Oneshot: Cẩn thận với người lạ, đừng nghe quỷ liên thiên.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


W/n: Thế giới giả tưởng, sự việc giả tưởng, mọi thứ đều là giả tưởng, đọc giải trí, không có tác dụng trong thực tiễn.

* Cúc cung: Cúi mình làm lễ một cách tôn kính, tỏ lòng thành.

***

- Con xin cúi lạy ông, cầu ông cho con năm mới làm ăn phát đạt, con xin dâng ông thẻ hương với mâm ngũ quả...

Trong miếu ông Thìn, người đàn bà thành kính dập đầu ba cái rồi đứng dậy, kéo tay con gái ra ngoài. Giờ thì vắng hoe, trong ngôi miếu nhỏ chỉ còn khói nhang nhè nhẹ bay lên rồi lan ra xung quanh, khiến không gian nhỏ hẹp mờ đi.

Bây giờ là mùng sáu Tết. Ở làng Xanh này người ta có thói quen tới miếu ông Thìn trong vòng một tuần đầu tiên của năm mới để xin lộc. Nói thế chứ làng bé tẹo, giả như mỗi nhà vào khấn cả tiếng đồng hồ thì cũng chẳng hết đến ngày thứ hai. Cái làng nghèo túng và bé như cái lỗ mũi.

Người đàn bà khi nãy là bà Tư vợ trưởng làng, năm nay con vừa mười tám nên dẫn đi học khấn vái để mấy sau về nhà chồng, mấy dịp lễ tết còn biết đường mà nói, mà làm. Để mà tính ra con gái bà lấy con trai nhà nào cũng thật là khó. Làng này nhỏ, người ta họ hàng dây mơ rễ má với nhau, chính nhà bà cũng lằng nhằng với sáu bảy nhà khác. Ấy mới là họ gần thôi đấy.

- Bố nó, cái Mây vào gọi bố ra đây.

Người con gái ngơ ngẩn gật đầu, lạch bạch chạy vào trong căn nhà vừa thấp vừa chật, kéo tay một người đàn ông tầm năm nhăm, sáu mươi tuổi ra ngoài hiên. Người đàn ông có lẽ bởi khắc khổ nên mang một vẻ già nua khó nói. Cũng phải thôi bởi có việc gì ở làng và ở nhà không đến tay ông đâu. Ông bước đi thế mà nhẹ nhàng, ngồi xuống cái ghế đẩu mục cạnh cửa.

- Gì thế?

Người đàn bà chép miệng, nói:

- Ông nghĩ xem cái Mây lấy đứa nào thì được, chứ trai làng này còn được ba bốn mống, mà có phải thằng nào cũng khỏe mạnh đâu. Cứ như con ông Niệm ốm dặt ốm dẹo...

- Ôi dào, mới tháng Giêng, cứ chờ đến hội tháng Sáu xem sao.

Ông Tư nhởn nhơ bưng bát nước chè lên miệng, roạt một cái cạn rồi bỏ đấy, vào trong nhà tiếp tục sửa cái kệ gãy mất một chân. Bà Tư chán nản nhìn chồng, tiện tay cầm cái bát mẻ ra cái ao sau vườn, trong bụng suy tính mãi về chuyện thành gia lập thất của cô con gái út.

Mây đang ngẩn người ở đó. Nó ngồi bên giậu mồng tơi, mắt mở thao láo trông ra phía đường đến miếu. Bà cũng chẳng nghĩ nhiều, xắn ống quần bước qua sân vườn lầy lội. Ngồi bên bờ ao, bà hỏi khẽ:

- Mây, con có để ý ai trong làng không?

Mây im lặng một lúc, đôi môi nó mở hé như sợ không khí thoát ra ngoài:

- ...Thìn.

- Hả?

- Thìn. - Lần này thì rõ ràng hơn.

- Làm quái gì có nhà nào tên Thìn ở cái làng này, mày có ngớ ngẩn không?

Mây không nói gì nữa, bà Tư cũng vậy. Bà tặc lưỡi, không nghĩ nhiều, thôi thì cứ xem đến hội tháng Sáu, có nhà nào tốt thì gởi lễ con gà quả trứng.

Tập tục ở làng này như vậy, mỗi năm vào hội rằm tháng Sáu, các nhà có con trai con gái chưa lấy vợ lấy chồng sẽ đưa con tới sân đình, các anh con trai sẽ khoe sức khoe của, bên đằng gái thì trổ tài nữ công. Cuối hội, nhà mình ưng con cái nhà nào thì gửi biếu con gà trống với dăm ba quả trứng mới, hay vài nhà còn thêm cả làn hoa quả, bịch gạo nếp. Nếu hai nhà trùng hợp cùng gửi lễ cho nhau thì xem như nên duyên, chờ tới tháng Tám chọn ngày đẹp là cưới gả.

Trời lại lất phất mưa, mưa suốt từ hai bảy Tết tới giờ, sân sau nhà ông bà Tư là đất, có nước vào lại trơn trượt, bà Tư phải bấm chân mà bước. Đang càm ràm về cơn mưa, chợt bà nghe thấy tiếng "Ùm" lớn phía sau lưng. Bà hốt hoảng quay lại, thấy con gái ngã xuống ao. Nó không hét lên hay kêu cứu, cứ im lặng để mình chìm dần thế.

- Bố nó! - Bà hét lớn. - Bố nó ơi!

Ông Tư thấy vợ gọi giật giọng thì hớt hải chạy ra:

- Cái gì, cái gì thế?

Vừa nhìn qua, ông đã chạy những bước dài về phía cái ao, khi còn cách ao khoảng năm bước thì chợt, ông ngã. Sân trơn khiến ông trượt chân, đầu đập xuống đất hoa cả mắt. Bà Tư vừa chạy vào trong nhà lấy sợi thừng, xỏ chân vào đôi ủng để chống trượt rồi lao về phía Mây, lội xuống mép ao gắng tròng sợi dây vào người nó. Ông Tư gượng đứng dậy, loạng choạng nắm một đầu dây thừng mà kéo. Mây nhắm mắt lại, dường như không thèm quan tâm đến bố mẹ nó đang hốt hoảng bên kia.

Hai ông bà cũng chẳng còn trẻ, tới khi kéo được Mây vào thì chân tay bủn rủn hết cả. Chẳng quan tâm bùn sình lầy lội, cả mấy người nằm vật ra đất, hai ông bà thở hồng hộc như vừa đi cày hết ruộng của cả làng về.

Một lúc sau mới hồi lại, bà Tư kéo Mây vào nhà, dúi nó lên sập mà quát:

- Mày làm cái gì vậy con?! Đang yên đang lành lại nhảy xuống ao!

Mây nhắm mắt, đầu ngoẹo sang một bên. Thực ra bà Tư cũng sợ, bà phải quát lên cho át cái cơn sợ ấy đi. Từ sáng đến giờ, không biết sao con bà cứ ngẩn ngẩn nữa... Cứ như là bị trúng tà. Bà lo, con bé Mây này từ bé đã rụt rè sợ sệt, ai cũng bảo con này yếu bóng vía, không cẩn thận bị vong bắt như chơi.

Chợt, bà thấy dưới góc áo Mây có một vệt màu, kéo ra xem thì thấy hình bông hoa đào không biết vẽ bằng mực gì, nhưng màu đỏ, trộn với ít đất cát gì đó. Mà rõ là cái áo này do chính tay bà may, làm gì có hoa đào hoa đủng gì. Bà Tư kéo cái Mây dậy đi tắm, trong lúc nó tắm thì bà thử vò qua cái áo nhưng bông hoa đào nhất nhất két chặt vào sợi vải, dùng cả nước bồ hòn cũng không ăn thua. Bà đành mang áo ra sân phơi. Khi chuẩn bị quay trở vào thì bà nhác thấy bóng một cậu trai đứng ở phái bên kia bờ rào, đang loay hoay trái phải, không biết tìm gì. Tính bà hay đưa chuyện, thế là hỏi:

- Này, cậu kia ơi, tìm cái gì đấy?

Chàng trai thấy có người gọi mình thì quay lại, nhanh chân bước đến vịn vào hàng rào.

- Bác ơi bác cho cháu hỏi miếu ông Thìn ở đâu thế ạ?

- Ô, cậu ở chỗ khác đến à? Có chuyện gì đấy?

- Vâng, cháu ở chỗ khác đến, nghe bảo miếu thiêng nên đến xin lộc ạ.

Bà Tư nheo nheo mắt, xỏ dép rồi ra mở cổng, tay xách làn, tay kia với cái nón treo bên cạnh đội lên đầu.

- Ừ, tôi cũng chuẩn bị đến đấy đây, cậu đi với tôi.

- Cháu cảm ơn ạ!

Khi nãy thấy con gái như mất hồn, bà đã nghĩ lên miếu xin cầu khấn để nhờ ơn ông Thìn, bị như này khéo do Mây nó yếu vía. Mới đến xin xong, chưa gì lại đến nữa, không biết có sao không. Mà, hình như từ sau khi ở miếu về nó mới bị thế... Hay là trên đường này có chỗ nào có mồ mả gì, hai mẹ con đi rồi lỡ phạm phải người ta? Nhưng không, cái đường này bà đi từ bé tới giờ bốn mươi mấy năm, làm gì có mồ nào, mấy năm nay trong làng cũng chẳng có ai chết. Thế thì lạ thật, chưa nói đến chuyện ấy, miếu ông Thìn thiêng đó giờ, có là ma quỷ cũng nào dám lại gần, lại còn mới tu sửa miếu đợt trước nữa.

- Bác, bác ơi.

Bà Tư giật mình, thì ra là suýt nữa bà đã đi qua đường vào miếu, cũng tại mải suy nghĩ quá.

- Ơi, ừ, đến miếu rồi, cậu vào thắp hương thì thắp, không thì vòng ra sau, có cái giếng ấy, lấy một bình về uống hoặc mang theo bên người lấy may cũng được.

Rồi bà đi vào trong, rút ba que nhang, chắp tay trước ngực lẩm bẩm khấn vái. Trong miếu, dù không có ai lên nhưng không hiểu sao khói hương vẫn mờ mờ ám đầy, tuyệt nhiên chỉ quanh quẩn bên trong căn miếu nhỏ ấy, vừa đến cửa là như bị thứ gì chặn lại vậy. Nhưng bà Tư không nghĩ nhiều, bà làm gì còn tâm trí mà để ý mấy cái thứ đâu đâu, con gái bà còn đang bị làm sao kia kìa. Lạy lục xong, khi bà vừa cắm hương thì chàng trai bước vào, cứ nhìn chăm chăm vào bức tượng ông Thìn. Bà cũng không để ý lắm, chỉ giục:

- Cậu gì ơi, trời sắp tối rồi đấy, đường rừng không đi nhanh là không thấy lối mà về đâu.

Chàng trai gật đầu, vội vàng theo sau bà Tư đi về, tiện tay bẻ một cành đào ở cửa miếu giắt vào balo. Cậu ta kéo tay bà bước nhanh, dù không hiểu gì nhưng bà cũng cứ để cậu ta kéo vậy. Dù sao thì bà cũng là dân ở đây, người ngoài đến vùng này không có ai chỉ đường thì chỉ có lối lạc quanh quanh trong rừng thôi. Bà không sợ gì cả.

Khi đã đi khá xa miếu, chàng trai mới thở phào một cái, buông tay bà Tư ra. Vẻ mặt cậu ta như đang sợ sệt, hệt như hồi bé ra đường chơi mà bắt gặp con chó đẻ nhà nào không xích lại vậy. Thấy bàn tay cậu ta run run và những giọt mồ hôi rất to đang trượt dần xuống gò má, bà Tư hiếu kì hỏi:

- Này, cậu sao thế? Gì mà hớt hải như gặp ma.

Chàng trai nói lớn, gần như là hét lên:

- Ma gì mà ma, còn kinh khủng hơn cả ma nữa kìa! Sao mà cái làng này vẫn còn thờ cúng ở đấy mà chưa bị gì!

Tự nhiên bà Tư hơi lạnh sống lưng, sau lưng bà lúc này, tuy có mặc cả áo khoác mà cứ như chỉ có hơi lạnh trườn dọc lên, từ xương cụt đến tận ót. Dường như bà đoán ra được điều gì đó, run rẩy hỏi:

- Cậu... cậu nói thế là ý gì?

- Giờ về nhà đã, rồi cháu nói cho bác, ở đây không an toàn đâu.

Bà Tư lật đật dẫn chàng trai theo con đường mòn năm ngã bảy lối, loạn như một mê cung từ từ về đường cái. Dọc đường đi, hai người im lặng như con mồi biết rằng mình đang bị kẻ địch rình mò, mãi cho đến khi đặt chân xuống đường làng đầy cát sỏi, bà Tư mới thở phào một hơi, kéo balo cậu thanh niên về hướng nhà mình.

- Đi, tối nay cậu sang nhà tôi mà ở, giờ này cũng muộn rồi, chắc cậu chưa tìm chỗ ở chứ?

- Vâng, cháu chưa, cảm ơn bác.

Bà Tư kéo gần như lôi cậu ta theo mình, hớt hải mở cánh cổng cũ kĩ đánh kẹt một tiếng dài. Cánh cổng tre cũ kĩ ẩm mục. Bà băng qua sân trước nhà, giật cánh cửa cũng cũ như chính bản thân bà ra và bước vào trong. Chỉ thấy bà vén tất cả mành rèm, ngó nghiêng xung quanh và cất tiếng gọi:

- Mây, cái Mây đâu rồi?

Chàng trai thấy một cô gái khoảng mười bảy, mười tám bước ra từ sau một tấm rèm che trước cửa buồng khá mới phía góc nhà. Vẻ mặt của Mây đờ đẫn và vô cảm, giữa trán in hình một bông hoa đào màu đỏ.

- Trời ơi cái Mây! - Bà Tư la lên. - Con vẽ cái gì lên mặt thế hả?

Ở làng này người ta vẫn nói chỉ có phường ăn chơi mới vẽ hoa lên mặt, ít ai còn nhớ lí do nhưng dường như làm vậy mang đến may mắn cho những người phụ nữ ấy. Và cũng phải công nhận những cánh hoa xanh lam hoặc đỏ làm họ kiêu kỳ lên nhiều lắm.

Bà Tư giật cái khăn vắt trên vai, xấp nước rồi lau hình bông hoa kia đi. Thế nhưng dù cho bà có kì đỏ cả trán Mây thì bông hoa vẫn rực rỡ, không mảy may mờ đi dù là một góc nào. Bà vứt cái khăn đấy, kéo tay Mây ra trước mặt cậu thanh niên, giọng khẩn nài:

- Tôi xin cậu, cậu là cao nhân, gần trưa nay tôi có đưa con gái tới miếu khấn vái, lúc trở về nó cứ ngơ ngẩn, hết vẽ hoa lên áo lại đờ đờ đẫn đẫn, rồi còn nhảy cả xuống ao. Cậu làm ơn làm phước xem nó hộ tôi với, cả nhà tôi đội ơn cậu.

- Cháu nào phải cao nhân gì đâu bác. - Cậu ta xua tay. - Chỉ là cháu có duyên nên nhìn thấy một số thứ thôi ạ, bác để cô ấy ngồi lên sập giúp cháu với.

Bà Tư rối rít đỡ con gái ngồi lên sập, rồi theo hướng dẫn của chàng trai, kéo chồng đang nằm trong buồng ra ngoài sắm sửa đồ dùng. Ông Tư cứ rên rỉ mãi vì cái lưng đau và cơn đau đầu sau cú ngã khi trước.

Vừa chạy ra đến cổng thì bà cụ Gái hàng xóm cất tiếng hỏi:

- Cô chú Tư đi đâu mà hớt ha hớt hải thế?

- Bọn con đi sắm ít đồ, vội lắm, có gì con kể cụ sau.

Theo bóng lưng xa dần của hai vợ chồng, bà cụ Gái vẫn cứ đứng đó nhìn, đôi mắt già nua nhưng sáng nheo lại như dò xét.

- Ối chà, cái Mây.

Bà cụ chống gậy, bước từng bước nhỏ vào trong ngôi nhà bám đầy rêu và tường thì đã bong ra từng mảng, lộ cả gạch đỏ. Cụ vào buồng và đứng trước giường, giơ tay đưa gậy với vào phía trên tấm ván gỗ đóng chặt vào tường ngay thẳng giường lên. Một bọc vải bạc phếch rơi xuống. Cụ khó nhọc cúi xuống đất để nhặt cái bọc ấy lên. Xương khớp của một bà lão đã chín mươi cứng ngắc như làm bằng một khúc gỗ mục liền từ cổ đến chân, mỗi lần cố chuyển động lại kêu rắc rắc. Ngồi lên giường, cụ mở bọc, đôi tay run rẩy cẩn thận nhấc từ chiếc bọc ra một cái bình sứ màu đen có chạm hoa văn màu vàng. Cái bình sứ rạn bóng loáng thoạt nhìn chẳng liên quan đến căn nhà nghèo túng với một cụ già lọm khọm gần đất xa trời. Cụ lắc lắc: trống rỗng. Thế là cụ nhấc đáy bình lên xem, quả nhiên có một vết nứt nhỏ. Cụ Gái lại lật bọc vải ra, lấy một cái bút lông, nhúng vào hộp keo màu vàng rồi tỉ mỉ đắp vào vết nứt. Cái bình lại lành lặn, chỉ là đã có thêm một vệt vàng lấp lánh. Cụ gật đầu, cất bút rồi cầm bình đi về phía cửa.

Phía bên nhà ông bà Tư, ngoài sân cạnh ao đã bày biện đủ nào là bàn, thảm; trên bàn còn đặt đủ bát hương, con gà với mấy thứ đồ mà khi nãy chàng trai nhắc hai người mua. Họ lo lắng đứng phía xa xa, bên cạnh cánh cửa ra vườn và nhìn về phía chàng trai ấy, bên cạnh cậu là Mây đang ngồi ngẩn ngơ. Bây giờ không chỉ trên mặt mà sau hai bên tai với cổ tay, cổ chân của cô đều có hình hoa đào đỏ. Những bông hoa không dịu dàng như đào tháng Giêng mà đỏ tươi như máu ứa ra qua làn da mỏng manh của Mây. Tóc Mây dài và đẹp, trước thường buộc thấp sau đầu, giờ lại xõa ra, bị gió cuốn tung lên và mắc ngang trên má, trên mũi, trên đôi môi trắng bệch. Nhìn Mây như một vong nữ.

Bà Tư khóc lên thành tiếng, đến bây giờ khi tìm thấy người có thể cứu con gái, bà mới khóc được, mới có thời gian và rảnh óc để khóc. Dù rằng là bà thô kệch, lam lũ nhưng cái Mây là con gái yêu của bà, chẳng mấy khi bà để nó chịu một chút nặng nhọc nào của cái nghèo túng bần hàn. Nó lớn lên như con gái nhà giàu, dịu dàng và hồng hào. Lúc này nhìn Mây trắng như tượng sứ, căng như sắp nứt ra, lòng bà lặng đi. Trái tim mệt nhọc bây giờ chỉ dám run lên nhè nhẹ chứ không đập bình bịch như lúc chiều nhận ra con gái bị ám lấy nữa. Chắc là sợ đập mạnh một chút sẽ khiến cái Mây nát vụn.

Chẳng nghe thấy chàng trai khấn vái cái gì, cậu ta chỉ lẩm bẩm trong miệng rồi nói thầm bên tai Mây. Mây dường như mấp máy môi đáp lời, tròng mắt cố gắng chuyển động nhưng mi lại rủ xuống che đi con ngươi. Mái tóc dài lại bị thổi tung, lần này thì che mặt nó khuất hẳn. Bỗng, chàng trai đứng dậy, tiến tới chỗ ông bà Tư hỏi nhỏ:

- Cô ấy nhảy xuống ao à?

- Ừ, ừ, nó nhảy xuống cái ao đấy, chắc chắn là nó tự nhảy, vì lúc chìm, nó còn không thèm kêu lấy một tiếng... - Bà Tư trả lời ngắt quãng giữa những cơn nấc nghẹn.

- Con quỷ này mạnh, cháu không đủ sức giết nó, nên giờ chỉ còn cách là lừa nó thôi. Giờ cháu đưa cô ấy xuống ao, nhấn ngập đầu một lúc, không, bác yên tâm, chỉ cỡ mươi mười lăm giây thôi. Cô ấy như thế này rồi có lẽ là do quỷ muốn bắt về làm vợ, mà nó không tự tay giết người được nên phải thao túng cô ấy tự sát. Nó sẽ hút lấy hồn của cô ấy rồi dung hòa vào cơ thể mình, giống như vợ chồng chung xác. Đưa cô ấy xuống nước một lúc sẽ khiến con quỷ tin rằng cô ấy đã nguyện chết vì mình. Dù sao thì người cô ấy cũng đã đầy vết tích của vợ quỷ rồi, cái bông hoa kia ấy.

Ông Tư lúc này mới thở dài, mở giọng khàn khàn hỏi:

- Thế, nhỡ nó không bị lừa thì sao? Lúc sớm cái Mây cũng nhảy vào ao một lần rồi mà...

- Lúc ấy cô Mây chưa nhận dấu hoa, nhảy xuống một lúc kiểu gì cũng tự mò lên thôi. Giờ đã nhận đủ, chỉ cần chạm nước là con quỷ sẽ tự nghĩ rằng cô ấy xuống để chết. Quỷ dễ lừa mà.

Không hiểu sao chàng trai lại cười nhẹ khi nói đến câu cuối. Nhưng chỉ thoáng qua thôi. Nụ cười nhẹ đến nỗi ông bà Tư không chú ý đến. Thấy hai người im lặng thay cho sự đồng ý, chàng trai quay trở về chỗ của mình, khom người bế Mây lên, nâng niu như món đồ cậu ta dùng cả gia tài để đổi lấy vậy. Hai người từng bước một đi xa ông bà Tư hơn, ở phía của ông bà chỉ có thể nhìn thấy bóng lưng chàng trai di chuyển nhẹ nhàng. Bởi lẽ ấy mà họ không thấy được Mây vốn đờ đẫn lại túm chặt lấy áo của chàng trai, cọ đầu vào lồng ngực cậu ta. Cô nhắm mắt, lần này là một cái nhắm mắt từ từ và thanh thản. Hệt như lời cậu ta nói, càng đến gần ao, Mây càng buông xuôi như chấp nhận và ao ước cái chết.

Chàng trai thả Mây xuống nước một cách chậm rãi, bắt đầu là bàn chân. Vì nước ao tháng Giêng ấm hơn trên bờ nên Mây duỗi chân ra dường như muốn khỏa nước. Chàng trai ấn cô xuống nhanh hơn, lúc này thì chỉ còn đầu Mây ở bên trên. Cơ thể cô buông lỏng, áo bị nước kéo lên để lộ một đóa hoa đỏ ngay dưới rốn. Hoa ngày càng đỏ.

Ông bà Tư bên kia đã quỳ xuống từ lúc nào, hướng về phía bàn lễ mà dập đầu khấn vái. Rồi bà Tư kéo chồng quay về phía miếu ông Thìn để vái vọng, hoàn toàn quên mất rằng chàng trai đã nói với bà miếu đó bị quỷ tranh, có lẽ là từ khi tu sửa. Lúc đó hình như đã cắt phải vật trấn chôn dưới chân miếu, vậy nên ông Thìn mất thiêng và con quỷ lang thang đã chiếm lấy cái chỗ ấy. Người trong làng không một ai hay biết, từ đầu tháng đến mười rằm, tết tư đều đến đây xin xỏ, khấu cầu. Chính những hương hỏa và lòng tin ấy khiến con quỷ từ chỗ lang thang và yếu ớt dần trở nên mạnh hơn, có nhiều những sức mạnh không ai ngờ hơn. Nó thuận theo ý những người nông dân thật thà nơi đây, biến miếu ông Thìn ngày càng linh thiêng rồi dựa vào tín ngưỡng của họ mà sống. Nhưng con quỷ nào cũng có lòng tham. Nó lợi dụng họ cho đến lúc bản thân đủ lớn mạnh để lộng hành thì bắt đầu đi lùng thiếu nữ. Không gì hơn hồn của một thiếu nữ còn trinh, và nó chọn Mây.

Ngay khi chàng trai vừa dìm đầu Mây xuống, một chiếc gậy gỗ đập cái bốp vào lưng cậu ta. Cái gậy màu đen bóng nhìn xưa cũ, trên thân có mấy chữ cổ vẽ bằng mực vàng, nhìn là biết của bà cụ Gái nhà bên. Chàng trai ăn cú đau điếng buông tay ra, Mây trượt nhanh xuống lòng ao. Ông bà Tư hét lên, lao về phía nó. Chàng trai kia ôm bả vai gục bên cạnh, rõ ràng là cú đập vừa rồi rất mạnh. Không ai có tâm trí thắc mắc tại sao một bà lão lọm khọm lấy đâu ra sức mà đánh mạnh đến thế. Cái Mây đã ngất lịm đi, hơi thở yếu ớt. Bà Tư quay sang phía cụ Gái, hét lớn:

- Cụ làm cái gì thế hả?! Cụ làm cái gì thế!!!

Bà cụ gái nhăn mặt khom lưng để nhặt cây gậy lên. Cụ không trả lời bà Tư mà nâng cái bình đen ở bên tay còn lại, miệng lẩm nhẩm đọc gì đó. Mỗi câu cụ đọc lại khiến chàng trai kia quằn quại thêm một chút. Cụ cứ niệm mãi cho đến khi gương mặt của cậu ta chảy ra như sáp phơi nắng gắt, từng "giọt" da thịt cứ nhỏ xuống đất lộp bộp. Rồi đến máu và xương. Xương của chàng trai màu xanh xanh đỏ đỏ, không chỗ nào là không có những cái lỗ giòi lúc nhúc, mùi hôi thối xộc lên như xác chuột phơi đã lâu dưới nắng hè tháng bảy rồi giáy vào góc nhà ẩm mốc. Mọi người nhăn mặt che mũi, bà Tư quay về phía ao nôn thốc nôn tháo. Chàng trai kia thì rú lên hoang dại, nghe như âm thanh từ xa xôi vọng tới, rờn rợn như tiếng vong hồn than khóc. Tiếng rú của cậu ta nghe kĩ thì như có quy luật, lúc nhanh lúc chậm, khi thì vồn vã, khi thì hạ giọng lầm bầm. Mãi cho tới lúc cậu ta hoàn toàn hóa thành một vũng sền sệt màu đen, ngấm đẫm vùng đất dưới chân thì tiếng gào rú kinh khủng ấy mới dừng lại.

Bà cụ Gái lật đật chạy lại góc vườn, cố gắng kéo lê cái xẻng nặng trịch tới dúi vào tay ông Tư, giục:

- Mau, đào chỗ đất ấy đi chú Tư.

Trong lúc ông đào, cụ đưa miệng bình xuống sát chỗ đất đó, quơ quơ, miệng lẩm nhẩm. Chẳng mấy chốc mà một luồng khói đen bay lên, lơ lửng như chống cự rồi chui tọt vào trong bình. Cụ Gái vội nút cái bình lại, cho vào mảnh vải lớn cùng với chỗ đất thấm nước đen, buộc thật chặt rồi cắn ngón tay lấy máu và vẽ những đường ngoằn ngoèo lên đó. Đoạn cụ dùng sợi chỉ ngâm trong máu mình để khâu tất cả chỗ hở của cái bọc lại. Khi vừa khâu xong mũi cuối cùng thì cụ cũng kiệt sức, rốt cuộc thì cụ cũng đã vào cái độ tuổi xưa nay hiếm, gần đất xa trời rồi. Nằm một lúc trong hơi thở ngắt quãng mỏi mệt, cụ chợt vùng dậy, lết đến bên Mây, nắm góc áo nó nhìn thật kĩ. Bông hoa đỏ thắm đã chỉ còn viền hồng nhạt. Trong khi ông bà Tư thở phào thì cụ đanh mặt lại, nói một cách thều thào đứt đoạn:

- Cái Mây... chưa... chưa xong... đâu...

Rồi cụ Gái nằm vật xuống đất nghe "bịch" như thể không xương. Ông Tư lay cụ mấy cái, hốt hoảng nhận ra cơ thể cụ lạnh đi rất nhanh. Ông run rẩy đưa tay lên cổ cụ, mạch đã ngưng rồi.

***

Rồi sao nữa hả bà? Chị Mây sau đấy thế nào, còn miếu ông Thìn thì sao?

Chuyện sau đấy hả, bà cũng không nhớ rõ. Hình như miếu ông Thìn rừng rực cháy giữa đêm, đến sáng hôm sau người ta đến thì đã chỉ còn miệng giếng đen sì, nước dưới giếng cũng đen như đổ mực. Còn Mây... hình như cô ấy cũng hóa điên, giết cha giết mẹ, gần mười tháng thì đẻ được đứa con chẳng biết của ai, trên má trái nó có vết bớt hình hoa đào phớt hồng. Rồi đứa bé ấy lớn lên, rời khỏi làng, có gia đình riêng của mình. Nó cũng giết mẹ nó rồi mới trốn đi thì phải. Cái lời nguyền ấy truyền cho các đời sau, hoặc là con giết mẹ, hoặc là mẹ giết con. Kiểu gì một trong hai cũng sẽ phải chết.

Độc ác quá!

Ừ, lời nguyền và quỷ ám là những thứ rất đáng sợ. Con đừng đi chơi gần miếu, mộ nhé. Đừng nghe quỷ liên thiên.

Vâng ạ! Mà bà ơi, gấu áo bà có gì kìa?

Chỉ là vết mực thôi, đi chơi đi.

***

Một vết mực đỏ hình hoa đào.

Đừng nghe quỷ liên thiên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vn