Tiêu đề phần

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những năm 1930-1945 khi Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng,... là những vì sao chói lọi, nổi bật trên bầu trời văn học thì Nam Cao xuất hiện. Nhà văn trẻ tuổi ấy sau biết bao cây bút nổi tiếng không bị chìm lấp đi, lại trở thành tác giả tiêu biểu xuất sắc của dòng văn mang khuynh hướng hiện thực phê phán này. Trong những đóng góp mang tầm khái quát thời đại của ông, không thể không nhắc đến việc xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo ở truyện ngắn cùng tên. Với hình tượng Chí Phèo, Nam Cao đã thể hiện một cái nhìn nhân đạo mới mẻ, độc đáo, có chiều sâu về thân phận của người nông dân trước cách mạng: Sinh ra là người nhưng lại bị cự tuyệt quyền làm người.
Từ tuổi thơ "bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ" đến tuổi thanh niên "làm canh điền cho ông Lý Kiến", Chí Phèo sống cuộc sống lao động cực khổ của người cố nông ở nông thôn. Quãng đời lương thiện ấy chấm dứt hoàn toàn khi Chí bị lão Lý Kiến cho giải lên huyện rồi ở tù
Sau 7,8 năm biệt tích trở về, Chí đã hoàn toàn thay đổi. Hắn trở nên xa lạ với dân làng Vũ Đại và cũng xa lạ với bản thân hắn. Hắn không còn là người nông dân lao động bình dị nữa, mà là phần tử bị loại ra khỏi xã hội loài người. Dù vậy, hình tượng Chí Phèo cũng không phải ngẫu nhiên, cá biệt. Xã hội thực dân phong kiến trước đâu không hiếm những trường hợp người lao động bị đè nén bóc lột đến cùng cực đã quay sang trống trả bằng con đường lưu manh. Bá Kiến đẩy Chí vào nhà tù thực dân- cái nhà tù bắt giam người ta lúc lương thiện và thả ra khi trở thành hung ác- đã giết chết phần người của Chí, biến Chí thành Chí Phèo - một người nông dân hiền lành thành con thú dữ.
Song, trong sâu thẳm con thú dữ ấy là khát khai được công nhận làm người. Mở đầu truyện, tác giả miêu tả hình ảnh Chí Phèo say rượu khật khưỡng, vừa đi vừa chửi. Phải chẳng đằng sau tiếng chửi ấy là sự vật vã tuyệt vọng của một con người thèm khát được giao tiếp với đồng loại mà không thể. Trong cơn say đến mất cả lí trí, con người khốn khổ ấy vẫn cảm nhận được thấm thía thân phận mình : thân phận cô đơn khủng khiếp của một con người đã bị xã hội dứt khoát cự tuyệt. Hắn thèm được người ta chửi, vì dẫu sao chửi cũng là một hình thức giao tiếp, người ta chửi hăn là còn thừa nhận hắn là người. Nhưng hắn cứ chửi xong, xung quanh lại là "sự im lặng đáng sợ". Chí Phèo vẫn chỉ một mình trong thế giới cô đơn của riêng hắn "cứ chửi rồi lại nghe", " chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu". Hắn như một con vật lạ, ai thèm nói chuyện với con vật?
Chí Phèo ngày càng chìm sâu vào vũng bùn tăm tối - một cuộc sống không linh hồn, mất hết ý niệm về thời gian, không biết mình bao nhiêu tuổi, không biết cuộc đời mình đã trải qua bao nhiêu năm rồi, cũng không ý thức được hành động tội lỗi của minhd, chỉ triền miên trong cơn say, cơn say nọ tràn sang cơn say kia, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say.
Cuộc đời Chí tưởng như cứ chết dần chết mòn trong sự ruồng bỏ của nhân loại, trong tội lỗi thì sự gặp gỡ với Thị Nở- một người đàn bà ngớ ngẩn, ế chồng, xấu đến ma chê quỷ hờn như một chiếc phao nhỏ mong manh cứu vớt cuộc đời Chí, là cầu nối giữa Chí và loài người. Sự xuất hiện của Thị Nở cùng bát cháo hành đã phục sinh tính cách và tâm hồn hắn. Chí khao khát hoàn lương, khao khát mãnh liệt "trời ơi!hắn thèm lương thiện. Hắn muốn làm hoà cùng mọi người biết bao!" " Thị Nở có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng.....của những người lương thiện". Điều đó đã có lúc khiến Chí Phèo hồi hộp hi vọng. Nhưng ngững giây phút được yêu của CP-TN thật ngắn ngủi, họ dắt tay nhau tới ngưỡng cửa cuộc đời rồi bị từ chối phũ phàng bởi định kiến xã hội mà bà cô Thị Nở là đại diện, đã tuyên bố thẳng thừng "Ai lại đi lấy cái thằng Chí Phèo". Nhận ra mọi nẻo đường trở lại xã hội loài người bị chặn đứng, trong cơn tuyệt vọng, Hắn lấy rượu ra uống, nhưng càng uống càng tỉnh, hơi cháo hành cứ thoang thoảng, nhắc hắn về những ngày được sống như mộy con người. Hương vị tình yêu ấy cứ ám ảnh, dày vò Chí. Hắn "ôm mặt khóc rưng rức" vì nuối tiếc, vì bất lực, những giọt nước mắt chứng tỏ nhân tính đã trở về trọn vẹn bên trong con người hắn. Đó là giá trị tố cáo xã hội phong kiến đẩy người dân lương thiện vào con đường không lối thoát, không cho họ quay lại kiếp sống hoàn lương.
Chí Phèo xách dao đến nhà Bá Kiến sau khi uống rất nhiều rượu. Hành động của Chí lúc này được tác giả khắc hoạ rất rõ nét: lúc đầu Chí định đến nhà Thị Nở, nhưng bước chân lại đưa hắn đến nhà Bá Kiến - chệch đường nhưng đúng hướnh. Có lẽ, trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí mới nhận ra và thấm thía hơn tội ác kẻ đã cướp đi của hắn bộ mặt và linh hồn. Vừa đau đớn, vừa căm giận, Chí dõng dạc đòi lại cái quý nhất của đời mình Vị Bá Kiến cướp mất : "tao muốn làm người lương thiện"
"Ai cho tao lương thiện?" là lời tố cáo BK - kẻ đã đẻ ra con quỷ dữ làng Vũ Đại. "Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này?" là ám chỉ những định kiến xã hội tàn ác đã chặn đứng khát vọng được quay về với cộng đồng của CP. Cuối cùng, hắn đã đâm chết BK, sau đó tự kết liễu cuộc đời mình. Đây là một hành động lấy máu rửa hận, dự báo mâu thuẫn giữa hai tầng lớp nông dân và địa chủ đã trở nên vô cùng gay gắt, đến lúc nào đó phải được giải quyết, kẻ ác phải bị trừng trị. Bá Kiến chết đi là mong muốn kết thúc một chế độ đen tối, bất công. Chí Phèo chết đi là cách duy nhất Nam Cao hoá kiếp cho loài người đau khổ,  chỉ có cái chết mới giải thoát được cho họ. Cái nhìn của Nam Cao tuy hơi cực đoan, bế tắc song nó hợp với logic của truyện ngắn. Khi cái xấu xa đã ăn sâu vào tính cách, phẩm chất của con người thì không có cách nào thay đổi được. Tìm đến cái chết, nghĩa là Chí Phèo đang tìm đến cuộc sống thực sự. Cái chết bi thảm ấy là lời kết tội đanh thép xã hội vô nhân đaoj, là tiếng kêu cứu quyền làm người, cũng là tiếng gọi thảm thiết cấp bách của nhà  văn: Hãy cứu lấy con người, hãy yêu thương con người
Thông qua truyện ngắn, nhà văn đã mang đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Tác phẩm đã lên án, tố cáo tội ác của chế độ thực dân nửa phong kiến đã đàn áp, bóc lột nhân dân lao động. Qua đó Nam Cao đồng cảm với những nỗi khổ đau, bị đày đó và lăng nhục của người nông dân, khẳng định tình thương cứu rỗi con người, khẳng định bản chất lương thiện, bên vững của họ ngay cả khi bị vùi dập méo mó cả nhân hình lẫn nhân tính.
Chí Phèo là một kiệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc người đọc rút ra từ những trang sách. Bởi vậy, Nam Cao từng nói "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ ngoài kia thoát ra từ những kiếp lầm than". Gần một thế kỉ qua, giá trị nghệ thuật ấy và tư tưởng của tác phẩm, đã chứng minh sức trường tồn mạnh mẽ qua thời gian

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro