Một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguồn bài viết https://gocnhoannie.com/review-an-elephant-sitting-still-chu-voi-ngoi-yen-tren-dat/
[Review] An Elephant Sitting Still | Chú voi ngồi yên trên đất

Đã không biết bao lần mình chần chừ có nên viết review cho bộ phim này không. Viết được đoạn đầu, rồi lại xóa, rồi viết lại. Ngày này qua tháng khác, những hình ảnh của bộ phim cứ nhập nhòa, lúc ẩn lúc hiện. Bản thân mình khi viết những dòng này cũng phải lấy rất nhiều dũng khí để mường tượng và nhớ lại những cảm xúc cực đoan ấy.
230 phút – 3 tiếng 50 phút, đây có lẽ là bộ phim dài hơi nhất mà mình từng coi. Coi xong, cảm giác như bản thân đã trải qua tất cả đau khổ và bất hạnh trong cuộc đời của 4 nhân vật. Một câu chuyện dài, u ám và lãnh khốc.

Một người đàn ông yêu một cô gái. Cô ta không chịu gặp anh. Anh ngủ với vợ của bạn thân mình. Người bạn kia bước từ từ ra ban công, chầm chậm thở dài, có lẽ định châm một điếu thuốc, hay ngắm chút phong cảnh. Rồi đột ngột, hắn gieo mình qua lan can. Tự sát. Người đàn ông nhìn theo, gương mặt không chút biểu cảm, chỉ chạy đi.


Một cô học trò dan díu với thầy hiệu phó – người thậm chí đã hai thứ tóc, có vợ có con. Cô chán ghét căn nhà tăm tối của mình. Người mẹ say mèm, chẳng đoái hoài đến cô. Cô nói, căn nhà của người thầy khiến cô cảm thấy thoải mái. Người ta đồn đại. Họ đến nhà tìm cô. Gương mặt cô không chút biểu cảm, chỉ lẳng lặng cầm chiếc gậy bóng chày, tiến về gã và người vợ, đập vào gáy.

Một câu học trò. Gương mặt mỏi mệt, cậu bị người cha miệt thị và cay nghiệt. Trót tin thằng bạn thân, cậu nhỡ tay đẩy kẻ ăn hiếp bạn mình xuống cầu thang. Cậu chạy trốn, lang thang trong vô định. “Đến Mãn Châu Lý xem con voi” – cậu nói.

Một ông già và con chó. Con cái không muốn chăm sóc ông nữa. Chúng muốn gửi ông vào viện dưỡng lão. Con chó của ông chết rồi, bị chó của kẻ khác cắn chết.

Xã hội được kể trong Chú voi ngồi yên trên đất là một xã hội, nơi mà sự đồng cảm giữa người với người đã hoàn toàn bị rút cạn. Sự đố kị, ngờ vực, và gây hấn chi phối các mối quan hệ giữa người với người. 4 nhân vật trong bộ phim của Hồ Ba, không một ai tìm được lối thoát cho cuộc đời mình. Họ thờ ơ với hiện thực tàn khốc. Bởi lẽ, khi nỗi đau quá lớn, con người ta sẽ chẳng còn cảm xúc. Họ không làm sai, nhưng cũng không đúng. Tất cả đều cố gắng chống chọi lại số phận nhưng mọi nỗ lực đều bị đánh gục.

“Trong rạp xiếc ở Mãn Châu Lý có một con voi. Suốt cả ngày nó ngồi ở đó. Có lẽ một vài người liên tục đâm nó bằng nĩa. Hoặc có lẽ nó chỉ thích ngồi đó. Rất nhiều người tề tựu xem con voi. Họ cho nó ăn, nhưng nó không để ý.”


Chú voi trong rạp xiếc ở Mãn Châu Lý, thật hay giả, có hay không, chẳng ai biết. Nhưng chí ít, nó cho họ một lý do để rời khỏi cái thị trấn nhỏ bé và bế tắc kia. Họ đứng giữa những ngã rẽ khác nhau, nhưng dường như đều có một điểm chung. Tất cả đều quẩn quanh tìm một tia sáng, một hy vọng.

“Bạn ở đây, và nhìn sang phía bên kia. Cứ ngỡ nếu đến được một nơi mới, mọi chuyện sẽ tốt lên, thành phố bên cạnh sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Nhưng bạn không thể đi, cũng không đi. Và chính vì không đi, mà bạn học cách tồn tại trong cái thế giới vốn dĩ này.”


Cảnh cuối phim, chuyến xe dừng bến nghỉ chân, họ xuống xe, chơi đá cầu. Không có con voi nào ở đây cả. Lần đầu tiên, sau gần 4 tiếng dài dằng dặc, một chuyển động mang hơi thở của sự sống diễn ra. Âm nhạc vang lên, phim khép lại.

Bộ phim này, với mình mà nói là một tuyệt phẩm. Mình chưa từng coi một tác phẩm điện ảnh nào lạ đời nhưng chân thực và cảm động đến vậy. Hồ Ba đã khéo léo lồng ghép số phận nghiệt ngã của 4 con người dưới đáy xã hội lại, tạo nên sự gắn kết tổng thể xuyên suốt toàn bộ phim. Không vội vã, anh chậm rãi kể từng chi tiết trong câu chuyện của mình. Thêm một phút, bớt một giây cũng trở nên thừa thải. Điểm đặc biệt của bộ phim này, có lẽ là góc quay cận cảnh, đặc tả từng cảm xúc và biểu hiện của nhân vật. Có những phân cảnh, dù mờ nhạt, không hiện hữu lồ lộ trước mắt, người coi vẫn cảm nhận được những nỗi đau và biểu cảm của từng nhân vật. Đây là điều mà trước nay mình chưa từng thấy ở bất kì bộ phim điện ảnh nào.

Phim sử dụng thủ pháp kể chuyện đa tuyến song hành, không chỉ chứa đựng sự tuyệt vọng trong từng phân cảnh mà còn bày ra hiện thực u ám, đâm vào nỗi đau tột cùng của mỗi nhân vật. Phần lớn khung hình là màu đen xám. Màu phim buồn, kết hợp với sự dửng dưng của những nhân vật chính, xen lẫn cùng âm thanh inh ỏi của đường phố, tiếng cãi cọ, ồn ào – tất cả tạo thành một bức tranh đối lập, ngột ngạt và tù đọng.




Chú voi ngồi yên trên đất được trích từ tiểu thuyết Huge Crack (2017) của Hồ Ba. Sau khi làm xong bộ phim này, Hồ Ba tự sát. Anh không chờ được đến khi phim công chiếu và thành công vang dội ở LHP Berlin, đoạt giải ở hạng mục FIPRESCI, cũng không đợi đến lúc phim được trao giải Bộ phim xuất sắc nhất, Kịch bản xuất sắc nhất ở LHP Kim Mã. Đây có lẽ là tác phẩm đầu tiên, cũng là tác phẩm cuối cùng của Hồ Ba. Người ta muốn anh cắt phim của mình xuống còn 2 tiếng, nhưng anh cắt vỏn vẹn 10 phút. Tranh cãi gay gắt giữa người làm nghệ thuật và kẻ làm kinh doanh. Chỉ có khán giả sau khi coi thì tiếc nuối cho một tài năng bị vùi lấp quá sớm.

Hồ Ba làm bộ phim này, dường như để chết. Có lẽ chỉ có cái chết mới bảo toàn được giá trị của một bộ phim mộc mạc nhưng đầy tâm huyết mà anh đã tạo nên.

The Hollywood Reporter gọi bộ phim là “Swan song” – khúc hát bi ai của thiên nga trước khi giã từ thế gian. Chú thiên nga kia, trong suốt khoảng thời gian sống không hề cất tiếng hát, gần như nó bị câm. Nhưng trước khi chết, thiên nga lại cất tiếng hát, hát rất hay và da diết.

Có lẽ với Hồ Ba, Chú voi ngồi yên trên đất cũng mang ý nghĩa như vậy.

Đánh giá: 9/10.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro