Dubai: Trung Đông vàng son

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi đặt chân đến Dubai trong trạng thái tê liệt cảm giác sau gần 40 giờ không ngủ với 3 lần chuyển máy bay. Ngồi cùng với tôi trên chuyến xe đêm về trung tâm là Chris - một anh chàng người Ý. Tôi thật ra không hề biết anh ta là người Ý cho đến khi đang thiu thiu ngủ thì choàng thức dậy bởi nghe cái giọng Ý nói tiếng Anh "nặng nghìn tấn" bất thần hét váng lên: "Ui đẹp quá! Chỗ này là chỗ nào thế này?"

Gí mũi vào cửa kính, tôi còn kịp nhìn thấy một mớ những làn đường cao tốc xoắn xuýt đan quấn vào nhau như một đám DNA khổng lồ sáng rực dưới kính hiển vi. Ông lái xe nhăn trán hồi lâu rồi gào lên một từ gì đó. Chris hí hoáy lôi bút ra ghi lại. Tôi căng tai lắng nghe. Cả tôi và Chris đều không ngờ rằng chỉ 10 phút sau khi xe đi vào trung tâm Dubai, cái tên mà ông tài tận tình vắt óc ra nhớ hộ đã nhanh chóng bị quẳng veo vào dĩ vãng.

Bởi chỉ 10 phút sau đó, Dubai hiện ra lộng lẫy và kiêu ngạo như bà chúa kim sa, khinh khỉnh nhìn xuống chúng tôi từ trên những tháp ánh sáng chói lòa như được dát bằng hàng triệu viên kim cương ngũ sắc. Xe đưa chúng tôi lướt đi giữa tầng tầng lớp lớp váy áo lấp lánh, mỗi khúc quanh tối đặc bởi ánh đêm lại bất thần mở ra một miền dải lụa dát sáng. Ở hàng ghế bên, Chris nhoài người khổ sở chĩa ống kính lên trời. Tôi phì cười vì tiếng cậu ta bấm máy choách choách chẳng khác gì tiếng đạp máy khâu.

Vào cái buổi sáng đầu tiên ở Dubai, việc tôi làm khi vừa mở mắt ra là chọn một tour trực thăng để được chiêm ngưỡng thành phố từ trên cao. Giá cho 15 phút bay đắt cóng tay nhưng đó là cách tốt nhất để thu vào tầm mắt một Dubai nổi tiếng điên rồ với những công trình kiến trúc ngạo mạn. Dubai nhiều cái nhất, kể sơ sơ thì có tháp Khalifa cao nhất thế giới, trung tâm mua bán (theme shopping mall) lớn nhất thế giới, hay khu trượt tuyết trong nhà duy nhất trên thế giới tồn tại quanh năm kể cả khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 55oC.

Nhưng có lẽ cái nhất ngang ngược số một mà chỉ có cái kiểu ngạo mạn của Dubai mới có thể nghĩ ra là dự án The World, Palm Jumeirah và 2 quần thể đảo khác. Trong suốt 4 năm, gần một tỷ mét khối đá và cát được đào lên từ đáy biển và phun vòi rồng trùm lên trên vùng san hô ngoài khơi Dubai tạo thành 4 quần thể đảo nhân tạo, lấn biển hàng trăm nghìn mét vuông.

Lượn vòng trên bầu trời Dubai, tôi tận mắt nhìn thấy một thành phố siêu hiện đại mọc lên từ sa mạc cằn cỗi chỉ trong vòng vài thập kỷ. Mà thực ra từ "mọc lên" hoàn toàn không chính xác. Bởi cái sự "mọc" có vẻ chậm rãi và thông thường quá. Với tốc độ phát triển kinh hoàng, nhiều người ví sự xuất hiện của Dubai trên đời giống như thể một mô hình siêu đô thị được người ngoài trái đất thả xuống trên bát ngát cát trắng, qua một đêm bất thần lừng lững chiếm ngự vùng vịnh heo hút với những công trình ngạo ngược lấn biển, chọc thủng mây, ngang nhiên thách thức cả tạo hóa.

  Tình cảm của tôi dành cho Dubai khá phức tạp, vừa yêu vừa ghét vừa nể phục. Thứ nhất, tôi không thể phủ nhận tầm nhìn xa trông rộng của những ông hoàng Dubai, khởi đầu từ việc sau khi thực dân Anh rút lui đã mải miết kiên trì thuyết phục các tiểu vương lân cận hợp sức thành lập một mô hình Hợp chủng quốc để cùng tồn tại. 

Vào những năm 40 ngay giữa thời huy hoàng của ngọc trai, Dubai đã sớm đi trước một bước, nhìn thấy con đường cụt của ngành công nghiệp ngọc trai (pearl industry) và mạnh dạn đầu tư vào thương mại. Vào những năm 60 khi Trung Đông bất ngờ trở nên giàu có tột đỉnh bởi dầu lửa, Dubai cũng nhanh chóng nhận ra sự bế tắc của ngành công nghiệp dầu mỏ (oil industry) và đầu tư mạnh vào du lịch.

Không có kỳ quan thiên nhiên cũng như kỳ quan văn hóa, Dubai tự tạo nên kỳ quan từ bàn tay con người và biến du lịch thành nguồn thu chính của vương quốc trong khi dầu lửa chỉ chiếm 5% thu nhập quốc gia. Ai cũng biết ở Trung Đông việc yêu kính những ông bà hoàng gần như là một nghĩa vụ, nhưng chỉ cần ở Dubai một thời gian, thật dễ dàng nhận thấy tình cảm của người Dubai dành cho Tiểu vương Zayed xuất phát từ sự tôn kính và yêu quý thực lòng.

Vậy vì sao tôi ghét Dubai?

Thứ nhất vì chính cái tên của thành phố vàng son này: "Do – Buy", hiểu theo nghĩa tiếng Anh là: "Mua đi! Sắm đi! Tiêu tiền cho thật nhiều vào!". Tôi ở Dubai đúng vào thời điểm diễn ra Shopping Festival, cũng không phải ngẫu nhiên mà lễ hội này được tổ chức trùng với tuần nghỉ lễ của người láng giềng giàu có Ả Rập Saudi.

Ngồi hút shisha với Abdullah trên cảng Marina, tôi có thể dễ dàng nhận ra những cô gái Saudi nhìn thoáng qua ai cũng màu đen giống hệt nhau nhưng để ý kỹ sẽ thấy họ quàng khăn trùm đầu hiệu Louis Vuitton, áo choàng hijab đen gắn đá quý lấp lánh quét đất để lộ thấp thoáng những đôi xăng đan Jimmy Choo cao ngất ngưởng hàng chục phân. Ở Dubai có vài ngày mà tôi hết hồn phát hiện ra mình ăn mặc khác hẳn, mấy cái váy lòe loẹt đính kim sa nhựa mua ở Ấn Độ len lén chui tọt vào tận đáy vali. Phải mất một chầu ổn định tư tưởng tôi mới quyết định là nhất nhất không để Dubai tha hóa. Buổi tối hôm ấy vào nhà hàng Caramel sang trọng gặp gỡ bạn bè, tôi và Abdullah là hai kẻ duy nhất đi dép xỏ ngón. 

Lý do thứ hai để tôi ghét Dubai là sự xa cách của người bản xứ. Đi giữa Dubai sáng choang, giữa sa mạc mà dường như không dính một hạt bụi, cả thành phố sạch sẽ gần như vô trùng, nhiều lúc tôi không kìm được cảm giác mình đang ở một phòng thí nghiệm xa lạ.
Tầng lớp lãnh đạo Dubai khiến tôi nể phục bởi chiến lược kinh tế bao nhiêu thì làm tôi thất vọng bởi chiến lược con người bấy nhiêu. Người Emirati (thuộc các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) sinh ra đã được chăm bẵm mọi bề, hưởng một cuộc sống giàu sang đến mức thui chột cả tham vọng và hoài bão. Cố gắng học hành lên cao làm gì khi một cái bằng vớ vẩn hoặc một công việc tầm thường cũng có thể lấp đầy tài khoản với cả chục nghìn đô mỗi tháng?

Sự huy hoàng của Dubai được tạo dựng bởi bàn tay của những công nhân từ các quốc gia thế giới thứ ba nghèo đói, và khối óc của các doanh nghiệp trí thức châu Âu. 95% dân số Dubai là người ngoại quốc. Thiếu vắng một độ dày văn hóa gốc rễ và gần như bị đô hộ về mặt trí tuệ (intellectually colonized), tôi nhận thấy Dubai thực ra đang bám vào Hồi giáo như một cứu cánh để xác nhận và tạo lập một danh tính văn hóa bản địa.

Một người bạn trên facebook tâm sự với tôi: "Mai có nhận thấy là Dubai càng phát triển thì càng có nhiều người Emirati ăn mặc đồ truyền thống không? Nhiều lúc tôi có cảm giác việc ăn mặc như vậy, rồi đi đến các thánh đường, hay cách sống tách biệt với xã hội bên ngoài chính là cách để khẳng định sự tồn tại của nhóm người bản địa nhỏ nhoi tại Dubai. Phải thú thực là tôi ghét những người ngoại quốc đến Dubai sống và làm việc. Nhưng chúng tôi cần họ để tồn tại. Hệt như một vị chủ nhà không thể sống nổi nếu thiếu đám khách khứa đông đúc, xa lạ và hạ đẳng đến trú ngụ trong nhà."

Bạn không đọc nhầm đâu! Đúng, từ "hạ đẳng" vừa được dùng đấy. Cái sự kiêu kỳ của người vùng Tiểu vương quốc có lẽ chỉ dưới chiếu láng giềng Ả Rập Saudi. Thậm chí lương bổng ở Dubai như một luật bất thành văn cũng được trả theo quốc tịch: Mỹ và Tây Âu ở bậc trên, mấy nước châu Á phát triển nối đuôi cùng với Đông Âu, gần chót là người Philippines làm việc trong ngành dịch vụ, và đáy cùng là những lao động chân tay người Ấn Độ và Pakistan. Họ oằn lưng trên sa mạc nóng rãy đến mức cả tuần có thể không hề đi tiểu, bị đối xử khá bất công với đồng lương rẻ mạt, bị giữ hộ chiếu và sống trong những khu nhà tồi tệ,... Mặt trái của Dubai vàng son khiến tôi quặn lòng khi nghĩ đến một bộ phận nhỏ những lao động Việt Nam cùng chịu chung số phận. Ba mẹ dạy tôi "đói cho sạch, rách cho thơm". Nhưng "rách" ở cái ao nhà thì còn hy vọng chứ rách rưới ở xứ người thì thật lắm đắng cay.

Và với những ý nghĩ chen lấn nhau như thế, tôi bó gối ngồi yên lặng trên chuyến xe khách chậm rãi tách mình khỏi vầng hào quang trên bầu trời Dubai, khe khẽ chìm vào bóng đêm của vùng sa mạc nối liền thành phố vàng son với một vương quốc ở tận cùng địa đầu của bán đảo Ả Rập: Sultanate Oman.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro