Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tết Thượng Nguyên hàng năm trấn Đông Hà trên kia sẽ tổ chức hội đèn hoa đăng, linh đình cả một ngày. Thanh niên thiếu nữ trong làng đều xúng xính váy quần lên đó dự hội. Trước đó mấy ngày, cái Hĩm đánh tiếng rủ đi hội nhưng vì lười nên tôi từ chối. Trong mười bảy năm tuổi đời, lần duy nhất được đi chơi hội là vào lúc năm tuổi. Vì tôi mè nheo mãi lên bu đành lòng lấy ra một hào mua một cái đèn lồng rồi dẫn tôi lên trấn chơi. Bữa cơm hôm sau tôi thấy bu ăn ít đi một bát, từ đó tôi không còn vòi vĩnh nữa.

Đối với tôi, tết cũng giống ngày thường, có khác thì mâm cơm cúng nhiều hơn mấy món. Ăn xong bữa tối, tôi quyết định trải chiếu ngoài vườn đặng vừa hóng gió vừa ngắm trăng. Hình như hội đèn trên trấn náo nhiệt lắm đến tôi ngồi ở nhà cũng nghe thấy tiếng cười đùa vọng về. Tôi nhìn trăng mà nghĩ ở dưới đó thầy bu có phải đang đi chơi hội hay không, suy nghĩ lan man tới tận đâu, tôi ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay. Trong lúc mơ màng, có người gọi tôi.

– Cô chăn vịt, cô chăn vịt ơi, là tôi nè.

Quái lạ, tôi nào, chả nhẽ gặp ma.

– Ai đấy, tôi là tôi nào?

– Tôi cậu cả đây, hôm 30 tết cô gặp tôi ngoài ruộng. Cô đừng ngủ, trời lạnh lắm vào nhà đi.

Cậu cả? Cậu cả nào?! Tôi giật mình mở mắt. Nhìn bóng người đối diện, tôi đờ người ra, lầm bẩm trong miệng, thần tiên đến đưa mình đi hội hay sao.

– Anh...Anh... Sao anh vào được nhà tôi?

– Tôi trèo rào vào đó.

– Nửa đêm nửa hôm, anh trèo vào nhà người khác làm gì. Không phải đến cướp chứ?

– Không có, là đến thăm cô.

Hắn nói rồi nở nụ cười nhẹ. Tôi ngẩn người nhìn hắn, nửa đêm trăng sáng, mỹ nhân bên cạnh, tôi cảm thấy nếu bây giờ chết đi cũng không có gì nuối tiếc. Đột nhiên hắn cất tiếng hỏi:

– Tôi tên Thanh Phong*, tự Bảo Khiêm. Còn cô?

– Tôi tên Điền, Lam Điền.

– "Rằng mua ngọc đến Lam Kiều / Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường."** Quả nhiên người như tên gọi.

– Anh quá khen rồi. Chỉ là cái tên mà thôi.

– Cô biết chữ không?

– Biết một ít, hồi nhỏ bu có dạy qua. Sau này lén đi nghe giảng ở học đường. Anh không đi chơi hội mà lẻn vào nhà tôi làm gì?

– Cô nói xem, người sống ở đời sao không đối xử tốt với nhau, hà cớ gì phải tranh giành đấu đá đến người sống tôi chết mới vừa lòng.

– Vì lòng tham, vì ghen tị, vì không cam lòng, đôi khi không vì gì cả. Nếu bọn họ có thể rũ bỏ tham, sân, si thì đã đắc đạo thành tiên rồi, làm gì còn đấu đá trước mặt anh.

Hắn trầm mặc một hồi lâu. Tôi mặc kệ hắn. Đột nhiên tôi nhớ tới một chuyện:

– Anh biết quả nho không?

– Có biết, đã từng ăn rồi. Sao vậy?

– Vị thế nào? Tôi chưa từng thấy bao giờ, có một lần thầy gửi thư nói ngày thầy về sẽ mua nho về cho tôi với bu ăn.

– Có quả chua, quả ngọt, bên trong mọng nước. Vừa bỏ vào trong miệng là tan ngay. Thầy cô chưa đem về hay sao?

– Không về được nữa, thầy tôi tử trận sa trường, bu tôi đau lòng sinh bệnh nửa năm sau cũng đi theo.

Đến lượt tôi trầm mặc, cả hai cùng trầm mặc tới khi gã hầu ngoài cổng thúc giục hắn đi về. Lúc hắn đi, còn nói lần sau sẽ quay lại, dặn tôi đừng ngủ ngoài vườn nữa, lạnh lắm. Khoan đã, hắn còn dẫn theo người hầu đến, nhỡ bị bắt gặp thì sao? Nửa đêm chạy tới hỏi một người lạ một câu không đầu không đuôi rồi còn muốn đến nữa?!

Tôi nhìn bóng hắn đi xa rồi lắc đầu vào nhà, đầu óc của kẻ có tiền thật khó hiểu.

Một ngày nọ, cái Hĩm sang nhà tôi xin chỉ vá áo, nó miệng năm miệng mười hí hửng kể chuyển trấn trên, gì mà bà năm của câu Phong bị xảy thai ngay ngày rằm, ông phú hộ tức giận sai người điều tra, thì phát hiện trong phòng bà ba có xạ hương, vì ngại đầu năm xui xẻo nên sai người đánh 30 hèo rồi đuổi đi, phải ngày thường có khi bà vợ lẽ đó bị đánh chết tại chỗ rồi. Cái Hĩm còn phụ họa mấy câu như đàn ông cưới nhiều vợ không thấy ngán à, như bà vợ lẽ kia ác độc đến đứa bé cũng không tha.

Đột nhiên ta nhớ tới vẻ mặt hắn đêm đó. Thì ra là vậy.

Đọc tiếp:, , , , , , , , ,

* Tên nam chính được lấy trong bài Uống rượu tiêu sầu – bài hai của Cao Bá Quát:

"Duy giang thượng chi thanh phong

Dữ sơn gian chi minh nguyệt"

Dịch thơ:

"Trên sông gió mát vô vàn
Trên non trăng sáng bạt ngàn đó thôi"

** Hai câu thơ trên nằm trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, đoạn Mã Giám Sinh mua lại Kiều, ý nghĩa câu thơ ám chỉ vẻ đẹp của Kiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro