conluan quyen 3 chuong 1 hoi 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

chương 1 - VẠN VẬT QUY TÀNG - hồi 4

Lương Tiêu rất lấy làm lạ, rồi cùng A Tuyết leo lên. Thì ra trên đỉnh là một khoảng đất trống rộng rãi. Liễu Tình đến trước một nấm mộ trên đó, nói: - Đây này!

Lương Tiêu dừng bước, nhìn nấm mộ, đằng trước dựng một tấm bia đá, trên viết bốn chữ "Huyền Âm di trủng".

Lương Tiêu ngạc nhiên: - Thật ư?

Liễu Tình gật đầu: - Ngôi mộ này là do bần đạo đích thân đắp, đã từ lâu.

Lương Tiêu kinh ngạc: - Vì... vì sao ông ấy mất?

Liễu Tình kể: - Mười lăm năm trước, lúc ấy ta còn chưa bước vào huyền môn, để tránh địch nhân nên đến chân núi Hoa Sơn. Vừa lúc gặp một tốp lính Mông Cổ cưỡi ngựa đuổi giết hai đạo sĩ một già một trẻ. Ta đánh lui bọn Thát, cứu được hai người, tiểu đạo sĩ trúng liền mấy mũi tên, lại còn bị ngựa giẫm nát, lúc ấy đã chết. Đạo nhân già bị thương nặng, cũng không còn ở lại nhân thế bao lâu nữa. Ông sợ truy binh đuổi đến, nên bảo ta đưa ông lên chỗ này, rồi cho ta biết: pháp hiệu của ông là Huyền Âm, vì quân Mông Cổ tiến xuống nam trong lòng phẫn uất, nghe nói có một viên tướng Mông Cổ từ trên núi xuống đi qua, ông bèn dắt đồ đệ xuống hành thích. Nhưng cuối cùng lại bị người Mông Cổ truy sát... - Nói tới đây, bà thở dài.

Lương Tiêu nhìn nấm mộ chơ vơ, rất buồn rầu: "Cha mất rồi, Huyền Âm đạo trưởng cũng qua đời, chẳng phải là trời già chẳng thương ai, không phù hộ cho người tốt hay sao?" Càng nghĩ càng buồn bã.

Liễu Tình thấy gã sầu muộn, bèn nói: - Hồi đó ta đến đây cũng buồn bã lắm. Huyền Âm đạo trưởng tuy đã cận kề cái chết nhưng vẫn an ủi ta. Ta bước vào huyền môn cũng là do lĩnh hội lời răn của người. Người cũng gần như sư phụ ta, đáng tiếc cuối cùng không cứu được người. Ôi, sinh tử chẳng thể biết được, ai có phận nấy rồi, thí chủ cũng đừng đau thương quá.

Lương Tiêu vái ba vái trước nấm mộ. Tế bái xong xuôi, bốn người đi vào trong quán. Quán Huyền Âm lợp gianh, có hai gian không to không bé. Gian đằng trước treo bức vẽ Lão Quân cưỡi trâu, tranh đã nhạt màu, có vẻ lâu đời. Bên trái bên phải có hai gian, đằng sau là thư phòng. A Tuyết và Ách nhi cùng ở một gian, Lương Tiêu nghỉ ở thư phòng.

Ăn xong cơm chay, Lương Tiêu thấy buồn tẻ quá bèn lật sách ra xem, nhận ra rất nhiều bút tích của phụ thân, vừa mừng vừa lạ. Thì ra, khi Văn Tĩnh còn bé rất thường đến quán đọc sách, lại thích viết vẽ trong sách. Lương Tiêu cứ thế xem mãi, đến nửa đêm, lòng bồi hồi không sao ngủ được. Hắn bèn ngồi dậy đi dạo, đi một lát, chợt nghe phía xa có tiếng sáo vẳng đến, giai điệu buồn bã, khiến người ta xúc động tâm tư.

Lương Tiêu cảm xúc trong lòng, liền khoác áo đi ra cửa. Nào ngờ mới bước ra khỏi ngưỡng cửa thì tiếng sáo vụt tắt, chỉ còn gió thổi hiu hiu bên tai. Lương Tiêu đi xuyên rừng tùng, bốn bề vắng ngắt không một bóng người. Hắn đứng trước mộ Huyền Âm, nhớ tới lời vĩnh biệt của mẹ, cái chết thê lương của cha, lòng bỗng bi ai khó tả, lại nhớ tới Liễu Oanh Oanh, càng thấybuồn thảm. Hắn nhớ đến Xuyên tâm thất thức, liền tuốt kiếm còn chưa kịp đâm ra, chợt nhớ tới lời giao ước với Sở Tiên Lưu lại ỉu xìu buông tay. Hắn ngửa mặt nhìn trời, trời đêm man mác, ngàn sao giăng giăng.

Lương Tiêu ngắm màn sao ấy, bỗng nghĩ ra: "Võ công trên thế gian là do con người sáng tạo, Sở Tiên Lưu không cho ta dùng bảy đường kiếm ấy thì ta tự mình sáng chế ra một lộ kiếm pháp mới vậy!" Lương Tiêu bị ý nghĩ ấy kích thích, bỗng phá lên cười ha hả, tức thì, gã múa kiếm như gió, kiếm quang loe lóe, bao nhiêu hờn oán trong lòng hòa nhập vào kiếm, ánh kiếm biến ảo khôn lường, từng chiêu từng thức đều hòa hợp thiên văn chi lý.

Lương Tiêu thỏa sức thi triển lộ kiếm pháp ấy đến nửa canh giờ thì thấm mệt, bèn dừng lại, nghỉ ngơi một lát. Lúc ấy, chợt có người vỗ tay nói: - Hảo kiếm pháp!

Lương Tiêu nhìn ra thì thấy Liễu Tình tay cầm cây trúc tiêu đứng trước mặt mình. Lương Tiêu tra kiếm vào vỏ, cười nói: - Thì ra là tiếng sáo của đạo trưởng! Bà thổi sao mà nghe buồn quá!

Liễu Tình cười nói: - Bần đạo thổi cho vui, không ngờ lại quấy nhiễu giấc mộng của ngươi.

Lương Tiêu cười nói: - Không sao, đằng nào ta cũng không ngủ được. À, ta họ Lương, tên là Tiêu, đạo trưởng có thể gọi là Lương Tiêu hay tiểu tử cũng được, đừng gọi thí chủ, nghe khách khí quá.

Liễu Tình mỉm cười: - Được! Ta mạn phép gọi ngươi là Lương Tiêu vậy! - Ngừng một lát, bà tiếp. - Lộ kiếm pháp vừa rồi của ngươi dường như hàm chứa thiên văn.

Lương Tiêu kinh ngạc: - Đạo trưởng nhãn lực thật tốt.

Liễu Tình cười nói: - Không dám. Chẳng biết ai là người truyền cho ngươi kiếm pháp đó?

Lương Tiêu đáp: - Không ai dạy cả, ta cao hứng nhất thời, tự nhiên nghĩ ra rồi múa vậy thôi.

Liễu Tình kinh ngạc: - Ngươi tự sáng tạo ra lộ kiếm pháp đó à? Ngươi còn ít tuổi mà đã hiểu được cả thiên tượng, sáng tạo ra kiếm pháp mới, thật không đơn giản. Lộ kiếm pháp này múa lên như nước chảy mây trôi, có thể gọi là Thiên Hành kiếm pháp được không?

Lương Tiêu cười: - Đạo trưởng đề cao ta quá. Lộ kiếm pháp này chẳng qua mới sơ sài một hai đường, làm sao xứng với hai chữ "Thiên Hành"?

Liễu Tình tủm tỉm: - Đừng khiêm nhường quá.Kiếm pháp tuyệt đỉnh trên đời đều bắt đầu từ một hai đường sơ sài như thế thôi.

Lương Tiêu ngượng ngùng, nghĩ một chút rồi hỏi: - Tuyệt đỉnh ư? Kiếm pháp của Sở Tiên Lưu có thể coi là tuyệt đỉnh được không?

Liễu Tình mỉm cười: - Ngươi quen ông ấy ư? Chà, nếu nói về kiếm pháp thì Sở Tiên Lưu cũng có thể coi là một nhân vật tuyệt đỉnh đấy.

Lương Tiêu hỏi: - Đạo trưởng đấu kiếm với ông ấy thì ai giỏi hơn?

LIễu Tình phì cười: - Bần đạo chỉ là đom đóm, đâu thể đua sáng với mặt trăng?

Lương Tiêu phản đối: - Việc gì đạo trưởng phải khiêm tốn như vậy! Sở Tiên Lưu có ngoại hiệu là thiên hạ đệ nhị kiếm, vẫn còn nhân vật lợi hại hơn ông ta.

Liễu Tình không đáp, ánh mắt nhìn ra xa, Lương Tiêu nhìn theo ánh mắt bà, chỉ thấy mây trắng phiêu diêu, trăng cong lưỡi liềm, chiếu sáng cả vùng rừng núi.

Một lúc lâu sau, Liễu Tình mới thả nói: - Bây giờ nói về kiếm, chỉ có hai người đáng mặt tông sư. Một là Âu Dương Tử, tông sư về rèn kiếm, người này tính tình quái gở lắm, cứ rèn được một kiếm lại phải hủy một thanh kiếm khác.

Lương Tiêu tò mò: - Kiếm rèn thì đã rèn rồi, hủy làm gì?

Liễu Tình cười: - Âu Dương Tử có nói: chỉ đúc thứ vũ khí nào lợi hại bậc nhất thiên hạ. Nói về kiếm, trong thiên hạ có ba thanh xứng đáng xếp hàng đầu trong vòng mấy chục năm nay và đều là tác phẩm của ông ta. Vì vậy nếu ông ta không thể vượt qua được những thanh kiếm mình rèn lúc trước, quyết không bao giờ rèn nữa, nhưng chỉ cần rèn xong một thanh là sẽ trở thành thiên hạ đệ nhất. Quyết không rèn ra một thanh Thiên hạ đệ nhị kiếm!

Lương Tiêu cười nói: - Nghe hay quá. Nếu gặp được, nhất định tôi sẽ nhờ ông ấy rèn hộ cho một thanh kiếm.

Liễu Tình lắc đầu: - Đáng tiếc Âu Dương Tử đã tuyệt tích giang hồ nhiều năm rồi.

Lương Tiêu nói: - Thế ư, đáng tiếc thật!

Liễu Tình cười nói: - Đừng nản lòng, vạn sự trên đời đều có duyên pháp, nếu đã có duyên thì nhất định sẽ gặp. Còn người kia, thì là đại tông sư về dụng kiếm. Người này văn võ song toàn, uyên bác như người nhà trời, chỉ tiếc cuộc đời lận đận, khi tập văn thì toàn phạm húy, thi nhiều lần mà không đỗ, đành làm một chức sắc nhỏ. Tuy ông ấy thất vọng chán chường như rất nhiệt tâm với thời cuộc, dâng sớ lên triều đình, vạch ra những điều thối nát. Kết quả đã làm giới quyền quý nổi giận, dùng hình phạt khốc liệt khảo đả, lưu đày ba ngàn dặm, gia tư bị tịch thu sạch. Cha mẹ gặp phải điều ô nhục ấy nên theo nhau lâm bệnh qua đời.

Liễu Tình kể xong, buồn bã thở dài, nín lặng một lúc lâu.

Lương Tiêu nghĩ đến thân thế, rất đồng cảm, gật đầu nói: - Người này tuy cũng rỗi hơi, nhưng kể cũng có gan. Có trách thì trách triều đình khốn kiếp chẳng ra làm sao.

Liễu Tình kể tiếp: - Trước năm mười bảy tuổi, ông ta rất tôn sùng lời dạy của thánh hiền, của Nho gia, cứ mở miệng ra là bàn chuyện Khổng Mạnh, hành sự luôn đứng đắn. Nhưng không ngờ sự nhiệt tình ấy lại gặp phải rủi ro. Ông nổi giận, lại quá khích, đột ngột từ phương nam chuyển lên đất bắc này, đứng giữa trời đất cắt tóc mà thề rằng: đời này kiếp này, cho dù trời sụp đất nghiêng, cũng không thèm lo lắng đến chuyện xã tắc giang sơn nữa. Từ đó mai danh ẩn tích. Người này đúng là bậc kỳ tài, là cao thủ lẫy lừng trong vòng sáu bảy mươi năm nay.

Lương Tiêu nghe đến đây, buột miệng khen: . Liễu Tình đạo trưởng, người đó đã là đại tông sư về dụng kiếm thì chắc kiếm pháp của ông nhất định có chỗ độc đáo.

Liễu Tình mỉm cười: - Kể về độc đáo, thì nói một lời khó trọn vẹn lắm. Nhưng ngươi đã ngộ ra được kiếm pháp từ thiên văn thì chắc cũng tinh thông số học, chắc biết nhà Hạ có Liên Sơn, nhà Thương có Quy Tàng, nhà Chu có Chu Dịch. Ba cuốn sách này đều là kỳ thư nghiên cứu những sự vi diệu của vũ trụ. Liên Sơn còn sơ sài, không đáng kể. Chu Dịch tuy được các thánh nhân chỉnh sửa nhiều lần, lưu truyền rộng nhất, nhưng cao siêu đến đâu mà chẳng có sai sót, vô tình đã đánh mất bản sắc tự nhiên... - Nói đến đây, như sực nhớ ra, bà nhíu mày hỏi. - Chà, ta cao hứng nên nói xa xôi quá rồi. Lương Tiêu, ngươi biết lai lịch ba cuốn này chứ?

Lương Tiêu cười nói: - Tôi có nghe qua. Thời thượng cổ, Đại Vũ trị thủy được trời giúp đỡ, có con rồng cõng bức hình nhô lên khỏi Hoàng Hà, có con rùa ngậm cuốn sách trồi lên Lạc Thủy.

Liễu Tình chăm chú nghe, lại hỏi: - Sau đó thế nào?

Lương Tiêu nghe ra bà có ý muốn kiểm tra mình, bèn nghiêm chỉnh nói: - Sau đó, người đời gọi bức hình là Hà Đồ, gọi cuốn sách là Lạc Thư. Đại Vũ dựa vào Hà Đồ và Lạc Thư để vạch rõ giang sơn, nắn sửa các dòng chảy, kiềm chế lũ lụt khắp chín châu, làm cho thiên hạ thái bình. Cuối đời rảnh rỗi, người bèn đem hiểu biết về công việc trị thủy thêm vào Hà Đồ, viết ra một cuốn sách gọi là Liên Sơn. Liên Sơn có nghĩa là nước non liên tiếp, để không quên việc trị thủy.

Liễu Tình cười hỏi: - Nói hay lắm, sao lại ngừng thế?

Lương Tiêu cười đáp: - Thật hổ thẹn, đạo trưởng bắt tại hạ múa rìu qua mắt thợ, tại hạ cũng đành làm mặt dày mà phô diễn vài ba câu. Lại nói trải qua mấy năm nữa, Đại Vũ tuy rất giỏi nhưng cuối cùng hai chân cũng bị ríu vào nhau...

Liễu Tình ngạc nhiên cắt ngang: - Thế nào là hai chân ríu vào nhau?

Lương Tiêu cười đáp: - Đó là cách nói của dân quê nhà tôi, có nghĩa là nhắm mắt xuôi tay.

Liễu Tình nói vẻ nghiêm túc: - Đại Vũ tạo phúc cho dân, khắc phục được tình trạng lũ lụt, là một đại anh hùng tài ba, chúng ta nên tôn trọng người.

Lương Tiêu không tiện đuà nghịch nữa, đành cười nói: - Lại nói đại anh hùng Đại Vũ qua đời rồi, con trai ông là tiểu anh hùng Hạ Khởi lên làm hoàng đế nhà Hạ, đem dâng cuốn Liên Sơn cho thần thư làm căn cứ bói toán để suy luận họa phúc. Sau Hạ Khởi rất nhiều năm bỗng xuất hiện một đại anh hùng khác là Thương Thang, diệt nhà Hạ, lập ra nhà Thương. Liên Sơn rơi vào tay tể tướng Y Doãn nhà Thương. Y Doãn cũng là người thông minh, ông ta dồn tâm sức viết thêm và hiệu đính Liên Sơn, cuối cùng tạo thành cuốn Quy Tàng. Ý nghĩa của quy tàng là "vạn vật trong trời đất đều ẩn sâu bên trong chính nó", Y Doãn hết sức tự hào về cuốn sách này. Vua Thương đời sau cũng dùng nó để đoán định phúc họa.

Nói tới đây, bất giác cảm khái trước thế sự khôn lường, Lương Tiêu buồn buồn nói: - Đáng tiếc, họa hay phúc đều bởi trời, con người không quyết định được. Bất luận Quy Tàng hay đến đâu, qua mấy năm thì triều Thương cũng kết thúc. Lúc ấy thiên hạ li loạn, Thang Trụ Vương lùng sục khắp nơi tróc nã những người chống đối. Y sợ chư hầu nước Chu là Cơ Xương mưu phản, bèn đem giam ông ta ở Dữu Lý, ai ngờ Cơ Xương là người thông minh tuyệt đỉnh, trong thời gian nằm nhà lao, nhàn rỗi quá đâm buồn tẻ, ông nghiên cứu cuốn Quy Tàng, cuối cùng chợt nghĩ ra một ý tưởng tuyệt vời, viết thành bộ sách Chu Dịch cực kỳ nổi tiếng. - Nói tới đây, Lương Tiêu cau mày. - Liễu Tình đạo trưởng, tôi có mấy chỗ không được rõ ràng lắm. Trong ba bộ sách này, nếu xét riêng sự thâm sâu và hoàn chỉnh thì Chu Dịch được thừa nhận là số một, nhưng nghe ý tứ của đạo trưởng thì hình như Chu Dịch không bằng Quy Tàng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#shit113