Thiên Dung thành bí mật nhật ký - Linh Tử - Việt Tô cp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thiên Dung thành bí mật nhật ký

Tên gốc: 天墉城秘密日记

Couple: Lăng Việt x Bách Lý Đồ Tô

Tác giả: Linh Tử (铃仔 )

Editor: Thanh Du

Link gốc: http://www.jjwxc.net/onebook.php?novelid=1067819

Hiện nội dung truyện này trên Tấn Giang đã bị xóa sau cơn bão Tảo hoàng, mình may mắn tìm được một bản đăng lại để edit. Tuy nhiên cả link gốc trên Tấn Giang lẫn bản đăng lại đều chỉ có 3 chương (khi edit mình sẽ dồn lại thành 2 chương cho gọn) và chưa hoàn, tác giả đã bỏ hố từ năm 2011 nên không hi vọng nó sẽ được lấp tiếp. Nhưng dù biết nó là hố ngàn năm mình vẫn tình nguyện nhảy vào, ai bảo truyện dễ thương quá cơ, thôi cứ coi nó như một cái đoản văn kết lửng lơ đi ^^

----------------

Khi buổi học sáng hôm nay kết thúc, sư tôn cho ta một quyển sổ đóng gáy còn trống, nói buổi tối trước khi đi ngủ có thể viết nhật ký tu thân dưỡng tính, cũng không biết lý luận này người nghe ai nói.

Thật ra ta rất muốn nói với người, có nhiều chữ lạ ta không biết viết.

Nhưng ta không dám.

Ta đoán thật ra sư tôn rất muốn đóng vai một người cha tốt, chỉ tiếc gương mặt người thật sự trông không thuyết phục chút nào, so ra thì kiếm linh đi theo bên người còn thân thiện hơn.

Viết đến đây mới phát hiện mình thật sự không có gì để viết.

Ta tên là Lăng Việt, Lăng trong như cương như lăng, Việt trong du việt (vượt qua), là đệ tử Thiên Dung thành. Sư tôn là Chấp kiếm trưởng lão của Thiên Dung thành, tên Tử X chân nhân, ầy, ta đã nói chữ này khó viết lắm rồi mà.

Chẳng biết sư tôn có kiểm tra nhật ký không.

-----

Thiên Dung thành là một nơi hết sức nhàm chán.

Cuối cùng ta cũng phát hiện ra cái hay của nhật ký, tỷ như câu vừa rồi tuy không thể nói ra trước mặt người khác, nhưng viết ra thì không vấn đề gì.

Rời giường, đến lớp buổi sáng, tu hành, luyện kiếm, buổi chiều lại học đạo pháp, sau đó tiếp tục luyện kiếm rồi đi đọc kinh sách, buổi tối cũng có lớp.

Ta nghe những sư huynh lớn tuổi hơn nói, chưởng môn gửi gắm kỳ vọng rất cao vào ta, đương nhiên khi nói ra câu này họ cũng không thoải mái cho lắm.

Đại khái vì ta là đồ đệ đầu tiên của sư tôn trong suốt hơn ba trăm năm kể từ ngày người đến Thiên Dung thành.

Đã có lần ta cảm thấy ánh mắt sư tôn nhìn mình cứ như đang tìm kiếm bóng dáng một thời tuổi trẻ của người.

Đến hôm nay ta mới biết thì ra sư tôn đã ở môn phái này được ba trăm năm, vậy thời người còn trẻ đã là chuyện của bao nhiêu năm trước rồi?

À quên, thật ra sư tôn đã đắc đạo thành tiên, cho nên dù người nói với ta người đã ba nghìn tuổi ta cũng không thấy lạ.

-----

Thật ra ta rất hâm mộ Lăng Đoan, nó còn có sư đệ.

Đến bữa trưa, ta bày tỏ mong muốn có một sư đệ với sư tôn, đương nhiên là bằng cách tương đối uyển chuyển.

Kết quả sư tôn gắp cho ta một đũa đồ ăn, rồi im lặng không đáp.

Ta đoán ý người đại loại là con muốn có thêm người tranh giành đồ ăn với con sao.

Ai, nhưng nếu có sư đệ, ta sẽ gắp đồ ăn cho nó, cũng không đánh lộn với nó, càng không sai phái nó làm đủ mọi việc như Lăng Đoan.

Đến bao giờ ta mới có sư đệ đây?

-----

Hôm nay cuối cùng ta cũng biết vì sao lại có trò viết nhật ký.

Nghe đồ đệ của chưởng môn nói, gần đây chưởng môn thích tự nhốt mình trong phòng viết linh tinh lên sổ. Có mấy sư đệ nghịch ngợm tò mò muốn trộm sổ ra xem, đương nhiên không ai dám làm, nên chọn cách đoán quyền phân công.

Thật ra ta cũng rất tò mò, nhưng là sư huynh nên ta không thể nói "Cho ta chơi với" mà phải nói "Không được làm loạn".

Cuối cùng không ai trong số đó thành công, mà đều bị Giới luật trưởng lão phạt đi Tư quá nhai úp mặt vào tường.

Ta đến Thiên Dung thành cũng được hai ba năm rồi mà chưa bao giờ phải đến Tư quá nhai.

Cái này đại khái có thể cố gắng duy trì thành một kỷ lục, dù sư muội nói chưa đến Tư quá nhai thì không tính là đệ tử Thiên Dung thành.

Đến bữa tối ta hỏi sư tôn có cần đưa nhật ký cho người xem hay không, người liếc ta một cái, nói không cần.

Ta không kiềm chế nổi, lại hỏi sư tôn có viết nhật ký không. Kết quả ăn hết bữa ta cũng không có câu trả lời, nhưng lại cảm thấy đồ ăn hôm nay cực kỳ mau nguội.

-----

Quan sát bấy lâu, ta cảm thấy sư đệ chơi vui hơn sư muội.

Sư đệ có thể sờ qua vuốt lại nhào tới nặn lui, còn có thể đỡ nó ngồi lên vai đi ra ngoài chơi. Nhưng sư muội thì không thế, con gái dễ khóc, thật phiền toái.

Ta cảm thấy một câu lặp lại nhiều lần sẽ có hiệu quả, cho nên ta thường lựa lúc ăn cơm uyển chuyển tỏ ý mình muốn có một sư đệ.

Không hiểu vì sao bắt đầu từ tuần trước, chỉ cần ta tỏ thái độ này, sư tôn sẽ nhìn ta bằng ánh mắt rất kỳ lạ. Ta không tìm được từ gì để miêu tả, hẳn chính là kỳ lạ.

Phải rồi, tuần trước sư tôn đi gặp bạn cũ, cho nên lớp đạo pháp cả tuần đều do chưởng môn dạy thay.

Lại nói tiếp, cuối cùng ta cũng cảm thấy ánh mắt sư tôn nhìn ta phiên dịch ra là "Sao con lại muốn có một nàng dâu?"

Ta cảm thấy sư tôn nghĩ nhiều quá rồi.

-----

Ta nghĩ bản tính trầm lặng của ta tuyệt đối không phải học được từ sư tôn.

Thật ra lúc ăn cơm người nói nhiều hơn bình thường, ví như bảo ta ăn nhiều rau dưa hơn một chút, cũng sẽ quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của ta. Nhưng trừ những lúc này, bình thường người căn bản chỉ dùng tối đa là bốn chữ để trả lời câu hỏi của người khác.

Đôi khi ta cũng không biết phải ứng phó thế nào với lời mời của các sư muội: "Sư huynh, cho muội ăn cơm với" "Sư huynh, đêm nay chúng ta đi ngắm sao đi", hay lời khiêu khích của các sư huynh: "Đệ tử của Chấp kiếm trưởng lão chắc là giỏi lắm nhỉ". Với các sư muội ta chỉ biết tua lại lời của chưởng môn "Người tu tiên, chi bằng lòng không vướng bận", với các sư huynh thì khỏi nói gì cả, cứ bỏ đi thẳng là xong.

Lâu dần, càng ngày ta nói càng ít.

Thật ra ta rất mong có sư đệ hỏi mình, lớp kiếm pháp hôm nay đệ không nghe giảng kĩ, sư huynh giảng lại một lần cho đệ đi.

Nhưng cho đên giờ đây vẫn chỉ là ảo tưởng, vậy là đủ chứng minh môn phái này ghét học đến chừng nào. Về điểm này ta cảm thấy Túc chính trưởng lão rất thảm, vì môn này đã định trước phải nhất nhất lặp lại động tác của ngày hôm qua.

Tóm lại đến bao giờ ta mới có một sư đệ đây?

---------------------

Hôm nay sư tôn nhặt một nhóc con trở về. Lời này không hề sai, đúng là nhặt.

Tuần trước sư tôn xuống núi, quẳng lớp đạo pháp lại cho chưởng môn. Hôm nay ngự kiếm trở về, trong lòng còn ôm theo một nhóc con. Nhưng màn đón tiếp đáng ra phải vô cùng nồng ấm này lại hù dọa rất nhiều người, dẫn đầu là chưởng môn, vì sư tôn và đứa nhóc này toàn thân đều nhuốm máu. Nhuốm máu thì cũng thôi, nhưng ngươi nói xem cả người còn bốc khói đen, chẳng phải là cố ý dọa người hay sao?

Đương nhiên việc này không thể trách sư tôn, bởi vì dựa vào tu vi hiện giờ của ta đã có thể cảm nhận được luồng khí đen này không thoát ra từ người. Cứ thế mà suy đoán thì càng không thể trách một nhóc con, huống hồ sư tôn ôm nó về nhất định là có lý do.

Các sư đệ nhìn chung rất vui vẻ, vì dưới tình hình hỗn loạn này thì lớp buổi tối tự nhiên cũng bị "thủ tiêu".

Sáng sớm hôm nay trước giờ lên lớp, ta bưng điểm tâm đến phòng sư tôn. Thói quen này đại khái hình thành khi ta 14 tuổi, đây gọi là một ngày ba bữa đệ tử lo. Về điểm này thì Phù Cừ sư muội chắc chắn là đối tượng mà cả môn phái đố kỵ nhất, vì chưởng môn chẳng những không rời được các món ăn của sư muội, mà còn thường dùng đủ mọi cách dụ dỗ sư muội làm đồ điểm tâm ngọt.

Ta cảm thấy chưởng môn thật ra là lolicon, từ này là của Lăng Đoan sư đệ.

Sư tôn đã thay quần áo sạch sẽ ngồi đợi ta, mà nhóc con trong lòng người mặt mũi vẫn bê bết máu. Ta lưu loát bế nhóc con lên, giúp nó rửa mặt thay đồ, vì thật sự không có quần áo thích hợp cho trẻ con nên đành quơ đại đồ cũ của ta cho nó mặc.

Nhóc con mặc màu tím nhìn rất xinh. Ưm.

Công việc của bảo mẫu, làm vài lần là quen tay, nhưng thật ra trong lòng ta rất bi ai.

Sư tôn nói khi người đi về phương nam chợt nhìn thấy sát khí dâng lên từ một sơn cốc, ngự kiếm hạ xuống thì thấy người trong sơn cốc đã bị tàn sát gần hết, chỉ còn đứa bé này ngã vật trong một sơn động đổ nát, mới mang nó ra.

Từng nghe sư tôn nói Thiên Dung thành chính là nơi thanh khí trong thiên hạ tụ lại, đại khái mang về đây có thể áp chế sát khí của nhóc con thì phải?

Hôm nay viết đến đây thôi, ta còn phải tắm cho nhóc con.

-----

Buổi sáng nấu bát cháo loãng cho nhóc con, ta hỏi sư tôn đứa trẻ này tên là gì, sư tôn lắc đầu.

Nhóc con còn đang hôn mê, cho nên chỉ có thể miễn cưỡng bón một chút cháo. Tối qua ta ngủ không ngon, vì nhóc con kia cứ không ngừng lẩm bẩm trong mộng. Ta cầm tay nó, bàn tay nó nhỏ xíu, lọt thỏm trong tay ta.

Lăn qua lộn lại cả đêm ta cũng mệt lử, nhưng giọng nó mềm mại, nghe rất êm tai.

Hôm nay sư muội cũng đến thăm, thấy quần áo ta mặc cho nhóc con thì tỏ ra hoàn toàn không thể chấp nhận được, bèn xung phong đi lấy vải may quần áo cho nó. Về điểm này, con gái quả thực là khéo léo hơn.

Sư tôn nói đêm nay nhóc con sẽ ngủ cùng người, được rồi, ta có thể ngủ bù một giấc, đến mai lại tiếp tục trông trẻ.

Viết đến đây mới nhớ ra, hôm nay ta không hề lên lớp.

Nhưng dù sao cũng là sư tôn đầu têu bỏ học, không sao cả.

-----

Ta vẫn tin chắc rằng một câu nhắc lại nhiều lần sẽ thành sự thật. Hứa hẹn cũng được mà nguyện vọng cũng tốt, đều là như thế cả.

Nhóc con hôn mê ba ngày, cuối cùng cựa mình tỉnh giấc đúng lúc sư tôn đi tìm chưởng môn, ta ngồi bên giường nhìn nó mơ mơ màng màng mở mắt. Ánh mắt của nhóc con rất đẹp, đen nhánh như sao sáng trong đêm, ai, tóm lại không tìm được từ gì hay hơn để miêu tả.

Ta hỏi tên nó là gì, nó suy nghĩ hồi lâu, thậm chí ta có cảm giác nó sắp muốn khóc, rồi nói mình tên Bách Lý Đồ Tô.

Tuy chủ yếu học minh kinh đạo pháp, ta vẫn biết có câu "Đồ tuyệt quỷ khí, tô tỉnh nhân hồn". Chẳng ai đặt tên cho con mình như thế, huống chi nếu là tên mình thì nhất định sẽ trả lời được ngay, sao lại phải ngẫm nghĩ lâu như vậy.

Nhưng ta không hỏi nhiều, gọi Cổ Quân gác cửa bảo hắn đi tìm sư tôn.

(Cổ Quân là kiếm linh thứ hai của Tử Dận trong game, vào phim đã cắt bớt nhân vật này, chỉ để lại Hồng Ngọc)

Sư tôn nhanh chóng trở về, sau đó người cho ta biết nhóc con kia giờ đã là sư đệ của ta.

Cho nên một câu nói nhiều lần, là có thể trở thành sự thật. Hơn nữa, sư đệ của ta còn đẹp hơn sư đệ của Lăng Đoan nhiều.

-----

Nhóc con, a không đúng, giờ có lẽ nên gọi sư đệ, đang vào tuổi hay ăn chóng lớn, nên bình phục cũng nhanh, chưa đến vài ngày đã có thể xuống giường đi lại. Nhưng nó không thích nói chuyện, hỏi câu nào đáp câu ấy, trả lời dưới mười chữ, mới nhỏ xíu đã giống hệt sư tôn, khiến người ta lo lắng.

Mấy hôm trước Phù Cừ sư muội may một bộ đồ hoàn chỉnh cho sư đệ, áo ngoài màu trắng viền tím, kết quả sư đệ mặc vào, đi được vài bước đã giẫm lên gấu áo mà vấp ngã. Sư muội cầm về sửa lại, cuối cùng sửa dài bằng cái váy ngắn, nhưng kể ra cũng tiện cho sư đệ chạy nhảy khắp nơi.

Tạm thời không còn nhiều sương phòng, hơn nữa sư tôn cũng không yên tâm để sư đệ ngủ một mình, cuối cùng để nó ở cùng ta trong Huyền Cổ cư.

Đêm đêm sư đệ vẫn gặp ác mộng, trong lúc mơ màng có thể nghe tiếng nó gọi mẹ bằng giọng bi thương đến ngỡ ngàng. Ban ngày ta hỏi nó về những hồi ức liên quan đến cha mẹ, nó suy nghĩ hồi lâu rồi lắc đầu nói không nhớ, có lẽ là quá đau lòng nên đã vô thức quên đi rồi.

Sư đệ cơ bản đã bình phục, sư tôn liền chính thức thu nó làm đồ đệ. Nhìn thân hình nhỏ xíu của nó cung kính quỳ xuống hành lễ, giống như ta của rất nhiều năm trước đang đứng ngay trước mặt. Ngày ấy ta không người thân thích, được sư tôn đưa lên núi, sau đó được người thu làm đệ tử, có lẽ tâm tình của ta khi đó cũng không khác gì sư đệ bây giờ.

Cuối cùng ta cũng có thể gọi nó là sư đệ trước mặt mọi người, không chút ngại ngùng, nó cũng sẽ nhu thuận đáp một tiếng sư huynh.

Ta thừa nhận, mình rất đắc ý.

Những sư huynh lớn hơn chuyển lòng đố kỵ với ta sang sư đệ, ta thường nghe bọn họ không chút kiêng dè nói với sư đệ cái gì mà thằng nhóc không ai cần được Chấp kiếm trưởng lão nhặt vể. Nhưng sư đệ chỉ ngẩng đầu liếc bọn họ một cái, sau đó tiếp tục lùi lũi làm việc của mình.

Tan lớp buổi tối, ta đưa sư đệ về phòng nghỉ ngơi. Nó ngủ trước, còn ta đọc sách viết chữ thêm một lúc nữa. Hôm nay nghe tiếng nó lăn qua lộn lại trên giường, ta biết cái gọi là ngôn ngữ vẫn có thể khiến người khác tổn thương.

Hôm ấy ta trò chuyện cả đêm với sư đệ, nói đến nỗi miệng khô lưỡi đắng. Từ chuyện hồi ta mới lên núi bái sư bị người ta cười nhạo chế giễu, cho đến hôm nay có thể trừng mắt nhìn đối phương mỗi khi họ đả động đến sư đệ mình. Từ những chuyện linh tinh của Thiên Dung thành cho đến sư tôn tu tiên đắc đạo, có hai vị kiếm linh; từ chuyện chưởng môn cưng chiều đệ tử đến Giới luật trưởng lão thưởng phạt phân minh. Từ sơn đạo bí mật của Thiên Dung thành đến chuyện ta chưa bao giờ đến Tư quá nhai, thậm chí những chuyện lặt vặt của môn phái kế bên cũng kể tuốt tuột.

Sau đó, sau đó ta độc thoại rất lâu, thi thoảng sư đệ sẽ đáp một tiếng "ưm", hoặc là hỏi về sau thế nào.

Sau đó nữa, ta ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau khi ta thức giấc thì sư đệ cũng đã dậy rồi, đây là lần đầu tiên nó không để ta phải gọi nửa ngày trời mới chịu rời giường. Ta ngồi dậy mặc quần áo vừa đúng lúc nó đi rửa mặt về, còn chủ động chào buổi sáng.

Có lẽ vì ta thấy nụ cười của nó, nên mới không nhịn nổi mà kéo lê mớ quần áo xộc xệch đi xoa đầu nó. Vết chu sa điểm trên mi tâm sư đệ dưới ánh nắng ban mai nhàn nhạt càng thêm phần diễm lệ.

Ta nghĩ phải chăng nhóc con này rất khổ, nên những khi cười mới đẹp hơn người khác gấp bội.

Khi sư đệ tới, ta đã bắt đầu học thuật ngự kiếm. Cái gọi là bắt đầu học, chính là chỉ có thể lơ lửng cách mặt đất chừng nửa thước. Tiết trời chuyển lạnh, buổi sáng rất dễ ngủ nướng, hơn nữa sư đệ từng nói trước kia sơn cốc mình ở bốn mùa như xuân, Thiên Dung thành nằm ở vùng đất đầy linh khí, nhưng dù sao cũng xây trên đỉnh núi, vào đông tuy không có tuyết rơi nhưng vẫn lạnh hơn so với xuân hạ. Vì vậy mỗi sáng đều xảy ra chuyện sư đệ kéo áo khoác của ta làm áo choàng hoặc là bám chăn không chịu rời giường.

Thật ra sư đệ cuộn mình trong chăn nhìn cũng rất đáng yêu.

Sáng hôm nay cũng lộn xộn y như thế, sư đệ quấn một đống quần áo chăn mền lên người mà ngủ, kết quả buổi sáng phải mất rất nhiều thời gian cởi ra, cuối cùng càng xong muộn hơn bình thường. Huyền Cổ cư hơi xa lớp buổi sáng, vạn bất đắc dĩ đành phải ôm sư đệ đạp kiếm bay đi. Tốc độ có chậm như rùa thì cũng còn nhanh hơn đi bộ.

Sau khi sư đệ bình phục ta cũng chưa ôm nó lần nào, hôm nay mới phát hiện ra sư đệ vẫn nhẹ y như thế, xem ra phải cải thiện chế độ ăn uống rồi. Có lẽ nên nấu thêm cơm cho sư đệ, tròn tròn trắng trắng mới tốt.

Nhưng nếu vỗ béo nó rồi, kiếm của ta liệu có chở nổi hai đứa không?

Bữa trưa hôm nay sư tôn nói đồ ăn phân phối cho chúng ta đã tăng lên rồi, bảo ta khi nào xuống bếp cứ lấy nhiều thêm một chút. Không hổ là sư tôn đã tu thành tiên, trong đầu ta nghĩ gì người đều biết cả. Khi xuống bếp lĩnh thịt, trong đầu tràn ngập hình ảnh sư đệ mũm mĩm, tâm tình tức khắc bay bổng, thấy đám Lăng Đoan lén lút trong góc bếp góc chẳng biết đang làm gì cũng mở miệng chào hỏi, dù đã dọa tụi nó giật nảy mình.

Đến chiều mới biết hồi trưa mấy người kia làm gì, làm một món điểm tâm trông cũng không tệ lắm, lừa cho sư đệ ăn. Sư đệ nhìn món điểm tâm trắng nõn kia, muốn ăn rồi lại không dám cầm lên, đại khái sự cảnh giác ngấm trong cốt tủy của con thú nhỏ vẫn còn phát huy tác dụng. Nhưng rồi không chịu nổi lời mời mọc của mấy người xung quanh, cuối cùng cũng cắn một miếng, chẳng ngờ hòn sỏi nhét trong bánh đã lèn gãy mất nửa cái răng. Sau đám Lăng Đoan cứ khăng khăng cãi mình không biết có hòn sỏi lẫn vào, cũng không ai tìm được chứng cứ, đành phạt mấy người kia đi Tư quá nhai diện bích mấy ngày.

Sư đệ không khóc cũng không gào, ngoan ngoãn theo ta về phòng. Trên đường về ta không ngừng tự trách bản thân, nếu hồi trưa mình để ý quan sát một chút thì có thể sư đệ đã không mang vạ. Nếu ta ngăn sư đệ ăn cái bánh đó, có lẽ đã không xảy ra chuyện. Nếu cảm thấy những lời này nghe rất giả, thì ta thề từ nay về sau sẽ không để chuyện như thế xảy ra nữa.

Về đến phòng, ta bảo sư đệ quay về hướng sáng rồi há mồm, kiểm tra cẩn thận một lượt. Rất may nó đang ở vào thời kỳ thay răng, cái vừa rụng chỉ là răng sữa, về sau còn có thể mọc lại. Sư đệ há miệng nhìn ta, đôi mắt sáng ngời, khiến ta càng thêm đau lòng, chỉ biết ôm lấy nó mà lặp đi lặp lại câu xin lỗi, nếu đau đệ cứ cắn sư huynh một nhát là hết liền. Kết quả sư đệ cắn thật, cắn xong rồi còn nói với ta: sư huynh, đệ vẫn muốn ăn món bánh ngọt này. Bổ sung một câu là bên trong không có sỏi.

Ta xoa xoa gan bàn tay bị cắn, đồng ý.

Sư đệ cắn không sâu, để lại một dấu răng mờ chẳng mấy chốc mà lành lại, ta cũng yên tâm hơn nhiều.

Đến bữa cơm chiều, sư tôn hỏi chuyện hôm qua, ta và sư đệ không ai nói gì, sư tôn trầm tư rất lâu rồi bảo giờ có thể bắt đầu dạy sư đệ học kiếm. Ta ngồi gần sư đệ, nghiêng đầu liền thấy nét ngạc nhiên đan xen với mừng rỡ trong ánh mắt của sư đệ. Sau đó nhóc con nhảy xuống khỏi ghế, cung kính dập đầu với sư tôn. Ta đoán sư đệ muốn học kiếm chẳng qua là vì tâm nguyện báo thù rửa hận chi đó. Nhưng thuở niên thiếu ai mà chẳng có một mục tiêu để mình cố gắng cơ chứ.

Trở về phòng, sư đệ hỏi ta có thấy mục đích học kiếm của nó rất buồn cười không. Ta nói không đâu, lý tưởng này rất hay, thật đó. Làm người phải có mục tiêu, không thì làm sao mà cố gắng, làm sao chịu nổi ảnh mắt khinh thường của người ta, làm sao trở nên mạnh mẽ cho được?

Nói hết chuyện rồi, sư đệ nằm bò ra giường, cuộn tròn trong chăn mà hỏi ta: mục tiêu của sư huynh là gì. Ta nói mục tiêu của ta không vĩ đại chút nào, chỉ là lên làm chưởng môn rồi xóa sổ lớp học sáng. Nhóc con liền vỗ tay tán thưởng, nói sư huynh rất anh minh.

Mấy tối gần đây ta sợ nó ngủ rồi lại đá chăn, kéo quần áo cuốn chặt lấy người nên đành phải ôm nó ngủ. Sư đệ nằm trong lòng ta ngủ ngon lành, nói mê cũng ít hơn hồi trước, cứ thế này thì ta yên tâm rồi.

++++++++++++++++++

Hôm nay sớm khóa sau khi kết thúc, ta dắt sư đệ đến Thí kiếm đài chọn lấy một thanh kiếm cho nó. Nói là chọn, thật ra chỉ là quơ bừa một thanh giữa vài trăm thanh kiếm giống nhau như đúc đó thôi. Kiếm của đệ tử Thiên Dung cấu tạo y như nhau, tên là Tiêu Hà, năm xưa khi sư tôn thiết kế kiếm nhất định không ngờ về sau sẽ có một đứa bé tám tuổi cầm nó. Kiếm Tiêu Hà dài ba thước, rộng hai ngón tay, ta nhìn ngược nhìn xuôi đều cảm thấy nó không thích hợp cho sư đệ luyện tập.

Năm thứ ba ta lên núi, từng trông thấy nguyên bản của Tiêu Hà trong phòng luyện kiếm của sư tôn, trên thân kiếm khắc dòng chữ "Nguyệt trung thử dạ thành song ảnh, điều đệ thanh sơn bỉ kiên khán" (Dưới trăng đêm nay có bóng hai người, sánh vai ngắm ngọn núi xanh đằng xa). Lúc ấy ta chưa biết nhiều chữ, chỉ đọc được mấy từ thanh sơn thành song. Mà ta nhớ mỗi lần sư tôn ra ngoài gặp bạn cũ đều đến cùng một chỗ, hình như cũng là một ngọn núi trùng điệp xanh thẳm.

Tay chân sư đệ đều nhỏ xíu, phải dùng cả hai tay mới có thể miễn cưỡng giương kiếm, cố gắng vung vẩy vài cái trước mặt ta. Không hề có trình tự lẫn chiêu thức, nhưng ta lại cảm thấy trong nháy mắt kiếm giương lên, toàn thân sư đệ đều biến đổi, rõ ràng chỉ là một thanh kiếm hết sức bình thường cộng thêm thứ kiếm thuật tệ hại, lại có thể toát ra chút khí thế. Ta nghĩ có lẽ chưa đầy vài năm nữa, kiếm pháp của sư đệ sẽ còn lợi hại hơn ta.

Đến tối trở về phòng, lấy từ gầm giường ra một thanh kiếm gỗ bám bụi đưa cho sư đệ. Sư đệ tròn mắt nhìn ta, có lẽ muốn hỏi ta làm sao chế ra nó. Nên ta mới nói sư đệ rất giống sư tôn ở cái điểm không hề đáng yêu này, cả Thiên Dung thành có thể đọc được ánh mắt họ, hơn nữa còn không hiểu sai e rằng chỉ có mình ta.

Ta nói kiếm này không biết là do vị sư thúc sư bá nào để lại, hồi nhỏ khi ta vừa lên núi cũng không vung nổi Tiêu Hà, phải dùng thanh kiếm này luyện tập. Sư đệ nhìn ta rất lâu, sau đó kéo kéo tay áo ta, nói bằng giọng rất nghiêm túc rất thành khẩn, sư huynh, dưới gầm giường còn thứ gì tốt đều lấy ra cả đi.

Nhóc tưởng dưới gầm giường là kho báu hay sao? Ngoại trừ thanh kiếm gỗ từ đời nảo đời nao còn chưa bị mọt gặm, thì cũng chỉ có cuốn nhật ký của sư huynh đây.

Kết quả hôm qua nhóc con kích động đến trằn trọc cả đêm, nằm một bên ôm kiếm lần mò. Nghịch chán chê lại bám dính lấy ta mà hỏi, sư huynh ơi sư huynh à, huynh nói xem thanh kiếm này là của ai nhỉ, nhìn qua đủ biết là hàng khắc thủ công rất lợi hại. Sư huynh, chuyện đạo trưởng và con chó ở ngọn núi kế bên mà huynh kể lần trước, giờ kể lại lần nữa đi được không. Sư huynh nói xem bạn thân của sư tôn sống ở đâu, vì sao mỗi năm đều phải đi thăm, vì sao ông ta không đến chỗ chúng ta chứ. Cứ thế tiếp diễn, không ngơi nghỉ được phút nào.

Ta nhớ mang máng trước khi ngủ nó còn hỏi ta, dưới gầm giường sư huynh có gì ăn được không, đệ đói.

Cho nên nhóc con chính là nhóc con, dù có khí thế đến đâu thì nó vẫn chỉ là một thằng nhóc mà thôi.

Sư đệ rất có cốt khí, cuối cùng vẫn không dùng đến thanh kiếm gỗ kia, mà nhét nó trở lại cái hốc dưới gầm giường. Tiêu Hà vẫn còn rất nặng với nó, khi luyện kiếm ngay đến tư thế cơ bản cũng rất khó duy trì, mấy sư huynh đệ vốn không vừa mắt với nó bèn mô phỏng cái dáng xiêu xiêu vẹo vẹo ấy mà cười nhạo ngay sau lưng nó.

Sư đệ ta vẫn không quay đầu lại, chỉ nghiêm túc lặp đi lặp lại những động tác giống nhau. Những chiêu kiếm đơn giản mở đầu, chưa đầy nửa ngày nó đã múa có bài có bản. Ta đứng sau lưng mọi người, mấy lần nhìn đến nó, nó đều đang cắm cúi luyện tập, hoàn toàn không để ý đến xung quanh. Đợi đến giờ nghỉ sư đệ mới chạy sang hỏi ta, sư huynh, động tác vừa rồi có đúng không.

Nếu Túc chính trưởng lão nghe được những lời này, có lẽ sẽ có cảm giác lệ nóng doanh tròng hệt như ta. Bao lâu nay đây là lần đầu tiên có người đến thỉnh giáo vấn đề chuyên môn, thật không dễ dàng.

Đến bữa cơm chiều, sư đệ cũng phải chịu hậu quả do luyện kiếm quá độ, hai tay đều nhức mỏi đến độ nhúc nhích còn không nổi, chứ đừng nói đến chuyện cầm đũa ăn cơm. Sư tôn ngồi bên kia bàn nhíu mày, ném cho sư đệ ra hai chữ "hồ nháo" kinh điển. Sư đệ méo miệng, ngồi xuống bên cạnh ta. Đại khái là ngay cả động tác kéo tay áo cũng không làm nổi, nên nhóc con đành cọ cọ đầu lên cánh tay ta, nói sư huynh sư huynh, đệ đói muốn chết rồi.

Không còn cách nào khác, đành phải bón cho nó từng thìa một. Sư tôn sau vài lần lặp lại chữ "hồ nháo" cuối cùng cũng mở miệng gọi tên ta, Lăng Việt, lấy thanh kiếm gỗ dưới gầm giường con cho Đồ Tô dùng.

Ta vâng dạ. Bỗng giật mình nhớ ra, hình như ta đã từng thấy một thanh kiếm gỗ hình dáng tương tự như thế trong phòng luyện kiếm. Quả là lai lịch sâu xa, nhớ năm xưa ta khi mới tìm được thanh kiếm này, ánh mắt sư tôn xem ta luyện kiếm, chưa chắc đã là nhìn ta thật.

Rốt cuộc bữa cơm này ăn mất gần nửa canh giờ, mới đầu tay chân còn vụng về, bị sư đệ kêu bỏng chết mất, sao sư huynh không thổi. Về sau đã hoàn toàn thông thạo, gắp thức ăn, thử độ ấm, cuối cùng đút cho sư đệ, động tác thành thục lưu loát.

Cho nên cái công việc bảo mẫu này một khi đã đến tay là không buông xuống được nữa. Lòng ta thật sự rất bi ai.

+++++++++++++++

Sư đệ đến môn phái đã được mấy tháng, trong thời gian này vẫn hay ăn chóng lớn, kể cũng mọc thêm chút thịt, tuy vẫn có thể ôm lấy dễ dàng, nhưng ít nhiều cũng có sức nặng, khá hơn hồi vừa lên núi còn gầy tong teo. Nhưng nếu béo phì cỡ như tên nhóc Lăng Đoan thì trái lại cũng mất hết nét đáng yêu.

Trong mấy tháng sống chung, sư đệ vẫn không thân thiết lắm với các sư huynh đệ khác. Một là chính nó cũng không thích nói chuyện, dù trước mặt ta nó bám dính như hồ; hai là chỉ e các sư đệ khác vẫn không quen nhìn nó tự dưng được sư tôn thu làm đồ đệ. Nhưng không sao, sư đệ chỉ cần có ta là được rồi.

Tính ngày ra, cũng sắp sang năm mới rồi. Tối hôm đó nhìn sư đệ rửa mặt trước khi đi ngủ, phát hiện nhóc con không những có da có thịt hơn mà cũng cao lên không ít. Trước vẫn lấy cái giá đặt chậu đồng làm mốc, giờ đã cao hơn nó rồi. Ta thấy nó ngẩng đầu nhìn mình liền vẫy tay, sư đệ vừa lấy khăn tiếp tục kì cọ bàn tay, vừa lững thững bước tới hỏi ta có chuyện gì thế. Ta đưa tay ra so, lúc mới nhập môn mới cao ngang thắt lưng, giờ đã gần đến ngực. Ta nói sư đệ cao lên rồi, vừa hay đến đầu năm đi lãnh quần áo mới, nó bĩu môi bảo đâu có, vẫn còn thấp hơn sư huynh mà.

Sư đệ à, nhóc nghĩ chỉ có mình cao lên thôi hả!

Từ ngày lên núi, ta đã trải qua vài lần giao thừa. Trước kia cả môn phái từ trên xuống dưới cùng ăn tất niên, sau đó sẽ đón giao thừa với sư tôn, cũng vì năm đó chưa đông người lắm nên mới có thể kéo hết vào phòng sư tôn mà ngủ, chủ yếu vẫn là vì chờ mãi chờ mãi chưa đến giao thừa rồi thiếp đi mất. Nhưng từ năm nay trở đi sẽ không giống thế nữa, nhiều người sẽ không muốn làm cái chuyện nhàm chán là ngồi đếm tiếng mõ cầm canh cho đến khi vô thức ngủ quên nữa.

Sư đệ từ tối hôm trước đã háo hức không ngủ nổi, trèo khởi giường nó chui sang giường ta, túm lấy tay ta trong bóng tối hỏi về những tập tục đón năm mới ở đây. Trong cơn mơ màng, ta bị bàn tay lạnh buốt của nó đánh thức, đành phải miễn cưỡng vừa nắm tay nó vừa nhớ lại những tập quán ăn tết dưới chân núi. Có lẽ tập tục ở đây khác với quê nó nên nhóc con liên tục hỏi còn gì nữa không, sau đó thì sao. Ta đã kể hết những chuyện mình gặp dưới chân núi, đọc trong sách hay nghe các các sư thúc giảng mà sư đệ vẫn chưa thỏa mãn. Nếu không phải đêm đã khuya nhìn không được rõ, ta nghĩ lúc này đại khái chỉ cần cúi đầu là có thể thấy đôi mắt sáng bừng của sư đệ.

Cuối cùng, cuối cùng ta đưa tay lên gõ đầu nó, bảo nó bây giờ đi ngủ đã, không thì rời giường đi chép sách, rồi thuận tay kéo chăn quấn tròn nó lại.

Trước khi chìm vào giấc ngủ ta mơ mơ màng màng nhớ lại, trước kia trong lúc ngủ say nó thường kéo chăn, ta liền cho nó ngủ riêng một giường. Kết quả là đến tối nó lại chui vào giường ta, đúng là làm chuyện thừa.

Sáng hôm sau khi ta thức giấc, sư đệ đã tỉnh rồi, tự giác mặc quần áo chờ ta ngồi dậy chải đầu cho nó. Ta ngồi dậy chào một câu, nhóc con liền nhoài lên giường nói sư huynh sư huynh, đêm nay là giao thừa rồi, có đồ ăn ngon đó. Ta cúi đầu mặc quần áo, hoàn toàn không nhớ ra tối qua mình đã nhắc đến đồ ăn với nó bao giờ.

Khi chải đầu cho sư đệ ta mới phát hiện, trong lúc không ai để ý, tóc nó đã mọc thêm khá nhiều, tóc mai cũng sắp dài đến mắt rồi, xem ra ta còn phải học cách cắt tóc cho nó. Trước khi tết tóc cho sư đệ, không hiểu sao lại nghĩ đến những lời đọc được trong sách mấy ngày trước, ta bèn hỏi nó bao giờ thì đệ không cần sư huynh chải đầu cho nữa. Nhóc con nghiêng đầu, bâng quơ nói cứ chải đến ngày sư huynh không còn là sư huynh của đệ nữa đi.

Dù về sau có ra sao thì cả đời này nó vẫn là sư đệ của ta, nên ta nghĩ có lẽ mình cũng sẽ chải tóc cho nó cả đời.

Sách viết rằng: chải một nhát đến đuôi tóc, chải hai nhát đến khi đầu bạc lan chân mày. Ta cảm thấy rất hay.

+++++++++++++++

Đêm nay là giao thừa, buổi sáng ta rời giường, chuẩn bị đánh thức sư đệ còn đang kéo chăn trùm kín đầu. Kết quả gọi được vài tiếng, nhóc con vẫn ôm cứng chăn mền không chịu buông, miệng lầm bầm hôm nay không có lớp buổi sáng, sư huynh lừa người ta, hôm nay được ngủ nướng thoải mái. Không còn cách nào khác, đành phải xốc chăn nó lên. Trong phòng tương đối ấm áp, sư đệ ngái ngủ đưa mắt nhìn quanh rồi sửa lại lớp áo trong nhàu nhĩ của mình, sau đó không chút do dự bò lên đầu giường, rúc thẳng vào trong lòng ta. Với cái kiểu sưởi ấm sau khi bị dựng dậy sáng nào cũng diễn lại một lần này, ta đã có thể ứng phó cực kỳ thuần thục. Lòng ta thật sự rất bi ai, vô cùng bi ai.

Cuối cùng đành miễn cưỡng để sư đệ tựa vào lòng, tìm đống quần áo bị nó quăng quật khắp nơi mà mặc giùm nó. Sư đệ ngáp một cái, hỏi ta dậy sớm làm gì. Ta bảo nó sáng giao thừa phải tổng vệ sinh, quét xong còn phải giúp sư tôn dọn phòng. Sư đệ bĩu môi, ôm chậu nghiêng ngả đứng lên đi rửa mặt, xem ra vẫn còn ngái ngủ.

Trong lúc nó đứng bên kia chà xát cái khăn mặt, ta mang chăn đi phơi nắng, chờ nó quay lại ta đã bắt đầu quét nhà. Sư đệ bám lấy khung cửa thò đầu vào, sau đó cau mày lùi lại, chỉ nghe ngoài cửa truyền vào một câu sư huynh, bụi quá. Thật đúng là, cũng không nghĩ lại xem là ai ngày nào cũng vật vã trên giường, hết lăn lộn trồng cây chuối lại đánh tới đánh lui, không bụi mới là lạ. Bảo nó bưng chậu nước đến vẩy, nhóc con vừa hay có cớ chạy đi, đội chậu đồng nhoáng cái đã chạy mất hút. Cũng may nó rất nghe lời, nhanh chóng múc nước quay về, vẩy nước dọc những chỗ sẽ quét qua theo hướng dẫn của ta.

Quét dọn xong xuôi thì mặt trời đã lên cao ba con sào, ta hỏi sư đệ muốn dán hình gì lên cửa sổ, sư đệ ngẫm nghĩ rồi nói muốn nuôi một con vật để chơi, đáp rất không ăn nhập. Ta bó tay, cuối cùng đành vẽ lần lượt từng con giáp ra rồi bảo nó chọn. Nó ngắm đi ngắm lại, cuối cùng chỉ con gà trống béo ú vì vẽ nhiều chi tiết sẽ khó cắt. Cầm kéo đúng là không thuận tay, ta mới chỉ xem các sư muội cắt giấy vài lần, đành phải trực tiếp bắt tay vào làm thử, sau khi cắt hỏng vài ba tờ giấy cuối cùng cũng cắt ra một con gà trống thoạt nhìn còn tưởng gà mái, dán lên cánh cửa sổ gần bàn của sư đệ. Sư đệ hỏi ta thích hoa văn gì, ta nói không thích gì cả, chủ yếu là sợ nó nghịch kéo lâu lại cắt vào ngón tay. Cuối cùng không chịu nổi cơn giận dỗi của nhóc con, đành bảo nó cắt một hoa văn hình tròn thoạt nhìn giống như cột mốc của Thiên Dung thành, dán vào chỗ ta.

Đại khái sư đệ muốn chúc ta sớm lên làm chưởng môn để thả cho nó ngủ nướng xả láng.

Nhưng sư đệ à, nếu ta thật sự ngồi lên ghế chưởng môn thì hẳn là nhóc cũng lên làm trưởng lão, phải đi giám sát các đệ tử đến lớp buổi sáng, vẫn không được ngủ nướng mà.

Hôm qua mới viết được một nửa đã bị sư đệ kéo đi xem biểu diễn múa kiếm. Thật ra cũng chẳng có gì đẹp, nếu muốn xem sư huynh ta lúc nào cũng có thể múa cho nhóc xem. Lúc về sư đệ rất cáu, nghe nói Lăng Đoan lừa nó rằng sư tôn cũng sẽ biểu diễn, nên nhóc con ôm hy vọng được khai nhãn mà đến, thành ra thất vọng mà về.

Chiều hôm đó ta đưa sư đệ đi giúp sư tôn dọn phòng. Phòng sư tôn rất sạch sẽ, hoàn toàn không cần chúng ta ra tay, mỗi đứa ta đều lấy ra một thanh trường kiếm cắt bằng giấy mô phỏng theo kiếm Vân Hòa, vừa nhìn đã thấy không có phần che tay, trông như cây kim, cung kính dâng lên như hiến bảo. Sư tôn nhìn kiếm Vân Hòa đỏ rực, trầm ngâm không nói, chỉ phóng mắt nhìn ra mây khói bên ngoài cửa sổ, không biết đang nghĩ gì. Ta và sư đệ đành phải bảo nhau dọn giá sách, mà cũng chẳng có gì thú vị, vì phần lớn đều đọc không hiểu.

Ta nghĩ hẳn là sư tôn lại bắt đầu nhớ tới người bạn thân kia rồi. Lại nói, ta vẫn luôn nghi ngờ, nếu sư tôn đã nhớ ông ấy đến vậy, cũng thường đi thăm người ta, thì tại sao không mời ông ấy lên núi ăn tết cùng chúng ta chứ.

Nhưng ta không dám hỏi.

Không nhớ đêm hôm trước ta đã ngủ từ lúc nào, ba thầy trò cùng ăn sủi cảo, chuyện phiếm với sư đệ đến khuya. Sư tôn thỉnh thoảng cũng nói vài câu, thậm chí còn kể chuyện luyện kiếm trừ yêu của người hồi trẻ. Ta nghĩ thời sư tôn còn trẻ có lẽ đã là chuyện của rất nhiều rất nhiều năm trước rồi.

Chuyện cuối cùng ta còn nhớ là mình đã hỏi sư tôn làm tiên nhân có phải rất buồn tẻ hay không. Sư tôn không đáp, chỉ xoa trán ta và sư đệ.

Ta thấy mấy trăm năm sau nếu có được một người bạn thân vẫn còn tưởng nhớ lẫn nhau thì cũng rất tốt, ít ra sẽ không quá cô đơn.

Về sau nếu ta tu tiên cùng sư đệ, mỗi sáng sớm gọi nó rời giường chải đầu cho nó, sau đó cùng xem mặt trời mọc rồi lại lặn y như bây giờ, cứ nghĩ như thế thì tu tiên cũng không phải chuyện gì quá mức buồn khổ.

.

.

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro