết một quyển sách về gia đình Vanger?

- Tôi không nói như thế. Và tôi nghĩ thế nào thì điều ấy thật sự không quan trọng. Nhưng bây giờ chắc anh cũng đã nhận thấy là làm thành viên của gia đình này không phải đều luôn luôn suôn sẻ.

Blomkvist không hiểu Henrik đã nói gì về mình hay Cecilia đã biết đến đâu về công việc của anh. Anh chìa hai tay ra.

- Tôi được chú chị mướn để viết một biên niên của gia đình. Ông ấy có một vài nhìn nhận rất sinh động về các thành viên gia đình nhưng tôi chỉ được cho biết những gì có thể lấy ra làm tư liệu.

Cecilia cười nhạt.

- Điều tôi muốn biết là khi quyển sách ra mắt thì liệu tôi có phải sống lưu đày hay di cư không thôi.

- Tôi không mong đợi thế. – Blomkvist nói. - Người ta sẽ phân biệt được dê với cừu.

- Như bố tôi chẳng hạn.

- Bố chị, một đảng viên Quốc xã nổi tiếng ấy ư?

Cecilia Vanger tròn xoe mắt lên.

- Bố tôi điên mà. Mỗi năm tôi chỉ gặp ông ấy vài lần.

- Tại sao chị không muốn gặp ông ấy?

- Khoan - trước khi anh hỏi một lô một lốc... Anh có định trích dẫn bất cứ cái gì tôi nói không đấy? Hay tôi có thể nói chuyện bình thường được với anh không đây?

- Việc của tôi là viết một quyển sách mở đầu bằng việc Alexandre Vangeersad đến Thụy Điển cùng với Bernadotte rồi đi lên cho đến tận nay. Nó nói về đế chế thương mại này qua nhiều thập niên nhưng nó cũng bàn đến chuyện tại sao đế chế hiện tại đang lâm vào cảnh khó và nó sẽ đụng chạm đến sự thù oán vẫn có ở trong gia đình. Với cái nhìn tổng quát như thế e khó tránh được việc sẽ có một vài mảnh giẻ bẩn thỉu nổi lên trên mặt nước. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi sắp bắt tay giới thiệu chân dung nham hiểm cả một ai. Chẳng hạn tôi đã gặp Martin Vanger; tôi thấy anh ấy là một con người rất dễ mến và tôi sẽ miêu tả anh ấy dễ mến như vậy.

Cecilia Vanger không đáp.

- Về chị, tôi biết chị là giáo viên...

- Thật ra còn tồi hơn cơ đấy – tôi là hiệu trưởng trường dự bị Hedestad.

- Tôi xin lỗi. Tôi biết chú chị yêu quý chị, chị đã kết hôn nhưng li thân... và đến nay thì... hãy biết đến chừng ấy. Vậy xin cứ đi tiếp, cứ nói với tôi và không sợ bị trích bị dẫn gì cả. Chắc chắn không lâu sẽ có một ngày tôi đến gõ cửa nhà chị. Lúc ấy sẽ là một phỏng vấn chính thức, và chị có thể chọn xem có muốn trả lời các câu hỏi của tôi hay không.

- Vậy thỉnh thoảng tôi có thể nói chuyện với anh... không có ghi chép, như họ nói chứ?

- Dĩ nhiên.

- Lần này cũng là không ghi chép?

- Dĩ nhiên. Gì thì đây cũng là một cuộc thăm viếng xã giao.

- OK. Vậy tôi có thể hỏi chút chứ?

- Xin cứ việc.

- Quyển sách này nói đến Harriet mất tích nhiều tới đâu?

Blomkvist cắn môi và cố sức trả lời thoải mái.

- Thật thà là tôi chưa có ý gì. Có thể là đầy một chương, Đây là một sự kiện bi thảm đã phủ bóng tối lên một nửa đời của ông chú chị, ít nhất là như thế.

- Nhưng anh đến đây chẳng phải là để rọi vào câu chuyện mất tích hay sao?

- Điều gì khiến chị nghĩ ra thành thế?

- À, việc Nilsson chở bốn cái thùng to tướng đến đây. Cái đó có thể là những tư liệu điều tra riêng của chú Henrik trong nhiều năm. Tôi nhìn vào phòng cũ của Harriet, nơi Henrik để chúng thì không còn thấy nữa.

Cecilia không phải dân u ơ.

- Nhưng vấn đề này chỉ nên hỏi Henrik chứ không phải với tôi. – Blomkvist nói. Nhưng biết là Henrik đã nói nhiều đến việc Harriet mất tích thì chị cũng không có gì ngạc nhiên mà, tôi nghĩ sẽ thú vị nếu đọc hết những cái thu thập được ở các thùng đó.

Cecilia lại mỉm cười nhạt nhẽo.

- Đôi khi tôi nghĩ  không biết bố tôi hay chú tôi ai điên hơn ai. Tôi chắc đã nghe ông già nói có đến nghìn lần việc Harriet mất tích rồi...

- Chị nghĩ chuyện gì đã xảy ra với chị ấy?

- Là một câu phỏng vấn chăng?

- Không, - anh bật cười nói. – Tôi chỉ là tò mò.

- Tôi thắc mắc là liệu anh có phải là một dân ngố hay không. Hoặc là anh nuốt trôi những điều Henrik tin hoặc anh là một tay xúi giục ông già làm chuyện đó.

- Chị nghĩ Henrik ngố sao?

- Chớ hiểu lầm tôi. Ông già là người nồng nhiệt nhất, có đầu óc nhất mà tôi được biết. Tôi rất yêu ông già. Nhưng ông già bị cái đề tài cá biệt này nó ám.

- Nhưng Harriet bị mất tích thật kia mà.

- Tôi cũng đau buồn lắm. Nó đầu độc cuộc sống của chúng tôi hàng chục năm rồi mà vẫn chưa thôi. – Cecilia đột ngột đứng lên mặc áo khoác bằng lông vào. – Tôi phải đi. Anh xem vẻ cũng thuộc loại hấp dẫn đấy. Martin cũng nghĩ như thế nhưng xét đoán của Martin không phải luôn luôn là  đáng tin cậy. Bất cứ lúc nào anh thích đến tôi uống cà phê, đều được hoan nghênh. Gần như tối nào tôi cũng ở nhà.

- Cảm ơn chị, - Blomkvist nói. Chị chưa trả lời cái câu không phải là câu phỏng vấn kia đấy nhé.

Cecilia dừng lại ở cửa, không nhìn anh, đáp lại.

- Tôi không biết gì cả. Tôi nghĩ đây là một tai nạn mà ngộ nhỡ có tìm ra thì chúng ta đều sẽ sửng sốt vì sao lời giải của nó lại đơn giản đến thế cơ chứ.

Chị quay lại mỉm cười với anh - lần đầu tiên nồng ấm. Rồi đi.

Nếu đây là lần đầu tiên với Cecilia mà dễ chịu thì không thể nói như thế về lần đầu tiên anh gặp Isabella. Mẹ của Harriet hoàn toàn đúng như Henrik đã cảnh báo anh: bà tỏ ra là một phụ nữ trang nhã khiến anh thoáng nhớ đến Lauren Bacall 1. Bà mảnh mai, mặc áo măng tô lông cừu Ba Tư màu đen, với mũ trùm đầu phù hợp và bà chống một cây can đen như cái sáng hôm anh đi đến Susanne mà đâm quàng phải bà. Bà nom giống một mụ chuyên chài đàn ông đang về già - vẫn đẹp đến ngạc nhiên nhưng độc như một con rắn. Isabella rõ ràng là đang trên đường về nhà sau khi đi dạo. Bà gọi anh ở một ngã tư.

- Xin chào, đây đây, chàng trai kia. Lại đây.

Khó lầm được với cái giọng sai bảo này. Blomkvist nhìn quanh rồi kết luận mình là người được vời đến. Anh làm theo.

- Tôi là Isabella Vanger. – Bà nói.

- Chào bà, tôi là Mikael Blomkvist. – Anh chìa tay ra nhưng bà lờ đi.

- Anh là người đang rình mò chuyện nhà chúng tôi đấy phải không?

- À, nếu bà muốn nói tôi là người mà Henrik đã đưa vào hợp đồng để giúp ông ấy làm quyển sách về gia đình Vanger thì vâng, tôi đây.

- Chuyện đó không phải là việc của anh.

- Việc gì? Việc Henrik Vanger cho tôi một hợp đồng hay việc tôi nhận nó?

- Anh thừa biết tôi nói cái gì. Tôi không quan tâm đến những người đến chọc bới lăng nhăng vào đời tôi.

- Tôi không chọc bới lăng nhăng vào đời bà. Ngoài ra có việc gì xin bà bàn với Henrik.

Isabella giơ gậy lên rồi ấn đầu gậy vào ngực Blomkvist. Bà không lấy nhiều sức nhưng anh đã phải lùi lại một bước vì giật mình.

- Cứ ở đâu cho khuất mắt tôi, - bà nói rồi quay gót và loạng choạng về nhà.

Blomkvist đứng như trời trồng, nom như một người vừa gặp đúng ở trong đời thật một nhân vật truyện tranh. Nhìn lên anh thấy Henrik đang đứng bên cửa sổ văn phòng ông, tay cầm một cái ly, ông nâng nó như gửi tới một lời chào chế nhạo.

Chuyến ngao du duy nhất mà Blomkvist làm trong tháng đầu tiên là lái xe đến một cái vịnh trên hồ Siljan. Anh mượn chiếc Mercedes của Frode và lái qua một cảnh tuyết để dành một buổi chiều với viên cảnh sát điều tra Morell. Trong khi đọc các báo cáo của cảnh sát, Blomkvist đã cố hình thành một ấn tượng về Morell. Điều mà anh nhận thấy là một ông già sắt đanh, cử động nhẹ nhàng và nói năng còn chậm chạp hơn. Blomkvist mang theo sổ tay với mười câu hỏi, phần lớn là các ý anh đã thu nhặt được trong khi đọc báo cáo của cảnh sát. Theo kiểu các ông giáo, Morell trả lời từng câu hỏi. Cuối cùng Blomkvist cất sổ tay đi, rồi giải thích rằng các câu hỏi chỉ là cái cớ để gặp nhau. Điều anh thực sự mong muốn là tán chuyện với ông và hỏi ông một câu hỏi chủ yếu: trong cuộc điều tra có điều duy nhất nào mà đã không được đưa vào trong bản báo cáo viết thành văn không? Thậm chí bất cứ linh cảm nào đó mà ông có thể chia sẻ với anh không?

Vì Morell, giống Vanger, suy nghĩ về bí mật này ròng rã đã ba mươi sáu năm trời nên Blomkvist đã chờ đợi ông già sẽ có chút nào đó cưỡng lại – anh là người mới vào cuộc và bắt đầu dò dẫm loanh quanh trong cái bụi rậm mà Morell đã bị lạc ở đó. Nhưng không có một chút mảy may thù nghịch nào. Morell khoan thai nạp thuốc lá vào tẩu, châm nó lên rồi mới trả lời.

- À được, rõ là tôi có ý kiến của riêng tôi chứ. Nhưng tôi chưa nói ra được thành lời vì chúng còn mơ hồ quá, chập chờn quá.

- Theo ông thì đã xảy ra chuyện gì?

- Tôi nghĩ là Harriet đã bị giết. Henrik và tôi nhất trí với nhau ở điểm này. Đấy là giải thích duy nhất hợp lý. Nhưng chúng tôi không tìm ra được động cơ là gì. Tôi chỉ nghĩ cô ấy bị giết là vì một lý do rất đặc biệt – đây không phải là một hành vi điên rồ hay hãm hiếp hay bất cứ một cái gì đại loại. Nếu chúng tôi biết được động cơ thì chúng tôi đã biết ai là kẻ đã giết cô ấy. – Morell ngừng lại nghĩ một lúc. - Việc một ai đó đã chớp lấy cơ hội, cơ hội này tự nó bày ra lúc mới xảy ra vụ đâm xe và người đi lại láo nháo. Tên giết người đã giấu cái xác rồi sau đó mang nó đi trong khi chúng tôi thì mải tìm kiếm cô ấy.

- Chúng ta có thể là nói đến một ai đó có thần kinh bằng thép.

- Có một chi tiết... Harriet đến buồng Henrik, muốn nói với ông ấy. Sau này nghĩ lại thì tôi thấy việc này có vẻ lạ - cô ấy biết ông ấy đang có đầy họ hàng phải tiếp đang xúm xít ở quanh. Tôi nghĩ Harriet sống sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng cho một người nào đó, cô ấy sắp nói với Henrik một cái gì thì tên giết người biết là cô sắp sửa..., ừ, cho lộ thông tin ra.

- Còn Henrik thì mải bận với nhiều thành viên trong gia đình.

- Có bốn người ở trong phòng, không kể Henrik. Greger, anh ông, một anh em họ tên là Magnus Sjogren và Birger cùng Cecilia, hai người con của Harald. Nhưng điều đó không nói lên với chúng ta điều gì hết. Hãy giả định là Harriet phát hiện ra một ai đó đã cuỗm tiền của công ty – dĩ nhiên là giả thiết thế thôi. Chuyện này có lẽ cô ta đã biết cả mấy tháng rồi và có thể ở một mức độ nào đó cô ta đã bàn việc này với người liên quan. Có thể cô ấy đã thử bắt chẹt người ấy hay cảm thấy tiếc cho người ấy và cảm thấy không tiện vạch vòi người ấy ra. Thình lình cô ấy đã quyết định nói chuyện đó với tên giết người và trong lúc tuyệt vọng hắn liền giết cô ấy.

- Ông nói “hắn” hay “cô” đấy nhỉ?

- Sách nói phần lớn kẻ sát nhân là đàn ông. Nhưng trong gia đình Vanger, nhiều phụ nữ đã xúi châm ngòi cũng là điều có thật.

- Tôi đã gặp Isabella.

- Là một trong số đó. Nhưng còn những người khác, Cecilia Vanger có thể là cay độc cực kỳ đấy. Anh có gặp Sara Sjogren chứ?

Blomkvist lắc đầu.

- Cô ấy là con của Sofia Vanger, một trong những chị em họ của Henrik. Nói tới cô ta là chúng ta nói đến một phu nhân thật sự khó chịu, thiếu suy nghĩ. Nhưng cô ấy sống ở Malmo, và ở mức độ mà tôi có thể chắc chắn thì cô ấy không có động cơ để giết Harriet.

- Vậy cô ấy ra khỏi danh sách được?

- Cái chính là bất kể chúng ta có xoay dọc xoay ngang thế nào thì cũng không tìm ra được động cơ. Điều quan trọng nằm ở đấy.

- Ông đã bỏ nhiều công sức vào vụ này. Có một đầu mối nào mà ông nhớ là đã không lần theo nó không?

Morell lặng lẽ cười.

- Không. Tôi đã bỏ không biết bao nhiêu thời gian vào vụ này, tôi cũng nhớ là cho đến khúc kết dẫu cay đắng và vô hiệu quả tôi cũng chưa từng bỏ qua một dấu hiệu gì. Ngay cả sau khi tôi được đề bạt và chuyển đi khỏi Hedestad.

- Chuyển đi?

- Tôi không phải gốc Hedestad. Tôi phục vụ ở đấy từ năm 1963 đến năm 1968. Sau đó tôi được thăng chức sĩ quan và chuyển đến sở cảnh sát Gavle cho đến lúc về hưu. Ngay ở Galve, tôi vẫn tiếp tục đào bới vụ án.

- Tôi không cho rằng Henrik đã buông.

- Đúng thế, nhưng với tôi lý do không phải ở đấy. Bài đố nan giải của vụ Harriet vẫn mê hoặc tôi cho đến hôm nay. Ý tôi nói là nó giống như thế này: cảnh sát điều tra nào cũng đều có một bí mật chưa được giải quyết. Tôi nhớ những ngày tôi còn ở Hedestad, các đồng nghiệp lớn tuổi đã nói ở trong căng tin đến vụ Rebecka như thế nào. Đặc biệt có một sĩ quan, ông ta tên là Tostensson - chết đã nhiều năm rồi - hết năm này đến năm khác cứ quay lại cái vụ ấy. Lúc rỗi rãi hay ngày nghỉ lễ, bất cứ khi nào yên được với đám lưu manh địa phương, ông ấy lại đem các hồ sơ kia ra nghiên cứu.

- Cũng là vụ một cô gái mất tích chứ?

Morell nom ngạc nhiên. Rồi ông cười khi nhận ra Blomkvist đang tìm một kiểu liên quan nào đó.

- Không, đó không phải là điều tôi muốn nói. Tôi muốn nói đến tâm hồn của một người cảnh sát. Vụ Rebecka xảy ra trước cả khi Harriet ra đời và đã hết thời hiệu. Giữa những năm 40, vào một lúc nào đó một người phụ nữ đã bị tấn công, bị hiếp và bị giết chết ở Hedestad. Việc đó gần như là bình thường. Vào một lúc nào đó trong nghề nghiệp, mỗi sĩ quan cảnh sát đều phải điều tra loại tội ác này. Nhưng điều tôi muốn nói đây là những vụ ngay đang trong điều tra đã bấu chặt vào anh, ăn vào xương tuỷ anh. Cô gái đã bị giết tàn bạo nhất. Tên giết người trói cô và đập đầu cô vào than hồng trong lò sưởi. Người ta chỉ có thể đoán cô gái đã phải mất bao lâu để chết, cô đã phải chịu đựng sự hành hạ như thế nào.

- Lạy Chúa.

- Đúng. Bạo dâm quá đỗi. Sau khi tìm thấy cô gái, ông Torstensson tội nghiệp là cảnh sát đầu tiên tại hiện trường. Và cứ chưa tìm được tên giết người, cho dù mời cả các chuyên gia ở Stockholm đến, Torstensson không bao giờ dứt nổi được cái vụ này.

- Tôi có thể hiểu được chuyện đó.

- Vụ Rebecka của tôi là Harriet. Trong trường hợp này cô ấy chết ra sao chúng tôi cũng không biết. Thậm chí chúng tôi cũng không thể chứng minh được rằng đã có một vụ án mạng. Nhưng tôi không bao giờ buông nó được. – Ông ngừng lại nghĩ một lúc. – Làm một cảnh sát điều tra án mạng có lẽ là một công việc cô đơn nhất trần đời này. Bạn bè của cô gái đều kinh ngạc và thất vọng nhưng sớm hay muộn - họ lại trở về với đời sống thường ngày của họ. Với những gia đình thân thiết thì phải mất lâu hơn nhưng với phần đông thì rồi cũng là vượt qua được nỗi đau thương và thất vọng. Cuộc đời phải tiếp diễn, nó đang tiếp diễn đây. Nhưng bọn giết người không lộ mặt thì cứ lủi thoát, cuối cùng chỉ còn mỗi một người bị bỏ lại để đêm ngày ngẫm nghĩ về nạn nhân: đó là người cảnh sát điều tra bị vất lại với cuộc điều tra.

Ba người khác trong gia đình Vanger sống ở trên đảo Hedeby. Alexander Vanger, con trai của Greger, sinh năm 1946, sống ở một ngôi nhà gỗ mới sửa sang. Henrik bảo Blomkvist rằng Alexander hiện đang ở Tây Ấn, nơi anh ta tự cho anh ta hưởng cái thú tiêu khiển của mình: giong buồm và giết thì giờ, không làm qua mảy may một việc gì. Alexander đã hai mươi tuổi và có mặt hôm ấy.

Alexander ở cùng với mẹ, Gerda, tám mươi tuổi, vợ goá của Greger Vanger. Blomkvist chưa nhìn thấy bà ta bao giờ, phần lớn thời gian bà ôm giường.

Thành viên thứ ba của gia đình là Harald Vanger. Trong tháng đầu tiên, Blomkvist chả thấy ông ta lấy một lần nào. Ở gần với căn nhà nhỏ của Blomkvist nhất, ngôi nhà của Harald nom âm u và gở với những bức rèm kéo kín hết cửa sổ để ngăn ánh sáng. Đôi khi đi ngang qua, Blomkvist ngỡ trông thấy các bức rèm gờn gợn, và một đêm khuya khi anh sắp lên giường, anh để ý thấy một ánh sáng chập chờn từ một gian phòng trên gác. Có một khe hở giữa các bức rèm. Anh đứng ở cửa sổ gian bếp tối om nhìn cái ánh sáng đó hơn hai mươi phút rồi ăn qua loa một ít và run rẩy lên giường. Buổi sáng, các bức rèm lại lặng như tờ.

Có vẻ Harald là một người vô hình nhưng hồn ma quấy rối đời sống ở làng chính bằng sự vắng mặt của nó. Trong tưởng tượng của Blomkvist thì Harald ngày lại càng nom giống với con ma Gollum chuyên rình mò xung quanh và ẩn sau những bức rèm.

Hàng ngày, một người giúp việc (thường là phụ nữ) ở bên kia cầu đến gặp Harald một lần. Bà ta sẽ mang các bịch tạp phẩm tới, lê bước qua các đống tuyết đến trước cửa nhà ông. Nilsson lắc đầu khi Blomkvist hỏi về Harald. Ông đã đề nghị cuốc xới dọn dẹp giúp nhưng Harald không muốn ai đặt chân lên đất đai của ông ta. Chỉ một lần, trong mùa đông đầu tiên sau khi Harald quay về đảo Hedeby, Nilsson mới lái máy kéo đến dọn sạch tuyết ở sân vườn, như ông vẫn dọn cho các đường xe rẽ vào các nhà. Harald đã ngạc nhiên ra khỏi nhà, quát tháo, xua tay cho tới khi Nilsson đi.

Không may, cổng nhà Blomkvist hẹp quá, Nilsson không đưa máy kéo vào dọn tuyết ở sân cho anh được. Chỉ có cách lấy xẻng mà xúc tuyết đi.

Vào giữa tháng Giêng, Blomkvist nhờ luật sư tìm hộ xem anh đã sắp phải gọi đi thụ án ba tháng tù chưa. Anh nóng lòng muốn giải quyết chuyện này xong càng sớm càng tốt. Vào tù rồi quay lại dễ hơn là anh tưởng. Sau vài tuần bàn soạn, lệnh ban ra là ngày 17 tháng Ba, Blomkvist có mặt ở nhà tù Rullaker bên ngoài Ostersund, một nhà tù an ninh tối thiểu. Luật sư khuyên anh là xem vẻ bản án rất có thể được rút ngắn.

- Tốt. – Blomkvist nói, không phấn khởi lắm.

Anh ngồi vào bàn bếp, nựng con mèo nay cứ mươi ngày lại đến qua đêm với Blomkvist. Qua Nilsson anh biết tên con mèo là Tjorve. Nó không thuộc về riêng ai. Nó cứ luân phiên đến mọi nhà.

Gần như chiều nào Blomkvist cũng gặp Henrik. Có khi nói dăm ba câu, có khi ngồi hàng giờ. Nội dung câu chuyện thường là Blomkvist nêu ra một lý lẽ và Henrik bẻ gẫy lập tức. Blomkvist cố giữ một khoảng cách nhất định với công việc của anh nhưng có những lúc anh thất vọng thấy mình đã bị bí mật của vụ cô gái mất tích kia lôi cuốn. Blomkvist đã bảo đảm với Berger rằng anh cũng sẽ đề ra một chiến lược tiếp tục của cuộc chiến với Wennerstrom, nhưng sau một tháng ở Hedestad, anh vẫn chưa mở các hồ sơ từng đưa anh đến ghế bị cáo ở tòa án quận. Trái lại, anh lại cố tình gạt vấn đề này sang bên vì mỗi khi anh nghĩ đến Wennerstrom và tình cảnh của mình, anh đều bị đắm chìm vào trong suy sụp và thẫn thờ. Anh nghĩ liệu mình có bị hóa điên như ông già này không. Uy tín nghề nghiệp của anh đã tan tành và cách hồi phục của anh là giấu mình vào trong một thị trấn nhỏ bé tại vùng quê xa săn lùng các bóng ma.

Henrik Vanger cho rằng Blomkvist đang trải qua những ngày mất cân bằng. Cuối tháng Giêng, ông già ra một quyết định mà chính ông cũng phải sửng sốt. Ông nhấc điện thoại gọi Stockholm. Kéo dài hai chục phút, phần lớn câu chuyện là vấn đề liên quan đến Mikael Blomkvist.


Phải mất gần một tháng trời, cơn thịnh nộ của Berger mới hết. Vào một trong những ngày cuối tháng Giêng, lúc 9 giờ 30 phút tối, cô gọi Blomkvist.

- Anh thật sự có ý ở lại đó phải không? – Cô mở đầu.

Cuộc gọi quá đột ngột khiến Blomkvist không thể trả lời tức khắc. Rồi anh mỉm cười, quấn chặt thêm chăn vào người.

- Chào Erika, em nên đến đây thử xem.

- Sao phải thử? Hay gì! Sống ở nơi khỉ ho cò gáy thì có gì hấp dẫn chứ?

- Anh vừa đánh răng bằng nước đóng băng, các chỗ hàn răng đang đau buốt lên đây.

- Anh hãy tự trách anh ấy. Nhưng ở đây, ở Stockholm cũng rét chết người đây.

- Hãy nghe những cái tồi tệ nhất đã nhỉ.

- Chúng ta đã mất hai phần ba khách hàng thuê bao quảng cáo. Không ai muốn thôi ngay và nói ra nhưng…

- Anh biết. Lên một danh sách những người “đổi tàu” đi. Có ngày chúng ta sẽ làm một chuyện hay hay về họ đấy…

- Mikael… Em đã xem đến các con số, nếu chúng ta không cột được vài mục quảng cáo mới thì vào mùa thu này chúng ta sẽ đi tong đấy.

- Mọi sự sẽ ổn trở lại.

Cô cười gượng gạo ở đầu dây.

- Lên tít tận cái địa ngục Laplander ấy xây tổ ấm mà chỉ nói được có thế thôi nhỉ.

- Erika, anh…

- Em biết. Đàn ông người ta có những việc và những thứ tào lao phải làm. Anh không phải nói gì cả. Em xin lỗi đã không trả lời các thư của anh. Chúng ta có thể khởi động lại được chứ. Liệu em có dám đến đó gặp anh không đây?

- Bất cứ lúc nào tùy em.

- Em có cần mang theo một khẩu súng với đạn bắn sói không?

- Không cần chút nào. Chúng ta sẽ có những cỗ xe Lapp, bầy chó kéo xe và tất cả lệ bộ của riêng chúng ta… Bao giờ em đến?

- Tối thứ Sáu, OK?

Ngoài con đường hẹp dẫn vào cửa đã được cuốc tuyết, có khoảng một mét tuyết phủ lên ngôi nhà. Blomkvist nhìn với vẻ lên án cái cuốc một hồi rồi đi đến nhà Nilsson để hỏi liệu Berger có đậu được chiếc BMV của cô ở đây không. Không thành vấn đề; họ có chỗ ở trong gara và họ có cả lò sấy động cơ.

Berger lái suốt chiều và tới quãng 6 giờ. Họ thận trọng nhìn nhau vài giây rồi ôm chầm lấy nhau.

Chả có gì nhiều để ngắm nhìn trong bóng tối, trừ nhà thờ thắp sáng, nhà hàng Khôngnsum và quán Cà phê & bánh đầu cầu Susanne đều đã đóng cửa. Cho nên họ vội vã về nhà. Blomkvist nấu bữa tối còn Berger thì thăm thú quanh nhà, đưa ra vài nhận xét về mấy số tạp chí Rekhôngrdmagasinet từ những năm 50 vẫn còn ở đó, và đang choán chỗ trong các hồ sơ của Mikael trong phòng làm việc.

Họ ăn sườn cừu với khoai tây sốt kem và uống vang đỏ. Blomkvist muốn tiếp tục tuyến chuyện trước đó của họ nhưng Berger không có bụng dạ nào bàn bạc về Millenium. Thay vào đó họ nói chuyện hai giờ về công việc Blomkvist đang làm ở đây, về anh và Vanger xoay sở chuyện kia ra sao. Sau đó họ đi xem cái giường có đủ rộng để cho cả hai người không.

Lần gặp thứ ba của Salander với luật sư Nils Bjurman đã được xếp đặt lại và cuối cùng thì định vào 5 giờ chiều cũng thứ Sáu ấy. Trong lần gặp trước, một phụ nữ trung niên sặc mùi xạ hương và là thư ký của luật sư đón tiếp cô. Lần này bà ta đã về còn Bjurman thì sực mùi say muốn xỉn. Ông vẫy Salander đến một chiếc ghế của khách rồi lơ đãng lật giở các tài liệu ở bàn làm việc cho đến khi ông giật mình tỉnh ra là cô đang có mặt ở đây.

Quay qua quay lại thành một cuộc chất vấn mới. Lần này ông hỏi Salander về đời sống tình dục của cô – điều mà cô không định thảo luận với bất kỳ ai.

Sau cuộc gặp cô biết là về chuyện này cô chẳng biết tí gì. Trước hết là cô từ chối tất cả các câu hỏi của ông ta. Ông ta lại hiểu như thế là vì cô ngượng, lạc hậu hay có một cái gì đó cần giấu nên ông cứ ép cô trả lời. Salander nhận ra ông ta sẽ không chịu thôi nên trả lời vài câu hỏi ngắn ngủn, nhợt nhạt, thuộc cái loại mà cô cho rằng sẽ hợp với diện mạo tâm lý của cô. Cô nhắc tới “Magnus” – người mà theo cô miêu tả thì là một lập trình viên máy tính yếu ớt, trạc tuổi cô, đối xử với cô lịch lãm, đưa cô đi xem phim và đôi khi ngủ chung giường với cô. “Magnus” là bịa, nói đến đâu cô dựng anh ta đến đó nhưng Bjurman lại lấy chuyện đó làm một cớ để vẽ chi tiết tỉ mỉ về đời sống tình dục của cô. Cô sex thường xuyên không? Thỉnh thoảng. Ai chủ động – cô hay anh ta? Tôi. Cô có dùng bao cao su không? Dĩ nhiên – cô biết về HIV mà. Cô ưa tư thế nào hơn? Hừm, thường là tôi nằm ngửa. Cô có thích tính giao đằng miệng không? Ơ ơ, để xem… Cô có tính giao đằng hậu môn không?

- Không, nhưng ông đang làm cái đồ quỷ gì đây thế hả?

Đây là lần duy nhất cô mất kiềm chế. Cô phải giữ cho mắt nhìn xuống sàn để chúng không phản lại cơn giận dữ của cô. Khi cô lại nhìn vào ông, ông ngoác mồm ra cười với cô qua bàn. Cô rời văn phòng ông ta, với một cảm giác tởm lợm. Palmgren không bao giờ hỏi những câu như thế. Mặt khác, ông luôn luôn ở đây mỗi khi cô muốn bàn bạc một việc gì. Cô lại không thế.

Bjurman đang đi trên con đường tới một Vấn đề Then chốt.

--------------------------------
1

Một nữ diễn viên Mỹ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro