Cửa Tùng đôi cánh gài

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thích Nhất Hạnh

CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI

Khi chàng dũng sĩ về đến chân núi thì trăng cũng vừa lên. Trăng mười chín soi sáng cảnh núi rừng cô tịch. Ánh trăng nhấp nháy đùa giỡn trên lá câỵ Đêm thu mát lạnh. Cảnh vật hình như không có gì đổi thay sau bảy năm xa cách. Cảnh vật tuy không xa lạ, nhưng cũng không thân mật chào đón người cũ từ phương lạ trở về. Chàng dũng sĩ dừng lại ở chân núi, nhìn lên.

Trước mặt chàng, con đường mòn lên núi đã bị đôi cánh cửa tùng khép chặt. Chàng đưa tay cố đẩỵ Nhưng hai cánh cửa kiên cố vẫn im lìm không lay chuyển dưới sức mạnh của đôi cánh tay chàng. Chàng lấy làm lạ. Ngày xưa chẳng bao giờ sư phụ chàng lại cho đóng chặt cửa lên núi như thế nàỵ Chỉ có một con đường đưa tới am sư phụ mà thôi, nhưng bây giờ lại bị đóng chặt. Hớn hở chàng vỗ tay vào đốc kiếm, phi thân nhảy qua, nhưng chàng không nhảy qua khỏi. Một mãnh lực gì níu lấy thân chàng trở lại, khiến chàng không cất mình lên khỏi hai cánh cửa tùng. Chàng rút gươm định chém rời cánh cửa, nhưng khi chạm tới cánh cửa, lưỡi gươm văng trở lại như vừa chạm vào thép cứng. Chàng chùn tay, đưa lưỡi gươm lên nhìn. Lưỡi thép sáng loáng dưới ánh trăng. Cánh cửa tùng rắn quá, và hình như đã thu nhận thần lực của sư phụ chàng, nên đã đóng kín đường mòn lại một cách hết sức vững chãi. Chàng thở dài cho gươm vào vỏ rồi ngồi phịch xuống tấm đá lớn gần bên, ôm đầu nghĩ ngợi. Bảy năm về trước, chàng còn nhớ rõ khi chàng xuống núi, sư phụ chàng đã lặng lẽ nhìn chàng một hồi lâu, không nói năng gì. Cái nhìn của Người tuy dịu dàng nhưng có lẫn đôi chút xót thương. Chàng đã cúi đầu im lặng trước đôi mắt dịu hiền và cái nhìn bao dung của sư phụ. Hồi lâu Người mới thong thả bảo chàng:

-"Ta không thể giữ con ở mãi bên ta. Thế nào con cũng phải xuống núi để hành đạo, để cứu người và giúp đời. Ta cho rằng con có thể ở lại cùng ta trong một thời gian nữa trước khi con rời ta xuống núi. Nay con đã muốn xuống thì con cứ xuống. Nhưng con ạ, ta mong con nhớ những điều ta dặn khi con đã đi vào cuộc sống đồng sự và lợi hành." Rồi Người cặn kẽ dặn chàng về những điều chàng nên tránh, và về những điều chàng nên làm. Sau hết, Người từ tốn và dịu dàng để tay trên vai chàng:

- "Con phải nhớ những tiêu chuẩn hành động mà ta đã truyền thọ cho con trong năm sáu năm trời học tập. Chớ bao giờ làm một việc gì có thể gây khổ đau cho mình và cho kẻ khác, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Hãy tiến bước mạnh dạn trên con đường mà con chắc có thể đưa con và mọi người về nơi giác ngộ. Nên nhớ muôn đời những tiêu chuẩn khổ vui và mê ngộ mà hành Đạo, độ Đời. "Thanh bảo kiếm mà ta đã trao cho con, con hãy sử dụng nó để diệt trừ ma chướng. Hãy xem đó như lưỡi gươm trí tuệ nơi tâm con sẽ dùng để hàng phục mê chướng và si vọng. Nhưng để giúp con, ta cho con thêm một bảo bối này để con có thể thành tựu công quả một cách dễ dàng."

Người thong thả lấy trong tay áo ra một chiếc kính nhỏ và đưa cho chàng: "Đây là Mê Ngộ Cảnh. Tấm kính này sẽ giúp con biết rõ thiện ác, chính tà. Có người gọi nó là kính chiếu yêu, bởi vì qua tấm kính này, con có thể thấy được nguyên hình của loài yêu quái."

Chàng nhận bảo kính và cảm động đến nỗi nói không nên lời. Tờ mờ sáng hôm sau, chàng lên bái biệt sư phụ xuống núi. Người tiễn chàng xuống tận dòng Hổ Khê và thầy trò từ biệt nhau trong tiếng suối róc rách chảỵ Sư phụ đặt bàn tay hiền dịu trên vai chàng nhìn thẳng vào cặp mắt chàng. Và nhìn theo chàng dũng sĩ ra đi. Người còn dặn theo: "Nhớ không con, nghèo khổ không thay đổi, vũ lực không khuất phục, giàu sang không mờ ám nhé. Ta ở đây đợi ngày con mang đạt nguyện trở về."

Chàng nhớ lại những ngày đầu tiên xuống núi tiếp xúc với cuộc đời. Chàng đã gặp trên con đường hành đạo bao bộ mặt khác nhau của con người, đã dùng bảo kiếm và mê ngộ cảnh của sư phụ chàng một cách có hiệu quả. Chàng còn nhớ có một lần kia, trên con đường hành đạo, chàng gặp một vị đạo sĩ tay cầm phất trần, đi lại gần chàng và mời chàng về động để bàn tính công việc giúp đời. Đạo sĩ tỏ ra rất hăng hái với việc cứu nhân độ thế và giúp ích mọi loài. Ban đầu, chàng say sưa nghe theo lời đạo sĩ.

Nhưng trong lúc tiếp xúc với vị đạo sĩ, chàng nhận thấy người này có vẻ khả nghi. Chàng đưa tay rút mê ngộ cảnh ra chiếu. Trước mắt chàng, không phải là một đạo sĩ mà là một con yêu lớn có hai nanh dài, một cặp sừng trên trán và hai con mắt xanh lè đổ lửa. Chàng vội nhảy lui lại và rút bảo kiếm chém. Yêu quái cố sức kháng cự, nhưng cuối cùng, chàng thắng, và yêu quái hiện nguyên hình quỳ dưới chân chàng xin dung toàn tánh mạng. Chàng bằng lòng tha tội nhưng buộc yêu quái phải trân trọng hứa lui về tu luyện để thoát xác thành người mà không được trá hình đạo sĩ để lừa bịp và tìm cách nuốt sống những kẻ khờ dại dễ tin.

Một lần khác, chàng gặp một vị đường quan, rất có dáng dấp một bậc cha mẹ dân. Vị đường quan râu dài bạc phơ, hứa sẽ trọng dụng chàng và đã chịu khó thức suốt một đêm để bàn với chàng về những điều chánh trị ích quốc lợi dân. Vị đường quan đã tỏ ra mình là một người thiết tha đến hạnh phúc muôn dân, nhưng khi đưa mê ngộ cảnh lên, chàng hoảng hốt nhận đó là một con heo khổng lồ với cặp mắt háu đói, thèm khát, vô cùng khủng khiếp. Chàng đứng dậy rút gươm chém. Yêu quái bỏ chạy nhưng chàng đã nhảy ra đứng chận giữa cửa công đường và hét bảo nó hiện nguyên hình. Con heo kinh khiếp hiện hình quỳ dưới chân chàng cầu xin tha tội và hứa sẽ về tu luyện tinh tấn, thoát xác biếng lười, không còn dám trá hình để rúc rỉa xương thịt người dân vô tội.

Có một hôm, đi ngang qua chợ, chàng thấy thiên hạ già trẻ trai gái xúm quanh ngôi hàng sách. Người đang bày bán sách và tranh cho mọi người là một cô gái mặt hoa da phấn, trên miệng luôn luôn sẵn có một nụ cười. Thiên hạ trầm trồ khen ngợi tranh vẽ và thi nhau mua sách. Bên cạnh cô ta lại có một cô gái khác, cũng mặt hoa da phấn, tay ôm đàn, miệng cất tiếng hát khiến mọi người đã mua sách phải mê mẫn tâm thần không muốn ra khỏi cửa hàng. Thật là một cảnh thái bình nên thơ. Chàng cũng ngây ngất đứng nghe, và cuối cùng chàng lại gần cầm lên một bức họa. Màu sắc làm chàng choáng ngợp, nhưng qua nội dung chàng thấy thoáng gợn trong tâm linh một ít nghi ngờ. Đưa mê ngộ cảnh lên nhìn, chàng hốt hoảng thấy nguyên hình hai con rắn độc, phun nọc phè phè. Chàng vội gạt mọi người ra, rút bảo kiếm, quát lên: Nghiệt súc! đừng phun nọc độc hại người. Mọi người chạy tán loạn. Hai con rắn độc văng mình tới. Nhưng trước thần lực của lưỡi bảo kiếm, cuối cùng đành phải khoanh tròn dưới gối chàng van xin thứ tội. Chàng dùng bảo kiếm cắt đứt nọc độc, đốt cháy cửa hàng và tha cho yêu súc, buộc cả hai phải hứa trở về núi tu luyện cho thoát kiếp ngậm nọc phun người. Cứ thế, chàng đã sử dụng bảo kiếm và mê ngộ cảnh theo đúng lời sư phụ dặn để cứu người và giúp đời.

Chàng đã sống miệt mài với nhiệm vụ. Đã từ lâu chàng vẫn tự cho rằng chàng là người dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời. Cuộc đời không thể vắng bóng chàng. Chàng đã trà trộn trong cuộc sống, có khi thành công, nhưng cũng nhiều khi thất bại. Đối diện với cuộc sống đầy mưu mô gian trá, nhiều lúc chàng phải uốn mình, linh động theo hoàn cảnh để chinh phục và chiến thắng. Có lúc chàng say sưa miệt mài trong công việc. Chàng cảm thấy thích thú khi hành động. Có khi chàng say mê quên cả ăn cả nghỉ, vì một sự theo đuổi mà chàng cảm thấy vì vui thích mà thực hiện hơn là ý thức rằng mình cần hoạt động để mà phụng sự. Thời gian trôi cứ như thế cho đến bảy năm. Một hôm trong lúc ngồi nghỉ bên một dòng sông, nhìn dòng nước lặng lẽ trôi, chàng giật mình thấy đã từ lâu, gần hai năm nay, chàng không dùng đến mê ngộ cảnh. Chàng không dùng, không phải là chàng quên rằng mình có mê ngộ cảnh, mà chỉ vì chàng thấy không thích dùng. Chàng nhớ lại trước đây đã có một thời chàng dùng mê ngộ cảnh một cách miễn cưỡng. Chàng nhớ lại những ngày mới xuống núi ấy, chàng đã chiến đấu rất hăng hái khi thấy nguyên hình những yêu quái xuất hiện trên mê ngộ cảnh. Chàng cũng cảm thấy hân hoan vô hạn khi soi thấy trên mê ngộ cảnh hình dáng các bậc hiền nhân. Nhưng trong thời gian trước đây, một cái gì khác lạ đã đến trong tâm hồn chàng, đến lúc nào chàng không nhận rõ. Chàng đã không thiết tha lắm khi nhìn thấy hình bóng một bậc hiền nhân, mà cũng không giận dữ lắm khi thấy một bóng hình yêu quái. Trong bóng hình yêu quái đó, đôi khi chàng lại nhận ra một vài nét hơi quen thuộc, và lưỡi bảo kiếm đã có thờ ơ khi có những bóng hình yêu quái xuất hiện trước kính thần.

Cho đến những ngày gần đây, chàng không dùng mê ngộ cảnh nữa. Chiếc kính vẫn nằm trong túi áo chàng, nhưng đã từ lâu không còn được sử dụng. Chàng lấy làm lạ và đã nói nhiều lần định quay về hỏi sư phụ. Nhưng đã ba tháng qua, bận bịu những gì không đâu, chàng chưa có thể trở về. Mãi cho đến hôm mười hai tháng tám trước đây, đi qua một rừng mai hoa nở, thấy sắc hoa trắng như tuyết lấp lánh dưới ánh trăng thu, nhớ đến những ngày thơ ấu bên rừng mai già học tập dưới chân thầy, chàng mới quyết định trở về. Đường về sao chàng thấy xa quá. Bảy ngày trèo non lặn suối mới về tới được chỗ cũ.

Nhưng đến chân núi thì trời đã tối. Trăng cũng vừa lên và hai cánh cửa tùng cũng đã khép chặt lối mòn. Chàng đành phải đợi. Buổi sáng, người sư đệ của chàng thế nào cũng phải xuống suối múc nước, và như vậy sẽ mở cửa cho chàng. Trăng đã lên tới quá đỉnh đầu, ánh trăng vằng vặc chiếu xuống rừng núi âm u. Trời càng về khuya càng lạnh. Chàng lại rút kiếm ra nhìn. Ánh trăng lại lấp lánh trên lưỡi kiếm. Chàng lại tra kiếm vào vỏ. Trên mặt chàng thoáng nét ưu tư sầu muộn. Chàng đứng dậỵ Trăng sáng quá. Núi rừng vẫn u tịch và lạnh lùng. Chàng ngồi xuống phiến đá chờ đợi. Quãng đời bảy năm qua lại trở về trong trí óc chàng. Trăng dần dần về phía núi xa. Ngàn sao lấp lánh linh động hơn, và cuối cùng bắt đầu mờ nhạt. Phương đông đã nhuộm dần ánh sáng mờ mờ.

Đường viền ngọn núi đã nổi dần trên vầng sáng nhạt. Bình minh sắp về. Chàng nghe tiếng lá khô xào xạc trên núi.Ngửng lên chàng thấy một bóng người mờ nhạt từ trên đi xuống. Chắc hẳn là người sư đệ của chàng. Trời đang tối quá chàng nhìn không rõ, chỉ thấy hình bóng.

Nhưng chắc chắn đó là người sư đệ, bởi vì tay có cầm tịnh bình. Chàng đứng dậỵ Bóng người tiến xuống và khi đến gần cánh cửa thì cũng vừa nhận ra được chàng dũng sĩ.

- "Đại huynh"

- Sư đệ! - Đại huynh về bao giờ thế ? - Ta về lúc trăng mới lên và phải đợi cả đêm dưới nàỵ. Tại sao sư phụ lại cho đóng bít lối lên như thế ? Người sư đệ mỉm cười đưa nhẹ tay mở cửa. Hai cánh cửa tùng bật ra một cách dễ dàng. Bước ra nắm lấy tay chàng và nhìn chàng tận mặt. -"Đại huynh ở một đêm giữa trời chắc lạnh lắm. Sương phủ ướt áo thế này mà, thôi để tiểu đệ phủi bớt cho. Trước kia đệ thường ở dưới núi hái rau nhặt củi và luôn tiện canh chừng người lên núi. Lâu lâu mới có một người lên núi. Nếu tiểu đệ thấy ai đáng lên hầu sư phụ thì tiểu đệ cho lên, nếu họ không đáng lên thì em lẫn tránh để cho họ lạc đường. Sư huynh biết rằng sư phụ không bao giờ muốn tiếp những người lên núi với tâm niệm không lành. Độ này tiểu đệ bận tập luyện luôn mà sư phụ cũng bận ngồi tĩnh tọa trong thạch động nên người dặn cho đệ khép cửa chắng ngang lối lên dưới này. Sư phụ có trao phép lạ khiến cho cửa tự động mở ra khi các bậc hiền nhân đến. Nhưng khi những kẻ phàm tục lên thì cửa cứ đóng chặt không thể nào vượt qua được. Nhất là khi kẻ ấy có yêu khí thì đừng mong lên núi."

Chàng dũng sĩ cau mày:

"Nhưng không lẽ ta mà lại là yêu quái ? Sao cửa lại đóng chặt?"

Người sư đệ cười lớn: - "Vâng đại huynh sao lại là yêu quái được! Đệ cũng quên đi mất là tại sao cửa lại đóng. Nhưng bây giờ dù sao thì đại huynh cũng lên núi được rồi cơ mà, vì cửa đã mở. Nhưng đại huynh đợi em chút nhé. Để tiểu đệ xuống suối múc nước rồi cùng lên một thể. Hay đại huynh xuống suối với đệ cho vui. Cười lên chứ, đại huynh giận ai mà nét mặt trông khó đăm đăm như vậy."

Hai anh em cười vang. Chàng dũng sĩ đi theo người sư đệ xuống suối. Mặt trời vẫn chưa lên, nhưng phương đông đã rạng. Hai người đã có thể nhìn rõ mặt nhau. Mặt suối lặng trong, in màu hồng của rạng đông. Bóng hai người đứng song song in hình trên mặt suối. Chàng dũng sĩ trong bộ võ phục hiên ngang, lưng đeo trường kiếm. Người sư đệ trong y phục tiểu đồng hòa nhã, tay cầm tịnh bình. Hai người cùng nhìn bóng mình in trên mặt nước mỉm cười. Một con bọ nước nhảy, làm mặt nước hồng gợn nhẹ và bóng hai người rung rung theo làn sóng nước gợn.

"Bóng chúng ta trên mặt nước đẹp quá nhỉ! Nếu bây giờ tiểu đệ múc nước thì sóng dậy và bóng tan mất. À này đại huynh "mê ngộ cảnh" sư phụ cho đại huynh còn giữ đó không?" Chàng dũng sĩ cho tay vào túi trả lời:

- Còn đây

- Tại sao chúng ta không đem ra chiếu hình chúng ta xem nào.

Chàng sực nhớ là từ lâu chàng chưa chiếu mê thử trước hình bóng mình. Chàng lấy kính thần ra, lau bụi vào vạt áo, chiếu trên mặt nước. Hai anh em châu đầu vào mặt kính.

Nhưng bỗng cả hai người cùng hét lên một tiếng kinh hoàng, khủng khiếp, và tiếp theo đó chàng dũng sĩ ngã quỵ trên bờ suối bất tỉnh. Tiếng thét kinh khủng làm chấn động cả núi rừng hoang dại. Một con nai đang uống nước phía trên dòng hoảng hốt đưa đầu lên nhìn, ngơ ngác kinh sợ. Người sư đệ vừa trông thấy trong kính thần, hình bóng của mình đứng bên cạnh hình bóng một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc răng dài quập sâu vào chiếc càm vuông, trên một khuôn mặt xám ngoẹt như gà cắt tiết.

Người sư đệ rùng mình dụi mắt nhìn lại, trên bờ suối đá xanh, chàng dũng sĩ vẫn nằm ngã lăn bất tỉnh, trên mặt vẫn còn in rõ nét kinh hoàng, đau khổ hiện hình một cách thảm hại trên con người đã từng xông pha lăn lộn bảy năm trong cuộc đời đầy cát bụi.

Người sư đệ đến ôm lấy chàng dũng sĩ và lấy nước suối vã vào mặt chàng. Vài phút sau, chàng tỉnh dậy, nét mặt vô cùng bi thảm. Hình bóng trên mê ngộ cảnh hiện ra bất ngờ quá và ý thức tự giác trong nháy mắt đã làm cho chàng ngã quỵ. Chàng đã mất hết nghị lực, mất hết sự sống. Tứ chi chàng rời rã, chàng không thể đứng dậy được nữa. Một chân quỵ xuống cát, người sư đệ dịu dàng nâng chàng ngồi dậỵ Nét thiểu não và khổ đau còn in rõ trên khuôn mặt chàng.

- "Thôi, đại huynh vui lên. Chúng ta sẽ lại lên núi"

Giọng nói của người sư đệ êm như một hơi gió thoảng, nhẹ như một tiếng thì thầm. Nhưng chàng lắc đầu một cách thất vọng. Chàng không còn muốn sống. Đau khổ đã làm chàng thảm não và tâm hồn chàng vừa bị tàn phá tang thương như mặt đất sau cơn phong vũ điên cuồng. Chàng không còn dám có ý tưởng lên núi để nhìn mặt sư phụ. Người sư đệ vuốt tóc chàng, an ủi: "Thầy thương anh lắm. Không sao đâu, đại huynh sẽ ở mãi bên thầy (vỗ về). Đại huynh sẽ sống bên em như những ngày xưa êm đẹp cũ (khóc). Em không ngờ bao nhiêu năm dưới núi đã tàn hại anh đến thế."

Và người ta thấy trên con đường mòn cheo leo lên núi, bóng người sư đệ lần từng bước dìu chàng dũng sĩ trở lên động. Trời vẫn còn chưa sáng hẳn, bóng hai người in trên màn sương mỏng nhẹ của núi rừng buổi sáng. Tia nắng đầu tiên soi rõ dáng điệu thiểu não rời rã của chàng dũng sĩ bên cạnh dáng điệu diệu dàng từ hòa của người sư đệ. Mặt trời đã nhô khỏi đỉnh núi xa.

ĐỌC LẠI " CỬA TÙNG ĐÔI CÁNH GÀI " Của NHẤT HẠNH (Tiểu luận Mang Viên Long)

Chuyện kể về cuộc đời tu tập, hành đạo "để cứu người và giúp đời" của một tu sĩ, một hành giả - mà trong truyện gọi là "chàng dũng sĩ".

Sau một thời gian ẩn cư trên núi tu học với Sư phụ, tuy chưa đúng lúc để xuống núi - vào đời để hành đạo. "Ta cho rằng con có thể ở lại cùng ta trong một thời gian nữa trước khi con rời ta xuống núi . Nay con đã muốn xuống thì cứ xuống". Vì lòng nhiệt tình, vì quá bức xúc trước nỗi khổ đau của đồng loại - chàng đã khẩn khoản xin Thầy , và đã được chấp thuận.

Ngày tiễn chàng ra đi, Sư phụ đã ân cần khuyên dạy, nhắc nhở mọi điều cần thiết, và nhìn chàng "dịu dàng nhưng có lẫn đôi chút xót thương". Để giúp người học trò có tâm đạo cao thượng, quyết chí vào đời để cứu nhân độ thế - đem lại lợi lạc cho tất cả -"Có thể đưa con và mọi người về nơi Giác ngộ" -Sư phụ đã trao cho chàng hai bảo vật : Thanh Bảo Kiếm và chiếc kính "Mê Ngộ Cảnh".

Bảo Kiếm thì để diệt trừ ma chướng - "Xem đó như lưỡi gươm trí tuệ nơi tâm con sẽ dùng để hàng phục mê chướng và si vong". Còn Mê Ngộ Cảnh sẽ giúp chàng biết rõ thiện ác, chính tà- có người gọi là "kính chiếu yêu".

Những tháng năm mới vào đời hành đạo, chàng luôn dùng Bảo Kiếm và Mê Ngộ Cảnh - đã giúp chàng làm nhiều Phật sự có hiệu quả, tốt đẹp, trong cuộc sống đồng sự và lợi hành.

Có ba lần chàng sử dụng "kính chiếu yêu" đáng ghi nhớ nhất là : Lần thứ nhất, gặp "một vĩ đạo sĩ tay cầm phất trần", rất hăng hái với việc cứu nhân độ thế, và giúp ích mọi loài. Chàng đưa tay rút Mê Ngộ Cảnh ra chiếu : "...Một con yêu lớn có hai nanh dài, một cặp sừng trên trán, và hai con mắt xanh lè đổ lửa". Lần thứ hai, gặp "một vị đường quan, rất có dáng dấp, của một bậc cha mẹ dân". Đưa Mê Ngộ Cảnh ra xem: "Đó là một con heo khổng lồ, với cặp mắt háu đói, thèm khát - vô cùng khủng khiếp". Lần thứ ba, là một gian hàng bán sách báo và tranh ảnh mà chủ quán là "một cô gái mặt hoa, da phấn, trên miệng luôn luôn sẵn có một nụ cười". Bên cạnh cô ta lại có một cô gái khác - cũng mặt hoa da phấn ; tay ôm đàn, miệng cất tiếng hát khiến mọi người mua sách phải mê mẩn tâm thần. Đưa Mê Ngộ Cảnh lên nhìn : "Chàng hoảng hốt thấy nguyên hình hai con rắn, phun nọc độc phè phè...".

Chàng đã sử dụng Bảo Kiếm và Mê Ngộ Cảnh theo đúng lời Sư phụ dặn để cứu người và giúp đời. Chàng tự cho rằng mình là "dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời"- cuộc đời không thể vắng bóng chàng.

Thế rồi có một hôm trong lúc ngồi nghỉ bên dòng sông, nhìn dòng nước lặng lẽ trôi, chàng "giựt mình thấy đã từ lâu, gần hai năm nay, chàng không dùng đến Mê Ngộ Cảnh" Lý do : "chàng không thích dùng".Gần đây, chàng đã dùng nó một cách miễn cưỡng. - "một cái gì khác lạ đã đến trong tâm hồn chàng, đến lúc nào chàng không nhận rõ".

Từ cảm giác không mấy thiết tha khi nhìn thấy bóng hình bậc hiền nhân, và "cũng không giận dữ lắm khi thấy bóng hình yêu quái" hiện ra trong gương ; chàng lại có cảm tưởng gần gũi "nhận ra một vài nét hơi quen thuộc". Và cũng từ đó, lưỡi kiếm đã thờ ơ khi có những bóng hình yêu quái xuất hiện.

Vậy là "chiếc kính vẫn nằm trong túi áo chàng, nhưng đã từ lâu không được sử dụng nữa". Chàng lấy làm lạ, và tìm dịp quay về hỏi lại Sư phụ .

Và "chàng dũng sĩ" ngày nào hăm hở xuống núi, quyết tâm hành đạo cứu người giúp đời, đã quay trở lại núi với tâm trạng bàng hoàng,; nhưng đôi cánh cửa Tùng của con đường duy nhất dẫn lên thảo am của Sư phụ, đã được gài đóng kỹ. Dùng kiếm chặt mở không được, phi thân cũng chẳng qua nỗi. Chàng đành thức suốt đêm bên này đôi cánh cửa để chờ người tiểu đồng - sư đệ, xuống núi lấy nước, mở giúp . "Người sư đệ mỉm cười, đưa nhẹ tay mở cửa ; hai cánh cửa tùng bật ra dễ dàng". Người sư đệ còn cho biết "Sư phụ có trao phép lạ khiến cho cửa tự động mở ra khi các bậc hiền nhân đến. Nhưng khi những kẻ phàm tục lên thì cửa đóng chặt không thể nào vượt qua được".

Chàng dũng sĩ cau mày : "Nhưng không lẽ ta lại là yêu quái?".

Lúc cả hai cùng vui vẻ xuống núi múc nước, cùng nhìn bóng mình soi rõ trên dòng nước xanh trong - Người sư đệ đề nghị "Tại sao chúng ta không đem gương ra chiếu hình chúng ta xem nào ?". Chàng sực nhớ là từ lâu chàng chỉ chiếu Mê Ngộ Cảnh trước người khác, mà chưa bao giờ chiếu thử trước hình bóng mình ! Lần này - lần đầu, chàng chiếu lại bóng hình mình. Cả hai người "Cùng hét lên một tiếng kinh hoàng, khủng khiếp, và tiếp đó chàng dũng sĩ ngã qụy trên bờ suối, bất tỉnh...".

Kết thúc thứ nhất của câu chuyện : "Chàng dũng sĩ vẫn còn nằm ngã lăn bất tỉnh, trên mặt vẫn còn in rõ nét kinh hoàng ; đau khổ hiện hình một cách thảm hại trên con người đã từng xông pha lăn lộn bảy năm trong cuộc đời đầy cát bụi".

Tác giả ghi thêm "phụ chú" : "Tôi chấm dứt câu chuyện này ngang đây, mà nghĩ rằng chàng dũng sĩ sẽ không còn lên núi lại được. Những sau đó, tôi nghĩ, có thể thêm vào một đoạn như sau". Đoạn thêm vào dài không được hai trang (trong 18 trang) diễn tả chàng dũng sĩ đã được sư đệ "lấy nước suối vã vào mặt" để cứu chàng tỉnh lại. Người sư đệ dịu dàng nâng chàng dậy - thân tình nói với chàng : "Thôi, đại huynh vui lên, chúng ta sẽ lại lên núi". Và người ta thấy bóng người sư đệ lần từng bước dìu chàng dũng sĩ trở lên động...

Mượn kỹ thuật, hình thức là một truyện ngắn, Tác giả đã đưa ra, trình bày một vấn đề rất lớn, bao gồm cả hai lãnh vực đạo và đời. Mọi khía cạnh tinh tế và quan thiết, đều đã được Tác giả đề cập đầy đủ, sâu sắc, và bằng những kinh nghiệm tu chứng qua bao gian khó - tác giả đã khuyên bảo, thức tỉnh người đọc bằng lối dẫn truyện khá lôi cuốn, phong phú - tạo nhiều ấn tượng mạnh mẽ, sâu đậm, khó quên.

Ba lần soi kính Mê Ngộ Cảnh, tác giả đưa ra ba lãnh vực sống thực - rất tiêu biểu trong xã hội : Lớp "đạo sĩ" giả danh, "tỏ ra rất hăng hái với việc cứu nhân độ thế và giúp ích mọi loài". Đây cũng là đại diện cho một loại đạo đức giả rất thường gặp trong cuộc sống. Loại "quan lại" tham ô, hại dân, tâm địa ác độc, lại "chịu khó thức suốt một đêm để bàn với chàng về những điều chính trị, ích quốc lợi dân" - hạng người đội lốt trí thức , yêu dân, yêu nước mà luôn nghĩ tới việc vơ vét, hưởng thụ - cũng là mối nguy hại thường xuyên cho xã hội. Cuối cùng là mối nguy hiểm khó lường của kẻ "đội lốt làm văn học nghệ thuật" mà chỉ để ru ngủ, làm mê muội lòng người, xa rời thực tế, xa rời bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc : Đó là những "nọc độc" chết người để lại cho nhiều thế hệ.

Tác giả đã mô tả tiến trình tâm lý của chàng dũng sĩ rất logic, rất xác thực : khởi đầu nồng nhiệt, thành tâm (nhờ có Sư phụ dạy bảo / thanh Bảo Kiếm", Mê Ngộ Cảnh), nhưng dần về sau, vì quá tự mãn, lơ là việc thúc liễm thân tâm, sống không chánh niệm, nên cấu nế của cuộc đời đã thấm nhập vào chàng như người đi trong sương - đến khi ướt lạnh thì mới hay, và đã trở thành "bóng một con yêu to lớn với đôi mắt tối sâu như hai miệng giếng không đáy, hai chiếc răng dài quặp sâu vào chiếc cằm vuông, trên gương mặt xám ngoắt như gà cắt tiết"- Đó là một sự diễn tiến như quy luật mà ít có người tỉnh thức để tránh khỏi; vượt qua, trong quá trình tu tập (hay rèn luyện để trở nên hiền nhân). Khi không quan tâm (bỏ quên) Bảo Kiếm (Trí Tuệ) và xa rời Mê Ngộ Cảnh (Tâm thanh tịnh / chánh niệm) thì ắt sẽ rơi vào hố sâu mê muội, và tâm sẽ điên đảo, thác loạn, xấu ác của loài ác quỷ !.

Trong Pháp Bảo Đàn kinh, Lục Tổ Huệ Năng đã dạy : "chớ nên dòm ngó lỗi người, hãy nên nhìn lại chính mình" - chàng dũng sĩ mải mê soi rọi vào người, mà chẳng bao giờ soi lại "bản lai diện mục" của mình. Đến nỗi, dần dần, vì quá quen với "gương mặt, hình bóng" của người (ác quỷ nhiều hơn hiền nhân) - và đánh mất khả năng phân biệt, rồi tự đồng hóa với ác quỷ tự bao giờ không hề hay biết! Đây là một yếu tố tâm lý rất vi tế.

Phần "phụ chú" cuối truyện được xem như kết truyện thứ hai : Nhờ sự cảm thông chia xẻ, nâng đỡ, dìu dắt của sư đệ (tăng thân) - tác giả đã mở ra con đường trở lại cho chàng dũng sĩ - Đôi cánh cửa tùng không còn khép nữa - cho người chí thành sám hối , làm lại cuộc đời. Xây lại ước mơ cao đẹp ...

"Cửa Tùng Đôi Cánh Gài" là một truyện ngắn đặc sắc vậy !

Phật đản, PL 2546

*Truyện dài 18tr, khổ 12 x 13cm

xuất bản trước 1975

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro