Co mot dem nhu the-phan2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Im lặng trôi qua. Tiếng Lai khe khẽ:

- Trước lời kêu gọi của Gớt Hôn, đài đọc thơ của Nam Hà, Miên có thích bài đó không?

- "Ðường dài đi giữa Trường Sơn. Nghe vọng bài ca đất nước..." - Ðúng không? Thích ghê lên ấy chứ! Cái Dự bạn em, anh có biết không - Miên tiếp - Hơn em hai tuổi. Khai tăng một tuổi, đợt sơ tán này nó ở nhà để xin đi thanh niên xung phong. Bố nó thích lắm, trong mọi việc chẳng bao giờ chú ấy cấm đoán cả.

- Thế bố Miên hay cấm Miên những việc gì?

- Cấm đủ thứ - Miên trả lời. Hai năm lớp tám, lớp chín tối nào Dự cũng đến học nhóm với em. Bàn học của bọn em kê ở một góc, nhưng chỉ liếc qua là bố em biết ngay là đang ngồi học, hay đang xem truyện.

- Giờ học lại ngồi đọc truyện, bị mắng cũng phải. Luật sư xen vào.

- Kìa Nhóc, để chị ấy nói! Lai giơ một ngón tay lên "đe" cậu bé.

"Giờ thì chị hiểu tại sao em bị gọi là Luật sư rồi. Nhưng cấm cũng chẳng được! - Giọng Miên thoáng vẻ đắc thắng. Kéo cái ngăn kéo ra một chút, em để truyện trong đó, và cứ đàng hoàng thế mà đọc. Dự ngồi đối diện với em, lúc nào bố em từ buồng đi ra, nó khẽ ho lên một tiếng, thế là ngăn kéo tự động ập vào. Tất cả những cấm đoán - bố em cứ nghĩ rằng nếu không mê đọc truyện quá, chăm chỉ học hành em sẽ trở thành một người giỏi giang. Rất giỏi giang nữa cơ đấy!

Khẽ bật cười, như thể vì đang hình dung ra mình trong vai trò một người giỏi giang, rồi Miên tiếp:

Có một lần em suýt chết... Anh có biết không - bố em rất hay kiểm soát ngăn kéo và giá sách. Lục truyện mà. Nhưng ai đời dại dột để ở những nơi ấy. Muốn tìm truyện phải xuống dưới bếp cơ! Thùng gạo, chạn thức ăn, thùng đồ vật, rồi trong đống củi, dưới gầm lò cũ... Phái mạnh các anh, nhất là cực mạnh như bố em, ai để ý đến những nơi vớ vẩn?

Thế nhưng "đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma". Lần suýt chết ấy - buổi tối đọc xong, khuya rồi mệt quá, em quên không sơ tán sách. Sáng ra dậy muộn, quáng quàng xách cặp chạy. Ðến lớp, học hết giờ đầu, vào tiết thứ hai, tiết toán của thầy "Tuấn bút chì" em mới sực nhớ: quyển Phục sinh vẫn để trong ngăn kéo. Sợ quá, chẳng còn nghĩ được đến xin phép nữa, em bật ra khỏi cửa sổ lao một mạch theo đường tắt về nhà. Em ngồi bên cửa sổ, bọn em học ở dãy nhà một tầng, chỗ đó có con đường dẫn ra ruộng rau. Theo đường này qua làng Quỳnh. Chỉ mười lăm phút sau là có thể có mặt ở nhà.

Nếu bố em mà giở ngăn kéo ra... thì ôi thôi. Liép sẽ tan tành! Sáng đó sương mới nhiều làm sao. Sương như từ vùng hồ ao dâng lên - Một bức tường sương kéo suốt dọc đường. Lạnh thế mà mồ hôi cứ toát ra...".

- Chị thoát không? - Luật sư hỏi dồn. Chẳng hiểu nó đang hồi hộp lo cho số phận Liép, hay cho Miên.

"Thoát!" - Miên trả lời Luật sư. Rồi tiếp - giọng bâng khuâng. Thế mà thầy Tuấn không mắng em. Thầy Tuấn rất hiền. Gày nữa, mùa đông trong chiếc áo bông rộng lùng thùng, trông thầy giống hệt chiếc bút chì trên đậy nắp bút máy Hồng Hà, loại bút đàn ông ấy.

Giờ học cuối cùng trước ngày 16 tháng 4, lẽ ra thầy cũng phải giận em, vậy mà... Thực ra em không nên làm thế. Bao giờ em cũng sai. Nhưng tại sao người ta cứ viết ra những quyển sách hay quá như thế?

- Trong giờ toán hôm đó Miên đã làm gì? - Lai hỏi.

- Giờ kiểm tra một tiết, nhưng em lại ngồi đọc "Ðất Quảng". Kiểm tra hình. Bài rất dễ, chỉ mười lăm phút là xong. Quyển "Ðất Quảng" vẫn còn một phần nữa, cuối giờ toán bọn nó lại đòi... Miên khẽ thở dài. Lẽ ra hết giờ em phải xin lỗi thầy. Thầy ngồi trong lớp chấm bài để trả ngay. Nhưng em đã không xin lỗi. Bọn con trai chơi cờ tướng vui quá... Nếu biết đấy là buổi học cuối cùng em đã không làm thế. Không bao giờ làm thế!

- Hết hè đến xin lỗi vậy.

- Anh bảo sao? Miên hỏi lại.

- Mình bảo hết hè đến xin lỗi - Lai nói.

- Thầy đi bộ đội rồi. Bài làm hôm ấy thầy vẫn cho em điểm mười. Thầy Tuấn đi bộ đội. Dự đi thanh niên xung phong, còn em đi sơ tán. Thế mà bố, mẹ em còn định gửi em theo xe các chú trong cơ quan... Ngừng một lát Miên lại tiếp. Ban nãy anh bảo mặt trăng đỏ là điềm chiến tranh. Ðiềm chiến tranh dứt khoát không phải rồi, nhưng mất mùa thì có thể lắm chứ. Biết đâu chẳng có liên quan nhất định về thời tiết?

- Chẳng phải đâu - Lai trả lời. Ngoài hiện tượng thủy triều và áp triều ra, mặt trăng không có ảnh hưởng gì đến trái đất cả. Còn màu đỏ hồng kia là do sự khúc xạ của các tia sáng mặt trời vào trong khí quyển, các tia đỏ dập lên mặt trăng... Mà có biết không - trên mặt trăng không có hoàng hôn đâu nhé. Nhưng lại có biển. Biển theo cách gọi của Galilê. Người ta đặt cho biển của mặt trăng những tên như: Biển Mưa, biển Trong Sáng, biển ẩm ướt, biển Yên tĩnh, biển Phong phú, biển Nhụy Hoa, biển Mây...

- Anh học về những cái đó à?

Miên thốt lên, ngạc nhiên và thích thú. Ðôi mày doãng ra trên vầng trán phẳng và cao.

- Ðâu có, giọng Lai thoáng vẻ ngượng ngập.

- Ðưa hộ mình cái cần câu với.

Khi đưa cần câu cho Lai, Miên nhận thấy anh có một đôi mắt rất đen. Có lẽ còn đen hơn cả những dải nước mà sóng đang lôi vào bờ, rồi lại ném ra xa tít tắp kia.

- Sao cần câu ngắn thế anh? - Giọng Miên trong và nhẹ.

- Tháng tư cá thường ăn sát bờ... Nhưng kìa, ngồi không khéo bạn sẽ làm hỏng hết hoa đấy!

- Hoa nào?

Theo bản năng Miên nhổm người lên, như thể đang ngồi trên hoa thật. Thì ra chỗ Miên đang ngồi là một thẻo vườn, mà vạt cỏ tươi tốt bên đầm đã mọc trườn vào. Phải nhìn kỹ mới thấy những gốc cây đã héo.

- Có thấy gì không?

- Những gốc cây?

- Chỉ thế thôi à! - Thở ra rồi hít vào thật mạnh xem nào.

- Hít vào thật mạnh... Trời, sao từ nãy đến giờ em không nhận ra nhỉ?

- Suỵt! Luật sư quay lại, đưa tay lên miệng cảnh cáo tiếng reo của Miên.

Hẳn cậu ta sợ cá nghe thấy.

Hoa loa kèn. Một mùi thơm ngọt mát dâng lên.

Giữa những gốc cây đã héo, giữa những lá cỏ dài tươi tốt, cây hoa còn sót lại ở một góc thẻo vườn chỉ có một bông hoa duy nhất. Thật khó tưởng tượng nổi hương thơm ôm đầy cả khoảng không bao la này, chỉ dâng lên từ đài hoa mảnh dẻ đến dường kia.

- Trước đây là nhà của một ông già rất yêu hoa. Giờ ông chuyển vào làng, nhường đất cho sinh viên làm nhà ở và giảng đường. Có biết vì sao mình nhắc đừng ngồi lên không?

- Miên lắc đầu.

- Hoa đã cắt, nhưng còn củ để lại ươm dưới đất đấy - Lai giải thích.

- Giật đi anh... Thôi, hỏng rồi!

Có tiếng quẫy nhẹ. Tiếp theo là tiếng thở dài thực to của Luật sư. Dưới ánh trăng, cái gọng kính của cậu in hình to kệch, nom đến kỳ dị.

- Hôm nay đen quá. Thôi chả thèm câu nữa.

Luật sư ngáp dài, và nằm xoài luôn xuống. Nó gỡ kính. Lại ngáp. Một lát im lặng. Rồi bỗng cất tiếng, giọng ngái ngủ:

- Cái ông Gớt Hôn ấy buồn cười nhỉ. Ngồi dưới hầm rồi kêu gọi... Mà ban nãy anh nói về mặt trăng là bịa thật đấy?

- Xin cứ tin tôi - ngài Luật sư!

Có gì đó vừa giễu cợt, vừa trìu mến trong giọng Lai.

Cả ba cùng im lặng. Trong đêm tĩnh mịch chỉ còn vang lên tiếng nước vỗ bờ. Mặt đầm cứ rộng ra, rộng mãi và, và bầu trời dường như cũng được nâng lên - cao và nhẹ hơn. Luật sư chừng đã ngủ. Tiếng nó thở nhè nhẹ. Cái kính cận rời khỏi tay, từ mặt kính loáng lên một vệt sáng.

Lai đứng dậy đi vào nhà, rồi trở ra với một cái áo. Anh cuộn áo lại, nâng đầu cậu bé lên và luồn xuống dưới.

- ở nhà nhóc được chiều lắm. Ngủ không gối hắn ta bị đau đầu đấy. Lai khẽ cười, rồi như nhớ ra điều gì anh bỗng ngập ngừng... Thực ra mình cũng chẳng biết gì đâu, về mặt trăng ấy. Ban nãy là mình đọc thuộc lòng một đoạn trong giáo trình thiên văn của Pôlác đấy. Quyển sách tình cờ rơi vào tay mình. Ông ta viết hay đến nỗi không thể không thuộc được... Cả chuyện cá ăn sát bờ vào tháng 4, và hoa loa kèn khi cắt rồi, thì củ để dưới đất ươm tiếp mình cũng "nghe" sách thôi. Bao giờ về Hà Nội mình sẽ tìm lại quyển sách của Pôlác cho Miên đọc.

- Thật chứ?

- Thật. Có điều đừng đọc trong giờ của thầy "Tuấn bút chì" nữa và cũng đừng nhét Pôlác vào gầm lò cũ hay chạn thức ăn mà ông ta lại kiện mình.

Im lặng.

- Anh Lai này... Trong quyển sách thiên văn của Pôlác có viết về đêm không? - Anh bảo có à? Tiếng Miên như từ sóng nước vọng lên. Bố em bảo em sinh ra vào lúc nửa đêm...

- Một giấc mơ - ừ, tên Miên... Nhưng với mình Miên sẽ là đêm, Lai như nói một mình. Rồi bỗng anh thốt lên: Miên xem kìa!

- Trăng...

- Không, đừng nhìn trăng. Vì sao đổi ngôi - Miên có thấy không? Hẳn một vệt sáng xanh... Nó rụng xuống đâu nhỉ?

Im lặng.

- Khuya lắm rồi - tiếng Lai như bừng tỉnh. Thôi Miên ngủ đi, lấy sức sáng mai còn đạp xe tiếp. Mình nhường cho cái bờ đầm này đấy. Nằm đây ngủ khoái hơn vào nhà. Lai đứng dậy nhìn quanh, rồi trỏ vào vạt cỏ ngay chân Luật sư. Nằm đây này!

- Còn anh?

- Mình thức. Phái mạnh mà...

Im lặng. Sóng xô nước vào bờ. Cùng với cảm giác một cái gì mềm mại lướt dưới lưng, Miên nghe tiếng Lai từ trong nhà cất lên:

- Thế... Ngủ đi, đừng sợ!

*

* *

... Tất nhiên không phải ngay trong lúc này tất cả những điều xảy ra trong đêm ấy đã trở về cùng lúc trong trí nhớ Miên. Mà phải một thời gian, một khoảng thời gian dài sau này Miên mới có thể sắp xếp được những ý nghĩ của mình, sắp xếp được những gì đã xảy ra theo một trình tự rành mạch. Mới có thể mường tượng đến từng chi tiết nhỏ những gì đã có trong đêm đó. Còn bây giờ, trong cuộc gặp gỡ quá đỗi bất ngờ này chỉ kịp cảm thấy trong tâm hồn đang mệt mỏi của mình luồng gió năm xưa tươi mát ùa về. Những ngọn cỏ đâm vào chân buồn buồn. Ðài hoa mảnh dẻ đỡ lấy năm cánh hoa trắng ngà, trên mỗi cánh hoa ấy có muôn vàn tia nước li ti chảy - Những tia nước trong lành đã vọt lên từ mặt đất ẩm ướt trong suốt cả mùa xuân, qua thân cây xôm xốp. Rồi hương thơm của nó... thứ hương lúc thì dậy lên nồng nàn, lúc lại mất đi trong những đợt gió ào ạt đưa về từ phía bên kia bờ đầm. Và sau hết, trên tất cả là âm hưởng của một giọng nói - Cái âm hưởng vừa giễu cợt, vừa trìu mến lạ lùng, nhớ lại chị chưa hề gặp ở một người nào khác.

Phải chăng trọn vẹn những gì Miên mơ ước đều đã có trong đêm đó?

Khoảng im lặng của những xao động trôi qua, Miên hỏi:

- Anh em giờ thế nào nhỉ?

- Anh Lai không phải anh trai em. Em sơ tán về làng đó, gặp rồi quen thôi. Ngày ấy anh Lai là một trong những sinh viên đi tiền trạm để lo xin đất, và lo chuyện làm nhà cho trường. Cho đến hôm đó anh Lai đã có tên trong danh sách đi bộ đội. Mắt anh Lai còn cận nặng hơn em rất nhiều, nhưng anh ấy không đeo kính. Anh Lai bảo tập cho quen đi, chứ có kính thì còn đánh đấm gì. Nhưng thực ra không đeo kính để được đi khám tuyển thì đúng hơn. Ðã có tên trong danh sách đi bộ đội, nhưng vì chưa có người tiếp quản công việc, nên mặc dù rất sốt ruột anh ấy cũng phải ở lại. Còn bây giờ, chị hỏi anh Lai... Long quay đi, và cũng như đêm nào cái gọng kính lại in hình to kệch nom kỳ dị, có khác chăng là in trên tường chứ không phải trên bờ cỏ tươi tốt năm nào - Anh Lai mất đã năm năm. Im lặng một lát Long tiếp - Hà Nội thế mà rộng. Sau những - ngày - bê - năm - hai về em tìm chị suốt cả mà không thấy. Những năm sau cũng không hề thấy. Có cái này em vẫn giữ cho chị. Long đặt trước Miên một phong thư đã cũ và nhàu, nét chữ ngoài bì không còn rõ nữa, nhưng lành lặn sạch sẽ. Thư không dán tem. Một người bạn anh Lai đã cầm về - Long giải thích và đứng dậy đi về phía cửa sổ.

Trong phần đầu lá thư gửi cho Luật sư. Lai đã kể về cuộc sống của anh khi chuyển sang đơn vị mới. Bằng vào thư thì những gì anh đã trải qua trong những ngày này đều tuyệt vời hết sức. Cái giọng điệu "từng trải" trong thư, hẳn Lai rất hay dùng với Long, tuy không phải lúc nào anh cũng thành công. Nhớ đêm ấy Long đã tỏ ra ngờ vực hết sức khi nghe Lai nói về mặt trăng. Thậm chí nó còn hỏi thẳng thừng có phải chuyện của anh là bịa không.

Còn phần sau của thư - cứ theo ngày tháng thì phần sau viết cách một khoảng thời gian dài.

"Luật sư ơi, bọn anh giờ bắt đầu vào cuộc rồi. Có kể em cũng không hình dung hết được những gì bọn anh đã qua đâu. Em còn nhớ anh Kiệm không? Cái cậu beo béo, hay cười, cùng đi một đợt với anh ấy. Cách đây hai ngày anh và các bạn anh đã mai táng cho Kiệm cùng hai người nữa. Riêng Kiệm, thật thương tâm - thi hài cậu ấy chỉ là một mảnh áo...

Cứ qua một đợt đơn vị lại vơi đi. Rất có thể ngày mai trong số vơi đi tiếp theo sẽ có anh. Nhóc vẫn hay giễu cợt, rồi lại bào chữa cho tính hay bịa đặt của anh. Nhưng trong những điều anh sẽ nói sau đây - em phải tin và đừng hỏi lại nhé. Trong khoảng thời gian thuộc về mình này sao anh nhớ Hà Nội, nhớ đêm trước mấy ngày nhập ngũ của anh - nhớ đến cồn cào. Tên chị ấy là đêm. Thật may mắn cho anh làm sao, vì như thế lúc này anh có cảm giác như chị ấy đang đứng ở đâu đó rất gần anh thôi. Cô bé có vầng trán thẳng dưới mái tóc hất ngược về phía sau... Vầng trán và đôi mắt - mỗi lúc nhớ lại anh không khỏi liên tưởng đến những đám mây trắng, thứ mây vẫn thảnh thơi bay trên bầu trời, trong những sáng hè yên tĩnh...

Nếu ngày nào đó anh hỏi địa chỉ thì trong từng ấy năm anh đã có thể biết được những gì đã đến với "cô bé" của anh. Giờ đây nếu sau trận pháo này - anh có mặt trong số vợi đi, thì nghĩa là cuộc gặp gỡ sẽ không bao giờ có. Luật sư sẽ bào chữa cho anh thế nào nhỉ? Anh đã chia tay không hề tìm cách biết thêm ngoài một đôi điều chị ấy đã nói, và cũng không hề tỏ ra cần biết tiếp về những gì sẽ đến với chị ấy. Ðêm trôi qua dưới một vầng trăng màu đỏ, dòng người đổ đi vô tận qua các ô, lời kêu gọi của Gớt Hôn... Những ngày tháng dữ dội và khốc liệt đã bắt đầu, vậy mà tại sao anh lại chia tay với Miên như chia tay một cô bạn cùng phố - hết hè rồi sẽ gặp lại. Tại sao thế?

Nhưng thôi tìm cách giải thích những trạng thái tâm lý để làm gì. Tất cả đều kỳ lạ... chỉ chút nữa thôi mặt đất sẽ rung chuyển vì pháo của bọn anh và pháo của bọn nó, vậy mà, Nhóc có tin không - anh nghe thấy cả tiếng cá quẫy đấy. Anh đã để hụt nó. Lúc ấy em thở dài mới khiếp chứ. Lại còn bực lây với cả Gớt Hôn. Con cá hẳn không nhỏ. Nhưng anh có thể chú ý được đến điều ấy chăng - khi mà, trong cái dáng đang vươn về phía trước, chị ấy sao mà giống như bông hoa loa kèn ở góc vườn đến lạ lùng?

Bông hoa vươn thẳng, hắt một tia sáng trắng dịu lên vầng trăng đỏ ối - lúc này đây - giữa không gian khét lẹt và nóng bỏng, anh đã gặp lại hình ảnh này..."

*

* *

Ðọc tới đây, Vịnh ngừng lại. Anh để tập bản thảo xuống bàn, nơi từ đó đang vang lên tiếng con sâu nghiến vào gỗ kèn kẹt, rồi đưa tay lên xoa mãi vào trán và mắt.

Cái đêm ấy - trong cuộc chiến tranh vừa qua, phải chăng niềm tin ở mỗi chúng ta đều dựa trên những điểm tĩnh đầy thơ mộng như thế, và với niềm tin đó chẳng có sự tàn bạo, khốc liệt nào đè bẹp nổi? Mọi người trong phòng im lặng. Họ đang theo đuổi ý nghĩ gì?

Phần mình, tôi nghĩ chỉ thấy trước mặt một đầm nước rộng mênh mông, bên đầm nước - trong yên tĩnh đầy tin cậy giấc ngủ hồn nhiên của cậu Luật sư và Miên. Làm sao không ngủ được khi vì sao của Lai đã rụng - Khuya lắm rồi... Làm sao không ngủ được khi hai tiếng "đừng sợ" đầy trìu mến đã cất lên? Bên giấc ngủ thật sâu của bông hoa và cậu bé ấy - Lai có biết rằng anh đã thực sự lên đường?

Nhưng kia - có tiếng chân ai vang lên ngoài hành lang... Tiếng dép kéo, rồi tiếng gì đó khua rủng rẻng. Cửa phòng bật mở - và người thường trực của cơ quan xuất hiện với chùm chìa khóa to tướng.

- Chà, các vị - Giọng ông cáu kỉnh. Sao giờ này mà chưa gửi chìa khóa? Bộ không cho người ta ăn cơm nữa sao? Họp thì phải báo trước chứ!

- Xin lỗi bác, chúng tôi có chút việc.

Nở một nụ cười xin lỗi với người thường trực, Vịnh quay sang mọi người:

- Chúng ta về thôi chứ nhỉ?

- Kẻng hết giờ lúc nào mà không nghe?

Trong tiếng ghế xô, tiếng chân bước và tiếng cặp lồng va chạm, anh cán bộ đời sống nói to, hẳn cố ý để người thường trực nghe thấy. Ðúng vào lúc này, chuông đồng hồ của thành phố điểm sáu tiếng.

- Ðúng là ngày tháng mười. Mới sáu giờ mà đã tối là tối.

Trên dãy hành lang, lặng tanh vẫn tiếng anh cán bộ đời sống vang lên.

- Cậu về đâu? Ði bên tôi Linh khẽ hỏi.

- Cuối phố Huế - Tôi trả lời chị.

- Xa nhỉ. Mà cậu có gần chỗ bị bom không? Buồn cười, ngày mới lấy nhau "ông nặn tượng nhà mình" cứ lôi mình đến đấy suốt. Chả là dạo đó bạn bè anh ấy đang đắp phù điêu. Về sau nghe đâu người ta đã bỏ nó.

- Phù điêu là gì? - Sự chen vào.

- Phù điêu trên bức tường của phố Huế - Anh không biết à? Linh hỏi lại Sự.

- ờ, ờ... mình là dân ngoại thành.

- Các vị nhanh chân lên một tý để tôi còn khóa cầu thang. Cơm canh nguội tiệt rồi!

Người thường trực lúc này đã xuống đến bậc thang cuối cùng - ông ta khua nắm chìa khóa lên và giục giã.

Cả mấy người chúng tôi cùng vội vàng rảo bước. Và trong sự vội vàng đó. Linh đã không nhắc lại câu chuyện về những phù điêu ở phố tôi. Thật may cho tôi, vì chính tôi - tôi cũng không hề biết những phù điêu ấy có còn hay không.

Hà Nội - Những ngày áp thấp

Tháng 11 năm 1981

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro