Chương 1 : Thư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thu đã về, nhuộm ráng chiều vàng rực rỡ khắp ngóc ngách Hà Nội cổ kính.

Năm nay chuyển mùa chậm quá. Như thể thu đã già nên lẩm cẩm trễ hẹn, thời đã cũ vẫn đau đáu hè qua. Như thể người đã cũ nên mải u hoài thương nhớ, chẳng thừa tinh tế ngỡ thu sang.

Người cũ nọ rít một hơi thuốc lào thật dài, mắt đăm đăm nhìn cây bằng lăng đã rộ hoa tím biếc khắp buổi hè bên kia đường lớn rộn ràng đủ thứ thanh đã dần tàn nụ. Gã lạc lõng khỏi phố xá bụi bặm nhộn nhịp, gặm nhấp chút gì lãng mạn mà thu khi về đã kéo sang.

Nhưng mà, hôm nay, thuốc nhạt phèo, đắng ngắt. Chẳng phiêu nổi.

Rõ ràng trí gã chẳng hề vắt trên một dải mây lững lờ nào đang hững hờ trôi giữa trời xanh ngắt kia đâu, vẫn bị cái ồn ã nơi lề đường kéo ghì xuống mặt đất, không cho phép mơ mộng bay bổng. Mà chẳng hiểu sao cứ ngẩn người ra đó. Cứ ngẩn ra vì suy nghĩ cái gì, chứ gã chẳng hề ngơ.

Cốc cà phê đen đã dần thấy đáy. Miệng gã khô khốc vì hút thuốc nhiều, nhưng vẫn không uống cạn nốt ngụm cuối cùng cho thoả.

Ừ thì, cà phê đối với gã là để nhâm nhi thưởng thức, không phải để giải khát.

.

Nghĩ đến đây, Vietnam bừng tỉnh.

Gã lật đật đứng dậy khỏi chiếc ghế trơ trọi trên ban công, lục đục vào phòng.

Gã lại có hứng viết.

___

.

.

.

Lần đầu gã gặp y không lãng mạn làm mấy.

Gã bị bắn ngay bên mạn sườn, máu đỏ tràn ra như suối, thấm thẫm cả chiếc áo xanh rằn ri nhàu nát dính đầy đất cát. Hình như không chỉ đơn thuần là một nhát đạn, bởi vết thương như bị kẻ nào đâm chọc, rạch nát thêm vài đường dao nữa, ruột rách tươm sắp lòi ra ngoài được một vị tân binh đi cùng hộ tống không chuyên môn luống cuống nhét nén ngược trở lại. Cả thân không còn lành lặn, chỗ nào cũng chằng chịt thương tích, gã như mất đi nửa hồn, vừa được đồng đội vớt lên từ cõi chết.

Đau chết đi được, trí óc đã mê man và một mảng da đầu gã dại đi vì đớn cùng. Thế mà gã vẫn đủ tỉnh táo, khi mà nằm trên cáng rồi vẫn uất nghẹn phun ra một câu chửi thề, dẫu giọng khản đặc như vịt đực, ngắt quãng liên tục như thể dây thanh quản của gã sắp đứt tới nơi.

-"Khốn quá. . .Tổ sư, không được. . ."

Chẳng nghe được rõ gã nói gì nữa. Gã được đưa lên giường. Một vị bác sĩ nhanh chóng từ giường bên cạnh chạy đến. Toàn bộ trạm xá đều đang cuống quýt.

Địch phát hiện ra nơi này rồi, mọi người đang vội vã di chuyển đến nơi khác. Khiêng thương binh, xách đồ đạc, mang theo một đống vật quan trọng, tất cả đều yêu cầu phải thật nhanh.

.

.

.

Qua một lúc, có lẽ dây thanh quản của gã sắp không chịu nổi thật, gã dần thều thào, là nói với cậu tân binh kia. Mắt gã dại đi, đờ đẫn.

- ''. . .Đứt cả rồi. . .Bỏ lại tao đi."

Gã không đùa, cáng không thăng bằng, cơ thể vô lực như bị xóc nảy theo từng nhịp chạy vội vã. Ruột ứa máu đã bị nén một cách không kĩ thuật vào trước đó giờ như muốn phòi ra. Chất lỏng đỏ tươi lại ồ ạt.

Người chiến sĩ kia không đáp lời, từ đầu đến cuối không hé nửa răng, chỉ cùng một vị y tá nữa đang cầm máu cho gã, khiêng cáng đến nơi an toàn.

Rừng xanh rậm rạp không che được nắng gắt gao. Nắng chiếu lên gã qua từng kẽ lá, khiến người gã nóng ran, khiến vết thương hoắm sâu như bị châm chích.

-". . .Không được đâu, nói thật đấy. Ruột xóc cả lên rồi. . .Mày ơi, đằng nào cũng không cứu được tao. Mau xéo đi. . ."

Giờ thì gã chỉ có thể mấp máy. Chẳng ai nghe thấy.

Rồi thì tai gã ù đi, mắt mờ mịt. Không còn xác định được chuyện gì đang xảy ra nữa.

Miệng gã khô không khốc, đắng ngắt, và hình như còn có cả vị tanh nồng nặc của máu khi gã phải nén đau đã cắn trúng lưỡi, như thể gã đã nuốt vào bụng một đống cát vị cà phê.

Gã tự dưng liên tưởng kì quặc như thế khi cảm thấy mình sắp hẹo đến nơi. Rồi gã nhận được một xúc cảm lạ lùng từ dưới bụng truyền lên.

Lạnh ngắt.

Có thể là một bàn tay lạ hoắc muốn moi tạng gã chăng? Hay là thứ dao kéo sắc lẹm lạnh ngắt ở bệnh xá mà gã từng được thử qua vài lần?

.

.

.

___

Vietnam đã tỉnh dậy từ bao giờ.

Chắc gã đã hôn mê mấy ngày dài đẵng, bởi trước mắt gã lại là một bệnh xá xa lạ. Trong hoàn cảnh bom rơi như chơi, hiểm nguy tràn ngập này, việc di chuyển từ bệnh xá này sang bệnh xá khác không phải đơn giản.

Có thể là gã thương nặng quá nên được chuyển đến đây chăng?

Vietnam không nghĩ được như thế, gã chỉ quan tâm đến vết thương dưới bụng vẫn nhức nhối.

Vẫn còn cảm giác, gã vẫn chưa tàn tật. Vẫn có thể cầm súng chiến đấu. Thật may.

.

.

.

-"Tên anh là Cuba hả?"

Vietnam tuỳ tiện nhìn vị bác sĩ cặm cụi thay băng cho mình, buột miệng hỏi.

Phải rồi, một câu hỏi lơi. Hỏi dù biết rõ câu trả lời. Hỏi mà không cần trả lời. Hỏi chỉ cần đáp, để mở đầu một câu chuyện khác.

Gã không thiện cảm mấy với những người phương Tây. Thanh niên trước mặt đây không phải đồng hương của gã, trông lại giống hệt như miêu tả một đồng chí mà Soviet trong một lần nói chuyện của hai kẻ say khướt đã kể cho gã nghe.

- ''Là tôi.''

Y bập bẹ thứ tiếng chẳng phải cha sinh mẹ đẻ đã biết. Giọng lơ lớ đúng chất nước ngoài, nhưng suy cho cùng vẫn dễ nghe hơn nhiều so với tụi Mỹ, và cả bọn nguỵ khi cố bắt chước chất thanh y hệt để trông cho thật 'Tây', thật ra dáng 'nửa nạc nửa mỡ'.

Gã cũng không muốn làm khổ vị bác sĩ này bởi anh ta chưa sõi tiếng Việt. Nhưng biết làm sao được, gã đâu có biết bắn tiếng Tây Ban Nha, giờ lại quá đau mồm để nói tiếng Nga.

- ''Bao lâu nữa thì tôi có thể ra khỏi chỗ này đây?''

Thấy Cuba không định chủ động nói cho gã biết thể trạng hiện tại của bản thân, Vietnam đi trực tiếp vào vấn đề, đầy khó chịu và cục cằn. Gã dường như rất vội, vội đi chiến đấu.

Y thoáng mở miệng, lại ngẫm nghĩ gì đó, như đang tìm từ phù hợp hay sắp xếp lại câu định nói. Rồi y nuốt ngược lời sắp thốt vào trong.

- ''Cậu ổn rồi. Nhưng phải chờ, một tuần nữa cũng chưa đủ.''

Y muốn bảo thẳng rằng gã vội đéo gì. Rách ruột, lòng suýt nát, đầu va đập mạnh, chân có dấu hiệu bong gân nhiều tới nỗi sắp gây biến chứng và ti tỉ vết thương khác nữa thiếu chút nữa đưa gã xuống mồ tới nơi mà gã hấp tấp mả mẹ không biết.

Nhưng y biết gã hốt như thế cũng chẳng sai với gã hay với ai. Không ai có quyền ngăn ai cống hiến và đấu tranh cho đất nước của họ. Y không có quyền dạy bảo gã rằng phải quan tâm mạng sống của chính mình thay vì ra chiến trường, bởi nếu vậy thì y có giải phóng đất nước hộ gã đâu, có làm được gì ngoài sân si và kênh kiệu đâu?

Y tự suy diễn như thế, tự trách lòng, rồi tự thẹn với đạo đức nghề nghiệp và cả lương tâm khi có những suy nghĩ buồn cười và thật nhảm nhí. Mọi chuyện diễn ra âm thầm như một cơn siêu bão trong suy nghĩ của y, chóng vánh khi toàn bộ quá trình còn chưa đến phút rưỡi.

Rồi hai người trầm mặc. Đúng hơn là chỉ có gã, bởi y sau đó đã rời đi khi có một thương binh khác được đưa đến trong tình trạng sống dở chết dở, cần được phẫu thuật gấp.

Vietnam nằm im thít. Gã rờ đến mảng da thịt từng đỏ hỏn trơ trọi ộc máu xối xả giờ đây được băng bó bằng vải trắng bóc.

Nhói.

___

Bàn gỗ cũ kĩ với chồng sách rách nát phủ một lớp bụi mỏng nằm lộn xộn trên góc và giấy viết rải khắp xung quanh nổi bật lên trong căn phòng trống vắng. Căn gác xép này chẳng có gì ngoài nó và một tủ sách rỗng tuếch sót lại vài cuốn sổ rách rưới cùng một số bức thư tàn tạ lem nhem bẩn. Nắng ấm chiếu vào qua ô của sổ nhỏ xíu làm bốc lên hương gỗ thoảng ngọt và nhẹ nhàng lâng lâng trong không khí, khiến không gian dễ chịu lạ lùng.

Vietnam cầm một cây bút mực toẽ ngòi nghiến từng nét đậm trên giấy trắng phau. Gã viết những nét như gà bới thóc, châu chấu múa càng. Gã viết lia lịa, tay kia cầm điếu thuốc lá cháy dở lơ lửng trên chiếc gạt tàn đầy ứ, mắt ánh lên những tia rối bời.

Dưới chân gã, trong hộc bàn, trên sàn nhà đầy những cục giấy vo viên, trái ngược hoàn toàn với đống bản thảo ngay ngắn bên đèn bàn. Nhưng chữ trên đó cũng xấu quắc. Gã vội viết cho ai? Cho độc giả, hay chỉ cho một kẻ hiểu được những nét nguệch ngoạc kia, hiểu được cả lòng gã?

Và trên tủ sách toang hoang kia, gió lùa vào từ ô cửa sổ mở hé làm rơi xuống một lá thư lấm tấm bụi bẩn, giấy trắng đã ngả vàng từ lâu.

Chữ viết trên đó nắn nót. Không. Là do người cầm bút chữ đã đẹp sẵn, nên những nét bút trông khoáng đạt và tự nhiên vô cùng. Trông dịu dàng và bay bổng, không phải tỉ mỉ chau chuốt, là tự viết khi hồn thả lâng thôi.

"Hồi thư em".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro