Chương 7: Thu Hòa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mấy ngày sau đó, cuộc sống ở Họa viện không có chút sóng gió, vẫn trôi qua như những ngày bình thường khác, cũng không thấy trong cung truyền đến tin tức gì quan trọng. Tôi không nhịn được hỏi thăm đồng bạn ở Nhập nội nội thị tỉnh, bọn họ nói cho tôi biết, sức khỏe quan gia đã dần khỏi hẳn. Bởi vì nghe nói Phúc Khang công chúa vì ngài không khỏe mà lúc bái trăng cầu nguyện, đã xin lấy thân thay cha, ngài vô cùng cảm động, từ đó càng thêm yêu thương công chúa. Tuy Trương mỹ nhân ở trước mặt người khác kiêu căng hống hách, nhưng trước mặt quan gia lại rất biết nhìn mặt đoán ý. Thấy ngài hiện giờ coi công chúa như viên ngọc trên tay, thì không nhắc lại chuyện cổ thuật không vui trước đó nữa, với lại bệnh tình của con gái đã có chút chuyển biến tốt đẹp, bà cũng tạm thời không làm khó công chúa.

Ngày Thôi Bạch rời khỏi Họa viện, tôi tiễn hắn đến cửa cung. Trước khi đi, hắn kéo tôi đến một chỗ vắng lặng, lấy ra một cuộn tranh đưa cho tôi, hỏi "Hoài Cát có thể thay tôi đem bức 'Thu Phổ Dung Tân Đồ' này tặng cho một người bạn không?"

Tôi không chút suy nghĩ lập tức đồng ý, sau khi nhận lấy bức tranh mới cảm thấy kinh ngạc: hóa ra Tử Tây ở trong cung còn có bạn bè khác.

Mở ra nhìn, chỉ thấy trong tranh anh ta vẽ: bên con nước ven sông, một bông sen gãy nửa cành, đóa phù dung khoe sắc đẹp kiều diễm, hai, ba con chim chìa vôi trắng bay lướt qua mặt nước đậu trên lá, trên cao có hai con chim nhạn kết đôi, một con nghển cổ sang bên phải, một con giương cánh sang bên trái, nối tiếp nhau bay vòng trên không. Cảnh vật sống động, màu sắc nhẹ nhàng thanh nhã.

Tôi không khỏi ca ngợi, hỏi anh ta muốn tặng cho người nào.

Hắn cười rạng rỡ, nói "Năm trước thánh thượng ra lệnh người trong Họa viện cùng nhau vẽ một cuốn hành lạc đồ[1], sau khi bản vẽ hoàn thành quan gia lại không hài lòng, nói 'Dáng vẻ bức tranh quả thực không tệ, nhưng quần áo của cung nhân bên trong không phải kiểu dáng đang thịnh hành', vì vậy lệnh cho nữ quan Ti sức ti của Thượng phục cục giảng giải cho chúng tôi về đặc điểm quần áo và trang sức trong cung, cũng biểu diễn cho chúng tôi xem cách chải tóc. Hai nội nhân làm thành một tổ, một người chải tóc người còn lại đội mũ. Trong đó có một tiểu cô nương mười hai, mười ba tuổi, bộ dạng hoạt bát đáng yêu, chẳng biết làm sao, một bên chải tóc một bên khóc. Tôi thấy kỳ lạ, hỏi cô ấy nguyên do, cô ấy nói 'Sáng nay, con chim chìa vôi trắng tôi nuôi đã chết'. Giọng nói nhỏ nhẹ, thực sự tôi thấy còn thương xót. Tôi bèn hứa với cô ấy, ngày mai sẽ tặng cho cô ấy một con chìa vôi không bao giờ chết. Đêm đó tôi chỉ vẽ chim chìa vôi trắng, hôm sau mang tặng cho cô ấy. Cô ấy vô cùng ngạc nhiên, liên tục nói cảm ơn. Nước da cô ấy trắng, hai gò má lúc ấy ửng hồng, ngay cả màu son giữa sống mũi cũng mang nét trẻ con, giống như đóa phù dung buổi chớm thu, thật là đẹp, tôi liền cười hỏi cô ấy 'Cô nương dùng son gì vậy? Cách trang điểm như vậy gọi là gì?' cô ấy xấu hổ không đáp, tôi cũng không hỏi tới nữa, nhưng xin cô ấy sau này cứ giữ nguyên cách trang điểm như vậy, tôi muốn vẽ cô ấy vào trong bức hành lạc đồ. Mấy ngày sau đó, cô ấy quả nhiên đều trang điểm như thế, mãi cho đến lúc tôi vẽ xong"

[1] Hành lạc đồ: là tranh vẽ người đang dạo chơi, giải trí

Tôi vuốt cằm nói "Ti sức ti của Thượng phục cục quản lý việc ăn mặc, chải đầu vấn tóc cho ngự tần, việc trang điểm cũng là một phần chức trách của bọn họ"

Thôi Bạch cười nói "Thế nhưng sau này tôi mới biết, cô ấy không thể trang điểm như thế ra ngoài... Ngày cuối cùng nội nhân Thượng phục cục đến Họa viện, cô ấy vắng mặt. Tôi hỏi đồng bạn của cô ấy, bon họ nói cho tôi biết, mặc dù da cô ấy trắng nõn không giống những người thường, nhưng vô cùng nhạy cảm, chỉ cần thời tiết thay đổi hoặc ăn uống không hợp mặt cũng sẽ bị mẩn đỏ. Ngày đó tôi hỏi cô ấy trang điểm, chính là lần đầu tiên cô ấy đến chải đầu cho Miêu chiêu dung, Miêu chiêu dung tiện tay thưởng cho cô ấy một quả lựu. Cô ấy vốn không ăn được đồ nóng, chua, nhưng lại ngại vì mặt mũi của chiêu dung, buộc lòng phải cố nuốt vào, sau đó hai gò má liền đỏ ửng, giống như thoa son"

Tôi hiểu ra đôi chút "Mấy ngày sau đó là cô ấy cố tình ăn đồ nóng để giữ được nét trang điểm như vậy cho anh vẽ?"

Thôi Bạch gật đầu, thở dài "Kết quả là khí nóng tích tụ khiến cô ấy cả người khó chịu, cuối cùng sinh bệnh. Từ đấy về sau tôi cũng không gặp lại cô ấy nữa, nhưng chuyện đó luôn khiến tôi áy náy, cho nên hôm nay mới vẽ bức tranh này, muốn tặng cho cô ấy, bày tỏ lòng xin lỗi"

Tôi liền hỏi tên họ của cô nương đó, Thôi Bạch nói "Cô ấy họ Đổng, tôi nghe những nội nhân khác gọi cô ấy là Thu Hòa"

Tôi lại cam đoan chắc chắn sẽ đưa đến cho cô ấy. Bởi vì rất quen thân với anh ta, nên tôi thuận miệng nói giỡn "Lúc vừa thấy anh lấy cuộn tranh ra, tôi còn tưởng tranh này là tặng cho tôi"

Thôi Bạch cười to "Tôi sao dám quên trung quý nhân! Vốn định chọn bức xuất sắc nhất để tặng, tiếc rằng nhìn tới nhìn lui vẫn không thấy bức nào vừa ý. Nhưng tôi nhất định sẽ ghi nhớ chuyện này, ngày khác sẽ vẽ một bức thật đẹp tặng cho cậu"

Sau khi Thôi Bạch đi, tôi lập tức đến Thượng phục cục tìm Đổng nội nhân, nhưng lúc này cô ấy không có ở đây. Thượng phục cục giống với Thượng dược, Thượng uấn, Thượng liễn, Thượng thực, đều nằm ở phía đông bắc cung thành, cách Nội thị tỉnh không xa. Sau đó tôi lại đến vài lần nhưng vẫ không tìm được cô ấy. Căn cứ theo lời của nội nhân khác, Đổng nội nhân tâm tư tinh tế, tài nghệ rất tốt, nên các phi tần trong cung đều thích gọi cô ấy đến chải đầu, thường thường đi đến lúc trời tối mới trở về.

Mặc dù tôi thân là nội thị, nhưng buổi tối đến tìm một cung nữ vẫn là điều không hay, giúp người ngoài cung chuyển đồ càng bị nghi ngờ thêm, cũng không tiện để cuộn tranh lại nhờ nội nhân khác đưa giùm, bởi vậy mà chuyện này tạm thời bị trì hoãn lại.

Một hôm, sau khi phục dịch ở Họa viện xong, tôi trở về chỗ ở ở Nội thị tỉnh. Lúc đi đến dịch môn – nơi kết nối Nội thị tỉnh, Thượng thư nội tỉnh và nơi hoàng đế xử lý công vụ, tôi thấy phía trước có một tiểu hoàng môn xấp xỉ tuổi tôi, một tay ôm hộp gấm, một tay nhấn chặt bụng, khom người dựa vào tường chậm rãi ngồi xuống, biểu hiện trên mặt vô cùng đau đớn.

Tôi vội đi tới, hỏi cậu ta không khỏe chỗ nào, cậu ta nói bụng đau như cắt, e là bệnh đường ruột phát tác. Tôi muốn dìu cậu ta đến Thượng dược cục, nhưng cậu ta liền xua tay nói "Hôm nay quan gia ở Nhĩ Anh Các gặp mặt quan trực giảng[2] của Quốc tử giám – Tư Mã Quang - người tân nhiệm chức Đại lý tự bình sự[2]. Sau khi nghe hắn giảng giải long nhan vô cùng vui vẻ, liền ban thưởng cho hắn một chiếc đèn lưu ly. Phải đưa bằng chứng quan gia có ban thưởng đồ cho Hợp đồng bằng do ti xét duyệt đã tốn không ít thời gian, tôi vừa mới lấy được đèn lưu ly từ trong ngự kho ra. Bây giờ quan gia đã trở về Phúc Ninh Điện, Tư Mã đại nhân còn đang chờ ở Nhĩ Anh Các, tôi vốn định đi nhanh đến đó để giao cho hắn, không hiểu sao lại đột nhiên phát bệnh... Vị ca ca này, không biết có thể giúp tôi đưa chiếc đèn lưu ly đến đó không? Thượng dược cục ở gần đây, tự tôi từ từ đi đến đấy cũng được"

[2] Trực giảng, Bình sự đều là các chức quan

Tôi có chút do dự, cậu ta lại không ngừng thúc giục tôi, bộ dạng vô cùng lo lắng. Cuối cùng tôi đồng ý, nhận lấy hộp gấm, đi về hướng Nhĩ Anh Các.

Trong các có một vị tiên sinh dáng người cao gầy đang thẳng lưng ngồi chờ. Khuôn mặt còn rất trẻ, hẳn là chưa đến ba mươi, nhưng vẻ mặt nghiêm túc, dày dặn kinh nghiệm. Thấy tôi đi đến, hắn giương mắt nhìn tôi, đôi mắt sáng có thần.

Tôi chần chờ khẽ gọi một tiếng "Tư Mã đại nhân", thấy hắn gật đầu mới yên tâm đến gần, khom người đem hộp gấm dâng lên cho hắn.

Hắn hướng về phía Phúc Ninh Điện, làm lễ bái tạ, rồi mới nhận lấy, từ từ mở hộp gấm.

Nắp hộp vừa mở ra, hắn bỗng nhiên giật mình. Tôi thấy vẻ mặt hắn khác thường, liền ghé đầu nhìn vào trong hộp, chợt cả người như bị sét đánh, đứng ngẩn ngơ tại chỗ, tay chân luống cuống.

Chiếc đèn lưu ly bên trong sắc men trong suốt, rực rỡ lóng lánh, nhưng đã bị nứt làm hai nửa.

Trong đầu bỗng trống rỗng, sau đó là những ý nghĩ lung tung rối ren: Không phải tôi, không phải tôi, tôi luôn cầm vững hộp gấm, chưa từng bị rơi xuống đất... Vừa rồi lại quên không hỏi tên của vị tiểu hoàng môn kia... Mà tìm được cậu ta cũng vô dụng, tôi vốn không có cách nào chứng minh chiếc đèn lưu ly đã vỡ trước khi đưa cho tôi...

Lúc này các cửa đột nhiên mở rộng ra, bỗng chốc mấy tên nội thị xuất hiện, bước vào sau cùng là Đô tri của Nhập nội nội thị tỉnh – Nhâm Thủ Trung.

Nhâm Thủ Trung chắp hai tay sau lưng, bước đi thong dong chậm rãi đến cạnh tôi.

"Giỏi cho tên tiểu tử, dám làm vỡ bảo vật quan gia ngự ban..." Ông ta âm trầm nói, rồi bỗng nghiêng đầu, đưa mắt nhìn đám nội thị hai bên, lập tức có người tiến lên ấn tôi quỳ xuống đất.

Nhâm Thủ Trung hướng về phía Tư Mã Quang cúi thấp người, nói "Trong cung có thông lệ, nội thị làm hỏng vật quan gia ngự ban cho đại thần, thì mặc cho đại thần xử trí. Tên tiểu tử này, muốn đánh muốn đuổi, đại thần cứ việc phân phó"

Tôi hoàn toàn không có sức lực giải thích, cảm giác giống như trở về lúc còn bị nhốt trong phòng tối kia. Ánh mắt mơ hồ, suy nghĩ nhạt dần, hít thở trong không khí tràn ngập mùi chết chóc, tôi ngơ ngác cúi đầu, chăm chú nhìn ánh nắng rực rỡ bên ngoài chiếu vào qua khung cửa sổ, không biết còn có thể nhìn thấy mặt trời ngày mai hay không.

Chờ đợi dằng dặc, cuối cùng cũng có giọng nói vang lên.

"Thả cậu ta ra" Tư Mã Quang nói.

"Cái gì?" Nhâm Thủ Trung sửng sốt, cho là mình nghe nhầm

"Thả cậu ta ra" Tư Mã Quang nhắc lại, âm thanh càng thêm rõ ràng, giọng nói vô cùng bình tĩnh.

Nhâm Thủ Trung nhíu mày, vẻ mặt khó tin "Cứ thả nó ra như vậy? Làm hỏng vật ngự ban, xử tội chết cũng không phải qua đáng"

"Vật để ngắm nghía sao có thể quý bằng mạng người" Tư Mã Quang thản nhiên nói "Vị trung quý nhân này tuổi còn nhỏ, trong lúc vô ý làm rơi vỡ chiếc đèn lưu ly, cũng phải tội gì quá lớn"

Nhâm Thủ Trung vẻ mặt khó khăn "Thế nhưng, quan gia..."

"Nếu quan gia có hỏi, xin hãy đáp lại hai câu này" Tư Mã Quang dừng một chút nói "Cầm chén rượu ngọc thì không nên huơ tay múa chân vì chén rượu ngọc rất quý giá, nếu sẩy tay thì sẽ làm vỡ nó, trước đây tôi đã từng nhìn thấy trong buổi nghi lễ. Thế nhưng những điều tốt đẹp luôn mỏng manh dễ vỡ, tại sao lại không thể tha thứ cho sai lầm của người khác[3]"

[3] Trong nguyên tác thực sự chỉ có 2 câu ngắn là "Ngọc tước phất huy, điển lễ tuy văn vu vãng ký. Thải vân dịch tán, quá soa nghi thứ vu tư nhân" nhưng mình viết dài dòng để dễ hiểu

Đại lý tự bình sự là chức quan kinh thành sơ đẳng (cấp thấp), chỉ có chính bát phẩm, đối với Nhâm Thủ Trung – người đứng đầu nội thị đã quen tiếp xúc với đại thần tể chấp[4] mà nói, e là vốn chẳng đáng để nói đến. Tư Mã tiên sinh giọng điệu bình thản, cử chỉ nho nhã, cũng không lấy thế đè người, chỉ nói lác đác vài lời, nhưng lại vô cùng có tác dụng, giống như là 'một lời đã quyết, không được phép kháng cự'

[4] Tể chấp còn gọi là quan tể chấp, là cách gọi chung của tể tướng và quan chấp chính. Ở thời Tống, tể chấp có vị trí vô cùng quan trọng

Nhâm Thủ Trung liên tục quan sát Tư Mã Quang, mấy lần muốn nói lại thôi, cuối cũng phải hậm hực lui xuống.

Trong các chỉ còn tôi và Tư Mã tiên sinh, tôi rưng rưng nước mắt bái lạy "Tạ ơn cứu mạng của Tư Mã đại nhân, Hoài Cát vô cùng cảm kích, ơn này sẽ mãi mãi khắc ghi"

Hắn đưa hai tay đỡ tôi dậy, mỉm cười nói "Không cần làm vậy... Chẳng qua sau này phải cẩn thận hơn một chút"

Tôi gật đầu "Hoài Cát xin ghi nhớ lời dạy bảo của đại nhân"

"Hoài Cát?" Hắn trầm ngâm, sau đó liền hỏi "Cậu chính là trung quý nhân của Hàn lâm thư nghệ cục Lương Hoài Cát"

"Vâng, tôi từng làm ở Hàn lâm thư nghệ cục vài năm, sau này bị chuyển đến Hàn lâm đồ họa viện" Tôi trả lời, lại kinh ngạc nói "Sao đại nhân biết..."

"Tôi nghe Tôn Chi Hàn tiên sinh nói qua" Hắn nói, nét mặt nhìn tôi càng thêm hòa nhã

Mùa đông năm kia, khi tôi còn làm việc ở Hàn lâm thư nghệ cục, một trong những công việc phải làm là sao chép tấu chương của các đại thần, rồi giao cho Bí thư tỉnh biên soạn đưa vào kho cất giữ. Quan ngự sử Tôn Phủ (tự là Chi Hàn), bởi vì thấy trời đổ trận tuyết lớn, trong nước lại có thiên tai động đất, bèn thưa lên hoàng đế, thẳng thắn nói Trương mỹ nhân te sủng làm càn, dẫn đến tai vạ họ hàng của bà ta dựa vào hoàng ân che chở, không quan tâm đến khác biệt địa vị thế nào, mặc sức lạm dụng quyền hành, tiêu sài hoang phí, nên mới khiến trời xuất hiện điềm lạ.

Ở trong bản tấu chương, ông ta trích dẫn lời tể tướng Trương Hành Thành trong 'Đường Thư', khuyên can Đường Cao Tông nên tránh xa những hạng tiểu nhân dựa vào nhan sắc "Sợ rằng đàn bà vào nắm quyền, đại thần ngấm ngầm mưu toan, thích hợp xảy ra việc ngoại thích lộng hành" nhất thời viết nhầm chữ 'vào' (谒) thành chữ 'cấm' (遏). Lúc tôi sao chép thì phát hiện ra, lén lút sửa lại thành chữ đúng. Sau này Bí thư tỉnh kiểm tra lại bản nguyên văn với bản sao chép thì thấy có sửa đổi, bèn hỏi ý kiến Tôn Phủ, Tôn tiên sinh liền nói "hổ thẹn", thừa nhận là mình viết sai. Đối với việc tôi tự tiện chủ trương sửa lời văn, ông không những không cho rằng đó là ngỗ ngược, mà còn khen ngợi, nhắc đến với không ít người.

"Trung quý nhân đã từng đọc 'Đường Thư'?" Tư Mã tiên sinh hỏi tôi, giọng nói ẩn chứa sự tán thưởng

Tôi thoáng do dự, sau đó cúi đầu đáp "Lúc Giả tướng công ở Tư Thiện Đường biên soạn sách, có giảng cho nội thị của Hàn lâm viện về kinh, sử, tử, tập[5], tôi đã lắng nghe và mượn đọc một, hai bộ sách mà các đại nhân nhắc đến nhiều trong bản tấu..."

[5] Kinh, sử, tử, tập: căn cứ vào nội dung, người xưa phân chia sách cổ thành bốn loại lớn: kinh điển, lịch sử, chư tử, văn tập

Tư Thiện Đường là chỗ đọc sách của hoàng tử. Lúc tể tướng Giả Xương Triêu ở Tư Thiện Đường biên soạn sách, thì cho gọi một số quan văn tới giảng bài cho nội thị Hàn lâm viện, mục đích là trau dồi kiến thức cho bọn họ để làm việc cho tốt. Tiếc là sau đó quan ngự sử Ngô Dục vào phản đối, nói như vậy là 'giảng dạy cho nội thị', có thể dẫn tới tai họa hoạn quan tham dự triều chính, thế là kim thượng cho ngừng việc nội thị lên lớp.

Kể từ đó, việc bồi dưỡng nội thị Hàn lâm viện học tốt tư tưởng nho giáo, thích đọc sách thánh hiền, hay là để cho bọn họ giữ nguyên bộ dạng tôi tớ ngu dốt, vẫn luôn là đề tài tranh luận của hai phe trong triều.

Nghe tôi nhắc đến chuyện cũ, dáng vẻ tươi cười của Tư Mã tiên sinh chợt ngưng đọng, im lặng giây lát, rồi nói "Không nhất thiết phải đọc nhiều sách. Hoạn giả (thái giám) phải chú tâm vào việc hầu hạ thiên gia (hoàng đế), chỉ cần biết vài chữ, đủ để sử dụng trong cung là được rồi"

Tôi gật đầu nói phải. Hắn chăm chú nhìn tôi, hỏi "Cậu năm nay bao nhiêu tuổi?"

"Năm nay mười bốn" Tôi trả lời

Hắn có chút bùi ngùi, nhẹ nhàng lắc đầu, thở dài nói "Đáng tiếc"

Tôi đương nhiên hiểu rõ ý nghĩa của từ "đáng tiếc" này. Nếu tôi không phải nội thị đã tịnh thân, hắn nhất định sẽ khuyến khích tôi đọc nhiều sách, sau này trở thành trụ cột quốc gia. Đáng tiếc giây phút tôi vừa bước vào cửa cung thì cuộc đời đã định sẵn là hết hy vọng với gia đình, với đất nước.

Tôi tưởng rằng Nhâm Thủ Trung sẽ tâu lên quan gia, nhưng mãi vẫnkhông thấy quan gia hạ lệnh thực thi hình phạt gì với tôi. Nội thỉ tỉnh chỉ cắt giảm ba tháng bổng lộc của tôi xem như phạt cảnh cáo, việc này gần như không có chút ảnh hưởng tới tôi, bởi vì tôi ở trong cung quanh năm, vốn chẳng có chỗ cần dùng đến tiền. Lương tháng mấy năm nay tích góp được cũng không ít, thỉnh thoảng tôi ngồi ngẩn ngơ trước hộp đựng tiền, nghĩ tới cuộc đời trong quá khứ và tương lai, cảm thấy từ từ trước tới nay mình vẫn hai bàn tay trắng, cuối cùng có lẽ chỉ còn sót lại tiền mà thôi.

Tôi đem chuyện về chiếc đèn lưu ly kể cho người bạn tốt Trương Thừa Chiếu. Trương Thừa Chiếu vẫn làm việc ở Thư nghệ cục, dưới việc mắt thấy tai nghe thì khá hiểu tính cách nóng nảy của các đại thần, nghe xong liên tục than thở "Cũng may cậu gặp phải Tư Mã Quang, hồi niên thiếu hắn đã đập vỡ bình để cứu người, nổi tiếng là người tốt, nếu gặp phải dạng người thích sinh sự như Ngô Dục, không chém đầu thì cũng phải lột da. Hôm trước ông ta lại tranh chấp với Giả tướng công ngay trên triều, hai người ầm ĩ một trận kịch liệt, chỉ thiếu việc không xắn tay áo lao vào đánh nhau. Đến nỗi quan gia vài lần định xuống ngự tọa (ghế vua ngồi) khuyên bảo, sau đó lại bị Nhâm đô tri ngăn lại..."

Nói đến đây, cậu ta nhướng mày, nhận ra một chuyện "Vừa rồi cậu nói, Tư Mã đại nhân vừa mở hộp ra, Nhâm đô tri đã dẫn người tiến vào?"

Tôi nói phải, cũng mơ hồ cảm thấy ở đây có gì không đúng.

"Nào có chuyện trùng hợp như vây! Nhâm đô tri đâu phải nội thị của Nhĩ Anh Các, cả ngày đều chờ ở đó. Sao lúc các cậu vừa phát hiện đèn lưu ly vỡ, hắn liền dẫn người tới bắt cậu? Việc này rõ ràng là có người muốn hại cậu"

Tôi im lặng không nói, Trương Thừa Chiếu lại hỏi "Có phải gần đây cậu đắc tội với người nào không?"

Có sao? Nghĩ tới nghĩ lui, nếu nói đắc tội thì cũng chỉ có Trương mỹ nhân.

Tôi kể chuyện của Phúc Khang công chúa, Trương Thừa Chiếu liền kinh ngạc trợn tròn hai mắt "Cậu dám làm hỏng chuyện của Trương mỹ nhân, còn so sánh bà ta với Triệu Phi Yến? Trong cung ai cũng biết bà ta là người có thù tất báo!"

Tôi nói "Tôi đã trông thấy tình cảnh khi ấy, nếu không nói ra sự thật, chẳng lẽ để Trương mỹ nhân đổ oan cho Phúc Khang công chúa sao?'

Trương Thừa Chiếu thở dài "Phúc Khang công chúa là con gái rượu của quan gia, đừng nói việc này không phải cô ấy làm, cho dù cô ấy thực sự hại Trương mỹ nhân, cậu nói xem quan gia sẽ trách phạt cô ấy sao? Chủ tử đấu đá nhau, thua thiệt luôn là đám người dưới, loại chuyện như này cậu không nên can thiệp vào"

Tôi rũ mắt nghe cậu ta dạy bảo, cũng không bắt bẻ lại, chỉ nói "Tôi không nghĩ nhiều như thế"

Trương Thừa Chiếu chịu thua nhìn tôi, làm ra vẻ mặt thương xót "Chẳng trách cậu ở trong cung càng làm càng hỏng"

Cậu ta muốn ám chỉ chuyện tôi từ Thư viện bị 'giáng chức' đến Họa viện, cũng chắc chắn tôi sẽ còn bị đẩy xuống chức thấp nữa. Nhưng kết quả sau đó khiến cậu ta vô cùng kinh ngạc: một tháng sau, tôi được chuyển đến Nội thị ban của Xu mật viện, làm công việc sao chép, chỉnh lý giấy tờ tài liệu.

Xu mật viện nằm ở phía tây nam cung thành, giống với Trung thư môn hạ và Tam ty, đều là những bộ máy trung ương quan trọng nhất, Trung thư quản dân, Xu mật viện quản binh, Tam ty quản tiền bạc của cải. Nội thị Hàn lâm viện đều ao ước được làm việc ở đấy, vì gần như có thể xem toàn bộ văn tự của các trọng thần triều đình, cho nên lần thuyên chuyển này của tôi không khác gì được thăng chức.

Sau này tôi được biết, là Tư Mã Quang tiên sinh tiến cử tôi với Xu mật phó sử Bàng Tịch mà hắn quen biết, nói Xu mật viện quản việc quân cơ (bí mật quân sự), văn tự càng không thể sai, mà kỹ năng của tôi không tồi, có thể đảm nhiệm được công việc sao chép.

Bởi vậy mà tôi càng biết ơn Tư Mã tiên sinh, luôn giữ tấm lòng tôn kính và cảm kích hắn suốt nhiều năm. Cho dù sau này có một ngày hắn ở trước mặt hoàng đế nói tôi "tội ác chất cao như núi, phải dùng hình phạt chém đầu", tôi cũng không có chút oán hận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro