Chương 14

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thịnh "Đen" Rủ Nghỉ Đi Chơi
Uống Cà Phê Lại Nhắc Chuyện
Xưa Kia.
***

Trời mùa hè chưa gì trời đã sáng, như vậy cũng tốt, Quốc Khang thức dậy vừa lo bữa sáng cho mẹ và mình, lại dọn dẹp nhà cửa để còn đi làm. Trời vừa le lói ánh nắng, Quốc Khang đã mặc bộ đồ xà bần, mang giày bảo hộ, treo cái mũ lưỡi trai trước chiếc xe máy, lấy cái mũ bảo hiểm lên đầu, tay dắt xe máy ra khỏi nhà, còn quay lại nói với mẹ.
_ Mẹ! Mẹ ở nhà đọc sách, xem ti vi, còn gì thì trưa con về làm, không nên gắng gượng nấu nướng làm gì, để con thêm lo.
Bà giáo nhìn đứa con trai của mình, nước mắt rơm rớm, khe khẽ gật đầu và bảo:
_ Quốc Khang! Con đi đường cẩn thận con nhé.
Quốc Khang nghe mẹ bảo vậy, liền nói:
_ Con sẽ làm như mẹ bảo.
Quốc Khang nói xong liền đề máy và cho xe chạy ra ngoài ngõ. Bà giáo nhìn theo Quốc Khang mà có chút gì đó lo sợ, khi nhớ lại cái thời ấy. Cái thời mà người ta thường bảo rằng; " hoạ vô đơn chí". Ông giáo vốn là bộ đội xuất ngũ, đi học sư phạm làm ông giáo làng. Nhưng những năm tháng chiến tranh gian khổ. Những ngày vạch lá, lội suối, trèo đèo, vượt núi, đã gieo trong người của ông căn bệnh sốt rét ác tính. Cơn bạo bệnh ấy đã cướp đi sinh mạng của ông khi mùa đông đang tới. Ông giáo ra đi nào được bao lâu, thì tai họa lại ập đến. Vào thời bấy giờ, ở nơi thôn làng, những chiếc xe công nông là cứu cánh cho nhà nông khỏi vất vả. Người làm nhà kêu xe chở cát. Nhà nông khi mùa đến đã kêu xe chở lúa về nhà, không còn cái cảnh xe kéo, người phía trước khom lưng kéo, người sau cúi đầu đẩy. Nhưng cũng vì chiếc xe công nông đó, là một nỗi ám ảnh cho bà giáo đến bây giờ.
Chuyện là như thế này.
Vào lúc, cái thời ấy. Cái thời nhà nhà đã tích lũy được chút tiền nong, bạc vốn. Người người mới thi nhau làm nhà bằng vôi vữa, lợp ngói, chứ không còn bới cơm đi, kéo xe kéo, đem theo đòn xóc, lạt, liềm, trời mới sang canh ba đã thức dậy gọi nhau í ới, đi gần cả chục cây số để cắt tranh về lợp nhà. Làng Lập ở gần sông vì vậy xe công nông chở cát chạy cả ngày. Một hôm, bà giáo đang đạp xe đạp để đi dạy, thì ở đâu một chiếc xe công nông chạy đến. Chiếc xe công nông đó chở một xe cát nặng đang chạy đến. Bà giáo đang đạp xe bên vệ đường. Chuyện cũng không có gì, nếu như chiếc xe công nông kia đi qua thì thôi. Nào ngờ đâu trong con ngõ một trái banh lăn qua đường, lại có thằng nhỏ đuổi theo. Bà giáo thấy vậy liền quăng cả xe đạp, nhanh chóng lao đến ôm đứa bé kia vào đường. Cũng không biết đó có phải là số phận hay không? Mà hôm đó chiếc xe công nông ấy lại hỏng chân phanh. Nếu như chân phanh chẳng hỏng thì người lái công nông đã kip phanh lại, đường này chiếc xe công nông còn lao đến ủi một cái, làm cho bà giáo bay vào bụi tre. Bà giáo cứu được đứa trẻ kia chứ không cứu được mình, cú va chạm mạnh đã làm cho bà giáo tổn thương cột sống. Như thời bây giờ còn cơ hội chạy chữa, chứ vào cái thời mới qua cái thời đổi mới, thì mọi việc đều khó khăn. Bà giáo trước thì không còn đứng lớp được nữa, chỉ ở nhà lo việc nhà, sau đến việc nhà cũng không lo được nữa, mọi việc đều nhờ vào Quốc Khang cả. Bà con bên nội đều là người nghèo hết cả, ai cũng làm nông, lo cho con cái còn khó, chỉ chạy qua chạy lại giúp miếng nước, chén cơm, còn nhà ngoại thì ở xa, có người em cũng hi sinh lúc chiến tranh biên giới. Các cụ ngoài ấy, cũng chỉ biết nhờ vào mấy cô mấy bác, đến khi các cụ đến nơi cõi vĩnh hằng, cũng chỉ biết úp mặt vào gối khóc cạn nước mắt, hoạ may có Quốc Khang ra thăm, thắp nén hương thay mẹ. Trước cha ra đi vì bạo bệnh, sau đến lượt mẹ gặp tai nạn, Quốc Khang đành phải nghỉ học để chăm mẹ. Ở nơi cái làng quê ven sông Thạch Hãn này nghĩ học sớm, cũng chỉ có hai nghề nữa để chọn. Ngoài làm ruộng, thứ đến làm mộc hoặc làm thợ xây dựng, ( hay còn gọi là thợ nề, cũng không biết tại sao ở vùng quê của mình lại gọi thợ nề, có phải từ cái tên nặng nề mà ra hay không?) ai hơn một chút có ba bốn chỉ vàng thì đi học nghề xe máy, hoặc mấy cô thì học thợ may, học thợ may chỉ cần một chỉ vàng là học được. Nhà Quốc Khang khi ông giáo còn khỏe, tích cóp được cũng xây được cái nhà ba gian lợp ngói, đến khi bà giáo bị tai nạn có bao nhiêu đều lo cho bà giáo hết cả. Quốc Khang bỏ dở chuyện học hành, cũng không còn gì nữa, nên theo những người trong làng đi phụ hồ, từ phụ hồ rồi lên thành thợ cho đến tận bây giờ.
Quốc Khang đi làm thợ xây, cũng chỉ đủ lo cho hai mẹ con. Loáng một cái, thế mà giờ đây trên đầu của Quốc Khang đã điểm những sợi tóc bạc. Lúc trước, bà con chòm xóm còn giới thiệu cho Quốc Khang, cô này, cô kia, vừa có người bầu bạn, lại có người chăm sóc cho bà giáo, chứ đàn ông con trai có điều bất tiện, ấy vậy mà do số phận trêu ngươi hay sao ấy? Những cô gái đến với Quốc Khang đều đi lấy chồng, để Quốc Khang với thời gian trôi qua.
Bà giáo ngồi tựa lưng vào thành giường, vừa nhớ đến những tháng ngày đã qua.
Quốc Khang lúc này xách cái xe dream tàu chạy ra để đi làm, thì có tiếng người gọi.
_ Quốc Khang! Quốc Khang!
Quốc Khang nghe tiếng gọi liền đạp phanh ngừng xe lại, thì thấy thím Sáu tất tả chạy đến. Thím Sáu vừa đến đã nói:
_ Quốc Khang! Hôm qua thằng Tư đi đánh cá, có con cá này gửi bác bên nhà nấu canh.
Quốc Khang đưa mắt nhìn thấy trong cái bao là con cá quả ( cá tràu) khá to, áng chừng một cân. Quốc Khang nhìn thấy con cá khá to mới nói:
_ Thím Sáu! Thằng Tư đi đánh cá cũng khó, hết bao nhiêu tiền cho cháu gửi.
Thím Sáu nghe Quốc Khang nói như vậy liền nói với giọng giận dỗi.
_ Quốc Khang! Cháu nói như vậy thì thím giận đó nghe? Có ai chết mà đem tiền xuống dưới đó đâu? Thôi thím gửi con cá, còn đi cho kịp buổi chợ.
Quốc Khang nhìn con cá, chắc được bữa kho, liền nói với thím Sáu.
_ Thím Sáu đi chợ, mua cho cháu ít nước chắt chắt nghe thím.
Thím Sáu gật đầu rồi nói:
_ Chút thím mua rồi sẽ đem qua, cháu cứ đi làm cho kịp buổi.
Quốc Khang cầm con cá quả, đã được thím Sáu làm sạch sẽ và quay xe về nhà. Quốc Khang vừa chạy xe về nhà, thì có tiếng bà giáo bảo:
_ Quốc Khang! Con đi làm để quên máy điện thoại ở nhà, thằng em vừa điện tới ngày hôm nay nghỉ làm.
Quốc Khang nghe vậy cười bảo:
_ Mẹ! Thế là sáng nay có hai cái may, con vừa ra khỏi cửa ngõ, thím Sáu gửi con cá, quay lại mới nghe báo nghỉ, nếu không thì phải chạy lên đến chỗ làm.
Quốc Khang nói xong, liền bước đến định để con cá vào tủ lạnh, nhưng lại hỏi:
_ Mẹ! Mẹ thích ăn cá quả nấu cháo bột hay cá quả kho tiêu vậy mẹ?
Bà giáo đang xem chương trình thời sự buổi sáng, nghe Quốc Khang hỏi như vậy, mới nói:
_ Quốc Khang! Nấu cháo bột cũng ngon, nhưng mẹ thích kho tiêu, thêm canh chắt chắt là được.
Quốc Khang nghe vậy thì cười bảo:
_ Mẹ! Hôm nay không biết làm sao nữa? Con vừa gửi thím Sáu mua chắt chắt nước, thế mà lại quên khuấy mất.
Quốc Khang lúc này cắt con cá quả, cho đồ màu vào ướp sẵn, thì có chuông điện thoại lại reo lên. Quốc Khang mới bảo với mẹ.
_ Mẹ! Nhìn xem ai gọi con, con đang mắc tay rồi mẹ ạ.
Bà giáo cầm cái điện thoại cùi bắp và bảo:
_ Quốc Khang là số lạ, không có tên trong danh bạ.
Quốc Khang vừa cho gia vị ướp cá, vừa nói:
_ Thế thì thôi mẹ ạ.
Muốn biết sự thể ra sao? Xin mời mọi người xem chương sau sẽ rõ.

Hết chương 14

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro