cú vọ và đàn bồ câu 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 11
Toà tuyên phạt Andrew Ball, không có nơi ở cố định ba tháng tù giam về tội xâm phạm nhà tư. O'Connor ngồi kín đáo trong phòng xét xử theo dõi. Nghe thấy tuyên án xong, ông ta vội vã đi tìm một trạm điện thoại để gọi về báo tin:

- Cảnh sát không tìm thấy gì trong người hắn. Lúc ấy chúng tôi đã chờ khá, lâu sau mới đánh động để hắn bỏ chạy. Xem chừng thằng cha là người của nhóm Greko, và thuộc loại chuyên được dùng vào kiểu những công việc như thế này. Đầu óc hắn không sáng láng gì, nhưng được cái tận tụy.

- Và hắn chịu nhận bản án ấy, ngoan như một con cừu non chứ gì? - Đầu dây đằng kia Đại tá Pikeaway nhếch mép cười chê bai.

- Vâng, đúng thế. Y hệt thái độ của một cậu học trò ngu xuẩn bị dồn vào ngõ cụt. Họ không hề gắn hắn ta vào "chiến công", đúng với nghĩa chiến công.

- Vậy là hắn ta không phát hiện ra được thứ gì? Cả cậu nữa, cậu cũng không tìm ra được thêm điều gì hay sao?.. Nếu vậy có nghĩa chúng ta lầm, thằng cha phi công Bob Rawlinson không hề nhét vật đó vào trong số hành lý của bà chị. Cậu nghĩ sao?

- Các nhóm khác hình như đều tin là Bob có nhét...

- Bọn chúng làm lộ liễu quá! Hay chúng cố tình làm thế để đánh lạc hướng chúng ta?

- Theo Đại tá thì ngoài khả năng này, còn có khả năng nào khác nữa không?

- Có chứ, nhiều là đằng khác. Vật đó rất có thể vẫn còn ở Ramat, và được giấu trong một chỗ nào đó bên trong khách sạn Ritz. Một khả năng nữa: Bob Rawlinson đã giao phó nó cho một người khác, trước khi anh ta ra sân bay. Hoặc khả năng mà lão Robinson đã phỏng đoán: một phụ nữ khác đã đoạt lấy thứ đó. Khả năng cuối cùng là thứ đó quả thật nằm trong số hành lý của bà Joan Sutcliffe, nhưng do bà ta không biết nên đã vô tình quăng xuống biển cùng với một vật nào đó mà bà ta không cần đến nữa... Nếu khả năng này là sự thật thì chính lại là hay nhất cho tất cả mọi người đấy.

- Nhưng đây là một tài sản cực lớn.

- Vậy ra cậu cho rằng cuộc sống của con người là nhỏ hay sao?

Chương 12
Thư của Julia Upjohn gởi cho mẹ.

Con đã vào học nội trú trong trường Meadowbank. Con chơi thân với một đứa cũng mới vào học, tên là Jennifer. Hai đứa rât hay đánh quần vợt với nhau. Nó gặp đôi chút khó khăn, vì cây vợt của nó, như nó kể cho con nghe, đã một lần bị rơi xuống biển, may mà vớt lên được. Nó còn kể là hồi nó nghỉ dưỡng bệnh ở Ramat, nó suýt được nhìn thấy một cuộc đảo chính. Đúng lúc cuộc đảo chính sắp nổ ra thì nó và mẹ nó bị người ta bốc đến sứ quán, chở bằng máy bay rồi bằng tàu biển về nước Anh.

Bà hiệu trưởng Bulstrode, bề ngoài trông lành hiền, nhưng rất ác. Bọn con đặt cho bà ta biệt hiệu là Bò Tót. Cô Rich dạy văn thì khủng khiếp: mỗi khi cô trích đọc một đoạn trong bi kịch của Shakespeare, thì tất cả bọn con run lên cầm cập, chỉ trừ mỗi con Jennifer, nó là đứa quá từng trải rồi mà.

Môn riêng Pháp thì cô Blanche dạy, tính cô luộm thuộm lắm. Đáng ghét nhất là cô giáo thể dục, tên là cô Springer. Cô ấy tóc hung và lại hôi nách nữa chứ. Hôm nào trời nóng thì bốc mùi kinh khủng.

Bà Chadwick dạy toán. Bà ấy rất vui tính và dễ dãi. Môn lịch sử và tiếng Đức được giao cho cô Vansittart, cô này gần như một thứ hiệu phó của bà hiệu trưởng Butstrode.

Trường có rất nhiều học sinh nước ngoài, trong đó có hai đứa Italia, một con Đức, một đứa Thuỵ Điển, và đặc biệt có một Công nương, nửa như Thổ Nhĩ Kỳ nửa như Iran. Nó được người ta gọi là "Công nương Shaila". Nó khoe rằng nếu như Hoàng thân Ali Yusuf, cố Quốc trưởng Ramat, không bị tai nạn máy bay thì ông ta sẽ lấy nó. Con Jennifer bảo con là con công nương kia nói dối, vì ông hoàng thân Ali đã có người yêu khác rồi. Đúng là phịa.

Con đoán mẹ sắp đi du lịch. Mẹ đừng quên hộ chiếu như lần vừa rồi đấy...

Thư của Jenniffer gửi cho mẹ .

Càng ngay con càng thấy thích học ở đây, không như con tưởng lúc trước. Thời tiết tuyệt đẹp. Mẹ có thể cho con một cây vợt khác được không ạ? Ngày mai, khá nhiều đứa trong bọn con đi London để xem một vở vũ kịch. Bữa ăn ở đây rất ngon.

Nhà có còn bị kẻ trộm mò vào lần nào nữa không ạ?

Thư của Margaret Gore West gửi cho mẹ:

Không có chuyện gì mới. Có tin đồn bà hiệu trưởng Bulstrode sắp nghỉ hưu, và cô Vansittart dạy môn lịch sử và tiếng Đức sẽ thay. Con đem chuyện này hỏi bà Chadwick dạy toán, thì bà Chadwick trả lời rằng tin đồn không đúng. Cho nên con cố gắng từ nay không nghe những câu chuyện ngồi lê đôi mách nữa...

Cô Rich dạy văn vẫn đáng yêu như trước, nhưng bọn con rất ghét cô Springer dạy thể dục...

Thư của Ann Shapland, thư ký của bà Hiệu trưởng Bulstrode, gửi Dennis Rathbone:

Không có gì mới ở trường Meadowbank. Khu vườn hoa đẹp tuyệt vời và chúng em có một người làm vườn mới đến làm, phụ việc cho bác già Briggs. Một chàng trai thân hình rất cân đối. Đáng tiếc là bọn con gáai đôi khi khá ngu ngốc.

Thư của cô Blanche, giáo viên dạy tiếng Pháp, gửi René Dupont, P.R. tại thành phố Bordeaux nước Pháp:

Tình hình ở đây vẫn phẳng lặng: tuy nhiên em không thể nói rằng em thích thú nhiều tại nơi này. Đám học sinh khá vô giáo dục, nhưng em không muốn phàn nàn với bà hiệu trưởng Bulstrode. Đối với loại phụ nữ như bà ta, cần phải cảnh giác. Cho đến lúc này chưa có dấu hiệu gì là quá tồi tệ, nhưng con người không thể chỉ sống bằng hy vọng...

Chương 13
Trong trường Meadowbank cuộc sống vẫn lặng lẽ trôi. Hôm đó, trong phòng nghỉ của giáo viên, hai giáo viên "tân binh" phải trả lời những câu chất vấn của các đồng nghiệp. Thoạt đầu là cô Blanche dạy tiếng Pháp. Đã bao giờ đến đất Anh chưa? Sinh ra tại vùng nào của nước Pháp?

Cô Blanche trình bầy lễ độ, nhưng khá dè dặt, trái với cô Springer dạy thể dục, sôi nổi và ầm ĩ. Người ta tưởng như đang ngồi dự một hội nghị, với chủ đề là trình độ chuyên môn. Cô Springer không tinh ý, cô không biết cử toạ không hài lòng về thái độ của cô. Cô nói:

- Cần phải coi sự vô ơn là chuyện bình thường - giọng cô mỗi lúc một to thêm - Cái đáng buồn là con người ta nhiều khi quá hèn, không dám đương đầu với sự thật. Đó là điều tôi căm ghét nhất, bởi tôi thích thẳng tiến đến cái đích mình đã chọn lựa, và tôi luôn vạch trần những điều xấu xa bị người ta che giấu.

-Cô giáo thể dục Springer cất tiếng cười vang rồi nói thêm:

- Các chị hẳn sẽ sửng sốt nếu tôi kể ra cho các chị thấy một loạt chuyện xấu xa tôi đã khám phá ra được, về những con người mà chúng ta đinh ninh là đạo đức không ai bằng.

- Hẳn tất cả những chuyện vạch mặt người khác đó làm chị thích thú, đúng vậy không? - Cô Blanche dạy tiếng Pháp mỉa mai hỏi.

- Tất nhiên là tôi không thích thú gì, nhưng mặt khác, tôi cảm thấy tôi đã làm tròn một bổn phận, nhưng người ta không tán thành tôi. Vì thế tôi đã nộp đơn xin từ chức để phản kháng.

Cô đưa mắt nhìn một lượt khắp xung quanh, rồi lại cười khanh khách:

- Tôi hi vọng trong số những người ngồi đây, không ai có điều gì phải giấu kín trong đáy lòng, một điều khiến lương tâm phải cắn rứt chứ?

Không đồng nghiệp nào của cô thích thú cái trò đùa dai này, nhưng cô Springer lại là người kém tinh ý và cô không nhận thấy gì hết.

____________

Chương 14
Bà hiệu trưởng Bulstrode vừa tiếp bà giám thị Johnson và câu chuyện giữa hai người suýt làm bà bật cười. Chẳng là bà Johnson phát hiện ra rằng nữ học sinh Shaila mặc một kiểu nịt vú rõ ràng là để nâng bộ ngực lên, cần nói rõ thêm là bộ ngực cô ta rất nhỏ. Shaila chính là công nương nước Ramat, mới vào học đầu năm nay. Bà giám thị Johnsơn nói giọng đầy phẫn nộ: "Mới mười lăm tuổi ranh!"

Khi được bà hiệu trưởng gọi lên để hỏi, "kẻ có tội" đã trả lời nhanh nhẩu rằng vào tuổi cô, cô thấy cần phải chứng minh cho mọi người thấy rằng cô là phụ nữ . Chỉ liếc qua, bà hiệu trưởng Bulstrode đã thấy ngay rằng công nương Shaila, học sinh nội trú này, quả là còn chưa ra khỏi tuổi thiếu niên. Bà thầm nghĩ: "Con gái phương Đông phát triển sớm". Tuy nhiên bà cũng ra lệnh cấm công nương Shaila đeo kiểu nịt vú "tội lỗi" đó.

Sau khi cô nữ sinh ra khỏi phòng, bà giám thị Johnson kêu lên:

- Sao con bé không noi gương con Julia Upjohn nhỉ? Con Julia rất chi là ý tứ.

- Nếu tất cả nữ sinh trong trường đều bắt chước Julia thì trường nội trú của chúng ta đơn điệu biết bao - bà hiệu trưởng Bulstrode đáp, khiến bà giám thị Johnson há hốc miệng kinh ngạc.

"Đơn điệu..." bà hiệu trưởng lẩm bẩm khi còn lại một mình trong phòng giấy. Rõ ràng tính từ kia không thể áp dụng vào cho trường nữ học nội trú Meadowbank được. Nhà trường đã phải đương đầu với bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu cơn khủng hoảng không ai ngờ có thể xảy ra. Nhưng lần nào cũng vậy, uy quyền và sự khéo léo của bà hiệu trưởng Bulstrode đã vượt qua được hết. Quả là một cuộc sống sôi động! Ngay lúc này đây, mặc dù nhiều lúc phải nín nhịn, bà Bulstrode vẫn chưa muốn nghỉ hưu.

Bà vẫn tràn trề sức khoẻ, vẫn hầu như nhanh nhẹn không kém gì thời bà cùng với bà giáo Chadwick hiện nay dạy toán chung vốn để sáng lập ra cái trường Meadowbank này, lúc đầu chỉ lèo tèo vài mống học sinh.

Với một ý chí kiên cường, bà hiệu trưởng Bulstrode không bao giờ bỏ qua một sáng kiến cải tiến nào. Nhờ đó, bà đã đưa trường nữ học này lên đến một uy tín vượt quá mọi mơ ước ban đầu.

Kết quả về mặt vật chất: đôi bạn gái đã tích luỹ được một khoản tiền khá lớn, đủ đảm bảo cuộc sống cho họ lúc về già. Tuy nhiên, bà hiệu trưởng Bulstrode vẫn tự hỏi, không biết bà Chadwick đã muốn nghỉ hưu chưa? Chắc là chưa. Ngôi trường phần nào đã gần như trở thành gia đình, tổ ấm của bà ta, và nếu bà Bulstrode nghỉ hưu, bà Chadwick vẫn sẽ tiếp tục mang hết sức mình ra hỗ trợ cho người hiệu trưởng mới nào đó thay chân bà, kế tục sự nghiệp cao quý này.

Nhưng tìm người kế tục ở đâu? Thoạt đầu bà Bulstrode đã nhắm một người, nhưng rồi lại thay đổi ý kiến... Bà cho rằng điều quan trọng là mỗi hành động phải chọn đúng thời điểm, và chính bây giờ là thời điểm chính xác nhất: bà cần "ra đi" trước khi sức lực suy giảm, trước khi uy tín sút kém, hoặc trước khi người ta quá ngán mình...

Nghĩ đến lúc phải từ bỏ công việc lãnh đạo cái trường mà bà đã bỏ ra bao công sức xây dựng, bà hiệu trưởng thở dài. Nhưng bà lập tức gạt đi nỗi yếu đuối của mình, cho gọi cô thư ký Shapland lên để đọc cho cô ta thảo một bức thư. Xong công việc bà giữ cô thư ký lại trò chuyện.

- Tôi hỏi thật nhé: tại sao chị chọn nghề thư ký?

- Chính tôi cũng không biết. Có lẽ vì tôi không thấy thích hẳn một nghề nào. Mà khi không thích hẳn một nghề nào, con người ta tự nhiên rơi vào nghề thư ký chăng?

- Chị không thấy nghề thư ký quá đơn điệu ư?

- Thật ra số tôi may mắn, tôi đã từng được làm thư ký ở một số nơi khá lý thú. Thậm chí có lần tôi làm thư ký cho một nữ nghệ sĩ nổi tiếng.

Nhớ lại kỷ niệm đó, cô thư ký Ann Shapland lại cười. Bà hiệu trưởng Bulstrode nói giọng hơi như trách.

- Phải chăng lớp trẻ các cô ngày nay thích liên tục thay đổi nơi làm việc như vậy?

- Cái chính là tôi không thể ở lâu một nơi nào. Mẹ tôi luôn đau ốm, thỉnh thoảng tôi phải về chăm sóc bà cụ.

- Tôi hiểu.

- Tuy nhiên, tôi e rằng tính tôi cũng thích thay đổi nữa kia. Nghĩ đến chuyện phải làm lâu dài ở một nơi nào đó, tôi rất sợ. Luôn chuyển nơi làm việc khiến cuộc sống đỡ đơn điệu.

- Đơn điệu... - bà hiệu trưởng Bulstrode nhắc lại hai chữ đã làm bà suy nghĩ lúc trước.

Cô thư ký Ann Shapland ngạc nhiên nhìn cấp trên.

- Chị đừng chú ý đến câu tôi vừa nói, Shapland. Đôi khi có một ý niệm cứ trở đi trở lại hoài trong trí óc con người. Mà... chị có thích làm giáo viên không?

- Không. Tôi hoàn toàn không thích.

- Tại sao?

Cô thư ký Ann Shapland lúng túng không biết trả lời ra sao. Thấy vậy bà hiệu trưởng Bulstrode vội vã nói:

- Công việc dạy học hoàn toàn không đơn điệu chút nào. Thậm chí, có lẽ đó là nghề lý thú nhất trên đời. Riêng tôi, tôi rất tiếc là sắp tới sẽ phải nghỉ.

- Bà nói sao? Quả thật bà định nghỉ hưu ạ?

- Bởi tôi đã cống hiến cạn kiệt sức lực cho trường này. Và thời gian làm việc ở đây đã đem lại cho tôi một niềm vui hết sức to lớn. Tôi muốn ngừng công việc giữa lúc tôi đang gây được ấn tượng tốt đẹp nhất, chứ không đợi đến lúc sức lực suy giảm...

- Vậy sau khi bà nghỉ, trường ta vẫn tiếp tục hoạt động chứ ạ?

- Tất nhiên. Tôi sẽ chọn một người kế tục tôi.

- Chắc bà chọn cô giáo Vansittart, phải không ạ?

- Có nghĩa chị tán thành cô giáo Vansittart phải không?

Bà hiệu trưởng Bulstrode chăm chú nhìn cô thư ký Shapland thăm dò:

- Tôi rất muốn biết ý kiến của chị.

- Ôi, tôi hỏi thế chỉ vì tôi nghe thấy người ta bàn tán. Riêng ý tôi thì cô giáo Vansittart sẽ làm tròn chức vụ hiệu trưởng một cách xuất sắc. Và chị ấy sẽ theo đúng đường hướng của bà. Vansittart là một phụ nữ có bản lĩnh và tác phong khá lịch lãm. Tôi cho rằng yếu tố thái độ bên ngoài cũng rất quan trọng. Và tôi tin rằng cô giáo Vansittart sẽ gìn giữ được uy tín sẵn có của trường nữ học chúng ta.

Nói xong, cô thư ký Anh Shapland chào rồi đi ra. Còn lại một mình, bà hiệu trưởng tiếp tục suy nghĩ.

"Gìn giữ uy tín hiện nay đâu phải là điều ta mong muốn? Rất có thể cô giáo Eleanor Vansittart muốn giữ nguyên như thế này? Nhưng mình thì lại muốn người kế tục mình sẽ đem đến cho trường Meadowbank này một nét gì mới mẻ. Phải có một người kế tục mình kiểu như... cô Eileen Rich chẳng hạn! Khốn nhưng Eileen Rich còn trẻ quá, chưa có kinh nghiệm, sợ sẽ làm hỏng việc chăng?

Vừa lúc đó, bà giáo Chadwick vào.

- Chào chị Chadwick - Bà hiệu trưởng Bulstrode reo lên mừng rỡ - Đang mong gặp chị.

Bà giáo Chadwick hơi ngạc nhiên:

- Chị làm sao thế, Bulstrode? Có chuyện gì mới phải không?

- Chỉ đơn giản là tôi đang suy nghĩ và mọi ý nghĩ rối tung cả lên. Đang mong có người hỗ trợ đây. Chị đến rất đúng lúc.

- Vậy à? Chị mà cũng có lúc bối rối kia à? Lạ đấy!

- Chính tôi cũng thấy lạ. À, tình hình tam cá nguyệt này ra sao?

- Theo tôi là tốt.

Tuy nhiên câu trả lời của bà Chadwick không có vẻ quả quyết lắm. Thấy vậy bà hiệu trưởng cau mày.

- Chị nói thật đi, có chuyện gì vậy, Chadwick?

- Đúng ra thì chẳng có chuyện gì lớn. Tuy nhiên...

Trán bà giáo dạy toán nhăn lại như võ sĩ quyền Anh lúc đang tính miếng tấn công.

- Một linh cảm thôi! Các học sinh mới đến có vẻ yên ổn cả... Trong khi đó, các cô giáo thì lại...

- Cô giáo nào chẳng hạn?

- Blanche, tôi rất không bằng lòng cô giáo dạy tiếng Pháp này... hơi thâm hiểm thế nào ấy.

Bà hiệu trưởng Bulstrode không quan tâm đến nhận xét này của bạn. Bà Chadwick có tính hay chê các giáo viên dạy tiếng Pháp về tội "thâm hiểm".

- Cô Blanche có trình độ đấy chứ - bà hiệu trưởng đáp - Các giấy chứng chỉ của cô ấy đều có những nhận xét rất tốt.

Bà Chadwick nói tiếp:

- Ngược lại, tôi thấy cô Springer dạy thể thao mới thật sự là hoàn hảo. Chỉ phải cái tội hơi xấn xổ một chút.

- Nhưng cô Springer làm tròn mọi nhiệm vụ.

- Tất nhiên rồi.

- Bao giờ những người mới đến làm cũng có điều gì đó khiến chúng ta không vừa lòng. Chỉ vì chúng ta chưa quen với tính nết của họ, có vậy thôi.

- Chị nói đúng - bà Chadwick vội vã nói - Còn chuyện này nữa. Anh thợ vườn phụ việc cho bác Briggs trẻ quá và lại đẹp trai quá, cũng là điều đáng ngại cho chúng ta đấy.

- Chúng ta sẽ phải để mắt thường xuyên đến anh ta.

Hai bà rất thông cảm với nhau. Không ai hơn hai bà trong việc nhận biết một thân hình đẹp trai có thể gây tác hại cho trái tim các cô gái trẻ đến mức nào.

Chương 15
- Cậu làm được đấy - bác già giọng miễn cưỡng nói với "Adam".

Bác giao cho anh ta cuốc thử một khoảnh đất và bây giờ nhận xét kết quả. Bác già nói thêm.

- Có điều cậu không cần phải làm kỹ quá như thế này. Tốt nhất là làm vừa phải thôi.

"Người phụ việc" hiểu rằng bác già Briggs không muốn ai làm tốt hơn bác ta. Bác đang nói tiếp:

- Chỗ này ta sẽ trồng cúc đại đoá. Tôi biết bà ta không thích cúc nhưng tôi mặc. Đàn bà hay khó tính, và nếu ta lờ đi, chín phần mười trường hợp, họ nói dứt khỏi miệng là quên ngay họ đã nói gì.

"Adam" đã biết ông già làm vườn nói "bà ta" là để chỉ bà hiệu trưởng Bulstrode.

- Này - đột nhiên ông già hỏi - Lúc nãy có một đứa con gái ra đây với cậu, đứa nào thế?

- Tôi không biết tên, chỉ biết cô ta là học sinh của trường.

- Mấy đứa ranh ma ấy hẳn? Tôi dặn cậu, đừng dính đến chúng mà có ngày ân hận. Hồi đại chiến thứ nhất tôi đã "bị" với những đứa như thế rồi đấy, cho nên tôi có kinh nghiệm là nên tránh cho xa. Cậu hiểu chưa?

- Cô này không hề có mưu đồ gì - Adam trả lời cho qua chuyện - Cô ta chỉ hỏi tên một giống hoa, có vậy thôi

- Nếu vậy thì được. Nhưng cậu đừng có chuyện trò gì với đám học sinh đấy. Bà ta không bằng lòng đâu. Kìa, bà ta đang đi về phía này đấy. Lại sắp sai tôi làm một việc gay go đây, chắc chắn là như thế.

Bà hiệu trưởng đi nhanh đến:

- Chào bác Briggs. Chào...

Bà nhìn người phụ việc.

- Thưa bà, tôi là Adam,

- À, phải rồi, Adam. Bác Briggs này, tấm lưới quần vợt bị trùng. Bác kéo căng lên cho tôi nhé.

- Tất nhiên rồi, thưa bà hiệu trưởng.

- Bác định trồng hoa gì ở đây?

- Tôi định...

- Không được trồng cúc đâu đấy. Trồng thược dược!

Nói xong, bà đi nhanh khuất. Bác già Briggs nhún vai.

- Bà ta ra lệnh thoáng qua thế thôi, nhưng bà ta để ý khiếp lắm. Cậu bạn trẻ, đừng quên lời tôi nói với cậu về lũ con gái láu lỉnh kia. Mà coi chừng cả bà ta nữa!

- Bà ấy thì tôi không ngại. Bà ta mà không vừa lòng thì tôi có cách - Adam nói - Thiếu gì công ăn việc làm kia chứ, tôi xin làm ở đâu mà chẳng được?

- Đúng là lớp trẻ ngày hôm nay, không chịu nghe ai.

Adam tiếp tục làm việc, còn bà hiệu trưởng Bulstrode thì quay về văn phòng. Đột nhiên bà cau mày: cô giáo Vansittart dạy lịch sử và tiếng Đức đang tiến về phía bà.

- Trời nóng quá! - cô giáo Vansittart nói.

- Oi nữa chứ! - Bà hiệu trưởng Bulstrode đáp. Chị có để ý anh thợ làm vườn phụ việc mới đến làm không ?

- Tôi không chú ý lắm.

- Tôi thấy anh ta... biết nói thế nào nhỉ? Tóm lai tôi thấy anh ta không có vẻ loại người chuyên làm thứ công việc này.

- Có lẽ anh ta tốt nghiệp một trường nào đó, làm tạm để kiếm ăn trong khi chờ gặp công việc thích hợp.

Thì cứ cho là như thế, nhưng anh ta đẹp trai quá, đám nữ sinh có vẻ đã quan tâm đến anh ta rồi đấy.

- Vậy ta áp dụng chiến thuật kinh điển chứ ạ, thưa bà hiệu trưởng?

- Đúng thế, bề ngoài vẫn để bọn nữ sinh thoải mái, nhưng bên trong ta kín đáo giám sát chặt chẽ.

- Vâng, đúng là phải làm như thế. Cách đó lần nào cũng hiệu nghiệm. Trong trường nữ học Meadowbank chúng ta, chưa bao giờ xảy ra chuyện tai tiếng. Bà có thể hãnh diện về kết quả mà bà đã đạt được rồi đấy, thưa bà hiệu trưởng.

- Tôi chỉ nghĩ rằng tôi làm đúng phận sự. Nhưng nếu chị thay tôi lãnh đạo cái trường này, chị có định thực hiện những cải tiến như thế nào không? Chị cứ trả lời thẳng, đừng ngần ngại. Tôi rất muốn biết các dự định của chị, Vansittart!

- Tôi nghĩ không có thứ gì phải thay đổi. Mục tiêu cũng như các biện pháp thực hiện của trường Meadowbank đã rất hoàn hảo rồi.

- Nghĩa là chị sẽ giữ đúng cách làm từ trước đến nay?

- Tất nhiên, thưa bà Bulstrode. Tôi thấy không nên thay đổi gì hết.

Bà hiệu trưởng im lặng một lúc, thầm nghĩ: "Hay cô ta nói như vậy chỉ cốt để vừa lòng mình?"

- Dù sao - bà hiệu trưởng Bulstrode nói - Tôi lại cho rằng trên đời không có gì có thể cho là hoàn hảo được. Bao giờ và lúc nào cũng cần phải có những sửa đổi, cải tiến để cho tốt hơn và nhất là thích hợp với thời đại hơn. Vì con người và hoàn cảnh mỗi thời mỗi khác, ngày hôm nay không thể giống cách đây hai chục năm.

- Tôi đồng ý với bà, thưa bà hiệu trưởng. Đúng là phải theo kịp thời đại. Nhưng đây là trường của bà! Bà chính là cột trụ của trường, và bà biết rằng truyền thống đóng vai trò cực kỳ to lớn.

Bà Bulstrode không đáp, mặc dù bà rất muốn nói lên một ý tưởng mà bà cho là quan trọng. Bởi bà ngại cô giáo dạy lịch sử này sẽ hiểu sai ý của bà, cho rằng bà chưa muốn rời khỏi cái trường này. Mà thật ra, trong đáy lòng, bà có ý nghĩ đó thật. Tuy nhiên, những ý kiến của bà sẽ bổ ích cho cô giáo Vansittart, giúp cô làm tốt công việc lãnh đạo trường. Tất nhiên còn Chadwick nữa, người đã cùng bà Bulstrode sáng lập nên cái trường này. Chị ấy rất tận tuỵ, nhưng chưa đủ trình độ lãnh đạo một trường học tầm cỡ như thế này.

Tiếng chuông vang lên ở xa.

- Đến giờ tiếng Đức của tôi rồi! - Cô giáo Vansittart kêu lên.

Rồi bước chân thoăn thoắt nhưng vẫn đàng hoàng, cô đi nhanh về pha lớp học. Bà hiệu trưởng đi theo, đầu cúi, suýt vấp phải cô giáo Eileen Rich dạy văn, vừa từ một lối đi nhỏ trong hoa viên bước nhanh ra.

- Ôi, xin lỗi, thưa bà hiệu trưởng! Tôi không nhìn thấy bà.

Giống như mọi khi, đầu tóc cô Rich bù rối, xòa ra bên ngoài tấm khăn đội đầu. Lại một lần nữa bà Bulstrode nhận thấy khuôn mặt cô giáo dạy văn này quá gầy, gò má nhô cả lên. Cô giáo Eileen Rich quả là một phụ nữ khác thường. Trẻ trung, hiếu động, và luôn buộc người ta phải chú ý đến cô.

- Chị có giờ dạy bây giờ phải không?

- Vâng, giờ tiếng Anh ạ.

- Chị thích nghề dạy học chứ?

- Vâng, tôi mê nghề này.

- Vì sao?

- Thú thật là chính tôi cũng đang cố cắt nghĩa xem tại sao tôi lại mê nghề này đến thế. Phải chăng vì nghề dạy học là một nghề cực kỳ quan trọng? Không, có lẽ tôi đã quá phóng đại ý nghĩa của nó. Thật ra tôi mê nghề dạy học vì nguyên nhân khác. Tôi cho rằng nghề dạy học giống như nghề đâm cá. Phóng mũi lao xuống nước nhưng chưa biết sẽ đâm được con cá gì, và chính đó là thứ vô cùng hấp dẫn. Tôi rất sung sướng mỗi khi "tóm" được một suy nghĩ độc đáo, một ý tưởng bất ngờ của học sinh. Rất tiếc là các em học sinh rất ít khi có những suy nghĩ mới mẻ, độc đáo...

Bà hiệu trưởng Bulstrode gật đầu. Vậy là bà đã không lầm, cô giáo trẻ nay quả là con người có cá tính. Bà nói:

- Tôi nghĩ rằng thế nào cũng đến một ngày chị có được một trường học riêng, do chị lãnh đạo, để chị phát huy mọi ý tưởng đẹp đẽ của chị.

- Ôi, nếu được thế thì còn gì bằng!

- Chắc chị đã có lúc suy nghĩ, là nếu được lãnh đạo một trường thì chị sẽ làm những gì rồi chứ?

- Tôi cho rằng ai cũng có những mơ ước riêng của bản thân mình về chuyện đó. Một số những ý nghĩ đó là viển vông và khi vấp phải thực tế sẽ dẫn đến thất bại. Đúng thế. Nhưng tôi cho rằng mọi ý tưởng đều phải được đem ra thử nghiệm. Phải dám làm, rồi mới có cái mà rút kinh nghiệm, tiếp tục học hỏi thêm. Không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm của người khác. Tôi nghĩ như vậy có đúng không, thưa bà?

- Kể ra thì chưa hoàn toàn. Nhưng chị nói đúng. Thất bại là cần thiết, ít nhất cũng để lần san không mắc phải sai lầm nữa. Tôi thấy chị không sợ mở ra những con đường mới, có phải thế không? Chị không sợ mạo hiểm.

- Tôi cho rằng tôi luôn sống bằng mạo hiểm...

Một thoáng suy nghĩ nào đó lướt qua trên nét mặt cô, và Eileen Rich vội vã nói thêm:

- Nhưng tôi phải xin phép bà thôi, thưa bà hiệu trưởng! Các em học sinh đang chờ tôi.

Bà hiệu trưởng Bulstrode nhìn theo cô giáo trẻ, thầm nghĩ:

"Tiếc quá, cô ấy còn quá non nớt. Lúc này giao phó cho cô ta công việc thay ta, e chưa được".

Bà giáo Chadwick đi ngang qua, nhận thấy vẻ băn khoăn trên khuôn mặt bà hiệu trưởng.

- Chị lo lắng chuyện gì thế?

- Đúng là tôi có băn khoăn. Tôi biết trường chúng ta cần một hiệu trưởng như thế nào, nhưng lại thấy có nhiều e ngại...

- Tôi tha thiết xin chị bỏ cái ý nghĩ nghỉ hưu ấy đi. Chị đã quá gắn bó với cái trường Meadowbank này rồi. Trường không thể vắng chị được.

- Đối với chị, trường nữ học này là tất cả, đúng thế không, Chadwick?

- Đúng thế, và tôi cho rằng không có trường nữ học nào sánh được với nó!

Bà hiệu trưởng Bulstrode trìu mến đặt tay lên vai người đồng sáng lập trường và là người bạn gái thân thiết:

- Đúng thế, chị Chadwick thân mến ạ! Chị còn là người đầu tiên, chính yếu đã hỗ trợ tôi. Chị quan tâm đến mọi thứ liên quan đến ngôi trường này.

Bà giáo dạy toán Chadwick đỏ bừng mặt sung sướng. Hiếm khi bà thấy người bạn gái lâu năm mất đi vẻ nghiêm nghị thường ngày như hôm nay.

Chương 16
- Không thể chơi bằng cái vợt tồi tệ này được! - Giận dữ, Jennifer quăng cây vợt xuống sân.

- Sao mà bạn cáu kỉnh đến thế? - Julia kêu lên rồi cúi xuống nhặt cây vợt lên - Cây vợt của bạn còn tốt hơn cây vợt của mình ấy chứ! Vợt của mình mới thật sự thảm hại! Mình nói mãi mà mẹ mình không chịu đem đến thợ để họ sửa lại cho.

- Vậy mà mình lại thích cây vợt của bạn hơn cây vợt tồi tệ của mình đấy.

Jennifer đỡ lấy cây vợt của bạn, đánh thử vài cái:

- Đúng là còn khá hơn cây vợt của mình. Hay bạn đổi cho mình nhé?

- Được thôi !

Họ bóc mảnh giấy nhãn trên cây vợt này dán sang cây vợt kia.

__________

Chương 17
Adam vừa vui vẻ huýt sáo vừa căng lại lưới quần vợt. Đột nhiên cửa Cung Thể thao bật mở, cô giáo Blanche dạy tiếng Pháp, biệt danh "Chuột nhắt" bước ra. Nhìn thấy chàng trai phụ việc, cô tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên. Cô ngập ngừng một chút rồi lại quay vào nhà.

"Cô ta có mưu đồ gì chăng mà vừa thò ra thấy mình lại thụt vào như vậy?" Adam thầm nghĩ.

Thái độ cô giáo kia làm Adam đặc biệt chú ý, rõ ràng là thái độ của một kẻ "bị bắt quả tang".

Lát sau cô giáo Blanche lại mở cửa Cung Thể thao, kín đáo bước ra rồi khép cửa lại thật khẽ. Khi đi ngang qua Adam, cô đứng lại, hỏi:

- Anh sửa lưới quần vợt đấy à?

- Vâng, thưa cô giáo.

- Công trình xây dựng này quả là tuyệt đẹp, không thiếu thứ gì: bể bơi, các sân bóng, toà nhà điền kinh. Bên Anh các anh thể thao rất được coi trọng.

- Có lẽ thế, thưa cô giáo.

- Anh có chơi quần vợt không?

Cô giáo Blanche lộ vẻ quan tâm đến thân hình chàng trai, một kiểu quan tâm rất nữ tính.

- Không, thưa cô giáo - Adam nói dối - Tôi không có thời gian.

- Thế hockev, anh có chơi hockey không?

- Hockey thì có, nhưng hồi còn nhỏ thôi.

Họ im lặng một lát.

- Từ hôm đến đây, tôi chưa có thời giờ đi một vòng xem toàn bộ khu vực - cô Blanche nói - Nhân hôm nay đẹp trời, tôi quyết định sang xem Cung Thể thao, để còn viết thư kể cho mấy đứa bạn đang mở một trường học bên Pháp.

Lại một lần nữa Adam lấy làm lạ. Cô gái người Pháp này việc gì phải thanh minh chuyện cô ta sang Cung Thể thao? Chẳng lẽ cô ta không có quyền đến bất cứ nơi nào trong khu vực trường nữ học này hay sao? Mà tại sao cô lại phải thanh minh với một tên làm vườn phụ việc?

Adam đăm chiêu nhìn cô gái. "Có lẽ ta phải tìm hiểu thêm về nhân vật này chăng?" Anh ta bèn thay đổi thái độ một chút. Vẫn lễ phép, nhưng thoải mái hơn một chút, Adam tự cho phép nhìn cô giáo Blanche một cách ... làm duyên.

- Dạy học trong một trường nữ học, hẳn đôi khi cô cũng thấy tẻ nhạt chứ, thưa cô giáo? - Adam bắt chuyện.

- Anh nói đúng. Chẳng thú vị gì.

- Nhưng cô lại có được nhiều lúc rảnh rang, đúng vậy không thưa cô?

Họ lại im lặng. Hẳn là cô giáo Blanche đang suy tính gì đó, kết quả là cô chuyển sang thái độ xa cách, khiến Adam cụt hứng.

- Trong trường này, mọi điều kiện sinh hoạt đều hoàn hảo đến mức không thể chê vào đâu được.

Cô giáo tiếng Pháp khẽ gật đầu "tạm biệt" rồi bước thoăn thoắt đi.

"Đúng là cô ta đang mưu đồ chuyện gì đó", Adam vẫn tiếp tục thầm nghĩ. "Và mưu đồ kia chắc liên quan đến Cung Thể thao này? "

Dường như theo bản năng, Adam vào toà nhà "Cung Thể thao" xem thử. Đưa mắt quan sát xung quanh, không nhận thấy có gì đặc biệt, nhưng anh ta vẫn chưa thật yên tâm.

Lúc quay ra, Adam chạm trán với cô thư ký Anh Shapland.

- Anh có nhìn thấy bà hiệu trưởng Bulstrode ở đâu không?

- Bà hiệu trưởng quay về văn phòng rồi. Lúc nãy bà ấy nói chuyện với bác Briggs ở đây.

- Anh vừa vào Cung Thể thao làm gì? - Cô thư ký cau mặt hỏi.

Câu hỏi làm Adam khó chịu. "Cô này đa nghi thật", anh thầm nghĩ. Rồi Adam trả lời giọng có phần hơi sẵng:

- Tôi muốn ngó qua một cái. Không được hay sao?

- Anh nên làm công việc của anh thì hơn.

- Tôi vừa căng xong cái lưới quần vợt.

Rồi quay mặt về phía Cung Thể thao, Adam nói tiếp :

- Cung Thể thao này vừa mới xây xong, phải không bà? Hẳn là tốn kém lắm. Nhà trường không tiếc tiền bạc tạo điều kiện cho các nữ học sinh.

- Thật ra là tiền của học sinh cả - cô thư ký Anh Shapland lạnh lùng đáp.

- Đúng thế - Adam gật đầu tán thành.

Anh không hiểu tại sao anh lại cảm thấy mất cảm tình với cô thư ký này. Phải chăng vì cô ta quá khinh người? Nhưng Shapland đã nhún vai rồi bước đi nhanh. Tuy nhiên được một quãng, cô ta ngoái đấu lại nhìn anh. Cô nhìnA dam rồi nhìn Cung thể thao, và trên khuôn mặt cô lộ một vẻ bí hiểm, cô đi khuất.

Chương 18
Trong phòng trực đêm của đồn cảnh sát Phố Hurst, trung sĩ Green đang ngáp thì chuông điện thoại reo. Lát sau, thái độ của Green thay đổi hẳn, anh ta vớ cuốn sổ theo dõi, nói vào máy:

- Bà nhắc lại cho, Meadowbank... Có chuyện gì vậy? Bà đánh vần từng chữ cho S-p-r-i-n-g-e-r... Springer, đúng không ạ?... Thôi được, xin bà giữ nguyên hiện trường. Tôi sẽ cử người đến ngay.

Thế là Trung sĩ Green tiến hành quy trình thường lệ quen thuộc.

- Meadowbank à? - Thanh tra cảnh sát Kelsey nói ở đầu dây bên kia - Theo tôi biết thì đấy là một trường nữ học. Nạn nhân bị giết là ai?

- Một phụ nữ tên là Springer, giáo viên thể dục.

- Chà, nghe giống như một cốt truyện hình sự rẻ tiền vậy.

- Kẻ gây ra một vụ án mạng kiểu đó có thể là ai được nhỉ? - Green hỏi.

- Nhà thể thao điền kinh vẫn có thể vướng vào những chuyện tình rắc rối được lắm chứ, Trung sĩ! Người ta thấy thi thể nạn nhân ở chỗ nào?

- Trong ngôi nhà được họ gọi là Cung Thể thao. Chắc chỉ là một phòng tập cho học sinh.

- Nạn nhân bị bắn bằng súng ngắn à?

- Vâng.

- Tìm thấy hung khí chưa?

- Chưa.

_________

Chương 19
Cổng chính vào trường Meadowbank mở rộng và gian tiền sảnh đèn bật sáng. Bà hiệu trưởng Bulstrode bước ra đón Thanh tra cảnh sát Kelsey. Giống như hầu hết dân chúng trong vùng, viên thanh tra cảnh sát đã biết mặt bà hiệu trưởng này. Ngay cả trong tình hình hiện nay, bà vẫn giữ được nét mặt điềm tĩnh.

- Tôi là Thanh tra cảnh sát Kelsey - khách lịch thiệp tự giới thiệu.

- Ông muốn đi xem nơi nào trước? Hẳn là Cung Thể thao... Hay ông muốn hỏi các nhân chứng trước?

- Cùng đi với tôi có bác sĩ pháp y và hai trợ lý của ông ta để khám nghiệm tử thi. Xin bà hiệu trưởng cho người dẫn họ ra hiện trường. Riêng tôi, tôi muốn được hỏi bà một số điều.

- Cô Rowan, một phụ giáo của trường, sẽ đưa ông bác sĩ đi. Tại đấy tôi đã bố trí người canh để không cho ai di chuyển thứ gì. Mời ông thanh tra vào phòng giấy của tôi.

Vào đến phòng, câu hỏi đầu tiên của Thanh tra Kelsey là :

- Ai là người đầu tiên phát hiện ra tử thi?

- Bà Johnson, tổng giám thị của trường. Đêm hôm qua, một em nữ học sinh của chúng tôi bị đau tai nên bà Giám thị ngồi chăm sóc em. Do thấy một tấm rèm cửa sổ chưa được khép kín, bà Johnson bèn ra kéo lại. Ra đến đó, bà tình cờ nhìn về phía Cung Thể thao, thấy có ánh đèn. Bà ngạc nhiên: Lúc đó đã một giờ sáng, lẽ ra đèn phải tắt hết từ lâu rồi.

- Tôi hiểu. Bà giám thị hiện ở đâu?

- Bà Johnson đang sẵn sàng tiếp ông. Ông muốn hỏi bà ấy không ạ?

- Lát nữa. Bây giờ xin bà nói tiếp cho, thưa bà hiệu trưởng.

- Thế là bà giám thị đánh thức bà Chadwick dạy toán. Hai người quyết định ra đó xem có chuyện gì. Vừa ra khỏi toà nhà này thì hai bà nghe thấy một tiếng súng nổ. Họ bèn chạy nhanh về phía đó, và nhìn thấy...

- Tôi đã đoán được sự việc diễn ra tiếp theo, thưa bà hiệu trưởng. Bây giờ bà có thể cho tôi biết một vài thông tin về nạn nhân được không? Nạn nhân làm việc ở trường ta lâu chưa?

- Chưa. Cô giáo Springer mới đến dạy ở trường từ đầu niên học này. Cô giáo dạy thể dục trước cô Springer đã đi Úc.

- Bà biết những gì về lai lịch cô giáo Springer?

- Toàn những bản nhận xét rất tốt ở những nơi cô ấy đã làm việc.

- Trước khi nạn nhân vào làm ở trường ta, bà có quen biết cô ấy không?

- Không.

- Bà có ý kiến gì, dù chỉ là mơ hồ, về nguyên nhân của sự kiện bi thảm này không? Chẳng hạn những chuyện phức tạp trong cuộc sống của nạn nhân... những chuyện ta tạm gọi là "đáng tiếc"?

- Tôi không biết gì về những chuyện đại loại như thế. Tôi chỉ thấy cô giáo Springer sống hết sức nghiêm túc, thậm chí nguyên tắc nữa. Tôi không hề thấy cô có biểu hiện gì có vẻ vượt ra ngoài nguyên tắc. Ngược lại thì có.

- Đôi khi cuộc sống có những điều làm chúng ta hoàn toàn bất ngờ. Bây giờ tôi xin hỏi chuyện bà Giám thị, rồi tôi sẽ ra Cung Thể thao, bà gọi chỗ đó như vậy phải không, thưa bà?

- Vâng. Toà nhà đó mới xây, nằm cạnh bể bơi. Tất nhiên ở đấy có một gian để quần áo, dụng cụ thể thao, cả áo tắm nữa.

- Cô giáo Springer có phận sự nào cần có mặt ban đêm trong đó không, thưa bà?

- Không - bà hiệu trưởng Bulstrode khẳng định dứt khoát.

- Thôi được. Xin bà cho mời bà giám thị vào đây cho tôi gặp.

Bà hiệu trưởng ra, rồi quay vào ngay cùng với bà giám thị Johnson. Để bà này trấn tĩnh thần kinh, bà hiệu trưởng rót mời một ly rượu mạnh, ai ngờ rượu lại khiến bà giám thị nói nhiều hơn hẳn mọi khi.

- Đây là ông thanh tra Kelsey. Bà hãy kể ông thanh tra nghe tất cả những gì bà đã thấy.

- Khiếp quá! - Bà giám thị Johnson kêu lên - Không bao giờ tôi có thể nghĩ là cô Springer lại bị ai giết!

Câu nói làm viên thanh tra cảnh sát chú ý.

- Tại sao vậy, thưa bà giám thị?

- Vì cô ấy là loại người thừa sức đánh ngã một tên ăn trộm, thậm chí hai tên nữa ấy chứ.

- Tên ăn trộm? Nhưng trong toà nhà ấy có gì để kẻ trộm lấy được?

- Đúng là trong ấy không có thứ gì quý giá để ăn trộm thật.

- Vậy thì không phải kẻ trộm. Khoá có bị phá không?

- Tôi lại sơ ý chưa nhìn ổ khoá đấy. Lúc hai chúng tôi vào, tôi và bà giáo Chadwick, thì cửa đã mở sẵn.

Bà hiệu trưởng Bulstrode chen vào:

- Hình như khoá vẫn nguyên vẹn.

- Tức là người mở có chìa khoá.

Rồi quay sang bà giám thị Johnson, thanh tra Kelsey hỏi:

- Nạn nhân có phải là người được lòng mọi người trong trường không?

Bà Giám thị im lặng một lát rồi đáp:

- Quả thật tôi rất khó trả lời câu ông hỏi. Dù sao cô ấy cũng đã mất rồi.

Viên thanh tra soi mói, đoán được ý nghĩ thầm kín của bà này.

- Nghĩa là bà không ưa cô giáo Springer.

- Tôi cho rằng không ai thật sự ưa cô ấy. Tính cô ấy quá thẳng đuỗn, luôn phê phán tất cả mọi người. Nhưng phải công nhận cô ấy rất có khả năng và làm việc hết sức tận tụy.

- Điều ấy thì đã quá rõ - bà hiệu trưởng Bulstrode nói thêm.

- Xin bà Giám thị kể cho tôi nghe từ đầu.

- Một em học sinh của chúng tôi tên là Jane nửa đêm thức dậy kêu đau khủng khiếp một bên tai. Tôi bèn chạy đi tìm thuốc giảm đau. Lúc quay vào, tôi nhìn thấy một tấm rèm cửa sổ chưa kéo hết. Sợ gió lạnh làm tai em học sinh càng đau thêm, tôi chạy ra định buông tấm rèm xuống, chợt tôi rất ngạc nhiên thấy bên Cung Thể thao xó ánh đèn. Tôi thấy rất rõ ánh đèn chạy đi chạy lại...

- Nghĩa là không phải có người bật đàn mà là đèn pin?

- Đúng thế. Tôi thầm nghĩ, vào giờ này mà sao lại có người vao Cung Thể thao làm gì? .. Không lẽ là kẻ trộm...

- Bà không đoán là có chuyện gì sao?

Bà Giám thị liếc nhìn bà Hiệu trưởng trước khi trả lời.

- Lúc ấy tôi chưa kịp đoán là có chuyện gì khác...

Bà Hiệu trưởng đỡ lời:

- Tôi đoán lúc ấy bà Giám thị ngờ một em học sinh nào có chuyên hẹn hò trai gái ở đó, tôi đoán thế có đúng ý bà không, bà Johnson?

Bà Giám thị như thể giật mình:

- Lúc đó thì quả là như thế, tôi nghi có chuyện vụng trộm trai gái. Vì trong số nữ sinh có một em người Italia trông khá phát triển về cơ thể. Tôi có kinh nghiệm các em người nước ngoài phát triển sớm hơn các em gái Anh...

- Bà đừng nên thành kiến như thế, bà Johnson - bà hiệu trưởng Bulstrode ngắt lời - Các nữ sinh Anh cũng dám mạo hiểm lắm chứ.

- Xin bà Giám thị kể tiếp cho - thanh tra Kelsey giục.

- Tôi bèn tính rủ bà giáo dạy toán Chadwick cùng sang đó xem có chuyện gì.

- Tại sao bà lại nghĩ đến rủ bà giáo Chadwick?

- Bởi tôi không muốn đánh thức bà Hiệu trưởng mà bà Chadwick cũng có uy tín ở trường gần bằng bà Hiệu trưởng, gần như người thứ hai trong trường.

- Thế là bà sang đánh thức bà Chadwick?

- Vâng, nghe tôi kể, bà Chadwick tán thành điều nghi ngờ của tôi. Bà mặc áo len dài tay, khoác áo măng tô rồi đi theo tôi. Nhưng vừa ra đến sân thì chúng tôi nghe thấy một tiếng súng nổ. Chúng tôi vội chạy về phía đó. Ngốc quá, chúng tôi không mang theo đèn pin, và hai lần chúng tôi vấp mô đất suýt ngã. Đến Cung Thể thao chúng tôi thấy cửa mở, chúng tôi vội bật đèn lên...

- Lúc hai bà đến, bên trong toà nhà không có đèn sáng?

- Không... Hoàn toàn tối om.. Rồi chúng tôi nhìn thấy...

- Thôi, thế là đủ - thanh tra cảnh sát Kelsey nhẹ nhàng nói - Bây giờ tôi sang hiện trường . Lúc chạy đến đó, bà có nhìn thấy một bóng người nào không?

- Không.

- Hay bà có nghe thấy tiếng chân người chạy không?

- Cũng không.

Thanh tra Kelsey quay sang hỏi bà Hiệu trưởng:

- Trong trường còn ai nghe thấy tiếng súng không?

- Tôi không biết. Không thấy ai nói gì về chuyện này. Cung thể thao nằm cách khá xa toà nhà chính. Và vào giờ đó, thường mọi người đều đang ngủ rất say.

- Tôi hiểu. Thôi, bây giờ tôi sang hiện trường.

- Để tôi đưa ông đi - bà Hiệu trưởng Bulstrode nói.

- Ông thanh tra có muốn cả tôi cũng sang đó không? - bà Giám thị Johnson nói.

- Không cần đâu, thưa bà Giám thị - thanh tra Kelsey nói.

Gian phòng để quần áo và dụng cụ thể thao khá rộng. Tủ đựng có rất nhiều ngăn, mỗi ngăn dành cho một học sinh, bên ngoài ghi tên họ từng người. Cuối gian phòng là chỗ để các dụng cụ thể thao: vợt tennis, gậy đánh hockey, và những dụng cụ khác. Một cửa thông sang phòng tắm hoa sen và ngăn để nữ sinh thay quần áo. Các nhân viên cảnh sát, giúp việc cho thanh tra Kelsey, đang tấp nập làm việc: người chụp ảnh góc độ, người lấy dấu vân tay...

Thanh tra Kelsey bước đến gặp bác sĩ pháp y, ông này đang quỳ gối xem xét tử thi.

- Thủ phạm bắn từ cự ly khoảng ba mét, trúng tim. Chết tức khắc - bác sĩ nói.

- Vào giờ nào?

- Khoảng một giờ sáng.

Thanh tra Kelsey quay sang nhìn bà giáo Chadwick, người đã phát hiện tử thi cùng với bà giám thị Johnson. Lúc này bà Chadwick đứng tựa vào tường, dáng điệu như con chó giữ nhà. Viên thanh tra cảnh sát thầm đoán: "Khoảng năm mươi nhăm tuổi". Vầng trán cao, miệng bướng bỉnh, mái tóc hoa râm hơi bù rối, không hề có biểu hiện tinh thần hoảng loạn. Loại người có thể tin cậy được những khi gặp sóng gió, mặc dù trong cuộc sống bình thường không tỏ vẻ gì đặc biệt.

- Bà là bà Chadwick? - viên thanh tra hỏi.

- Vâng, thưa ông.

- Bà cùng với bà Giám thị là hai người đầu tiên phát hiện tử thi?

- Đúng thế, thưa ông. Mọi thứ lúc đó được giữ y nguyên cho đến lúc này.

- Lúc ấy là mấy giờ?

- Khi bà giám thị Johnson đánh thức tôi dạy, tôi nhìn đồng hồ thì là mười hai giờ năm mươi phút.

"Vậy là gần khớp với lời khai của bà giám thị", thanh tra Kelsey thầm nghĩ rồi quay sang quan sát tử thi. Mái tóc màu hạt dẻ của nạn nhân cắt ngắn. Khuôn mặt đầy tàn nhang. Cằm nhô ra. Thân thể chứng tỏ đã được tập luyện điền kinh nhiều. Nạn nhân mặc váy dạ kiểu xứ Ecốt, áo len dài tay đen, chân đi dép, không có tất.

- Chưa thấy vết tích của hung khí?

Một nhân viên cảnh sát đáp:

- Chưa thấy một dấu vết nhỏ, thưa ông thanh tra.

- Cả ngọn đèn pin hung thủ dùng để soi?

- Có một chiếc đèn pin nằm ở góc phòng bên trái nhưng dấu vân tay lại là của nạn nhân.

- Ra thế! Nghĩa là cô ta cầm đèn pin? - Thanh tra Kelsey cau mày nói.

"Tại sao lại như thế?" viên thanh tra thầm nghĩ. Rồi quay sang mọi người, ông hỏi:

- Các vị có nhận xét gì thêm nữa không?

Bà giáo dạy toán Chadwick nói:

- Có lẽ cô Springer quên một thứ gì đó trong phòng tập, bèn sang để xem lại. Nhưng khả năng ấy khó thể có, bởi lúc đó đã quá khuya.

- Nhưng nếu khả năng đó là đúng thì vật bỏ quên phải là thứ hết sức quan trọng.

Viên thanh tra cảnh sát đưa mắt nhìn khắp xung quanh. Mọi thứ đều vô cùng trật tự ngăn nắp, trừ những cây vợt tennis: trong một góc phòng, chúng chất thành một đống ngay trên sàn.

Đột nhiên bà Chadwick nói:

- Cũng có thể cô Springer nhìn thấy một luồng sáng...

- Không loại trừ khả năng đó - thanh tra Kelsey đáp - Tuy nhiên có một chi tiết cần làm sáng tỏ: tại sao nạn nhân dám liều lĩnh sang đây một mình giữa đêm khuya như vậy?

- Đúng thế. Người khác gặp trường hợp ấy, thường rủ thêm người khác cùng sang. Nhưng cô Springer có tính rất tự tin vào bản thân mình.

- Tôi muốn biết thêm một chi tiết nữa: khi bà cùng với bà giám thị Johnson ra khỏi trường để sang Cung Thể thao, bà thấy cửa vào Cung có khoá không?

- Không.

- Có thể cô Springer mở xong rồi chưa kịp đóng?

- Có lý!

- Như vậy ta có thể đoán cô Spirnger định khám phá một điều gì bí mật. Kết quả là cô bị giết.

Vêin thanh tra Kelsey nhìn thẳng vào mắt bà hiệu trưởng Bulstrode:

- Bà thấy giả thuyết ấy có chấp nhận được không?

Bà triệu trưởng trả lời không chút ngập ngừng:

- Chưa hẳn là được. Tất nhiên tôi công nhận khả năng cô Springer phát hiện thấy ánh sáng bên Cung Thể thao và muốn tiến hành một cuộc điều tra nhỏ. Nhưng kẻ kia lại thấy cần phải thủ tiêu cô, đó là điều lôi không hiểu được. Hung thủ vào Cung Thể thao mà lại mang súng theo để làm gì, trongg khi ở đây không có gì đáng để lấy cắp? Nhất là không có một thứ gì khiến hắn dám liều lĩnh đến thế? Vậy mà hắn đã giết người ta?

Kelsey khẽ ho thông cổ họng rồi nói.

- Bà định nói rằng, có thể một cặp trai gái tình tự vụng trộm ở đây và bị nạn nhân phát hiện thấy?

- Tôi cho khả năng đó là có lý hơn cả - bà hiệu trưởng Bulstrode nói - Tuy nhiên lý do đó chưa đủ khiến kẻ kia gây án mạng. Các em học sinh của trường chúng tôi không bao giờ mang súng theo người, và người đàn ông mà các em có khả năng hò hẹn để tình tự cũng không thể đến đây mà mang theo súng.

Thanh tra Kelsey gật đầu:

- Bà nói có lý. Nhưng còn một khả năng khác: cô Springer sang đây chính là để gặp một người đàn ông...

Tiếng cười suýt bật lên nhưng bị ghìm lại, và bà giáo dạy toán Chadwick kêu lên:

- Ôi, cô Springer hoàn toàn không phải loại người như thế.

- Tôi nghĩ không nhất thiết người đàn ông đó là người tình - thanh tra Kelsey khó chịu cãi lại - Tôi thoáng nghĩ vụ án mạng này có thể được tính toán từ trước, nghĩa là hung thủ quyết tâm giết nạn nhân. Y hẹn cô Springer ra đây giữa đêm khuya rồi hạ sát cô.

Chương 20
Thư của Jennifer gửi mẹ là bà Joan Sutcliffe:

Đêm qua trong trường chúng con xảy ra một vụ án mạng: cô giáo Springer dạy thể dục bị giết. Cảnh sát đến đây từ sáng và thẩm vấn tất cả mọi người.

Bà giáo Chadwik dạy toán ra lệnh cấm chúng con không ai được lộ tin này ra, nhưng con nghĩ rằng mẹ muốn biết mọi tin tức ở đây.

* * *

Danh tiếng của trường nữ học Meadowbank khá lớn, đủ để thu hút sự chú ý của các quan chức cao cấp trong ngành cảnh sát. Trong khi cuộc điều tra đang tiến hành, bà hiệu trưởng không ngồi yên. Bà gọi điện thoại cho một quan chức cao cấp ngành báo chí và cho Bộ trưởng Nội Vụ, cả hai đều là bè bạn của bà. Kết qủa là báo chí chỉ đưa tin rất dè dặt: người ta tìm thấy một giáo viên viên thể dục bị chết ngay trong phòng tập, nguyên nhân còn chưa rõ. Hầu hết những tin vắn đăng trên báo chí đều giống như những lời nhận lỗi: tóm lại, độc giả có cảm tưởng nạn nhân do thiếu tế nhị nên mới bị giết trong hoàn cảnh như thế.

Cô thư ký Anh Shapland suốt ngày phải đánh máy những lá thư gửi các phụ huynh học sinh. Bà hiệu trưởng Bulstrode cho rằng căn dặn học sinh đừng báo tin này về cho gia đình là vô ích, bởi họ sẽ viết và còn thêm thắt ít nhiều. Cho nên bà chủ trương chủ động gửi thông báo cho các phụ huynh học sinh, trong đó tấn bi kịch được trình bày một cách "có mức độ", và những thông báo này sẽ đến tay các bậc phụ huynh cùng một lúc với những bức thư sôi nổi của con cái họ.

Hết giờ học chiều, bà hiệu trưởng Bulstrode triệu tập một cuộc họp nhỏ, không chính thức, có ông Cảnh sát trưởng và thanh tra Kelsey cùng dự. Thái độ "dìm đi" của báo chí đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành điều tra được êm ả.

- Vụ án mạng này hết sức đáng tiếc - ông Cảnh sát trưởng nói - Tôi e sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà trường.

- Một vụ án mạng bao giờ cũng gây tác động xấu - bà Hiệu trưởng đáp. Nhất lại ở một trường nữ học. Nhưng tôi nghĩ chẳng nên nói nhiều về chuyện đó. Chúng tôi sẽ đương đầu với khó khăn này: bởi chúng tôi chẳng đã từng đương đầu với bao bão tố khác đấy ư? Toàn bộ điều tôi mong ước là vụ án được khám phá trong thời gian ngắn nhất .

- Mà tại sao lại không làm được như thế kia chứ? - ông Cảnh sát trưởng nói, quay sang thanh tra Kelsey.

- Vụ án sẽ được điều tra dễ dàng hơn, nếu chúng tôi biết rõ hơn về nạn nhân, cô giáo Springer - thanh tra Kelsey nói.

- Thật sự ông cho là như thế ạ? - Bà hịệu trưởng ngắt lời.

- Có kẻ nào đó căm ghét nạn nhân.

Bà hiệu trưởng không nói gì nữa.

- Bà cho rằng thủ phạm vụ án mạng nằm ngay trong trường nữ học Meadowbank? - Ông cảnh sát trưởng hỏi.

- Thanh tra Kelsey cũng nghĩ như tôi - bà hiệu trưởng Bulstrode nói - Chỉ có điều ông thanh tra muốn tránh cho tôi phải chịu thêm một nỗi choáng váng nữa, có lẽ thế.

Thanh tra Kelsey chậm rãi nói:

- Đúng, tôi cũng cho rằng vụ án này có nguyên nhân nằm trong nội bộ trường Meadowbank. Giống như một thành viên khác của trường, cô giáo thể dục Springer cũng có những quãng thời gian rảnh rỗi, và nếu muốn, cô có thể bố trí những cuộc hò hẹn tại bất kỳ địa điểm nào. Nhưng tại sao cô lại chọn Cung Thể thao và vào giữa lúc đêm khuya?

Cảnh sát trưởng hỏi:

- Thưa bà Hiệu trưởng, bà không phản đối nếu chúng tôi tiến hành lục soát cả những nơi khác trong trường học của bà chứ?

- Không. Tôi không hề phản đối. Các ông định tìm hung khí phải không?

- Đúng thế. Căn cứ vào đường đạn đi thì đây là một khẩu súng ngắn loại nhỏ, chế tạo tại nước ngoài .

- Chế tạo tại nước ngoài... - bà Hiệu trưởng lẩm bẩm suy nghĩ.

- Theo bà biết, trong trường có một học sinh hoặc nhân viên nào có khả năng giữ một khẩu súng ngắn không?

- Nhân viên thì tôi không biết, nhưng học sinh thì tôi biết chắc là không có ai. Chính tay chúng tôi kiểm soát rất kỹ hành lý của các em khi nhập học, vào sinh hoạt nội trú ở đây. Nếu có vũ khí tất chúng tôi phát hiện được ngay. Nhưng như đã nói lúc trước xin các ông cứ tiến hành mọi việc gì các ông thấy cần thiết. Tôi đã nhìn thấy người của các ông lục soát những công trình phụ và ngoài vườn.

- Và thêm nữa - thanh tra cảnh sát Kelsey nói - tôi muốn được thẩm vấn toàn bộ giáo viên và nhân viên nhà trường. Có thể một người nào đó đã nghe thấy một câu nói nào đó của cô giáo Springer, và câu đó lại giúp chúng tôi thấy được hướng điều tra. Hoặc một người nào đó nhận thấy ở cô Springer một thái độ nào đó không bình thường.

Ngừng một lát, thanh tra Kelsey nói tiếp.

- Cả các học sinh nữa.

- Tôi đang định tối nay sẽ họp học sinh, sau giờ cầu kinh, để đề nghị các em là nếu phát hiện ra vấn đề gì mới thì đến ngay văn phòng báo cho tôi biết.

- Bà làm thế là rất tốt - ông cảnh sát trưởng khen ngợi.

- Tuy nhiên - bà Hiệu trưởng Bulstrode nói tiếp - cần lưu ý đến một điều là rất có thể một người nào đó phóng đại một chi tiết cốt để tỏ ra quan trọng, thậm chí có thể bịa ra một chi tiết thật ra không có. Tôi nghĩ kiểu khai bịa như thế các ông đã từng gặp và đã có kinh nghiệm. Đúng vậy không ạ?

- Bà nói rất đúng - thanh tra Kelsey nói - Vậy xin bà cho một bản danh sách các giáo viên và nhân viên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#readoff