CHƯƠNG 13: Lễ Hàn Thực.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mồng 3 tháng 3 năm Ân Phúc đời vua Lý An Thành, cả nước cử hành lễ Hàn Thực*. Các phường thi nhau làm bánh Xuân thái* để biếu tặng nhau, bánh Oản* thì dâng lễ Phật.

Năm nay mùa vụ khấm khá, dân chúng trong thành no ấm nên làm lễ long trọng hơn mọi năm. Trời tờ mờ sớm đã thấy người dân từ Kinh thành đổ vào Hoàng thành để chờ được vào cung điện.

Cấm quân được huy động gấp mấy lần thường ngày, kiểm soát kỹ lưỡng lượng người hợp pháp vào cung tham gia lễ bái.

Trời chưa sáng nên sương lạnh bủa vây, An Hy quấn một lớp chăn gấm rất dày, hai tay bưng ly sữa ấm, hắc xì liên tục.

"Hay là em đợi trời rõ nắng rồi hãy vào cung?" Vĩnh Thành thấy em lờ đờ, lo sợ em dính phải hàn khí đổ bệnh.

An Hy quẹt mũi, hít sâu một hơi rồi nói: "Không được, hôm nay có bánh Oản, em muốn vào cung xem nhà bếp làm bánh."

Vĩnh Thành cười cười, vuốt đầu em gái: "Năm nào cũng xem, không chán sao?"

An Hy lắc đầu, phấn chấn uống nhanh ly sữa rồi vội vàng gọi cung nhân mặc thêm quần áo, chải tóc gọn gàng cho mình.

Hai anh em ra khỏi điện Long Đức, hướng về Hoàng cung. Nhìn thấy hàng dài người dân đứng chờ để được vào trong dâng bánh bái Phật, trong lòng hai đứa trẻ vô thức nao nức mong đợi.

Mỗi năm một lần mới được ăn bánh Oản, ai mà không nôn nóng cho được.

Đền Quản Thánh là nơi tổ chức nghi lễ, tượng Phật Đà sáng bóng trên tháp bảo, xung quanh là đèn hoa đăng, lư trầm, hương hoa, quả phẩm đều đang được cung nhân bê lên để các sư sắp xếp.

Sư Chương Hoài đang đứng nói chuyện với Thiền sư Hạc Đề, nhìn thấy cung nhân hộ tống Hoàng thái tử và công chúa, vội vàng cùng Thiền sư khom lưng chào hai vị hoàng thất danh giá này.

"Xin sư đừng đa lễ."

Lý Vĩnh Thành cũng vội cúi người, đưa tay ngụ ý hai vị tăng sư mau mau đứng dậy.

An Hy cũng bắt chước anh, cúi gập người, hai cánh tay quấn quần áo dày cộm, chìa ra phía sau như một con chim non.

"Thiền sư phải dậy sớm, cả ngày bái lễ, hẳn sẽ rất mệt, mong Thiền sư chú ý sức khỏe."

Thiền sư Hạc Đề là vị cao tăng duy nhất trải qua cả 2 đời vua, vầng trán cao sớm đầy nếp nhăn, đôi mắt dần mờ đục ánh lên nét nhân từ độ lượng.

Sư cười nói: "Thái tử bác ái, là hồng phúc của chúng dân."

Sau đó vì gió lạnh, sư Chương Hoài vội vàng gọi người dìu Thiền sư vào trong.

Thiền sư thích được đứng bên ngoài cửa điện để đón những người được vào cung tham gia lễ bái, sư hay nắm tay trò chuyện với dân chúng trong thành. Nhưng năm nay sức khỏe không được tốt nên mọi người khuyên sư nên vào trong đứng đợi thì tốt hơn.

"Thái tử đến gặp Hoàng đế đúng không? Vừa hay Bệ hạ cho gọi Thái úy đến điện Hồ Thiên rồi, người hãy đến đó đi."

Nghe sư Chương Hoài nói thế, Vĩnh Thành gật đầu, xong nhìn qua em gái: "An Hy ngoan ngoãn nghe lời, hôm nay người vào cung rất đông, không được tự ý chạy lung tung đó."

An Hy bĩu môi, chủ động đi đến nắm tay sư Chương Hoài: "Ta muốn tới nhà bếp xem bánh Oản, sư dẫn ta đi được không ạ?"

Hiếm khi công chúa nhờ vả ai đó mà thưa hỏi cẩn thận như vậy, sư Chương Hoài vui vẻ gật đầu với nàng.

Điện Hồ Thiên có lối kiến trúc bát giác, ở phía Nam Hoàng cung, nằm giữa hồ Kim Minh Vạn Tuế, trên mặt hồ đắp đất đá cao ba ngọn, cây cỏ xum xuê sen vàng khắp chốn. Băng qua cầu Vũ Phượng, trên cành liễu già thi thoảng có tiếng chim hót lanh lảnh, giọng sương trĩu nặng rơi xuống đài sen.

Hoàng đế mời trà Thái úy, vừa thổi hơi trà nóng vừa thảo luận vài việc chính sự chưa thông.

"Bạo động Diễn Châu xảy ra hơn nửa năm vẫn chưa có dấu hiệu ngừng, thậm chí một vài kẻ còn xúi giục cả dân ngụ cư tham gia phản loạn, Kim ngô vệ tướng trấn áp theo lệnh trẫm hoàn toàn hợp lý, cớ sao lại gây bất bình trong chúng dân?"

Vì tiết trời dư âm mùa xuân vẫn rất lạnh lẽo, trong lầu các tỏa hương trầm dịu nhẹ, một tách trà ấm bỗng làm lòng người dịu đi rét buốt trong lòng, suy nghĩ bình tĩnh hơn.

"Trị dân không thể mãi dùng vũ lực. Năm xưa triều chính loạn lạc, trong dân nhiều người nảy sinh ý đồ liền bị vua thảo phạt nghiêm cẩn, đấy là nên làm. Nhưng hiện tại nội triều ngoại chính đều bình yên, hình pháp mạnh tay đã không còn phù hợp."

Nói đoạn, Già Khanh thoáng ngước nhìn Hoàng đế, âm sắc trầm thấp như đang đọc một hồi kinh hướng Phật: "Nếu vua quan tâm đến việc thưởng thức văn hóa tinh thần, sẽ hiểu giá trị tinh thần trong nhân dân, cũng như hiểu được lòng dân đang cần gì."

"Văn hóa tinh thần? Trước nay tôn giáo nước ta luôn tự do, triều đình có tín ngưỡng, dân chúng cũng có tôn thờ riêng, trẫm xưa nay không cấm đoán chuyện này, thậm chí còn theo tấu sớ cho xây dựng nhiều đền thờ thiền thất..." Vua khẽ cau mày.

"Nhưng kẻ tội nhân phản động nên xử lý nghiêm minh làm gương cho kẻ khác, không thể vì lòng bác ái mà nhân nhượng." Vua thẳng thừng nói.

Già Khanh không lập tức đáp lời, lâu sau mới nhẹ giọng mà thưa: "Tội nhân sai phạm, trách phạt là đúng, tuy nhiên dùng hình răn xử sẽ làm người thân, đồng hữu của họ phẫn nộ, nghĩ vua dùng quyền áp bức, không nói lý lẽ đã ra tay trừng phạt."

Nói xong còn từ trên bàn đẩy đến trước mặt Lý An Thành xấp giấy thư niêm phong đã được mở ra. Bên trong là thư của Hình bộ gửi đến, báo cáo vụ việc một số người thuộc nhiều nhóm tuổi đã mang gậy gộc xông vào phủ Hình pháp các Châu, tuy bạo loạn nhỏ không đáng kể nhưng số lượng xảy ra nhiều thì tự dưng sẽ trở thành vấn đề lớn.

Diễn Châu là vùng biên giới với nước láng giềng phía Nam, liên tục xảy ra xích mích, dân mình còn chưa an thì sao có thể đoàn kết chống lại tiểu nhân dòm ngó sau lưng đây?

Lý An Thành trầm ngâm chìm vào suy nghĩ rất lâu, đến khi tách trà dần nguội, mới nhìn Thái úy mà nói: "Vậy theo ý khanh, trẫm nên giáo hóa dân chúng hơn là dùng hình pháp trị nhân sao? Chuyện này trẫm nghe đám quan văn nói đến đầy tai rồi, cả khanh còn nói như thế..."

Giọng vua có hơi bực tức. Hoàng đế là binh gia, là người ngấm nhuần tư tưởng binh pháp trị quốc từ bé nên có chút không đề cao tính nhu cương tùy lúc như quan văn.

Chưa kể biến loạn năm xưa cũng vì bộ phận quan văn không chấp nhận Tiên đế truyền ngồi cho Lý An Thành mà nảy sinh mâu thuẫn phản nghịch. Từ đó trong mắt Lý An Thành, quan văn như chuông treo trước hiên, ngày đêm kêu ca nhưng không thể bỏ, vì nếu bỏ, ma quỷ lại vào nhà quấy quá.

"Hiểu lòng chúng dân là ý muốn của Hoàng đế, có phải không?"

Lý An Thành nhất thời ngạc nhiên, không nghĩ Già Khanh sẽ hỏi mình một câu không liên quan đến vấn đề ngài vừa nói. Mi mắt rủ xuống, Lý An Thành nhìn mặt nước yên tĩnh trong tách trà, gương mặt ngài phản quang trong đó, một gương mặt chứa đầy suy tư.

Đó câu nói của Lý An Thành khi mới lên ngôi cửu ngũ, mong được hiểu lòng dân, vì được lòng dân mới được thiên đạo.

"Phụ hoàng, Thái úy đại nhân." Tiếng Vĩnh Thành vang lên, phá vỡ khoảng lặng giữa hai người.

Lý An Thành nhìn con trai, lòng bỗng chốc nhẹ đi: "Vĩnh Thành đến thật đúng lúc, con lại đây, nghe cha hỏi vài thứ."

Vĩnh Thành đến gần, từ tốn ngồi xuống. Chẳng hiểu vì lý do gì, mỗi khi nhìn thấy con trai, Hoàng đế lại có cảm giác an yên mà thoải mái hơn hẳn. Giống như ngài biết rằng mọi sự phiền não tưởng chừng như không thể giải quyết về quốc gia rồi sẽ được hóa giải khi thái tử trưởng thành, cùng ngài gánh vác.

Sự căng thẳng trong đầu dần tan, vua lập tức bắt chuyện với con.

Thái tử nghe xong, hai đầu chân mày nhẹ xoắn, suy nghĩ một chút rồi trả lời: "Thưa phụ Hoàng, dân gian có câu "phú quý sinh lễ nghĩa" dân chúng được ấm no, không lo không phiền, an cư lạc nghiệp thì tự dưng quốc gia cường thịnh, nếu như trong dân vẫn còn hoang mang, chưa tin tưởng quân chủ của mình, thì chuyện thái bình hẳn còn xa vời để nói."

"Hoàng đế là bậc thánh minh, trước khi nghĩ đến mình phải nghĩ đến dân đầu tiên. Phụ hoàng nhiều năm hiềm khích quan văn đã ăn vào tiềm thức nên khó chấp nhận nhu cương song hành, nếu chưa hiểu quan của mình thì sao biết dân cần gì mà khuyên phục ạ?"

Thái tử mới 9 tuổi, cũng được khoảng thời gian kha khá nghiền ngẫm binh thư lẫn văn trị, đương nhiên sẽ có cái nhìn tổng quát hơn. Hoàng đế nghe thế, lòng cũng tự hiểu.

"Xem ra trẫm đã quá cứng nhắc rồi, hỏi sao tam Thái nhất phẩm cứ liên tục đối nghịch với trẫm, vì họ biết nếu ta cứ không bỏ qua hiềm khích năm nào sẽ dễ đẩy quốc gia rơi vào hiểm họa tranh ngôi như xưa."

Làm vua như làm thần của dân, vừa định quốc vừa an ban, vừa là sợi dây kết nối để quan thần phải có cùng ý chí mà giúp dân an cư lạc nghiệp. Nghiệp đế vương là nghiệp lớn, gánh trên vai thăng trầm của bao người sao mà không suy nghĩ kỹ lưỡng được chứ?

Già Khanh thấy Hoàng đế dần thôi cau có, nếp nhăn sâu hoắm giữa mi tâm cũng đã không còn, biết vua suy nghĩ thấu đáo, lòng cũng thầm mừng, khẽ nhìn qua thái tử.

Vĩnh Thành đón nhận ánh mắt khen ngợi từ Thái úy, lòng bỗng thấy tự hào về bản thân vì đã giúp ít được vua cha.

Tầm giờ đầu giờ Thìn, các tăng sư hòa thượng từ các chùa trong kinh thành theo hàng lối đứng từ bậc thềm đền Quản Thánh để nhận lễ vật của dân chúng. Bàn lễ quan trọng đặt bên trong đền, bên ngoài xếp gọn tế phẩm, mỗi người đúng theo số lượng cho phép dâng cúng.

Sau đó Thiền sư Hạc Đề chủ trì buổi lễ, đọc văn tế đàn, cùng các tăng sư và hòa thượng tụng kinh, dân chúng ngồi quỳ quanh điện, chắp tay nhẩm theo lời kinh.

Hoàng đế Lý An Thành là người dâng hương, lòng thành của vua là điểm tiên quyết trong buổi lễ, không để hương bị tắt đột ngột, không để lư đồng bị rơi đổ vỡ.

Bá quan không được tham gia, chỉ nên tự ở nhà mà bày biện cúng lễ, còn nếu tham dự thì không được mặc đồ lòe loẹt, tự tôn phẩm vị của mình. Đến cả Hoàng hậu còn phải mặt trường sam bình thường, không đeo trang sức, làm gương cho kẻ khác.

Nhưng dẫu vậy, vẫn có vài vị phu nhân thích sự diêm dúa, tuy mặc áo tứ điên như dân chúng bình dân nhưng loại vải không phải lụa thì cũng là thổ cẩm tinh xảo, đầu cài trâm vàng, bông tai ngọc bích, tỏ ra thanh cao nhưng chỉ nhận lại ánh mắt khó chịu từ người dân.

An Hy ngồi trong lòng vú nuôi, im lặng nhìn phụ Hoàng dâng hương bái Phật, xong ánh mắt nàng không yên phận, dáo dác nhìn người này người kia. Nhìn đến người ngồi bên cạnh chú ruột Lý Hòa Ngân, thấy cô ta tỏ ra khó chịu vì mùi khói hương, nàng bỗng "hừ" lạnh.

"Sao vậy? Công chúa phải ngồi yên đó." Vú nuôi nhỏ tiếng nói với nàng.

An Hy làm thinh, môi nhỏ chu lên méo xệ, thi thoảng vẫn liếc qua quan sát vị phu nhân đó.

Đến giờ Ngọ, hương tàn lễ kết, dân chúng tham dự được cung nhân mời nước và bánh vừa mới dâng cúng Phật. Trời trưa vào mùa xuân khá mát mẻ, dân chúng còn được Hoàng cung phát quạt nan lá cọ để tránh nắng, ăn xong thì theo hàng lối chỉnh tề rời khỏi Hoàng cung.

Phu nhân nhà Thân vương Lý Hòa Ngân tên Chu Thái Trúc, vì phải gò bó đứng ngoài thềm chung với dân chúng trong thành mà tỏ ra khó chịu, cứ dùng khăn của mình che mũi, lầm bầm gì đó với Hòa Ngân mãi mà chưa thấy chân mày giãn ra.

An Hy được vú nuôi lấy cho một cái bánh Oản làm từ bột lá nếp mà nàng thích nhưng nàng bỗng dưng lắc đầu, kéo áo vú nuôi chỉ vào cái bánh bên cạnh.

Tưởng nàng sẽ cầm ăn, nào ngờ nàng đứng dậy, mang cái bánh đi tới trước mặt vợ chồng Thân vương Lý Hòa Ngân.

"Cho thím nè!"

Hiếm khi thấy An Hy tỏ ra thân thiện với vợ mình, Hòa Ngân bỗng vui ra mặt.

Mấy khi dẫn nàng đến phủ Thân vương chơi, nàng toàn trách xa phu nhân nhà mình, không muốn chơi cùng nên Thân vương có hơi buồn nàng, nay thấy nàng chịu chủ động làm thân, quả là chuyện trăm năm hiếm có.

Chu Thái Trúc cười méo xệ, môi anh đào thoa son đỏ cắn một miếng bánh Oản. Bánh Oản chủ yếu làm từ bột nếp, thỉnh thoảng còn từ bột bắp hoặc khoai phơi khô nên khi ăn rất dễ bị mắc nghẹn.

"Ngon đúng không ạ?"

Thái Trúc có hơi dè chừng nàng, khẽ hé miệng đáp: "Ừm, rất ngon."

"Ở đây còn nhiều, thím nên ăn thêm, ăn nhiều cho miệng mỏi hết phải lèm bèm phiền nhiễu."

Thái Trúc giật mình, câu này An Hy nói khá nhỏ, giống như thì thầm cho hai vợ chồng họ nghe mà thôi. Lý Hòa Ngân nghe nàng nói thế, sắc mặt hết xanh lại đỏ, nín nhịn cơn cười.

Bình thường An Hy rất hay làm mấy trò nghịch ngợm này với phu nhân nhà hắn, vậy mà chốc lát lại quên mất, tưởng trong lễ hội như thế nàng sẽ bỏ qua không trêu ghẹo nữa, nào ngờ...

Thái Trúc sượng mặt "ừm" với nàng, Thượng Hy hài lòng bèn khoanh tay thưa với Lý Hòa Ngân một tiếng rồi chạy về chỗ của mình.

Thái Trúc bị mất mặt nên giận lẫy lườm nguýt Hòa Ngân.

Chẳng biết vì lý do gì, An Hy cứ nhắm vào cô ta, biết là không thích người thím này, nhưng một tí tôn trọng lễ nghĩa hoàng tộc vậy mà lại không có. Không biết Hoàng hậu nuôi dạy kiểu gì, chắc phải chờ đến dịp hội gặp phê bình một trận cho hả dạ.

------

Tết Hàn Thực: lễ hội truyền thống diễn ra vào cuối mùa xuân, ngụ ý tưởng niệm và cầu siêu người đã khuất.

Bánh Xuân Thái: tương tự bánh cuốn ngày nay, rau thái nhỏ trộn với thịt, hoặc bánh chay thì trộn với khoai sắn.

Bánh Oản: tên gọi khác của bánh in.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro