Chương 11: Tình thế hỗn loạn (P1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Diên Hinh tức giận đập bàn đứng phắt dậy. Thanh Liên ngồi cạnh hơi giật thót, níu gấu áo chị ra hiệu giữ bình tĩnh. Hiện tại họ đang ở bên ngoài, lỡ có ai bắt gặp hành động lỗ mãng vừa rồi thì to chuyện. Nhưng cô trưởng nữ kia lại chẳng để ý đến vẻ lo sợ của em gái mà chỉ chăm chăm vào chủ đề chính. Quỳnh Hoa khẽ chép miệng, dáng vẻ vô tư, tình cảnh này chắc mẫm mọi thứ sẽ khá thú vị đấy!

-Nực cười, lí do đến cả đứa trẻ con cũng nghĩ ra. Chúng muốn dồn ta đến đường cùng đây mà!

-Chuyện đó rõ mười mươi rồi, thiên tài ạ! - Thảo Hân nằm dài trên bàn đá, uể oải. Thật ra cô cũng đang nóng ruột lắm. Biết sao được!

"Làm nhục quốc kì Pháp". Đó là lời biện minh của chúng cho sự kiện tấn công vào cảng Đà Nẵng. Chỉ đơn giản như vậy, ném cái lí do trẻ con ấy vào mặt ta như thể đang xem thường toàn bộ đầu não lẫn người dân ở cái xứ An Nam này. Mà cũng chẳng rõ là chúng đang mỉa mai hay thật sự nghĩ rằng ta sẽ tin đó là một cái cớ chính đáng. Nếu chúng xem việc không nhận quốc thư từ Phú Lãng Sa là hành động "làm nhục quốc kì" thì quốc kì Pháp đã bị làm nhục tự kiếp nào rồi. Từ sau khi vua Gia Long băng hà, sự ưu ái dành cho Phú Lãng Sa cũng dần biến mất, triều đình Huế luôn từ chối quốc thư của tất cả các quốc gia Tây phương. Thế mà khi đó lại không nổi trận lôi đình, đợi tới tận bây giờ mới lấy cái cớ ấy ra lòe, chẳng khác nào lũ trẻ so đo, hạnh họe nhau.

Mà nếu xét trên phương diện ấu trĩ của chúng thì Đại Nam mới là nước bị làm nhục quốc kì. Cứ nhìn mấy chiếc tàu bị Catinat bắn chìm đi là rõ!

-Chuyện này liên quan gì tới chúng ta đâu chứ!

Phương Mai nhún vai, chất giọng mang nặng sự khó chịu. Cô quay gót trở về phủ, khóe môi khẽ lầm bầm không rõ ngữ nghĩa.

-Sao lại không liên quan?

Diên Hinh cau mày bực bội, nhìn cái vẻ kiêu kì đầy châm chọc của Phương Mai khiến cô giận đến cứng người.

-Chả thế? Lao đầu vào chiến sự chỉ tổ nhọc xác, vừa thiệt hại còn chẳng thu lại được gì. Họ đánh ta chứ không đánh nước khác ắt cũng là có lí do cả!

-Học chung tư tưởng với ngài hay gì mà nói được câu dễ nghe vậy? - Thảo Hân ngoảnh mặt nhìn chòng chọc như thể đang dò xét một sinh vật lạ.

Lời vừa rồi của Phương Mai tựa giọt nước cuối cùng làm cả con đê bị vỡ, đẩy mọi cảm xúc tiêu cực của Diên Hinh lên cao đỉnh điểm trong ngày.

-NÓI LẠI XEM?

Như sợi chun bị kéo căng ra, cô sẵn sàng lao tới chỗ Phương Mai bất cứ lúc nào. Thanh Liên hoảng hốt lôi tay chị xuống ghế, xoa lưng trấn an. Quỳnh Hoa ngồi một bên im lặng, thích thú quan sát sự căng thẳng và biểu cảm trên gương mặt từng người. Phương Mai chẳng hề tỏ ra chút e dè, cô hất cằm, giương mắt nhìn về phía chị cả:

-Có sai đâu, không liên quan gì tới tôi! Ai mà chẳng biết người nối ngôi sau này là Phúc Thiện kia chứ. Tôi chả có lợi ích gì trong vụ này. Vấn đề của thái tử, để người tự mà giải quyết!

Thảo Hân đã biết quá rõ tính khí của Phương Mai nên tỏ ra chẳng thèm chấp nhặt, chỉ có Diên Hinh vốn nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc. Thanh Liên tưởng như mình mà buông ra thì chị sẽ lao đến chẳng khác nào một mũi tên kéo căng đã xác định vị trí con mồi.

Quỳnh Hoa xem kịch chán chê, rồi cô tiếp tục câu chuyện với việc quân Pháp - Y Pha Nho dùng hỏa lực xả hàng trăm đại bác lên các đồn khiến ta thiệt hại nặng nề.

Nghe đến đây, Diên Hinh định thốt lên "Sao các đồn không bắn trả?" Nhưng rồi cô im bặt khi nhận ra vấn đề thực sự ở đây: Có lẽ họ đã cố chống cự nhưng lại không thể làm hư hại gì nhiều cho địch.

Theo những gì cô được biết, đại bác của quân ta đạn thì nhiều, súng thì to nhưng quả thực, cả năm chẳng có mấy lần tập bắn. Điều lệnh đặt ra rằng mỗi năm có đúng một lần tập bắn, mỗi lần chỉ bắn ít phát đạn súng tay thôi. Mà đạn đại bác gia dĩ phần lớn là đạn đặc ruột, không nổ, trúng ai người nấy chết chứ không thể gây sát thương cho người kế bên hay khu vực xung quanh.

Như vậy chẳng phải tự quân ta hại chết quân mình hay sao?

Địch tập trung hỏa lực vào các đồn trên Sơn Trà và cửa sông Đà Nẵng. Hôm đó, đồn Đông bị vỡ, sau đó đồn Tây cũng mất. Quân Pháp - Y Pha Nho thừa thời cơ đổ bộ lên bán đảo, lấy luôn đền An Hải và Điện Hải nội nhật ngày một. Chúng chiếm bán đảo làm căn cứ để tiến đến cửa sông Đà Nẵng.

Bởi thế, người ta bảo Đà Nẵng là cổ họng của kinh thành cũng chẳng sai. Nơi này đã trở thành vị trí chiến lược từ rất lâu về trước. Một cảng nước sâu, rộng, chỉ cách Huế tầm dặm trăm cây về hướng Đông Nam, thuyền bè ngoại quốc thường hay cập bến, lại là hải cảng của cả một vùng Nam Ngãi giàu có. Thuyền lớn, tàu to không lọt qua cửa Thuận An nhưng có thể vào Đà Nẵng dễ dàng. Chỉ cần chiếm được liền dư sức tạo ra một áp lực đe dọa thẳng vào kinh thành Huế.

Mặc dù cơ chế phòng thủ nghiêm ngặt: khắp mặt ngó vào cảng đều là đồn lũy kiên cố, bố trí đại bác chĩa nòng xuống nơi tàu bè thường nhổ neo. Cửa sông cũng có hai đồn trấn thủ, xung quanh chiến hào đắp cản, ngăn tàu địch men theo ngọn sông mà tiến vào nội địa. Phía Tây Bắc vịnh, đèo Hải Vân chất vô số đá tảng, đạn gang. Ngoài ra còn hai ngàn quân canh phòng cùng vũ khí nhập ngoại. Nhưng vẫn không thể tránh được kết cục khi gặp phải một kẻ địch lạ lẫm, mạnh hơn nhưng ta thì quá chủ quan.

-Cha, người ổn chứ?

Cô bé độ ngưỡng trăng rằm đặt chén trà lên chiếc bàn đá, lo lắng nhìn cha. Người đàn ông gương mặt nghiêm nghị, ánh mắt mang vẻ xa xăm:

-Ta sắp có một chuyến đi...

-Chuyến đi?

-Phải, một chuyến đi lành ít dữ nhiều! E rằng rất lâu mới về

Hoặc có thể...

Càng về cuối giọng ông càng nhỏ dần rồi im bặt.
Cô bồn chồn nhìn cha, lại nhìn xuống lòng bàn tay đang đổ mồ hôi của mình. Bất giác, ông xoa đầu đứa con gái:

-Giao Ngân(*), trong trường hợp xấu nhất nếu có bất kì điều gì tồi tệ xảy ra, hứa với cha con phải thật mạnh mẽ. Không phải vì ai khác, trước hết để bảo vệ bản thân, sau đó đến em trai con, được chứ?

Một dòng im lặng chợt thoáng qua, đôi vai ông bỗng nhiên run lên khi nghĩ đến tình cảnh sắp tới.

"...ta biết con làm được mà...
Vì con là một "Đà Nẵng"! "

Đó cũng là lời cuối cùng ngài Điện Hải nói với con gái mình trước khi ra trận.

Dù không nhìn thấy cha, nhưng Giao Hân chắc rằng ông cũng đang cố gắng và luôn lo lắng cho hai chị em, chính vì vậy cô biết mình phải trở nên kiên cường hơn, cũng như cha đã tin tưởng cô.

Cuộc chiến này đối với dân Đại Nam chẳng khác nào một ván cược mạng sống, kết quả của nó sẽ quyết định vận mệnh của họ sau này: hoặc thắng lợi, hoặc mất tất cả. Nhưng đối với Pháp, cuộc chơi của hắn chỉ vừa mới khai màn.
______________________________________
(*)Giao Ngân: Tự của Đà Nẵng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro