Chương 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Khoác thêm áo ngoài cho bớt lạnh, tôi cầm theo ít tiền đi ra khỏi phòng. Bước qua phòng ngủ, nhẹ nhàng gõ mấy cái, một lát sau cậu hầu ra mở cửa cho tôi, nhìn khuôn mặt mệt mỏi của cậu ta tôi đoán chừng đêm qua chẳng chợp mắt được bao nhiêu.

– Dưới bếp còn ít cháo, lát hâm lại rồi cậu với cậu Phong ăn. Giờ tôi đi mua ít thuốc, cậu đừng ra khỏi nhà đấy khéo lại bị người tôi bắt gặp.

Cậu ta thưa vâng rồi bảo đêm qua cậu ba một miếng cháo cũng không ăn. Hắn ăn mới là lạ, tôi nghĩ bụng.

Tôi không vội gọi thầy lang ngay mà đi một chuyến lên trấn trên nghe ngóng tình hình. Ngồi ăn bát bút riêu bên đường, tôi tiện miệng hỏi thăm về xưởng nhuộm Hải Thịnh. Vừa nghe tôi hỏi, một bác gái ngồi kế bên đã một năm một mười kể rõ. Những điều bác kể cũng không khác so với cậu người làm nói, nhưng điều làm tôi bất ngờ là ngoài cậu cả ra thì hai em của cậu vẫn còn sống, hình như đều là con vợ cả. Và còn chuyện quan binh về bao vây xưởng nhuộm ngay sau ngày ông Thịnh gặp cướp, nói cái gì mà thuốc nhuộm có vấn đề. Sau đó quan trên phán xử ông Thịnh không còn nên toàn bộ xưởng nhuộm thuộc quyền quản lý của ông Hưng, chủ của xưởng dệt Hải Hưng, vì hai nhà là họ hàng với nhau. Trên đời có chuyện trùng hợp thế sao?

Ôm một bụng băn khoăn từ chỗ thầy lang trở về, vừa về tới nhà tôi liền bảo cậu người làm đi sắc thuốc, còn mình đi vào phòng. Nhìn người nằm trên giường, hai mắt nhắm chặt, mồ hôi chảy ròng ròng bên má, tôi đoán chắc hắn đang đau lắm, bị chặt mất một chân cơ mà. Tôi nhẹ nhàng lấy khăn lau mồ hôi cho hắn rồi vuốt nhẹ cái trán đang nhăn lại, lát sau thấy hắn từ từ thả lỏng. Tôi thở nhẹ ra một hơi.

Quay qua quay lại đến bữa tối, lúc ăn cơm tôi kéo cậu người làm lại hỏi:

– Cậu tên là gì ấy nhỉ?

– Dạ thưa, con tên Khoai.

– Bao nhiêu tuổi rổi?

– Dạ, mười bốn rồi ạ.

– Mười bốn rồi cơ à. Cậu là bán thân hay chỉ làm công cho nhà ông Thịnh, trong nhà còn người thân không?

– Dạ, con là làm công thôi ạ. Trong nhà còn bu và hai đứa em nhỏ.

– Cậu Khoai à, thứ cho tôi nói thẳng cậu Phong hiện thời bị thương nặng, xem như tôi có thể chứa chấp cậu ấy một thời gian còn cậu thì không được. Cả làng đều biết tôi thân con gái một mình, không bà con họ hàng đột nhiên có một cậu trai trong nhà, tôi biết ăn nói làm sao. Bây giờ ông Thịnh đã không còn, cậu cũng không bán thân thiết nghĩ cậu về nhà đi thôi. Cậu Phong ở đây có tôi trông nom là được.

Nói rồi cậu ấy nhìn tôi rồi nhìn cậu Phong, đắn đo mãi cũng đồng ý. Tranh thủ trời vừa nhá nhem tối tôi khuyên nó đi thôi. Trước khi đi còn dặn tôi chăm sóc chủ cậu ta chu đáo. Thương thay tấm lòng của một người làm. Tiễn người đi khỏi, tôi quay về phòng nhìn tên chết dở trên giường, đoạn nói:

– Mừng cho anh, ăn ở có đức lắm gặp được người như cậu Khoai đây. Nếu không có cậu ấy khéo bây giờ anh đi chầu ông bà rồi.

– Cũng muộn rồi, tôi lau người rồi đắp thuốc cho anh nhé?

Xuống bếp lấy thuốc rồi đi đến vén ống quần bắt đầu thay thuốc cho hắn. Bỏ đi lớp thuốc cũ, phần thịt còn lại đỏ đỏ đen đen, nhìn thấy cả gốc xương bên trong, tôi nhìn thôi đã thấy hãi. Mỗi lần tôi đụng tới từng chỗ khác nhau cả người hắn đều run lên. Xong việc trên người tôi mồ hôi lớn mồ hôi bé chảy ròng ròng, hắn cũng không khá khẩn gì cho cam. Vắt khô khăn rồi nhẹ nhàng lau mặt cho hắn, xong xuôi thì đắp chăn, thổi nến ra khỏi phòng. Mặc kệ hắn có ngủ hay không, việc tôi cần làm đã làm xong rồi.

Không biết gì cớ gì mà hắn không chịu ăn cũng không chịu uống. Tôi dùng hết lời lẽ ngon ngọt, dụ dỗ, khuyên nhủ hắn mở miệng mà vẫn không chịu. Bức quá hóa liều, tôi vớ cọng dây thừng đặng nhìn hắn rồi nói nhỏ một câu: "Cậu Phong, thứ lỗi cho tôi." Từ đó tôi đã tìm được cách ép hắn ăn cơm uống thuốc. Thật đáng mừng.

Mọi chuyện không đơn giản như vậy, mặc dù bây giờ hắn chỉ có thể nằm im trên giường, cả đời còn lại đi đứng khó khăn nhưng hắn vẫn là một con người vẫn còn những chức năng mà một người cần có, ví như chức năng bài tiết. Tiểu tiện thì dễ rồi, tôi chỉ việc cầm bô tiểu nhắm ngay phía dưới. Đại tiện thì mất công hơn nhiều. Mỗi lần, tôi đều phải đỡ hắn ngồi dậy rồi đặt bô bên dưới, khốn khổ không thể tả. Nói gì thì nói tôi là một thiếu nữ mười bảy mười tám cái xuân xanh, chưa từng thân mật với người con trai nào. Nay chăm sóc hắn, cái nên nhìn cũng nhìn rồi cái không nên nhìn cũng nhìn luôn rồi.

Những ngày khó khăn ban đầu đi qua, vết thương của hắn dần chuyển biến tốt. Đồng thời cũng đến mùa thu hoạch, tôi lại bắt đầu công cuộc đi gặt mướn cho người ta. Sáng sớm trước khi ra đồng, tôi thay thuốc rồi đặt cháo đầu giường cho hắn. Tối về giúp hắn tắm rửa gội đầu. Cả ngày làm việc quần quật từ sáng đến tối mệt bở hơi tai nhưng đành chịu thôi, tôi phải nuôi một con ma bệnh ở nhà kia kìa.

Một buổi tối nọ, lúc đắp thuốc cho hắn thì tôi lăn ra ngủ. Mơ màng tỉnh dậy thấy mình đang ôm chân trái của hắn ngủ ngon lành. Cái mặt mo này của tôi chỉ có nước vất cho chó ăn thôi chứ làm gì còn mặt mũi nhìn người. Tôi đành cười ngượng toan đứng dậy ra khỏi phòng. Chợt nghe hắn hỏi:

– Cô... việc gì phải giúp tôi như vậy.

– Anh chịu mở miệng nói chuyện rồi hả, xem như trả công anh đem cho tôi mấy quả nho đi.

– Mấy nay cô bận lắm sao?

– Đúng vậy đó, tôi làm công cho mấy nhà lận, hết gặt lúa, tuốt lúa rồi phơi thóc sát gạo. Anh mà không nhanh nhanh xuống giường thì có nước tôi đi bán thân cho người tôi mới đủ tiền chữa bệnh cho anh.

– Tội tình gì phải cơ chứ. Người như tôi đâu đáng.

Đáng chứ, tôi tự nhủ.

Qua từng ngày, vết thương của hắn đần chuyển biến tốt lên. Hiện tại, ngoài trừ ăn uống bài tiết, hắn sẽ tập đi. Mặc dù hắn mất một chân nhưng chí ít chân kia còn lành lặn. Mỗi tội là mới bị gãy nên sức chịu đựng cũng yếu đi. Bình thường nếu không dùng nạng, hắn chỉ có thể đứng chưa tới nửa canh giờ đã phải ngồi xuống. Lúc đầu tôi đứng một bên, đỡ hắn đi từng bước. Khi hắn dùng quen nạng rồi, tôi chỉ đứng bên cạnh nhìn, phòng khi hắn ngã. Sợ hắn ngã bị thương, tôi lót thêm ít rơm khô dưới sàn. Cũng tiện cho việc di chuyển, tôi cắt đi một bên ống quần, khâu lại vừa đủ để hắn mặc.

Một buổi trưa khi vừa ăn cơm xong, tôi đang đỡ hắn đứng dậy đặng đi lại cho tiêu cơm thì cái Hĩm xông thẳng một đường vào, đúng lúc nhìn thấy cảnh hai chúng tôi đang "thân mật". Nó há hốc miệng: "Mày... mày...?!" Sau đó tôi phải dùng hết sức chín trâu ba hổ nài nỉ nó đừng đi nói linh tinh là tôi "giấu trai trong nhà", nếu lộ ra ngoài có khi tôi bị dân làng bắt nhốt rồi thả trôi sông không chừng. Đổi lại tôi phải đem con Tiền cho nó, xem như phí bịt miệng. Con Tiền đó là con gà mái tôi nuôi hơn năm nay, đẻ trứng nhiều hơn những con khác, nhờ bán trứng của nó tôi kiếm được biết bao nhiều tiền (nên mới có tên Tiền). Tôi nâng nó như nâng trứng, hứng như hứng hoa, còn xây riêng cho nó một cái chuồng vậy mà phải đành lòng đem cho người khác. Đúng là đau đứt ruột đứt gan mà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro