CÓ MỘT TÌNH YÊU VẪN LUÔN NHƯ THẾ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CÓ MỘT TÌNH YÊU VẪN LUÔN NHƯ THẾ

"Tùng... tùng... tùng"

Tiếng trống trường kết thúc năm học, bọn trẻ con trong xóm ríu rít về nhà trong hân hoan. Chúng sẽ được nghỉ hè, được chơi thỏa thích. Bọn con nít tranh nhau kể về các dự định của chúng. Đứa kể ba mẹ đưa đi du lịch chơi, đứa lại mong chờ được đắm mình ở dòng sông quê ngoại. Đứa khác buồn rầu khi ba mẹ bắt học hè. Còn tôi, lòng cứ lâng lâng nghĩ về ngoại. Ngoại tôi là một người hiền hậu. Ngoại làm nghề thầy thuốc. Trong mắt tôi, ngoại luôn là ngôi sao sáng nhất trong dãy ngân hà. Không ai sánh bằng ngoại của tôi. Ông có đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm từ tốn giảng dạy cho tôi bao điều. Sở dĩ tôi ca ngợi ông hết mức vì dường như thứ gì tôi không biết ông đều dạy cả. Ông dạy tôi nấu rau câu trong trứng vịt, dạy tôi thổi lửa nấu cơm như thế nào.

Thời còn trẻ, ông là một người nông dân nghèo. Ông bôn ba khắp nơi kiếm sống. Khi ông đến một mảnh đất có tên gọi là Vĩnh Long, ông chợt yêu nơi đây. Không phải vì vùng đất này trù phú hay vì bất kỳ điều gì khác mà chỉ đơn giản là nơi đó có người ông yêu. Bà tôi hồi còn trẻ là một thiếu nữ đẹp, con của bà hội đồng. Hằng ngày, bà được ghe đưa đi học ngang khúc sông nhà ông. Ông thấy bà xinh đẹp trêu ghẹo vài câu thế là nên duyên. Ngày ông bà cưới nhau người ta không cấm cản như trong mấy câu chuyện xưa thường nghe. Khi ông bà lấy nhau, mẹ bà tôi mất gia sản để lại cho người cậu bà con. Ông cậu một tay nuôi bầy con của cố. Ông cậu cảm nhận được tấm chân tình của ngoại nên chấp thành cho hai người. Ông ấy còn cho vài mẩu đất để ông bà lập nghiệp.

Sau khi cưới, bà tôi từ một thiếu nữ khuê cát chân yếu tay mềm trở thành người đàn bà lam lũ biết giặt giũ, nấu cơm nước và làm chuyện đồng án. Ông cậu ghé thăm vài lần, ông thương cho bà, khuyên bà về nhà chính ở để cậu nuôi chứ lấy chồng khổ quá. Cố có linh thiêng ở trên trời cao sẽ trách ông cậu. Vậy mà dù cho trăm cực trăm khổ bà ngoại tôi vẫn yêu ngoại thắm thiết. Bà chọn ở lại cùng nhau gây dựng sự nghiệp.

Chiến tranh xảy ra, ngoại chọn theo phe đồng minh. Ở nhà, anh cậu thành sĩ quan cho họ. Người ta tiếp tế cho bên ngoại đồ ăn, thức uống, y tế của Tây. Ngày giải phóng miền Nam, ngoại chọn ở lại với vợ con thay vì bỏ theo quân đồng minh về nước. Ngoại bảo con ở nhà nheo nhóc mười mấy đứa còn có người vợ thương yêu của ngoại nữa. Ngoại không nỡ. Vậy là người ta vào "đánh tư sản" nhà ông tôi không còn gì cả. Ông bà cầm cố mà nuôi mười hai đứa con, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo. Những ngày nhà không còn gì để ăn, ông bày ra đủ thứ loại món lạ từ cây cỏ trong vườn.

Ngoại hành đủ nghề để kiếm sống cho gia đình bé nhỏ từ nông dân, thầy pháp cho đến thầy thuốc. Thứ gì ngoại cũng tinh thông. Ngoại còn nấu ăn rất giỏi nữa. Tuổi tứ tuần, ngoại tích góp được số tài sản nhỏ. Gia đình cứ thế mà ấm no. Ông tôi còn rất thích nghệ thuật. Mỗi khi lễ đến, ông sẽ tổ chức lễ hát, mời bà con nghệ sĩ đến góp vui. Bà con trong xóm ai cũng quý và kính nể ông. Mỗi lần tôi về quê chỉ còn nói là con cháu của ông Tám là người ta quý lắm.

Ký ức trong tôi về ông không chỉ là những mẩu truyện kia. Nó còn là hình ảnh người ông dịu hiền trông bà gánh mua chút bánh cho cháu mỗi xế chiều. Ngoại luôn chăm non vườn tược thật tươi tốt cốt chỉ để hè về tôi được ăn thỏa thích. Để đáp lại tình thương của ông, tôi với mấy chị thường đi lượm xác ve, hái thuốc về cho ông. Thỉnh thoảng, tôi còn được trải nghiệm trồng cây, lội mương mò cua, bắt ốc, hái sen, hái súng. Tuổi thơ tôi nhờ có ký ức ấy mà trở nên đẹp lạ thường.

Ngày ông mất, tôi đang học trên giảng đường. Chị họ đến đón tôi và thu dọn đồ đạc về gặp ông lần cuối. Lúc tôi về, người ta đã liệm ngoại. Có lẽ tôi không đủ duyên với ngoại. Đám tang ông, trời mưa rất lớn, nước sông dâng cao ngập cả bắp chân. Lúc đưa ông đi, mọi người không dám để bà ngoại biết. Con cháu trong nhà ai cũng sợ ngoại đau thương quá rồi theo ông. Bà ngoại tôi đã khóc mấy đêm liền rồi. Khi bà biết, bà tôi khóc trách móc rất nhiều. Mẹ tôi kể lần cuối mẹ gặp ông ông bảo muốn về thăm bà vì ông biết mình không qua khỏi. Mẹ và các chú hy vọng "còn nước còn tát" nên xin bác sĩ cho ở lại cứu chữa. Đến giờ, mẹ vẫn hối hận vì quyết định đó. Không lâu sau, bà ngoại lâm bệnh nặng. Ở bệnh viện, bà nói bà gặp ông trong mơ. Ông dặn dò bà ở lại chăm sóc tốt các con. Ông đi tu theo phật. Có lẽ vì thế mà bà ngoại đã khỏe và sống đến bây giờ.

Bây giờ, thỉnh thoảng về thăm bà tôi vẫn nói nhớ ông, kể cho tôi nghe những chuyện về ông. Trong đôi mắt ấy chứa đựng một tình yêu nồng nàn như thuở nào. Một tình yêu đằm thắm, sâu sắc mà ít ai có được thời nay. Tôi luôn ước ao, hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ tìm được một người đàn ông hoàn hảo như ngoại. Tôi mong mình tìm được một tình yêu như ngoại. Một tình yêu đến khi mất đi người ta vẫn còn nghĩ về nhau và nghĩ cho nhau. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro