Co tich

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lep Ton-xtoi

Ba Câu Hỏi

Thích Nhất Hạnh dịch

Ðó là chuyện ba câu hỏi khó của một nhà vua, do nhà văn hào Leo Tolstoy kể lại.

Nhà vua ấy, Tolstoy không biết tên. Một hôm đức Vua nghĩ rằng, giá mà vua trả lời được ba câu hỏi ấy thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. Ba câu hỏi ấy là:

1. Làm sao để biết được thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc?

2. Làm sao để biết được nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất mà ta phải chú trọng?

3. Làm sao để biết được công việc nào là công việc cần thiết nhất mà ta phải thực hiện?

Nghĩ thế, vua liền ban chiếu ra khắp trong bàn dân thiên hạ, hứa rằng sẽ ban thưởng trọng hậu cho kẻ nào trả lời được những câu hỏi đó.

Các bậc hiền nhân đọc chiếu liền tìm tới kinh đô. Nhưng mỗi người lại dâng lên vua một câu trả lời khác nhau.

Về câu hỏi thứ nhất, có người trả lời rằng muốn biết thời gian nào là thời gian thuận lợi nhất cho mỗi công việc thì phải làm thời biểu cho đàng hoàng, có ngày giờ năm tháng và phải thi hành cho thật đúng thời biểu ấy. Như vậy mới mong công việc làm đúng lúc. Kẻ khác thì lại nói không thể nào dự tính được trước những việc gì phải làm và thời gian để làm những việc ấy; rằng ta không nên ham vui mà nên chú ý đến mọi sự khi chúng xẩy tới để có thể làm bất cứ gì xét ra cần thiết.

Có kẻ lại nói rằng, dù vua có chú ý đến tình hình mấy đi nữa thì một mình vua cũng không đủ sáng suốt để định đoạt thời gian của mọi việc làm một cách sáng suốt, do đó nhà vua phải thành lập một Hội Ðồng Nhân Sĩ và hành động theo lời khuyến cáo của họ.

Lại có kẻ nói rằng, có những công việc cần phải lấy quyết định tức khắc không thể nào có thì giờ để tham khảo xem đã đến lúc phải làm hay chưa đến lúc phải làm. Mà muốn lấy quyết định cho đúng thì phải biết trước những gì sẽ xẩy ra, do đó, nhà vua cần phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri và bốc phệ.

Về câu hỏi thứ hai, cũng có nhiều câu trả lời không giống nhau. Có người nói những nhân vật mà vua cần chú ý nhất là những ông đại thần và những người trong triều đình. Có người nói là mấy ông Giám Mục, Thượng Tọa là quan hệ hơn hết. Có người nói là mấy ông tướng lãnh trong quân đội là quan hệ hơn hết.

Về câu hỏi thứ ba, các nhà thức giả cũng trả lời khác nhau. Có người nói khoa học là quan trọng nhất. Có người nói tôn giáo là quan trọng nhất. Có người lại nói: chỉnh trang quân đội là quan trọng nhất.

Vì các câu trả lời khác nhau cho nên nhà vua không thể đồng ý với vị hiền nhân nào cả, và chẳng ban thưởng cho ai hết.

Sau nhiều đêm suy nghĩ vua quyết định đi chất vấn một ông đạo tu trên núi, ông đạo này nổi tiếng là có giác ngộ. Vua muốn tìm lên trên núi để gặp ông đạo và hỏi ba câu hỏi kia.

Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi và nơi ông ta ở chỉ có những người dân nghèo; chẳng bao giờ ông chịu tiếp người quyền quý. Vì vậy mà nhà vua cải trang làm thường dân. Khi đi đến chân núi, vua dặn vệ sĩ đứng chờ ở dưới, và một mình vua, trong y phục một thường dân, vua trèo lên am của ông đạo.

Nhà vua gặp ông đạo đang cuốc đất trước am. Khi trông thấy người lạ, ông đạo gật đầu chào rồi tiếp tục cuốc đất. Ông đạo cuốc đất một cách nặng nhọc bởi ông đã già yếu; mỗi khi cuốc lên được một tảng đất hoặc lật ngược được tảng đất ra thì ông lại thở hào hển.

Nhà vua tới gần ông đạo và nói: "Tôi tới đây để xin ông đạo trả lời giúp cho tôi ba câu hỏi. Làm thế nào để biết đúng thì giờ hành động, đừng để cho cơ hội qua rồi sau phải hối tiếc ? Ai là những người quan trọng nhất mà ta phải chú ý tới nhiều hơn cả ? Và công việc nào quan trọng nhất cần thực hiện trước tiên ?"

Ông đạo lắng nghe nhà vua nhưng không trả lời. Ông chỉ vỗ vai nhà vua và cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Nhà vua nói: "Ông đạo mệt lắm rồi, thôi đưa cuốc cho tôi, tôi cuốc một lát". Vị đạo sĩ cám ơn và trao cuốc cho Vua rồi ngồi xuống đất nghỉ mệt. Cuốc xong được hai vồng đất thì nhà vua ngừng tay và lập lại câu hỏi. Ông đạo vẫn không trả lời, chỉ đứng dậy và đưa tay ra đòi cuốc, miệng nói: "Bây giờ bác phải nghỉ, đến phiên tôi cuốc". Nhưng nhà vua thay vì trao cuốc lại cúi xuống tiếp tục cuốc đất.

Một giờ rồi hai giờ đồng hồ đi qua. Rồi mặt trời bắt đầu khuất sau đỉnh núi. Nhà vua ngừng tay, buông cuốc, và nói với ông đạo:

"Tôi tới để xin ông đạo trả lời cho mấy câu hỏi. Nếu ông đạo không thể trả lời cho tôi câu nào hết thì xin cho biết để tôi còn về nhà".

Ông đạo nghe tiếng chân người chạy đâu đây bèn nói với nhà vua: "Bác thử xem có ai chạy lên kìa". Nhà vua ngó ra thì thấy một người có râu dài đang chạy lúp xúp sau mấy bụi cây, hai tay ôm bụng. Máu chảy ướt đầm cả hai tay. Ông ta cố chạy tới chỗ nhà vua và ngất xỉu giữa đất, nằm im bất động miệng rên ri rỉ.

Vua và ông đạo cởi áo người đó ra thì thấy có một vết đâm sâu nơi bụng. Vua rửa chỗ bị thương thật sạch và xé áo của mình ra băng bó vết thương, nhưng máu thấm ướt cả áo. Vua giặt áo và đem băng lại vết thương. Cứ như thế cho đến khi máu ngừng chảy.

Lúc bấy giờ người bị thương mới tỉnh dậy và đòi uống nước. Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống. Khi đó mặt trời đã bắt đầu khuất và bắt đầu lạnh. Nhờ sự tiếp tay của ông đạo, nhà vua khiêng người bị nạn vào trong am và đặt nằm trên giường ông đạo. Ông ta nhắm mắt nằm yên. Nhà vua cũng mệt quá vì leo núi và cuốc đất cho nên ngồi dựa vào cánh cửa và ngủ thiếp đi. Vua ngủ ngon cho đến nỗi khi Vua thức dậy thì trời đã sáng và phải một lúc sau Vua mới nhớ ra được mình đang ở đâu và đang làm gì. Vua nhìn về phía giường thì thấy người bị thương cũng đang nhìn mình chòng chọc, hai mắt sáng trưng.

Người đó thấy vua tỉnh giấc rồi và đang nhìn mình thì nói, giọng rất yếu ớt:

"Xin bệ hạ tha tội cho thần".

"Ông có làm gì nên tội đâu mà phải tha ?"

"Bệ hạ không biết hạ thần, nhưng hạ thần biết bệ hạ. Hạ thần là người thù của bệ hạ, Hạ thần đã thề sẽ giết bệ hạ cho bằng được bởi vì khi xưa, trong chinh chiến bệ hạ đã giết mất người anh của hạ thần và còn tịch thu gia sản của hạ thần nữa".

"Hạ thần biết rằng bệ hạ sẽ lên núi này một mình để gặp ông đạo sĩ, nên đã mai phục quyết tâm giết bệ hạ trên con đường về. Nhưng cho đến tối mà bệ hạ vẫn chưa trở xuống, nên hạ thần đã rời chỗ mai phục mà đi lên núi tìm bệ hạ để hành thích. Thay vì gặp bệ hạ, hạ thần lại gặp bốn vệ sĩ. Bọn nầy nhận mặt được hạ thần cho nên đã xông lại đâm hạ thần. Hạ thần trốn được chạy lên đây, nhưng nếu không có bệ hạ cứu thì chắc chắn hạ thần đã chết vì máu ra nhiều quá. Hạ thần quyết tâm hành thích bệ hạ mà bệ hạ lại cứu sống được hạ thần. Hạ thần hối hận quá. Bây giờ đây nếu hạ thần mà sống được thì hạ thần nguyện sẽ làm tôi mọi cho bệ hạ suốt đời, và hạ thần cũng sẽ bắt các con của hạ thần làm như vậy. Xin bệ hạ tha tội cho hạ thần".

Thấy mình hòa giải được với kẻ thù một cách dễ dàng nhà vua rất vui mừng. Vua không những tha tội cho người kia mà còn hứa sẽ trả lại gia sản cho ông ta, và gửi ngự y cùng quân hầu tới săn sóc cho ông ta lành bệnh.

Sau khi cho vệ sĩ khiêng người bị thương về nhà, vua trở lên tìm ông đạo để chào. Trước khi ra về vua còn lặp lại lần cuối ba câu hỏi của vua. Ông đạo đang quỳ gối xuống đất gieo những hạt đậu trên những luống đất đã cuốc sẵn hôm qua.

Vị đạo sĩ đứng dậy nhìn vua: "Nhưng ba câu hỏi của vua đã được trả lời rồi mà".

Vua hỏi: "trả lời bao giờ đâu nào ?"

"Hôm qua nếu Vua không thương hại bần đạo già yếu mà ra tay cuốc dùm mấy luống đất này thì khi ra về nhà vua đã bị kẻ kia mai phục hành thích mất rồi, và nhà Vua sẽ tiếc rằng đã không ở lại cùng ta. Vì vậy thời gian quan trọng nhất là thời gian Vua đang cuốc đất; nhân vật quan trọng nhất lúc đó là bần đạo đây, và công việc quan trọng nhất là công việc giúp bần đạo. Rồi sau đó khi người bị thương nọ chạy lên, thời gian quan trọng nhất là thời gian vua chăm sóc cho ông ta, bởi vì nếu vua không băng vết thương cho ổng thì ổng sẽ chết và vua không có dịp hòa giải với ổng; cũng vì thế mà ông ta là nhân vật quan trọng nhất, và công việc vua làm để băng bó vết thương là quan trọng nhất. Xin vua hãy nhớ kỹ điều này: "chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại. Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được là mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lai. Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc, bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.

(Trích từ Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức - TNH )

Khuyết Danh

Ăn Trộm Dạy Con

Sưu tầm: Như Thủy

Xưa có một tên đạo chích rất lành nghề. Một hôm, con trai ngỏ ý muốn học nghề của cha. Tên ăn trộm liền dẫn con đi thực tập.

Hai cha con đến một nhà giàu có, đánh bã cho lũ chó chết mê mệt xong, đạo chích đào ngạch, khoét vách dắt con chun vào nhà.

Cả nhà ngủ say như chết. Tên trộm thấy một cái rương to còn trống bèn giở nắp rương bảo con:

- Con chun vào đây, hốt hết đồ đạc bỏ vào bao cho cha.

Thằng con y lời, đạo chích liền đóng nắp gài khoen lại ... rồi lẻn ra khỏi nhà, hô hoán lên ầm ĩ:

- Ăn trộm! Ăn trộm!

Chủ nhà bừng tỉnh, thấy nhà bị khoét vách, dáo dác tìm kiếm hồi lâu, không thấy động tịnh liền đi ngủ lại.

Thằng con lão đạo chích nằm chết điếng trong rương, tái tê vì sợ và hận cha khôn tả. Hồi lâu hắn nghĩ ra một kế thoát thân, bèn lấy tay cào sột soạt vào thành rương và giả tiếng chuột kêu "chí ... chí ..." để đánh lừa chủ nhà.

Nghe chuột kêu, chủ nhà vội thức giấc, đốt đèn mở rương đuổi chuột. Thằng bé liền nhỏm dậy, tắt đèn, xô té chủ nhà, tông cửa chạy một mạch. Chủ nhà lục tục kéo nhau, vừa chửi vừa đuổi theo.

Thằng bé chạy đến đường cùng thì gặp một cái giếng, nó vội vàng ôm một cục đá to liệng xuống giếng và tri hô:

- Thằng ăn trộm rớt xuống giếng rồi ... Làng xóm ơi!

Mọi người đổ xô nhau kéo đến giếng để bắt trộm. Thằng bé chạy thẳng về nhà.

Gặp cha, thằng bé oà lên khóc. Và không tiếc lời để oán trách cha. Lão đạo chích mĩm cười nói:

- Khoan đã ... Con hãy kể cho cha nghe con đã thoát thân bằng cách nào?

Cậu con thuật lại từ đầu chí đuôi. Lão đạo chích vỗ tay cười ha hả:

- Hay quá, con tôi đã thành nghề rồi!

Lời bàn

Em thân mến, hốt của báu bỏ vô bao và vác về nhà xài. Khi có người dắt đi, đào ngạch, khoét vách sẵn ... là một điều mà bất cứ thằng cu con nào cũng làm được, nhưng phải tìm cách thoát thân một mình thì chỉ có thằng Cu này. Vì vậy mà lão đạo chích mới cười ha hả khi nghe con mình thuật lại đầu đuôi câu chuyện.

Còn chúng ta, nhờ nghiệp lực dẫn dắt chui vào thế gian này, tôi và em giống như thằng Cu con đang lúi húi hốt ngũ dục nhét cho đầy túi tham của mình thì "ầm" một cái, cửa rương khoá chặt. Ðó là lúc chúng ta bị vây bủa và phải đối diện với bát phong. Lợi, suy, mắng nhiếc, khen tặng, vinh nhục, vui buồn, v.v... oà lên khóc than và không tiếc lời oán trách mẹ cha, thượng đế ... thì ai làm cũng được. Nhưng làm sao để tự tại trước bát phong thì ... tùy theo sự khéo léo của từng người. Nghệ thuật ăn trộm, nghệ thuật sống hay nghệ thuật thiền chỉ là một thôi em ạ! (07/1983)

Khuyết Danh

Chử Đồng Tử

Ngày xưa, vua Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song tự nguyện không lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước. Được vua cha nuông chiều, mỗi năm vào độ mùa xuân Tiên Dung ngồi thuyền du ngoạn, có khi ra tận ngoài biển, lắm lúc mê cảnh đẹp quên về.

Thuở ấy, ở làng Chử Xá (thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay) có người tên là Chử Cù Vân và con trai tên là Chử Đồng Tử. Hai cha con thương mến nhau rất thắm thiết. Nhà họ Chử vốn nghèo lại càng thêm sa sút sau một trận cháy, trong nhà chỉ còn mỗi một chiếc khố. Hai cha con phải thay phiên nhau mà mặc mỗi khi ra ngoài. Khi người cha bị bệnh nặng sắp mất, dặn con giữ khố lại, còn cứ chôn mình xác trần. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhất liệm cha mà đem chôn. Từ đó Chử Đồng Tử không có gì che thân, đợi đến đêm mới đi ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoắc xin ăn.

Một hôm, thuyền rồng chở công chúa Tiên Dung đến vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy cờ quạt, người hầu rầm rộ, Chử Đồng Tử hoảng sợ, chui vào bụi lau ở bãi cát bờ sông, nấp mình xuống đó rồi phủ cát lên che người.

Thuyền rồng ghé vào bờ, Tiên Dung lên chơi trên bãi, thấy cảnh thanh tú, sai người hầu quây màn ở bụi lau để làm nơi cho mình tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử nấp. Đến khi Tiên Dung xối nước, cát trôi để lộ thân hình trần truồng của người trai lạ. Nàng ngạc nhiên hỏi chuyện mới rõ tình cảnh của Chử Đồng Tử, nghĩ ngợi bảo chàng:

"Tôi đã định không lấy chồng, nay tình cờ gặp anh thế này, chắc do là trời xui khiến. Anh dậy mà tắm rửa đi!"

Rồi Tiên Dung lấy quần áo trao cho Chử Đồng Tử mặc để cùng xuống thuyền ăn uống. Người ở trên thuyền hiểu chuyện, cho là một cuộc gặp gỡ lạ lùng. Tiên Dung nghĩ là duyên tiền định, đòi kết làm vợ chồng. Chử Đồng Tử cho là phận mình thấp hèn, không dám nhận lời, Tiên Dung nói:

"Đây là do trời tác hợp, sao anh lại từ chối"?

Rồi hôn lễ giữa nàng công chúa với anh chàng trần như nhộng cử hành ngay trên sông.

Tin đưa về kinh đô, Hùng Vương giận dữ nói với triều thần: "Con gái ta không kể danh tiết, hạ giá lấy kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào mà trông thấy ta nữa. Từ nay mặc cho nó muốn đi đâu thì đi, không được về cung". Tiên Dung biết vua cha tức giận, sợ không dám về, bèn cùng chồng mở chợ Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh.

Một hôm có khách buôn bán đến rủ Tiên Dung đem vàng cùng ra nước ngoài mua hàng về bán sẽ có lãi to. Tiên Dung mới bảo chồng rằng: "Chúng ta lấy nhau là do trời định, cơm áo cũng do trời cho. Vậy việc này âu cũng là trời xui khiến, chúng ta nên làm".

Chử Đồng Tử bèn cùng khách buôn nọ ra đi. Đến một hòn núi giữa biển gọi là núi Quỳnh Tiên, thuyền ghé lấy nước ngọt, Chử Đồng Tử vui chân trèo lên cái am nhỏ trên núi gặp một đạo sĩ trẻ tên là Phật Quang. Chuyện trò ý hợp tâm đầu, Chử Đồng Tử theo lời Phật Quang giao vàng nhờ khách buôn đi mua hàng còn mình thì ở lại đây học đạo.

Đến khi thuyền trở lại, Chử Đồng Tử theo về đất liền. Khi từ giã, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cái gậy, một cái nón và bảo: "Đây là vật thần thông".

Về đến nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán để cùng chồng đi tìm thày học đạo.

Một hôm trời tối, hai vợ chồng đi đã mệt mà chưa thấy nhà cửa đâu, mới dừng bước lại, cầm gậy che nón nằm dưới mà nghỉ. Vào khoảng nửa đêm, tự nhiên chỗ ấy nổi lên thành quách, cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa, không thiếu một thứ gì. Lại thêm tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xum xít quanh hai vợ chồng.

Sáng hôm sau, dân ở quanh vùng đều lấy làm kinh dị, mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôi. Họ vào thành thấy các quan văn võ, lính tráng tấp nập đông đảo như một nước riêng.

Hùng Vương được tin báo cho là con gái làm loạn, vội phái quân đi đánh. Đoàn quân sĩ nhà vua gần tới nơi, bộ hạ Tiên Dung xin ra chống cự, nàng cười mà bảo rằng:

"Tất cả mọi việc đều do ở trời chứ không phải tự ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống hay chết đều nhờ ở trời, dẫu ta có bị phụ vương giết cũng không dám oán hận".

Trời đã tối, quân của Hùng Vương không kịp tấn công, dừng lại đóng ở bãi Tự Nhiên, cách đối phương một con sông lớn. Đến nửa đêm trời bỗng nổi bão, sóng gió cuồn cuộn, nhổ cây ở bãi, đại quân của Hùng Vương rối loạn. Trong chốc lát thành quách cung điện và bộ hạ của hai vợ chồng Tiên Dung đều bay cả lên trời. Sáng hôm sau, người ta kinh dị thấy chỗ đó đã hóa thành một cái đầm lớn. Dân chúng bèn lập đền thờ để cúng tế hàng năm, gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (Một đêm), thuộc phủ Khoái Châu (Hưng Yên).

Về sau, Triệu Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương, lấy đầm này làm chỗ ẩn nấp để đánh nhau trong mấy năm trời. Đêm đêm quân của Quang Phục cỡi thuyền độc mộc tiến ra đánh úp làm cho quân giặc mỗi ngày một hao tổn. Một hôm Quang Phục lập đàn cầu thần phù hộ, bỗng thấy Chử Đồng Tử cỡi rồng giáng xuống hứa giúp diệt giặc, rồi trao cho Quang Phục một chiếc móng rồng bảo gắn vào mũ để làm bùa thiêng.

Trận đó quả nhiên đại thắng, Quang Phục giết được tướng nhà Lương, quân giặc tan vỡ. Họ Triệu tự lập làm vua, tức là Triệu Việt Vương.

*

Có thuyết kể rằng vị tổ sư nội đạo, Chử Đồng Tử, còn có một người vợ thứ hai. Ở làng Đa Hòa, phủ Khoái Châu (Hưng Yên), nơi có đền lớn thờ phượng Chử Đồng Tử, dân chúng truyền rằng sau khi công chúa Tiên Dung đắc đạo, hai vợ chồng đi viếng các danh lam thắng cảnh trong nước.

Khi đến địa phận làng Ông Đình (phủ Khoái Châu), họ gặp trước chùa Cổ Kính một cô gái mười tám, mười chín tuổi, đẹp như chim én bay. Tiên Dung trỏ cô gái mà bảo chồng rằng:

"Mình muốn lấy con người đẹp ấy làm thiếp không"?

Chử Đồng Tử mỉm cười không nói, Tiên Dung hiểu ý chồng, một mình tiến lại gần cô gái quê, ngỏ lời:

"Cô ơi, cô là tiên hay người trần? Cô là thần gió hay thần hoa? Chồng tôi là kẻ lỗi lạc xuất chúng, cô có nhận lời làm vợ thứ hai cũng không phải là không xứng đáng. Mặc dù là công chúa tôi không kiêu hãnh, ghen tuông như kẻ thường tình. Nếu chúng ta được kết làm chị em thì thật là sung sướng cho tôi!"

Cô gái đáp:

"Thật ra tôi là tiên nữ ở Tây điện, đội lốt người phàm. Hai người đã thành đạo, cuộc gặp gỡ hôm nay giữa chúng ta phải chăng là do ý trời định hay là sự tình cờ của kẻ thế gian"?

Tiên Dung nói:

"Đúng là do trời định! Song le người ta thường dự định rồi nhờ trời tác thành: trong sự quyết định của trời cũng có phần của người can dự vào!"

Đoạn hai người thề nguyền kết làm chị em, rồi ra mắt Chử Đồng Tử. Chử Đồng Tử liền bày tiệc lớn, rước cô vợ đẹp thứ hai về ở chung với Tiên Dung.

Cũng theo thuyết kể trên, Chử Đồng Tử và hai vợ đã nổi danh chữa bệnh rất tài tình. Vào thuở ấy, ở làng Ông Đình, có năm sáu xác chết sắp chôn. Đồng Tử nói cùng với hai vợ rằng:

"Tôi đã học được phép Đạo có thể làm cho người chết sống lại. Giờ tôi muốn cứu những người sắp đem chôn kia. Hai nàng có muốn theo tôi không"?

Người vợ thứ đáp:

"Cứu người là một việc lành, sao chị em chúng tôi lại không đi theo mình"?

Khi đến nơi, Đồng Tử niệm thần chú rồi lấy gậy trỏ vào xác chết. Tức thì các người chết sống lại, đòi ăn uống. Mọi người mừng rỡ, mời Đồng tử, công chúa Tiên Dung và Tiên Nữ Tây điện về nhà để tạ ơn. Dân làng mang đến nhiều tặng phẩm trọng thể, thưa rằng:

"Trong xã chúng tôi hiện đang có nhiều người bệnh sắp chết lối trên một trăm người".

Đồng Tử bảo:

"Đợi cho họ chết rồi tôi sẽ cứu họ".

Người vợ thứ mỉm cười nói với chồng:

"Mình cứu được người chết sống lại, nhưng không biết cách chữa cho người bệnh. Em có phương trị khỏi bệnh cho hàng ngàn người một lúc".

Đồng Tử và Tiên Dung yêu cầu Tiên Nữ thi hành bí quyết màu nhiệm. Người vợ thứ lấy giấy trắng, viết chữ son lên, rồi đốt thành tro đem hòa vào nước lã. Người bệnh uống thứ nước này vào thì khỏi ngay. Trước việc màu nhiệm này, dân làng sụp lạy Đồng Tử và hai bà vợ, nhận họ làm cứu tinh, và tôn lên làm minh chủ. Ba vợ chồng khước từ ra đi.

Để ghi ơn, dân làng Ông Đình bèn lập đền thờ ba người, ngày nay hãy còn hương khói.

Dân làng Đồng Tảo, ở cùng phủ Khoái Châu, cũng thờ Chử Đồng Tử, song lại không nhìn nhận người vợ thứ. Trong đền thờ, bên trái Chử Đồng Tử, người ta đặt tượng công chúa Tiên Dung, còn bên phải, thay vì tiên nữ Tây điện, là cô gái Ngải Hòa, theo sự tích sau đây:

"Nàng là con gái của một người làm ruộng ở làng Đồng Tảo. Vào năm mười lăm tuổi, khi công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử lên trời, nàng đang cắt lúa ngoài đồng. Thấy hai người bay lên không, nàng bỏ cả liềm hái để theo. Trong vùng người ta kể chuyện lại như vậy. Nhưng cha mẹ nàng và dân làng không tin. Một hôm, chiếc yếm của nàng thường mặc từ trên mây rơi xuống. Dân làng thấy sự màu nhiệm ấy bèn lập đền thờ, còn đến ngày nay".

Khuyết Danh

Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát

Sự Tích Phật A Di Đà

Đức Phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta Bà đem về tịnh độ.

Trong Kinh Bi Hoa nói rằng: Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện Trì. Khi ấy tại cõi Tản Đề Lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông Thắng Thần Châu, hai là Nam Thiện Bộ Châu, ba là Tây Ngưu Hoá Châu, và bốn là Bắc Cu Lô Châu. Tiếng nhân hiền đồn dậy bốn phương, đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng ái kính.

Vua ấy có nhiều người con và có một vị đại thần tên là Bảo Hải. Con dòng Phạm Chí, rất tinh thông về nghề xem thiên văn.

Ông Bảo Hải lại có một người con trai tướng tốt lạ thường, từ dưới chân lên đến trên đầu đều có ba mươi hai dấu tốt.

Khi con ông mới sanh ra, thì có các hàng khách tôn quý đem nhiều đồ lễ vật đến dâng cho, nhân vậy mà đặt tên là Bảo Tạng.

Lúc khôn lớn, thì Bảo Tạng xem biết việc đời là thống khổ, thân mạng lại vô thường, tự nhiên sanh lòng chán ngán, bỏ cuộc vinh hoa, liền xuất gia tu hành, chẳng đặng bao lâu mà đã thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai, đủ các đạo pháp nhiệm mầu, thần thông rộng lớn. Khi thành Phật rồi, thì Ngài dạo khắp các nơi mà hóa độ chúng sanh, có nhiều hàng đệ tử đã chứng đặng quả Thanh Văn, Duyên Giác, và Bồ Tát, nên nhân dân ai nấy cũng sẵn lòng hoan nghinh.

Có một bữa ăn, vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng cùng đại chúng đến giảng đạo tại vườn Diêm Phù, gần bên thành, thì tự nghĩ rằng:

"Nay ta muốn đến chỗ Phật, đặng xem coi giảng đạo lý gì mà thiên hạ tín ngưỡng đông như thế!"

Nghĩ như vậy rồi, vua cùng các vị vương tử, đại thần và quyến thuộc bèn đến vườn Diêm Phù lễ Phật vừa xong, liền đi chung quanh ba vòng, rồi ngồi bên ngài mà nghe pháp.

Vua Vô Tránh Niệm xem thấy đức Bảo Tạng Như Lai khoanh chân ngồi trên bảo tọa có hình con sư tử, rất bực trang nghiêm, đủ tướng tốt đẹp, chung quanh thân ngài có ánh sáng nhiều sắc chói lòa.

Còn trong pháp hội thì thấy: nào là những người đã xuất gia làm đệ tử của Phật, cạo tóc, đắp y; nào là những hàng vương tử, đại thần mặc đồ anh lạc; nào là cung nga mỹ nữ dung mạo tốt xinh; nào là sĩ, nông, công, thương, áo xiêm chỉnh đốn, kẻ thì chấp tay ngồi im lặng, người thì quỳ gối thưa hỏi, xem bộ ai nấy cũng chăm ngó Phật mà nghe pháp cả.

Vua Vô Tránh Niệm quan sát khắp đủ mọi lẽ, bèn ngắm nhìn thân mình, rồi trở lại ngó Phật, mắt sửng không nháy, lòng thiệt hoan nghênh, cái tâm niệm tín ngưỡng tự nhiên phát lộ, liền đảnh lễ ngài và đi xung quanh ba vòng, rồi cũng ngồi xuống một bên ngài mà chăm nghe lời giảng dạy.

Vua nghe đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, biết sự làm lành, liền quỳ xuống chấp tay mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi muốn sắm đủ những đồ ăn uống, áo chăn, mền nệm, và thuốc men, đặng dâng cúng cho ngài và đại chúng luôn trọng ba tháng ở đây mà giảng đạo, xin ngài từ bi ái nạp."

Vua Vô Tránh Niệm thấy Phật nhận lời, liền trở về truyền lịnh sắm sửa đủ mọi lễ, cứ đúng buổi mà dâng cúng không hề trễ nãi.

Vua lại khuyên bảo các vị vương tử, đại thần, quyến thuộc và nhân dân rằng: "Các ngươi có biết hay không? Nay trẫm đã mở lòng bố thí, kính thỉnh đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng đến mà cúng dường trọn ba tháng. Những đồ báu trọng ngon đẹp của trẫm thọ dụng bấy lâu nay đều đem dâng cúng tất cả. Các ngươi cũng thể theo ý trẫm xả bớt huyễn tài mà cúng Phật, Tăng, đặng cầu phước báu."

Cả thảy đều vâng lời vua khuyên, hết lòng sắm sửa lễ vật mà dâng cúng Phật.

Có một hôm, quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của đức Bảo Tạng Như Lai, nằm chiêm bao thấy vua Vô Tránh Niệm làm sự bố thí lớn, mà việc cầu phước báu thì nhỏ. Sự ao ước của vua còn thuộc về phước hữu lậu trong cõi nhân thiên, chưa thoát ra khỏi luân hồi sanh tử.

Vậy nên quan đại thần chẳng đặng vui lòng, vì ý của ông muốn làm sao cho vua phát tâm cầu quả Bồ Đề, tu thành Phật đạo mà cứu vớt mọi loài chúng sanh, chớ không muốn cho vua cầu phước báu nhỏ nhen như hàng tiểu dân vậy.

Quan đại thần suy nghĩ như vậy, bèn đến chỗ Phật Bảo Tạng Như Lai tỏ điềm chiêm bao ấy, và tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: "Muôn tâu Đại Vương! Xin suy nghĩ đến việc này. Về sự sanh tử luân hồi phải bỏ thân này mang lốt khác, nên khó đặng thân người. Nay Đại Vương đã cảm lấy phước báu làm đặng vương thân, thiệt là quí báu biết dường nào! Các đức Phật tùy cơ duyên của chúng sanh cảm triệu mà ứng hiện ra đời, cũng như bông hoa ưu đàm ứng thời mà nở, thiệt là ít có! Nay Đại Vương gặp Phật xuất thế, thì phần hân hạnh biết bao! Dứt trừ lòng dục vọng, làm mọi sự phước duyên, cũng là việc khó mà Đại Vương làm đặng như vậy, thiệt là ít ai bì đặng!

Xin Đại Vương thứ lỗi cho ngu thần hỏi lời này: Ngày nay Đại Vương cúng dường Phật, Tăng, dùng phước duyên đó mà cầu nguyện những việc chi, xin cho ngu thần rõ.

Nếu Đại Vương muốn cầu sanh về cõi trời mà làm một vị thiên tử hưởng sự phước thọ hay là muốn cầu sanh về cõi nhân gian làm vua Chuyển Luân, thống lãnh bốn châu thiên hạ như ngày nay vậy, thì cũng còn ở trong khổ ải, chớ chưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Thưa Đại Vương! Hai sự phước báu tôi đã trần tấu đó đều là tướng vô định, đều là sự vô thường, thí như cơn gió thổi, dường tợ đám mây tan, có chắc chắn lâu dài chi đâu mà phải cầu nguyện!

Nếu sanh về cõi trời, khi hưởng sự khoái lạc mà có tạo ác nghiệp, thì cũng phải đoạ vào địa ngục, đặng chịu khổ. Còn như sanh về cõi nhân gian, thì lại chiu mọi sự khổ não phần thì oán cừu gặp gỡ, phần thì ân ái chia lìa, cái khổ trạng ấy không thể kể xiết.

Vì Đại Vương nhờ nhân duyên tu phước đời trước, nên mới hưởng đặng sự tôn vinh như vầy. Nếu nay Đại Vương giữ gìn giới luật, thì sẽ đặng phước báu lớn hơn nữa, còn như tu học chánh pháp, thì sẽ thành chủng trí.

Vậy xin Đại Vương nên phát tâm cầu đạo vô thượng bồ đề, chớ đừng cầu nguyện những việc phước nhỏ nhen như hạng người thường kia vậy."

Vua Vô Tránh Niệm nghe quan đại thần Bảo Hải khuyến thỉnh như thế, thì tâm lượng tự nhiên mở rộng, liền đáp rằng: "Trẫm chẳng cầu những việc như khanh nói đó đâu! Trẫm muốn trãi khắp trong đường sanh tử, làm sự bố thí, trì giới, hầu nghe những pháp mầu nhiệm, tu hạnh bồ tát và cứu vớt chúng sanh, do nhân duyên ấy mà phát tâm bồ đề."

Đại thần Bảo Hải lại nói rằng: "Bồ Đề là một đạo rất trong sạch sáng suốt, rất ngay thẳng chính đáng, rất trang nghiêm tốt đẹp, rất rộng lớn cao sâu, khắp cả hư không, trùm cả sa giới, rất có oai thần mảnh lực.

Vả lại đạo Bồ Đề là hạnh bố thí, sẽ đặng giàu sang, là hạnh trì giới, sẽ đặng thanh tịnh, là hạnh nhẫn nhục, sẽ đặng vô ngã, là hạnh tinh tấn, sẽ đặng bất thối, là hạnh thiền định, sẽ đặng vắng lặng, là hạnh bát nhã, sẽ đặng sáng suốt.

Tu được như vậy mới đến chỗ an lạc và mới chứng đặng quả niết bàn. Vậy xin Đại Vương nên phát tâm mà cầu đạo ấy."

Vua Vô Tránh Niệm đáp rằng: "Này khanh! Đương thời trung kiếp, mỗi người sống lâu chỉ có tám vạn tuổi mà thôi! Nay đức Bảo Tạng Như Lai ứng hiện ra đời mà giáo hóa chúng sanh, hoặc có kẻ chứng pháp tam muội, hoặc có người đặng bậc bồ tát, hoặc đặng thọ ký làm Phật, hoặc đặng quả báo nơi cõi nhân thiên. Trong hàng chúng sanh có một người nào không trồng căn lành mà đức Như Lai chẳng nói pháp đoạn khổ.

Tuy ngài là phước điền của chúng sanh, song những người không có căn lành thì ngài không có thể hóa độ cho dứt đặng mọi sự khổ não.

Nay Trẫm phát bồ đề tâm, tu bồ tát hạnh, học đạo đại thừa, chứng pháp môn rất mầu nhiệm, chuyên làm Phật sự mà giáo hóa chúng sanh. Trẫm muốn cầu làm sao cho khi thành đạo bồ đề, thì thế giới đặng trang nghiêm thanh tịnh, chúng sanh không còn có một chút khổ gì. Nếu đặng như vậy thì Trẫm sẽ chứng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác."

Vua Vô Tránh Niệm nói như vậy rồi, bèn đi với quan đại thần Bảo Hải đến chỗ đức Bảo Tạng Như Lai, thấy ngài đương nhập định, lại dùng phép thần thông biến hóa và phóng hòa quang sáng suốt, hiện cả mười phương thế giới của chư Phật ra trước mặt cho chúng hội xem: hoặc có cõi Phật đã niết bàn rồi, hoặc có cõi Phật đương niết bàn, hoặc có các cõi vị bồ tát mới ngồi nơi đạo trang dưới cây bồ đề, đương hàng phục chúng ma, hoặc có cõi Phật mới thành đạo và mới nói pháp, hoặc có cõi Phật thành đạo đã lâu, đương còn nói pháp, hoặc có thế giới toàn là các bậc bồ tát, hoặc có thế giới toàn là những hàng thanh văn và duyên giác, hoặc có thế giới không có Phật,bBồ tát, thanh văn và duyên giác chi hết, hoặc có thế giới đủ năm món ác trược, hoặc có thế giới đủ các thứ trang nghiêm, hoặc có thế giới bèn dơ nhớp, hoặc có thế giới tốt đẹp lạ thường, hoặc có thế giới mà nhân dân sống lâu vô cùng, hoặc có thế giới mà nhân dân thọ mạng ngắn ngủi, hoặc có thế giới thường bị tai nạn thủy hoả, hoặc có thế giới hằng bị tai nạn gió bão, hoặc có thế giới gần thành tựu, hoặc có thế giới đã thành tựu rồi.

Đại thần Bảo Hải thấy vậy, bèn tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: "Nay Đại Vương nhờ sức oai thần của đức Như Lai mà đặng thấy các thế giới, vậy Đại Vương phát bồ đề tâm muốn cầu lấy thế giới nào."

Vua chấp tay mà thưa với đức Bảo Tạng Như Lai rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Chẳng biết các vị bồ tát tu hạnh gì mà chiếm đặng cõi Phật tốt đẹp trang nghiêm, tu nghiệp gì mà chiếm đặng thế giới xấu xa ác trược.

Do nghiệp gì mà đặng thọ mạng lâu dài, tạo nghiệp gì mà thọ số ngắn ngủi? Xin ngài chỉ dạy hco tôi biết mà tu học."

Đức Bảo Tạng Như Lai nói rằng: "Vì bởi các vị Bồ Tát có sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới thanh tịnh, không có các điều ác trược, nên sau khi thành đạo được về ở cõi ấy rất trang nghiêm.

Còn các vị Bồ Tát nào do sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới ngũ trược đủ sự phiền não, nên sau khi thành đạo về ở cõi ấy."

Vua Vô Tránh Niệm lễ Phật rồi lui trở về trong cung, một mình ngồi im lìm mà suy nghĩ đến sự thệ nguyện của mình, mong cầu cho đặng cõi cực kỳ tốt đẹp, đặng tiếp dẫn chúng sanh.

Suy nghĩ rồi vua bèn trở lại lễ Phật mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Vì tôi muốn chứng đạo bồ đề, nên đem công đức cúng dường ngài và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm.

Bạch đức Thế Tôn!

1. Nay tôi nguyện trong khi tôi thành Phật, làm sao đặng một thế giới đủ sự vui đẹp, hình dạng nhân dân trong cõi ấy toàn là sức vàng và không có những đường địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh xen ở chung lộn. Hết thảy chúng sanh nơi cõi ấy chẳng khi nào còn phải thối chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa, và người nào cũng đủ sáu phép thần thông và căn thân tốt đẹp.

2. Tôi nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy, đều thành đàn ông tươi tốt vô cùng, không còn thọ báo sắc thân đàn bà và cũng chẳng cần có danh hiệu của người đàn bà nữa. Hết thảy chúng sanh khi được về đó, thần thức đầu thai trong bông sen, lúc bông nở ra thì căn thân xinh tốt, thọ mạng lâu dài, không kể xiết đặng.

3. Tôi nguyện cõi ấy đặng trang nghiêm, cảnh vật thiệt xinh đẹp, không có mọi sự nhiễm trược, hằng có hoa tốt hương thơm mùi bay các hướng.

4. Tôi nguyện cho chúng sanh trong cõi ấy, ai nấy cũng đều đặng bao mươi hai tướng tốt, sáu phép thần thông, trong giây phút dạo khắp các cõi Phật trong mười phương, đặng cúng dường và nghe pháp, rồi trở về cũng chưa trễ buổi ăn.

5. Tôi nguyện nhân dân trong cõi ấy đều đặng mọi sự thọ dụng tự nhiên, đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mắt, còn muốn bận đồ gì thì có áo xiêm tốt đẹp hiện ra bên mình, không cần phải sắm sửa như trong cõi nhân gian nầy.

6. Tôi phát nguyện cầu đặng cõi Phật như vậy, đặng từ rày về sau, đời đời kiếp kiếp, thường tu hạnh bồ tát, làm sự hi hữu mà tạo thành cõi Tịnh Độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây bồ đề mà thành quả chánh giác, phóng hào quang soi các thế giới cho các đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của tôi.

7. Tôi nguyện khi thành Phật rồi, những loài chúng sanh ở trong thế giới khác, đã có tu tập thiện căn, hể nghe danh hiệu tôi mà muốn sanh về cõi tôi, đến khi lâm chung đặng vãng sanh, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch, tội chê bai các pháp đại thừa và phá hư chánh pháp mà thôi.

8. Tôi nguyện khi tôi thành Phật rồi, mà có chúng sanh ở các thế giới đã phát bồ đề tâm, tu bồ tát đạo, muốn sanh về cõi tôi, thì đến khi mạng chung, tôi và đệ tử tôi đều hiện thân đến trước mặt người ấy đặng tiếp dẫn.

9. Tôi nguyện khi tôi nhập diệt, trải vô số kiếp về sau những người nữ nhân ở trong các thế giới nghe danh hiệu tôi mà chăm lòng vui mến và phát bồ đề tâm, cho đến lúc thành Phật, cứ cảm báo đặng làm thân đàn ông hoài, chớ không khi nào còn mang lấy thân đàn bà nữa.

Bạch đức Thế Tôn! Tôi nguyện đặng cõi Phật như vậy, chúng sanh như vậy, mọi sự thanh tịnh trang nghiêm như vậy, thì tôi mới chịu thành Phật."

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy rồi khen rằng; "Hay thay! Hay thay! Đại Vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh. Kìa Đại Vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đương vì các bậc bồ tát mà giảng dạy pháp đại thừa, giáo hóa các người thượng căn, chứ không diễn thuyết mấy pháp quyền tiểu.

Trong cõi ấy cũng không có chúng sanh căn trí tiểu thừa và cũng không có một người nữ nhân. Nhưng y báo (cảnh vật) và chánh báo (căn thân) của Phật Tôn Âm Vương Như Lai thiệt thanh tịnh trang nghiêm, rất xứng hiệp với chỗ cầu nguyện của Đại Vương đó! Vì Đại Vương có thệ nguyện muốn cõi thanh tịnh, nên nay ta đổi hiệu Đại Vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.

Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập niết bàn, chánh pháp truyền bá đặng mười trung kiếp. Đến khi diệt độ, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn Thiện Vô Cấu đổi tên lại là Di Lâu Quang Minh, có đức Phật hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng sanh. Sau khi đức Phật ấy nhập Niết Bàn rồi, trải vô số hằng sa kiếp và vô lượng Phật diệt độ, thì cõi Di Lâu Quang Minh đổi tên lại là An Lạc, đến thời kỳ Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật thì hiệu là A Di Đà Như Lai (Vô Lượng Thọ), sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sanh trong các thế giới về đó, rồi giáo hóa cho thành Phật đạo tất cả."

Vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng Như Lai thọ ký như vậy liền thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nếu lòng thệ nguyện của tôi quả đặng y như lời thọ ký của ngài, thì tôi kính lễ xin nhờ ngài dùng phép thần thông làm cho các đức Phật ở trong hằng sa thế giới cũng thọ ký cho tôi như ngài nữa."

Vua Vô Tránh Niệm thưa rồi, đương cúi đầu lễ, tức thì mười phương thế giới thảy đều vang động.

Vua ở trong pháp hội nghe chư Phật đều thọ ký cũng như lời đức Phật Bảo Tạng đã nói trên đó, thì rất đỗi vui mừng, liền chấp tay đảnh lễ, rồi ngồi nghe Phật Bảo Tạng thọ ký cho các vị bồ tát khác.

Từ đó về sau, vua Vô Tránh Niệm mạng chung thọ sanh ra các đời khác, kiếp nào cũng giữ lời bổn nguyện, tu hạnh bồ tát cứu độ chúng sanh, trải vô lượng kiếp quả mãn công viên hiện thành chánh giác, đến nay đã mười đại kiếp rồi, ngài ở cõi Cực Lạc thế giới bên Tây phương, đương giảng dạy các pháp đại thừa và hằng tiếp dẫn chúng sanh đem về cõi ấy.

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát

Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát

Nam mô Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Nam mô Phổ Hiền Bồ Tát

Nam mô Địa Tạng Bồ Tát

Nam mô Di Lặc Bồ Tát

Nam mô Đức Chuẩn Đề Bồ Tát

Khuyết Danh

Sự tích Phật A Di Đà và bảy vị Bồ Tát

Sự tích Quán Thế Âm Bồ Tát

Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, khi chưa xuất gia tu hành, có một kiếp ngài làm con đầu lòng của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử.

Trong thời kỳ vua ấy thống trị thiên hạ, thì có Phật Bảo Tạng ra đời.

Vua thấy nhân tâm xu hướng theo lời giáo hóa của Phật càng ngày càng đông, bèn suy nghĩ rằng:

"Nếu đạo Phật không phải chân chánh, thì đâu có lẻ người ta sùng bái khắp xứ như vậy!"

Nên vua mới phát tâm sắm đủ lễ vật đến cúng dường Phật và chúng tăng trong ba tháng, và lại khuyên các vị vương tử và đại thần cũng làm như vậy.

Khi ấy Bất Huyến Thái Tử vâng lời Phụ Vương, hết lòng tin kính, sắm đủ các món ngon quý và đem những đồ trân trọng của mình mà dâng cúng cho Phật và đại chúng trong ba tháng, không trễ nãi bữa nào và cũng không món gì kém thiếu.

Quan đại thần Bảo Hải, là phụ thân của Phật Bảo Tạng, thấy vậy khuyên rằng: "Điện Hạ đã sẵn lòng tu phước mà cúng Phật, cúng tăng, vậy xin Điện Hạ hãy đem công đức đó mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề, chớ nên cầu sự phước báu trên cõi trời Đao Lợi hay là cõi trời Phạm Thiên làm chi.

Bởi vì mấy cõi ấy, tuy là cảnh vật vui tốt, nhân dân vui sướng, căn thân đẹp đẽ, thọ mạng lâu đài, đặng phép thần thông, dạo đi tự tại, những đồ y thực sẵn có, các cuộc du hí đủ bày, trăm thức tự nhiên thọ dụng đủ đều khoái lạc, không có sự khổ như cõi nhân gian.

Cái phước báu trong các cõi đó tuy là mỹ mãn như thế, nhưng còn thuộc về hữu lậu, có hư có mất, chắc chắn gì đâu, chính là sự vô thường, thật là tướng vô định, như cơn gió thổi mau không có thế lực gì cầm lại đặng, hết vui thì xảy ra buồn, hết sướng thì trở lại khổ, dầu có sống lâu đến mấy ngàn năm đi nữa, cũng không khỏi con ma sanh tử lôi kéo vào đường nọ ngõ kia.

Nếu Điện Hạ cứ cầu phước báu đó, chắc không thoát khỏi ải sanh tử luân hồi, nếu đã không khỏi luân hồi, thì chưa chắc lúc nào đặng tiêu diêu tự tại.

Chi bằng Điền Hạ đem công đức đó mà cầu món phước báo vô lậu, không hư không mất, đời đời kiếp kiếp vượt ra ngoài ba cõi bốn dòng, hưởng sự an vui vô cùng vô tận, và hồi hướng về đạo bồ đề mà cầu mau thành Phật quả, đặng cứu độ chúng sanh khỏi sông mê biển khổ. Vậy phần tự lợi đã vuông tròn, mà đức lợi tha lại đầy đủ nữa."

Bất Huyến Thái Tử nghe ông Bảo Hải khuyên nói như vậy, bèn đáp rằng: "Ta xem xét cả thảy chúng sanh trong đường địa ngục chịu sự khổ cực; còn kẻ nhân gian và người thiên thượng thì đủ điều cấu nhiễm, lắm chuyện trần lao, không có chút nào đặng thanh tịnh, bởi đó mà tạo thành tội nghiệp, nên mới thọ quả báo mà đoạ vào ba đường dữ là: địa ngục, ngạ quả, và súc sanh."

Bất Huyến Thái Tử đáp lại rồi tự nghĩ rằng: "Bởi chúng sanh ở trong đời không gặp đặng những người hiền nhân quân tử, khuyên việc lánh dữ làm lành mà dìu dắt lên con đường giải thoát, chỉ gặp những kẻ tàn ác tiểu nhân cũ dụ nhau kết bạn bè, thường xúi dục những điều bất thiện, và lại phá hư chánh pháp, khinh pháp đại thừa, làm cho mất cả căn lành, thêm điều tà kiến, vì vậy mới che lấp tâm tánh, không biết đạo đức là gì, nên phải chịu nổi đày đọa."

Bất Huyến Thái Tử ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi thưa rằng: "Nay tôi đối trước mặt Phật và đại chúng mà tỏ lời như vầy: Tôi nguyện đem tất cả các món công đức tôi đã từng cúng dường Tam Bảo và các món công đức tôi đã từng tu tập pháp mầu mà hồi hướng về đạo vô thượng bồ đề.

Tôi nguyện trong khi tôi tu những điều công hạnh bồ tát, làm những việc lợi ích cho chúng sanh, nếu tôi xem có kẻ mắc sự khốn khổ hiểm nghèo ở trong hoàn cảnh ám muội, không biết cậy nhờ ai, không biết nương dựa đâu, mà có xưng niệm danh hiệu tôi, tức thời tôi dùng phép thiên nhỉ mà lóng nghe và dùng phép thiên nhãn mà quan sát coi kẻ mắc nạn ấy ở chỗ nào, cầu khẩn việc gì, đặng tôi hiện đến mà cứu độ cho khỏi khổ và đặng vui. Nếu chẳng đặng như lời thề đó thì tôi không thành Phật.

Thưa đức Thế Tôn! Nay tôi vì hết thảy chúng sanh mà phát lòng đại nguyện, tu học về pháp xuất thế, lo làm các công hạnh tự giác tự lợi, nguyện khi phụ vương tôi là Vô Tránh Niệm, trải hằng sa kiếp nhẫn sau thành Phật, hiệu là A Di Đà Như Lai ở cõi An Lạc thế giới, hóa độ chúng sanh xong rồi, chừng nhập niết bàn, chánh pháp truyền lại, thì tôi tu hạnh làm việc Phật sự. Đến lúc chánh pháp gần diệt, hễ diệt bửa trước thì bửa sau tôi chứng đạo bồ đề.

Xin đức Thế Tôn từ bi mà thọ ký cho tôi, và tôi cũng hết lòng yêu cầu các đức Phật hiện tại ở hằng sa thế giới trong mười phương đều thọ ký cho tôi như vậy nữa."

Đức Bảo Tạng Như Lai nghe mấy lời nguyện ấy, liền thọ ký Bất Huyến Thái Tử rằng: "Ngươi xem xét chúng sanh trong cõi thiên thượng nhân gian và trong ba đường dữ đều mắc những sự tội báo, mà sanh lòng đại bi, muốn đoạn trừ mọi sự khổ cực, dứt bỏ những điều phiền não và làm cho cả thảy đều đặng hưởng sự an vui.

Vì ngươi có lòng soi xét những loại yêu cầu của loài hữu tình trong thế gian mà cứu khổ như vậy, nên nay ta đặt hiệu là: Quán Thế Âm.

Trong khi ngươi tu hạnh bồ tát, thì giáo hóa cả vô lượng chúng sanh cho thoát khỏi sự khổ não và làm đủ mọi việc Phật sự.

Sau khi A Di Đà Như Lai nhập niết bàn rồi, thì cõi Cực Lạc lại đổi tên là: Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu, y báo càng tốt đẹp hơn trước đến bội phần.

Chừng đó, đương lúc ban đêm, độ trong giây phút, có hiện ra đủ thức trang nghiêm, thì ngươi sẽ ngồi trên tòa kim cang ở dưới cây bồ đề mà chứng ngôi chánh giác hiệu là: Biến Xuất Thiết Quang Minh Công Đức Sang Vương Như Lai, phước tròn hạnh đủ, muôn sự vẻ vang, đạo pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, rất tôn rất quý, không ai sánh bằng mà lại sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, rồi khi diệt độ thì chánh pháp còn truyền bá lại đến sáu mươi ba ức kiếp nữa."

Bất Huyến Thái Tử nghe Phật Bảo Tạng thọ ký rồi, liền vui mừng mà thưa rằng: "Bạch đức Thế Tôn! Nếu sự thề nguyện của tôi quả đặng hoàn mãn như lời ngài nói đó, thiệt là hân hạnh biết bao! Nay tôi lạy ngài xin làm thế nào cho các đức Phật hiện ở hằng sa thế giới cũng đều thọ ký cho tôi và khiến cho cả thảy thế giới đều đồng thời vang ra những tiếng âm nhạc, và các kẻ chúng sanh nghe tiếng ấy đều đặng thân tâm thanh tịnh mà xa lìa mọi sự dục vọng trên đời."

Lúc Bất Huyến Thái Tử thưa rồi, đương cúi đầu lễ Phật, tức thì các thế giới tự nhiên rung động vang rền, kêu ra những tiếng hòa nhã, ai ai nghe đến cũng sanh lòng vui vẻ, làm cho các điều dục vọng bổng nhiên tiêu tan cả.

Khi ấy, thoạt nghe các đức Phật ở mười phương đồng thinh thọ ký cho Quán Thế Âm rằng: "Đương khi thời kiếp Thiện trụ, ở tại cõi Tán Đề Lam thế giới, nhằm lúc Phật Bảo Tạng ra đời mà giáo hóa chúng sanh, có con của vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyến Thái Tử phát tâm cúng dường Phật và đại chúng trong ba tháng, do công đức đó, nên trải hằng sa kiếp sẽ thành Phật, hiệu là: Biến Xuất Nhất Thiết Công Đức Quang Minh Sang Vương Như Lai, ở về thế giới Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu."

Bất Huyến Thái Tử khi đặng chư Phật thọ ký rồi, thì lòng rất vui mừng.

Đến khi mạng chung, thì ngài thọ sanh ra các đời khác, trải kiếp nọ qua kiếp kia, hằng giữ bổn nguyện, gắng công tu hành, cầu đạo bồ đề, làm hạnh bồ tát, chăm lòng thi hành những sự lợi ích cho chúng sanh, không có khi nào mà ngài quên cái niệm đại bi đại nguyện.

Hiện nay Quán Thế Âm đã chứng được bậc đẳng giác bồ tát, ở cõi Cực Lạc mà hầu hạ đức Phật A Di Đà, hằng ngày tiếp dẫn chúng sanh trong mười phương đem về cõi ấy.

Đến sau, đức Phật A Di Đà nhập niết bàn rồi, thì ngài kế ngôi Phật vị mà giáo hóa chúng sanh.

Khuyết Danh

Bùa Ngãi Ở San Jose

Khi tôi đến bấm chuông ở ngôi nhà số 2924 Garden Avẹ, San Jose, CA 95111 vào lúc 03:00 giờ chiều ngày 26-11-2002 thì một người đàn bà đứng tuổi, có làn da mịn hồng đã mở cửa bước ra mời tôi vào nhà.

Cánh cửa rất hẹp mặc dầu ngôi nhà cũng khá rộng. Qua khỏi cửa, tôi ngửi thấy mùi nhang khói và mùi trầm hương cùng với mùi nước hoa quyện vào nhau ở bên trong căn nhà. Người đàn bà lại mở một cánh cửa rất hẹp vừa cho tôi nghiêng người lách qua để đi vào một căn phòng khác nằm chếch bên trái của cửa chính ra vào. Đây là cả một thế giới huyền bí của người đàn bà đã gọi điện thoại cho tòa soạn Việt Báo để mời tôi đến thăm cơ sở kinh doanh của bà ta.

Cơ sở của bà là một căn phòng nhỏ lối hơn 10 thước vuông. Khắp bốn bức tường và ngay trên cánh cửa vào phòng đều được dán kín với những hình bùa phép, các tượng ảnh mang những biểu trưng bí ẩn gì đó. Phía tường ngay lối cửa là một bàn thờ đủ các loại thần linh và tượng Phật theo điêu khắc của Thái Lan. Chung quanh bàn thờ là các lá bùa vẽ rồng rắn khó hiểu và dưới chân tượng Phật là các loại hoa quả, và đặc biệt có mấy mâm chứa đầy trứng vịt sống với nhang đèn nghi ngút. Bức tường đối diện với bàn thờ là bàn làm việc của người đàn bà được đặt sát một cửa sổ nhỏ làm bằng kính mờ.

Người đàn bà ngồi vào chiếc ghế phía sau bàn làm việc, lưng bà sát vào cái kệ tủ có nhiều ngăn lộ thiên đặt những cái khay lớn nhỏ khác nhaụ Trên từng mỗi cái khay có những hàng chữ viết bằng chữ Việt dán lên như những ngăn tủ thuốc có đề tên trong một tiệm thuốc bắc. Các hàng chữ ghi rõ như "Bùa đem chồng con về", "Phép uống thương", "Bùa hộ mệnh bình an", "Phép sang bán xe nhà tiệm quán", "Phép đốt móng", "Giải bùa thư yếm", "Phép đốt", "Bùa lớn", "Nàng Quốc", v.v...

Tôi ngồi xuống cái ghế duy nhất đặt đối diện với người đàn bà. Sát cái bàn ngay bên cạnh tôi là một tủ sắt nhỏ có từng ngăn chia thành nhiều hàng và mỗi hàng lại ngăn ra từng ô nhỏ bên ngoài đề các tên khác nhaụ Nhìn qua lớp kính mỏng tôi thấy bên trong giống như là những loại rễ cây hoặc lá khô.. Người đàn bà đưa tay bật sáng cây đèn loại dành cho bàn viết và chiếu ánh sáng vào phía những ngăn nhỏ trên tủ sắt rồi nói:

- Đây là 100 loại Ngãi quý nhất mà tôi có đủ. Tôi cam đoan chắc rằng hiện nay có nhiều người nuôi Ngãi, nhưng không ai có những loại Ngãi quý hiếm nầy.

Người đàn nhìn tôi chăm chú như muốn xem phản ứng của tôi như thế nàọ Bà ta chìa ra trước mặt tôi một tờ Việt Báo đã cũ và một tờ giấy ghi tên tôi, địa chỉ tòa soạn Việt Báo và số điện thoại:

- Tôi đã đọc bài của ông viết về nhiều cơ sở trên Việt Báo rất vô tư và xây dựng. Có một cái chợ tôi tưởng rằng nó đã chết, nhưng nhờ bài viết của ông mà nó sống lại sầm uất. Tôi đã ghi tên ông và địa chỉ để liên lạc nhưng tôi phải đi về Thái-Lan thỉnh phép một thời gian. Nay trở lại San Jose, tôi mạnh dạn gọi điện thoại mời ông đến xem xét công việc của tôi đang làm.

- Bà có thể vui lòng cho tôi biết bà làm nghề gì? Việt Báo chỉ giới thiệu người thật, việc thật, công việc hợp pháp mà thôị Sự giới thiệu là hoàn toàn miễn phí.

Người đàn bà đưa ra Giấy Phép Hành Nghề và nói: "Xin gọi tôi bằng Cô là được rồi." Tôi chưa có chồng và không bao giờ được phép gần đàn ông về thể xác. Đây là License của tôi. Việc làm chính của tôi hiện nay là "Làm phúc, là cứu người".

Tôi nhìn khắp căn phòng, dưới chân bàn thờ có hình mấy người đã chết... Trên khung cửa vào phòng có thờ hàng chữ của Đức Mohammed là nhà Tiên Tri của Hồi Giáo. Tôi hỏi người đàn bà:

- Cô xem chỉ tay, tướng số, bói bài phải không?

- Không, tất cả những thứ đó tôi đều biết, nhưng không xem bói toán cho ai. Ngoại trừ có ai đó thân tình cần tôi giúp. Tôi xin nói thẳng rằng tôi là một Thầy về Bùa Ngãi chuyên nghiệp nhưng tôi không làm chuyện thất đức, không dùng Bùa Ngãi để thư yếm hại ai bao giờ. Ngược lại tôi đã giúp cho bao nhiêu gia đình tan nát được đoàn tụ hạnh phúc. Những người bỏ vợ, bỏ chồng đi lang chạy theo người khác tôi đã giúp kéo họ trở về sống lại với nhau.

Tôi giúp cho những người bị mất của được tìm lại tài sản đã mất; giúp cho người ta tránh được tai nạn chết chóc; giúp cho các người kinh doanh được mua may bán đắt, có nhiều khách... Nói tóm lại, tôi chỉ muốn giúp người. Tôi cũng giúp giải cứu nhiều người bị các thầy bùa ngãi độc ác thư yếm mà đã đi nhiều nơi nhưng không ai giải phá cứu được. Và đặc biệt là tôi có thể chữa được một số bệnh như bị phong thấp bại xuội, bị mặt đầy mụn nhọt ghẻ lở.

Tôi sẽ chữa lành cấp tốc mà tôi không hề lấy của ai đồng xu nào khi tôi chữa trị giúp họ. Những ai bị tê thấp không giở tay lên được hay không bước đi được, tôi chỉ đọc lời cầu chú và cào vuốt chỗ đau lập tức họ sẽ khỏi trong vòng lối 15 phút. Người bị bệnh lâu vài chục năm thì ít ra cũng phải được tôi chữa trong lối 3 lần mới hết.

Trong khi nói chuyện với bà thầy Bùa Ngãi, phái viên Việt Báo nghe điện thoại của bà hầu như cứ năm bảy phút lại reo lên liên tục. Nhiều người gọi xin hẹn giờ hay xin thỉnh bùa, thỉnh phép. Tôi hỏi người đàn bà:

- Mỗi người khách cô lấy bao nhiêu tiền?

- Tôi không lấy bao nhiêu cả. Chữa trị bệnh hoàn toàn miễn phí. Những ai đến thỉnh Bùa, Ngãi hay cần giải cứu thì tùy theo kết quả mà họ đạt được, họ đến trả lễ bao nhiêu là tùy hỷ. Có người cho tôi vài đồng, có người cho vài chục, nhưng cũng có nhiều người cho tới vài trăm hoặc vài nghìn Đô-La.

- Như vậy chắc cô kiếm được nhiều tiền lắm vì tôi nghe điện thoại xin gặp cô liên tục.

Ngưới đàn bà đưa ra trước mặt tôi nhiều tờ báo xuất bản tại Việt Nam như Báo Lao-Động, báo Tuổi Trẻ, báo Công An, báo Phụ Nữ và cả báo viết bằng tiếng Anh có tên là Saigon Times. Những báo đó xuất bản phát hành các năm khác nhau và đều có bài viết và hình ảnh đăng tải về người đàn bà mà tôi đang tiếp xúc. Trên báo Saigon Times xuất bản tháng 9 năm 2000 có bài viết ký tên Le Toan với tựa đề "US. Family Gives Food Parcels to The Poor" đã viết rằng "SGT-HCMC) A Vietnamese family living in the ỤS. town of San Jose have donated 2,000 food parcels valued at VND40,000 each for distribution among poor residents of HCMC s District 4 during the family matriarch s annual Vietnam visit..." (Tạm dịch: Một gia đình ở San Jose đã tặng 2,000 gói lương thực trị giá 40,000 đồng VN mỗi gói cho dân nghèo Quận 4, Sài Gòn, khi họ về thăm nhà hàng năm...)

Bên cạnh bài viết là hình của người đàn bà đang trao gói quà cho một phụ nữ nghèo. Dưới tấm hình ghi là "Mrs Le Khanh hands a food parcel to a poor woman".

Trong khi đó tờ báo Kinh Doanh & Tiếp Thị trong một bài khác có đăng hình ảnh của bà LỆ KHANH đang trao quà cho những gia đình nghèo tại Quận 4 Sài-gòn vào ngày 04-9-2001. Bài báo thường thuật rằng Bà Lệ Khanh sống tại San Jose đã về Việt Nam tặng quà lần thứ 13 cho 2.000 gia đình nghèo mỗi gia đình một phần quà gồm gạo, bột ngọt, mì gói, dầu ăn, nước tương, muối bột.

Ngoài ra bà Lệ Khanh cũng tặng 300 phần quà tại Quận 8 Sài-gòn trong dịp Tết Trung Thu và cho các Hội Bảo Trợ, các nhà tình thương, các mái ấm trẻ em đánh dày và thiếu nhi ngoài đường phố mỗi nơi 100 Mỹ-kim. Bài và ảnh chụp do phóng viên Cẩm Thanh viết nói rằng đây là lần thứ 13 bà Lệ Khanh phát tặng quà cho người nghèo tại Sài-gòn. Những bài báo khác xuất bản tại Sài-gòn có đăng hình ảnh và bài tường thuật bà Lệ Khanh đang phát tặng quà Noel cho 1,000 hộ gia đình nghèo tại Phường 12 Quận 4 Sàigòn.

Người đàn bà chuyên nghề Bùa Ngãi đưa cho tôi xem các quảng cáo của bà đăng trên vài tờ báo tại San Jose và nói với tôi:

- Tôi không được ăn thịt. Hằng ngày khách thập phương đưa gà, vịt và hằng giỏ đầy trứng, trái cây đến cúng tổ, tôi nuôi Ngãi xong là cũng bỏ đi. Thực phẩm hằng ngày của tôi là do người thập phương cho tôi ăn. Tôi chẳng thiếu thốn gì cả. Tôi chỉ giúp người và nếu có ai cho tiền bạc hay gởi tiền cúng tổ, tạ ơn thì tôi thu gom mang đi làm việc nghĩa, làm việc bố thí từ thiện cho dân nghèo. Tôi về Việt Nam và đã tặng thực phẩm cho người nghèo được 13 lần. Những lần đầu thì chỉ tặng cho 1.000 gia đình nghèo thôi, nhưng những lần sau thì 2.000 gia đình, rồi mới đây là nhiều hơn.

Khi tôi tặng quà thì có chính quyền địa phương, báo chí và cả Công An của CSVN đến kiểm soát. Tôi chỉ giúp người nghèo mà thôi. Và vì vậy, tôi chỉ làm chuyện tốt, không dùng bùa ngãi để trục lợi cho cá nhân mình hay đi hại người khác. Tôi không cần tiền cho cá nhân tôi nên chẳng có ai có thể dùng tiền bạc để sai khiến tôi làm bậy như thư yếm hại phá người nào.

Báo Saigòn Times ghi bà Lệ Khanh 68 tuổi, tôi hỏi về cá nhân bà, bà kể:

- Tôi có thể nói tiếng Việt Nam và có tên Việt Nam là LỆ KHANH, nhưng tôi không phải là người Việt. Tôi là người Thái-Lan, thuộc một bộ tộc thiểu số gốc Chăm tại vùng núi Shakhon miền Bắc Thái-Lan. Bộ tộc tôi theo Mẫu Hệ, tên ông ngoại của tôi là Thầy Bùa Ngãi Kha-Mắt-Kham Bi-Rô kiêm Già Làng trong toàn bộ tộc. Tên thật của tôi là KHA-LAY-MAỴ Chúng tôi theo Hồi Giáo nhưng không cuồng tín và không chấp nhận khủng bố. Theo tục lệ, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được bộ tộc dành cho một cái hủ chứa các viên sỏi để tính tuổi của mình.

Lúc tôi được 8 viên sỏi thì tôi bị bệnh nặng và mê man nhiều ngày. Ngoại của tôi đã dùng bùa ngãi chữa cho tôi lành bệnh. Nhưng ngay sau đó trong bộ tộc bị bệnh dịch tả gây chết hằng loạt và dân khắp vùng kéo đến yêu cầu đốt tôi thành tro vì cho rằng tôi đã chết mà nay sống lại làm con Ma Lai về giết hại dân buôn bản. Ông Nội tôi là nhà chân tu Phật Giáo Thái Lan đã bàn với ông Ngoại tôi và hai gia đình đành chuẩn bị thực phẩm gởi tôi cho một đoàn người buôn lậu đưa ra khỏi vùng. Khi ra đi, ông ngoại tôi cho tôi mang theo một túi bùa ngãi mà tôi được huấn luyện từ khi mới lên 3 viên sỏi.

Ngoại đọc bùa chú cho tôi đi và nói rằng khi tôi lớn lên là không được gần đàn ông và phải làm nghề bùa ngãi để cứu nhân độ thế. Đoàn buôn lậu đưa tôi băng rừng trong nhiều ngày đêm và cuối cùng đến gởi tôi tại một già làng thuộc buôn Thượng ở khu vực Mai Thôn gần Đà-Lạt. Khi tôi được 12 tuổi thì tôi hái lan rừng mang ra chợ Đà-Lạt bán và tôi được gặp một phụ nữ Việt Nam tên là LỆ KHANH, đã đưa tôi về nhà ở chung để giúp đỡ tôi. Tôi thực sự ở với chị Lệ Khanh vào lúc tôi 16 tuổi và tên thật của tôi là KHA-LAY-MAY nên cả nhà gọi tôi là MAY.

Tôi nói được tiếng Thượng, tiếng Thái và nay chị Lệ Khanh dạy thêm cho tôi tiếng Việt. Chồng chị Lệ Khanh là anh Trần Văn Hải, đã quyết định đưa gia đình về Sài-gòn sinh sống vào khoảng năm 1970. Tôi đi theo và nhờ đó tôi có dịp quen với các anh chị đào kép Cải Lương. Tôi kiếm được ít tiền và sang lại Đoàn Cải Lương Hoa Anh Đào - Kim Chưởng để làm bầu gánh một thời gian. Thời gian nầy tôi có dịp trở lại Thái-Lan tìm về nguồn gốc của tôi. Tôi đã tìm được các thầy Bùa Ngãi cấp đẳng cao cường và được truyền lại các bí quyết trong nghề Bùa Ngãi nhưng tôi phải thề không được dùng Bùa Ngãi để ếm hại người khác.

Đến năm 1971 thì chị Lệ Khanh bị bệnh và qua đời. Anh Trần Văn Hải chồng chị làm việc cho Mỹ ở Kho 5 có 3 đứa con gái và tôi thay chị Lệ Khanh để lo cho các con của chị mà tôi xem như con ruột của mình. Chúng cũng gọi tôi bằng mẹ mặc dầu tôi nhỏ tuổi hơn chị Lệ Khanh.

Sau khi Việt Cộng chiến Sài-gòn, anh Hải đưa các con về làm rẫy tại Long Khánh gần Trại giam K3 tức Z30D. Tôi cũng đi theo và một hôm lúc tôi đang làm rẫy, thấy anh em tù Sĩ quan cải tạo đi qua rách rưới và đói khát, tôi kiếm tiền mua đường thẻ ném cho anh em chia nhau Tụi Việt Cộng bắt gặp và bắt giam tôi, đánh đập tôi tàn nhẫn rồi nhốt tôi 2 năm tại trại B5 Biên Hòa về tội làm gián điệp cho Mỹ Ngụy.

Bà Kha-Lay-May kể tiếp: "Khi ra khỏi tù, tôi nghĩ phải tìm mọi cách ra khỏi Việt Nam vì sống với Cộng Sản thì các con của chị Lệ Khanh chẳng thể nào có được tương lai. Thế rồi, tôi quyết định dùng bùa ngãi để nói chuyện với Cục Quản Lý Xuất Nhập Cảnh của Cộng Sản tại Sài-gòn. Tôi lấy giấy tờ của chị Lệ Khanh sinh năm 1940 nay đã chết và khai là giấy tờ của tôi. Anh Hải là chồng của chị Lệ Khanh nay trên giấy tờ là chồng của tôi và các con của chị đều là con tôi cả. Tôi lấy Oxy Già để nhuộm vàng tóc của một đứa con gái và Cán bộ Công An ở Sài-gòn đã giúp tôi khai giấy tờ là tôi có chồng tên là Trần Văn Hải, sau đó chồng tôi bỏ mấy mẹ con tôi đi theo người khác nên tôi đi làm sở Mỹ nên quen với một lính Mỹ và có riêng một đứa con gái lai Mỹ.

Rồi sau khi Cộng Sản vào thì chồng tôi trở về lại nên gia đình tôi sum họp và chồng tôi cũng có công giúp tôi nuôi đứa con gái lai Mỹ thành người. Nhờ đó, khi đi phỏng vấn thì cả gia đình anh Hải và tôi đã được xuất cảnh đến San Jose. Chúng tôi nay vào quốc tịch Mỹ và mua nhà tại 2924 Garden Avẹ, San Jose, CA 95111, Tel. (408) 365-8043. Tôi mang ơn Việt Nam và nay tôi hành nghề bùa ngãi để nếu được ai cho đồng nào thì tôi lại mang về giúp đỡ những người nghèo khổ tại Sài-gòn. Ở San Jose, nhiều thầy bùa ngãi người Miên thường ăn tiền để đi thư yếm người khác.

Tôi đã giải bùa cho nhiều người Việt Nam gặp nạn bị thư yếm và tôi đã cứu họ được sống. Tôi giúp cho nhiều người làm ăn thịnh vượng và giúp trị các người bị phong tê thấp liệt tay chân. Những bệnh như thế tôi chỉ đọc lời khấn và vuốt vài cái là họ có thể hết ngay tức thì. Tôi không lấy tiền khi giúp người bệnh. Những ai bị mụn đầy mặt, tôi cũng chữa khỏi ngay và da mặt họ sẽ láng o như da mặt của tôi. Những người đến trị mụn tôi cũng không lấy tiền, tuy nhiên họ có thể cho anh Hải một vài đồng vì anh ấy sát trùng dụng cụ. Những ai mất của, hãy mang theo một đứa bé trai từ 8 tuổi đến 10 tuổi. Ðứa bé đó sẽ nhìn vào bàn tay của tôi và thấy được ai là người đã ăn cắp giống như nhìn lên màn ảnh TV để xem phim vậy.

Việt Báo viết bài nầy như một chuyện lạ để đọc giả tìm hiểu. Giữa thời đại văn minh tại sao có những hiện tượng bùa ngãi lạ lùng nầy. Những ngày kế tiếp sau đó, phái viên Việt Báo bất chợt đến xem một số khách đến xin giải bùa hay xin tìm của bị mất. Một phụ nữ bỏ toàn bộ nữ trang và $30,000 tiền mặt vào trong một chiếc giày ống cao cổ để định mua Mobile Home, nhưng đã bị mất sạch và bị người chồng chửi rủa thậm tệ là lấy tiền cho traị Người vợ được bạn giới thiệu đến xem và đã dắt theo một đứa cháu trai 9 tuổi của bên chồng và không cho đứa bé biết trước chuyện gì.

Khi thằng bé nhìn vào bàn tay phải của bà Kha-Lay-May, nó nói: "Cô ơi, con thấy chú Tám lấy một chiếc giày ở dưới giường ra và thò tay vào trong chiếc giày lấy ra một gói đồ gì đó...và...chú Tám lái xe đem gói đồ đến đưa cho Cô Út".

Người phụ nữ mất của đứng bật dậy như cái lò xo: "Trời ơi, ông chồng tui. thế mà cứ chửi tui hoàị. lấy hết gia sản qua đưa cho em ruột không biết đang tính chuyện gì đây!"

Người phụ nữ mừng rỡ bỏ vào lọ cúng tổ 30 Mỹ-kim và bước ra ngoài. Người phụ nữ xin miễn ghi tên tuổi vì sợ nói ra bỉ mặt người chồng!

Chuyện nghe thật khó tin, nhưng đang có thật trong một đất nước văn minh hiện đại như Hoa Kỳ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro