Con đường cây xanh ở Sidney

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đường cây xanh ở Sidney

Haruki Murakami

Tôi đang tưởng tượng rằng bạn đang tưởng tượng đến một con đường cây xanh như chính cái tên của nó, nhưng thực ra đó không phải là con đường xinh đẹp như bạn nghĩ đâu. Điều đầu tiên chính là trên con đường này chẳng có lấy bóng dáng của bất cứ loại cây xanh nào, không có cả bãi cỏ, công viên hay vòi uống nước công cộng nào. Vậy mà tại sao nó lại được gắn với cái tên "con đường cây xanh" hoàn toàn trái ngược như vậy? Nếu như không phải là Chúa chắc bạn sẽ không bao giờ hiểu được, mà cho dù là Chúa thì chưa chắc bạn đã lý giải được.

Thành thật mà nói, con đường cây xanh là con đường u ám nhất ở Sidney. Đó là một con đường chật hẹp, đông đúc, bẩn thỉu, nghèo nàn, luôn bốc lên thứ mùi khó chịu, an ninh kém, lại thêm thời tiết kinh khủng. Mùa hè rất lạnh còn mùa đông lại rất nóng.

"Mùa hè rất lạnh còn mùa đông lại rất nóng" cách nói này có cái gì đó kỳ lạ làm sao. Bởi cho dù thời tiết ở Nam bán cầu và Bắc bán cầu có trái ngược nhau đi chăng nữa thì vẫn tồn tại một vấn đề thực tế là mùa hè thì nóng còn mùa đông thì lạnh. Tóm lại, tất cả người dân Uc đều nghĩ rằng tháng 8 là mùa đông còn tháng 2 là mùa hè. Tuy nhiên tôi lại không thể chấp nhận điều đó một cách đơn giản được. Đó là tôi đang có câu hỏi lớn trong đầu rằng ở Uc "thời tiết thực ra là cái gì vậy?". Nói cách khác, tháng 12 có phải là mùa đông, hay khi trời trở lạnh lúc đó mới là mùa đông?

Nhiều bạn có lẽ sẽ trả lời với tôi rằng : "Đơn giản quá mà, trời lạnh thì chẳng phải đó là mùa đông hay sao?". Nhưng tôi muốn các bạn chờ cho một lát. Nếu ta gọi đó là mùa đông khi trời lạnh thì nhiệt độ ngoài trời phải dưới bao nhiêu độ mới gọi là mùa đông? Nếu ngay chính giữa mùa đông mà lại có vài ngày liên tiếp ấm áp thì ta có nói rằng "trời ấm áp nên gọi đó là mùa xuân" hay không?

Đấy, bạn không biết rồi phải không?

Là tôi thì tôi cũng không biết.

Nhưng tôi cho rằng cái lối suy nghĩ "Mùa đông nhất thiết phải lạnh" là lối suy nghĩ quá phiến diện. Tôi mặc dù muốn phá bỏ những quan niệm cứng nhắc của mọi người xung quanh nhưng vẫn phải gọi mùa đông kéo dài từ tháng 12 đến tháng 2, và gọi mùa hè kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8. Bởi vậy mà mùa đông thì nóng còn mùa hè thì lạnh cắt da.

Chính vì lý do đó mà mọi người thường nghĩ tôi là người điên. Nhưng tôi thì thế nào cũng được. Chúng ta bắt đầu vào câu chuyện về con đường cây xanh ở Sidney thôi.

Con đường cây xanh như tôi đã nói ở trên là con đường bẩn nhất ở Sidney. Nếu nói rộng ra thì nó là con đường bẩn nhất ở Nam bán cầu. Ví dụ như bây giờ đang là giữa trưa tháng 10, tôi đang nhìn xuống ngay chính giữa con đường màu xanh từ cửa sổ văn phòng ở tầng 3.

Tôi sẽ thấy gì nào?

Tôi sẽ thấy rất nhiều thứ.

Một gã lang thang say rượu da cháy nắng thọc một chân xuống rãnh mương và mệt nhoài duỗi người ra đánh giấc ngủ trưa.

Một con nhóc trông có vẻ bặm trợn ăn vận lòe loẹt đang nhét sợi dây xích vào túi quần jean làm phát ra âm thanh sột soạt khi bước trên đường.

Một con mèo bệnh tật trụi lông hết nửa đang sục sạo thùng rác.

Bảy, tám đứa con nít đang dùng senmai xì lốp của hết chiếc xe này đến chiếc xe khác.

Bức tường gạch nhầy nhụa những đống nôn mửa đã chuyển màu xám nghét.

Hầu hết các của hàng đều kéo cửa sắt im ỉm. Mọi người đếu chán ngấy con đường này nên tất cả đều đóng cửa và trốn chạy đến nơi nào đó rồi. Bây giờ thứ vẫn còn hoạt động buôn bán trên con đường này chỉ là tiệm cầm đồ, quán rượu và quán Piza stand của Charlie mà thôi.

Một cô gái trẻ đi giày cao gót ôm chiếc túi xách Enemeru màu đen đang chạy hết tốc lực làm phát ra âm thanh cộp cộp từ đôi giày sắt nhọn. Trông có vẻ như cô ta đang bị ai đó đuổi theo, nhưng chẳng có ai đuổi theo cả.

Hai con chó hoang đi ngang qua nhau ngay chính giữa con đường. Một con đi từ phía Đông về phía Tây, còn con kia lại đi từ phía Tây sang Đông. Khi đi, cả hai con đều cúi gằm mặt xuống đất nên trong khoảnh khắc băng qua nhau chúng đều không ngước mặt lên.

Con đường cây xanh ở Sidney chính là con đường như vậy đó. Tôi lúc nào cũng nghĩ như thế này, nếu như phải tạo ra một lỗ hậu môn vĩ đại ở một nơi nào đó trên trái đất thì chẳng có nơi nào sánh bằng nơi đây- con đường cây xanh ở Sidney.

Việc tôi đặt văn phòng của mình tại con đường cây xanh ở Sidney cũng có lý do của nó. Chẳng phải bởi vì tôi nghèo khổ. Giá thuê nhà ở đây đúng là rẻ thật nhưng tôi hoàn toàn không gặp khó khăn gì về tiền bạc. Chẳng những vậy, tôi còn đang có trong tay một khoảng tiền kha khá. Đủ để tôi có thể mua một lúc mười tòa nhà mười sáu tầng mới xây ở trung tâm thành phố Sidney. Đủ để tôi có thể mua mười lăm chiếc máy bay phản lực chiến đấu loại lớn nhất và mới nhất. Tôi có nhiều tiền đến nỗi chán nhìn thấy chúng thêm nữa. Bố tôi vốn là ông vua của vàng. Bố mất hai năm trước sau khi đã để lại toàn bộ tài sản cho một mình tôi. Tôi không biết phải dùng số tiền đó vào việc gì nên ném tất cả vào ngân hàng, và không tài nào dùng hết số tiền lãi được sinh ra. Thế là một lần nữa tôi lại ném số tiền lãi đó vào ngân hàng, và như vậy tiền lãi lại càng tăng lên. Chỉ nghĩ đến chuyện tiền bạc thôi là tôi đã chán ngấy đến tận cổ rồi.

Lý do tôi đặt văn phòng tại con đường cây xanh ở Sidney chính là chỉ có ở đây, những người thân quen mới không đến thăm được. Những người bạn thân thiết chưa bao giờ đến con đường cây xanh ở Sidney. Vì tất cả mọi người đều rất sợ con đường này. Bởi vậy, những người họ hàng hay gây ầm ĩ của tôi cũng không đến, những người bạn xấc láo cũng không đến, những cô gái chỉ vì tiền cũng không ghé thăm. Luật sư cố vấn cũng không đến để bàn chuyện quản lý tài sản, giám đốc ngân hàng cũng không đến để chào hỏi, những anh chàng kinh doanh xe Roll Royce cũng không đến gõ cửa với một núi tờ rơi quảng cáo xe hơi trên tay.

Điện thoại cũng không có.

Thư từ cũng xé hết vứt vào sọt rác.

Thật sự yên tĩnh.

Tôi mở văn phòng thám tử tư trên con đường cây xanh ở Sidney. Tôi là một thám tử tư. Trên tấm hiệu treo bên ngoài có ghi: " Thám tử tư. Nhận giá rẻ. Chỉ những vụ thú vị".

Trên bảng hiệu, tất cả các chữ cái đều được ghi bằng chữ Hiragana tất nhiên cũng có lý do riêng. Chẳng có bất cứ người nào trên con đường cây xanh ở Sidney biết đọc chữ Kanji cả.

Văn phòng rộng 6 chiếu và bẩn khủng khiếp. Trên tường và trần nhà đều có dính thứ màu vàng kinh khủng. Cánh cửa được lắp vụng về. Khi mở ra phải rất khó nhọc để đóng lại, còn nếu đã đóng lại thì rất khó để mở ra. Trên mặt gương của cánh cửa ghi chữ: "Văn phòng thám tử tư". Trên nắm đấm mở cửa có treo tấm bảng, ở mặt trước và mặt sau ghi "Làm việc" và "Nghỉ". Nếu mặt "Làm việc" được treo ra ngoài nghĩa là lúc đó tôi đang có mặt ở văn phòng. Còn nếu treo mặt "Nghỉ" nghĩa là tôi đã đi ra ngoài. Những lúc không có mặt ở văn phòng là lúc tôi đang ngủ trưa ở phòng bên cạnh hoặc đang ở quán Piza stand uống bia và nói chuyện đời với cô bồi bàn Charlie. Charlie là cô gái nhỏ dễ thương kém tôi vài tuổi, mang nửa dòng máu Trung Quốc. Tôi rất thích Charlie và nghĩ rằng cô ấy chắc cũng thích tôi. Tôi cũng không rõ lắm vì tôi không biết được người khác đang nghĩ gì mà.

- Thám tử tư có kiếm được nhiều tiền không? Charlie hỏi tôi.

- Chẳng kiếm được gì cả. Tôi trả lời. Mà kiếm được tiền chẳng phải là chuyện nó chạy vào túi mình hay sao?

- Anh đúng là con người kỳ lạ đấy. Charlie nói.

Charlie không biết rằng tôi là người có rất nhiều tiền.

Khi tấm bảng "Làm việc" treo ở văn phòng thì đó là lúc tôi đang ngồi trên ghế sofa mềm mại của văn phòng, vừa uống bia vừa nghe đĩa. Tôi rất thích nghe nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc piano. Trong số đó tôi đặc biệt thích tiếng piano của Glenn Gould. Chỉ tính riêng đĩa của Grenn Gould tôi đã có đến 30 đĩa rồi.

Sáng ra, điều đầu tiên tôi làm là cho 6 đĩa vào máy hát tự động đổi bài, và vừa ngồi nghe những bài nhạc của Bach hay Betoven liên tục phát ra, vừa thưởng thức từng ngụm bia. Khi đã chán nghe những bản cổ điển, đôi lúc tôi lại đổi đĩa White Christmas của Bing Crosby. Nghe xong đĩa White Christmas tôi đi ngủ trưa vì không muốn nghe thêm gì nữa.

Charlie lại thích "AC/DC"

Nói là văn phòng thám tử tư nhưng hầu như chẳng có khách nào. Những người sống trên con đường cây xanh ở Sidney này đều không có ý định trả tiền để giải quyết việc gì đó. Hơn nữa, đối với họ vì có quá nhiều chuyện cần phải giải quyết nên so với việc giải quyết từng việc một thì cùng nhau hợp tác xem ra lại tốt hơn nhiều. Dù sao đi nữa, đối với một thám tử tư thì con đường cây xanh ở Sidney không phải là con đường dễ sống.

Nhiều lúc, có vài người chú ý đến câu "Nhận giá rẻ" và đẩy cửa vào nhưng phần lớn đều là những vụ nhàm chán, chí ít đối với tôi là như thế.

Ví dụ như vụ "Vì sao con gà nhà tôi hai ngày chỉ đẻ trứng một lần?" ; "Ai đó cứ lấy cắp bình sữa của nhà tôi vào mỗi sáng, anh hãy bắt tên trộm đó cho tôi!" ; "Bạn tôi chẳng chịu trả lại tiền cho tôi, anh hãy thử nói người đó vài câu được không?"....

Tất cả những yêu cầu vớ vẩn đó tôi đều từ chối hết. Chẳng phải là phải làm như thế sao? Tôi trở thành thám tử tư không phải là để hằng ngày chứng kiến những phiền phức từ con gà, bình sữa hay món tiền vụn vặt từ ai đó đâu. Thứ mà tôi cần chỉ là những vụ việc thú vị như trong phim.

Chẳng hạn như vụ một người quản gia cao khoảng 2m có đôi mắt giả màu xanh lái chiếc Limousine đến và nói với tôi rằng: "Hãy giúp tôi bảo vệ hạt ruby to bằng quả trứng đà điểu của bá tước tiểu thư!"

Nhưng ở Uc làm gì có bá tước tiểu thư. Đừng nói gì đến bá tước, ngay cả tử tước hay nam tước đều không có. Thật là khốn khổ.

Bởi vậy mà ngày nào tôi cũng rảnh. Tôi ngồi cắt móng tay, nghe đĩa nhạc cũ, chăm sóc cẩn thận cây súng lục tự động nặng trĩu hay nói chuyện đời với Charlie ở quán Piza stand để giết thời gian.

- Anh hãy thôi ngay mấy việc ngu ngốc như làm thám tử tư và hãy ổn định cuộc sống đi. Charlie nói. Hay anh làm thợ in ấn xem sao!

Thợ in ấn à? Tôi nghĩ. Cũng không tệ nhỉ. Kết hôn với Charlie và trở thành thợ in ấn cũng không phải là ý tồi.

Nhưng bây giờ tôi đang là thám tử tư cơ mà.

Đó là buổi chiều thứ Sáu. Một người đàn ông bé nhỏ có dáng dấp của một con cừu đẩy cửa bước vào văn phòng. Vùa mới đặt chân vào phòng là anh ta đã thò cổ ra ngoài, kiểm tra xem có ai đi theo sau mình không, rồi mới đóng cửa lại. Cánh cửa thật khó đóng nên tôi phải giúp anh ta cùng đóng.

- Xin chào. Người đàn ông nhỏ bé nói.

- Xin chào. Tôi trả lời. Anh là...

- Cứ gọi tôi là Người cừu. Người cừu đáp.

- A, chào Người cừu. Tôi nói.

- Chào anh, anh là thám tử tư phải không ạ ?

- Vâng, tôi là thám tử tư đây.

Nói xong tôi tắt máy nghe nhạc, cất đĩa Invesion của Glenn Gould vào giá đĩa, dọn dẹp đống bia lon, cất cái kiềm cắt móng tay vào ngăn kéo và mời Người cừu ngồi.

- Tôi đã đi tìm một thám tử tư. Người cừu nói.

- Ra vậy. Tôi gật gù.

- Nhưng tôi không biết phải đi đâu mới tìm được cả.

- Ừm..

- Tôi nói chuyện này cho cô gái làm ở quán Piza stand ở góc đường và cô ấy chỉ tôi tới đây.

- Chắc là Charlie.

- Vậy thì Người cừu, anh hãy kể chuyện của anh đi !

Người cừu mặc bộ trang phục đội lốt cừu. Nói là lốt cừu nhưng lại không phải là chất liệu vải thông thường mà hoàn toàn bằng da cừu thật. Trên bộ đồ đó còn có gắn cả đuôi cừu và sừng cừu nữa. Chỉ có phần tay, chân, mặt là để trống. Trên mắt có đeo một miếng che mặt. Tôi thật sự không hiểu người này mặc bộ đồ như vậy để làm gì. Bây giờ đang giữa mùa thu, ăn mặc như vậy chắc sẽ toát mồ hôi nhiều lắm đây. Vả lại, với bộ dạng này mà đi ra đường thì sẽ bị bọn trẻ trêu chọc mất thôi. Thật chẳng hiểu ra làm sao nữa.

- Nếu thấy nóng anh có thể cởi áo ra và mắc trên giá treo đồ. Tôi nói.

- Không sao, không sao đâu. Người cừu đáp. Tôi quen như thế này rồi.

- Vậy thì Người cừu. Tôi lặp lại một lần nữa. Hãy kể chuyện của anh đi !

- Anh có thể lấy lại tai cho tôi được không ?

- Tai ?

- Đó là cái tai gắn trên trang phục của tôi. Ở ngay đây.

Vừa nói, Người cừu vừa chỉ ngón tay lên bên phải đầu. Lúc đó mắt tôi cũng đưa lên phía trên bên phải, hơi lệch so với mắt của anh ta.

- Cái tai bên này chắc đã bị xé rách mất rồi phải không ?

Chắc hẳn cái tai bên phải của bộ trang phục, hay nói cách khác là cái tai nằm phía bên trái nếu nhìn từ hướng của tôi đã bị xé rách mất. Cái tai bên còn lại vẫn còn nguyên. Đến bây giờ tôi còn chưa biết cừu có đôi tai như thế nào. Tai của cừu bằng phẳng, đâm ngang ra, ve vẩy.

- Bởi vậy tôi mới nhờ anh lấy lại giúp tôi. Người cừu nói.

Tôi lấy giấy bút trên bàn, rồi gõ cộp cộp xuống mặt bàn và hỏi :

- Anh hãy kể chi tiết sự việc cho tôi nghe. Anh bị lấy mất tai khi nào, ai đã lấy nó, và thực ra anh là loại người gì vậy ?

- Tôi bị lấy mất tai ba ngày trước. Người lấy là Tiến sĩ cừu. Còn tôi là Người cừu.

- Cái quái gì vậy ? Tôi nói.

- Xin lỗi, cái gì cơ ạ ?

- Anh có thể kể chi tiết thêm chút nữa được không ? Tiến sĩ cừu ? Tôi hoàn toàn chẳng biết người đó là ai cả.

- Vậy thì tôi sẽ kể cụ thể. Tôi nghĩ chắc anh không biết nhưng trên thế giới này có khoảng 3000 người cừu đang sinh sống. Người cừu có mặt ở cả Alaska, Bolivia, Tanzania, Iceland, ... Đó không phải là một hội kín, không phải là một tổ chức cách mạng và cũng chẳng phải là một đoàn thể tôn giáo nào cả. Không hội họp, không tòa báo. Tóm lại, chúng tôi chỉ là Người cừu. Mong muốn có một cuộc sống hòa bình của Người cừu. Mong muốn suy nghĩ như Người cừu. Mong muốn ăn uống như Người cừu và có gia đình như Người cừu. Chỉ có như thế chúng tôi mới là Người cừu. Anh có hiểu không ?

Chẳng hiểu gì cả nhưng tôi cũng ậm ừ cho qua chuyện.

- Tuy nhiên, có rất nhiều người ghét con đường mà Người cừu đang đi, mà nhân vật tiêu biểu chính là Tiến sĩ cừu. Không ai biết ông ấy tên thật là gì, bao nhiêu tuổi và người nước nào. Cũng không ai biết Tiến sĩ cừu chỉ có một người hay còn có nhiều người khác nữa. Nhưng chắc chắn đó là một người khá già. Và lẽ sống của Tiến sĩ cừu chính là xé tai của Người cừu rồi đem sưu tập chúng.

- Nhưng tại sao ông ta lại làm như vậy ? Tôi hỏi.

- Tiến sĩ cừu rất ghét cuộc sống của Người cừu nên mỗi khi nổi cơn ghen ghét ông ấy lại xé tai của Người cừu và hả hê sung sướng.

- Quả là con người thô lỗ.

- Nhưng tôi có cảm giác ông ấy không phải là người xấu. Chỉ là có chỗ nào đó của Người cừu làm ông ấy chướng mắt nên mới có tính khí như vậy. Cho nên chỉ cần ông ấy trả lại tai cho tôi là được rồi. Tôi chẳng có hận thù gì với ông ấy cả.

- Vậy thì Người cừu ! Tôi sẽ trả lại tai cho anh.

- Cảm ơn anh. Người cừu nói.

- Chi phí là 1000 Yên một ngày. Nếu lấy lại được tai thì phải trả 5000 Yên. Hãy trả lại chi phí của ba ngày !

- Trả trước ?

- Đúng, trả trước. Tôi nói.

Người cừu lôi ra từ túi áo một cái ví có khóa móc và rút ra ba tờ 1000 Yên được xếp cẩn thận để lên bàn với cái mặt trông có vẻ hơi buồn.

Sau khi Người cừu ra về tôi vuốt thẳng vết nhăn của tờ 1000 Yên và cất vào túi. Trên tờ 1000 Yên ấy dính đầy vết bẩn và mồ hôi. Tôi đến cửa hàng Piza stand, gọi món piza cá đối và bia tươi. Một ngày tôi ăn ba miếng piza.

- Cuối cùng thì anh cũng nhận được một vụ rồi nhỉ. Charlie nói.

- Ừ, vậy là bận rồi đây. Tôi vừa ăn miếng piza vừa nói. Anh phải tìm Tiến sĩ cừu thôi.

- Anh chẳng cần phải tìm Tiến sĩ cừu đâu, ông ấy sống ở gần đây mà. Vả lại đôi khi ông ấy còn ghé ăn bánh piza nữa đấy. Charlie nói.

- Vậy ông ấy sống ở đâu ? Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Em chẳng biết chuyện đó đâu, hay anh thử kiểm tra danh bạ điện thoại xem sao. Mà anh chẳng phải là thám tử tư còn gì ?

Tôi nghĩ chắc sẽ chẳng được gì nhưng vẫn thử kiểm tra trong danh bạ điện thoại vần 'C'. Đúng là số điện thoại của tiến sĩ cừu có trong này. Còn có cả số điện thoại của Người cừu nữa chứ. Đúng là đời.

Người cừu (thất nghiệp) 363 9847

Người cừu (quán rượu) 497 2001

Tiến sĩ cừu (thất nghiệp) 202 6374

Tôi lấy sổ ra, ghi lại tên và số điện thoại của Tiến sĩ cừu. Sau đó uống bia và ăn miếng piza còn lại. Vụ này được giải quyết nhanh hơn tôi tưởng.

Nhà của tiến sĩ cừu ở đầu phía tây của con đường cây xanh ở Sidney. Đó là căn nhà làm bằng gạch, hoa hồng đang nở ở vườn trước. Một căn nhà sach sẽ lạ lùng so với con đường cây xanh này. Mặc dù căn nhà ít nhiều trông có vẻ cũ kĩ và rệu rã.

Tôi kiểm tra lại cây súng tự động đang nằm dưới cánh tay, đeo kính đen vào, vừa huýt sáo khúc nhạc của Pagliacci vừa đi thám thính xung quanh căn nhà một vòng. Chẳng có điểm gì kỳ lạ cả. Trong nhà hoàn toàn yên ắng, không có lấy một tiếng động nào. Cửa số treo màn đăng ten màu trắng. Rất yên lặng và tĩnh mịch, tôi không thể nào nghĩ được đây lại là nơi mà một người đi xé tai của Người cừu sinh sống.

Tôi lại vòng về cửa trước. Trên bảng nhà có ghi «Tiến sĩ cừu». Thế thì đúng rồi. Trong hộp thư bưu điện chẳng có gì cả. Chỉ có dán tờ giấy ghi «Từ chối báo, sữa » . Mặc dù đã tìm thấy đúng nhà của Tiến sĩ cừu nhưng tôi không biết đầu tiên mình phải làm gì, chẳng có ý tưởng nào trong đầu cả. Chắc là việc tìm kiếm quá dễ dàng đây mà. Chứ còn gì nữa, đáng lẽ ra việc tìm nhà phải gặp nhiều phiền phức, phải tốn công tốn sức suy luận... đằng này lại đơn giản ngoài sức tưởng tượng, cứ như thể mình chuẩn bị sức lực để quật ngã một anh chàng sumo to béo nhưng rốt cục anh ta lại né được làm mình mất đà và hụt chân vậy, thế nên mình chẳng thể tập trung suy nghĩ được gì cả. Nó làm mình khốn đốn đến nỗi không có gì vận động được trong đầu mình lúc này.

Điều đơn giản nhất lúc này là nhấn chuông cửa, khi Tiến sĩ cừu ra, mình sẽ nói « Xin lỗi, hãy trả lại tai cho Người cừu ! ». Ngoài điều đó ra tôi không thể nghĩ ra điều gì nữa. Và tôi đã làm như vây.

Tôi bấm chuông đến 12 lần. Sau đó chờ ở trước cửa 5 phút. Nhưng vẫn không thấy ai ra cả. Căn nhà lại trở về trạng thái tĩnh lặng của nó. Chỉ có vài con chim sẻ là đang nhảy nhót trên thảm có trong vườn. Lúc tôi định bỏ cuộc và toan quay về thì đột nhiên cánh cửa mở rầm, một ông già to lớn tóc bạc trắng thò đầu ra ngoài. Ông già toát ra một vẻ đáng sợ. Nếu có thể tôi muốn chạy nhanh về nhà, nhưng tôi không thể làm như thế được.

- Này, ồn ào quá đấy ! Ông già mắng. Ngay đúng lúc người ta đang ngủ trưa thì bọn mày lại...

- Ông là Tiến sĩ cừu đúng không ạ ? Tôi hỏi.

- Chẳng phải có tờ giấy dán trên đó rồi sao, mày không biết đọc chữ Kanji à ? Không có báo chí hay sữa gì cả...

- Chữ Kanji thì tôi biết đọc. Tôi cũng không phải là người bán báo hay sữa. Tôi là thám tử tư.

- Thám tử tư hay gì cũng vậy cả thôi. Ở đây chẳng cần dùng đến thám tử tư đâu.

Nói xong, ông già toan đóng cửa thì tôi đã chèn chân mình vào làm gậy cản, cánh cửa đập vào mắt cá chân đau điếng nhưng tôi không thể hiện ra mặt mà im lặng chịu đựng .

- Ông không có việc gì nhưng tôi thì có đấy. Tôi nói.

- Mày có biết không hả ? Tiến sĩ cừu vừa nói dứt câu đã đã dùng mũi giày da đá vào mắt cá chân của tôi. Tôi đau đến độ nghĩ rằng chân mình đã bị vỡ vụn mất rồi, nhưng tôi vẫn chịu đựng.

- Xin hãy bình tĩnh nói chuyện với nhau chút đi. Tôi điềm tĩnh nói.

- Vậy thì hãy xem cái này nhé ! Ông già vừa nói vừa chụp lấy bình hoa đập vào đầu tôi và thế là tất cả đã kết thúc, tấm rèm màu yomogi rớt xuống trước mặt tôi, tôi mất ý thức từ lúc đó.

Tôi mơ mình đang múc nước giếng. Tôi đứng bên thành giếng và múc nước đổ đầy cái thau lớn. Khi cái thau đã đầy nước thì bỗng ở đâu nhảy ra một con cá sấu lớn tiến đến cái thau và vục mặt vào đó uống từng ngụm lớn. Tôi lại múc nước đổ đầy thau, lần này khi cái thau đầy lại có một con cá sấu khác tiến đến, lại vục mặt vào đó uống từng ngụm lớn. Cảnh này cứ lặp đi lặp lại mãi. Tôi đếm tổng cộng có đến 11 con cá sấu. Sau đó tôi tỉnh dậy.

Xung quanh tối đen như mực. Những ngôi sao đã xuất hiện trên bầu trời. Bầu trời buổi tối ở Sidney rất đẹp. Tôi đã nằm bất tỉnh trước nhà của tiến sĩ cừu, xung quanh hoàn toàn im lặng. Ví tiền và cây súng vẫn còn.

Tôi ngồi dậy, phủi rác rưởi dính đầy trên áo quần, cất kính vào túi áo trên ngực. Tôi định thử bấm chuông cửa một lần nữa nhưng cái đầu đau nhức nhối nên thôi, tôi quyết định trước tiên phải rút lui cái đã, hôm nay thế là đủ rồi. Vậy là tôi đã làm việc hơn phần của một ngày rồi. Nghe câu chuyện của Người cừu, nhận tiền ứng trước, tìm tới nhà của thủ phạm, bị đá vào chân, bị đánh vào đầu. Tiếp theo là gì đây ? Tốt hơn là để ngày mai rồi tính.

Tôi ghé qua quán Piza stand, uống bia và để Charlie chăm sóc vết thương giúp.

- Đầu anh sưng lên một cục rồi đây này ! Charlie vừa lấy cái khăn lạnh lau mặt cho tôi vừa nói. Rốt cục là có chuyện gì vậy ?

- Anh bị Tiến sĩ cừu đánh.

- Không thể nào. Charlie đáp

- Thật mà. Anh bấm chuông cửa, tự giới thiệu về mình và bị đập bình hoa vào đầu.

Charlie lặng yên suy nghĩ. Trong lúc đó tôi vừa uống bia vừa xoa đầu.

- Anh đi với em mau! Charlie bảo.

- Nhưng mà đi đâu cơ? Tôi hỏi.

- Đến nhà Tiến sĩ cừu chứ đâu.

Charlie cứ đứng bấm chuông cửa liên tục trước nhà của tiến sĩ cừu đến 26 lần.

- Này, ồn ào quá đấy! Tiến sĩ cừu lại thò đầu ra. Không có báo, sữa hay thám tử tư gì...

- Bác ầm ĩ cái gì vậy? Charlie hét lên.

- Ủa, chẳng phải là Charlie đây sao? Tiến sĩ cừu nói.

- Có phải bác đã đập bình hoa vào đầu người này không? Charlie chỉ về phía tôi và nói.

- À, ừm, biết phải nói thế nào đây nhỉ... Tiến sĩ cừu nói.

- Tại sao bác lại làm chuyện đó. Người này là người yêu của cháu đấy!

Tiến sĩ cừu gãi đầu với bộ mặt khốn khổ.

- Thật xin lỗi vì bác đã không biết. Nếu bác biết thì đã không làm như vậy rồi.

Ngay cả tôi còn không biết nữa là, hóa ra tôi là người yêu của Charlie cơ đấy.

- Thôi, cứ vào nhà đi đã! Nói xong Tiến sĩ cừu mở rộng cánh cửa mời chúng tôi vào.

Tôi cùng Charlie bước vào trong. Tôi gõ mắt cá chân vào cửa để đóng lại nhưng thật sự vẫn chưa chạm tới.

Tiến sĩ cừu dẫn chúng tôi vào phòng khách và đem ra hai ly nước nho ép. Cái ly thủy tinh hơi bẩn nên tôi chỉ uống một nửa, còn Charlie thì chẳng hề để tâm đến mà uống cạn hết cả ly, gặm luôn mấy cục đá trong đó.

- Tôi phải làm gì để xin lỗi cậu đây nhỉ? Tiến sĩ cừu nhìn tôi mà nói. Chắc là đầu cậu còn đau lắm.

Tôi im lặng gật đầu. Bất thình lình đập bình hoa vào đầu người ta mà bây giờ lại nói "đầu còn đau lắm nhỉ" thì chẳng ra gì cả.

- Tại sao mà bác lại đập bình hoa vào đầu người khác như vậy, thật là... Charlie nói.

- Không phải không phải đâu! Gần đây tính khí bác không được tốt, mà lại còn bị mấy người bán báo, bán sữa gây ồn ào nên chỉ cần nhìn thấy mặt ai mà bác không quen là lập tức đánh người đó. Thật là tai hại. Nhưng mà cậu trai trẻ! Tôi đã nói là không đọc báo hay uống sữa gì rồi mà.

- Thì cháu cũng đã nói cháu không phải là người bán báo hay bán sữa gì rồi. Cháu là thám tử tư. Tôi đáp.

- Ra vậy, thám tử tư. Ta quên mất. Tiến sĩ cừu nói.

- Thực ra cháu đến đây là để yêu cầu bác trả lại tai cho người cừu. Có phải ba ngày trước, tại quầy tính tiền của siêu thị, Tiến sĩ cừu đã xé mất tai của Người cừu đúng không ?

- Ừ, đúng là vậy... Tiến sĩ cừu nói.

- Bác hãy trả lại cái tai đó đi! Tôi nói.

- Không được, không được. Tiến sĩ cừu đáp.

- Nhưng cái tai đó là của Người cừu mà !

- Nhưng bây giờ thì nó là của ta rồi.

- Vậy thì không có còn cách nào khác. Nói xong tôi rút cây súng dưới cánh tay ra. Tôi là người khá nóng tính. "Vậy thì tôi sẽ giết ông và lấy lại cái tai đó".

- Từ từ đã nào. Charlie ngăn tôi lại. Anh thật là thiếu suy nghĩ. Charlie nhìn tôi và nói.

- Đúng vậy đấy. Tiến sĩ cừu lên tiếng.

Tôi không thèm quan tâm mà chuẩn bị lên cò súng. Charlie vội ngăn lại, thình lình đá vào mắt cá chân tôi rồi nhanh chóng giựt lấy cây súng trên tay tôi.

- Còn bác nữa! Charlie nhìn về phía Tiến sĩ cừu nói. Tại sao bác không trả lại tai cho Người cừu đi!

- Bác không bao giờ trả lại cái tai đó đâu! Người cừu là kẻ thù của bác. Lần sau mà gặp lại thằng Người cừu đó, bác sẽ lấy nốt cái tai còn lại cho mà xem. Tiến sĩ cừu nói.

- Nhưng tại sao ông lại căm thù Người cừu đến thế. Họ chẳng phải là những người tốt hay sao? Họ chẳng làm gì gây ảnh hưởng đến ông cả. Tôi nói.

- Ta chẳng có lý do gì cả. Đơn giản chỉ là ta ghét chúng thôi. Nhìn thấy bọn chúng trong bộ dạng tồi tàn cứ ngày ngày sống thong dong trông vui vẻ ấy, ta lại càng căm ghét chúng hơn nữa.

- Đấy là bác đang ghét bỏ những thứ mà bác đang ao ước thôi! Charlie bảo.

- Hừ... Cái gì? Tiến sĩ cừu nói.

- Hả? Tôi cũng hỏi.

- Bác thực sự cũng muốn trở thành Người cừu đấy thôi, nhưng lại không muốn chấp nhận điều đó nên ngược lại đâm ra căm ghét họ.

- Vậy à? Tiến sĩ cừu nói với vẻ thán phục. Bác lại không để ý chuyện này.

- Nhưng mà tại sao em lại biết những chuyện như thế? Tôi hỏi Charlie.

- Thế hai người chưa từng đọc qua Freud hay Jung à?

- Chưa. Tiến sĩ cừu đáp.

- Tiếc là anh chưa đọc. Tôi đáp.

- Vậy thì ta chẳng còn thấy ghét Người cừu nữa. Tiến sĩ cừu nói.

- Vậy là mọi chuyện đều đã được giải quyết ổn thỏa rồi nhé !

- Đương nhiên là vậy rồi. Charlie bảo.

- Bây giờ ta mới thấy là ta đã làm điều hết sức xấu xa với Người cừu.

- Hẳn là thế rồi. Tôi nói.

- Dĩ nhiên ! Charlie nói.

- Vậy thì ta phải trả lại tai cho Người cừu đó thôi.

- Đúng vậy đấy bác ạ. Tôi tiếp lời.

- Bậy giờ bác hãy trả lại tai đi! Charlie lên tiếng.

- Nhưng mà nó không còn ở đây nữa. Tiến sĩ cừu nói. Thực ra là ta đã vứt nó đi rồi.

- Vứt đi rồi ? Bác đã vứt đi đâu? Tôi sốt sắng hỏi.

- Không hẳn vậy, nhưng mà...

- Bác nói nhanh lên ! Charlie hét lên.

- Ừ, thực ra ta đã ném cái tai vào trong tủ lạnh ở quán của Charlie. Có lẽ là đã trộn với món xúc xích mất rồi. Tại lúc đó ta đang nóng giận mà.

Không để cho Tiến sĩ cừu nói hết câu, Charlie đã chụp lấy bình hoa thình lình đập vào đầu của Tiến sĩ cừu. Tôi cảm thấy khoái trá làm sao.

Cuối cùng tôi và Charlie đã lấy lại được tai cho Người cừu. Lúc trả lại tai thì cái tai đã bị nhuốm màu trà và dính một ít nước sốt hạt tiêu. Một vị khách nào đó đã gọi món piza xúc xích, trong khoảnh khắc người đó sắp sửa cho miếng piza vào miệng chúng tôi đã ngăn lại kịp thời. Đúng là một thời khắc nguy hiểm. Tôi rửa sách cái tai và phủi đi lớp phomat dính trên đó, còn phần nước sốt hạt tiêu thì không tài nào làm sách được. Người cừu rất vui mừng khi nhận lại được cái tai của mình nhưng khi thấy cái tai có màu trà và dính nước sốt hạt tiêu thì không thể nói được gì mà chỉ thoáng lên một chút thất vọng. Tôi sau đó đã trả lại cho Người cừu 2000 Yên tiền ứng trước, còn Charlie thì lấy kim chỉ may lại cái tai vào bộ trang phục. Người cừu đứng soi mình trước gương, nhảy nhảy hai, ba cái, cái tai trên đầu cứ ve vẩy, ve vẩy. Bây giờ mới thấy mặt anh ta có vẻ vui lên.

Thêm vào kết cục đó, Tiến sĩ cừu đã có thể vui sướng trở thành Người cừu. Ông ấy mỗi ngày đều mặc trang phục của Người cừu và đến quán của Charlie ăn bánh piza. Tiến sĩ cừu hay người cừu bây giờ đang rất hạnh phúc. Có được điều này cũng là nhờ Freud.

Sau khi vụ việc lắng xuống, tôi và Charlie đã đi hẹn hò với nhau. Chúng tôi cùng đi ăn món Trung Quốc rồi xem phim Luchono Visconti, đó là bộ phim đen trắng cũ chiếu ở rạp Down Town. Trong bóng tối của rạp tôi định bụng hôn Charlie nhưng cô ấy đã lấy gót giày cao gót đá vào mắt cá chân của tôi làm tôi đau điếng không nói được lời nào trong 10 phút. 10 phút sau tôi mới lên tiếng :

- Chẳng phải lúc trước em nói anh là người yêu của em sao ?

- Lúc đó là lúc đó. Charlie thản nhiên đáp.

Nhưng tôi dám chắc là Charlie rất thích tôi. Chỉ là những cô gái nhỏ thường có những lúc làm ngược lại mọi thứ. Chắn chắn là thế.

- Xin lỗi nhé ! Tôi nói sau khi bộ phim kết thúc.

- Nếu anh từ bỏ những chuyện ngốc nghếch như thám tử tư, làm một công việc cho ra trò rồi tiết kiệm tiền thì em sẽ suy nghĩ thêm đó ! Charlie nói.

Như đã nói ở trước. Tôi có một khoản tiền tiết kiệm đến nỗi phát chán mỗi khi nhìn thấy chúng. Nhưng Charlie không biết điều này. Và tôi cũng không định cho cô ấy biết.

Tôi rất thích Charlie. Bởi vậy, nếu có trở thành một tay thợ in ấn thì cũng chẳng sao, kết hôn xong chúng tôi sẽ đi du lịch Trung Quốc. Nhưng lúc này, tôi vẫn là một thám tử tư, ngày ngày nằm dài trên ghế sofa trong văn phòng ở con đường cây xanh ở Sidney, chờ khách đến. Trên máy hát vẫn đều đặn phát ra dòng nhạc Brahams do Genn Gould trình diễn.

Nếu gặp phải vấn đề gì, hãy cứ gõ cửa văn phòng của tôi ở con đường cây xanh ở Sidney trước khi là tôi trở thành một tay in ấn. Tôi sẽ tính giá rẻ cho, nhưng tôi cũng sẽ từ chối một số vụ đấy. Tuy nhiên, nếu là một vụ thú vị thì lại khác.

ptd (thử dịch)

nice day!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#day#nice