Chương 5: Trung cung

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


[1] Trung cung: là nơi ở của hoàng hậu

Khoảng chừng một tháng sau, Họa viện bỗng nhiên nhận được chỉ dụ của hoàng hậu, lệnh chọn ra một số tranh chân dung do họa học sinh và quan viên Họa viện vẽ, mang đến Khôn Ninh Điện trình lên hoàng hậu. Lúc gần xế chiều, đám người đãi chiếu, họa học chánh không dám chậm trễ vội vàng lựa chọn ra những bức tranh hoàn mỹ nhất, dự định đưa đến tẩm điện của hoàng hậu.

Hôm ấy vốn không có việc gì làm, các nội thị còn lại của Họa viện đều đã về chỗ nghỉ ngơi, chỉ có tôi ở lại trực ban, chỉ dụ tới đột ngột, vì vậy, sau khi làm việc ở Họa viện hơn một năm, lần đầu tiên tôi nhận được nhiệm vụ đưa cuộn tranh đến hậu cung. Nếu là thường ngày, những việc như vậy không đến phiên tôi làm.

Đây cũng là lần đầu tiên trong mấy năm tôi vào cung có cơ hội từ bên ngoài hoàng thành tiến vào trong nội cung nơi ở của hoàng hậu, phi tần. Hàn lâm đồ họa viện nằm ở phía tây nam hoàng thành ngay bên ngoài Hữu dịch môn, theo ý chỉ của hoàng hậu, nhập nội nội thị dẫn dắt tôi đi đến điện, tôi cầm cuộn tranh, từ chỗ này bắt đầu đi, xuyên qua Hữu dịch môn, Hữu trường khánh môn, Hữu gia túc môn, Hữu ngân thai môn, lần lượt đi qua Môn hạ tỉnh, Xu mật viện, Môn hạ hậu tỉnh, Quốc sử viện, lại tiếp tục đi qua Hoàng nghi môn, đi qua Thùy củng môn tiến vào nội cung, vòng qua Thùy Củng Điện và Phúc Ninh Điện mới đến được Khôn Ninh Điện nơi ở của hoàng hậu.

Lúc đó sắc trời đã xẩm tối mà hoàng hậu không có ở trong điện. Theo lời nói của thị nữ Khôn Ninh Điện, hoàng hậu đến Phúc Ninh Điện gặp quan gia rồi, chẳng biết lúc nào mới trở về. Tôi xin nhập nội nội thị đem cuộn tranh vào trong điện, bởi vì phải báo cáo với hoàng hậu, cho nên cũng không dám tự ý rời đi, bèn đứng ở ngoài điện chờ.

Đợi suốt hai canh giờ, cuối cùng mới thấy hoàng hậu trở về. Tôi quỳ xuống hành lễ. Thấy tôi lạ mặt, bà ấy hơi dừng bước, thị nữ giới thiệu với bà, bà mới nhớ lại, hơi gật đầu, sau khi vào điện thì sai người truyền tôi vào.

Hoàng hậu Tào thị mặc trang phục thường ngày của trung cung là váy đỏ tay áo rộng (chân hồng đại tụ) ngồi nghiêm chỉnh trong điện, ống tay áo rực rỡ, bên trong cổ áo lộ ra một lớp đường viền áo trong bằng vải mỏng màu vàng, quần dài màu hồng phẳng phiu rủ xuống mềm mại, không có một nếp nhăn thừa thãi, phi bạch mỏng nền trắng thêu hoa văn vàng im lặng kéo dài trên mặt đất, càng tôn lên tư thái nhã nhặn trầm tĩnh của bà.

Sau khi hành lễ với bà lần nữa, tôi thừa dịp nhìn thẳng trong giây lát, ánh mắt xẹt qua gương mặt của bà. Nguyên nhân của hành vi vượt qua giới hạn này là do tôi thật sự tò mò với hình dáng của quốc mẫu, đồng thời cũng dè dặt kiểm soát thời gian ngắn nhất để không làm ai phát hiện.

Làn da bà như ngọc thạch tỏa ra ánh sáng rực rỡ lóa mắt, mày ngài mỏng cao, khí chất tao nhã, lúc này nửa rũ mi như có điều suy nghĩ, giữa hai lông mày cũng ẩn chứa vẻ buồn rầu.

Trong điện, nội thần đem cuộn tranh chân dung trải ra từng bức rồi treo lên, hoàng hậu thong dong đứng dậy, từ từ di chuyển nhìn kỹ từng cái. Một lúc lâu, sau khi xem toàn bộ các bức tranh, bà không nói gì về chúng, chỉ quay lại hỏi tôi "Những bức tranh chân dung xuất sắc nhất của Họa viện gần đây đều ở trong này?"

Tôi đáp vâng. Bà lại nhìn một chút, giống như chợt nhớ tới, bà lại hỏi "Ở đây có tranh của họa học sinh Thôi Bạch không?"

Tôi đáp không có, bà liền khẽ cười "Ta cũng đoán là không có. Có người nói hắn vẽ tranh vụng về, không có chí tiến thủ, lại còn ngông cuồng kiêu ngạo, thậm chí không đem những người bề trên trong Họa viện để vào mắt... Nhưng có chút kỳ lạ, người tồi tệ như vậy làm sao lại thi được vào Hàn lâm đồ họa viện?"

Tôi hơi do dự, nhưng vẫn kể rõ sự tình với bà "Từ lúc tiền triều thiết lập Họa viện tới nay, ai cũng tôn sùng phong cách vẽ tranh của cha con Hoàng Tuyên, Hoàng Cư Thái, mỗi khi gặp dịp so tài, đều lấy thể chế Hoàng thị làm chuẩn mực để lựa chọn. Thôi Bạch nền tảng rất tốt, bàn về nét bút thì khéo léo, tuyệt không làm khó được anh ta, vì vậy thi vào Họa viện tương đối thuận lợi. Nhưng anh ta tính tình nhàn hạ, dường như không yêu thích giàu sang phú quý cho lắm, ngược lại thích lối sống tự do thanh nhàn của Từ Hi[2], bình thường cực kỳ thích vẽ về cuộc sống đời thường, mỗi lần gặp cảnh liền vẽ lại, có thể vẽ được cái thần thái của vật, và có được phong thái của Từ Hi . Sau khi vào Họa viện, không phải lúc nào vẽ tranh hoa trúc linh mao cũng dùng song câu để điền màu, cũng thường tham khảo cách vẽ của Từ Hi hoặc cách vẽ không khung[3] của Từ Sùng Tự[4], mỗi bức tranh đều vẽ cẩn thận, ngòi bút phóng khoáng, màu sắc bố trí trang nhã, pha chút ngang tàng. Nhưng lúc so tài nghệ, loại phong cách tranh tranh này lại không được các đại nhân trong Họa viện đồng tình, việc làm của Thôi công tử thường bị coi khinh, rất khó giành được lời khen ngợi."

[2] Từ Hi: họa sư xuất chúng nhà Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc

[3] Cách vẽ không khung (một cốt pháp) là một thuật ngữ trog tranh Trung Quốc, trực tiếp dùng màu để vẽ, không cần lấy mực vẽ khung (đường viền bên ngoài)

[4] Từ Sùng Tự: họa sư Bắc Tống, cháu Từ Hi

Hoàng hậu gật đầu, lại nói "Hắn biết rõ phong cách vẽ tranh đó không được mọi người yêu thích, mà vẫn kiên trì vẽ tranh như vậy sao?"

Tôi đáp "Vâng. Anh ta cho rằng công việc sẽ không dễ dàng bị người khác làm ảnh hưởng mà thay đổi"

Hoàng hậu cười yếu ớt nói "Cũng là một người ngoan cố. Có thể hắn thi vào Họa viện cũng không dễ dàng, tính tình bừa bãi như vậy, chẳng lẽ không sợ bị đuổi khỏi sao?"

Trong lòng tôi biết chắc chắn đã có người ở trước mặt hoàng hậu chỉ trích Thôi Bạch, lưỡng lự không biết có nên nói với bà về tâm tư của Thôi Bạch, mà giọng nói ôn hòa của hoàng hậu khiến tôi có thiện cảm với bà, vả lại bà vẫn giữ vẻ mặt hòa nhã nhìn tôi, đợi tôi trả lời, tôi lấy dũng khí nói thẳng "Thi vào Họa viện là nguyện vọng của cha Thôi Bạch công tử, cho nên anh ta tuân lời mà làm, nhưng trong Họa viện chỉ học vẽ tranh theo phong cách Hoàng thị, ngược lại với chí hướng của anh ta... Tính tình của anh ta không hợp với tác phong của Họa viện, bị đuổi khỏi Họa viện cũng không làm anh ta e ngại."

Hoàng hậu trầm ngâm, chốc lát, chỉ thị nói "Hai ngày sau, đưa một ít tranh Thôi Bạch vẽ tới đây."

Tôi lập tức lĩnh chỉ, bà lại tỉ mỉ nhìn tôi, hỏi "Ngươi bao nhiêu tuổi, cũng đã từng học vẽ sao?"

Tôi hạ thấp người đáp "Thần năm nay mười ba, cũng chưa từng học vẽ, chỉ ở dưới sự chỉ dạy của Thôi công tử vẽ xấu vài lần"

"Ngươi... Tên là gì?" Bà tiếp tục hỏi

"Lương Hoài Cát" Tôi đáp, lần này không giải thích thêm gì về tên nữa.

"À, ta còn nhớ ngươi" Hoàng hậu lộ ý cười nhạt "Ngươi vốn tên là Lương Nguyên Hanh phải không? Tên bây giờ là Bình Phủ đổi cho"

Bình Phủ là tên tự của chưởng quản Nội đông môn Trương Mậu Tắc. Hoàng hậu gọi hắn như vậy khiến tôi có chút kinh ngạc, ngay sau đó liền cảm thấy một tia vui mừng không rõ. Tôi coi Trương tiên sinh như là thầy, là cha, mặc dù mấy năm nay chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp mặt, nhưng tôi trước sau vẫn nhớ ơn và kính trọng hắn. Hoàng hậu nhắc lại việc đổi tên làm cho tôi ngay lập tức nhớ tới ân huệ bà từng cho tôi, vì vậy trịnh trọng quỳ xuống, dập đầu cảm tạ ơn cứu mạng của bà năm ấy.

Bà hòa nhã nói tôi đứng dậy, còn thưởng cho tôi ít bút lông chuột và hương mực Tây An. Tôi gần như được sủng mà lo sợ, bởi vì đồ bà thưởng cho tôi không tầm thường là bông lụa như ban cho nội thị, mà là bút, mực thượng hạng có thể dùng để vẽ tranh và viết thư pháp.

Bà nhìn kỹ những bức chân dung kia lần nữa, chọn ra vài bức hỏi tôi người vẽ, sai người ghi chép lại từng cái một sau đó lệnh cho tôi đem số tranh còn lại trở về. Tôi tuân mệnh lui ra, dưới sự dẫn dắt của nhập nội nội thị ra khỏi Khôn Ninh Điện, sau khi nhập nội nội thị chỉ cho tôi đường quay trở về thì liền đóng cửa.

Hắn và tôi đều đánh giá cao năng lực nhớ đường của tôi, cộng thêm việc tôi luôn nghĩ về chuyện vừa rồi, không để tâm đi hồi lâu mới chợt hoảng sợ, bản thân đã ở một nơi hoàn toàn xa lạ, tôi bị lạc ở chỗ này trong cung đến nửa đêm.

Tôi dừng lại nhìn bốn phía mịt mù, xung quanh vắng vẻ không tiếng động, không bóng người, chỉ thấy phía trước là một hồ nước trong, dưới ánh trăng gợn sóng lăn tăn, bên bờ liễu rủ bóng đung đưa, ở trong gió phất phơ như múa, tràn vào lòng tôi cảm giác lạnh lẽo. Tôi mơ hồ suy đoán rằng đây là hậu uyển ở tây bắc hoàng thành. Sau đó bèn ngửa đầu nhìn lên trời, dựa vào vị trí của các ngôi sao để phân biệt phương hướng, tìm được đường đi về phía cửa nam, vội vàng chạy theo hướng đó.

Vừa mới đến hành lang cửa nam, chợt thấy bên cạnh mình có một cái bóng từ bên ngoài đi vào, chợt lóe lên, tôi hoảng sợ, quay đầu nhìn lại, lại nhìn thấy hình bóng kia nhỏ nhắn xinh xắn là một bé gái chưa lớn, ở trong gió đêm lành lạnh chạy đến bên bờ hồ Dao Tân ở hậu uyển, trên người chỉ mặc một bộ trung y trắng thuần và quần dài cùng màu, tóc dài xõa thẳng tới eo, cùng với ánh trăng chạm vào nhau như tỏa ra màu lam trầm tĩnh.

Nàng xách quần dai chạy vội, lúc ống quần tung bay có thể nhìn thấy được nàng không đeo giày, hẳn là chạy chân trần. Việc này khiến tôi ý thức được nàng là người chứ không phải ma quỷ, vì vậy sợ hãi ban đầu phai dần, tôi yên lặng quay trở lại, giấu mình trong đám cây bên hồ, xem ý muốn của nàng là gì.

Nàng ở bên hồ quỳ xuống cạnh tảng đá lớn, hướng trăng sáng ba quỳ chín lạy. Từ góc độ của tôi có thể nình thấy mặt nghiêng của nàng, nàng khoảng chừng bảy, tám tuổi, khuôn mặt xinh đẹp, ngũ quan tinh tế.

Quỳ lạy đã xong, nàng ngửa mặt lên trời, cau mày mà khóc, những giọt nước mắt lăn trên mặt trong như sương mai "Cha bị bệnh, Huy Nhu không có cách nào làm cho cha đỡ đau đớn, nhưng xin ông trời rủ lòng thương, để cho Huy Nhu có thể thay cha mang bệnh, dù phải chịu gấp bội lần đau đớn. Chỉ xin thần linh đồng ý lời thỉnh cầu của tôi, nếu làm cha khỏe mạnh như trước, cho dù Huy Nhu có bỏ cả tính mạng cũng không hối tiếc..."

Nàng vừa khóc vừa nói, than thở giãi bày với trời ý nguyện quyết tâm lấy thân thay cha hết lần này tới lần khác, tôi im lặng đứng ngoài quan sát, cũng cảm thấy thương xót. Tình cảnh này khiến tôi nhớ đến một chuyện trước đây.

Sức khỏe cha tôi luôn yếu, về sau lại mắc bệnh nặng, thường ho khan cả ngày lẫn đêm, mỗi khi đi ngủ tôi đều nghe thấy tiếng ho của ông truyền tới từ sát vách. Lúc đó tuổi nhỏ không hiểu chuyện, luôn cảm thấy tiếng ồn ào này thật đáng ghét, mỗi lần bị làm cho không ngủ được tôi liền mơ hồ nghĩ, nếu một ngày ông có thể yên lặng thì tốt biết bao.

Cuối cùng cũng có một đêm như thế, tôi rốt cục cũng không còn thấy tiếng ho của ông. Đêm đó, tôi ngủ vô cùng an tĩnh. Ngày hôm sau tỉnh lại, vừa mở mắt đã nhìn thấy khuôn mặt đờ đẫn tái nhợt của mẹ, bà ngưng mắt nhìn tôi, bình tĩnh nói cho tôi biết "Tiểu Nguyên, cha con đi rồi"

Thì ra cảm giác trời sập chính là như vậy, tất cả mọi thứ đều thay đổi.

Từ sau đó cho tới bây giờ, tôi luông cảm thấy vô cùng hối hận bản thân khi đó đã không thèm để ý đến bệnh tình của cha. Nếu thời gian có thể quay ngược, tôi nhất định sẽ giống như tiểu cô nương phía trước, đi chân trần than thở với trời, thành tâm cầu khẩn, hy vọng mình có thể lấy thân thay cha gánh bệnh.

Tôi nghĩ đến ngẩn ngơ. Trên đầu có lá cây rơi xuống vì gió, lướt nhẹ qua mặt tôi, tôi hơi hốt hoảng, tay run lên, một cuộn tranh rơi xuống đất.

Nghe thấy tiếng động, tiểu cô nương cảnh giác quay đầu lại, tôi nhặt cuộn tranh lên, bước ra dưới con mắt chăm chú của nàng, tôi và nàng nhìn nhau, trong phút chốc không có lời gì để nói.

Tôi không biết nàng là ai. Trong cung có truyền thống phi tần nhận con nhà gia giáo làm dưỡng nữ, cũng sẽ để nhập nội nội thị tìm người mô giới mua một bé gái nhà nghèo vào cung làm tư thân, hơn nữa còn có Thượng thư nội tỉnh đào tạo cung nữ từ bé, tiểu cô nương lớn như nàng ở trong cung không ít, ngoại trừ nghe thấy tên nàng là Huy Nhu, tôi không biết thân phận của nàng, chỉ cảm thấy không nên bắt truyện với nàng, mặc dù tôi rất muốn nói cho nàng biết, tôi thật lòng mong cha nàng sớm ngày khỏi bệnh.

"Cậu là ai?" Nàng hỏi

Tôi đang muốn trả lời, lại thấy ngoài cửa nam hậu uyển có người xách đèn lồng chạy tới. Huy Như nhìn thấy, lập tức xoay người sang hướng khác bỏ chạy, đoán là không muốn người khác phát hiện ra nàng.

Nàng chạy ngược lại kinh động đến người kia. Đó là một cung nữ bọ dạng còn rất trẻ, cũng lập tức xách đèn đuổi theo, lớn tiếng kêu "Là ai? Đứng lại!"

Bóng cây che khuất tôi, vì vậy không bị cô ta phát hiện ra. Tôi nhìn bóng hai người biến mất dần ở phía đông hậu uyển, mới lại đi theo hướng của ngôi sao tìm đường về chỗ ở.

Chú thích của tác giả:

Tư thân: cách nói của thời Tống, chỉ người không có chức vụ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro